Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

KHÉP LẠI MỘT CUỘC TÌNH - Truyện của Phương Lan

Đêm lạnh buồn hiu hắt
Trăng soi mờ lối xưa
Lệ em nhòa trên gối
Khóc cuộc tình năm xưa
<!>
Anh đi không từ giã
Để em buồn ngẩn ngơ
Nhớ anh, em chỉ biết
Mong anh về trong mơ
Dĩ vãng! ôi dĩ vãng sao như một giấc mơ…Đêm nay cũng như bao đêm không ngủ được, tôi thả hồn vào dĩ vãng, ngậm ngùi nhớ lại thuở xa xưa…
Năm mười bảy tuổi, tôi sửa soạn thi tú tài.  Bài vở khá nhiều, nên buổi trưa tan học, tôi chỉ về nhà ăn uống qua loa, rồi tà tà đạp xe đến thư viện để ôn tập.  Thật ra nhà tôi cũng không chật chội lắm, nhưng vì cha mẹ tôi hay họp bạn bè để đánh bài, nên nhà lúc nào cũng ồn ào như cái chợ.  Đến thư viện, chẳng những yên tĩnh, mà nếu cần sách vở để tra cứu, có thể mượn ngay tại chỗ, rất tiện.  Thường ngày, tôi vẫn đi sớm để chiếm một chỗ ngồi gần cửa sổ, ngó ra sân sau của thư viện, nơi có những khóm trúc màu xanh trông thật là mát mắt.  Thế mà một hôm, tôi đến hơi trễ một chút, chỗ ngồi của tôi đã có người chiếm.  Đó là một anh chàng trẻ tuổi, mái tóc bồng bềnh có vẻ nghệ sĩ.  Tôi còn đang đứng xớ rớ chưa biết tính sao, thì hắn bỗng ngẩng lên, nhe răng ra cười:
-         Tôi tới sớm để xí chỗ cho cô, chứ không phải để dành chỗ của cô đâu, đừng lo.
Nói xong, hắn đứng ngay dậy, gấp quyển sách đang đọc dở, nhìn tôi mỉm cười, chắc hắn chờ tôi nói một lời gì đó, nhưng tôi chỉ làm thinh, ngồi xuống ghế.  Hắn nhắc:
-         Không cám ơn à?
Tôi xí một tiếng:
-         Ai khiến? chiếm chỗ của người ta rồi còn kể công?
Hắn cười cuời, rồi bỏ đi, chắc hắn thấy chơi trò dành chỗ dùm coi bộ không xong, vì có ai thèm ngồi ở một góc tối tận cuối phòng?  Mấy hôm sau, tôi lại thấy hắn xuất hiện nơi phòng đọc sách, ngồi ở một góc đối diện với chỗ ngồi của tôi.  Hình như hắn tới đây không phải để gạo bài như bao nhiêu người kác, vì không thấy hắn đem theo sách vở, lại nữa hắn chỉ ngồi một lúc, rồi biến mất lúc nào không ai hay.  Hắn như một bóng ma, khi ẩn, khi hiện.  Những lúc có mặt hắn ở đó thì tôi khó chịu ghê lắm, mỗi khi ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt chiếu tướng của hắn, tôi lại cảm thấy nhột nhạt, nhìn chi mà nhìn như thôi miên, làm người ta nổi cả da gà.  Tôi xoay cái ghế lại, cho quay lưng về phía hắn, nhưng cũng không khá hơn, tôi vẫn có cảm giác  của một người đang bị rình rập ở phía sau lưng.  Bực quá, tôi gấp sách lại, toan đứng lên, thì hắn lù lù đi tới:
-         Sao? tại tôi mà cô không học bài được hả? xin lỗi nhé.
Ghét cái bản mặt tự tin, cứ làm như vì hắn mà tôi phải bối rối, tôi nói cho bõ tức:
-         Biết vậy sao không rút lui đi?
-         Có cố gắng, nhưng không được, trí óc tôi bảo đừng tới nữa, nhưng con tim tôi… à quên, cặp chân tôi không nghe, cứ bước tới đây.
Tôi muốn phì cười, nhưng lại làm mặt nghiêm:
-         Anh làm phí một buổi học của tôi rồi.
-         Đã xin lỗi rồi mà? Vẫn chưa bằng lòng thì cô cứ xử phạt đi, muốn đánh, giết gì thì cứ việc đánh, giết…
-         Xí, ai thèm.
Hắn làm mặt trây:
-         Nếu cô tha phạt, thì tôi sẽ chuộc tội.  Tôi đưa cô về nhé?
-         Khỏi cần, tôi có xe mà.
Nói xong, tôi thu xếp sách vở, sửa soạn ra về, không để ý đến nụ cười bí hiểm của hắn.  Bên ngoài, trời đã tối đen, đường phố vắng vẻ, phố xá đã lên đèn.  Tôi bước vội đến chỗ dựng xe đạp, chợt hết hồn thấy bánh xe sau của tôi xẹp lép.  Trời ơi! tối thế này mà hỏng xe thì làm sao về nhà?  Tôi sợ hãi nhìn quanh, xem có gặp người quen nào không, nhưng mọi người đã ra về hết, chỉ còn mình hắn đang loay hoay mở khóa cái xe vespa dựng gần xe đạp của tôi.  Hú vía! chỉ chậm một chút nữa là hắn cũng đi mất.  Không biết làm sao hơn, tôi đành nhìn hắn cầu cứu:
-         Xe tôi bị xẹp lốp rồi.
-         Vậy hả? nhưng không sao đâu, tôi có bơm đây.
Tôi thở phào, đứng tránh qua một bên, nhìn hắn rút cái bơm cài ở yên sau ra, hì hục bơm.  Bánh xe căng phồng trở lại, hắn xoa tay, vui vẻ nói:
-         Cũng may không cán phải đinh, chỉ lỏng đầu van thôi, tôi đã vặn chặt lại rồi.
Tôi mừng rỡ, nhìn hắn như nhìn một vị cứu tinh và cám ơn rối rít.  Hắn mỉm cười:
-         Để tôi đưa cô một quãng nhé?  Đường vắng quá, lại tối rồi, cô đi một mình nguy hiểm lắm. 
Tôi gật đầu.  Hắn cho xe chạy song song với tôi, trông hắn thật vất vả, vì cứ phải chạy xe vespa chậm rì rì cho bằng với tốc độ xe đạp của tôi.  Xe của hắn lâu lâu lại tắt máy, và mỗi lần như vậy, tôi cũng dừng xe, chờ cho hắn nổ máy lại.  Gần đến nhà, tôi không cho hắn đi theo nữa, sợ có ai trông thấy.  Hắn gật đầu thông cảm, rồi phóng xe vọt đi.  Chúng tôi vẫn chưa biết tên nhau.  Thế rồi xe tôi thỉnh thoảng cứ bị xẹp lốp hoài, và lần nào hắn cũng xuất hiện đúng lúc với cái bơm trên tay… Riết rồi tôi đâm ra nghi ngờ, một hôm tôi hỏi thẳng:
-         Này! có phải anh là thủ phạm vụ xì lốp xe của… người ta?
Hắn đỏ mặt, lúng túng một hồi rồi mới chịu thú nhận:
-         Không làm vậy, tôi đâu có dịp đưa cô về?
Tôi đứng im, vừa tức, vừa buồn cười, nhưng trong lòng có một chút kiêu hãnh, thì ra hắn nhọc công, khổ kế như vậy cũng chỉ vì mục đích muốn làm quen.  Nhưng tôi thì có gì đặc biệt để hắn chú ý? mười bảy tuổi, tôi chưa bao giờ biết trang điểm, mái tóc thề của tôi có óng ả thật đấy, nhưng người tôi chưa nẩy nở, tôi vẫn gầy gò như một cô bé mười lăm, và mặt mũi phờ phạc vì phải thức đêm gạo bài.  Tôi biết tôi không có gì để hấp dẫn bọn con trai cả, đã thế tôi lại không biết điệu đà, chỉ biết cắm đầu vào sách vở.  Vì thế, trong khi các bạn cùng trang lứa với tôi đã có nhiều cây si, thơ tình nhận được cả xấp, mang vào lớp khoe nhau, cuộc sống tình cảm của tôi vẫn êm rơ, chưa có tên con trai nào để ý đến tôi cả.  Anh chàng này là người đầu tiên muốn tán tỉnh tôi đây, nhưng tán cái kiểu này kỳ cục quá, nhiều phen tôi sợ đến mất vía, thế mà tôi cứ tưởng hắn là vị cứu tinh, và tôi phải chịu ơn hắn.  Hắn khôn ngoan, mưu mẹo quá trời, và trông hắn cũng thật là… dễ thương.  Tôi hơi mắc cở với ý nghĩ đó, và tôi mỉm cười.  Nụ cười của tôi chắc làm hắn yên lòng, hắn chớp mắt nhìn tôi, vui vẻ:
-         Hết giận rồi à? mình làm bạn nhé?  Từ nay tôi khỏi phải mưu kế nữa, cô vẫn cho tôi đưa về phải không?  Nếu không, tôi cũng xin phép được theo sau để bảo vệ cho cô.
-         Anh muốn đi trước, đi sau tùy ý, cần gì phải xin phép?  Đường phố là công lộ, chứ có phải là của riêng tôi đâu?
Tôi nói bằng giọng cố làm ra vẻ thờ ơ, nhưng nét mặt lại biểu hiện khác hẳn.  Hắn tủm tỉm cười:
-         Như thế là cô đã đồng ý rồi đó nhé?  Cám ơn trời Phật, cám ơn cô.
Vừa nói, hắn vừa nhìn tôi đắm đuối.  Tôi mắc cở cúi đầu, mặt nóng bừng  một cảm giác xôn xao, lạ chưa từng thấy.  Nắng ngoài sân bỗng rực rỡ, và hoa cỏ hình như xinh tươi hơn, một buổi chiều vàng tuyệt đẹp.  Đêm hôm đó tôi thao thức mãi không sao ngủ được, cứ nằm bâng khuâng nghĩ ngợi vẩn vơ, cô bé mười bảy đã hết vô tư rồi.
Cuối tuần, chàng mời tôi đi ăn ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh. Tôi diện một cái áo đẹp nhất, và có thoa một chút son hồng trên môi.  Thức ăn dọn ra ê hề, nhưng chàng gần như không đụng đũa, còn tôi thì đói bụng muốn chết, nhưng không dám ăn nhiều, vì chàng cứ ngồi hút thuốc, nhìn đăm đăm như muốn uống lấy tôi.  Khói thuốc mờ ảo, chỉ có đôi mắt chàng sáng như sao, và tim tôi đập nhanh hơn bình thường.  Hai đứa nói chuyện bâng quơ, chẳng ra đâu vào đâu mà cũng mất khối thì giờ.  Nắng chiều nhạt dần lúc nào không hay, mặt sông đen thẫm lại, nhà hàng bật đèn sáng choang, tôi giật mình nhìn đồng hồ:
-         Hạnh phải về, trễ rồi.
-          Lát nữa đi! Chàng năn nỉ, bây giờ mới chưa đến 8 giờ.
-          Mọi ngày Hạnh về nhà lúc 7 giờ.  Hôm nay trễ cả tiếng rồi đó, Hạnh sợ bố mẹ lo.
-          Không sao đâu, để anh vô nhà nhận tội thay cho Hạnh nghe?
Tôi hốt hoảng:
-         Đừng, đừng! Bố mẹ mắng chết, Hạnh chưa đi chơi với đàn ông bao giờ.
Đôi mắt chàng sáng lên, vẻ thích thú:
-         Bây giờ thì khác rồi, cô bé!  Chàng nhìn áo mới và bando cài tóc của tôi, cười chế diễu, cô bé bắt đầu biết làm dáng rồi, thấy chưa?  Bắt đầu từ hôm nay, cô có bạn trai rồi đó.
-          Xí! ai thèm làm bạn với anh?
Chàng cười xoà:
-         Ờ thôi làm em vậy, Hạnh nhỏ hơn anh nhiều, phải nghe lời người lớn chứ?
Anh chàng bẻm mép quá, biết nói không lại, tôi đành làm thinh.  Chàng  cười:
-         Bây giờ có chịu cho tôi đưa về chưa? hay muốn ngồi ăn vạ ở đây?
Nói xong, chàng nắm lấy tay tôi, kéo đứng dậy.  Tay chàng ấm quá, tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy qua, làm tôi rùng mình, rút tay lại, nhưng chàng giữ chặt, tôi đành chịu thua.  Chàng thấy tôi run thì buông ra ngay, và tôi ngoan ngoãn theo chàng ra cửa.  Màn đêm đã buông, gió từ mặt sông thổi lên mát rượi, xa xa, những ánh đèn phía bên kia sông trông lấp lánh như những hạt kim cương. Trên bầu trời đầy sao, mặt trăng treo lơ lửng trông như một cái đĩa bạc khổng lồ, toả ánh sáng êm dịu xuống cảnh vật, trăng đổ bóng đôi tình nhân đang sóng bước bên nhau.  Gió lạnh làm tôi xích lại gần, chàng quàng vòng tay che chở, chúng tôi đi sát tới nỗi tưởng như có thể nghe thấy tiếng tim đập của nhau.  Ông trăng tinh quái vừa ló ra khỏi đám mây, ngó xuống nhìn thấy hết, mặt ông tròn vành vạnh như mỉm cười.
Từ đó, tôi vẫn lén cha mẹ để cùng chàng hẹn hò, gặp gỡ, chẳng đếm là bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ thấy đủ, vì hễ cứ xa nhau là nhớ.  Mùa hè sắp tới, hết hè là thu, mùa của yêu đương, nhưng với tôi thì mùa thu đã tới rồi, bởi vì chàng đã mang mùa thu tới sớm, chỉ riêng cho tôi.

Chàng là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh, điều này chẳng phải chàng khoe đâu, và tôi cũng không được đọc những bài báo chí ca tụng chàng, nhưng tôi đã nhiều lần được thưởng thức những ngón đàn tuyệt diệu của chàng.  Chàng cộng tác với một ban nhạc, đêm đêm đi kéo đàn trong một vũ trường để kiếm sống.  Không biết chàng có hài lòng với công việc đó không, vì chưa bao giờ thấy chàng đề cập tới.  Có lần, viện quốc gia âm nhạc tổ chức một buổi trình tấu nhạc cổ điển Tây phương, chàng đưa tôi đến, để nghe chàng trình diễn, tôi lại một phen được thưởng thức tài nghệ tuyệt luân của chàng.  Chững chạc trong bộ áo đuôi tôm, cổ thắt nơ đen, chàng như đắm hồn trong một thế giới khác, thế giới của những âm thanh huyền ảo.  Khi tiếng đàn réo rắt của chàng cất lên, cả hội trường im phăng phắc, ngất ngây trong những tiếng nhạc du dương.  Thời gian như ngừng trôi, và không gian tràn ngập những âm ba thanh thoát.  Bản nhạc dứt, chàng bước xuống hội trường trong tiếng vỗ tay vang dội tưởng chừng không bao giờ dứt.  Lần đầu tiên, tôi có ý nghĩ tài nghệ của chàng phải được đặt ở một vị trí cao hơn là làm một nhạc sĩ trong hộp đêm, kéo đàn cho thiên hạ nhảy đầm.  Nhưng xã hội thời bây giờ, người ta ít trọng vọng nghệ sĩ, vì có mấy ai hiểu được giá trị của nghệ thuật.  Tôi không có nhiều kiến thức về âm nhạc, nhưng tôi biết thưởng thức, biết cảm xúc, biết rung động trước những âm thanh diễm ảo.  Tiếng đàn của chàng có lúc dồn dập như thác đổ, có lúc nhẹ nhàng, mong manh như sợi tơ vắt ngang trời.  Trong tiếng đàn, tôi tưởng như nghe được tiếng gió thoảng, tiếng mưa rơi tí tách, tiếng chim hót, tiếng lá rơi và… kỳ diệu hơn nữa, tôi cảm nhận được tiếng thu bàng bạc trong đêm trăng.  Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp, có hoa thơm, có bướm lạ, có suối trong, và tiếng vĩ cầm réo rắt của chàng.  Hẹn hò vẫn thường xuyên, không ai nói nhiều, nhưng tình thì đã trao nhau tràn trong ánh mắt, rồi đêm về bâng khuâng.   

Tim tôi đầy ắp hình ảnh của chàng, chỗ đâu nhường cho sách vở, nên kỳ thi đó tôi rớt.  Trong khi các bạn bè của tôi tưng bừng ăn khao thi đậu, thì tôi đến thư viện, tìm một góc vắng, ngồi khóc xưng cả mắt.  Chàng xẩn bẩn một bên, dỗ dành:
-         Khăn đây, lau nước mắt đi!  Đừng khóc nữa, người ta tưởng anh bắt nạt em.
Tôi khóc lớn hơn:
-         Tại anh đó, tại anh mà em thi rớt.
-         Sao lại tại anh?
-         Chứ không à?  Suốt ngày cứ nghĩ đến anh, em còn tâm trí đâu mà học bài?
-         Thật thế ư?  Chàng reo lên một cách sung sướng, em làm anh cảm động quá, hôm nay chúng ta phải đi ăn mừng mới được.
-         Anh nói sao? em thi rớt mà ăn mừng?
-         Rớt hay đậu đâu có quan trọng? quan trọng là em vừa thú nhận
     rằng em đã yêu anh.
-         Em thú nhận hồi nào?
-         Thôi đi cô bé! đừng chối, nếu không yêu tôi, sao cô mất ăn mất ngủ đến nỗi thi rớt?
Ừ nhỉ, anh chàng tinh như ma, còn tôi đã hớ hênh để lộ tâm sự của  mình, chắc chàng cười chết, tôi xấu hổ quá nên làm mặt giận.  Chàng nắm lấy hai tay tôi, đặt lên ngực chàng, nơi trái tim, tay tôi run và tim chàng đang đập loạn xạ, chàng nâng mặt tôi lên cho mắt chàng chìm sâu trong mắt tôi:
-         Hãy ngẩng lên nhìn anh đi, cô bé!  Anh thú nhận rằng anh cũng rất yêu em.
Và rồi chàng thì thầm hát như ru bên tai tôi:
          Cô Bắc Kỳ xinh đẹp của tôi ơi
            Tôi muốn cô luôn luôn chỉ mỉm cười
            Đừng để sầu vương trong ánh mắt
            Buộc lòng tôi phải xì lốp xe thôi
Tôi cười chảy cả nuớc mắt:

          - Không biết xấu hổ sao còn dám nhắc lại?
-         Anh rất biết ơn cái bơm xe đạp.  Chàng đáp tỉnh bơ, nhờ có nó, anh đã tán được em.
Tôi lại bật lên cười lần nữa, chàng vui mừng:
-         Hết buồn rồi phải không? em đã cười rồi đấy nhé?  Phải đấy, tội gì mà buồn trong một buổi chiều đẹp như hôm nay. Để đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tình cảm của chúng mình, anh đưa em đi nghe nhạc, chịu không?
Tôi lắc đầu:
-         Không được đâu, lộ chết.  Vừa mới thi xong, em đâu còn cớ nói dối đến thư viện học bài?
Chàng tần ngần một lúc, rồi đề nghị:
-         Hay là mình chính thức hóa đi em?
-         Chính thức hóa cái gì?
-         Chúng mình đâu có thể cứ lén lút như thế này mãi?  Hãy đưa anh đến ra mắt cha mẹ em, để chúng mình có thể công khai gặp gỡ.
Tôi nghĩ chàng có lý và tôi đồng ý, hai đứa bàn định ngày giờ, và hồi hộp chờ đợi cái giây phút lịch sử đó.  Cuộc trình diện chàng với gia đình tôi không đem lại kết quả mong muốn: ba phiếu chống và một phiếu thuận.  Ba phiếu chống là của cha mẹ, và bà chị cả của tôi, với lý do:
-         Cậu ta không có nghề nghiệp vững chắc, nhạc sĩ chỉ là thứ xướng ca vô loài, nghèo mạt rệp, nuôi thân còn khó khăn, nói chi đến nuôi vợ con?  Lại nữa, nó già quá so với con Hạnh.
Bên bỏ phiếu thuận là anh trai tôi, cũng tranh cãi kịch liệt:
-         Xời! mới ba mươi tuổi mà kêu là già?  Cậu ta hơn con Hạnh muời ba tuổi thật đấy, nhưng đàn bà phải sanh nở nên mau già hơn đàn ông, mai mốt con cái cả bầy, sợ trông nó còn già hơn chồng.  Vả lại nhạc sĩ cũng năm, bảy loại, cậu ta học nhạc tới mười bẩy năm, kể về bằng cấp, còn hơn cả cử nhân.  Học chữ ai cũng học được, học nhạc không phải ai cũng thành nhạc sĩ cả đâu.  Con Hạnh mà được làm vợ một thiên tài, là may mắn cho nó.
Nhận xét của anh tôi đúng quá, và tài biện luận của anh cũng khỏi chê, dân trường luật có khác.  Nhưng cãi gì thì cãi, cũng không thắng được quyền uy, và lý do chính là vì cha mẹ tôi đã hứa gả tôi cho một ông bác sĩ tương lai, con của hai người bạn thân của ông bà.  Mẹ tôi dỗ ngọt:
-         Con thử nghĩ xem, làm một bà bác sĩ danh giá biết bao nhiêu?  Thời buổi nay, cô gái nào mà chẳng mơ ước một địa vị như vậy?  Con phải thực tế một chút, đừng vì tiếng đàn mê hoặc của nó mà lỡ mất cơ hội.
Tôi khóc:
-         Nhưng con không thể làm vợ một người mà con không yêu được.  Van mẹ cho con được chọn lấy bạn trăm năm của con, con đã lỡ yêu anh ấy rồi.
Mẹ hốt hoảng:
-         Con đã lỡ làm sao?
Tôi cười buồn:
-         Mẹ yên tâm, Khoa không phải là người như mẹ nghĩ đâu, chúng con chưa bao giờ vượt qua vòng lễ giáo.
Bà thở phào:
-         Mẹ tin con, nhưng từ nay không đưọc đi lại với cậu ta nữa, sợ bên kia người ta biết được, mang tiếng.
Trời ơi! ai ngờ thành tâm, thiện ý của chàng lại đưa đến một kết quả trái ngược.  Tôi không còn cơ hội để gặp chàng được nữa, bị cha mẹ canh chừng ráo riết, cộng với sự phụ hoạ của bà chị cả, tôi mất hết tự do.  Bà chị cả của tôi mới hai mươi tám tuổi mà đã một lần dang dở.  Sau khi bị người yêu phụ bạc, chị ấy thù ghét đàn ông như đào đất đổ đi, đối với chị, người đàn ông nào cũng là những tên lưu manh, lừa đảo.  Chị thề không bao giờ lấy chồng, cam phận ở vậy làm gái già, khó tính còn hơn mẹ chồng.  Chị phê bình gay gắt:
-         Không hiểu sao mày lại đi mê cái anh chàng nhạc sĩ nghèo kiết đó?  Nội cái nó đi làm trong hộp đêm là nơi ăn chơi không đứng đắn, cũng đủ mang tiếng rồi.
-         Chị biết gì mà nói?  Tôi cãi xon xỏn, giá trị của con người đâu có căn cứ trên tiền bạc? chị mê vật chất nên bị lừa, còn chưa tỉnh hay sao mà lên mặt dạy đời? 
Chưa dứt lời, thì bốp một cái, một cái tát như trời giáng bay tới, làm tôi xiểng niểng.  Tôi ôm mặt lùi ra khỏi cửa, đưa cặp mắt oán hận nhìn chị tôi lúc đó cũng đang ôm mặt khóc.  Thôi rồi, tôi vừa làm một điều lầm lẫn, lẽ ra tôi không nên khơi dậy một vết thương đang rỉ máu trong tim chị, lẽ ra tôi phải năn nỉ chị để có thêm đồng minh… Nhưng muộn rồi, từ hôm đó, chị đối xử với tôi lạnh nhạt như người dưng.  Đàn bà thường hay nhỏ mọn, chị tôi lại thêm cái tính thù vặt, chẳng hiểu bà ấy ỏn thót gì với mẹ tôi, mà cả hai cùng hiệp lại, canh chừng tôi chặt chẽ, đi đâu một bước phải xin phép.  Đã hơn ba tuần tôi chưa được gặp chàng, ôi chao là nhớ!  Tôi gầy hốc hác, biếng ăn, biếng ngủ, trông tôi úa sầu như một bông hoa héo.
Còn chàng, không biết thế nào?  Nhớ lại buổi chiều hôm đó, chàng ngồi cứng nguời trên ghế, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi không mấy cảm tình của cha mẹ tôi, như một nghi can đang bị lấy khẩu cung.  Cuộc “ thẩm vấn ” không kéo dài lâu, vì chàng không quanh co, cứ thành khẩn khai hết, từ tuổi tác, tới học vấn, nghề nghiệp, gia thế, công ăn việc làm… Lấy khẩu cung xong xuôi, chúng tôi được “ ân huệ ” nói chuyện riêng với nhau mười lăm phút.  Chẳng phải là thầy bói, cũng biết việc không thành, thấy tôi ủ rũ, buồn thiu, chàng nắm lấy tay tôi, dặn dò:
-         Dù có thế nào cũng không được nản lòng, em nhé? Yêu nhau là phải biết tin tưởng ở nhau.
Nay tôi bỗng dưng biệt dạng, anh chàng chắc là lo sợ, không biết việc gì đã xảy ra cho tôi.  Chàng phản ứng thật liều lĩnh, một hôm tôi đang thẫn thờ ngồi nơi phòng khách, tay cầm quyển sách, nhưng chẳng đọc được chữ nào, bất thình lình thấy chàng xuất hiện ngay nơi cửa, mặt mũi hốc hác và đôi mắt trũng sâu.  Không nén nổi thương nhớ, tôi nhào vào vòng tay dang rộng của chàng, khóc nức nở.  Không may cho chúng tôi, chị Trâm vừa đi đâu về, trông thấy cảnh đó thì la toáng lên:
-         Ô hay, cậu đang làm gì thế kia, cậu Khoa? có buông ngay em tôi ra không? Nên nhớ đây là nhà tôi chứ không phải vũ trường đâu mà định dở trò xàm xỡ.
Câu nói mới ác làm sao, độc địa còn hơn rắn rết.  Tôi run lên, nhưng chàng vẫn tỉnh bơ, làm như không nghe thấy câu nói xúc phạm đó, chàng vẫn thản nhiên ôm vai tôi, ngắm nghía:
-         Trông em gầy đi nhiều, chắc nhớ anh lắm hả?
Tôi khẽ đẩy chàng ra, nhưng chàng vẫn giữ tôi chặt cứng.  Chị tôi thấy thế càng tức, cho rằng đang bị khiêu khích, thế là bà ấy nghiến răng, xỉa xói:
-         Cậu nên nhớ rằng em tôi còn vị thành niên, cậu láng cháng chọc ghẹo nó, coi chừng tôi kêu cảnh sát.
Chị quay sang tôi:
-         Hạnh, vô trong đi! để tao tống cổ nó.
Nhưng tôi đã lau nước mắt, không thèm đếm xỉa đến bà chị đanh đá, tôi nhìn chàng mỉm cười:
-         Đi, anh! chúng mình ra ngoài một lát.
Chàng đỡ tôi ngồi lên yên sau của chiếc xe vespa cũ kỹ, chở tôi ra ngoại ô.  Tìm một nơi vắng vẻ, hai đứa ngồi bên nhau dưới gốc một cây thông già.  Im lặng một lúc, chàng mới ngập ngừng lên tiếng:
-         Chúng ta sẽ phải xa nhau một thời gian, em ạ, anh mới nhận được giấy báo…
-         Xa nhau? Tôi kêu nên xửng sốt, không tin ở tai mình, có phải anh vừa nói thế không? hay em nghe lầm?
-         Anh vừa qua một kỳ thi tuyển của bộ giáo dục, và mới nhận được kết quả báo tin  là có tên trong danh sách những nguời được xuất ngoại  du học.
Tôi oà khóc:
-         Thế là anh bỏ cuộc? anh quyết định xa em?
-         Anh đâu có bỏ cuộc, anh đi là vì tương lai của chúng ta sau này, anh muốn sang Pháp học thêm về âm nhạc, để trở thành một giáo sư về môn vĩ cầm.
Chàng cười nửa miệng:
-         Là giáo sư thì có danh vọng hơn là một nhạc sĩ quèn phải không em?
-         Anh đâu phải là nhạc sĩ quèn? anh là một thiên tài, anh xứng đáng được làm giáo sư về môn âm nhạc.  Nhưng em không cần chức tước, tiền bạc, những thứ đó đối với em không quan trọng, em chỉ muốn được là người yêu của anh.
Chàng cuời buồn:
-         Yêu nhau thì phải đi đến hôn nhân, anh muốn cưới em, nhưng anh chưa đủ điều kiện.  Nhạc sĩ chỉ có tiếng nhưng không có tiền, nên bị người đời coi rẻ, gia đình em cũng vậy, em làm sao chống lại được với gia đình?
Chàng nói đúng quá, thấy tôi xịu mặt, chàng dỗ dành:
-         Phải cần thời gian em ạ.  Em mới mười bảy, anh ra trường em mới đủ tuổi kết hôn.  Yêu nhau thì phải biết đợi chờ, em nhé?
Tôi gật đầu, lệ bỗng rưng rưng.  Lấy khăn lau nước mắt cho tôi, chàng nói về những dự tính trong tương lai, khi chàng thành công trở về.  Nhưng mộng ước của chàng không thực hiện được, vì cuối mùa hè năm đó chàng bị gọi đi trình diện nhập ngũ tại trường Võ Khoa Thủ Đức.  Chiến tranh leo thang, chính phủ ra lệnh tổng động viên, giấy hoãn dịch của chàng vì lý do xuất ngoại du học đã bị bác bỏ.  Sống trong thời loạn ly, sao tránh khỏi thiệt thòi? chúng tôi đành thở dài, chấp nhận số mệnh.
Chàng lên đường tòng quân theo tiếng gọi của tổ quốc.  Tôi ở nhà ngoan ngoãn chăm học, tôi đậu Tú tài, rồi đậu luôn vào trường đại học sư phạm.  Chàng học xong chín tháng quân trường Thủ Đức, lại được gởi ra Nha Trang, thụ huấn khoá đào tạo sĩ quan hải quân thêm hai năm nữa.  Ngày tôi tốt nghiệp sư phạm, cũng là ngày chàng ra khỏi quân trường.  Chàng được nghỉ phép đặc cách một tháng, về dự tiệc ăn khao tôi trở thành cô giáo.  Tiệc mừng mà cũng là tiệc chia tay, vì bộ Tổng Tham Mưu cử chàng đi Hoa Kỳ học khoá huấn luyện sĩ quan lái tàu chiến. Thế là lại xa nhau, lần này cách cả đại dương, nhớ nhau chỉ biết trải tâm tư trên những trang giấy trắng.
Chàng viết “Lênh đênh trên sông nước cũng thú vị lắm.  Em thử tưởng tượng xem, khi tàu đang lướt sóng ngoài khơi, ngắm biển xanh bao la dạt dào sóng vỗ… anh thấy đời còn đẹp lắm ” - hoặc -  Có những buổi hoàng hôn, một mình thơ thẩn trên boong tàu vắng, ngắm mặt trời đỏ ối từ từ chìm xuống đáy nước, mặt sông long lanh gợn ánh vàng, thủy triều dâng cao, nghe nước róc rách vỗ mạn tàu, anh lấy đàn ra dạo vài bản nhạc mà nghĩ đến em, nhớ em vô cùng…”
Tôi mỉm cười cảm động.  Áp thơ chàng vào ngực, tôi nhắm mắt tưởng tượng ra cảnh bình minh trên biển khơi, cảnh hoàng hôn trên sông… được chàng làm cho thơ mộng thêm bằng những tiếng nhạc dặt dìu, đẹp biết bao, tình tứ biết bao, thanh bình như trong mơ!  Bỗng dưng tôi bật cười, đi trên tàu chiến, mà chàng tả như là đang đi trên du thuyền.  Ôi chao là lãng mạn, nguời yêu của tôi! người nhạc sĩ tài hoa, lúc nào cũng thích đem thơ, nhạc ra lồng vào khung cảnh hữu tình, làm nó trở thành tuyệt tác, đẹp như trong truyện thần tiên.  Chàng hay thi vị hoá mọi thứ, cứ làm như cuộc đời lúc nào cũng êm xuôi, đẹp như những dòng nhạc chiều.  Chàng không nghĩ đến chiến tranh tàn khốc, chiến tranh đã hủy diệt bao nhiêu sinh mạng con người, cũng như hủy diệt bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng…
Tôi thầm nghĩ tại sao người ta bắt chàng phải vào quân đội? Tài hoa của người nghệ sĩ phải được xử dụng cho đúng chỗ, bàn tay của người nhạc sĩ không phải để cầm súng bắn giết đồng loại, mà chỉ nên dùng để tạo ra âm thanh cho đời thêm tươi đẹp, cho vơi bớt khổ đau, cho xanh mầm hy vọng…
Chiến tranh là một cái gì thật tàn bạo và phi lý, tại sao người ta cứ phải giết hại lẫn nhau, dù không thù oán?  Tại sao không thể có một thế giới thanh bình, để người nông dân có thể yên tâm cày cuốc trên những cánh đồng bao la, để nhà thi sĩ tha hồ làm thơ ca tụng tình yêu, ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên, ca tụng tình người? để người nhạc sĩ tha hồ sáng tác, đem những âm thanh của đất trời vào cây đàn, chuyển thành những dòng nhạc bất hủ, để các nhà khoa học có thể dành hết thì giờ vào công việc khảo cứu, sáng chế, nhằm mục đích cứu người, thay vì phải lao tâm, tổn trí nghiên cứu, sáng chế ra những vũ khí giết người?
Không có chiến tranh, làm gì có cảnh nhà tan cửa nát?  Không có chiến tranh, làm gì có những người thiếu phụ trẻ, những đứa bé còn thơ mà đầu đã phải chít khăn tang?   Không có chiến tranh, làm gì có chia cách? không có chiến tranh, chàng đâu phải xa tôi?  Ôi! nhớ làm sao những buổi hẹn hò, hai đứa dìu nhau đi trên phố vắng, gió lạnh và vòng tay chàng ấm áp, đôi mắt đắm đuối của chàng như nói lên cả một trời yêu đương, nhớ tiếng hát trầm bổng của chàng buổi chiều nào như ru tôi vào cơn mộng…
Những tháng ngày xa cách sao mà dài quá đối với những kẻ đang yêu, thời gian dường như trôi rất chậm.  Tôi ở nhà tiếp tục cuộc đời đi dạy học, sống những ngày bình thản, lặng lẽ, niềm vui là ngóng trông tin chàng.  Tôi mỏi mòn hết đợi lại chờ, yêu nhau là phải biết chờ mà.  Phía bên gia đình Quân, anh chàng sinh viên trường thuốc - nay đã ra trường - thấy tôi lạnh nhạt thì bỏ cuộc.  Cha mẹ tôi chỉ biết thở dài.  Thời gian qua tuy chậm, nhưng cũng qua đủ mọi chu kỳ, hết hạ, tới thu, sang đông, và bây giờ là mùa xuân.  Chị tôi ngán ngẩm:
-         Cứ chờ đợi hoài, riết rồi mày cũng thành gái già như tao.
Mẹ tôi buồn rầu:
-         Nếu con nghe lời mẹ, có phải bây giờ đã thành bà bác sĩ rồi không? Tiếc quá, người ta đã cưới vợ rồi.
Chị tôi thở dài:
-         Chị em nhà này giống tính nhau, hễ đã quyết định việc gì, thì không ai có thể lay chuyển được.
Nhưng rồi chàng cũng về nước, và chúng tôi đã làm đám hỏi, cha mẹ tôi chịu nhượng bộ, vì không muốn có tới hai cô gái già ở trong nhà.  Bên phía gia đình chàng, có bà mẹ già tuổi sắp bẩy mươi, và một cô em gái đã có chồng, họ đối xử với tôi thương yêu, thân mật, như tôi đã là dâu con trong nhà.  Sau đám hỏi, chàng đi Cam Ranh nhận nhiệm sở.  Căn cứ ở Cam Ranh, nhưng chàng thì lênh đênh trên tàu, vì bây giờ chàng đã là một trung úy hải quân.  Bây giờ đang là mùa đông, chúng tôi định đầu xuân sang năm sẽ làm đám cưới.  Chỉ còn vài tháng nữa thôi, tôi hớn hở đi may áo cưới, chị tôi cũng lăng xăng mua sắm các thứ cần thiết cho một cô dâu sắp về nhà chồng, bà ấy nói:
-         Mày tốt số được người ta đi cưới, còn tao…
Tôi an ủi:
-         Chị mới ba mươi mấy tuổi đâu đã gọi là già? còn thiếu gì cơ hội…
Nhưng chị lắc đầu:
-         Tao chán đàn ông, tìm được một đứa chung tình như nguời yêu của mày, đâu phải dễ?
Tôi sung sướng lẫn hãnh diện, nhưng làm bộ ngúng ngoảy:
-         Lẽ ra chị nên nói chung tình như hai đứa mày mới đúng, bởi vì chung tình đâu phải chỉ mình anh ấy, cả em nữa chứ?
Chị trề môi, nguýt:
-         Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Hai chị em cùng cười xoà.  Có tiếng chim kêu ríu rít trong vườn, tôi nhìn qua cửa sổ, ngoài trời nắng đang lên, có đôi chim bay liệng, chúng đang tha rác về làm tổ. Tim tôi rộn ràng, mùa xuân đã tới rồi, và ngày vui cũng sắp tới.  Ai sắp làm một cô dâu, đi lấy chồng mà không có những cảm giác vui buồn lẫn lộn thật kỳ lạ, vừa sung sướng, nôn nao, vừa bâng khuâng lo lắng, khi sắp phải rời xa gia đình, sắp phải giã từ thời con gái…Tôi muốn có chàng ở gần bên để chia xẻ, an ủi, và cho tôi những nâng đỡ tinh thần trước một cuộc đổi đời quan trọng, nhưng chàng phải đi hành quân nơi xa. Thôi đành, lấy chồng là trai thời chiến, cái gì mà chẳng phải chấp nhận?  Tôi một mình lo liệu hết mọi thứ, quà cho chàng, tôi đã mua một cây vĩ cầm tuyệt đẹp màu ngà, có khắc mấy chữ chạm vàng, hai tên Khoa - Hạnh quấn lấy nhau, anh chàng chắc là cảm động.  Đã hơn một tuần chưa nhận được tin tức của chàng, trừ bức điện tín báo tin chàng đang ở trên tàu, tuần tiễu vùng ven biển.  Điều này thì tôi đã biết trước, và sau cuộc tuần duyên, chàng sẽ được nghỉ phép một tháng để cưới vợ, và đi trăng mật.  Tôi đếm từng ngày mong chàng về, còn cả tháng, rồi mười ngày, một tuần... sốt ruột và nôn nao chi lạ.  Áo cưới đã may xong, thiệp cưới đã in và gởi đi, nhà hàng đã đặt, xong xuôi tất cả… chỉ còn đợi chú rể tốt số.  Thứ năm, Diệu Mi, em chàng đến tìm tôi từ sáng sớm.  A phải rồi, hôm nay là ngày hẹn cùng mẹ chàng để đi đo nhẫn cưới, chắc bà cụ sai Diệu Mi tới đón?  Ra mở cửa cho cô nàng, tôi mỉm cười:
-         Vào đây ngồi chơi với chị một lúc đã.  Còn sớm lắm, giờ này đâu đã có tiệm nào mở cửa?
Nhưng ô hay, mắt cô nàng sao đỏ hoe?  Diệu Mi thổn thức:
-         Anh Khoa chết rồi chị ơi!
-         Cô nói gì? ai chết? Tôi cau mày mắng, này, đừng có đùa kiểu đó làm tôi đứng tim đó nhé?  Mi chúa là độc mồm, độc miệng, nói năng chả kiêng cử chi hết.
-         Không, em đâu có đùa, anh Khoa chết thật rồi chị ơi!  Tàu bị trúng thủy lôi, xác được đưa vào nhà thương Cộng Hoà tối hôm qua...
Diệu Mi nói xong nấc lên khóc, hai vai cô nàng rung rung, khóc mà chẳng thèm che mặt.  Coi kìa! mặt cô ả sao trắng quá thế? trắng bệch như xác chết, môi cũng nhợt nhạt như xác chết… Ô hay, tôi làm sao rồi? cứ nghĩ đến xác chết hoài, cái gì cũng so sánh, cũng liên tưởng đến xác chết? À phải rồi, xác chết của chàng đang nằm trong nhà thương, có phải cô vừa nói thế? tôi phải đến gặp chàng mới được, người đâu vô tình, muốn bỏ đi cũng phải nói với người ta vài lời chứ?  Tôi nói, mắt ráo hoảnh:
-         Đi! Diệu Mi, đưa chị đến gặp anh ấy.
Tôi lảo đảo ra cửa, rồi lại quay ngay vào, không được, đầu tóc chưa chải, mặt mũi chưa trang điểm, thế này mà dám đi gặp chàng ư? đố khỏi bị chàng chê xấu xí.  Tôi bảo Diệu Mi, bấy giờ đang đứng ngây người nhìn tôi với cặp mắt sợ hãi:
-         Đợi một tí, cho chị đi thay áo đã.
Tôi vào phòng riêng, mở toang tủ áo, đắn đo mãi, chẳng biết lựa cái nào…  Anh Khoa! anh muốn em mặc áo màu gì? màu xanh à? nhưng cái áo đó đã cũ rồi, lại chật nữa, dạo này em hơi mập ra.  Cái áo màu hồng thì còn vừa, nhưng anh đâu có thích màu hồng? À thôi, hay là để em mặc thử áo cưới cho anh xem nhé? áo cưới đẹp lắm, anh chọn vải thì khỏi chê, tiệm may lại khéo nữa, em mặc vào trông trẻ lại, cứ y như hồi mới mười bảy tuổi.  A! nói đến năm em mười bẩy, lại nhớ đến cái bơm xe đạp, anh còn giữ nó không? cất ở đâu rồi? hình như cái xe của em lại bị xẹp lốp…
Tôi cười rũ rượi.  Có tiếng Diệu Mi hốt hoảng:
-         Trời ơi chị Hạnh! chị làm sao thế?
-         Tôi à? chẳng sao hết! tôi đang sửa soạn đi thăm anh cô đây.  À, tôi còn phải đem theo cây đàn cho anh ấy nữa, cây đàn này đặc biệt lắm, có một không hai, anh cô chắc là thích phải biết!
Nắng vẫn rực rỡ bên ngoài khung cửa nhà xác, chim chóc vẫn nhảy nhót, ca hót, gió vẫn lồng lộng… Mọi vật đều sinh động, chỉ trừ Khoa của tôi đang nằm im lìm, mắt khép kín.  Thế là anh đã chết thật rồi, không phải em đang nằm mơ đâu.  Có phải đây là lần chót em được nhìn thấy anh? để rồi sau đó, thân xác anh sẽ đi vào lòng đất, trở thành cát bụi, và em sẽ mất anh vĩnh viễn?  Thế là đã tàn rồi mộng ước tương lai, đã mất rồi đôi bờ vai vững vàng cho em tựa, đã hết rồi những tiếng đàn huyền hoặc năm xưa, hết rồi, hết tất cả… Tôi bật lên khóc nức nở, nước mắt như suối vỡ oà, nước mắt rơi ướt mặt người yêu.  Khoa ơi! anh vẫn bảo yêu là phải biết đợi chờ, em chờ anh bao nhiêu năm rồi, những lần xa anh, em rất nhớ nhưng không buồn, vì em biết anh sẽ quay về, em sống với hy vọng.  Nhưng lần này, anh đi không về nữa, em còn ai mà đợi mong?  Cúi xuống hôn chàng một lần cuối cùng, tim tôi đau như sắp vỡ tan thành từng mảnh.  Gục xuống thân xác chàng lạnh giá, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, ôi giấc mơ xưa đã tan tành rồi…
Đám ma chàng vào một buổi chiều ảm đạm, không có nắng, trời màu xám, mây xuống thấp như cũng muốn chia buồn.  Quan tài phủ lá quốc kỳ màu vàng từ từ được hạ huyệt, những nắm đất ném xuống, dần dần phủ kín hình hài người tôi yêu.  Ngày mai, người ta sẽ xây mộ cho cao lên, gắn bia ghi dấu nơi chàng an nghỉ ngàn thu.  Tôi ngồi bên mộ chàng rất lâu, chàng nằm đó, dưới ba tấc đất, thật gần mà cũng thật xa.  Ngủ yên đi anh! hãy ngủ giấc ngủ bình an, cuộc đời phù du ngắn ngủi, sống gởi thác về, kiếp này chưa vẹn lời thề, chúng ta hẹn nhau kiếp sau.
Mặt trời đã khuất sau rặng cây dương liễu, nắng nhạt dần trên những ngọn cây.  Trời sắp sửa tối, gió thổi ào ào như sắp có bão, bụi đỏ bay mù mịt, từng đàn chim xáo xác theo nhau bay về tổ, nghĩa trang không còn bóng người.  Mẹ thở dài, dìu tôi đứng lên, tôi lau nước mắt nhìn mẹ, da mẹ nhăn và tóc mẹ đã bạc nhiều rồi, suốt đời bà khổ vì con. Tội nghiệp mẹ, chỉ có một mộng ước đơn sơ mà không đạt được, mẹ mong gả chồng cho hai cô con gái, mà chẳng gả được cô nào.  Hẳn mẹ buồn lắm, thương cho đứa con xấu số chưa được làm cô dâu, đã trở thành goá phụ.  Mẹ biết rồi đây tôi sẽ sống cô đơn suốt đời, vì bà rất hiểu tôi, đứa con gái yếu đuối nhưng kiên cường, khi yêu, yêu chỉ một lần.  Khi cuộc tình đầu đã khép, lòng tôi cũng khép lại. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đã ngả thành màu tím, anh đang ở trên ấy, có thấy cô đơn như em không?  Giờ đây đôi ngả âm dương ngăn cách chúng ta, nhưng em tin rằng anh vẫn ở bên em, cho em thêm can đảm để đi nốt quãng đường còn lại, và cho em niềm tin chúng ta sẽ lại đoàn viên, bởi vì anh và em đã thề nguyện yêu nhau chỉ một lần thôi, cho muôn kiếp sau.

PHƯƠNG – LAN
( trích trong tác phẩm Còn chờ một kiếp sau do nhà sách Tự Lực phát hành )

Không có nhận xét nào: