Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Báo chí Trung Quốc đe dọa Boeing và ngành nông nghiệp Mỹ - Minh Anh

media
Máy bay Boeing Mỹ tại Hội chợ Hàng Không Hải Nam, Trung Quốc tháng 10/2016.STR / AFP Hãng chế tạo máy bay Boeing và ngành xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ có thể sẽ là những đối tượng bị trả đũa đầu tiên nếu Donald Trump khai mào cuộc chiến thương mại. Truyền thông Trung Quốc ngày 19/01/2017 cảnh báo như trên.<!>
Trong một bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng, tuy Hoa Kỳ có nền kinh tế mạnh hơn, Trung Quốc có thể sẽ phải bị thiệt hại nhiều hơn, một khi cuộc chiến bắt đầu, nhưng Trung Quốc cũng « sẽ dẫn Hoa Kỳ đi đến đường cùng ».
Tờ báo viết : « Có một vài trường hợp trong lịch sử hiện đại cho thấy trong một cuộc chiến thương mại chỉ có một bên chịu thua, nhưng nói đúng hơn là cả hai bên kết cục đều gây tổn thương cho nhau. Làm sao mà ê-kíp lãnh đạo của ông Trump có thể nghĩ là Trung Quốc sẽ chịu thua mà không có một biện pháp trả đũa nào ? ».
Bài xã luận nhắc nhở : « Ê-kíp lãnh đạo ngạo mạn của ông Trump đã đánh giá thấp khả năng đáp trả của Bắc Kinh. Nên nhớ rằng, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu chính các mặt hàng bông vải, lúa mì, đậu nành của Mỹ và còn là khách hàng lớn nhất của hãng máy bay Boeing ».
Văn phòng đại diện của Boeing tại Trung Quốc đã từ chối bình luận về những cảnh báo trên. Hãng chế tạo máy bay này từng dự báo thị trường hàng không Trung Quốc trong 20 năm tới cần đến 6.800 chiếc máy bay dân dụng, trị giá ước tính đến 1000 tỷ đô la.
Báo chí Trung Quốc có lời công kích mạnh mẽ này do việc hôm thứ Tư 18/01, tỷ phú Wilbur Ross, người được ông Donald Trump chọn làm bộ trưởng Thương Mại đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thương mại của Trung Quốc, và đe dọa sẽ tìm kiếm các biện pháp mới để trả đũa.

Đài Loan chê lãnh đạo Hoa lục « nhỏ nhen »

media
Một người biểu tình cầm cờ Đài Loan và Hoa Kỳ, hoan nghênh tổng thống Thái Anh Văn, trên đường công du Nam Mỹ, đã dừng chân ở Burlingame, California, Mỹ, ngày 14/01/2017REUTERS/Stephen Lam
Trung Quốc là nước lớn, tâm trí phải cởi mở, không nên cư xử nhỏ nhen với Đài Loan. Trên đây là phản ứng của Đài Bắc sau khi Bắc Kinh yêu cầu Washington cấm phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức của tổng thống tân cử Donald Trump ngày 20/01/2017.
Theo AFP, một phái đoàn Đài Loan do cựu thủ tướng Du Tích Côn dẫn đầu, sẽ tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ, trong số khách mời quốc tế.  Tuy nhiên, Bắc Kinh nổi giận và yêu cầu Hoa Kỳ cấm cửa đại diện của hải đảo mà Hoa lục xem là phản loạn.
Trong buổi họp báo hàng tuần ngày 19/01/2017, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh « thúc giục phía Mỹ không cho phép bất kỳ một phái đoàn chính thức nào của Đài Loan tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống cũng như không tiếp xúc chính thức với Đài Loan ».
Bắc Kinh đã bị trưởng đoàn Đài Loan Du Tích Côn trả đũa ngay lập tức bằng nghệ thuật đối đáp theo truyền thống lịch sử Trung Hoa : « lãnh đạo đại quốc nhưng tiểu trí ».
Cựu thủ tướng Du Tích Côn nhận định thêm « trong lịch sử Trung Hoa, chưa có một ông vua nào đầu óc hẹp hòi như lãnh đạo Hoa lục hiện nay », ám chỉ chủ tịch Tập Cận Bình. Ông kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc phải hành động sao cho xứng đáng là nước lớn. Mà « đại quốc » thì đừng có cư xử như « tiểu nhân ».
Cựu thủ tướng Du Tích Côn là một trong những lãnh đạo đảng Dân Tiến, đảng đang cầm quyền tại Đài Loan. Trong quá khứ, Đài Loan bao giờ cũng gửi một phái đoàn tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ nhưng không do tổng thống dẫn đầu.

Tư lệnh Mỹ : Châu Á cần đối phó với quân thánh chiến hồi hương

media
Đô đốc Mỹ Harry Harris (P) tại Philippines. Ảnh chụp ngày 22/11/2016.Reuters
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Châu Á Thái Bình Dương ngày 18/01/2017 đã lên tiếng cảnh báo : Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ bị các chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tấn công sau khi những phần tử này rời khu vực Trung Đông trở về nước.
Phát biểu tại một hội nghị địa chính trị ở New Delhi, đô đốc Mỹ Harry Harris khẳng định : « Đây không phải là lý thuyết suông mà là một thực tế. Chỉ riêng trong một năm qua, Daech đã bộc lộ rõ những ý định sát nhân tại các nước như Bangladesh, Indonesia, Philippines, Malaysia và Hoa Kỳ ».
Theo đô đốc Mỹ, do việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo liên tiếp bị thất trận ở Trung Đông, cụ thể là ở Irak và Syria, các chiến binh thánh chiến xuất xứ từ Bangladesh, Indonesia và nhiều nước khác có thể chạy trở về nguyên quán, hoạt động ngay tại quê nhà, và gây nên các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Lời cảnh báo của Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã tiếp nối theo một lời báo động tương tự của một trung tâm tham vấn tại Jakarta hồi tháng 10 năm ngoái 2016, theo đó mối nguy hiểm chủ yếu là ở khu vực miền Nam Philippines, nơi có nhiều nhóm Hồi Giáo cực đoan đã tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Đông Nam Á đã bị cuộc tấn công đầu tiên ký tên Daech vào 01/2016 khi các phần tử cực đoan tiến hành một vụ khủng bố tự sát ngay ở thủ đô Jakarta - Indonesia, khiến 4 dân thường thiệt mạng cùng với 4 tay khủng bố.
Các phần tử Hồi Giáo cực đoan có quan hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cũng đã thảm sát 20 con tin tại một nhà hàng ở Bangladesh vào năm 2016.

Cam Bốt bỏ tập trận với Mỹ để chiều lòng Trung Quốc ?

media
Thủ tướng Cam Bốt, Hun Sen. Ảnh chụp ngày 07/01/2017 tại Phnom Penh.Reuters
Chính quyền Cam Bốt vừa bất ngờ quyết định tạm hoãn tập trận thường niên với Mỹ. Phnom Penh đã nêu lý do cần tập trung lực lượng cho một sô nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đó là vì Cam Bốt muốn chiều lòng đàn anh Trung Quốc.
Thông tin về quyết định hủy bỏ các cuộc tập trận thường niên với Hoa Kỳ trong hai năm 2017 và 2018 đã được chính đại sứ quán Mỹ tại Cam Bốt xác nhận ngày 16/01/2017 với nhật báo Anh Ngữ The Cambodian Daily. Đây là một quyết định được cho là rất đột ngôt, vì cuộc tập trận chung Mỹ-Cam Bốt đã trở thành thông lệ từ bảy năm gần đây và công việc chuẩn bị cho cuộc tập trận thứ tám vào mùa xuân tới đây đã tiến rất xa.
Giải thích về lý do đình chỉ tập trận với Mỹ, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt Chuum Socheat nêu lý do là nước này cần điều động quân đội vào một số nhiệm vụ cấp bách hơn, cụ thể là phối hợp với lực lượng cảnh sát trong một chiến dịch bài trừ ma túy kéo dài sáu tháng liên tục và bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào ngày 04/06/2017.
Theo chuyên san The Diplomat tại Nhật Bản, đối với những ai hiểu biết đôi chút về quan hệ quốc phòng Mỹ-Cam Bốt, cuộc tập trận song phương thường niên giữa hai nước mang tên là Angkor Sentinel khá khiêm tốn về quy mô, và chưa bao giờ làm cho quân đội Cam Bốt phải làm việc hết công suất trong suốt bảy năm vừa qua, kể cả vào năm 2013, khi Cam Bốt tổ chức tổng tuyển cử.
Hơn nữa, ngay cả khi có vấn đề nhân sự, tại sao lại phải đình chỉ các cuộc tập trận chúng với Mỹ cho đến tận năm 2019, trong khi mà Phnom Penh chỉ cần dời sự kiện này vài tháng, cho đến khi quân đội hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.
Tóm lại, các lý do nội bộ hoàn toàn không đứng vững. Vậy thì phải chăng nguyên do chính mang tính chất đối ngoại ?
Có ý kiến cho rằng Phnom Penh muốn gửi một thông điệp tới Washington để nhắc Mỹ là không nên chỉ trích Cam Bốt về mặt nhân quyền và dân chủ vào lúc chính quyền Hun Sen đang gia tăng đàn áp đối lập trước cuộc tổng tuyển cử năm 2018 trong đó đảng cầm quyền có khả năng gặp khó khăn.
Đối với The Diplomat, lý do này cũng không có sức thuyết phục vì lẽ ngay từ cuối năm 2016, Washington đã bắn tin cho biết là quan hệ song phương với Phnom Penh vẫn có thể hoàn toàn tốt bất chấp vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Cam Bốt.
Còn lại lý do được nhiều người cho là xác thực hơn cả là Phnom Penh đã chiều ý Bắc Kinh để tẩy chay hợp tác quân sự với Washington.
Trung Quốc và Cam Bốt đã tăng cường quan hệ quân sự song phương một cách đáng kể và vào cuối năm ngoái, lần đầu tiên hai nước đã mở một cuộc diễn tập huấn luyện hải quân. Càng gần đến ngày bầu cử tại Cam Bốt, Bắc Kinh càng đẩy mạnh trợ giúp Phnom Penh.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng Trung Quốc đã yêu cầu Cam Bốt từ bỏ hợp tác quân sự với Mỹ để đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là rất quan ngại trước nguồn tin theo đó quân đội Mỹ có kế hoạch chọn Cam Bốt làm một trong những địa điểm để bố trí sẵn thiết bị và phương tiện để có thể sử dụng ngay trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng dự trù lồng cuộc tập trận song phương Asia Sentinel giữa Mỹ-Cam Bốt vào trong một chương trình cấp khu vực mang tên Pacific Pathways.
Đối với The Diplomat, việc Phnom Penh bỏ hợp tác quân sự với Mỹ để chạy theo Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều đó sẽ lợi bất cập hại vì khi làm như vậy, Cam Bốt có nguy cơ bị lệ thuộc hoàn toàn vào một cường quốc duy nhất, điều không hay chút nào cho một nước nhỏ như Cam Bốt.
Cam Bốt đã đi ngược lại xu thế chung của Đông Nam Á là thúc đẩy quan hệ tốt với Bắc Kinh, nhưng vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với các cường quốc khác.

Hàn Quốc : Tòa án bác đề nghị bắt giam chủ tập đoàn Samsung

media
Ông Lee Jae Yong, người kế nhiệm lãnh đạo SamsungREUTERS/Cho Seong-joon/Pool/File photo
Hãng tin Pháp AFP ngày 18/01/2017 cho biết, Tòa án Seoul bác bỏ yêu cầu của viện kiểm sát đòi bắt giam người kế nhiệm lãnh đạo tập đoàn Samsung, Lee Jae-Yoong. Ông này bị tình nghi mua chuộc bà quân sư của tổng thống Park Geun-Hye để chuộc lợi.
Sau bốn giờ nghe đương sự giải trình, Tòa án tại Seoul trong một thông cáo giải thích là chưa có đủ bằng chứng chắc chắn để ra lệnh bắt giam ông Lee Jae-Yong, 48 tuổi, hiện là chủ nhân tập đoàn lớn nhất nước, chiếm đến 20% tổng sản phẩm nội địa.
Theo một nhà phân tích được AFP trích dẫn, có thể việc Tòa án Seoul không ra lệnh bắt giam ông Lee nhằm tránh làm xấu đi hình ảnh của tập đoàn Samsung. 
Chưởng lý của ủy ban điều tra đặc biệt về vụ tai tiếng chính trị Hàn Quốc vào hôm nay 19/01/2017 đã “thật sự lấy làm tiếc” về quyết định của tòa án. Trước báo chí, phát ngôn viên của chưởng lý cho biết cơ quan này “sẽ làm tất cả những gì cần thiết và tiếp tục điều tra không chút dao động”.
Đầu tuần, nhóm điều tra đặc biệt về vụ tai tiếng chính trị đã đề nghị ra lệnh bắt giam ông Lee. Các nhà điều tra nghi ngờ chủ nhân Samsung tham nhũng, lạm dụng công quỹ và bội thề.
Yêu cầu này của viện kiểm sát được đưa ra sau 22 giờ thẩm vấn ông Lee, hồi tuần trước, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ tai tiếng chính trị, liên quan đến bà Choi Soon Sil, người bạn thâm niên và cũng là cố vấn của tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Hàn Quốc kết án tù em gái tập đoàn phân phối Lotte
Tòa án Seoul hôm nay đã kết án bà Shin Young-Ja, 74 tuổi, em gái của chủ tịch tập đoàn phân phối Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, 3 năm tù giam và phạt 1,4 tỷ đô la vì tội nhận hối lộ.
Như vậy, bà Shin là người đầu tiên trong dàn lãnh đạo của Lotte bị kết án. Bà bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ nhiều doanh nghiệp khác nhau. Đổi lại, những doanh nghiệp này được phép trưng bày các sản phẩm của mình trong các cửa hiệu miễn thuế và các siêu thị của Lotte từ năm 2007. AFP cho biết thêm là cha và hai người anh khác của bà Shin đã bị buộc tội trốn thuế và biển thủ công quỹ.
Lotte do Shin Kyuk-Ho thành lập tại Nhật Bản năm 1948. Nhưng 80% các hoạt động của tập đoàn là tại Hàn Quốc. Hoạt động của tập đoàn này bao phủ trên 80 vùng khác nhau đi từ phân phối, khách sạn, cho đến các khu vui chơi giải trí và ngành hóa học, với tổng trị giá ước tính lên đến 82 tỷ euro.

Không có nhận xét nào: