Hoa Kỳ : Thỏa thuận dự luật viện trợ cho Ukraina thông qua tại Thượng Viện vẫn bị chặn ở Hạ Viện Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 04/02/2024 vừa đạt thỏa thuận về dự luật 118 tỷ đô la dự trù chi phí cho các biện pháp an ninh biên giới và viện trợ cho Ukraina. Ngay sau đó, chủ tịch Hạ Viện tuyên bố bác bỏ. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tại điện Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/11/2023. AP - J. Scott Applewhite - Anh Vũ - Chủ nhật 04/02, Thượng Viện Mỹ thông báo hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đạt thỏa thuận để chi 118,3 tỷ đô la, trong đó có gói viện trợ cho Ukraina trị giá 60 tỷ, 14 tỷ cho Israel và phần còn lại dùng để chi cho các biện pháp cải cách chính sách nhập cư, thắt chặt an ninh ở biên giới Mỹ.
Thỏa thuận đã được tổng thống Mỹ nhanh chóng chấp thuận và đề nghị Hạ Viện sớm thông qua để ông có thể ký ban hành luật.
Để đạt được mong muốn của ông Joe Biden, dự luật ngân sách này trước tiên phải được thông qua tại Thượng Viện (do phe Dân Chủ kiểm soát), sau đó đưa qua Hạ Viện, và chính tại đây sự việc trở nên không đơn giản.
Chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, một nhân vật trung thành với Donald Trump đã ngay lập tức dội gáo nước lạnh vào hy vọng của tổng thống Biden. Trên mạng X, lãnh đạo Hạ Viện phản ứng : « Dự luật này còn tồi tệ hơn cả những gì chúng ta mong đợi và còn rất xa mới chấm dứt được tai họa ở biên giới do tổng thống gây ra » và ông khẳng định văn kiện đã « chết ngay khi tới » Hạ Viện.
Tổng thống Joe Biden chỉ còn cách kêu gọi các nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ thỏa thuận giữa hai đảng. Ông tuyên bố : « Nếu các vị nghĩ, giống như tôi, rằng chúng ta phải bảo đảm an ninh biên giới ngay bây giờ, thì không làm gì không phải là giải pháp. »
Chiếm phần lớn của dự luật tài chính này là gói viện trợ cho Ukraina, từ nhiều tháng nay vẫn bị mắc kẹt trước những yêu cầu khẩn khoản của tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Cuộc chiến tranh tại Ukraina đã kéo dài gần 2 năm vẫn không thấy lối thoát. Từ đầu cuộc xung đột, Quốc Hội Mỹ đã quyết định giải ngân 110 tỷ đô la cho Ukraina. Tại Hoa Kỳ, nhiều người, đặc biệt phe Cộng Hòa ngày càng thấy những chi phí này quá tốn kém cho nước Mỹ. Vấn đề viện trợ cho Ukraina càng trở thành chủ đề chính trị nóng khi mà năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ.
Matxcơva vẫn trông chờ cuộc chiến tranh hao mòn của họ làm suy giảm sự hậu thuẫn của phương Tây cho Kiev cuối cùng sẽ giúp Nga giành chiến thắng.
Mỹ - Nhật diễn tập quân sự, Trung Quốc lần đầu tiên bị xem là kẻ thù giả định
Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 04/02/2024 cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ đã có cuộc diễn tập quân sự chung tại sở chỉ huy và lần đầu tiên, Trung Quốc được xem là kẻ thù giả định, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng Bắc Kinh xâm lược Đài Loan trong tương lai.
Ảnh tư liệu : Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và tàu chở trực thăng Nhật Bản JS Hyuga tập trận "Keen Sword" cùng với 16 tàu chiến khác của Hải Quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 08/11/2018 trên biển Philippines. REUTERS/U.S. Navy/Kaila V. Peters
Minh Anh
Theo trang mạng Japan Times, đợt diễn tập mô phỏng trên máy tính, có tên gọi là « Keen Edge », đã được bắt đầu từ ngày 01/02 và dự kiến sẽ kéo dài đến thứ Năm 08/02. Kịch bản đặt ra là tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan. Một cái tên tạm thời trước đây đã được sử dụng khi đề cập đến kẻ thù.
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản dường như đã xếp kịch bản này thuộc diện bí mật được chỉ định đặc biệt căn cứ theo luật bí mật của nước này. Động thái này phản ảnh cảm giác cấp bách ngày một lớn vào lúc Tokyo ngày càng lo lắng về khả năng Trung Quốc có những hành động đối với Đài Loan trong vài năm tới trong lúc tình hình địa chính trị gia tăng căng thẳng.
Kết quả đợt diễn tập lần này sẽ được phản ảnh trong các kế hoạch cuối cùng, được soạn thảo vào cuối năm nay. Quân đội hai nước dự kiến tổ chức một cuộc tập trận thực mang tên « Keen Sword » vào khoảng năm 2025 để đánh giá tính hiệu quả của cuộc diễn tập « Keen Edge ».
Nhật Bản và Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành tập trận chung vào năm 1986. Các cuộc tập trận « Keen Edge » và « Keen Sword »được tổ chức hai năm một lần. Để tránh gặp phải những phản ứng dữ dội trong trường hợp kế hoạch bị rò rỉ, Nhật Bản và Hoa Kỳ trước đây sử dụng các bản đồ hơi khác so với địa hình thực tế của các nước. Chiến dịch quân sự năm nay cũng sử dụng các phiên bản không thay đổi.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ William Burns hồi tháng 02/2023 cảnh báo chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội nước này sẵn sàng xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027.
Mỹ cam kết « tiếp tục » tấn công các lực lượng vũ trang thân Iran
Sau hai ngày dồn dập oanh kích cơ sở của các nhóm vũ trang thân Iran trên lãnh thổ Irak và Syria, và cả tại Yemen chiều qua, 04/02/2024, cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố Washington « tiếp tục đáp trả khi các lực lượng của Mỹ bị tấn công ». Các đợt oanh kích tiến hành từ hôm Thứ Sáu 02/02/2024 mới là « điểm khởi đầu ».
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 10/11/2022. AFP - MANDEL NGAN
Thanh Hà
Hãng tin Anh Reuters nhắc lại trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đáp trả các toán lính thân Iran tại Irak và Syria, quân đội Mỹ đã nhắm tới 85 mục tiêu, khoảng 40 người tử vong theo các thông cáo từ phía Baghdad và Damas. Một ngày sau đó, cùng phối hợp với Luân Đôn, Washington đã nhắm tiếp vào 36 mục tiêu khác thuộc 13 địa điểm khác nhau, nhưng lần này là trên lãnh thổ Yemen. Trong đó bao gồm cả các kho đạn dược của quân nổi dậy Houthi, được Iran yểm trợ.
Nga yêu cầu Hội Đồng Bảo An « họp khẩn »
Iran hôm 04/02/2024 đã « mạnh mẽ lên án » các đợt tấn công do Anh-Mỹ tiến hành tại Yemen. Về phía Matxcơva, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn tại Hội Đồng Bảo An vào chiều nay (05/02/2024). Nhưng theo ghi nhận của thông tín viên Loubna Anaki từ New York, cuộc họp lần này không mang nhiều kết quả :
« Nga quan niệm các loạt oanh kích của Mỹ là, xin trích, ‘một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh’. Đây là lập trường từ phía đại diện của Matxcơva tại Liên Hiệp Quốc sẽ bảo vệ chiều nay trước Hội Đồng Bản An. Cuộc họp diễn ra vào lúc Washington trong hai ngày cuối tuần đã tiến hành một loạt các cuộc oanh kích trên lãnh thổ Irak, Syria và cả tại Yemen.
Tại Irak và Syria, Hoa Kỳ đã nhắm vào các nhóm vũ trang thân Iran và hành vi này nhằm đáp trả vụ cách này 10 ngày, ba lĩnh Mỹ đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng drone. Còn tại Yemen, một lần nữa, phe nổi dậy Houthi đã bị nhắm tới. Tổng cộng hơn 120 mục tiêu tại ba quốc gia này đã bị oanh kích trong chưa đầy 48 giờ.
Mỹ cùng lúc khẳng định không muốn căng thẳng leo thang trong khu vực và nhất là không muốn khơi mào chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, vì phải chịu áp lực của công luận từ vụ ba quân nhân Mỹ tử vong, ông Joe Biden đánh giá bắt buộc phải hành động, để ‘bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ và giao thương hàng hải quốc tế ở Hồng Hải’, từ trong nguyên văn. Tổng thống Biden không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch khác trong khu vực. Mỹ và Nga cùng có quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cuộc họp hôm nay ít có khả năng đưa ra những biện pháp cụ thể (về hồ sơ này). »
Đến thăm Berlin, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Pháp
Tân thủ tướng Pháp Gabriel Attal hôm nay 05/02/2024 đến Berlin vào lúc giữa Pháp và Đức có nhiều điểm bất đồng sâu sắc.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tại phủ thủ tướng (Matignon), Paris, Pháp, ngày 01/02/2024. © JULIEN DE ROSA / AFP
Minh Anh
Tuy nhiên, theo AFP, trước khi đến Đức, thủ tướng Attal phải đối diện với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên ở Quốc Hội theo đề xuất của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Tuy nhiên, văn kiện đã bị Quốc Hội bác bỏ do không có đủ số phiếu cần thiết là 289 để lật đổ chính phủ.
Việc chọn Đức cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên là một truyền thống, cho phép tân lãnh đạo chính phủ Pháp khẳng định cam kết của mình với châu Âu. Theo chương trình nghị sự, sau bài phát biểu trước cộng đồng người Pháp ở dinh thự đại sứ quán, thủ tướng Attal sẽ được tiếp đón với hàng quân danh dự ở phủ thủ tướng Đức vào 18 giờ và sẽ có cuộc hội đàm với thủ tướng Olaf Scholz. Đôi bên sẽ đề cập đến tất cả các chủ đề cùng các điểm bất đồng về « quan hệ song phương, tình hình Liên Hiệp châu Âu và quốc tế cũng như là các vấn đề kinh tế - chính trị ».
Từ Berlin, thông tín viên đài RFI Nathalie Versieux cho biết cụ thể :
« Mối quan hệ Pháp – Đức đang trong giai đoạn tồi tệ. Trước đó, vào tháng 10/2023, thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thừa nhận điều này trong cuộc hội thảo công việc. Cả hai nước – với những mô hình năng lượng hoàn toàn trái ngược nhau – chủ yếu tranh cãi nhiều về hồ sơ thị trường điện.
Căng thẳng cũng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, như Phòng thủ châu Âu và hỗ trợ Ukraina. Nước Đức, nguồn hậu thuẫn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ, mong muốn Paris cung cấp nhiều vũ khí hơn cho đất nước bị Nga tấn công. Dự thảo thỏa thuận thương mại với châu Mỹ La-tinh và Mercosur cũng khiến Paris và Berlin đối đầu.
Tại Đức, đất nước mà tuổi trẻ cũng đồng nghĩa với thiếu kinh nghiệm hơn là năng động, sự lựa chọn này của Gabriel Attal đã gây ngạc nhiên cho giới chính khách như phát ngôn viên chính phủ đã thừa nhận một ngày sau khi bổ nhiệm người kế nhiệm Elisabeth Borne. »
Philippines chặn được nhiều cuộc tấn công tin tặc từ Trung Quốc
Hãng tin Reuters, dẫn nguồn Bộ Thông Tin Phiilppines hôm nay, 05/02/2024, cho biết đã ngăn chặn được các tin tặc từ Trung Quốc định xâm nhập vào các trang web và hệ thống e-mail của tổng thống và các cơ quan chính phủ của Philippines, trong đó có các cơ quan về an ninh hàng hải.
Ảnh minh họa. © Pixabay/Geralt
Anh Vũ
Các hộp thư của bộ Thông Tin và Công Nghệ Truyền Thông (DICT), trang web của cơ quan theo dõi Bờ biển Quốc gia và trang cá nhân của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. là một trong số mục tiêu của đợt xâm nhập không thành trong tháng 1 vừa qua, ông Renato Paraiso, phát ngôn viên của Bộ Thông Tin cho biết trên đài phát thanh DWPM của Philippines.
Ông Paraiso xác nhận : « Chúng tôi không muốn quy kết cho nước nào. Nhưng qua cách thức sử dụng địa chỉ giao thức internet, chúng tôi xác định chính xác các tin tặc hoạt động từ Trung Quốc. » Ông cũng cho biết thêm là các tin tặc đã sử dụng dịch vụ Unicom thuộc sở hữu của Nhà nước Trung Quốc.
Quan chức Philippines kêu gọi chính phủ Trung Quốc giúp ngăn chặn các cuộc tấn công tin tặc trong tương lai. Unicom và đại sứ quan Trung Quốc tại Manila chưa có phản ứng gì về các thông tin nói trên.
Các cuộc tấn công mạng nói trên xảy ra vào thời điểm các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines đang có chiều hướng gia tăng.
Philppines hiện đang thực thi một kế hoạch chiến lược 5 năm về an ninh mạng để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công tin tặc cũng như tội phạm sử dụng công nghệ số. Năm ngoái, quân đội Philippines đã thông báo sẽ thành lập một binh chủng an ninh mạng.
Taylor Swift, 4 lần đoạt Grammy Awards dành cho đĩa hát xuất sắc nhất trong năm
Taylor Swift, huyền thoại của giải Grammy Awards, bốn lần đoạt giải quan trọng nhất của làng nhạc Mỹ. Trong lễ trao giải đêm qua 04/02/2024Midnights đã ra về với giải thưởng vinh danh album xuất sắc nhất trong năm. Taylor Swift vượt kỷ lục của những huyền thoại âm nhạc Hoa Kỳ như Frank Sinatra, Paul Simon và Stevie Wonder.
Ca sĩ Taylor Swift tại lễ trao giải Grammy lần thứ 66 ở Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, ngày 04/02/2024. Getty Images via AFP - KEVIN WINTER
Thanh Hà
Thông tín viên RFI Loïc Pialat từ Los Angeles tường trình về một khoảnh khắc hiếm có trong thế giới âm nhạc :
« Taylor Swift là nghệ sĩ duy nhất bốn lần đoạt giải Grammy dành cho album hay nhất năm, hơn cả nam danh ca Stevie Wonder. Nhưng trước khoảnh khắc lịch sử đó thì đã có rất nhiều xúc động, khi mà Céline Dion bước lên sâu khấu. Có vấn đề về sức khỏe và đã không xuất hiện trước công chúng từ nhiều tháng qua, Céline Dion được mời trao giải cho Taylor Swift. Céline tâm sự cô thật sự hạnh phúc có mặt trong đêm qua và đây là điều xuất phát từ đáy lòng.
Các nghệ sĩ thuộc phái nữ đã đoạt được những giải thưởng danh giá nhất. Ca khúc hay nhất trong năm về tay Billie Eilish. Bài What was I made for từng là nhạc của bộ him Barbie đã được vinh danh ở giải Cầu Vàng Golden Globes.
Bản nhạc có kỹ thuật ghi âm tuyệt vời nhất chính là Flowers, ca khúc nổi tiếng của nữ ca sĩ Miley Cyrus. Khi nhận giải thưởng, Miley đã dí dỏm phát biểu ‘không phải ai cũng ra về với một giải thưởng Grammy, nhưng tất cả mọi người đều tuyệt vời, do vậy, quý vị đừng nghĩ rằng giải thưởng này là quan trọng’. Vừa là một buổi biểu diễn ca nhạc vừa là lễ trao giải, đêm qua, khán giả Mỹ lần đầu tiên đã trông thấy nghệ sĩ rất nổi tiếng người Nigeria, Burna Boy trên sân khấu hội trường trao giải Grammy. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét