Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Bè da cu du ca - thh


Chiến binh Nhảy Dù Hoàng Ngọc Bảo sinh và sống tại thành phố Đà Lạt, từ nhỏ đến lớn Bảo đã học tại trường Dòng A’ Dran (Tabert), sau đó đăng vô lính từ năm 1964, (khi mới vừa 18 tuổi), và ở trong Lữ-đoàn III Nhảy Dù. Mặc dù Bảo bị cha mẹ, và cô bồ xinh xinh phản đối kịch liệt, Bảo vẫn biết mạng sống con người rất qúy trọng và cần thiết. Chiến trường thì nguy hiểm gian khổ dường bao. Nhưng Bảo vẫn hân hoan vui vẻ lao mình đến với đồng đội. Bảo được chuyển qua Tiểu-đoàn Tác-chiến Hữu-cơ, trực thuộc Đại-đội 3 Nhảy Dù, và thỉnh thoảng Bảo đổi đi nhiều nơi khác trong toàn miền Nam Việt Nam.
<!>
Bảo từng bị thương ba lần: Lần đầu tiên vào năm Mậu Thân khi Bảo đang nhảy từ trên trời xuống mục tiêu tại miền Trung, thì Bảo bị bắn lủng ruột, bị mỗ, Bảo được cứu thương nằm trong bệnh viện Cộng Hoà ba tháng. Hai năm sau, lần thứ nhì từ trên cao nhảy xuống đất Bảo bị bắn xuyên qua phổi, may mà không vào chỗ hiểm. Bảo lại được cấp cứu vào bệnh viện nằm trị liệu mấy tháng. Rồi Bảo lại trở ra đơn vị Nhảy Dù, tiếp tục sống cuộc đời giang hồ phong sương qua bốn bể “nhảy”, do Bảo vẫn yêu mến binh chủng: “Nơi nào cần, Nhảy Dù có. Nơi nào khó, có Nhảy Dù”:

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run. (1*)

Lần sau Bảo cùng đơn vị oai dũng đã ra đánh chiếm nhà Ga Quảng Trị. Có nhiều đêm Bảo cùng bạn nằm lì tại Cầu Lòn, họ lần mò đi trong đêm khuya, qua nghĩa điạ Trí Bưu u ám hoang tàn hắt hiu. Bảo lom khom cúi đầu đi dưới đường Duy Tân, rồi lính Nhảy Dù phối hợp cùng anh em lính Thuỷ-quân Lục-chiến oai dũng hào hùng đánh chiếm đại thắng cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị ngày 6-6-1972. Trong trận nầy, đây là lần thứ nhì Bảo bị đạn ghim vào bao tử, khi đại đội 3 Nhảy Dù tiến nhanh về Phá Tam Giang. Trước khi Bảo bị đau đớn ngất xỉu, Bảo đã nhìn sửng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ phất phới lồng lộng trong gió tung bay trên nền trời xanh bao la. Vì đất nước quê hương và dân tộc con rồng cháu tiên, Bảo cũng như đồng bạn tận tụy hết lòng hy sinh vì Tổ Quốc, quyết bám lấy quê hương chiến đấu đến giờ phút cuối cùng.

Tôi cũng đôi khi nếm được
chút dư vị của chiến tranh
tôi gặp cả thương binh
từ hai phía
kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn
kẻ mất tay, người sẹo đầu, vẹo cổ
họ buồn tủi vì phải sống đời nghèo khổ
nhưng không thấy ai lên tiếng oán hờn
với họ, giữa chiến trường
“chuyện thường tình mũi tên hòn đạn” (2*)

Do lần tham chiến cuối cùng, Bảo bị thương khá nặng, đạn lại ghim tứ tung và bị cụt một bàn chân bên phải, cụt lên gần tới dưới đầu gối, cộng với những vết thương cũ bị nhiễm trùng, toàn thân đầy vết thẹo, đau nhức bệnh tật liên miên… Bảo phải vào nằm ở bệnh viện Cộng Hoà và được các bạn đồng đội chia máu hoài, vẫn chưa thể khá. Bạn và Bảo bị chiến tranh vùi dập tan hoang, và đời tàn ác bỏ quên, hất hủi Bảo trong cơn hấp hối tột cùng đau. Biệt nghiệp nầy há chẳng qua Bảo vay của Đời quá nhiều, mà Đời trả chẳng là bao!!?

Thế rồi Bảo bị ném ra đường giữa ngày 1 tháng 5 năm 1975. Bảo lấm lét len lén chôm được sự sống lấp ló bên nghĩa trang Phú Thọ Hòa. Người sống và kẻ chết -không phân biệt đối xử- đều san bằng, khai quật như nhau. Người sống nằm ngủ bên hố mồ kẻ chết bị kẻ đói móc lên tìm kiếm lấy quần áo (nếu có vòng vàng!!!). Bất động. Có khác chăng ở chỗ là: Thương binh ấy còn có đôi mắt và trái tim rực lửa, luôn bị chao đảo ray rứt, dày vò, khi Bảo nhìn ông già, phụ nữ, trẻ con, bị tập trung đi bóp phân người, chân đạp cứt, vai gánh phân đi tưới rau xanh trên nông trường, mong lợi tức tăng gia, nhờ phân bón đặc biệt, thu hoạch mùa màng có cái ăn tươi tốt, để mừng thắng lợi chào đón dâng Bác và Đảng.

Trong khi Bảo và bạn chẳng khác chi:
Các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung
rồi bằng những lời dối trá
trái tim vô tình
tia nhìn thù hận
các anh cướp mất của tôi
những tháng năm đẹp nhất cuộc đời
tôi có người bạn
đói lòng moi mấy củ khoai
các anh đập nát xương bàn tay
mãi mãi mang thương tật
một người khác
lâu ngày thèm thịt
chụp vội con nhái bên đường
bỏ vào mồm nuốt chửng
báng súng AK
các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ
tôi trở về trên đôi nạng gỗ (2*)

* * *
Ngọn đèn lù mù vàng vọt tỏa ánh sáng yếu ớt bên vệ đường cũ bao ngày cô liêu, cùng hàng cây khuynh diệp xác xơ dường như rụng hết lá. Ngoài ra, cảnh tiêu điều hoang phế xưa ở khu C, thuộc Ấp Dân Thắng, Thành Ông Năm nầy vẫn như cũ. Hầu hết trẻ con trong xóm tôi đều thất học, trẻ con đang đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm của sự tăm tối mù lòa chữ nghĩa. Và sự đói khát, nghèo hèn rách rưới, suy dinh dưỡng càng gia tăng. Thỉnh thoảng Bảo từ trên khu nghĩa trang Phú Thọ Hòa xuống Thành Ông Năm thăm chúng tôi. Các con tôi rất qúy anh họ của chúng, Bé Tu mừng rỡ ôm chầm lấy anh, vui vẻ nói:
- Anh có khỏe không?
- Nhìn anh, thì em biết rồi.
- Chân cẵng ruột và bao tử của anh, ra sao rùi?
- Chân cụt nè. Lũng ruột nè. Bao tử đau liên miên. Em còn muốn hỏi gì nữa?
- Thật khổ thân anh. Đó là cái đại nạn của anh.
- Đời mà em.
- Anh bỏ hút thuốc đi, là vừa!
- Sao vậy?
- Hại sức khỏe lắm.
- Em nói chuyện đến hay. Chỉ vài hơi thuốc lào, mà bệnh sao?

- Anh sẽ ho lao, giảm tuổi thọ nữa.- Sống chết có số. Anh chẳng còn tin gì.
- Đau ốm đủ thứ như anh, phải uống sâm cao ly, mới kéo dài tuổi thọ à.
- Chuyện! Vậy chớ đứa con nít mới sanh, chẳng may nó ngoẽo, chắc tại nó ưa hút thuốc lào, và không uống sâm i,́ ha em?
- Anh nầy thiệt á.

Bé Tồ bu vào lưng, bắt anh cõng:
- Nhà giàu họ uống sâm đầy ra đó. Anh Bảo.
- Vậy họ có thoát chết không nà?
- Anh thèm thuốc lào, nên nói tào lao vậy mà.
- À há! Bây chừ anh còn chi để thèm hơn, là thèm hít. Anh mừng khi các em đã có ít hành trang: vào đời đắng cay, chua xót. Em cứ mạnh dạn tỏ bày. Có thể anh sẽ nghe lời khuyên hữu ích.
- Anh phải nghe, không thì anh chết là cái chắc!
- Còn gì nữa đâu em, anh chả còn gì để luyến tiếc với đời!

Nghe mà nghẹn đắng xót xa chua chát cõi lòng tôi. Thỉnh thoảng Bảo cũng như tôi, có lên Sài Gòn gia nhập vào đám “Thương-Binh Du ca da cu bè” của các anh lính què cụt (của nhiều binh chủng đơn vị hợp thành). Ông bà cô bác đi chợ thường ghé lại coi chúng tôi trình diễn. Họ vui đùa có ngụ ý gọi chúng tôi là: “Thương phế Binh Ngũ Linh”, hoặc nhóm “Bè da cu du ca”. Cái tên ấy do dân đặt ra, vậy mà nghe thật là chí lý! Bây giờ những thương binh ấy chỉ còn da bọc xương, trên răng dưới dái, thân thể là nơi tập họp những thứ tật nguyền: mù chột, cụt tay, cụt chân, lũng ruột, còn băng đầy máu. Họ bị quăng ra khỏi y-viện, chỉ có trên răng rụng dưới teo tóp... thì, chả còn da với cu là gì! chả còn gì. Thật chẳng còn gì! Lính chiến trận trở về sau ngày mất nước không tìm thấy gia đình, không thân nhân, mất tin tức không liên lạc, mọi người tan tác trên mọi ngã đường, thì lính lê lết chống gậy đi tìm họ từ các vùng khỉ ho cò gáy, nơi thâm u cùng cốc: chỉ có muỗi, ruồi trâu, vắt, đĩa, hút máu người, và luôn truyền cho bệnh cấp tính sốt rét da vàng cao độ, ho lao, thổ tả, kiết lỵ triền miên. Cho đến lúc tàn hơi mà toi mạng cùi! Họ phải lê lết hành khất từ vùng kinh tế mới nơi chó ăn đá, gà ăn muối, bò lê bò la rị mọ lặc lìa lặc lọi về tới thành phố. Nào ngờ họ lại lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin ở ngoài đầu đường, ngủ ở xó chợ! Những thương binh ấy đã bỏ lại một bàn chân, một cánh tay, một hai con mắt trên vùng giao chiến hung tàn. Họ trở về dưới mái nhà xưa thì biếng nói, không cười, sống lặng lẽ âm thầm, dày vò, đớn đau mà nghiến chạt hai hàm răng nức nở, suốt ngày họ lầm lì đăm chiêu suy tư trong dòng sông chảy xiết riêng mình mệt lã và phiền muộn.

Nhưng có anh lính nào may mắn còn gia đình, thì các bà mẹ, bà chị, vợ con của họ thế nào họ cũng vui mừng, hớn hở lăng xăng quanh thằng con trai tật nguyền cùng khắp. Bà mẹ mủi lòng mừng con trở về và vui hơn bắt được ngọc ngà. Lính què cụt đui mù phải đùm túm nương tựa vai vợ con, với cha mẹ già, thương mến an ủi nhau mà lây lất sống. Ngày trước họ đi lính, do chiến tranh tàn nhẫn gậm nhấm hết cơ thể. Nay thì người lính chột đi đạp xích lô. Người cụt bán bánh mì, bán vé số, người mù đi xin ăn. Họ vừa rao, vừa đánh đàn, thổi sáo, gỏ trống hát dạo.

Tao cụt một chân, mất một tay
Nhưng còn một tay
Để viết thơ dùm cho thằng mù hai mắt
Nghe nói ở xứ người chúng mày "cày" như trâu
Nhưng không quên đồng đội

Chia đô-la cho chúng tao, như chia máu ngày nào...
Tao cũng sớt cho mấy thằng bạn: phế binh Việt Cộng!
Chúng cũng què đui sứt mẻ như nhau
Bởi Đảng của chúng bây giờ là lũ đầu trâu... (3*)

Họ đã bầu tôi: Trong đám mù-chột nầy, thì chỉ có chị là có vẻ “dễ nhìn” hơn hết; mong chị làm vua cho đám “lu xu bu” kia nha. Chị Mười!

- Các anh ơi! Các anh nào biết, tôi đã mang bệnh trầm-kha bất khả tri-luận, còn đau đớn gấp trăm lần phế binh nữa ấy, các anh à.

Chúng tôi ca toàn những bản “nhạc vàng”, hay nhạc “đồi trụy”, nhạc tù. (khi không thấy bóng dáng bọn “công an áo vàng”). Thật tức cười, nhạc mà cũng có màu sắc vàng, đỏ, xanh, nữa há? Thật ra mấy anh kia ca bè rất hay. Càng hay tiền càng nhiều “bổng lộc” do dân thương mà giúp. Có những lần nhóm tôi đang hát nhạc tiền chiến, nhạc tù ca, thì thấy công an đi trờ tới, (công an có lệnh diệt tận gốc: “Trí, phú, địa, hào” mà)! Anh thương binh Mẫn có bàn tay thật trong chiếc găng tay da, rất nhạy bén nhanh miệng, anh liền chuyển tông qua bài hát tếu hài ngay. Mẫn vừa khua tay múa kiếm làm trò, thật vui tai, vui mắt, ai nghe cũng nực cười:
- Bác Hồoo… cho em cây viết. Em vẽ con dao găm, em đâm thằng lính Mỹ. Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi Thanh Niên Xung Phen. Em theo chủ nghĩa siêu Việt phồn vinh cuả Móc-Cu Ra Đớp ở Liên Xô. Hỡi..oi õi… đồng bào! Hãy đi Thanh niên xung pheng. Tùng Tùng Tùng!!! Bảo vệ tổ quốc! Bèng béng bèng!!! Từng tứng tưng… tằng tắng tăng...
- Ủa! Cổ động viên! Hoổ…ong có ai dỗ tay cả hé?

Thương binh Bảo nhanh nhẫu chế-biến câu ca tiếng Việt liền tiếng Pháp, vì hồi nhỏ đến lớn khôn, Bảo đã học ở trường dòng A’ Dran tại Đà Lạt, nên nói tiếng Tây pha tiếng Việt; nghe như gió thật.
- À Á a Le moi sensibe = cái tôi tình cảm. Ám sát tinh thần = assasitnat moral. Đời! C’est la vie! Tình tinh tang! C’est la mour. Thầy chùa sans cheveux. Bà xơ sans cooc xê, end sans xi-níp!! Ha ha ha!!!

Bảo còn kêu tên các ca sĩ nổi danh ở thập niên 70 ra “ca” có âm điệu và khảy đờn trống rùm beng… từng tứng tưng…, bùm búm bum... bèn béng beng…:
- Johnny Halliday… O oh ho… Sylvie Vartant… É é é… Francoise Hardy. Vicky Leandros nổi tiếng L’amour c’est pour rien… từng tứng tưng… Oh! Mon Amour. Ối ối a… Poupée de cire poupée de son. Bùm búm bum… Adieu jolie Candy…. Là lá la… Aline. Christophe. tằng tắng tăng… La vie c’est une histoire d’amour… chát chát chát… tùng tùng tung… phèng phéng phèng…

Thiệt là tầm bậy tầm bạ, ngố ngáo ngu ngơ vớ vẩn hết sức ba xàm ba láp! Thế mà khán giả bình dân thích thú, khoái trá cười rõ to nghe "rất đễu"..., nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà. Họ vổ tay rần rần… rầm rầm rầm… bụp bụp bụp! Họ hể hả bỏ tiền lẻ vô chiếc mũ vải. Cứ thế, chúng tôi cúi đầu lạy tạ, san sẻ, bù qua sớt lại cho nhau, mà sống trong đậm đà tình nghĩa thành thật mến thương hèn mọn. Tôi có bổn phận vừa “ca-bè” vừa cầm mũ vải đi xin tiền quý vị khách thập phương hảo tâm. Có người nhận ra mình:
- Oai Oái! Không ngờ bà ấy ngày xưa lừng danh là một hoa hậu, giàu sang và tri thức. Nay bà ta lê lết làm kẻ ăn mày, coi kìa!

Thực ra, bây giờ trong chế độ nầy, tôi đang chìa nón đưa tay ra lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, ngỏ hầu xin tiền bố thí, thì có hơn gì ả ăn mày nào! So sánh phận hèn tôi ở xã hội nầy, có cái gì khiến tôi mủi lòng, se se từng cơn quặn thắt nghẽn đắng trong lồng ngực cuồng quay. Có cái gì đau đau, cay cay xót xót đắng nghét trên bờ mi tôi vụng dại? Sao ông Trời nỡ đi chơi đâu vắng, không cúi xuống nhìn đời chút xíu, sao tôi không lột xác, không biếng dạng méo mó ít nhiều, cho mình đỡ xấu hổ ha? Tôi và nhóm thương binh chế độ cũ bị Đời quên lãng vẫn âm thầm lặng lẽ, nhẫn nhịn âm thầm chịu nhục mà bò lê trên đường cần cù kiếm sống.

Cho đến ngày 6 tháng 2 năm 1985, tôi đang làm cỏ ngoài ruộng, thì Bảo leo xe đò xuống Thành Ông Năm cho biết tin: tại chợ Bà Chiểu đã diễn ra trận đấu đá kinh hoàng giữa “công an và phế binh đỏ”, (phế binh đỏ, chứ không phải phế binh “du ca da cu bè”). Công an đã bắt đám đờn ca “phế binh đỏ”. Vì “đỏ” mà họ chuyên hát toàn nhạc “vàng”, hát nhạc vàng mới ăn khách, tức là “Ngụy” rùi! Thành thật mà nói thì “nhóm đỏ” kia họ có tài khảy đờn ca hát giọng Bắc nghe cũng hay. Đồng bào đứng ngồi tám lớp vòng trong vòng ngoài, say mê thèm khát nghe “nhạc vàng”. Công an như vòng siết của Kremlin, luôn vươn tỏa vòi bạch tuột ra, quấn lấy “nhóm phế binh đỏ” và rượt người dân ngu khu đen chạy té khói. Họ có đủ quyền hành để thao túng, dân có chạy đi đâu vẫn không thoát. Ấy là tôi đang nói từ những thập niên 75- 85 í nha. Công an là ông trời con, ưa tùy tiện bắt giam, khảo xét, lục soát bất kỳ nơi đâu họ muốn. Dính dáng tới họ, chỉ có nước đi tới đường cùng, chết treo trong cùm, hoặc mất tích mất tang thân thể.

Trong Điều 7 của Đạo Luật Rome đã định nghĩa: “Tội thủ tiêu mất tích Người” (Enforced Disappearance of Persons) như sau: Thủ tiêu mất tích người có nghĩa là: bắt giữ, giam giữ hay bắt cóc người ta với sự cho phép, sự hỗ trợ hoặc sự chấp thuận của một quốc gia, hoặc một tổ chức chính trị. Sau đó không nhìn nhận sự tước đoạt tự do của người ta, cũng không thông báo tin tức về số phận hoặc nơi giam giữ, với chủ tâm tước đi quyền được luật pháp bảo vệ của những người này trong một thời gian lâu dài. (Enforced disappearance of persons means the arrest, detention or abduction of persons by, or with the authorization, support or acquiescence of a State or a political organization, followed by a refusal to acknowledge that deprivation of freedom or to give information on the fate or whereabouts of those persons, with the intention of removing them from the protection of the law for a prolonged period of time.)

Thế là từ đó nhóm “Bè du ca da cu” của chúng tôi mất đất sống, tan hàng rã đám, biệt tích giang hồ! Khổ …khổ hết biết! Khi nạn cướp bóc giựt dọc luôn xảy ra tại các khu thị tứ, các trạm xe bus. Người ta bị cướp trắng trợn, giật sạch, mất trắng tay chẳng còn gì. Ai có la làng, khóc lóc, có nhảy tưng tưng, thì cũng huề cả làng. Đôi khi công an đi qua đó cũng ghé lại, làm biên bản lấy lệ. Người bị cướp đứng xớ rớ, công an điệu về bót cung khai lý lịch, rồi xù xì bỏ đi. Bù trớt (chính tôi đã từng bị mất sạch).

Đồng thời lúc nầy nạn thanh niên nam nữ ốm đói nghiện xì ke, chích ma túy công khai trên các con hẽm ở Bàn Cờ, bên khu Gò Vấp, Khánh Hội... ôi thôi không thể đếm hết. Có vài lần tình cờ đi qua khu nhà Phùng, tôi đã trông thấy nơi góc hẽm vào một sáng sớm có ba bốn thanh niên đang dùng chung một ống chích. Tên con trai cầm cây kim tiêm thuốc xong, đưa cho một tên bạn đã ngồi bệt xuống đất, hắn lấy sợi dây lưng quần cột chặt cánh tay trái, và chụp nơi tay thằng đang cầm cây kim, và tự nó lụi vào tay mình, máu từ mũi cây kim tuông ra thành một dòng dài trên cánh tay hắn, không có bông gòn và thuốc sát trùng sát triết chi. Một tên khác hình như thiếu thuốc, hay đến cơn ghiền dữ dội, đã nằm vật ra bên lề đường, hắn sùi bọt mép, tay chân co giật. Tôi hoảng hồn mất vía, lo sợ tột cùng, vội vàng lủi đi thật nhanh.

Từ khi chộn rộn sau năm 1975 bỗng đâu lại sinh ra nhiều bọn dé dé choai choai đi đứng le te, ỏng ẹo, giọng nói ồ ồ, râu ria lởm chởm, nhưng chúng lại mặc đồ đàn bà, mặc xú chiên giả nhồi độn ở ngực hai quả bóng nhựa. Chúng thoa son dồi phấn, kẽ lông mày, trông bọn nhỏ cũng xinh xắn. Bọn “bóng lại cái” nầy đa số là con nhà khá giả, thỉnh thoảng tập trung ở Bình Triệu, chẳng hiểu sao chưng diện rất đẹp ưa giả dạng “nữ nhi đào tặc”, để trốn không đi Thanh Niên Xung Phong, hoặc bị bắt đi Nghĩa Vụ Quân Sự. Thế là nạn đồng tính luyến ái rần rần xảy ra, lan từ thành phố Sài Gòn về tận các miền quê. Mới đầu con trai tôi tưởng bọn họ là con gái mặt hoa da phấn phè phỡn thật, (khi có đoàn hát trên Sài Gòn về trong Xã, thường có mấy en “Gay”) con tôi cũng xề lại rù rì hủ hỉ ríu ra ríu rít chuyện trò vanh vách, thân mật da diết! Nhưng khi con trai tôi bị mấy tển là “bê-đê” cao lêu khêu đúng là “đực rựa”, tối đến khi tan văn nghệ, chúng cùng con tôi ngủ chung phòng, (con tôi lúc đó vừa đi học lớp 12, vừa đi bán bánh bò, đi làm thuê dỡ nhà, dỡ tôn với chủ, đ xây nhà do chủ thầu mướn, con cũng đi đờn hát cho ban văn nghệ, kiếm sống) thì nửa khuya đang say ngủ con bị một tên đẹp nhất trong bọn cạy miệng nút lưỡi, mò cu tới tấp. Con trai tôi hoãng sợ, la hét tung mùng ôm quần áo chạy chạy chạy... có cờ. Nhưng, cũng thật thà mà nói có nhiều “ẻm” trông yểu điệu thục nữ, mảnh mai, duyên dáng, xinh đẹp và ca hát, múa đèn, vũ múa điệu Thái, điệu Lào rất hay. Giọng ca các “en” nức nở trữ tình nghe khá tuyệt!

* * *
Ở trên cõi đời ô trọc nầy Bảo luôn bị những căn bệnh cũ hành hạ thân xác càng đau đớn và điêu đứng. Nay hoà bình về, dòng sông tình được thuyền đời trôi đi. Nhưng rồi cũng có khi thuyền bất ngờ bị sóng vùi dập, và lật úp thuyền! Bảo thật sự chới với khi bạn bè thân thuộc chiến đấu tri kỷ chỉ còn lác đác mấy người trên đầu ngón tay? Bảo không biết thổ lộ tâm sự cùng ai thông cảm, Bảo rất đau buồn! Có thêm cơn bệnh trầm kha ẩn dưới đôi lông mày khiến Bảo luôn nhíu lại... mà không có thuốc chữa.

Chuyện hồi xưa và ngày nay, Bảo vẫn còn mang trong trái tim cuồng nhiệt xót xa và thổn thức. Bảo biết đói khổ, đau đớn từng giờ, từng ngày. Nỗi đắng cay oan nghiệt, rền rĩ siết chặt giữa hai hàm răng khát khao nghiến lại. Sự đớn đau luôn cào xé dày vò tâm trí và thân thể Hoàng Ngọc Bảo, người lính trung thành với chính phủ Việt-Nam Cộng Hoà, đã không e dè đem thân xác mình làm bục kê, làm bàn đạp, để người khác dẫm lên. Chiến sĩ ấy âm thầm lấy lưng đỡ đạn, cùng đồng đội quyết chí ở lại trên chiến tuyến, đến giờ phút quê hương lâm chung, mà van lơn người đã ra đi:

Hãy gửi về cho chúng tao vũ khí
Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò
Thằng còn chân sẽ cõng thằng què quặt
Trận chiến sau cùng này sẽ không có Dương Văn Minh (3*)

Dù tật nguyền cùng khắp Bảo vẫn còn đẹp trai, ăn nói duyên dáng, nhất là Bảo có tài kể chuyện đời lính “hùng hồn và mất hồn” đó đây rất hấp dẫn. Bảo kể chuyện tiếu lâm khá duyên dáng khiến người nghe say sưa. Nên ai ai cũng mến thương Bảo. Tôi vẫn gánh hai thùng phân thối um, trĩu nặng, cố lê từng bước trên con đê gập ghềnh. Nắng chói chang, tôi ra sức kiên nhẫn chịu đựng “tăng gia lao động tốt”, hầu mong chồng ở trong trại tập trung tù tội sớm được thả về, như Đảng đã hứa. Nhưng nghiệt ngã thay, chờ người người ở nơi đâu vẫn biệt tăm! Nhiều lần lội xuống hố phân người, chúng tôi đứng chưa vững, phải bám chặt lấy nhau cho khỏi ngã. Bùn và phân đặc sệt, ngập tới bắp chân, mọi người ngửa mặt lên trời, há hốc miệng mà thở. Hơi bùn, hơi phân tươi xông lên nồng nặc, trời nắng chang chang muốn ngộp thở, hôi thúi kinh khủng. Nước mắt tôi không trào ra mi, mồ hôi không thấm qua làn áo thô cứng sột soạt như mo cau, mà dội ngược vào tim, tạo thành chuỗi uất-hận dâng cao ngút.

Những tháng ngày khổ sở nghèo khó mỏi mệt như thế nầy, tôi đã xa Bảo, Bảo về Phan Rang rồi, tôi lại càng nhớ đến cháu Bảo thân yêu vô cùng! Sau năm 1998 Cuộc sống gia đình Bảo rất đạm bạc, bần hàn, nếu không nói là quá nghèo khổ nơi xứ chó ăn đá gà ăn muối. Bảo dựng tạm một căn chòi bé nhỏ ngay sát khu nghĩa địa tại Phan Rang, một góc nhà bên hướng phải đã kê lên mấy ngôi cổ mộ. Chung quanh nhà Bảo toàn là mồ và mã. Ấy thế mà Bảo và vợ con họ không hề sợ ma. Có phải chăng từ khi đổi đời thì họ “sống” giữa “người chết”, coi bộ “âm ty địa tào” còn hiền lành hơn trên trần thế?! Hay là bởi tự cái số kiếp oái uăm, bắt Bảo phải sống “tử thủ” với mồ mã ông bà cha cố người đã chết!?

Bảo lui về quê vợ ở Phan Rang, sống ẩn dật (mãi về sau nầy khi gia đình tôi đi Mỹ, tôi có chuyển cho Bảo vài ngàn, nên Bảo đã mua một chiếc xe cúp, Bảo làm nghề “xe ôm” bằng một chân giả, một chân thật, cộng với một mắt thật trông chừng con mắt giả, để nhìn rõ đời không giả tạo thêm)!!! Năm 2005 Bảo lâm trọng bệnh, gia đình Bảo có em trai ở Mỹ liên tục chuyển tiền hậu hỉ về nhà, để thân nhân đem Bảo đi ra đi vô Sài Gòn - Phan Rang không biết bao nhiêu lần. Căn bệnh trầm kha ấy đã gậm nhấm đào xới bào mòn tướt đoạt đi của Bảo nhiều miếng thịt trong phổi trong tim, lây lan khắp thân thể Bảo, nó hoành hành ăn tươi nuốt sống Bảo mất rồi. Bảo bị mù cả hai mắt, không còn nhìn thấy Đời. Toàn thân và tay chân Bảo sưng phù, nhớt nhau nước nhờn chảy ra trên lưng đứa em ruột tên Toàn vẫn cõng Bảo đi ra đi vô bệnh viện.

Thế mà Bảo lặng lẽ không hề oán trách số phận quá tàn ác! Bảo đã không thể chịu đựng cơn đau đớn hành hạ thể xác lẫn tinh thần hơn, Bảo từ trần vào mùa Thu năm 2005. Trước khi lìa đời, trong cơn đớn đau kinh hoàng chới với mê sãng, Bảo vẫn luôn miệng nhắc tới tên những vị chỉ huy, những đồng bạn vì tổ quốc và quê hương đã ra đi khỏi tầm mắt của Bảo. Nhưng họ không ra khỏi lòng Bảo, dù một giây phút nào; dù đôi mắt Bảo mù lòa vĩnh viễn khép lại từ lâu, và lòng Bảo đã đóng chặt cửa. Nhất là Bảo chẳng khi nào có ý ngoảnh mặt phản bội quê hương, mà đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có hình chữ S dấu yêu. Quê hương đã ôm trọn Hoàng Ngọc Bảo vào lòng. Đất mẹ không từ bỏ hất hủi Bảo bao giờ (khi mộng ước của Hoàng Ngọc Bảo đã không thành!) như Nguyễn Trường Tộ đã nói:

“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân” .

(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm). (*)
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (**)

(*) Bảo dư biết ý đó nghĩa là: Từ xưa đến nay hỏi rằng ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh. Đây là hai câu Thơ tiếng Hán của một tướng lãnh Trung Hoa, tên Văn Thiên Tường).

(**) Hai câu thơ sau của Nguyễn Công Trứ. Hoàng Ngọc Bảo cũng biết ý tác giả là: “người ta chưa chắc ai hơn ai, mà chỉ biết ai anh hùng, sau khi thời thế đã xảy ra”. Giống như bài thơ “Chiến Mã Ca” của anh tù “học tập cải tạo” Lê XuânN trầm uất ai oán; được anh tù “cải tạo” TrầnLViệt phổ thành nhạc rất tuyệt vời, (vì có mấy lần Bảo đã về Hốc Môn ở lại nhà tôi cả tháng, Bảo nghe nhóm “Tù ca Xuân Lộc Z 30 A” của bạn chồng tôi đàn ca:

Vàng phai trên thanh gươm. Người mái tóc điểm sương.
Ngựa tung vó trong mưa buồn trên quê hương sầu thương.
Đường mây vỡ tan thành mộng cô đơn còn mơ sa trường.
Bóng xô nghiêng hoàng hôn.
Mài gươm trong cô đơn người nuốt những hờn căm.
Ngựa nuôi móng non thay bờm trên quê hương cuồng phong.
Đường xa dẫu xa muôn trùng trong đêm nay
Ngựa phi sa trường bóng dõi bóng quê hương.
Chiến mã tiến đến sát dòng sông
đêm quê hương mênh mông
sao chưa hừng đông?
Chiến mã rất khát nước trong
trên quê hương tang thương.
Ai qua trường giang !!! ??? (4*)
* * *
(1*) TP
(2*) Phạm Đức Nhì
(3*) Nguyễn Cung Thương
(4*) Trần Lê V & Lê XuâN...

TtTm: Gửi vong linh cháu ruột: Dominico Hoàng Ngọc Bảo
Lính Nhảy Dù thuộc Lữ Đoàn III –

* * *
thh 

Không có nhận xét nào: