Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Mỹ Tho Bút Ký - Trần Bạch Thu


Năm 1679 Tướng Dương Ngạn Địch nhà Thanh dẫn hơn 3000 người Minh Hương theo đường biển vào cửa sông Soài Rạp tiến thẳng về phía Tây định cư bên ngã ba sông Mỹ Tho thuộc làng Mỹ Chánh, sau đó cùng với dân địa phương khai phá đất hoang, lập chợ buôn bán, hơn trăm năm sau trở thành Mỹ Tho Đại Phố. “Chợ Mỹ Tho tại huyện Kiến Hưng, thường gọi là chợ phố lớn. Nhà ngói, rui chạm, đình cao, chùa rộng. Sông sâu tàu thuyền, buồm giong qua lại như dệt cửi…” (Đại Nam nhất thống chí) “Vị trí của Mỹ Tho thật tuyệt diệu. Nó chiếm một vị thế trung chuyển quan trọng vào bậc nhất cho các loại ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn (Sài Gòn) qua con kinh Bảo Định và kinh Chợ Gạo. 
<!>
Mỹ Tho lại có con đường sắt đầu tiên của Đông Dương, con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và con đường thủy nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây lên tận Phnôm Pênh qua bến Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho...” (Địa phương chí Mỹ Tho 1902).

Như vậy rõ ràng về phương diện đất đai, sông nước, Mỹ Tho thuộc hàng đắc địa, vượng phát, thuận tiện để trở thành một trung tâm thương mại sầm uất vào bậc nhất của xứ Nam Kỳ xưa. Trải dài theo thời gian, thiên nhiên thường hay biểu lộ vài đặc trưng cho chúng ta biết và lý giải được phần nào về sự hưng thịnh của một vùng dân cư làm ăn sinh sống trên đó, so với các nơi khác.

TỨ LINH TRÊN SÔNG MỸ THO

Long (Cù lao Rồng)

Cù lao Rồng tọa lạc trên dòng sông Mỹ Tho, chính thức được thành lập năm 1867 (sau Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862), dài khoảng 4 Km, ngang chừng 400 m, đối diện bên bờ đất liền với các kiến trúc lâu đời của thành phố, nằm dọc theo Đại lộ Gia Long (nay là 30-4), bắt đầu là công viên Lạc Hồng, dãy phố cổ khách sạn Bungalow, Ty Ngân Khố, Ty Bưu Điện, Dinh Tỉnh Trưởng, Tòa Hành Chánh (Tòa Bố cũ) và đặc biệt nằm sát bờ sông đối diện với cù lao Rồng là trại Thủy binh của Pháp (Căn cứ Hải Quân VNCH sau này), bên cạnh trại thủy binh là “cầu Tàu” nơi có chiến hạm của Nhật bị máy bay Đồng minh ném bom đánh chìm, lật nghiêng năm 1945, còn trơ mạn tàu đầy ốc vít rỉ sét bám đầy rêu, trồi lên khi nước ròng. Đứng trên cầu Tàu nhìn thẳng sang bờ cù lao, ta có thể thấy cột ống khói của một chiến hạm khác cùng bị đánh chìm trong ngày, nhưng vẫn còn đứng trơ hình khi nước rong (lớn) giống như một chiếc tàu đang từ từ ngập nước.

Phía bên kia cồn là dòng sông chính mênh mông, nằm ở khoảng gần giữa dòng là một chiếc soái hạm Admiral Charner * to lớn của Pháp đã bị Nhật đánh chìm ngày 10 tháng 3 năm 1945, cho dù nước lớn đến đâu cũng không ngập sàn tàu, trải qua hơn 20 năm rỉ sét, nhưng vẫn còn sừng sững như một soái hạm giữa một vùng nước bao la, bát ngát.

Mãi cho đến đầu thập niên 1970, nhất là khi lực lượng Hải quân VNCH phát triển thành lập những giang đoàn hoạt động trong các vùng sông rạch miền Nam và đồng thời Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 thành lập một căn cứ quân sự hổn hợp Đồng Tâm rất qui mô, bề thế nằm cạnh bờ sông thuộc xã Bình Đức, Mỹ Tho, chính quyền VNCH mới ký kết một hợp đồng với các hãng thầu phế liệu thuộc cơ quan USAID để trục vớt các tàu bè bị chìm trên sông rạch miền Nam trước đây.

Khi các xà-lan trục vớt đến Mỹ Tho, dân chúng hiếu kỳ tụ tập bên bờ sông rất đông để chờ xem việc gì sẽ xảy ra. Vì từ lâu trong dân gian đều đồn đại rằng cồn Rồng hình thành là do đất bồi lâu ngày (từ năm 1788) trên lưng của một con giao long to khủng và dưới nước có rất nhiều cá sấu sinh sống trong các ca-bin của mấy chiếc tàu chìm.

Cuối cùng, sau khi công việc trục vớt hoàn tất, sóng lặng gió êm, tàu bè đi lại an toàn, nhất là những người tắm lội trên sông không còn lo sợ thủy quái sát hại như lời đồn đại. Ngoài ra nhân dịp nầy một số cư dân có thân nhân bị tai nạn chết trên sông trước đây cũng lập trai đàn bên bờ sông để cúng cầu siêu vong linh người quá cố. Tất cả tạo thành một không khí thật an bình.

Rồi đến năm 1972, vào một buổi chiều, trời chỉ mưa giông, gió nhẹ nhưng đã làm trốc gốc cây đa cổ thụ hơn trăm tuổi trong công viên Lạc Hồng, dấu tích cuối cùng của ga xe lửa Mỹ Tho. Cây đa ngã đổ về hướng đông, phía ngã ba sông Mỹ Tho và rạch Bảo Định. Sau tai nạn có người chết do cây đè nên dân chúng có lập một miếu nhỏ để thờ.

Lân (Cù lao Thới Sơn)

Cách cù lao Rồng khoảng 3 km đường sông về phía tây, cù lao Thới Sơn lớn nhất, gấp đôi cù lao Rồng, dân cư đông đúc hơn cả, nằm ở giữa khúc sông rộng lớn không thấy bờ, đối diện xéo với căn cứ Đồng Tâm. Trước đây, nơi nầy là trạm quan sát thủy lộ của các lực lượng kháng chiến trong thời chống Pháp.

Quy (Cồn Quy)

Còn có tên gọi là cồn cát, là cồn nhỏ nhất, nằm bên bờ phía Bến Tre, dân cư trên cồn thưa vắng không có sinh hoạt xã hội hay trồng trọt trên cồn.

Phụng (Cồn Phụng)

Nếu bến Bắc Rạch Miễu nằm đối diện ở đuôi cù lao Rồng thì bến Bắc Tân Thạch nằm nhìn ngang qua đầu cồn Phụng bên kia bờ sông Mỹ Tho thuộc địa phận xã Tân Thạch, Bến Tre. Tuy nhỏ hơn cù lao Rồng và cù lao Thới Sơn nhưng cồn Phụng lại có các kiến trúc kiên cố, độc đáo, nhất là chùa Nam Quốc Phật, cùng với các đài tháp cao đúc bằng xi măng, sơn phết màu vàng rực rỡ nổi bật trên một vùng sông nước phù sa đỏ ngầu mênh mông, bát ngát.

Từ bến Bắc Tân Thạch người ta có thể đi đò ngang qua cồn Phụng dễ dàng, đến “giang sơn” của Đạo sĩ Nguyễn Thành Nam, thế danh là Đạo Dừa nổi tiếng trên cả nước.

Đạo sĩ Nguyễn Thành Nam xuất thân từ một gia đình đại điền chủ ở đất Bến Tre, thuở nhỏ được gởi sang Pháp đi du học ngành kỹ sư Hóa Học, sau về nước làm việc tại Bộ Canh Nông ở Sài Gòn trong một thời gian ngắn, rồi sau đó bỏ đời, từ biệt gia đình lên núi Cấm ở Thất Sơn, Châu Đốc tu hành theo phái “Bửu Sơn Kỳ Hương.” Sau 3 năm hành thiền dưới chân cột “phướn” (cờ) của chùa, ngày cũng như đêm cho đến khi đắc đạo, ông trở về quê cũ Ba Lai, Bến Tre truyền đạo và thu nhận đệ tử khắp nơi. Điều đặc biệt là ông chỉ độ nhật bằng nước dừa tươi lẫn cái, không ăn bất cứ một thứ thực phẩm nào khác nên từ đó ông có thế danh là Đạo Dừa.

Năm 1968, sau chiến cuộc Mậu Thân, cả một vùng trồng dừa bạt ngàn ở Bến Tre bị bom đạn cưa đứt ngọn, vì quá nhiều nên các chủ nhân nhà vườn không có đủ khả năng đốn hạ và tiêu hủy để trồng lại cho nên đã kêu gọi “cho không” mọi người, ai muốn đến đốn cũng được. Ông Đạo Dừa nhân cơ hội ấy đã huy động các đệ tử cùng thợ cưa xẻ gỗ trong vùng đến đốn hạ để “cứu nhân độ thế” và khiêng tất cả ra cồn Phụng, lớp thân dừa non thì đóng cừ trên bãi đất bồi ở đầu cồn, còn thân dừa lão thì xẻ ra làm ván đóng sàn ở bên trên.

Dần dần, ông Đạo Dừa xây dựng trên bãi đất bồi ở đầu cồn thành một khu cư trú ổn định và từ đó ông chuyển nơi tu hành ra cồn Phụng, xây dựng chùa Nam Quốc Phật cùng sân gạch tráng xi măng kiên cố làm chánh điện lộ thiên rất nguy nga, nhất là 9 cây cột tháp to, cao có chạm trổ hình rồng quấn quanh cột tháp (Cửu Long.) Ngoài ra còn có cửu trùng đài và trạm thiên văn trưng hình Đức Phật Thích Ca ở trên cao.

Đặc biệt ông còn cho đúc một cổ đỉnh thật lớn bằng xi măng, cốt thép đặt giữa sân chầu chánh điện mà toàn bộ bề mặt bên ngoài, chung quanh cổ đỉnh được cẩn vô số miễng sành, sứ thuộc các niên đại cổ xưa mà ông đã thu mua khắp nơi đem về cho thợ cẩn. Ngoài ra ông còn thỉnh một đại hồng chung từ ngoài Huế đưa vào và có làm lễ cung thỉnh rất trang trọng.

Dân cư trên cồn bắt đầu tăng lên đáng kể, số đệ tử năm 1972 lên đến hằng ngàn người, cộng thêm với dân chúng từ đất liền di cư qua cồn cất nhà, làm ăn, buôn bán ngày càng đông. Ban quản trị trên cồn cũng có đặt ra những luật lệ riêng, cũng chia thành tổ, khóm sinh hoạt theo ngành nghề, cũng có các lớp học dạy chương trình tiểu học cho trẻ em. Tất cả đệ tử hàng ngàn người, nam nữ đều mặc y phục màu nâu giống nhau, bới tóc và tập trung ra sân chầu đọc kinh theo thời khóa biểu từng nhóm.

Sở dĩ dân cư trên cồn ngày càng phát triển rất nhanh là vì ông Đạo Dừa chủ trương chung sống hòa bình hay “bất chiến tự nhiên thành”, phản đối gay gắt cuộc chiến tranh Quốc-Cộng lúc bấy giờ và một nhân vật phản chiến, con trai của văn hào người Mỹ John Steinbeck năm 1971 cũng đã từng viếng cồn Phụng, tiếp kiến và trao đổi với ông Đạo Dừa, có lưu bút tich trong sổ lưu niệm. Do đó một số đông trai tráng đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân dịch đã trốn qua đây, gia nhập vào các tổ chức đạo hữu hoặc chỉ đơn thuần làn ăn sinh sống bình thường miễn là tuân theo luật lệ trên cồn.

Với các kiến trúc màu sắc rực rỡ đã làm cảnh trí nổi bật trên sông khiến lâu dần cồn Phụng nổi tiếng là một địa điểm đi đến vui chơi, ngắm cảnh trên sông của dân chúng quanh vùng. Du khách đến viếng chùa ngày càng đông, dịch vụ ăn uống và đưa đón qua lại trên sông rất ồn ào, náo nhiệt. Đăc biệt thức ăn tại các quán trên cồn chỉ toàn là đồ ăn chay, cấm bia rượu. Đoàn du khách trên 10 người sẽ được ban tiếp tân đưa đến hội trường để được hướng dẫn và tham khảo các chương trình sinh hoạt cũng như mục đích và tôn chỉ của chùa. Sau đó được giới thiệu sang phòng bảo tàng trưng hình ảnh trên tường cùng với sách, báo đủ loại ghi lại bài viết, phóng sự về hoạt động của ông Đạo Dừa (xưng là Cậu Hai).

Thuê xuồng máy đuôi tôm (Kohler) vừa đủ năm, mười người đi trên sông gió mát, ngắm cảnh hai bên bờ vào những buổi chiều tà rất đẹp. Lại hiểu biết thêm về một môn phái tu tập khác biệt ở miền Nam cũng là một điều rất thú vị.

Lúc sau nầy, sau khi có các cuộc hành quân bố ráp của Cảnh Sát Quốc Gia bắt hết các thanh niên đến độ tuổi thi hành quân dịch, không phân biệt thành phần đệ tử hay dân thường thì ông Đạo Dừa cho đóng một thuyền Bát Nhã, giăng đèn sáng rực để những ngày rằm thả trôi từ từ trên sông dọc theo bờ thị xã Mỹ Tho, gióng chuông theo từng hồi kinh cầu nguyện cho các đệ tử bị bắt, đồng thời cũng cầu cho quốc thái dân an.

Hình ảnh một chiếc thuyền Bát Nhà trôi trên sông vào nhừng đêm trăng sáng đã tạo thành một không gian tĩnh lặng, cảnh đẹp huyền diệu thật vô cùng thích thú cho người thưởng ngoạn.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, chính quyền mới tịch thu toàn bộ công trình kiến trúc trên cồn, giải tán các đệ tử, buộc họ phải về quê và bắt ông Đạo Dừa đi cải tạo một thời gian dài cho đến khi thả ra chỉ một ít lâu sau thì ông mất.

Kết thúc đôi điều về phong thổ, nếu trên dòng sông Mỹ Tho giáp ranh với Bến Tre có 4 dãy cồn Long Lân Quy Phụng (cồn Rồng, cồn Thới Sơn, cồn Quy và cồn Phụng) làm thành bức bình phong che chắn đất đai và con người khỏi sóng xô bão táp, thì còn đây là những bậc hào kiệt gắn liền với đất Mỹ Tho lưu danh thiên cổ.

NHÂN KIỆT

1.
Tại ngã ba sông Mỹ Tho, án ngữ bởi cù lao Rồng, năm 1875, nhà ái quốc Nguyễn Hữu Huân đã bị áp giải xuống đò, xuôi theo rạch Bảo Định về quê nhà xã Mỹ Tịnh An để thọ hình, ông đã cảm khái làm một bài thơ tuyệt mệnh gởi cho người nhà, đồng thời cũng gởi lại cho người đời sau.


Ruổi dong vó ngựa trả thù chung,
Binh bại cho nên mạng phải cùng.
Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,
Hơn thua sá kể với anh hùng!
Nổi xung mất vía quân Hồ Lỗ,
Quyết thác không hàng, rạng núi sông.
Tho Thủy ngày rày pha máu đỏ,
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.
(Phan Bội Châu dịch)

2.

100 năm sau ngày lên đoạn lầu đài của nhà ái quốc Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân), cũng tại bờ sông Mỹ Tho, một vị tướng tài ba thời cận đại cũng đã viết một bức thư tuyệt mệnh cùng di vật gởi lại cho mẹ già trước khi uống độc dược tuẫn tiết vì không giữ được thành lúc vận nước đã đến hồi mạt vận, chưa đánh mà binh sĩ đã tan hàng do lệnh đầu hàng của thượng cấp.

2 tiếng đồng hồ sau khi có lệnh buông súng đầu hàng trên toàn quốc, ông còn tập họp Ban tham mưu cùng các sĩ quan thân tín để quyết định cho binh lính tuân lệnh rã ngũ trở về nguyên quán với gia đình. Riêng ông một mình vào phòng làm việc trong căn cứ Đồng Tâm khóa kín cửa ra vào cho tới khuya, ông nghiêm trang mặc quân phục ngồi vào bàn, trên có lá cờ hiệu một sao, nhẹ nhàng mở ngăn tủ lấy ra và uống hết một ống thuốc 20 viên ... để không bao giờ tỉnh dậy nữa. Tướng quân Trần Văn Hai đã đền nợ nước rạng sáng ngày 1 tháng Năm năm 1975.

Trần Bạch Thu

*ADMIRAL CHARNER (French Colonial Sloop, 1932-1945). Ship's wreck photographed in the Mekong River, at My Tho, South Vietnam, circa February-March 1967. She had been scuttled there on March 10, 1945, during the Japanese takeover of French Indochina. Taken by Don S. Montgomery, who was then serving in U.S. Navy Boat PBR-131. He states that Japanese salvors partially dismantled the wreck during the following summer.

Không có nhận xét nào: