Trong bức tranh văn hóa đồ sộ muôn màu của đất nước Việt Nam, những công trình kiến trúc biểu trưng cho một nét đẹp trường tồn qua năm tháng. Kiến trúc Đông Dương – đứa con của thời đại giao thoa, lại chính là minh chứng cho sức sống mãnh liệt vô cùng của nền văn hóa Á Đông, giữa giai đoạn khói lửa đau thương của dân tộc. Fedic mong muốn qua loạt bài viết “Lược sử kiến trúc Đông Dương”, bạn đọc có được cái nhìn đầy đủ, thú vị và đầy cảm hứng về văn hóa kiến trúc trong thời kỳ này. Từ đó ta sẽ trân trọng và nâng niu hơn món quà vô giá của một thời vàng son.
<!>
Thước phim mở đầu sẽ đưa chúng ta đến với dấu ấn đầu tiên của người Pháp trên đất An Nam: kiến trúc Vauban.
I. ĐÔI NÉT VỀ KIẾN TRÚC VAUBAN – “NỀN MÓNG” CỦA CÁC THÀNH TRÌ TẠI VIỆT NAM
1. Sự ra đời của kiến trúc Vauban
Đầu thế kỷ 14, chiến trường châu Âu chứng kiến sự xuất hiện của thuốc súng, thứ vũ khí mang sức công phá kinh hoàng. Các pháo đài đứng vững suốt hàng thập kỷ cũng bị xuyên thủng. Công trình hóa thành di tích. Chính vì thế, phần lớn các thành trì tại Châu Âu từ thế kỷ 17 được xây dựng theo phong cách rất riêng biệt với mục đích phòng thủ cao. Phong cách kiến trúc này được gọi chung là Vauban – đặt theo tên của chính người tạo ra nó – kiến trúc sư Sébastien Le Prestre de Vauban (1633 – 1707) – bậc thầy về chiến thuật pháo binh công thành.
Các thành cổ mang kiến trúc Vauban là một hệ thống thành lũy phức tạp, với khả năng phòng ngự vượt bậc cùng danh xưng khét tiếng: đô thị bất khả xâm phạm.
Mô hình thành Minas Morgul (Phim Chúa tể những chiếc nhẫn) với kiến trúc Vauban
Pháo đài Goryokaku phong cách Vauban tại Nhật Bản, thiết kế bởi Kts. Takeda Ayasaburo
2. Dấu ấn Vauban tại Việt Nam
Kiến trúc Vauban cho đến thế kỷ 19, đã được áp dụng để xây dựng nhiều thành lũy ở các nước phương Tây và khu vực thuộc địa, bao gồm Việt Nam. Công trình đặt nền móng cho phong cách kiến trúc Vauban tại Việt Nam là thành Bát Quái (thành Phiên An)– được vua Gia Long (Nguyễn Ánh) xây dựng vào năm 1790.
Mô hình thành Bát Quái (1790) tại Bảo tàng Sài Gòn Nguồn: kienthuc.net.vn
Về sau, các đời vua nhà Nguyễn vẫn tiếp tục cho xây dựng các thành trì theo lối kiến trúc này, nhưng có sự kết hợp với các đặc điểm kiến trúc truyền thống phương Đông như vọng lâu, gác canh được xây bằng vật liệu nhẹ như gỗ, lợp mái ngói âm dương, và cột kèo có chạm trổ hoa văn… tạo nên nét kiến trúc đặc sắc rất riêng – tiền đề cho kiến trúc Đông Dương tại nước ta.
II. THEO DÒNG LỊCH SỬ: CÁC KIẾN TRÚC VAUBAN NỔI BẬT TẠI VIỆT NAM
1. Thành Phiên An (1790) – kiến trúc Vauban đầu tiên ở An Nam
Lịch sử hình thành:
Năm 1790, Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm Kinh Đô, đặt tên là Gia Định Kinh và bắt đầu cho xây dựng thành lũy. Đây được xem là tòa thành kiên cố, lớn nhất từng được xây dưới triều Nguyễn. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), dời đô ra Huế và cho xây dựng kinh thành mới, thì Gia Định Kinh cũng được đổi tên thành Gia Định Thành (1811) và trở thành thị sở của quan Tổng trấn Nam Kỳ.
Khuôn viên thành Gia Định – Tranh vẽ của Đại úy hải quân Pháp Favre
Đặc điểm kiến trúc:
Thành Phiên An được xây dựng theo kiến trúc Vauban, nhưng có cấu trúc như hình bát quái, theo phong cách Á Đông. Có tổng cộng 8 cửa tại mỗi cạnh thành, với 8 pháo đài uy lực và kiên cố. Tường thành chính cao 4,8m được làm bằng đá Biên Hòa, có sức chống chịu tốt với súng, đạn, pháo hiện đại nhất thời đó. Sau này, để tăng thêm sự kiên cố cho thành, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã cho gia cố tường thành cao lên 6.3m bằng đá ong, chân tường dày 36.5m cùng hệ thống hào rộng 76m, sâu 6.8m.
Bản đồ thành Phiên An (thành Bát Quái) cổ do Trương Vĩnh Ký vẽ
Sự kiên cố, phức tạp “bất khả xâm phạm” của thành Gia Định được thể hiện qua kết cấu “thành trong thành”, “hào trong hào”. Thành ngoài được xây bằng đất, thành trong được dựng bằng đá, nên nếu có khu vực nào thất thủ, thì vẫn có thành trong kiên cố hơn để tiếp tục kháng cự.
Thành Phiên An thất thủ:
Năm 1837, vua Minh Mạng cho phá thành Phiên An và xây dựng thành Gia Định mới sau 3 năm bị chiếm đóng bởi quân nổi loạn Lê Văn Khôi – con nuôi của Lê Văn Duyệt.
Thành Gia Định mới thời vua Minh Mạng
Đến năm 1859, thành Gia Định mới cũng thất thủ trong tay thực dân Pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thành Bát quái xưa vẫn còn, thì tình thế có thể đã khác. Khi đó quân dân Gia Định có thể thủ thành thêm vài ngày nữa để kịp chờ 5,000 quân của năm tỉnh Nam Kỳ tiếp viện. Nhưng sau cùng, miền Nam lại chìm trong biển lửa của quân xâm lược.
Than ôi:
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…”
Thành Gia Định bị Pháp chiếm đóng năm 1859
2. Kinh Thành Huế (1805)
Toàn cảnh Kinh thành Huế từ trên cao
Sự hình thành và tổng quan kiến trúc nổi bật:
Nhắc đến thành phố Huế, ta nhớ đến những con người với tính cách chan hòa, thân thiện; những lễ hội đậm đà bản sắc với Nhã nhạc Cung đình Huế; hay điệu hò mềm mại, trong trẻo bên bờ sông Hương. Vùng đất cố đô còn là nơi lưu giữ di tích kiến trúc vô giá của đất nước: Kinh thành Huế.
Được xây dựng từ năm 1805 (đời vua Gia Long), nhưng đến năm 1832 (đời vua Minh Mạng) thì Kinh thành Huế mới chính thức hoàn thành. Kinh thành Huế có kết cấu vô cùng kiên cố, với 3 vòng thành bao gồm: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành.
Sơ đồ kinh thành Huế thời nhà Nguyễn
Cửa Đông Ba của Kinh Thành Huế với thành và hào phía trước
Kiến trúc quân sự quan trọng nhất của Kinh thành Huế là vòng thành ngoài cùng, được xây theo kiến trúc Vauban với hệ thống hào bao quanh 4 mặt. Chu vi vòng thành khoảng hơn 10.000m2, bao quanh bởi tường thành cao 6.46m, dày đến 21m. Thành có tổng cộng 10 cửa được xây bằng gạch, cao 2 tầng với pháo đài được đặt vòng quanh 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc. Trước cửa Ngọ môn là Kỳ đài ba tầng, cao 4 trượng 4 thước.
Thời gian đầu, Kinh thành Huế được đắp bằng đất. Về sau để tăng sự kiến cố, các mặt tường của thành được xây bó bằng gạch vồ.
Ngọ Môn- cổng chính phía Nam của Hoàng Thành Huế với vẻ đẹp tráng lệ
Quân Pháp tàn phá Kinh Thành Huế:
Vào năm 1885, quân Pháp tổ chức tấn công vào Kinh thành. Quân dân triều đình chống trả kiên cường nhưng vẫn thất bại do chênh lệch về quân lực. Khi quân Pháp tiến vào Đại nội, chúng đã ra sức giết chóc, đốt phá các cung điện, cướp đi phần lớn tài sản quý báu.
Pháp phản công vào kinh thành Huế 1885
Lính Pháp ở Đại Nội Kinh thành Huế
Về sau người dân Huế coi ngày 23 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ lớn hàng năm. Đến nay, khu vực Thành Nội Huế (tại ngã tư Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn) vẫn còn miếu Âm Hồn để tưởng niệm những người đã hi sinh.
Di tích Miếu Âm Hồn trong thành nội Huế
3. Thành Hà Nội (1803)
Sau khi dời đô về Phú Xuân năm 1802, vua Gia Long cho xây đắp thành Hà Nội trên nền tòa thành cũ thời Lê. Tương tự Quy thành, thành Hà Nội được xây theo kiến trúc Vauban với 5 cổng thành. Mặc dù đã dời kinh đô về Huế, các đời vua Nguyễn vẫn chú trọng đến công tác hoàn thiện và tu sửa thành Hà Nội. Đến năm 1820, triều đình cho xây khu vực hành cung và nhiều công trình bên trong.
Bản đồ thành Hà Nội cổ thời vua Minh Mạng
Thành có dạng hình vuông, khá rộng. Mỗi mặt thành có hai pháo đài, nghĩa là có ba thành liên tháp, hai pháo đài có góc nhô ra và hai pháo đài một mặt. Các mặt trung tâm được phòng vệ bởi các lũy hình bán nguyệt. Thành Hà Nội còn có điểm đặc biệt so với các thành cùng thời, đó là mặt chính phía Nam được bố trí 2 cổng vào gần pháo đài góc. Cấu trúc này tạo nên sự che chắn, kín đáo hơn cho các công trình bên trong thành.
Bản đồ thành Hà Nội cổ do Pháp vẽ
Trong suốt giai đoạn 1873-1882, thành Hà Nội là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến ác liệt giữa quân ta và thực dân Pháp. Đến năm 1884, thực dân Pháp đã cho san bằng thành Hà Nội và hiện chỉ còn lại Kỳ đài và cửa Bắc.
Cửa Bắc thành Hà Nội với dấu tích đạn pháo còn để lại
Ngày nay, khuôn viên hình vuông rộng lớn của thành được đánh dấu bằng 4 con đường huyết mạch: Trần Phú, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phùng Hưng.
4. Thành cổ Quảng Trị (1808) – Ký ức hào hùng của dân tộc Việt Nam
Thành Quảng trị được đắp bằng đất tại địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, và sau đó được xây bằng gạch năm 1837.
Thành cổ Quảng Trị. Nguồn: Nhat Minh
Thành có kiến trúc tiêu biểu của tòa thành Vauban với 4 góc nhô hẳn ra ngoài, dùng làm pháo đài canh giữ. Chu vi thành đến 2.080m, tường cao 4,29m, chân tường dày 12,75m. Bên cạnh đó, thành có 4 cửa được xây hình vòm cuốn, bên trên có vọng lâu.
Sơ đồ thành cổ Quảng Trị (1889) do Nguyễn Thứ vẽ lại
Thành được bao quanh và bảo vệ bởi các hào rộng. Bên trong gồm các công trình hành chính như Hành cung, cột cờ, các dinh, ty, kho thóc, nhà lính… Về sau Pháp có xây thêm nhà lao, bốt gác, kho lương thực, bưu điện và đồn cảnh sát.
Khu di tích phục dựng phía Nam thành Quảng Trị
Nơi ghi dấu lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc:
Năm 1972 ghi dấu một cuộc chiến tranh ác liệt đã diễn ra tại thị xã Quảng Trị, gần như san phẳng tòa thành cổ, cùng vô số người dân đã ngã xuống. Suốt 81 ngày đêm đấu tranh (từ 28-6 đến 16-9-1972)
III. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG RIÊNG CỦA KIẾN TRÚC CUNG ĐÌNH AN NAM XƯA
1. Kết cấu chung
Nhìn chung, phần lớn các công trình trọng yếu (trừ kỳ đài và cột cờ) bên trong các thành trì dưới thời nhà Nguyễn thường có kết cấu bằng gỗ bền chắc.
Khu vực Đại nội Huế
Kiến trúc bên trong Đại nội Huế
Kết cấu chủ yếu thường là kiểu nhà rường, với khung gỗ lim hoặc kiền, mái ngói liệt, xung quanh xây tường hoặc ván gỗ. Nền được lát bằng gạch vồ hoặc gạch Bát Tràng.
2. Trùng thiềm điệp ốc (Trùng diêm trùng thiềm)
Trùng thiềm điệp ốc là hệ kết cấu chính trong một tổ hợp các kiến trúc cổ, thường được dùng làm tẩm điện, miếu điện… và có dạng hai mái trước và sau.
Thế Tổ Miếu với phong cách Trùng Thiềm Điệp Ốc
Kết cấu chính của dạng kiến trúc này gồm có Tiền điện & Chính điện hợp thành, với bộ vì từ 8 đến 10 hàng cột. Còn hệ thống mái lợp được chia làm hai tầng bao gồm 12 mái, thường được lợp ngói hoàng lưu ly (đối với công trình dành cho vua) hoặc ngói thanh lưu ly. Đặc biệt phía nóc mái còn được trang trí “Lưỡng long tranh châu”, hoặc “Lưỡng long chầu nguyệt”… Đây được xem là dạng kiến trúc có thứ bậc cao nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình nhà Nguyễn.
Kiến trúc “Trùng thiềm điệp ốc”
Một số công trình được xây dưới dạng Trùng thiềm điệp ốc tiêu biểu như điện Thái Hòa (kiến trúc chủ của Hoàng thành), điện Minh Thành (kiến trúc chủ của lăng Gia Long), điện Sùng Ân (kiến trúc chủ của lăng Minh Mạng).
Điện Thái Hòa
3. Mái đơn – Thượng thu hạ thách
Dạng Mái đơn (một mái) thường được sử dụng cho những công trình phụ, bổ trợ cho các công trình kiến trúc chính. Có thể kể đến Thổ Công từ (Thế Miếu) hay điện Long Đức (Thái Miếu)…
Lăng Thiệu Trị với kết cấu mái đơn
Kết cấu chính của kiểu kiến trúc này là một hệ khung gỗ có bộ vì từ 4 đến 6 hàng cột. Hệ mái có thể có từ một đến hai tầng thu nhỏ về phía trên (gọi là Thượng thu hạ thách). Bao gồm 4 hoặc 8 mái tùy theo mức độ quan trọng của công trình, và được lợp bằng ngói ống hoặc ngói âm dương.
Dạng kiến trúc “Mái đơn”
4. Lâu các
Lâu các thường có kết cấu gỗ, có từ 2 tầng trở lên, với bộ vì từ 6 đến 8 cột, hệ mái từ 8 đến 12 mái. Điểm thường thấy ở các Lâu các là những kiểu trang trí “Lưỡng long vờn châu”, “Lưỡng long chầu nhật”,… trên nóc mái. Ngoài ra, các hộc tường còn được khắc họa tiết tinh xảo như “Tứ linh”, “Long – Phụng”,…
Kết cấu các kiến trúc Lâu các
Một số công trình Lâu các phổ biến dưới thời Nguyễn có thể kể đến như Minh lâu (lăng Minh Mạng), Hiển Lâm các (Thế Miếu) và Thông Minh đường/Tịnh Minh lâu (cung Diên Thọ).
Minh Viễn Lâu (phục dựng 3D). Nguồn: 3DART
5. Môn lâu
Thường sử dụng làm các cổng chính của một khu vực quan trọng trong quần thể kiến trúc lăng tẩm, Kinh thành như Ngọ môn (cổng chính Hoàng thành), tam quan và Hiển Đức môn (cổng chính khu vực tẩm của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng). Kết cấu chính là gỗ, bộ vì thường có bốn hàng cột, cao hai tầng với tám mái (trừ Ngọ môn có bộ vì tám hàng cột, hai tầng 48 mái).
Kiến trúc Môn lâu (Ngọ môn – Kinh thành Huế)
IV. TẠM KẾT
Dưới triều Nhà Nguyễn, kiến trúc phòng thủ Vauban đã được kết hợp nhuần nhuyễn với kiến trúc An Nam truyền thống tạo nên những nét đặc sắc khác biệt so với kiến trúc nguyên mẫu. Thể hiện đậm nét tài trí và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cha ông ta trong quá trình củng cố phòng thủ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Kiến trúc Vauban còn góp phần hình thành nên phong cách kiến trúc Đông Dương sau này.
Và cũng kể từ đây, sự giao thoa kiến trúc giữa Việt Nam ta và Pháp bắt đầu hình thành và phát triển, theo diễn trình lịch sử gần 200 năm máu lửa của dân tộc. Từ đó để lại cho chúng ta những tuyệt tác nghệ thuật còn trường tồn cho đến ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét