Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

VĨNH BIỆT LỆ THU - Song Thao


Tôi biết Lệ Thu từ hồi chưa có cái tên Lệ Thu. Khi đó Oanh mới 15 tuổi, tươi mát, xinh xắn, là hàng xóm của anh bạn tôi. Anh Trần Cao S. Hồi đó chúng tôi đang học lớp Đệ Nhị ban Văn Chương trường Chu Văn An. Khoảng thời gian đó, năm 1956, thi Tú Tài Một, ban C, như một cuộc vượt vũ môn. Số người đậu chỉ khoảng 10%. Chục người thi chỉ có một người đậu. Đi nghe đọc kết quả thi như đi nhận bản án. Số báo danh được xướng lên cách từng quãng lớn. Có khi cả phòng thi không có một người đậu. Vậy nên học thi tới xanh lét người. Nhà S. hồi đó ở đường Hòa Hưng, có phòng rộng rãi, chúng tôi tụ nhau lại học thi. Học chung như vậy có cái lợi là người nọ chỉ cho người kia nếu chưa thấu hiểu bài.
 <!>
Nhà Oanh ở ngay sát vách nhà S. Oanh chơi với cô em gái S. nên chạy qua chạy lại hoài. Ngày đó, Oanh xinh xắn, ríu rít như một con họa mi, thường rót nước, cắt trái cây cho chúng tôi giải lao. Khi Oanh thành Lệ Thu, hát ở vũ trường, S. tới nghe
hoài, còn tôi hồi đó không có cái thú la cà những nơi đó. Lệ Thu có nhắn S. rủ tôi tới nhưng chẳng biết sao, tôi chẳng một lần thấy Lệ Thu trên bục trình diễn.
Năm 2004, tôi gặp lại Lệ Thu khi cô tới hát tại Toronto. Dĩ nhiên sau từng đó năm xa cách Lệ Thu không nhận ra tôi khi tôi hỏi : “Oanh khỏe không?”. Thấy tôi hỏi bằng tên thật, cô nàng nhíu mắt, chồm tới hỏi gấp: “Anh là ai vậy?”. Tôi ỡm ờ hỏi lại: “Oanh còn nhớ ngày ở Hòa Hưng không?”. Lệ Thu cuống quýt cùng tôi nhắc về những ngày đó. Cô luôn giục tôi: “Anh nói nữa đi!”. Hình như gặp lại cố nhân của những ngày hoa mộng đó làm cô nhỏ Oanh sống trở lại thời kỳ chanh cốm của mình.
Chúng tôi nhắc nhau ôn lại những kỷ niệm của thời xa xưa đó. Chính Lệ Thu cho tôi biết anh bạn tôi, anh Trần Cao S. đã mất. Từ ngày đó tới nay, tôi không có dịp gặp lại Lệ Thu nữa. Giao tình của tôi với Quỳnh Giao lại là một chuyện khác. Quỳnh Giao kết duyên với anh bạn tôi, anh DNH, bạn học tại Chu văn An và Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Thời gian ở Sài Gòn sau khi rời Văn Khoa, tôi chỉ thỉnh thoảng gặp H., chưa bao giờ gặp Quỳnh Giao. Những ngày chộn rộn đó, đã hết thời kỳ sinh viên bên nhau, mỗi người chúng tôi đều có công việc riêng nên chúng tôi hầu như mất liên lạc với nhau. Phần lớn đã nhập ngũ. H. cũng nhập ngũ nhưng làm ngay tại Đài Phát Thanh Quân Đội nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần cầu Thị Nghè. Nhà tôi ở Thị Nghè, ngày ngày đi làm phải ngang qua đài, vậy mà chẳng bao giờ gặp nhau. Kể cũng lạ. Nhưng sau 1975 lại khác. Tôi gặp lại nhiều bạn bè cũ trong các trại được gọi là “học tập cải tạo”. H. nhanh chân chuồn đi được ngay năm 1975 nên tôi không gặp lại vợ chồng anh. Qua Mỹ, H. maymắn vào làm biên tập viên của đài VOA. Chục năm sau, tôi mới được bảo lãnh qua Montreal. Không biết sao anh biết tin để liên lạc lại ngay với tôi. Một năm sau, năm 1986, khi đài VOA tuyển người, anh bạn gửi đơn qua cho tôi và hối thúc tôi thi “để tụi mình lại ngày ngày gặp nhau như ở Văn Khoa ngày cũ”. Tôi điền đơn dự thi và được sắp xếp tới thi tại tòa Lãnh Sự Mỹ nằm trong cao ốc Complexe Desjardin ở downtown
Montreal. Ngày thi, leo lên xe buýt, tay cắp mấy cuốn tự điển, lên đường, lòng riêng chán ngán. Nể bạn, muốn thử thời vận chứ chẳng hy vọng chi khi biết có tới 160 người thi trên khắp thế giới, chỉ chọn có ba người. Chữ nghĩa sau chục năm bỏ xó đã gỉ sét, hy vọng chi. Mỗi người thi riêng rẽ tại các tòa Đại Sứ và Lãnh Sự nơi cư ngụ. Bài thi và băng thu giọng đọc được gửi về đài tại Hoa Thịnh Đốn chấm chung.
Vậy mà tên tôi có trong số ba người trúng tuyển. H. rất mừng trước viễn ảnh chúng tôi lại gặp nhau hàng ngày. Nhưng số tôi vất vả, đài bị cắt giờ phát thanh, tôi phải chờ khi có chỗ trống mới có thể qua làm việc. Ba năm sau, không được kêu, họ bắt thi lại, tôi bỏ cuộc. Vậy là lỡ dịp qua làm hàng xóm với vợ chồng Quỳnh Giao. Trong thời gian ở thủ đô nước Mỹ, Quỳnh Giao không có cơ hội thi thố tài năng. Chỉ ra được ba cuốn băng “Hát Cho Kỷ Niệm”. Mỗi lần có băng, hai vợ chồng đều gửi qua cho tôi. Tới nay tôi còn giữ được những...kỷ niệm này. Rồi Quỳnh Giao bỏ đi Cali, ra được một số CD có giá trị, tôi cũng còn giữ được tất cả. Trong một lần qua Cali, tôi gặp lại Quỳnh Giao tại nhà của anh chị Nguyễn Mộng Giác. Quỳnh Giao kéo tôi ra nói chuyện riêng. Nàng tâm sự rất nhiều, nhất là lý do nàng bỏ về Cali.
Trong truyện ngắn “Lẽ Ra”, viết vào năm 2003, tôi mượn hình ảnh của Lệ Thu và Quỳnh Giao, hư cấu trong nhân vật Mai. Đây có lẽ là nhân vật tôi đắc ý nhất trong các truyện ngắn của tôi. Nay, cả hai đã người trước kẻ sau bước qua thế giới khác, họ bỏ lại trần gian những huy hoàng của cuộc đời nghệ sĩ mà hầu như mọi người
chúng ta, cả trong lẫn ngoài nước, đều ngưỡng mộ. Hai cuộc xí xóa khá vội vã đã khiến tôi ngơ ngẩn. Chỉ còn lại chút an ủi. Tôi đã kịp giữ họ lại trong nhân vật Mai. Mai sẽ chẳng bao giờ bỏ đi! Mai sẽ mãi mãi  ở lại trong truyện ngắn “Lẽ Ra”

Song Thao

Không có nhận xét nào: