Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Tân chính quyền Mỹ Biden-Harris sẽ thay đổi gì trong chính sách đối nội và đối ngoại? - Vũ Ngọc Yên


Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11.2020, liên danh Dân chủ Joe Biden – Kamala Harris đã giành chiến thắng với 81.283.495 phiếu phổ thông (51,4%) và 306 phiếu đại cử tri, so với 74.223.755 phiếu phổ thông (46,9%) và 232 phiếu đại cử tri dành cho liên danh Cộng hoà Donald Trump – Mike Pence.

<!>

Theo quy định Hiến pháp, kết quả bầu cử sẽ được xác nhận trong phiên họp lưỡng viện Quốc hội do Phó tổng thống đương nhiệm, trên cương vị Chủ tịch Thượng viện chủ tọa. Ngày 7.1, sau cuộc kiểm phiếu hoàn tất, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố, Quốc hội chính thức xác nhận ông Joe Biden thắng cử và sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1.

Được biết, phiên họp khoáng đại bắt đầu vào ngày 6.1.2021 đã bị gián đoạn vì cuộc bạo loạn của đoàn người biểu tình ủng hộ Tổng thống thất cử Donald Trump tụ tập trước Quốc hội phản đối việc chứng nhận chiến thắng của Joe Biden. Hàng trăm người quá khích đã xông vào toà nhà Quốc hội đập phá, đe dọa các Dân biểu, Nghị sĩ đang họp.

Cảnh tượng bạo loạn, hãi hùng tại thủ đô Washington DC đã bị công luận trong và ngoài nước Mỹ lên án. Cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Lịch sử sẽ ghi nhớ vụ bạo lực hôm nay tại Điện Capitol, được chính một tổng thống đương nhiệm kích động, như một khoảnh khắc vô cùng đáng hổ thẹn cho đất nước chúng ta”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cáo buộc Trump có liên quan đến cuộc bạo loạn và yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án số 25 Hiến pháp Mỹ, vốn cho phép Phó Tổng thống và Nội các tước bỏ quyền lực của Tổng thống Trump.

Tại Âu châu, giới lãnh đạo chính trị và các tờ báo lớn có uy tín đã cáo buộc Trump hủy hoại nền dân chủ và thanh danh của nước Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích đích danh việc Donald Trump không chấp nhận thất bại và cho rằng, một trong các nguyên tắc căn bản của nền dân chủ là có người thắng, người thua.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án các hành động biểu tình bạo lực và kêu gọi chấm dứt tình hình bạo loạn tại Washington. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen kêu gọi chính quyền Trump phải thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Nhật báo Suddeutsche Zeitung, phát hành tại Đức, nhận xét cuộc bạo loạn là “Cuộc đảo chính điên rồ”. Tờ El Pais, Tây Ban Nha, chỉ trích Donald Trump đã “khuyến khích gây hỗn loạn”.

Tờ Le Figaro, nhật báo Pháp bình luận, “Donald Trump nổi lên với tư cách là một Tổng thống gây nhiều tranh cãi nhất. Ông gạt bỏ thể chế, giẫm đạp nền dân chủ, chia rẽ nội bộ và ném vai trò tổng thống của mình xuống cống“.

Sau khi bị công luận phê phán mạnh mẽ, cuối cùng Trump đã lên tiếng thừa nhận sự thắng cử của Liên danh Biden – Harris trong video phổ biến trên Twitter vào ngày 07.01.2021: “Quốc Hội đã xác nhận kết quả. Chính quyền mới sẽ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêngtôi sẽ chuyển giao quyền lực suôn sẻ, trật tự, êm thắm. Giờ phút này đòi hỏi phải hàn gắn và hòa giải”.

Đến nay hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã nhìn nhận kết quả bầu cử và chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden, cũng như bày tỏ kỳ vọng Tổng thống thứ 46 của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một đường lối chính trị lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới hoàn toàn khác với người tiền nhiệm Donald Trump, để bảo đảm nền dân chủ và sự ổn định chính trị – kinh tế toàn cầu.

Tổng thống đắc cử Biden muốn thay đổi gì trong nước?

Sự kiện bầu Donald Trump bốn năm trước được coi là một tai nạn lịch sử. Tuy nhiên, sự thắng cử của Trump không phải là ngẫu nhiên, mà chủ yếu là hệ quả của sự cách biệt giàu nghèo và phân hoá xã hội xã hội ở Mỹ.

Hàng chục triệu người cảm thấy bị lừa dối về lời hứa “Giấc mơ Mỹ“ – cơ hội thăng tiến kinh tế và xã hội. 40% những người Mỹ có lợi tức thấp nhất hiện nay còn có thu nhập thấp hơn so với 40 năm trước. Khoảng 30 triệu người không có bảo hiểm y tế đầy đủ, sống nhờ trợ cấp thực phẩm và xã hội và hơn 10 triệu người đang nhận trợ cấp thất nghiệp.

Sự phân hoá xã hội Mỹ không chỉ đơn giản ở lý do lợi tức mà sự phân biệt đối xử về sắc dân, nguồn gốc và giới tính vẫn còn là một thực tại hiển nhiên. Đó là kết quả của bốn thập niên gia tăng bất bình đẳng xã hội và kinh tế mà tân chính quyền Biden – Harris không thể giảm ngay trong bốn năm được.

Biden đã nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của ông là chấm dứt đại dịch, khôi phục nền kinh tế và khôi phục lòng tin vào chính phủ Hoa Kỳ.

Đại dịch Corona: Tổng thống đắc cử cũng nhiều lần nói về những thách thức mà đất nước và chính quyền của ông phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới. Theo ông, trước mắt cần khống chế đại dịch để toàn dân được tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 và hỗ trợ kinh tế ngay lập tức bởi rất nhiều người Mỹ đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó là xây dựng lại nền kinh tế tốt đẹp hơn.

Mỹ là quốc gia có có ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với gần 23 triệu người nhiễm bệnh và hơn 383 ngàn người tử vong. Biden cáo buộc Tổng thống Trump đã thất bại trong cuộc chiến chống đại dịch Corona. Theo ông, chính quyền Trump hầu như không có nỗ lực ngăn chận sự lây lan của virus corona.

Đối nghịch chính sách thụ động cuả Trump, chính quyền Biden kêu gọi dân chúng nên mang khẩu trang để hạn chế sự lây nhiễm, cũng như tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của các thống đốc tiểu bang và quan chức y tế. Ngoài ra, ông đòi hỏi tiến hành nhiều xét nghiệm hơn và ủng hộ các nhà khoa học, như nhà miễn dịch học Anthony Fauci nên có nhiều ảnh hưởng hơn trong các quyết định chính trị. Chính quyển Biden chủ trương lập các trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở các tiểu bang và xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ dân chúng.

Kinh tế /Thuế má: Trump luôn tự hào về “thành tích“ kinh tế. Nhưng sự thật, Trump đã để lại một di sản kinh tế quá tồi tệ cho chính quyền kế nhiệm: Nợ công từ 20.000 tỷ USD (2016) đã tăng lên trên 28.000 tỷ USD (2020). Tình hình thị trường lao động hiện nay rất căng thẳng. Hơn 10 triệu người không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp từ 4,8% (2016) đã tăng tới 7% (2020).

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden sẽ ban hành một đại chương trình cứu trợ và phục hưng kinh tế đã bị trì trệ vì hậu quả của Đại dịch Covid-19. Chính quyền sẽ giảm thuế cho thành phần trung và tiểu lưu.

Biden nhiều lần chỉ trích các tập đoàn kỹ nghệ, tài chính lớn đã không đóng thuế một cách công bằng, nên sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21 lên 28%. Thuế lợi tức sẽ tăng từ 37% lên 39,6%. Biden chỉ muốn các nhà tirệu phú phải đóng góp tài trợ cho các chương trình cứu tế xã hội và việc mở rộng hệ thống y tế cho mọi thành phần. Những người có lợi tức thường niên dưới 400.000 USD sẽ không phải trả thêm thuế.

Y tế / Chăm sóc sức khỏe: Đảng Cộng hòa đã đấu tranh trong nhiều năm để lật ngược chương trình y tế Obamacare của Tổng thống Barack Obama. Chính quyền Obama đã mang lại bảo hiểm y tế cho trên 20 triệu người Mỹ. Biden đã từng nỗ lực đưa Obamacare thông qua Thượng viện nên ông tuyên bố chính quyền ông sẽ tiếp tục triển khai “Obamacare”, đặc biệt cho những người có mức lương thấp. Đồng thời, chính quyền ông sẽ đưa ra một dự luật hoàn toàn mới một khi công cuộc cải cách y tế bị Tòa án Tối cao lật ngược.

Phân biệt chủng tộc: Biden là chính trị gia được nhiều người Mỹ gốc Phi hâm mộ, đã từng cáo buộc sự phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ vẫn còn tồn tại trong nhiều định chế nhà nước. Tân chính quyền sẽ đề xuất nhiều đối sách, trong đó có chương trình cải tổ hệ thống cảnh sát và cải thiện đời sống kinh tế của người da đen.

Nhập cư: Một trong những kế hoạch của Biden là mở ra con đường hợp pháp hoá và nhập tịch cho nhiều người sống ở Mỹ mà không có giấy tờ. Để làm được điều này, Biden phải đảo ngược rất nhiều chính sách của Trump trong 4 năm qua. Biden công bố, sẽ ngừng tài trợ cho dự án xây tường của Trump ở biên giới với Mexico, nhưng duy trì việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp phạm tội hình sự. Mỹ sẽ tiếp nhận người tị nạn hàng năm ở mức 125.000 người và tìm cách tăng tỷ lệ này theo thời gian, tương xứng với trách nhiệm.

Môi trường và năng lượng: Biden sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận khí hậu Paris mà Trump đã rút lui. Trong 100 ngày đầu tại nhiệm, Biden sẽ triệu tập một Hội nghị khí hậu thế giới. Chính quyền Biden – Harris chủ trương, đất nước trong dài hạn phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thay vào đó sẽ sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn.

Mỹ muốn giảm lượng thải thán khí xuống 0 vào năm 2050. Chính quyền Biden sẽ giảm thiểu các chương trình tài trợ cho ngành ngành công nghiệp dầu khí, nhưng trưng dụng 2000 tỷ USD cho chương trình năng lượng xanh. Theo đó, một hệ thống trạm cung cấp điện cho xe hơi điện được xây dựng rộng lớn trên toàn quốc. Lãnh vực hiện đại hoá các hạ tầng cơ sở tương thích khí hậu sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm.

Giáo dục: Sinh viên đại học thuộc gia đình có lợi tức dưới 125.000 USD không phải trả học phí, miễn phí (tuition fees) cho học viên các trường Community Colleges có học trình 2 năm. Hiện nay có hơn 45 triệu người phải mượn tiền chính phủ để có thể trang trải học phí. Chính quyền Biden sẽ giảm nợ 10.000 USD cho mỗi sinh viên.

Một chính quyền đa dạng – đoàn kết quốc gia

Biden từng phát biểu trong cuộc tranh cử là nội các của ông sẽ phản ảnh sự đa dạng như hình ảnh của Hợp Chúng quốc. Ông đã nỗ lực mời nhiều phụ nữ và nhiều chuyên gia chính trị gia thuộc các sắc dân thiểu số tham gia chính quyền. Các thành viên trong nội các và các quan chức cấp cao khác trong guồng máy cầm quyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của Mỹ về đối nội và đối ngoại trong thời gian tới.

Nhìn qua danh sách những người được đề cử, công luận cho rằng cách lựa chọn của Tổng thống đắc cử là phù hợp với cam kết thành lập một nội các đa dạng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris từng là Tổng chưởng lý của bang California. Bà Kamala Harris sẽ trở thành Phó Tổng thống da màu và gốc Nam Á đầu tiên, và là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc Ron Klain từng là Chánh văn phòng của Biden trong nhiệm kỳ ông làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama.

Bộ trưởng Quốc phòng là Đại tướng về hưu Lloyd Austin, 67 tuổi, người da đen, sinh ở Alabama. Nếu được xác nhận, Lloyd Austin sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên ở Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, 58 tuổi, sinh ở New York, trong một gia đình Do Thái di dân từ châu Âu. Blinken từng là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ từ năm 2015 đến 2017, cũng từng phục vụ cựu Phó Tổng thống Joe Biden với tư cách là cố vấn trong nhiều năm.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, 74 tuổi, gốc Do Thái Ba Lan, sinh ra và lớn lên ở New York. Nếu chính thức được bổ nhiệm, bà Yellen sẽ trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên trong lịch sử quốc gia này.

Bộ trưởng Tư pháp là Thẩm phán Merrick Garland, 68 tuổi, sinh ở Chicago, Illinois, trong một gia đình có truyền thống Do Thái.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã từng đảm nhận vị trí cố vấn cho Biden khi ông là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama.

Cố vấn Chính sách đối nội Susan Rice, phụ nữ da đen, 56 tuổi, từng là đặc phái viên của Mỹ tại Liên Hiệp quốc và cựu Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama.

Giám đốc Tình báo quốc gia (CIA) Avril Haines, 51 tuổi, người gốc Do Thái. Avril Haines từng là cựu Phó Giám đốc CIA, và Phó Cố vấn An ninh quốc gia chính dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Nếu được xác nhận, bà Avril Haines sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cộng đồng tình báo của Mỹ.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas sinh ở Havana, đến Mỹ theo diện tị nạn. Nếu Thượng viện bỏ phiếu xác nhận ông vào vị trí này, ông sẽ là người Nam Mỹ đầu tiên và là người nhập cư đầu tiên lãnh đạo cơ quan phụ trách thực hiện các chính sách nhập cư và luật biên giới của Mỹ.

Bộ trưởng nội vụ Deb Haaland, người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên nắm chức vụ này. Bộ Nội vụ Mỹ là một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, bao gồm công viên quốc gia, những địa điểm khai thác dầu khí, cũng như vùng đất của các bộ tộc, nơi sinh sống của 578 bộ tộc được liên bang công nhận.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra, 62 tuổi, sinh ra và lớn lên ở California. Cha mẹ ông là những người lao động nghèo, di cư từ Mexico. Ông sẽ là người Mỹ gốc Latin đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Y tế.

Bộ trưởng Nông nghiệdo cựu Thống đốc Iowa Tom Vilsack giữ chức vụ này. Tom Vilsack từng đảm nhận vị trí này trong 8 năm dưới thời chính quyền Obama.

Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị là bà Marcia Fudge, năm nay 68 tuổi, người da đen sinh ra và lớn lên ở Ohio.

Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh, Denis McDonough, 51 tuổi, từng là Chánh Văn phòng Nhà Trắng dưới thời ông Obama. Ông McDonough sinh ở Minnesota, trong một gia đình di dân gốc Ái Nhĩ Lan.

Bộ trưởng Năng lượng, Jennifer Granholm, 61 tuổi, sinh ở Canada, lớn lên ở San Jose, California. Bà là thế hệ thứ hai của những người di dân gốc Bắc Âu đến Canada.

Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg, 38 tuổi, là một người đồng tính, từng làm thị trưởng thành phố South Bend, Indiana. Cha ông là di dân đến từ Malta.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế Cecilia Rouse, 57 tuổi, người da đen, sinh và lớn lên ở California. Bà sẽ là người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ này.

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách là bà Neera Tanden, 50 tuổi, từng làm việc trong bộ y tế thời tổng thống Obama. Bà Tanden sinh ở Massachusetts, trong một gia đình di dân từ Ấn Độ.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp quốc, Linda Thomas-Greenfield, 68 tuổi, sinh ở bang Louisiana. Bà đã phục vụ trong Bộ Ngoại giao hơn ba thập niên. Nếu được xác nhận, bà sẽ là người phụ nữ da đen thứ hai từng giữ vị trí này.

Đại diện Thương mại Mỹbà Katherine Tai, 45 tuổi, phụ nữ gốc Hoa, cha mẹ là di dân Đài Loan. Katherine Tai từng đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán các điều khoản lao động trong thỏa thuận thương mại Mỹ – Mexico -Canada (USMCA) mới. Nếu được xác nhận, Katherine Tai sẽ người da màu đầu tiên nắm giữ chức Đại diện Thương mại Mỹ.

Đặc phái viên của Tổng thống về khí hậuông John Kerry, từng là Ngoại trưởng và đã đàm phán Hiệp định Khí hậu Paris được ký kết vào năm 2016. Vai trò mới được thành lập đánh dấu, lần đầu tiên Hội đồng An ninh Quốc gia có một quan chức chuyên trách về biến đổi khí hậu. Vị trí của ông Kerry không cần sự xác nhận của Thượng viện.T

Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ được định hình như thế nào?

Khi Joe Biden trình bày về chính sách đối ngoại tương lai của mình tại quê nhà Wilmington, tiểu bang Delaware, vào ngày 24 tháng 11, ông tuyên bố: “America is back, ready to lead the world” (Nước Mỹ trở lại, sẵn sàng lãnh đạo thế giới). Đây không chỉ là thông điệp về một sự hồi sinh ý tưởng “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” (american exceptionism), mà đó cũng là một động thái đảo ngược “chủ nghĩa biệt lập” (isolationism) của Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (American first).

Thuật ngữ “chủ nghĩa ngoại lệ”, được sử dụng để ám chỉ một vai trò đặc biệt (lãnh đạo) của một quốc gia không thể thay thế (indispensable nation) trong chính trị thế giới. Mỹ là quốc gia dân chủ và cộng hòa đầu tiên trên thế giới. Những di dân, những người lập quốc và các vị Tổng thống đầu tiên đã xem dân tộc Mỹ là những người tiên phong, đấu tranh cho tự do và bình đẳng. Ngay trong những giai đoạn khởi đầu lập quốc, Mỹ đã tự coi mình như một “ngọn hải đăng” (beacon). Thomas Jefferson viết năm 1809: “Một nền cộng hòa duy nhất này”, nơi duy nhất bảo vệ ngọn lửa linh thiêng của tự do và quyền tự quyết, nên được thắp lên ở các khu vực khác trên thế giới…

Ý tưởng sứ mạng quốc tế đối với các quyền tự nhiên của con người như Tự do và Bình đẳng trên thế giới, cho đến nay vẫn tồn tại trong các chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong diễn văn nhậm chức Tổng thống cho nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2009, Barack Obama đã phát biểu “Lời hứa do Thượng đế ban phát rằng mọi người đều tự do, mọi người đều bình đẳng”, một lời hứa mà các vị cha ông lập quốc đã thực thi và “một Hiến pháp đã được truyền bá bằng máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng này luôn soi sáng thế giới và chúng ta sẽ không từ bỏ chúng vì tư lợi”.

Tổng thống đắc cử Biden, ngoại trưởng tương lai Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia tương lai Jake Sullivan đều cho rằng, nước Mỹ, một quốc gia biệt lệ, khác biệt về cơ bản so với nhiều quốc gia khác, nên có vai trò lãnh đạo trên toàn cầu. Trong một tiểu luận “Tại sao Mỹ phải trở lại vai trò lãnh đạo?” (Why America Must Lead Again) viết trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3 – tháng 4/2020, Joe Biden đã khẳng định:

“Là một quốc gia, chúng ta phải thuyết phục thế giới rằng chúng ta sẵn sàng lãnh đạo thế giới trở lại”. Nếu Mỹ không đảm nhận vai trò này, Trung Quốc sẽ làm điều đó, hoặc “tệ hơn nữa, thế giới sẽ có hỗn loạn”. Và với tư cách là Tổng thống, ông sẽ đặt vị trí nước Mỹ lên hàng đầu trở lại. Ông tuyên bố sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump, mà ông gọi là “Nước Mỹ một mình”. Thay vào đó, Mỹ sẽ quay trở lại chính sách đối ngoại truyền thống thời hậu Chiến tranh Lạnh, xem trọng đồng minh, đề cao chủ nghĩa đa phương và quảng bá dân chủ.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry nhận xét, bốn năm của Donald Trump chỉ là “một khoảng đứt quãng không may và lố bịch” mà chính quyền Biden có thể khôi phục vị thế của Mỹ giữa các đồng minh. “Chúng ta là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sở hữu quân đội mạnh nhất, và có truyền thống được xem như lãnh đạo của thế giới tự do”.

Một chính sách đối ngoại phục vụ trung lưu, tiếp cận “quyền lực mềm” và hợp tác quốc tế

Với chủ trương khắc phục thâm hụt thương mại qua các biện pháp áp thuế nhập cảng và ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, Donald Trump đã tạo ra những hố ngăn cách trên thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại chống lại đồng minh cũng như kẻ thù của Mỹ, đã làm tổn hại tầng lớp trung lưu. Nhưng tình trạng đất nước còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa là Trump đã xem thường những giá trị dân chủ vốn mang lại sức mạnh và đoàn kết cho dân tộc Mỹ.

Trong tiểu luận “Why America Must Lead Again” Biden đã phác hoạ ba đặc điểm chính của đường lối an ninh – đối ngoại mà chính quyền Biden-Harris theo đuổi:

Thứ nhất, chính sách đối ngoại phải mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu Mỹ.

An ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Mỹ sẽ kết hợp sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới để chống lại các hành vi lạm dụng kinh tế và giảm bớt sự bất bình đẳng.

Chính sách thương mại bắt đầu bằng cách củng cố tầng lớp trung lưu. Chính quyền sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Gia tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để Mỹ dẫn đầu lĩnh vực đổi mới (innovation) công nghệ và kỹ thuật. Không có lý do gì Mỹ lại tụt hậu so với Trung Cộng hay bất kỳ quốc gia nào khác khi nói đến năng lượng sạch, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 5G, xe hỏa cao tốc hay cuộc chạy đua diệt bệnh ung thư.

Chính sách đối ngoại phục vụ trung lưu sẽ bảo vệ các thị trường Mỹ và bảo đảm các quy tắc của nền thương mại quốc tế không bị lừa bịp để các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi công bằng.

Thứ hai, vai trò lãnh đạo thế giới thể hiện qua gương mẫu thay vì sức mạnh quân sự. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ tiếp cận bằng “quyền lực mềm” (Soft Power).

Dân chủ không chỉ là nền tảng của xã hội Mỹ. Nó cũng là nguồn sức mạnh củng cố và tăng cường khả năng lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.

Phục hồi các thể chế cốt lõi của các giá trị dân chủ ngay tại Mỹ từ việc tôn trọng tự do báo chí, bảo đảm bầu cử đến duy trì tính độc lập tư pháp.

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Dân chủ được tổ chức nhằm thúc đẩy thực thi các cam kết quan trọng của Hội nghị trong ba lĩnh vực: chống tham nhũng, chống độc tài và phát huy nhân quyền.

Thứ ba, vai trò lãnh đạo của Mỹ chỉ có thể hoàn hảo khi Mỹ ở một vị thế mạnh cùng hành động chung với “các đối tác có năng lực”.

Hoa Kỳ phải lãnh đaọ thế giới đối mặt với những thách thức của thời đại: biến đổi khí hậu, chiến tranh hạt nhân và công nghệ tiên tiến.

Hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để hành động chung trước các mối đe dọa toàn cầu.

Đặt ra các quy tắc ký kết thỏa thuận và phục hoạt các thể chế hướng dẫn quan hệ giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung.

Hợp tác với các quốc gia khác cùng chia sẻ các giá trị và mục tiêu để mở rộng sự hiện diện của Mỹ trên toàn cầu.

Củng cố năng lực tập thể với các nước dân chủ ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu thông qua các liên minh hiệp ước với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác từ Ấn Độ đến Indonesia để thúc đẩy các giá trị chung trong một khu vực sẽ xác định là “Tương lai Mỹ”.

Kết nối các quốc gia ở Nam Mỹ và Phi châu vào mạng lưới của các nền dân chủ và nắm bắt cơ hội hợp tác ở những khu vực đó.

Củng cố hợp tác với Âu châu và Liên minh xuyên Đại Tây Dương

Nhìn qua danh sách nội các của Biden và việc chính quyền mới tham gia trở lại các tổ chức quốc tế của Liên Hiệp quốc cũng như củng cố Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương (NATO) là những tin tốt cho Liên minh Âu châu (EU). Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định nhân sự quan trọng đầu tiên về nội các tương lai của mình: Tony Blinken sẽ trở thành Ngoại trưởng. Jake Sullivan, được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia và nhà ngoại giao Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hiệp quốc.

Trong tương lai, giới lãnh đạo các quốc gia Âu châu sẽ trực tiếp thương thảo với những chuyên gia có thẩm quyền về chính sách đối ngoại và an ninh tại Washington, những người thừa nhận giá trị của chủ nghĩa đa phương cũng như của liên minh NATO. Cũng có thể nói rằng chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Biden sẽ trở nên đáng tin cậy hơn trong tương lai.

Giữa Mỹ và Âu châu vẫn tồn tại một số vấn đề mà hai bên phải giải quyết:

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh không đóng góp đủ 2% GDP vào ngân sách của NATO. Yêu cầu này có lẽ sẽ không thay đổi. Biden đã từng tuyên bố “Các đồng minh của chúng ta cũng nên đóng góp công bằng”. Tuy nhiên, Biden cũng nhận thức rõ là Mỹ cần sự hợp tác quân sự nhiều hơn từ các thành viên NATO ở Âu châu, thay vì chỉ thúc ép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu. Một Liên minh NATO mạnh mới có thể bảo đảm an ninh cho Âu châu và đây cũng là lợi ích của Mỹ. Hơn nữa EU còn là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong một thế giới đang trải qua những biến động lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) là đường ống dẫn khí dài 1.200 km, trị giá 11 tỷ USD gần như sắp hoàn thiện dưới biển Baltic và được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất Âu châu. Tại Quốc hội Mỹ, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn dự án.

Mục tiêu chính của Mỹ là gây áp lực đối với các nhà nhập khẩu Âu châu chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ thay thế cho nguồn khí đốt đường ống từ Nga và tìm mọi lý do để loại bỏ sự cạnh tranh trên thị trường khí đốt Âu châu . Khi còn ở vai trò phó tổng thống Mỹ, Biden đã từng gọi dự án này là “một thỏa thuận tồi tệ về cơ bản đối với Âu châu”.

Trump tuyên bố rút khoảng 1/3 quân đội Mỹ đóng tại Đức. Một phát ngôn viên của Biden gọi đây là “một món quà dành cho nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin” và thông báo rằng, Joe Biden sẽ “xem xét lại” sau khi nhậm chức. Các chuyên gia không tin quyết định này sẽ bị đảo ngược hoàn toàn. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Hiệp Hội Chicago về các vấn đề toàn cầu (Chicago Council on Global Affairs), gần 2/3 đảng viên Dân chủ ủng hộ việc giảm số quân Mỹ ở Đức, như Trump đã tuyên bố, hoặc thậm chí nhiều hơn.

Trump khởi động cuộc tranh chấp thương mại với EU và liên tục đe dọa đánh thuế trừng phạt đối với nhập khẩu xe hơi, đặc biệt sẽ đánh vào các nhà sản xuất Đức. Ngoaị trưởng tương lai Blinken đã tuyên bố sẽ phải chấm dứt “cuộc chiến thương mại giả tạo”. Nhưng đồng thời, ông cũng phàn nàn nông phẩm của Mỹ đã bị cạnh tranh không công bằng vì các quy định bảo hộ ở Âu châu.

Âu châu hy vọng Chính quyền Biden sẽ thương thảo lại với Iran và xét lại quyết định rút quân khỏi Trung Đông và A Phú Hãn.

Cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Cộng sẽ là vấn đề ngự trị chính trị thế giới và chính trị Âu châu trong những năm tới. Chính quyền Biden chắc chắn sẽ đòi hỏi Âu châu phải chia sẻ trách nhiệm nếu như muốn Liên minh xuyên Đại Tăy Dương còn có một tương lai.

Từ nhận thức, Biden sẽ tiếp tục đường lối chính sách đối ngoại của Donald Trump nhưng không quá triệt để đối với Âu châu. Liên minh EU sẽ xét lại chính sách kinh tế và đối ngoại để có thể tăng cường quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương phù hợp với tình hình mới. Sáng kiến “Tự quản chiến lược cho Âu châu” của Tổng thống Pháp Macron, chủ trương tách ra khỏi Mỹ tạm đình hoãn và thay vào đó là hoạch định một chính sách chung đối đầu Trung Cộng. EU đã xác định Trung Cộng là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

Duy trì chính sách đối đầu với Trung Cộng

Dưới thời Trump, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã xuống thấp. Hai nước còn có quá nhiều vấn đề xung đột: Vi phạm Nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông, thâm hụt thương mại của hai quốc gia, khả năng tiếp cận thị trường và cuối cùng là câu hỏi về trách nhiệm đối với đại dịch corona mà Trump gọi là “virus Trung Quốc”.

Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong chiến lược chống Trung Cộng, Joe Biden chủ trương quay trở lại chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Chính quyền Biden sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các liên minh trong khu vực, chẳng hạn với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Biden đã tuyên bố rằng, ông cũng sẽ củng cố các liên minh để có thể đặt giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trước áp lực kinh tế. “Chỉ tính riêng, Mỹ đã có một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDPcủa thế giới. Nếu chúng ta hợp tác với các nền dân chủ khác, chúng ta có thể tăng lên gấp đôi, Trung Cộng không thể làm ngơ trước một nửa nền kinh tế thế giới được”.

Biden sẽ đặt vấn đề vi phạm nhân quyền và biến đổi khí hậu đối với chính quyền Trung Cộng. Biden đã chỉ trích Chủ tịch nhà nước Trung Cộng, Tập Cận Bình là “Người không có xương cốt dân chủ trong cơ thể” và gọi Tập là một “tên tội phạm”. Biden tuyên bố sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, hành động này bị coi là một hành động khiêu khích bạo lực ở Bắc Kinh.

Chính sách Trung Cộng của Biden sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Biden cho rằng, điều này giúp cho Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu về giá trị chứ không chỉ về thương mại. Đây là khuôn khổ chính sách truyền thống của Mỹ mà chính quyền Trump đã xem nhẹ. Biden công bố ý định sẽ thành lập một liên minh quốc tế làm tăng sức cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Cộng.

Biden nói, “chính sách Trung Quốc hiệu quả nhất là chiến lược đưa đồng minh vào cùng một chiến tuyến, một liên minh toàn cầu “gây áp lực, cô lập và trừng phạt Bắc kinh”. Biden giải thích rằng, ông muốn có thêm “đòn bẩy” chống lại Bắc Kinh là liên kết chiến lược này với chính sách thúc đẩy nghiên cứu và hiện đại hoá nền công nghiệp trong nước Mỹ.

Antony Blinken cũng tán thành việc trừng phạt Trung Cộng vì chính sách độc tài của Trung Cộng ở Hồng Kông. Cố vấn An ninh Quốc gia sắp tới Jake Sullivan đã kêu gọi “dành nhiều tài sản và nguồn lực hơn để bảo đảm và củng cố, đồng thời giữ vững quyền tự do hàng hải ở Biển Đông cùng với các đối tác của Mỹ”.

Biden từng khẳng định: “Tôi sẽ cứng rắn với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc cùng với các hành vi quân sự hóa của nước này trên Biển Đông và một loạt vấn đề khác“. Chính quyền Biden sẽ duy trì các hoạt động quân sự và các biện pháp chế tài để chống lại các động thái ngang ngược, hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.

Trong thời gian qua, Mỹ đã bán máy bay không người lái, tên lửa và máy bay chiến đấu trị giá 22 tỷ USD cho Đài Loan. Biden chúc mừng Đài Loan đã thành công ngăn chặn đại dịch Corona và hứa tiếp tục bang giao mật thiết hơn vì hai nước cùng đề cao Dân chủ, Kinh tế thị trường và Nhân quyền. Trong thời cạnh tranh ý thức hệ, mô hình Đài Loan được Biden đánh giá cao so với mô hình đối nghịch Trung Cộng.

Bắc kinh đã tỏ ra lo sợ trước một chính sách chống Trung Cộng nhất quán của chính quyền Biden nên nhiều lần lên tiếng muốn thương thảo chính trị. Nhưng, Biden đòi hỏi Trung Cộng trước hết phải tuân thủ thực thi những điều cam kết của các thỏa thuận thương mại đã được ký kết vào tháng Giêng 2020.

Á châu chào mừng sự trở lại của Mỹ

Với việc khắc phục thâm hụt thương mại và các hiệp định thương mại tự do song phương, Donald Trump đã tạo ra những hố ngăn cách trên thế giới. Ông để lại cho tân Tổng thống Joe Biden những thách thức về chính sách đối ngoại, đặc biệt tại Á châu, nơi Trung Cộng bành trướng lãnh hải, chèn ép các nước láng giềng.

Mỹ thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đã làm ảnh hưởng của Mỹ ở Á châu suy yếu so với Trung Cộng, nên các nước Á châu muốn Mỹ quay trở lại để cân bằng với Trung Cộng. Á châu đã lên tiếng chào mừng lời tuyên bố “America is back“ của Tân Tổng thống Biden và chờ đợi quyết định của chính quyền Biden có điều chỉnh lại việc Trump rút khỏi hiệp định thương mại “Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP”, nay hiệp định này được gọi là “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTTP” hay không?

TPP dự kiến thúc đẩy ​​thương mại tự do giữa các nước Mỹ và Á châu – và loại trừ Trung Cộng. Trump rút Mỹ ra khỏi TPP đã tạo cơ hội cho Trung Cộng thành lập khối RCEP “Đối tác Kinh tế Toàn diện”, bao gồm tất cả các quốc gia thương mại lớn của Á châu, và loại trừ Mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia phỏng đoán Mỹ sẽ trở lại hợp tác vì việc tái gia nhập hiệp định sẽ có giúp Mỹ phục hồi ảnh hưởng và RCEP đang tạo ra thách thức chiến lược cho Mỹ. Tuy nhiên, khuynh hướng bảo hộ kinh tế vẫn đang ngự trị trong chính trường Mỹ, nên cả Joe Biden và đảng Dân chủ chủ trương phục hổi nền kinh tế bị trì trệ vì Đại dịch Corona trước rồi mới thương thảo ký kết các thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại mới. Joe Biden cũng thông báo là tạm thời các nguyên tắc “Sản xuất tại Mỹ” và “Mua hàng Mỹ” vẫn được ưu tiên thúc đẩy trong mậu dịch thương mại giữa Mỹ và nước ngoài.

Lo sợ trước đường lối bá quyền của Trung Cộng, các nước Á châu vẫn cần vai trò của Mỹ. Về an ninh, Á châu rất phấn khởi hợp tác với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng. Nhưng về kinh tế, Á châu ngày càng trở nên dựa vào thị trường Trung Quốc hơn là thị trường Mỹ. Một số chính quyền tại Á châu hy vọng chính sách chống Trung Cộng của Biden sẽ không tạo thêm căng thẳng để không quốc gia nào trong khu vực phải lựa chọn giữa quan hệ tốt với Washington hoặc Bắc Kinh.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia Việt Nam chờ đợi Joe Biden đưa ra chính sách không nhượng bộ Bắc Kinh. Sự xung đột giữa Bắc Kinh và Washington đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam: Các công ty nước ngoài rời Trung Quốc đến Việt Nam, hàng Trung Quốc xuất cảng mang thương hiệu Việt Nam, đầu tư nước ngoài gia tăng.

Về tranh chấp chủ quyền trên các đảo tại Biển Đông, Biden vẫn chưa cho biết chính quyền tương lai sẽ hành xử như thế nào đối với các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng. Việt Nam hy vọng Biden sẽ duy trì chính sách trước đây là không chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam đang cố gắng giữ một khoảng cách lớn tương tự với cả hai cường quốc.

Một yếu tố có thể gây cản trở cho quan hệ song phương trong bốn năm tới là việc chính quyền Biden nhấn mạnh khía cạnh dân chủ và nhân quyền. Trong quá khứ, chính quyền Trump hầu như làm ngơ trước tình trạng nhân quyền bị chà đạp ờ một số nước như Phi Luật Tân, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam.

Đối với Biden, dân chủ, nhân quyền là những giá trị cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông sẽ đòi hỏi các quốc gia đối tác phải thực hiện cam kết này. Việt Nam cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước hiện nay, để tránh những trở ngại trong quan hệ song phương trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào: