Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Nước mắt mùa thu - Don Hồ

           (Don Hồ trên facebook)
Một buổi chiều của năm 1979, mưa bỗng rơi nặng hạt trên vùng Thị Nghè của nhà người bác. Chỉ nhớ mẹ sai đạp xe tới đây để trao cho hai bác chai thuốc gì đó, chưa kịp về thì mưa lớn, sấm sét rầm trời, mưa đổ xuống như tát nước.Các anh chị đều đi học đi làm cả, bác trai rủ đứa cháu lên lầu bốn, pha bình trà nóng để hai bác cháu nhâm nhi bánh đậu xanh uống trà chờ mưa tạnh.Lần đầu tiên được lên đây.Nguyên vùng có nhà bác cao tầng nhất.Ngó ra chung quanh chỉ thấy con kinh Thị Nghè đen ngòm phía bên dưới cùng toàn những … nóc nhà. Gió lồng lộng thổi vào từ tứ phía.

<!>

Căn phòng rộng thênh thang, trang trí trang nhã.Giữa phòng là một bộ xa-lông êm ái, lịch sự.Ba bên vách tường là những chiếc kệ, bên trên xếp đầy những sách truyện cùng với những hộp vuông đựng băng magnetophone.Có lẽ đây là phòng giải trí thư giãn của bác cùng gia đình! Làm gì có chuyện để nói với thằng cháu nhỏ tuổi, bác trai đứng lên bước tới chiếc máy magnetophone đồ sộ, bấm nút.

Hai lõi băng nhựa để sẵn trong máy quay quay, rồi một dòng nhạc êm ái phát ra từ những chiếc loa đặt đứng sát tường.

“Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn…”
(Xin Còn Gọi Tên Nhau- Trường Sa).

Giọng người ca sĩ nữ nào đó mới hát ra câu đầu đã nghe thấy muôn phần quyến rũ, giọng thổ rất trầm lại dầy cui nhưng trong trẻo, dạt dào đầy tình cảm. Giọng hát tuyệt vời quá thằng cháu nổi da gà…

Bác trai ngả đầu hẳn vào lưng ghế xa-lông ra điều thoải mái lắm, mắt lim dim chìm đắm vào dòng nhạc. Bên ngoài mưa vẫn nặng hạt, sinh hoạt của khu phố bên dưới có lẽ cũng đã dừng lại.

Bên trên lầu bốn, miếng bánh đậu xanh bùi bùi béo béo, ngụm trà đăng đắng thơm thơm mùi hoa lài tê tê trên lưỡi. Tiếng hát êm êm âm ấm, ngọt ngào của người nữ ca sĩ như rót mật vào lòng, tràn lan tới từng ngóc ngách của căn phòng rồi lãng đãng lan ra cả bên ngoài, hòa lẫn vào chiều mưa ướt át sấm rền…

“Chiều buồn nhẹ xuống đời người tình tìm đến
Người thấy run run trong chiều phai…”
(Dạ Khúc, lời Phạm Duy)

Trước giờ có để ý đến nhạc nhùng chi đâu, nhưng buổi chiều hôm đó thằng cháu như bị hớp hồn bởi giọng hát ma mị, da diết tuyệt vời ấy.

Và đó cũng là lần đầu tiên nó được thưởng thức & biết đến giọng hát sang cả của một người nữ danh ca của Sài Gòn trước 75 mang tên “Lệ Thu.” Cái tên có chút gì đó buồn buồn như một lần chờ mưa tạnh!

(Và về sau thằng cháu được biết luôn là những chiều mưa sập sùi sấm nổ của Thị Nghè là những dịp duy nhất để bác trai có thể mở to những cuốn tape “nhạc vàng ủy mị phản động” mà bác rất quí, để dòng nhạc êm như mơ đưa bác trở về một Sài Gòn thân yêu của ngày nào mà không sợ công an khu vực nghe thấy bắt gặp mà ập vào bắt!)

Thế rồi năm 1981 thằng cháu qua được tới Mỹ. Một lần nghe người bạn của ông anh hăm hở cho hay “tiếng hát vàng ròng Lệ Thu” cũng mới đặt chân tới Hoa Kỳ từ trại tỵ nạn bên Mã Lai và cũng đang ở miền Nam California nơi nó ở.

“Ôi hay quá!” nó nghĩ và chỉ có thế thôi mà cứ thấy vui mãi trong lòng…

Ba năm sau khi vừa đi học vừa bắt đầu đi làm, có chút tiền rủng rỉnh, mua được cái máy nghe băng cassette cầm tay, thằng cháu bắt đầu đi kiếm mua và sưu tầm những cuốn băng nhạc Việt. Và cuốn băng đầu tiên nó rình, tìm mua cho bằng được là cuốn “Như Cánh Vạc Bay” với hai tiếng hát thần tượng Lệ Thu – Khánh Ly. Và đây cũng là lần đầu tiên nhờ cái hình bìa băng mà nó nối được dung nhan vào với giọng hát của người nữ ca sĩ thuở nào của chiều mưa ở Thị Nghè.

Ôi nó nghe cho tới nhão nát cuộn cassette tape ấy luôn…

Thế rồi cũng chập chững hát hò, gia nhập ban nhạc.

Chẳng biết thế nào mà một ngày nó lại lọt được vào làng văn nghệ hải ngoại, bắt đầu được mời đi những show nhạc lớn nhỏ, bắt đầu tận mặt gặp được những thần tượng bằng xương bằng thịt ở cùng trong show.

(Don Ho Facebook)

Và giữa thập niên 90, một lần nhìn thấy bích chương quảng cáo cho một show nhạc lớn ở Denver có tên “Lệ Thu” nó bỗng run lên bần bật vì háo hức trộn lẫn hồi hộp. Hậu trường của show ở Denver chỉ có mỗi một phòng thay đồ chung cho tất cả ca sĩ trong show, có nữ ca sĩ Lệ Thu đang ngồi bên trong chờ phiên.

Hát xong xuống, nó hồi hộp không dám vào mà cứ đứng lẩn quẩn bên ngoài cửa phòng. Có lẽ vì cứ thấy bóng ai đó thập thò mà nữ ca sĩ Lệ Thu đã bước ra để ngó.

“Ơ, Don Hồ phải không? Sao không vào phòng ngồi mà đứng ngoài này thế, lạnh bịnh chết. Đi vào đi em, bên trong này có sưởi, ấm lắm!”

“Dạ!”

Trong phòng chỉ có vài cái ghế, nhấc cái valise nhỏ đang để trên ghế bỏ xuống đất, với giọng ấm áp cô đẩy cái ghế qua và bảo:

“Này, lấy cái ghế này mà ngồi đi em.”

“Dạ…” nó ấp úng chỉ nói được có thế, nhưng trong lòng đầy cảm kích.

Cô ngồi ghế đọc cuốn sách gì đó.

Nó ngồi bên này liên tưởng tới giọng hát trầm buồn của cô trong buổi chiều mưa lạnh cùng người bác với thú vui nhỏ nhoi “chờ trời sấm sét mưa to được mở nhạc lớn để nghe giọng Lệ Thu cho đã”…

Trong quãng thời gian hơn 30 năm đi shows, nó còn được nhiều lần đi chung với cô Lệ Thu.

Cô tương đối ít nói hơn những người ca sĩ khác nhưng rất lịch thiệp, vui vẻ và hòa đồng.

Một lần trong một show hát cho một ngôi chùa ở một tiểu bang nhỏ, chỉ có mỗi hai người ca sĩ mà thôi. Nó bị cảm khan giọng.

Thấy nó lo lắng sẽ không làm tròn được nhiệm vụ, cô bảo, “Cái thằng nhỏ này lo gì mà lo lắm thế? Có chị Lệ Thu của em ở đây mà. Em hát được bao nhiêu thì cứ hát. Thấy không hát nổi nữa, em cứ đi vào, chị sẽ bao hết cho phần còn lại.”

Và quả thật, buổi hát đêm đó cô đã bao coi như gần hết cả show vì nó chỉ hát được đúng ba bài nhạc vui vui để lấp liếm cái giọng vịt đực tiếng còn tiếng mất.

Thế rồi bao nhiêu năm trôi qua, một ngày trận dịch Vũ Hán tràn lan trên xứ Mỹ, thật không may mắn cô Lệ Thu bị … trúng dịch. Lúc nghe được tin cô nằm trong bệnh viện tim nó thắt lại!

Bệnh viện thời buổi này đâu có cho ai vào thăm, nhất là thăm những bịnh nhân bị Covid 19! Nó ở nhà cùng chung với bao người chắp tay góp lời cầu nguyện cho cô có đủ sức khoẻ cùng nghị lực để chống chọi lại với căn bịnh.

Nhưng rồi những lời cầu nguyện như chẳng được đáp, cô đã … không qua khỏi!

“Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu…”
(Nước Mắt Mùa Thu – Phạm Duy)

Nữ danh ca Lệ Thu cuối cùng rồi đã lìa bỏ dương thế lúc 7 giờ đêm thứ Sáu, 15 tháng Giêng, 2021, khi nó vừa mệt nhoài quay xong một chương trình video.

Nhận được lời nhắn từ cô bạn mà nó không muốn tin vì mới tuần trước người ta đã loan tin cô mất một lần rồi.

Ngày mùa đông mà miền Nam Cali bỗng dưng trở nóng bất thường.

Chạy ngang công viên có vòi nước bị bể tránh không kịp, những tia nước tưới cỏ hất văng lên mặt kiếng xe kêu rào rào như trận mưa ngày nào ở Thị Nghè. Bỗng có cảm tưởng đâu đây tiếng hát rền rền da diết của cô Lệ Thu bồng bềnh nhẹ bay trên phố xá.

“Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo…”

Chẳng biết có giọt nước từ đâu đi lạc bắn vào, đậu trên khoé mắt, long lanh…

Vĩnh biệt “chị” Lệ Thu.

Cháu vĩnh biệt cô.

Thế là từ nay cô cháu – chị em mình sẽ mãi mãi … chẳng còn được thấy nhau!!!

Don Hồ 

Không có nhận xét nào: