Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Ngôi nhà trên đường Nhật Tảo - Trịnh anh Khôi

 

Hồi bố tôi còn sống, tôi nhớ, quãng cuối những năm 1980 - Lúc đó tôi đã đi làm mấy năm cho tờ Thanh Niên rồi - thì hàng tuần, ông đều tự đạp xe đến nhà một người bạn để gặp một số bạn bè văn nghệ sĩ cũ.... Bố tôi lúc ấy còn khỏe lắm, tự đạp chiếc mini Lucia có đường kính bánh xe 500 từ nhà mình ở khu Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 tới đường Nhật Tảo, quận 10. Ở đó, gần ngã tư Nguyễn Tiểu La có ngôi nhà của ông Vương Đức Lệ, một thi sĩ từng giật giải Văn chương Phủ Tổng thống hồi những năm 1960 như bố tôi. Và cũng là bạn chí thân của bố tôi. Những năm bức bối ấy, những người đàn ông thuộc giới cầm bút sáng tác trong chế độ cũ biết làm gì cho hết những tháng ngày quá rộng dài với chính mình, sau khi cùng đi qua khúc ngoặt thay đổi thời cuộc? 
<!>
Bố tôi lúc ấy phải lao mình ở tuổi 50 tới chiến trường biên giới Tây Nam, theo dõi cuộc chiến tranh ở đó, viết phóng sự nhiều kỳ trên tờ Giải Phóng để tìm cách treo một cái nhãn mới cho chính gia đình; ông còn viết cả hồi ký cho tờ Tin Sáng trước khi nó biến mất vào năm 1980 "sau khi xong nhiệm vụ lịch sử". Ông nhập cả vào một tổ hợp sản xuất mì sợi ở địa phương, để phụ mẹ tôi chút tiền còm cõi cho mâm cơm hàng ngày. Nhưng vẫn không sao để tiêu cho hết những ngày dài lê thê lúc ấy, của những người có chữ nghĩa trong đầu, "lỡ" mang thân làm việc cho chế độ cũ, mình phải tự tìm việc để làm và sinh tồn nơi khung cảnh mới, khi không ai lưu dụng mình.
... Nên mới có những buổi họp mặt của những con người cứ ngồi buồn đó, mà bố tôi là may mắn nhất vì còn "đào ra việc".
Tôi nhớ, người ta gặp nhau lúc ấy không phải là tính toán những chuyện gì to tát hay không được phép. Người ta cũng chẳng than thở gì nhiều, vì có than thở hay tỏ thái độ bất mãn thì cũng không làm được gì với sức lực và cả với chút ước ao còn sót lại của những con người đều đã quá 50 lúc ấy - Thậm chí, có người đã 60, rồi hơn cả 70 như ông Lê Thương. Vâng, ông Lê Thương của Hòn Vọng Phu "trilogy", của Chú Cuội.
Người trẻ nhất lúc đó góp mặt ở đó không phải là một văn nghệ sĩ già dặn từ trước 1975, dù anh cũng tập tọng báo chí hồi xa lắm ấy rồi, đó là Đồng Đức Thành. Trong một lần tôi đi làm, trước khi đến tòa soạn, tôi chở bố tôi đến đó, tôi ngẩn ra khi thấy anh ở ngôi nhà ấy - Bởi vì anh là một đồng nghiệp của tôi tại ngay tờ Thanh Niên. Tôi làm biên tập, còn anh là phóng viên ảnh. Lúc đó chúng tôi cùng sàn sàn tuổi nhau, 34-35 gì đó. Chúng tôi chơi rất thân, nhưng tôi không thể tưởng tượng ra nổi, Đồng Đức Thành lại có mặt ở đó, vẫn luôn đội chiếc mũ mềm màu trắng rộng vành làm nên nét riêng của anh. Anh làm gì giữa một vòng tròn toàn những ông già hiển hách trong làng cầm bút trước 1975 kia?
Như đã nói, người ta họp nhau hàng tuần hồi ấy trong ngôi nhà đó không phải để bàn chuyện quốc sự hay chuyện lật đổ chính quyền gì cả. Sức yếu, chí mềm, người ta cũng không than thở gì, người ta chỉ kể nhau nghe,"bây giờ tớ đang làm gì, cậu đang làm gì cho hết những ngày mênh mông". Và người ta cũng chẳng kỳ thị gì ai, vì văn nghệ sĩ, thì không biên giới. Tôi ít nhất 2 lần nhìn thấy ông Võ An Ninh ở đó. Tất cả ngồi uống cà-phê với nhau, thi thoảng, hứng lên thì làm một bữa tiệc với bia Sài Gòn chai, cũng bánh mì, cà-ri, chả giò, gà luộc, thịt quay như ai. Ai cũng là bạn nhau, mới cũ, không "bên này, bên kia", không "Hà Nội, Sài Gòn", không "54 hay 75". Và tất cả, đều là người Bắc.
Đếm thấy trong đó, ngoài thi sĩ Vương Đức Lệ (Tên thật là Lê Đức Vượng) chủ nhà, cùng cô em gái rất nền nã của ông là nữ thi sĩ Lê Thị Ý, còn có các nhà văn nhà báo Hồ Nam, Thanh Thương Hoàng, Thái Thủy, Phong Sơn, Châu Sơn, thi thoảng có Nguyễn Thụy Long, và khá đều là Lê Thương, Võ An Ninh - Thậm chí có cả họa sĩ Tú Duyên. Họ chạm ly vào nhau trong ngôi nhà đó, nói cười vui vẻ và tuyệt nhiên ngay cả khi say cũng không ai lỡ một lời nào. Dường như người ta đã như chim phải tên một lần, nên không ai muốn vướng phải những rắc rối mà mình chỉ có ngốc mới phạm phải. Ngay cả khi bố tôi trả lời câu hỏi của người ta về chính tôi, ông cũng chỉ vắn tắt: "Con trai tôi đấy. Nó đang làm cho tờ Thanh Niên" và người ta cũng chỉ gật gù: "Mừng cho ông. Con nối nghiệp. Chúng tôi không được thế". Thậm chí ngay cả khi anh Thành nói rõ thêm, lúc ấy tôi đang lo việc bài vở trong ban thư ký của báo, người ta cũng chỉ: "Thế à? Giỏi quá!".
Riêng về ông Lê Thương, sau quãng ấy mấy năm, tôi chép lại đây câu chuyện kể của cây bút hải ngoại Trần Quốc Bảo, để giúp chúng ta dễ hình dung, khi có lẽ lúc đó ai "cũng còn trẻ", trong lứa 20 - 30, đầy sức căng học hành, làm lụng:
"Người viết gặp nhạc sĩ Lê Thương lần đầu, đó là lần về Sài Gòn dịp tháng 3/1995. Hơn hai mươi năm trước, nhà văn Phan Nhật Nam gọi tháng 3 là mùa hè đỏ lửa, và hơn 20 năm sau, Sài Gòn tháng 3 vẫn là nơi nắng cháy nung người. Tôi đến thăm ông tại căn nhà số 55 Bùi Viện, một tiệm tạp hóa nhỏ treo giăng lỉnh kỉnh, chung quanh là những bảng hiệu của các hãng giải khát bia rượu.. Bà vợ và cô con gái sau khi nghe tôi giới thiệu tên, vì đã có hẹn, nên mời ngay lên gác. Phía trên, hơi nóng hầm hập phà xuống căn phòng, tưởng như để cái trứng sống một hồi rồi cũng chín, vậy mà nơi đây đã là nơi ăn ngủ của một nhạc sĩ lớn Việt Nam.
Ngoài là một nhạc sĩ, ít ai biết Lê Thương còn là một nhà báo. Vì thế, khi tôi tặng ông những tờ Thế Giới Nghệ Sĩ ghi lại những sinh hoạt của các đồng nghiệp ông tại hải ngoại như Phạm Duy, Trần Văn Trạch, Thu Hồ, tác giả Hòn Vọng Phu lật tới lật lui từng trang báo đọc kỹ không sót chữ nào. Ông nắm chặt tay tôi và nói: “Lần tới gặp cháu, tôi gửi tặng cháu một số hình ảnh, và một số bài nhạc, kịch, truyện mà tôi đã cất giữ. Lần này gấp quá”. Và ông đã giữ lời hứa.
Tháng 2, năm sau. Tết 1996, tôi đại diện một số ca nhạc sĩ hải ngoại đem số tiền hơn 21 ngàn đồng về nước trao tặng đến 75 ca nhạc sĩ đã hành nghề trước 1975. Số tiền này thu được từ đêm gây quỹ Chút Tình Trao Nhau do tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ tổ chức cuối tháng 1/1996 tại vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Trong danh sách lĩnh quà, có nhạc sĩ Lê Thương. Mỗi nhạc sĩ được chia đều 200 đô-la, riêng nhạc sĩ Lê Thương còn được thêm 500 đồng nữa từ các Mạnh Thường Quân khác nhờ tôi chuyển riêng. Tôi thấy ông ngồi ký nhận món quà 700 đô-la ngay chiều 30 Tết mà đôi mắt ông như ngân ngấn nước mắt. Ở cái tuổi 84 này, trải qua biết bao mất mát đổi thay, mà ông vẫn không cầm được xúc động. Về sau này tôi mới hiểu, nào bởi món quà lớn hay nhỏ, mà là đã 21 năm vật đổi sao dời, nhưng thân hữu, đồng nghiệp vẫn chưa quên một người bạn già yếu như ông, bên kia trời lận đận.
Ngày tôi về lại Mỹ, một lần nữa, ông nắm chặt tay tôi và giao một bao giấy đầy hình ảnh và tài liệu. Mở ra, toàn những hình ảnh gốc, có cả nguyên kịch bản Trên Sông Dương Tử và những ca khúc do ông chép tay như Thu Trên Đảo Kinh Châu, Lòng Mẹ Việt Nam, Ông Nỉnh Ông Nang, Đốt Hay Không Đốt. Có cả những kỷ vật quý thời ông dạy học tại Hà Nội hoặc những năm tháng ở Hải Phòng lúc sinh hoạt văn nghệ cùng các bạn Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức Tô Vũ), Canh Thân, Phạm Ngữ. Đặc biệt, có một tấm ảnh mà ông chụp với nữ tài tử Lý Lệ Hoa năm 1956 tại Sài Gòn, trong ảnh có Kim Cương và 4-5 nhân vật nữa mà tôi không thể nào biết hết tên. Thế là đành phải gửi một lá thư cầu cứu đến các tiền bối như Bạch Yến, Mỹ Hòa, Phương Tâm, Ngọc Chánh, Thái Xuân, Bạch Quyên, Jo Marcel, Tâm Đan, Cao Phi Long, Ngọc Mỹ, Thu Hương, Trọng Minh.. nhờ vậy mới biết thêm, trong số 4-5 nhân vật của bức ảnh đó có Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm, nhà báo Nguyễn Ang Ca.
Ngày về lại Mỹ, tôi mang theo bên mình túi hình ảnh tài liệu do Ông trao tặng, như mang một món nợ quý giá tinh thần không một phút giây rời xa suốt chuyến bay về...".
Tôi nhớ, những năm cuối 1980 đó, có một lần bố tôi cho phép tôi bước vào ngôi nhà ấy, thì hôm ấy có bác Lê Thương ở đó. Tôi được ông kéo tay, bảo ngồi xuống cạnh mình. Ông uống bia rất ít, cũng không nói gì nhiều, chỉ nghe người khác trò chuyện và chỉ cười. Tôi lại đang tuổi ăn khỏe, uống rất khỏe, mà lại là "thằng nhóc", nên cũng chả biết nói gì. Chỉ nghếch mắt lên nhìn, và nghe, cho đến khi tàn cuộc lại chở bố tôi về. Một lần duy nhất, ai hỏi gì thì tôi đáp nấy, tôi cũng không dám có cử chỉ thất thố gì, dù mình đang là nhà báo.
Về sau, không biết những buổi họp đó tự biến mất từ bao giờ. Có lẽ là từ khi ông Vương Đức Lệ và gia đình sang định cư ở Mỹ mà gần đây, đọc một bài của ông Hoàng Hải Thủy, tôi mới biết ông đã mất ở đó. Không còn gặp lại bất cứ ai, bố tôi thỉnh thoảng ra khu vườn hoa ở góc mũi tàu Nguyễn Trãi - Lê Lai, ngồi uống cà-phê với ông Hồ Nam. Rồi tất cả, kể cả bố tôi, đều chỉ còn là những hình bóng.
Và cách đây mấy tháng, tôi tình cờ gặp lại Đồng Đức Thành. Cũng đã hơn 30 năm, hai anh chàng cố giữ cho mình khỏi già ở tuổi gần 70.

Không có nhận xét nào: