Nhưng dễ nhận ra nhất là trẻ nhỏ, đầu trên xóm dưới, giữa sân trường, ở đâu cũng rộn ràng sôi nổi, đứa trẻ nào cũng nao nao gọi Tết.
Tháng chạp, ưu tiên số 1 của trẻ nhỏ là quần áo mới. Cá là không chỉ tôi mà trẻ con trong xóm đứa nào cũng vậy. Ríu ra ríu rít theo mẹ ra chợ lựa vải, chọn màu và hí hửng khi được dẫn đến cô thợ may. Đứng để lấy số đo mà sung sướng quá, ưỡn ngực hóp bụng để bị chị thợ may đập một phát vào mông bảo: "Đứng cho thẳng thớm lại coi!". Tháng chạp nao nao niềm vui áo mới. Vui cực kỳ, cứ trông ngóng để được hít thật sâu, thật mạnh mùi vải mới. Phấn chấn cười toe khi được ướm thử đồ mới và cứ hai ba bữa lại nao nao lén mẹ mở tủ thăm chừng. Nghĩ mắc cười, bộ đồ, dù biết chắc đang móc trong tủ nhưng cứ lén dòm, chị Hai trêu: "Cứ mở tủ miết, ăn trộm thấy coi chừng nó cuỗm mất á". Tôi cười bẽn lẽn. Hổng canh sao được. Đợi mãi đến Tết mới có bộ đồ mới mà.
Không chỉ đồ mới, mọi thứ của tháng chạp đều dễ dàng cho cảm giác nao nao. Nhìn những hàng gừng xanh mượt, nghĩ đến mùi thơm vừa ngọt vừa cay của chảo mứt gừng đang bắc trên lò than lại thấy bồn chồn. Không nén được sự nao nao, lật đật chạy vô nhà hỏi "Mẹ ơi, chừng nào nhà mình làm mứt gừng?". Chưa hết, mỗi buổi học về, đi ngang vườn hoa nhà cô Bốn, quan sát những cây hoa rồi nôn nao, cứ sợ hoa nở trật Tết nên đếm lay ơn đã được mấy lá. Tóm lại, tháng chạp, sự rộn ràng đã ở cảnh giới đỉnh điểm, nhìn góc nào cũng thấy chậm lụt rồi lòng dạ nao nao, trong đầu luôn có ý niệm chỉ sợ không kịp Tết…
Tháng chạp, dù năm đó mùa màng yên ổn hay thất bát thì cảm giác nao nao vẫn hiện diện trên gương mặt mỗi người tôi gặp, đặc biệt đọng nhiều trên những khuôn mặt trẻ thơ. Vậy đấy, đứa trẻ nào cũng nao nao ngóng Tết để khi tới tuổi làm mẹ, khi đã thấm thía bộn bề tháng chạp mới thấy thương mẹ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét