Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Cờ Việt Nam Cộng hòa và cuộc tấn công Đồi Capitol - VOA

 

Hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng hoà tại cuộc biểu tình dẫn tới bạo động tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, hôm 6/1. Lá cờ vàng 3 sọc đỏ của chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975 xuất hiện trong cuộc bạo loạn gây chết tróc tại Điện Capitol hôm 6/1, và điều này đã khiến nhiều người gốc Việt “lên án” cũng như cảm thấy “xấu hổ” vì hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng hoà có mặt trong đó Những lá cờ VNCH có thể được nhìn thấy qua các hình ảnh được truyền trực tiếp từ các hãng truyền thông Mỹ về cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo động của những người ủng Tổng thống Donald Trump tấn công vào Điện Capitol trong lúc các thành viên Quốc hội Mỹ bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden, bước cuối cùng chấm dứt các nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử. 

<!>

Cuộc bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát bảo vệ Điện Capitol, và bị nhiều người lên án vì đã tấn công vào nơi được coi là thành trì dân chủ của Hoa Kỳ.

Quartz, một hãng tin quốc tế có trụ sở ở New York, đã thu thập hình ảnh các lá cờ được thấy tại cuộc biểu tình tấn công Điện Capitol hôm 6/1, trong đó có cờ vàng 3 sọc đỏ của VNCH. Trang mạng tiếng Anh này liệt kê ra những lá cờ của các nhóm thượng đẳng da trắng, gồm Pround Boys – một tổ chức cực hữu phát xít mới chỉ toàn đàn ông chuyên cổ vũ và tham gia bạo lực chính trị hiện đang bị Canada xem xét đưa vào danh sách khủng bố – cùng với cờ của VNCH và một số nước khác gồm Canada, nơi có chi nhánh của các nhóm kể trên, và Cuba trong số cờ của một vài quốc gia khác.

Không rõ có bao nhiêu người gốc Việt đã tham gia cuộc biểu tình hôm 6/1 nhưng một số hình ảnh lá cờ VNCH xuất hiện tại cuộc tập hợp nghe Tổng thống Trump phát biểu và sau đó trên đường phố cũng như giữa đám đông bao vây Điện Capitol và trên hành lang các tầng cao của toà nhà Quốc hội Mỹ khi cuộc bạo loạn xảy ra.

“Xấu hổ”

“Trong cuộc tấn công nổi loạn vào tâm điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ vào ngày 6/1 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hình ảnh gai mắt của những người tấn công tòa nhà Quốc hội mang theo là cờ vàng ba sọc đỏ,” Tổ chức người Mỹ gốc Việt cấp tiến (PIVOT) nói trong một thông cáo ra ngày 9/1. “Lá cờ này từ lâu đã đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhưng trong ngày hôm đó, nó bay cạnh những lá cờ đại diện cho sự thù hận và bất dung thứ.”

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng hoà do Mỹ hậu thuẫn nhưng bị chính quyền Cộng sản bắc Việt đánh bại vào năm 1975 đã được những người tị nạn Việt mang theo tới Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Lá cờ này được kéo lên trong các sự kiện của cộng đồng người Việt trong hơn 4 thập niên qua, như các dịp Tết hay trong rất nhiều các buổi biểu diễn.

“Với người Mỹ gốc Việt, lá cờ này đoàn kết chúng ta vì chúng ta có cùng chung một di sản và lịch sử,” PIVOT nói trong tuyên bố. “Nó khiến chúng ta tưởng nhớ đến người thân đã hy sinh và bỏ mạng cho một niềm tin. Chúng ta tôn vinh nó vì nó nhắc nhở chúng ta là ai và đến từ đâu.”

“Khi tôi thấy lá cờ Việt Nam Cộng hòa tung bay trong cuộc đảo chính không thành công tuần trước, tôi cảm thấy vô cùng tức giận và xấu hổ,” Bee Nguyễn, dân biểu gốc Việt tiểu bang Georgia nói trong một đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 11/1. Phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu vào cơ quan lập pháp của Georgia cho biết rằng cô đã quyết định mặc áo dài cho buổi tuyên thệ nhậm chức thay vì với lá cờ mà trước đó đã được những người gốc Việt mang đến cuộc biểu tình và họ “không nói thay” cho cô. Dân biểu Bee Nguyễn trúng cử vào Hạ viện Georgia năm 2017 và tái tranh cử lần thứ 2 vào tháng 11 vừa qua mà không có đối thủ.

Giống như dân biểu Bee Nguyễn, anh Nguyễn Tín, một cư dân gốc Việt sống ở Houston, Texas, cũng cảm thấy “xấu hổ” khi chứng kiến hình ảnh lá cờ vàng 3 sọc đỏ, mà anh gọi là “Hoàng Kỳ” bởi “nó tượng trưng cho nền dân chủ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 và giờ đây là những người Việt yêu chuộng hòa bình và tự do trên đất Mỹ cũng như mọi nơi khác trên thế giới”, xuất hiện trên thềm Điện Capitol ngày 6/1.

“Đó là một điều không chấp nhận được – một điều sỉ nhục đối với Hoàng Kỳ,” anh Tín nói. “Vì lá Hoàng Kỳ đó đã có biết bao nhiêu người đổ máu và bảo vệ nó và giờ đây nói đại diện cho tất cả những người Việt Nam (ở hải ngoại). Giờ đây báo chí Mỹ đã đặt câu hỏi tại sao lá Hoàng Kỳ đó lại nằm chung với những lá cờ biểu tượng của sự kỳ thị và bạo loạn.”

Một số tiểu bang ở Mỹ đã cho phép lá cờ VNCH được phép treo ở trường học trong khi cấm cờ Đỏ sao Vàng – hiện là cờ chính thống của Việt Nam, và anh Tín lo ngại rằng “một khi họ thấy được lá cờ vàng nằm chung với những lá cờ biểu tượng kỳ thị kia thì các nhà lập pháp tiểu bang có còn cho phép cờ VNCH tung bay trong các trường học nữa hay không.”

Dân biểu gốc Việt của tiểu bang Massachusetts, Trâm Nguyễn, từng nói với VOA rằng bà đang nỗ lực thúc đẩy để cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền miền Nam Việt Nam được chính thức công nhận tại tiểu bang này. Tuy nhiên hôm 7/1, dân biểu này đã lên án các “hành động bạo lực của những chiến binh ủng hộ (Tổng thống) Trump cùng những kẻ khủng bố trong nước vì đã vi phạm an ninh tại Điện Capitol của Hoa Kỳ, đe doạ sự an toàn của người dân chúng tôi và khiến nhiều người thiệt mạng”

Nghia Bui, một cư dân gốc Việt ở Allen, Texas, bày tỏ cảm giác “đau đớn nhất” của mình qua Facebook khi nhìn thấy những hình ảnh lá cờ VNCH trong cuộc bạo loạn hôm 6/1. “Bố tôi đã ngã xuống để bảo vệ lá cờ này vào năm 1968,” ông viết. “Những người đó làm tôi rất tức giận.”

Nhà văn Mỹ gốc Việt đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt cũng bày tỏ sự “tức điên” của mình về hình ảnh lá cờ VNCH trong cuộc bạo động tại Quốc hội Mỹ qua một đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 8/1. Nhà văn này đặt câu hỏi liệu một số những người Mỹ gốc Việt, những người chạy khỏi chế độ độc tài và luôn tự cho mình là những người yêu nước, lại đang hết mình gắn kết với một phong trào sùng bái cá nhân ủng hộ Trump, gắn bó chặt chẽ với sự phẫn uất của nhóm người thượng đẳng da trắng và liên minh bảo vệ họ hay sao?

Với việc lên án những người mang lá cờ VNCH trong cuộc tấn công tại toà nhà Quốc hội, tổ chức cấp tiến của người Mỹ gốc Việt PIVOT nói rằng những người này “không đại diện” cho cộng đồng khi “họ đi ngược lại với các giá trị căn bản mà chúng ta trân trọng.”

“Đáng tiếc”

Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với những người không biết về sự ủng hộ của những người gốc Việt ở Mỹ đối với Tổng thống Trump khi họ thắc mắc tại sao lá cờ VNCH, một chính thể trên thực tế đã không còn tồn tại kể từ sau năm 1975, lại có mặt trong rừng biểu ngữ bài Do Thái hay cờ chiến của Liên minh miền Nam thời nội chiến Hoa Kỳ tại cuộc bạo động mà giới lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ coi là một âm mưu nhằm lật đổ chính phủ.

Theo Chủ tịch cộng đồng Việt tại Jacsonville, Florida, Lê Đình Yên Phú, việc lá cờ VNCH xuất hiện trong cuộc tấn công vào toà nhà Quốc hội Mỹ và bị gắn với những lá cờ được coi là “nổi dậy” ngày 6/1 là một điều “đáng tiếc.”

“Người biểu tình (gốc Việt) đi ủng hộ với tư cách rất ôn hòa, không có chủ đích tới đó để bạo loạn hoặc làm những chuyện không hay như phá phách,” anh Phú nói và cho biết rằng những người bạn gốc Việt của anh đã tham gia biểu tình một cách ôn hòa cũng như những lần trước đó trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 11 năm ngoái.

Theo anh Phú, người gốc Việt tham gia biểu tình hôm 6/1 “chỉ muốn nói lên tiếng nói ủng hộ công bằng cho cuộc bầu cử .”

“Chúng tôi tự hào khi mang lá Cờ Vàng đi biểu tình ôn hoà, đòi công bằng, minh bạch cho cuộc bầu cử của Hoa Kỳ và cho tổng thống Donald J. Trump,” một người gốc Việt tham gia cuộc biểu tình hôm 6/1 tại Washington DC, có tên Tramy Nguyen, cho biết trên trang Facebook cá nhân. “Chúng tôi KHÔNG ủng hộ bạo động và cũng chưa từng tham gia bạo động. Tất cả những ai làm trái pháp luật thì phải chịu xét xử và hình phạt trước toà.”

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt là nhóm thiểu số gốc Á duy nhất ở Hoa Kỳ có phần đông người bỏ phiếu bầu cho ông Trump tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, theo khảo sát hậu bầu cử của Quỹ Bảo vệ Pháp lý và Giáo dục của người Mỹ gốc Á AALDEF. Nhiều người trong cộng đồng Việt đã ủng hộ các cáo buộc vô căn cứ của Tổng thống Trump về một cuộc bầu cử mà ông Trump cho là “bị đánh cắp,” bởi ông tin rằng mình là người chiến thắng. Nhiều trong số họ hôm 6/1 đã tham gia biểu tình tại San Jose, California – nơi có cộng đồng gốc Việt sinh sống nhiều nhất ở Mỹ, để ủng hộ Tổng thống Trump.

Trong cùng ngày 6/1, ông Trump đã xuất hiện trước đám đông hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về thủ đô Washington DC ủng hộ ông trong lúc quốc hội xác nhận kết quả của Đại cử tri đoàn mang tính thủ tục như được quy định trong hiến pháp. Tại đó ông Trump có bài phát biểu mà AP gọi là “đầy giận giữ” và kêu gọi các ủng hộ viên hãy “chiến đấu để ngăn chặn việc bầu cử bị đánh cắp” cũng như tuần hành tới Điện Capitol. Đám đông bạo loạn mang theo những lá cờ đã tràn vào Điệp Capitol, áp đảo các lực lượng an ninh bảo vệ quốc hội Mỹ, đập vỡ nhiều cửa kính cũng như châm biếm định chế dân chủ với những bức ảnh chụp họ ngồi trên những chiếc ghế quyền lực tại đây. Hạ viện Mỹ hôm 13/1 khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Trump vì vai trò của ông trong vụ tấn công này.

“Tội cho những người Việt đã thật sự có lòng (ủng hộ TT Trump) và sự việc xảy ra ngoài ý muốn,” anh Phú nói và bày tỏ nỗi buồn vì sự việc này cũng như mong cộng đồng Việt không bị chia rẽ vì điều đó.

“Chúng ta luôn trân trọng (lá cờ vàng 3 sọc đỏ) đại diện cho sự đoàn kết của chúng ta,” tổ chức PIVOT nói. “Chúng ta luôn trân trọng nó qua nỗ lực biến các hoài bão của thế hệ người tị nạn đầu tiên đã dành cho các thế hệ sau trở thành hiện thực.”

Không có nhận xét nào: