Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Chăn trâu ngày Tết - Trần Thị Hải

Có thể trong ký ức của nhiều người, Tết là những chuỗi ngày được vui chơi thoải mái, được mặc những bộ đồ áo mới, được nhận lì xì…Còn với tôi, ngày Tết tuổi thơ gắn liền với những buổi chăn trâu trên cánh đồng. Ngày bé, gia đình tôi nghèo lắm, mái nhà tranh vách đất chỉ có mỗi con trâu là tài sản giá trị nhất. Với một gia đình thuần nông như nhà tôi, con trâu chính là đầu cơ nghiệp. Nó không những kéo cày vào mùa vụ, mà những ngày nông nhàn con trâu con thồ hàng lên thị trấn để cha tôi kiếm thêm vài đồng tiền lẻ, lo cho chúng tôi ăn học. Vì thế, con trâu luôn nhận được sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt bởi các thành viên trong gia đình.
<!>
Hồi bé, có lúc tôi còn thấy ghen tị với con trâu bởi cha mẹ tôi quan tâm tới nó hơn là mấy chị em tôi.
Tuổi thơ tôi cứ sáng cắp sách tới trường, còn buổi chiều đi chăn trâu. Những hôm cha đưa trâu đi kéo hàng, tôi lại đi cắt cỏ về cho trâu ăn.
Cứ thế con trâu như là một người bạn thân thiết gắn liền ký ức tuổi thơ của tôi. Những ngày bình thường đã thế, nên những ngày Tết chẳng khác nhau là mấy. Chỉ có ngày mùng một Tết là tôi được nghỉ ở nhà, còn các ngày khác như thường lệ tôi lùa trâu ra đồng.
Những ngày Tết đi chăn trâu sướng nhất là được dắt trâu vào ăn ở những bờ nhỏ, phân cách những thửa ruộng với nhau. Ngày thường, nếu cho trâu ăn ở đây sẽ bị bảo vệ đồng bắt mất trâu.
Nhưng ngày Tết chẳng có ai trông coi nên cứ tự do chăn dắt thoải mái. Ngày Tết, cánh đồng vắng tanh không một bóng người. Chỉ có mình tôi cùng chú trâu lẻ loi, đơn độc giữa cánh đồng mênh mông một màu mạ non xanh mướt.
Những cơn gió cứ gào rít làm tôi lạnh tới thấu xương. Tôi leo lên lưng trâu nằm bẹp xuống cho ấm. Mắt lim rim tôi ngủ quên từ lúc nào không hay.
Và trong giấc ngủ, tôi mơ màng mình đang ở trong một ngôi nhà ngói có tường vôi trắng toát. Bố mẹ cùng các em mặc những bộ quần áo mới tươm tất, khác với những chiếc áo vá chằng vá đụp hàng ngày. Cả nhà ngồi vây quanh mâm cơm đầy những thức ăn ngon. Tôi và lũ em nhận được bao nhiêu phong bì lì xì.
Rồi tôi lại mơ thấy mình đang được nằm trong chiếc chăn ấm, bên cạnh chiếc lò sưởi có chú mèo đang cuộn tròn người nằm cạnh đấy, giống như trong những câu chuyện cổ tích.
Chợt con trâu lội xuống kênh uống nước làm tôi bừng tỉnh và bẽ bàng nhận ra khi chỉ có mình tôi đơn độc giữa cánh đồng. Chỉ có chú trâu là vô tư phe phẩy cái tai nhấm nháp từng ngọn cỏ một cách ngon lành. Tôi tự cười thầm biết đó là giấc mơ xa xỉ với một cô bé nghèo như tôi, nhưng sao vẫn luyến tiếc giấc mơ ấy.
Có một kỷ niệm chăn trâu vào những ngày Tết mà có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể quên được.
Hôm ấy là chiều 30 Tết, trong khi mọi người đang nô nức đi chợ Tết chuẩn bị tối đón giao thừa, còn tôi thì phải đi chăn trâu. Thấy tôi dắt trâu ra đồng, bác Hoa hàng xóm gửi nhờ tôi chăn hộ con trâu nhà bác ấy và cho tôi một ngìn đồng. Số tiền ấy rất có giá trị thời bấy giờ, đặc biệt là với một đứa trẻ như tôi. Với số tiền đó, tôi có thể mua vài quả bóng bay cho hai đứa em chơi Tết. Ban đầu, hai con trâu ngoan ngoãn ăn cỏ, nhưng tới chiều khi tôi lùa về thì chúng lại đuổi nhau chạy khắp cánh đồng.
Tôi cố lấy dây thừng giữ chúng lại, nhưng sức một con bé còm nhom như tôi làm sao đủ để giữ hai con trâu dũng mãnh ấy. Tôi vừa chạy đuổi theo vừa khóc. Cánh đồng vắng tanh nên tôi không biết cầu cứu ai cả. Chạy được một quãng, tôi ngã nhào xuống ruộng mặt mày, quần áo lem luốc bùn đất. May hai con trâu chạy lại gần nghĩa địa thì dừng nên tôi đuổi kịp. Lừa được trâu về nhà thì trời cũng đã nhá nhem tối. Tôi vừa đi vừa run vì lạnh và sợ. Về đến cổng làng, nhìn bọn trẻ con trong xóm diện những bộ đồ mới chuẩn bị đón giao thừa, rồi nhìn lại mình trong bộ quần áo bê bết bùn đất mà tủi thân.
Những ngày Tết, tôi thường chăn trâu gần đường quốc lộ để được ngắm dòng người đi chơi Tết trên đường phố.
Tôi thích nhất là nhìn thấy những đứa bé được bố mẹ diện cho bộ quần áo ấm thật đẹp, tay cầm những chiếc bóng bay hình con vật ngộ nghĩnh, được bố mẹ cho ngồi trước xe máy đèo đi chơi.
Những lúc như vậy trong lòng tôi hỗn độn những thứ cảm xúc phức tạp. Có một chút hạnh phúc len lỏi, một chút ghen tị, một chút tủi thân và hơi chạnh lòng.
Tôi thấy thương cho mình và thương cha mẹ lam lũ sớm tối nhặt nhành từng đồng nuôi ba chị em ăn họcm trong khi chúng tôi quá bé chưa giúp gì được cho cha mẹ.
Và tôi thầm nghĩ, nếu như tuổi thơ không có được những ước muốn nhỏ nhoi ấy, khi lớn lên có gia đình, tôi phải cho con cái của mình một cái Tết no đủ. Ít nhất cũng là một cái Tết được quây quần bên gia đình chứ không phải một mình trên cánh đồng không mông quạnh, như chính tôi bây giờ.
Chính trong hoàn cảnh ấy, tôi luôn tự nhủ với lòng mình cố gắng và cố gắng hơn nữa để thoát nghèo. Tôi sẽ cố gắng học thật giỏi để mai sau có một tương lai tốt đẹp hơn, một cái tết no đủ và ấm cúng hơn.
Những ngày sau đó, mỗi khi đi chăn trâu, tôi lại mang theo sách để tranh thủ học bài. Lòng luôn thầm nhủ và nhắc nhở mình cố gắng và không ngừng phấn đấu. Trong tôi giữ vững một niềm tin về một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi mình.
Giờ đây, gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn trước. Chúng tôi cũng đã trưởng thành và có thể lo cho cha mẹ một cái Tết đầy đủ trong căn nhà ngói khang trang. Con trâu cũng đã bán đi khi tôi vào đại học.
Tết đến có dịp về quê, tôi lại thong dong đi bộ trên cánh đồng để những hồi ức, những kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Và những ngày tết tuổi thơ chăn trâu trên cánh đồng này tôi mãi khắc ghi trong tâm trí, theo tôi đi suốt cuộc đời.
Bởi chính trong tuổi thơ nghèo khó là động lực thúc đẩy tôi không ngừng cố gắng cho một tương lai tốt đẹp và một cái Tết sung túc hơn.
Trần Thị Hải

Không có nhận xét nào: