Đêm như một tấm màn mỏng của bóng tối. Gặp người tri kỷ, đêm dài qua nhẹ như sương. Tiếng gà gáy sáng từ trong xóm lại cất lên. Một đời vua Nguyễn đi qua nhưng tiếng gà vẫn thế. Tiếng gà cũng nhắc nhở hương trà buổi sớm mai. Phạm Xảo vốn đã quen với quán tính lâu ngày, sau tiếng gà vừa dứt, ông đứng dậy nhóm lửa pha trà. Trí Hải ngạc nhiên một cách đầy thú vị với bộ khay trà cổ nhưng chưa bao giờ được bày ra. Một cái ấm cổ có hình một con ngựa, một bên có con khỉ đứng nhìn tổ ong. Trí Hải nhìn say sưa cái ấm cổ và buột miệng: - Mã thượng phong hầu?! (Con ngựa ở trên con ong và con khỉ). Phạm Xảo đắc ý, trả lời: - Khen cho con mắt tinh đời! Đúng vậy, hoàng thân ạ. Đây là một ấm trà tử sa Nghi Hưng tối cổ. "Mã thượng phong hầu" là một câu chỉ để gọi tên ba con vật trên ấm trà, nhưng đấy là một lời chúc ngắn gọn mà cao sang, đầy khí thế của con nhà tướng ngày xưa.
- Tử sa? Tôi chỉ biết Nghi Hưng là một huyện thuộc tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải. Ở đó có một thứ đất sét rất mịn, chứa nhiều thạch anh và nhiều chất thiên nhiên đặc biệt khác nên được dùng làm ấm trà không tráng men nổi tiếng vào bậc nhất trong nghệ thuật chế tạo ấm trà của Trung Hoa. Nhưng tử sa là gì?
- Tử sa là cát tím. Ấm trà làm tại Nghi Hưng có ba màu chính là màu vàng sậm (màu gan gà), màu đỏ sậm (màu da chu) và màu nâu thẫm ngã đen (tử sa). Ấm trà chúng ta đang dùng đây thuộc lọai song ẩm, dùng cho hai người uống. Lục Vũ trong sách Trà Kinh và cổ nhân viết về trà đã ca tụng ấm tử sa Nghi Hưng có nhiều ưu điểm như: Giữ được hương và vị trà gốc, bình trà dùng lâu chỉ chế nước không cũng ra mùi trà, không bị nứt vì thời tiết quá nóng hay quá lạnh, chế nước nóng bao nhiêu khi cầm ấm trà cũng không bị phỏng tay, bình dùng càng lâu càng lên nước bóng lộn rất đẹp. Và, đặc biệt hơn tất cả là cao trà tụ hội ngày một dày quanh thành ấm bên trong.
Trí Hải vui thích một cách tươi mát:
- Hay lắm, huynh ạ. Nhưng lâu nay huynh dấu trà cụ và ấm trà này ở đâu?
Phạm Xảo cười thích thú:
- Bí mật, bí mật! Sự nghiệp một đời làm tướng chỉ còn cái bình rượu sứt vòi đã đọan tuyệt và cái ấm trà nhếch nhác nầy thôi. Lịch sử bình rượu sứt vòi thì hoàng thân đã biết. Còn cái ấm trà Nghi Hưng nầy là "chiến lợi phẩm" duy nhất còn lại sau trận Rạch Gầm. Trên đường tháo quân đang bị truy đuổi rất gấp, chủ tướng Nguyễn Ánh và cận tướng Phạm Xảo phải lánh vào chòi canh trong một đêm trăng. Thèm một hơi thuốc, khao khát một hương vị trà nhưng chẳng kiếm đâu ra. Chính lúc đó, cái ấm trà tử sa Nghi Hưng nầy đã cho một bình trà nóng thoang thoảng hương vị trà thơm mà không cần tới một cọng trà.
- Tuyệt quá! Gian khổ có khi là một bài thơ không lời.
- Hay nói ngược lại, bài thơ không lời hay nhất thường đến từ những phút giây gian khổ nhất. Chính sự gian khổ thành anh hùng ca đã giúp nhân vật lịch sử kiên trì Nguyễn Ánh thắng được nhân vật lịch sử anh dũng Nguyễn Huệ.
- Như thế có nghĩa là chỉ có nhân vật Nguyễn Ánh mới chịu đựng nhiều gian khổ trong cuộc tương tranh thôi sao?
- Quang Trung và Gia Long đều thấm đòn gian khổ. Nhưng trong gian khổ, nhiều tướng tài của Quang Trung trở thành nghịch tướng trong khi tướng giỏi của Gia Long vẫn một dạ trung thành.
- Như tướng quân Phạm Xảo?
- Tôi chỉ là một kẻ trung thành với chính mình.
- Thế nghĩa là sao?
- Tôi không sống và hành xử theo nếp sống bầy, đàn. Tôi chiến đấu cho ngọn triều Nguyễn Ánh vì chỉ đơn giản là "ăn cây nào rào cây ấy". Nhưng cái chí của tôi chỉ thuộc về lẻ phải trong tâm niệm làm một người ngay thẳng như lời thầy tôi dạy lúc lên đường. Tôi cảm phục sự can trường của nhân vật Nguyễn Ánh, nhưng cũng tôn sùng sự dũng liệt của nhân vật Nguyễn Huệ. Vì trung thành với chính mình nên cuối đời tôi vẫn là tôi. Hai bàn tay trắng nhưng đầy ắp một vũ trụ của niềm vui. Niềm vui của lòng son sắt không bao giờ phản bội chính mình. Và, tôi nghĩ rằng, đấy cũng chính là đạo lý của con nhà tướng trong thiên hạ xưa nay.
- A, hay quá! Không ngờ bao năm qua tôi sống bên dãy Trường Sơn trùng điệp mà cứ ngỡ mình sống bên hòn non bộ. Vậy thì hôm nay huynh mang ấm trà "đế vương" này ra dùng là có ý gì?
Phạm Xảo nhắm mắt, nắm hai bàn tay mình vào nhau, ép lên ngực, nói một cách trang trọng:
- Để mừng cho một lời hứa đã giữ trọn. Và cũng để nghênh đón một nhân vật đối ẩm thứ nhì sau ngày nhân vật đối ẩm thứ nhất không còn nữa.
- Không dám khách sáo nhưng thật là vạn hạnh. Thế hôm nay huynh sẽ chiêu đãi với loại trà gì vậy?
- Vẫn là trà Thạch Hãn.
- Trà Thạch Hãn? Tôi chưa nghe bao giờ.
- Thạch Hãn là mồ hôi của đá. Tuy không dùng đến, nhưng ấm trà tử sa Nghi Hưng nầy vẫn được ninh trong một lọai trà thơm mỗi tháng hai lần để lớp cao trà trong ấm mỗi ngày một thuần vị và dày hơn. Khi gặp ngày đại hỷ, đại cát như hôm nay thì đem ra dùng. Tinh hoa của trà đã thấm vào trong vách ấm và lớp cao trà trong ấm ví như những giọt mồ hôi của đá sẽ cung cấp một vị trà độc đáo gọi là Thạch Hãn Cao Trà.
Tuy đã quen với mọi hình thức ăn uống cao lương mỹ vị, cực kỳ xa hoa trong nếp sống cung đình, Trí Hải vẫn chưa bao giờ biết được cái hương vị của "Thạch Hãn Cao Trà" như thế nào. Trí Hải thu hết sức chú ý và mở rộng cảm nhận khi ấm trà đầu tiên đặt trước mặt hai người.
Mùi thơm nhè nhẹ như từ một cõi mơ hồ thoảng đến làm Trí Hải cảm thấy những luồng suy nghĩ trong đầu mình dừng lại. Lòng dâng lên niềm vui và cảm giác bình an thoáng hiện. Im lặng. Theo dấu ra hiệu của Phạm Xảo, cả hai người cùng nâng chén trà. Trí Hải đột ngột dừng lại vì Phạm Xảo chỉ đưa chén trà lên môi nhưng miệng vẫn ngậm kín. Phạm Xảo chỉ chạm thành tách trà vào môi và từ từ đặt chén trà về lại vào khay. Trí Hải làm theo. Cảm nhận luồng hơi ấm từ chén trà trong tay truyền vào môi. Phạm Xảo nói gọn lỏn:
- Ấm.
- Ấm miệng?
- Cửa khẩu đóng kín. Đang ngủ. Thức nó dậy bằng hơi ấm.
Chén trà vẫn còn bốc khói lại được đưa lên miệng. Phạm Xảo nâng lên gần mũi, hít một hơi dài. Trí Hải làm theo. Hương trà thơm lâng lâng chạy vào đôi cánh mũi. Trí Hải cảm nhận như trí óc mình được đánh thức. Đôi mắt long lanh dõi tìm đốm sương trong bóng tối. Phạm Xảo lại nói gọn lỏn:
- Thức.
- Thức gì?
- Cửa khứu giác đóng kín. Đang ngủ. Thức nó dậy bằng hương trà.
Chén trà lại được đưa xuống. Nửa chừng lại cầm lên. Phạm Xảo lên tiếng lần thứ ba, cũng cộc lốc và dứt khoát như lệnh ra quân:
- Uống.
- Uống như bình thường?
- Xin mời.
Nhấp chung trà vào miệng, Trí Hải có thể theo dõi được dòng trà thơm nóng đầu tiên chạy vào thân thể mình. Mùi trà hoang dại phảng phất một loài hoa mơ hồ không tên tuổi. Tuần trà thứ hai, Trí Hải bắt đầu nhận ra vị trà. Vị chát nồng nàn đầu lưỡi nhẹ dần và biến thành vị ngọt êm ả trong cổ họng. Tuần trà thứ ba, Trí Hải cảm thấy cả người nhẹ lâng lâng. Hơi trà như chất men chạy vào mạch sống. Cả hai lim dim nhìn vào sự lắng đọng trong chính mình...
Phạm Xảo khoát tay:
- Mãn trà.
Tiếng gà gáy lại. Có chút đùa vui vừa nhóm lên trong tòa nhà hiu quạnh của hoàng thân chủ quản Thái ấp. Phạm Xảo vui vì đã giữ tròn lời hứa và được sống thật, sống ra ngoài lớp vỏ của một loài ốc mượn hồn. Trí Hải vui vì tin rằng mình sẽ thấy được mình với những con người rất thật đang có mặt ở chung quanh.
(Trích trong truyện dài "TU BỤI")
Chanh Cốm - Trần Yên Hòa Hoạt lái xe theo đường Garden Grove rồi quẹo vào khu giặt đồ công cộng. Hai tuần một lần anh đến đây giặt quần áo. Nhà anh ở là khu apartment nhỏ phía bên kia đường, ở đó cũng có phòng giặt sấy áo quần nhưng anh không thích, vì máy giặt nhỏ và sấy lâu khô. Với lại, ra chỗ giặt áo quần công cộng cũng có những niềm vui nho nhỏ. Ở đây anh thường gặp một số người Việt Nam, dù không quen biết nhưng là đồng hương, nên trong lúc rảnh rỗi chờ đợi sấy áo quần, anh thường góp chuyện cho vui, khi thì chuyện cộng đồng gió tanh mưa máu, khi thì chuyện Việt Nam ngày chưa rời đất nước. Nhiều lúc không nói chuyện với ai nhưng đứng nhìn mọi người sinh hoạt anh cũng thấy vui vui. Xe chạy qua trạm xăng Mobil là tới chỗ giặt đồ. Đèn bắt đầu thắp sáng cả khu vực. Hôm nay anh đến hơi trễ vì có vài chuyện, cũng là chuyện tầm phào, làm mất của anh suốt một ngày chủ nhật. Buổi sáng đi uống cà phê với vài người bạn ở Factory, ngồi nói chuyện văn nghệ văn gừng trên trời dưới đất, trưa về có điện thoại của người bạn cùng khóa sĩ quan, kêu “mày đến nhà tau uống bia chơi.” Anh định từ chối vì anh cần phải ngồi vào computer viết tiếp cái truyện dang dở, nhưng khi anh ngồi vào bàn thì thấy toàn màu trắng của màn hình. Không có một ý nghĩ gì, không có một chữ gì trong đầu. Anh đành khép máy lại và lái xe đi. Những lúc thế nầy anh thường đi loanh quanh, hoặc vào tiệm sách hoặc vào các Mall. Nhưng đang lái xe anh nghĩ mình vô lý quá, xăng càng ngày càng lên giá mà lái xe đi loanh quanh hoài. Thôi mua thùng bia lại thằng bạn ngồi lai rai mà có lý. Anh lái xe đến nhà Đức thì đã có hai ba người bạn đã ngồi ở đó và mặt người nào người nấy đã đỏ gay. Thấy Hoạt xách thùng bia vào, Đức nói: “ Tưởng mày không tới chớ.” Hoạt đáp: “ Định không tới nhưng sợ mầy giận tau, lại có uống bia bỏ qua rất uổng.” Nhật nói: “ Mày tới sau bị phạt, mày vô hết chai nầy đi.” “ Vô thì vô, sợ gì.” Hoạt uống liên tiếp ba chai Heineken, nhưng anh kịp dừng ở đó vì biết mình còn phải lái xe về. Những lần trước có Ngọc, Ngọc thường lái xe chở anh đi, bây giờ mất Ngọc, anh phải lái xe về một mình . Ngồi cà kê dê ngỗng đủ mọi chuyện. Có một lúc Nhật hỏi: “Ê, chuyện mày với ‘bả’ ra sao rồi?” Anh cười trả lời: “ Không có chi quan trọng lắm, người đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người.” Hào lên tiếng: “Mày văn nghệ văn gừng lang bang cho lắm vào, bả ghen chứ gì?” Hoạt không muốn trả lời những người bạn không hiểu mình gì hết, anh đọc nhỏ một câu thơ: “Chí ta ta biết lòng ta ta hay.” Đức ngắt lời: “Thôi uống đi, nói chuyện nhiều bia bay hơi hết.” Ba đứa lại cầm ly giơ lên cao cụng nhau rồi nốc. Hoạt uống từ từ. Anh cảm thấy hơi buồn vì chuyện của anh không đâu vào đâu mà mấy đứa bạn cũng làm ầm ĩ. Yêu thương. Giận hờn. Chia cách. Đó cũng là chuyện thường tình. Anh lặng lẽ uống trong lúc mấy người bạn tiếp tục “dô, dô.” Anh lái xe về mà cái đầu còn sật sừ. Anh biết mình không say nhưng cũng sợ cảnh sát chận bắt giữa đường. Anh lái xe đi trên những con đường nhỏ cho an toàn. Về đến nhà anh ngủ vùi, đến lúc thức dậy thấy trời gần tối nên anh phải lái xe đi giặt đồ. Không giặt đồ không có áo quần mặc đi làm ngày mai. Anh nghĩ đến công việc trong hãng, ngồi bên Thảo, Thảo sẽ nói: “Anh Hoạt hôm nay mặc đồ mới giặt ha?” Vì Thảo biết anh sống một mình, biết anh đã xa Ngọc, mà đàn ông sống một mình thường hay bừa bãi, làm biếng, luộm thuộm, nên Thảo thường hay nhắc khéo để anh siêng năng lên. Thảo là single mom, anh nói với Thảo “Em làm em gái anh nhe,” Thảo gục gục cái đầu làm bộ hờn dỗi. “Gì? Anh nói gì, trên đời nầy không có anh em giữa trai và gái.” Anh cười cầu hòa, “Vậy em muốn anh là gì của em?” Thảo đỏ mặt lên không nói, nhưng anh biết Thảo có cảm tình với anh. Anh cũng nghĩ, em gái gì khi Thảo chỉ nghỉ vacation một tuần, anh làm việc một mình, không có Thảo, anh thấy buồn tênh. Lúc đó, anh chưa bước qua ngưỡng cửa tình yêu với Thảo vì còn “bả,” chứ bây giờ còn đợi gì nữa đây. “Bả” là danh từ tụi bạn hay dùng để chỉ Ngọc. Ngọc với anh như sương khói, tràn đầy trong một sớm mai nào đó, nhưng khi mặt trời lên là biến mất. Hoạt dừng xe trước Laundry, buổi tối mà cũng còn đông người giặt sấy, đông nhất là Mễ rồi tới Việt Nam. Anh hay nhìn những cô gái Mễ bận quần ngắn cũn cỡn để lòi ra cái lỗ rún. Có cô đeo tòn teng cái khoen. Anh nhìn cho vui, vô thưởng vô phạt, như là nhìn một vật lạ, nó không gây trong anh nỗi hưng phấn nào. Gái Mễ trong TV, Video, DVD, nhiều cô đẹp lắm, nhưng ngoài đời anh toàn thấy những cô gái Mễ màu da nâu bóng, thân thể mập thù lù, anh không có một cảm giác nào, nhưng dù sao cũng có cái để nhìn hơn là nhìn vào khoảng trống không. Hoạt ra ngồi trên chiếc ghế trống đợi, sau khi đã bỏ áo quần vào trong máy. Anh lấy cuốn truyện của người bạn vừa tặng ra đọc. Những lúc như thế nầy anh thấy cô đơn dễ sợ, anh muốn khỏa lấp những trống vắng bằng cách đọc một cái gì đó. Những lúc đó anh thấy nhớ Ngọc và cần Ngọc ghê gớm, nhưng Ngọc đã quay đi xa rồi. Khi anh đem đồ đã giặt xong bỏ vào máy sấy là lúc anh thấy người đàn ông Việt Nam đi vào. Anh đoán ông ta khoảng sáu tám, bảy mươi gì đó. Chắc ông ta đi vào giúp đỡ con hay cháu đang giặt đồ ở đây. Nhưng không phải vậy, ông đi thẳng vào chỗ dành cho nhân viên của tiệm. Ông nhìn quanh quất, rồi vào mở khóa phòng restroom, ông vào trong đem ra cây chổi lau nhà, rồi ông ra lau sàn nhà, những chỗ trống không có người đứng. Hoạt nhìn ông, cười chào xã giao rồi hỏi: “Anh làm ở đây hả, mấy lần giặt đồ không thấy anh?” “Tôi chỉ làm thứ bảy chủ nhật. Ra phụ với ông bạn kiếm chút tiền uống cà phê. Với lại mấy tháng trước tôi ở Việt Nam.” Hoạt nhìn ông. Ông bận cái áo sơ mi màu xám đen đã sờn, áo tay dài mà không cài khuy nút nên trông luộm thuộm, cái quần tây màu xanh đậm, đôi dép nhựa đã mòn trông cũ kỹ. Hoạt nghĩ ông là người chăm việc siêng làm. Chắc bây giờ con cháu đề huề, nên chủ nhật buồn ra làm thêm cho vui. “Làm ở đây cũng vui chứ anh, chứ ở nhà đi ra đi vào, chán chết.” Ông cười rồi nói: “Vui, nhất là ngắm mấy em Mễ để bụng trắng hếu lòi cái lổ rún ra.” Hoạt hơi ngạc nhiên vì mới quen mà ông ăn nói bạo mồm bạo miệng. Vốn “kính lão” nên anh cũng cười phụ họa theo: “Con gái bây giờ ăn mặc trông ghê quá.” “Ghê gì, ăn mặc thế nhìn mới đã con mắt.” Ông vừa nói vừa dựa cái chổi lên trên cái máy giặt, rồi ngồi xuống cái ghế cạnh Hoạt. Ông thì thầm: “Con gái ở đây chỉ nhìn thôi, chứ ở Việt Nam muốn gì được nấy.” Hoạt ngỡ mình nghe lầm lời nói của ông già nầy quá. Định chào hỏi ông cho qua thời gian chờ đợi, không ngờ lại gặp ông già dân chơi, “ông già gân” hết chỗ chê. Hoạt hỏi lại: “Anh về Việt Nam có vui không?” Ông nhíu mày: “Hết sẩy, tôi về ở bên đó mười năm, mới qua lại đây năm ngoái. Mấy đứa con tôi sợ tôi bịnh hoạn nên kêu qua, chứ tôi thích ở luôn bên đó.” Rồi ông nhìn Hoạt, đôi mắt ông nháy nháy, đôi mắt như muốn nói với Hoạt rằng, đây là điều bí mật của đàn ông, chỉ có đàn ông mới nói với nhau mà thôi. Hoạt nghĩ, chắc đây là chuyện ăn chơi như rượu chè, cờ bạc hay đàn bà, mà hai chuyện kia, cờ bạc và rượu chè, nói ra cũng không đáng ngại, chắc chỉ có chuyện đàn bà thôi. Hoạt cười đáp lại người đàn ông như biểu đồng tình. Hoạt lại nhìn ông, cái áo sơ mi dài tay, cái quần xanh đậm, cái mũ lưỡi trai che sập hết cái đầu, mái tóc. Dáng người nầy là thuộc dạng lao động. Gương mặt ông trông chất phác, ngờ nghệch, không lanh lợi, không đểu cáng, không lưu manh, Hoạt nghĩ, chắc thế. Hoạt bước lại chỗ để máy sấy, định coi thử áo quần đã khô chưa. Trước mặt anh là một đứa con gái Mễ, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, bận chiếc quần jean ngắn cũn, đề lòi ra cả khoảng bụng và hông. Cái eo bắt đầu mập, đã có ngấn, cô bé bận cái áo hở cổ rộng, để lộ một mảng vú săn cứng, chắc nịch. Đứa con gái Mễ bước qua chỗ Hoạt lúc anh cúi xuống mở cửa máy sấy, cặp vú tròn lướt qua mắt anh, Hoạt tự dưng thấy ngợp. Có tiếng cười dòn phía sau. Thì ra ông bạn đồng hương coi máy giặt. Ông đứng gần Hoạt lúc nào không hay. Thấy Hoạt né tránh cái mông của cô gái Mễ, ông nói: “Gái ở đây sao bằng gái ở Việt Nam, em Mễ thì mập và hôi mồ hôi dầu, em Mỹ thì đắt giá nhưng nhão nhoẹt, và rộng thinh thang... Chỉ có em Việt Nam ở tuổi ‘chanh cốm’ là hết sẩy.” Hoạt nghĩ lời nói đó phát ra từ miệng một chàng thanh niên hay trung niên nào đó thì đúng hơn là của một ông già. Tự nhiên Hoạt muốn tìm hiểu thêm ở ông một chút, coi thử ra sao. Hoạt chỉ ra ngoài hàng ghế đợi, rồi nói nhỏ với ông: “Đồ sao sấy lâu khô quá, mình ra ngoài kia nói chuyện chơi đi anh.” Ông cười nói theo: “Anh ra trước đi, để tôi cất cái chổi.” Hoạt ra ngồi ở hàng ghế dành cho khách, nhìn ông đang loay hoay cất dọn đồ đạc vào trong phòng vệ sinh. Từ xa nhìn ông, trông ông thật lam lũ, ông có dáng dấp của một ông nội, ông ngoại, ở nhà quê miền nam Nam bộ. Ông nội, ông ngoại, dắt cháu đi chơi trên đồng cỏ xanh tươi mát hay trên đường làng đầy cây giăng bóng, rợp cả một khoảng trời. Các cháu sẽ đu trên vai ông để ông cõng trên lưng mà tha hồ dung dăng dung dẻ. Hoạt nhìn khu giặt đồ về đêm đã vơi bớt người. Những người Mễ, Việt Nam, Đại Hàn cũng lục tục dọn dẹp áo quần trong những cái làn nhựa hay những cái bao bằng vải lớn. Hoạt giặt hai tuần một lần, nhiều đồ quá nên máy sấy lâu khô, thôi thì đợi ông bạn ra nói chuyện tầm phào cho vui. Ông bạn trở ra ngồi xuống ghế gần Hoạt: “Trời mấy ngày nầy nóng nực quá, tối ngủ phải mở máy lạnh mới chịu nổi.” Hoạt hỏi: “Anh qua đây hồi bảy lăm hay vượt biên?” “Bảy lăm chứ, hồi đó ít người Việt, cũng trầy vi tróc vãy lắm mới sống được, hồi mới qua, nhớ nhà lắm.” Hoạt cười: “Gia đình anh qua hết bên nầy mà nhớ cái chi.” “Thì nhớ cây cau, gốc mít, chiếc xe đạp, hoa bằng lăng, nhớ hết anh à.” “ Anh về Việt Nam ở mười năm lận hả?” “ Ừ, mười năm.” Hoạt nghĩ đến mười năm, đó cũng là thời gian Hoạt sống trên đất Mỹ. Hoạt qua Mỹ mười năm, anh đã vô quốc tịch. Nhiều khi anh cũng muốn về thăm quê nhà một chuyến nhưng Hoạt cứ ngần ngại. Mười năm Hoạt đã làm gì được trên đất Mỹ nầy, đi cày ở hãng, làm suốt từ sáng đến tối mịt, lãnh lương cũng chỉ ba cọc ba đồng. Định để dành tiền về xây lại cái nhà từ đường cho có chỗ hương khói ông bà, xây cái mộ cha, mộ mẹ. Nhưng tính toán hoài, cũng chưa đâu đến đâu. Hoạt nghĩ, ông bạn về ở lại bên đó mười năm chắc là có vấn đề. Ông đến ngồi bên Hoạt, trông gương mặt ông rất hỉ hả. Cái gương mặt của sự thỏa mãn, bằng lòng với cuộc sống. Ông nói: “Tôi qua đây đã ba mươi năm, hai mươi năm đi cày thì tôi phải có mười năm hưởng thụ chứ. Con cái đề huề, có nhà có cửa, đứa nào cũng công ăn việc làm vững chắc, tôi còn lo lắng gì nữa đâu.” Rồi ông trở giọng nhỏ xuống, thầm thì: “Về Việt Nam mình phải biết chỗ chơi, chứ lang bang ở những quán bia ôm, karaokê hay mấy động đĩ là mình dính ngay, không bị mấy em lừa thì cũng bị sida. Ghê lắm.” “Vậy anh ăn chơi bằng cách nào?” Ông nhíp nhíp đôi mắt: “Thì bỏ tiền mua mấy em ‘chanh cốm,’ mấy em nhỏ ở vùng quê, cha mẹ nghèo, mình hứa giúp đỡ, cho tiền ông bà già, là mình được.” Hoạt cũng biết chuyện nầy qua sách báo, những bài phóng sự đăng về chuyện mấy ông già Việt Kiều, có tiền, có bạc thừa mứa, đi mua trinh mấy em bé nhà quê nghèo khổ, hay chuyện những người đàn bà chuyên môn đẻ thuê. Xã hội đã chuyển qua màu đen xám. Nhưng trong trí óc Hoạt cứ nghĩ đến những ông già lái xe láng cóng, quần áo bảnh bao, bụng phệ, tóc chải mượt, da trắng bóng, mới làm những chuyện đó. Không ngờ người đàn ông nầy trông có vẻ lam lũ, dáng dấp của một người lao động chân tay, mà cũng có món ăn chơi dữ dội vậy. Hoạt tò mò: “ Anh kể nghe đi, ở đâu mà anh tìm ra món ‘chanh cốm’ ngon vậy?” “ Tôi về Việt Nam làm cái nhà để an dưỡng, tôi sống bằng tiền retire non gần một ngàn một tháng, ở Việt Nam, có tiền thì muốn cái gì không được.” “ Nhưng anh cũng biết mối manh chứ.” “ Thì nhờ bạn bè, mình có tiền đãi bạn bè thì bọn nó kéo tới ùn ùn, ăn nhậu thả dàn thì mình nhờ họ giúp đỡ mình là được. Có một chuyện với một con bé bây giờ tôi còn nhớ mãi.” “ Chuyện thế nào?” “ Anh biết không, từ hồi có phong trào gái Việt Nam gã cho người ngoại quốc, nhất là gã cho dân Đài Loan, Trung Quốc hay Hàn Quốc thì chuyện mai mối dễ ẹt. Ít ra mình là Việt Kiều Mỹ, mình có giá hơn chớ, vì ai cũng nghĩ mình chi tiền sộp hơn. Anh biết không, một ông già Đài Loan già hơn tôi nữa kia, mà cưới cô gái Việt Nam mười bảy tuổi, tổn phí tất cả chưa quá ba ngàn Mỹ kim, mà lại bị ổng bắt về Đài Loan làm tôi mọi, huống hồ gì mình, ‘em’ chỉ sống với mình một tuần, hai tuần thôi mà mình chi cho em một, hai ngàn, em mừng thấy mẹ.” Hoạt ngẩn người. Thì ra những ông “Việt kiều hồi hộp” về Việt Nam mua vui là chính những ông như thế nầy đây. Không phải những người có bộ mã bên ngoài mới ăn chơi, những người trông dáng vẻ khù khờ như thế nầy mà có tiền còn ăn chơi gấp bội. Ông lên tiếng tiếp: “ Có một lần tôi được giới thiệu một cô ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cha mẹ cô ấy đã già mà nghèo lắm, cô còn một đàn em sáu đứa. Tôi bảo trợ cho tụi nó đi học, cũng ít thôi, rồi tôi lo thuốc thang cho ông già bịnh nặng. Sau đó tôi nói với ông già để đưa cô lên thành phố học nghề. Thế là mấy tháng sau tôi ‘bùm’ con nhỏ. Tuổi ‘chanh cốm’ ngon tuyệt.” “ ‘Chanh cốm’ là mấy tuổi?” “ Mười sáu.” Hoạt giật mình thực sự, mười sáu tuổi. Lớn hơn đứa cháu ngoại Hoạt sáu tuổi. Hồi anh mười sáu tuổi, đi học trường quận xa nhà, nhớ cha nhớ mẹ cứ khóc rấm rứt. Em nầy mười sáu tuổi đã bị ông già lấy tiền ra nhử, lấy đi đời con gái. Nhưng Hoạt đâu có quyền gì để lên mặt đạo đức lên lớp ông. Chuyện đàn ông ăn chơi, ai lại không muốn ăn miếng ăn ngon. Cái gì cũng là món hàng. Anh có tiền ít mà anh mua được hàng tốt, hàng rin, là anh trúng mánh, còn anh lơ tơ mơ, bị gài bẫy, dính hàng dỏm, hàng mả, thì anh phải chịu thôi. Cuộc sống biến đổi khôn lường. Ai cũng thủ về mình. Khi con gái, đàn bà, trở thành món hàng, thì người mua có quyền chọn lựa, kỳ kèo bớt một thêm hai. Thấy Hoạt im lặng, tưởng anh tâm đắc, ông liền triết lý: “ Mình già rồi, ai nói mình chơi trống bỏi, mình chịu. Nhưng mình đâu ra đó, không lừa gạt ai, thuận mua, vừa bán. So với mấy thằng Đài Loan mình còn tốt hơn nhiều, mình còn chơi ngon gấp bội. Chỉ trong hai tuần, em lấy hai ngàn đô về làm nhà cho ông bà già, còn lại, em mua xe gắn máy và mở cửa hàng tạp hóa. Cái giá ‘chanh cốm’ của em được quá chớ.” Hoạt nghĩ người đàn ông nầy cũng có lý của ông. Ông lại tiếp: “ Chứ anh cũng biết đó, ở Mỹ, mình để dành hai ngàn đâu phải dễ, với hạng tôi, hai mươi năm làm assembler, để dành hai ngàn cũng trầy vi tróc vảy, mình làm ra tiền khó thì mình cũng kiếm miếng ngon mình ăn, chứ dại gì ăn đồ dở, ăn thừa của thừa người khác.” Ông cười hắt hắt lên, trông gương mặt ông rạng rỡ như là cái lý thuyết của ông là đúng tuyệt đối. Ông đổi giọng: “ Nhưng mà trong cái không hay lại có cái hay. Tôi sống với em hai tuần, tôi bắt đầu thấy quyến luyến em, tôi ngỏ ý với em là lấy tôi luôn để tôi bảo lãnh em đi Mỹ, thế mà em không chịu. Tôi đành buông em ra thôi. Trước khi qua Mỹ lại, tôi có ghé thăm huyện Tam Nông, quê em đấy, em đã có chồng, có con, sống rất hạnh phúc. Tôi nghĩ với hai ngàn của tôi mà gia đình em sung sướng là tôi cũng mãn nguyện.” Trời bên ngoài đã tối lắm rồi, đèn sáng choang ở phía ngoài cây xăng kế cận. Hoạt lo thu dọn áo quần để về. Anh đứng lên nói với người đàn ông: “ Đồ tôi khô rồi, tôi vào trong lấy nhe.” Ông cười, đứng lên bắt tay anh: “ Hôm nay tự nhiên gặp anh, thấy vui, tôi kể chuyện tôi, anh đừng để bụng. Hãy xem như chuyện ‘xe cán chó’ vậy mà.” Hoạt bước vào trong, vừa mở cửa máy sấy, vừa nói với ông, giọng đùa vui: “Nghe anh nói tôi cũng ham, chắc mai mốt về Việt Nam, tôi ghé tìm anh quá.” Ông vừa cười vừa bước vô restroom. Bóng ông khuất sau cánh cửa, ông đưa tay lấy cái mũ lưỡi trai xuống, để lộ ra cái đầu bạc trắng phau. TYH |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét