Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

XÂU XÉ NHAU VÌ TRUMP ? NGUYỄN GIA KIỂNG

Tập tin:NguyenGiaKieng015.jpg – Wikipedia tiếng Việt
  (hình ông Nguyễn Gia Kiểng)
Hai năm trước tôi có dịp thảo luận với một nhóm bạn bè về Donald Trump. Họ đều là những người tốt, có tinh thần dân chủ, có trình độ hiểu biết và lý luận cao. Họ đều đánh giá thấp Trump nhưng đều dự đoán ông ấy sẽ tái đắc cử vào cuối năm 2020. Lúc đó tỷ lệ tín nhiệm của Trump còn cao và Đảng Dân chủ cũng chưa bắt đầu tiến trình bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống. Tôi đánh cuộc với họ rằng Trump sẽ thua và không những thế sẽ thua ít nhất 5 triệu phiếu bất kể ứng cử viên Dân chủ là ai. Các bạn tôi nhận đánh cuộc với hy vọng sẽ thua. Họ đều coi Trump là một tai họa cho nước Mỹ, thế giới và dân chủ. Giờ đây, sau những thăm dò dư luận, họ đang vui mừng vì sẽ thua (chúng tôi chỉ đánh cuộc cho vui) nhưng vẫn còn phập phồng lo âu tình hình có thể đảo ngược từ đây đến ngày bầu cử. Theo tôi họ không cần lo ngại. Tình hình không thể đảo ngược.
<!> 
Nhân vật chính trị Donald Trump
Lý luận của tôi lúc đó là một mặt, như một hài kịch kéo dài quá lâu, Trump sẽ mất dần sức thu hút, mặt khác vì không có tài mà lại thiếu khiêm tốn Trump chắc chắn sẽ phạm những sai lầm lớn và mất tín nhiệm.
Tôi đã biết đến Trump từ khá lâu, khoảng 30 năm về trước, khi một số báo chuyên về kinh tế tài chính loan tin ông ta phá sản, vừa phải bán chiếc Boeing cá nhân. Trump được mô tả như một tỷ phú địa ốc trẻ, đẹp trai và ăn chơi phóng đãng. Tôi cũng xem một trận đấu quyền Anh do Trump bình luận và một vài chương trình giải trí The Apprentice do Trump hoạt náo trên các đài truyền hình đại chúng. Lúc đó không ai nhìn Trump như một chính trị gia. Tôi chỉ chú ý đến Trump về mặt chính trị từ năm 2015 khi ông ta bắt đầu tranh cử tổng thống Mỹ và nhất là sau khi ông ta đắc cử.

Trước khi thảo luận xa hơn, phải nói ngay rằng cho tới bây giờ, sau tất cả những gì Trump đã nói và làm, tôi vẫn nghĩ rằng việc Trump đắc cử tổng thống Mỹ thay vì Hillary Clinton còn đỡ tệ hơn cho nước Mỹ. Ít ra Trump còn có tác dụng cảnh giác về sự xuống cấp của nền dân chủ Mỹ. Hillary Clinton chỉ tiếp tục ru ngủ người Mỹ cho đến khi các vấn đề đã quá trầm trọng để còn có giải pháp.
Tôi giải thích với các bạn rằng Mỹ là nước giầu mạnh, quan trọng và phức tạp nhất thế giới nên trước sau gì cũng sẽ gặp những vấn đề rất lớn và khó khăn mà Trump không biết giải quyết. Tôi nghĩ như vậy vì chỉ một thời gian ngắn sau khi quan sát Trump tôi đã đi tới nhận xét rất rõ rệt là ông ta chẳng có tư tưởng và kiến thức chính trị nào cả, hơn nữa còn rất vô đạo đức và không biết lý luận. Trump có triệu chứng rõ rệt của một người có vấn đề tâm thần.
Bài diễn văn tuyên bố ra tranh cử của ông tại Trump Tower, New York, là phát giác đầu tiên về nhân vật chính trị Donald Trump. Trump đã nói một cách tương tự trong các cuộc mít tinh tranh cử sau đó. Bài diễn văn này tiết lộ con người của Trump. Thí dụ như ông ta nói về những người ra tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa như sau :
"Họ đi vào, họ không biết máy lạnh không chạy. Họ toát mồ hôi như những con chó. Họ không biết phòng họp quá lớn bởi vì họ chẳng có ai ở đó. Họ làm sao có thể thắng được Nhà nước Hồi giáo ?".
(They went in, they didn't know the air-conditioner didn't work. They sweated like dogs. They didn't know the room was too big because they didn't have anybody there. How are they going to beat ISIS ?).
Câu nói này, ngay đầu bài diễn văn, vớ vẩn đến nỗi tôi phải chép lại nguyên văn tiếng Anh vì sợ nhiều người không thể tin là tôi đã dịch một cách trung thực. Chẳng có một ngữ pháp nào, một học sinh trung học mà viết hay nói như vậy cũng không chấp nhận được. Tuy vậy phòng họp vỗ tay ran vì Trump có cách trình bày hấp dẫn và đầy tự tin. Ông ta thuyết phục bằng giọng nói, dáng điệu và cử chỉ. Về nội dung, câu nói này thô lỗ một cách quá đáng.
Tại sao có thể ví các ứng cử viên Cộng hòa khác với những con chó ? Họ cũng là những nhân vật lớn của Đảng Cộng hòa như ông, tình đồng chí và sự tương kính đâu ? Đáng nói hơn là cách lý luận. Trump thấy các đối thủ của mình họp mít tinh bao giờ và ở đâu ? Làm sao biết họ không biết máy lạnh không chạy ? Làm sao biết họ đổ mồ hôi ? Toàn là chuyện bịa đặt, coi thường trình độ của cử tọa. Và có liên hệ gì giữa việc không biết máy lạnh không chạy với những khả năng cần thiết để đánh bại quân khủng bố ISIS ? Trong ba phút đầu của bài diễn văn này, kênh giáo dục Teach Argument đã đếm được 15 lỗi lý luận (logical fallacy). Đó là họ chỉ kể những lỗi lớn.

Các phát biểu của Trump nói chung đều như thế. Điều mà mọi người có thể nhận xét là Trump không bao giờ lý luận.. Ông ta chỉ khẳng định và huênh hoang. Cũng như khi Trump khoe khoang : "Tôi là một thiên tài rất ổn vững" (I am a very stable genius). Cuốn sách Too much and never enough (Quá nhiều và không bao giờ đủ) của người cháu gái của Donald Trump, bà Mary Trump, tiến sĩ tâm lý học, đã giải thích : đó là do giáo dục gia đình. Trump được nhào nặn bởi một ông bố vô học, hung dữ và độc đoán.

Hai năm trước tôi đã có rất đủ lý do để kết luận Donald Trump hoàn toàn không có khả năng của một chính trị gia, chưa nói một cấp lãnh đạo. Việc ông ta đắc cử tổng thống Mỹ chỉ chứng tỏ một điều : chính trị nước Mỹ đã quá bệnh hoạn và cần được chữa chạy khẩn cấp. Thực ra vào lúc đó Trump đã phạm rất nhiều sai trái. Chỉ sau vài tháng ông đã phá mọi kỷ lục của mọi tổng thống Mỹ trong suốt thời gian tại chức của họ về số lần thay đổi các cộng sự viên thân cận và về số cộng sự viên bị kết án tù vì gian trá. Ông ta nói dối trên mười lần mỗi ngày và khiến nước Mỹ chia rẽ và bị cô lập như chưa bao giờ thấy. Tất cả các tổng thống khác chỉ cần mắc vào một trong vô số những bê bối của Trump cũng đủ tiêu tan danh dự và sự nghiệp nhưng Trump cứ trơ ra, các sai phạm và tai tiếng chồng chất lên nhau, vụ sau làm quên đi vụ trước. Nhưng vẫn tích lũy và chỉ chờ giọt nước làm tràn ly.
Tới đây một câu hỏi cần được đặt ra là, tại sao sau những sai lầm rất nghiêm trọng cả về chính trị lẫn đạo đức, chỗ đứng của Trump vẫn khá vững vàng, chỉ hơi lung lay một chút, trước dịch Covid-19. Các dân biểu và nghị sĩ Cộng hòa vẫn phải ủng hộ Trump, dù nhiều người ghét ông một cách cay đắng, như trường hợp thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Lý do là vì Trump có một khối cử tri ủng hộ ông gần như không điều kiện mà họ cần để giữ ghế.

Trong gần ba thập niên qua, nước Mỹ đã quá mải miết chạy theo lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà quên lãng liên đới xã hội cũng như giáo dục chính trị, khiến chênh lệch giầu nghèo gia tăng quá đáng trong khi dân trí ngày càng xuống cấp. Trong 30 năm qua, số 1% những người giầu nhất đã giầu thêm 21.000 tỷ USD trong khi khối 50% thuộc "nửa dưới" đã nghèo đi 900 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế đã chỉ phục vụ cho người giầu. Bất công xã hội đã tạo ra một khối người ngày càng đông cảm thấy rằng nước Mỹ không còn là của họ nữa. Một số bất mãn đến độ muốn đập phá và nhìn thấy ở Trump con người để đập phá cái nước Mỹ này và tìm lại nước Mỹ mà họ cảm thấy đã mất. Trong thâm tâm, họ không ưa gì Trump. Ông ta là một tỷ phú ăn chơi không quan tâm tới những người thiếu thốn như họ, ông ta còn đòi bỏ cả bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo. Những tín đồ Tin Lành Kinh Điển Evangelicals không thể không biết Trump chẳng có đức tin tôn giáo nào.

Một lý do khác là trước dịch Covid-19 tăng trưởng kinh tế của Mỹ có vẻ vẫn khả quan, ở mức 3%. Có vẻ thôi vì đây chỉ là một sự hiểu lầm, hậu quả của tình trạng dân trí xuống thấp. Trong ba năm cầm quyền của Trump, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng sấp sỉ 8%, tương đương với 1.600 tỷ USD nhưng khối nợ công của Mỹ đã tăng thêm 3.000 tỷ USD, nói chung nước Mỹ đã nghèo đi. Vấn đề chỉ là khối tăng trưởng 1.600 tỷ có thể cảm nhận được ngay bây giờ trong khi món nợ thêm 3.000 tỷ chỉ là gánh nặng mai sau.

Nhưng rồi Covid-19 đã tới và đảo lộn tất cả. Kinh tế suy sụp và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, Trump không còn gì để khoe khoang và trở thành đáng ghét vì vẫn tiếp tục khoe khoang. Càng không may cho Trump, giữa lúc ông đang phơi bày sự tồi dở trong việc đối phó với đại dịch thì lại xẩy ra vụ một viên  cảnh sát da trắng –với cái tên định mệnh Chauvin gần đồng nghĩa với "kỳ thị chủng tộc"- cố tình đè cổ đến chết một người da đen tên George Floyd. Vụ này thực ra không quan trọng nhưng Trump đã biến nó thành một chấn động lớn vì những phát biểu ngu xuẩn. Uy tín của Trump tuột dốc. Hiện nay trong tất cả các bang được coi là đong đưa (swing states) và quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống các thăm dò dư luận đều cho thấy là Trump thua xa Biden. Trên cả nước, Trump thua Biden hơn 10% về ý định bầu. Thực ra Covid-19 tự nó không phải là lý do khiến Trump mất tín nhiệm. Nó là một tai họa toàn cầu và không thể khiến các chính quyền bị quy trách. Trump đã mất uy tín vì quá dở và quá tệ, gây phẫn nộ ngay cho cả những người thuộc thành phần mà ông nghĩ là không thể mất.

Các thăm dò dư luận đều cho thấy là Trump thua xa Biden hơn 10% về ý định bầu.
Tình thế không thể đảo ngược
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong lúc này là liệu có biến cố nào giúp Trump đảo ngược được tình thế không ? Câu trả lời là không.
Tại sao ? Những ai quan sát kỹ tình hình nước Mỹ trong lúc này đều có thể nhận xét hai điều :
Một là, cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 sắp tới không còn là cuộc tranh cử giữa Donald Trump và Joe Biden nữa mà đã trở thành một cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ hay chống Trump. Cá nhân Biden không còn quan trọng nữa, dù ông là một người tài đức và kinh nghiệm.
Hai là, hai phe chống cũng như ủng hộ Trump không còn cố gắng thuyết phục và tranh thủ nhau nữa. Họ đã phân cực thành hai phe Ta và Địch, không khác một cuộc nội chiến. Riêng phe Trump còn bỏ luôn cố gắng tranh thủ những người chưa có chọn lựa ; họ chỉ cố thủ trong hàng ngũ những người kiên trì.

Tình hình như vậy chỉ có thể xấu đi cho phe Trump mà thôi. Sau ngày 03/11/2020 sẽ không còn tiếng nói có trọng lượng nào bảo vệ Trump. Không chừng các chức sắc đảng Cộng hòa con đua nhau kể tội Trump. Cá nhân Donald Trump sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi chính trường và sẽ rất may mắn nếu không bị truy tố, để sống những ngày cuối đời như một kỷ niệm đáng xấu hổ của nước Mỹ. Cuộc nội chiến sẽ chấm dứt nhanh chóng với sự thất bại của Donald Trump. Đóng góp quan trọng nhất của Trump cho nước Mỹ, và một phần nào đó cho thế giới dân chủ, là cảnh giác rằng phải xét lại mô hình xã hội và cải tiến khái niệm dân chủ, dành một quan tâm lớn cho liên đới xã hội. Con người không phải chỉ có quyền mà còn cần có phương tiện để sử dụng quyền. Nước Mỹ sẽ đẹp hơn và mạnh hơn sau một cố gắng xét lại nhức nhối nhưng cần thiết. Trật tự dân chủ trên thế giới cũng sẽ vững chắc hơn. Một lần nữa dân chủ chứng minh khả năng nhận ra và giải quyết những vấn đề của nó.

Người Việt Nam và Trump
Điều chắc chắc 100% là quan hệ Mỹ - Việt sẽ không thay đổi. Một cách lặng lẽ Việt Nam sẽ thoát dần khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và sáp lại với Mỹ và các nước dân chủ, dù tổng thống Mỹ là ai, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là ai. Diễn tiến và hậu quả sẽ như thế nào là chuyện khác nhưng hướng đi vẫn thế. Đó là một tiến trình đã bắt đầu từ lâu trong khuôn khổ một chiến lược ngăn ngừa mối nguy Trung Quốc, không phải của riêng Mỹ mà của tất cả các nước dân chủ. Với những ai quan sát kỹ, nó đã được khẳng định trong chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015. Chính Joe Biden chứ không phải ai khác đã dùng hai câu thơ Kiều để reo mừng mối liên minh Mỹ - Việt vừa thành hình :
"Trời còn cho có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".

Rồi năm sau Barack Obama đến Việt Nam để cam kết Mỹ sẽ luôn luôn có mặt bên cạnh Việt Nam và cũng trích hai câu thơ Kiều :
"Rằng trăm năm cũng là đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi"
như một lời thề thốt. Trong mọi tình huống quan hệ đồng minh Mỹ - Việt sẽ không thay đổi và chỉ có thể ngày càng chặt chẽ hơn.
Điều có thể thay đổi, trong chiều hướng hòa dịu và hạ nhiệt mà mọi người dân chủ Việt Nam đều phải mong muốn, là quan hệ giữa người Việt Nam với nhau.
Nhiều bạn tôi nói rằng Trump đã là một tai họa cho phong trào dân chủ Việt Nam. Quả thật vậy, người Việt Nam nói chung và những người dân chủ Việt Nam nói riêng đã chia rẽ một cách trầm trọng, đã xâu xé nhau vì Trump. Cá nhân tôi cũng khá thấm thía những đổ vỡ giữa người Việt do Trump gây ra. Nhiều người trước đây rất quý mến tôi bỗng dưng trở thành hung dữ và mạt sát tôi thậm tệ chỉ vì tôi phê phán Trump, dù tôi chỉ phê phán ông ta một cách khách quan bằng lý luận và chứng liệu.
Điều ngược đời là người Việt, kể cả người Việt tại Mỹ, lại ủng hộ một tổng thống Mỹ chống di dân và kỳ thị chủng tộc, hơn thế nữa còn ủng hộ một cách cuồng nhiệt với một đa số áp đảo. Nhưng sự ngược ngạo không chỉ dừng lại ở đó..

Người Mỹ ủng hộ Trump không phải vì họ ngưỡng mộ Trump mà vì họ nhìn Trump như là dụng cụ để biểu lộ sự phẫn nộ của họ, trong khi đa số người Việt ủng hộ Trump vì thực sự ngưỡng mộ Trump. Có lẽ vì ông tiêu biểu cho giấc mơ giầu sang và quyền lực mà họ ấp ủ đồng thời cũng là mẫu người lãnh đạo chính trị mà họ hình dung. Người Mỹ ủng hộ Trump vì họ phản đối nước Mỹ hiện nay trong khi đa số người Việt ủng hộ Trump vì thỏa mãn với nước Mỹ. Đa số những người Mỹ ủng hộ Trump thuộc thành phần ít học, trong khi nhiều người Việt Nam có học vị cao mà vẫn ủng hộ Trump. Khối người Mỹ ủng hộ Trump chỉ là một thiểu số trong khi khối người Việt ủng hộ Trump chiếm đa số.
Phải giải thích như thế nào ? Chúng ta có thể nhận diện ba lý do chính.

Lý do đầu tiên là người Việt Nam còn thiếu tinh thần dân chủ, ngay cả những người tự nhận là dân chủ. Một người dân chủ thực sự không có lý do nào để không chống một người như Trump, chưa nói là ủng hộ ông ta một cách cuồng nhiệt. Trump hoàn toàn không có một tình cảm nào với các giá trị dân chủ và nhân quyền, hơn nữa còn dị ứng.

Lý do thứ hai là một ngộ nhận rất lớn và tai hại về bản chất của chính trị. Hầu hết người Việt, kể cả trí thức, cho rằng chính trị không liên quan gì với đạo đức, thậm chí còn đối chọi. Nhiều người còn nói rằng nếu muốn giữ đạo đức thì đừng làm chính trị.. Nhiều người nói một cách đầy tự hào rằng mình không làm chính trị và coi đó như một bằng chứng rằng mình là người lương thiện. Thực ra chính trị và đạo đức chỉ là một, chỉ khác nhau ở quy mô ; đạo đức là chính trị trên quy mô cá nhân, chính trị là đạo đức trên quy mô quốc gia. Ngộ nhận này đã là nguyên nhân của thảm kịch mà dân tộc ta đã và đang phải chịu đựng. Hình như chúng ta vẫn chưa rút được bài học đúng.

Lý do thứ ba là vì do di sản văn hóa, trí thức Việt Nam có thành kiến sai rằng chính trị không cần phải học. Hậu quả là kiến thức chính trị của những người khoa bảng Việt Nam cũng không khác quần chúng bao nhiêu. Vì thế họ không đảm nhiệm được vai trò hướng dẫn quần chúng, đôi khi còn đẩy quần chúng vào sai lầm.
Ở một mức độ nào đó Trump đã tiết lộ chân dung thực sự của người Việt. Cũng tốt. Nhận ra những khuyết điểm của mình bao giờ cũng là một may mắn.

Xâu xé nhau vì Trump ?
Ngoặc đơn Donald Trump sắp đóng lại nhưng nhiều người nghĩ rằng vết thương mà Trump để lại cho người Việt sẽ khó hàn gắn. Tôi chia sẻ một phần sự lo âu này nhưng không bi quan. Dĩ nhiên không thể chờ đợi những người cuồng Trump nhìn nhận sai lầm. Nhận lỗi là một văn hóa mà chúng ta còn cần nhiều thời gian và cố gắng mới có được. Tuy vậy một cách âm thầm họ sẽ rút kinh nghiệm.
Tôi lo ngại một cách khác. Cho tới gần đây những người chống Trump đã cố gắng biện luận và giải thích trong khi tuyệt đại đa số những người ủng hộ Trump chỉ mỉa mai và mạt sát. Bây giờ nhiều người chống Trump đã bắt đầu tỏ ra mất bình tĩnh và ngày càng dùng những lời lẽ nặng nề.
Không nên. Điều mà chúng ta phải quyết tâm tránh cho bằng được trong lúc này là xâu xé nhau vì Trump. Chỉ nên coi ông ta như một kinh nghiệm để chúng ta suy nghĩ, thay đổi và vươn lên.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/07/2020)

Không có nhận xét nào: