Cuộc tấn công hôm 9/1 diễn ra khi vụ việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm vẫn chưa ngã ngũ. Phía Công an cho rằng Cụ Lê Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử bị cho là ‘phản động’.
Còn người dân trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.
Trong cuộc tấn công với hơn 3.000 quân từ lực lượng chức năng, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong biệc giữ đất đã bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 29 người dân đang bị bắt giam, bị khởi tố và chờ ngày bị đưa ra tòa xét xử. Trong đó bao gồm 25 bị can bị truy tố về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 4 người bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vào tháng 3 vừa qua, hàng loạt các luật sư đăng ký bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm đồng loạt lên tiếng cho hay chính quyền đã trì hoãn trong việc chấp nhận luật sư bào chữa. Tuy nhiên, đến nay tình hình đã được cải thiện khá tốt, các luật sư đã có thể gặp thân chủ của mình mà không gặp khó khăn.
Như lời Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc công ty luật ATN cho hay:
“Đến thời điểm này thì sau khi chúng tôi có kiến nghị với tòa, các cơ quan có liên quan thì chúng tôi có thể gặp thân chủ bình thường, có cảnh sát tư pháp bên bộ phận hỗ trợ trại giam ngồi cùng, còn cơ quan điều tra thì không có người ngồi cùng, người giám sát vụ án chính trị.”
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho 5 người ở Đồng Tâm, đây là một vụ án hết sức khó khăn trong việc hành nghề của các luật sư:
“Chỉ có thời gian gần đây nhất, khi có sự phản ánh liên tục của các luật sư về chuyện tiếp xúc với các bị cáo thì vấn đề mới được khắc phục nhưng giai đoạn mới gần đây thôi. Còn những vấn đề khác nói chung rất khó khăn. Ví dụ như chuyện các luật sư có nêu ra yêu cầu bổ sung các thủ tục. Lẽ ra theo quy định thì những yêu cầu của luật sư phải được tòa án giải quyết trước khi mở phiên tòa, thế nhưng những yêu cầu của luật sư cho đến ngày hôm nay, khi có quyết định xét xử rồi thì những vấn đề đó đều chưa được giải quyết. Vì vậy nên thấy rằng trong diễn biến phiên tòa như thế nào nhưng rất có thể sẽ không thuận lợi lắm trong công việc hành nghề của các luật sư.”
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nội dung từ Tòa án Nhân dân Hà Nội cho biết Hội đồng xét xử trong phiên tòa ngày 7/9 tới đây gồm 5 người, trong đó có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Nhận xét về phiên tòa lần này, Luật sư Nguyễn Khả Thành nhận định:
“Tôi thấy vụ này khá lớn, đến tận 32 luật sư tham gia và vụ này phức tạp, chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ kỹ để lúc ra tòa trình bày quan điểm của mình. Hy vọng có thể bảo vệ cho bị cáo tại tòa. Bây giờ chuyện kết tội hay truy tố là của cơ quan điều tra, còn với góc độ luật sư thì cố gắng phải tìm hiểu những chứng cứ để đưa ra những cái không hợp lý, cố gắng trình bày cho hội đồng xét xử, còn mình không chủ quan lắm.”
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, cơ hội để người thân những bị cáo tham gia phiên tòa lần này là rất thấp:
“Đây là phiên tòa công khai, không phải xử kín nhưng chắc chắn là khá khó khăn cho người thân các bị cáo có thể có mặt tại phiên tòa, có thể có luật sư và cơ quan tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể có một số báo chí nhà nước được tham gia. Còn lại người thân của bị cáo gần như chắc chắn không được vào vì họ không có giấy triệu tập. Còn nội dung cụ thể phiên tòa có thể chúng tôi không cập nhật tại đây.”
Truyền thông Nhà Nước Việt Nam khi đưa tin về ngày diễn ra phiên tòa đã dùng những tiêu đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Điển hình như Đài truyền hình Việt Nam VTV có bài viết ‘Ngày 7/9, xét xử vụ giết người khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh ở Đồng Tâm’; hay bài ‘Ngày 7/9, xét xử vụ giết người khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh tại xã Đồng Tâm’ của tờ Lao động thủ đô; hoặc bài báo ‘Sắp xét xử vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm’ của báo Tuổi Trẻ online…
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định rằng việc đưa tin như báo Nhà nước Việt Nam đang làm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến vụ xét xử. Ông giải thích:
“Rõ ràng cách đưa thông tin như vậy mang tính chất định hướng và có tác động rất xấu tới vụ án vì giúp công chúng có thiên kiến trước về vụ án rằng vụ án này là xét xử tội phạm. Thực sự ra đó là quan điểm chỉ có cơ quan điều tra và quan điểm của Viện Kiểm sát. Đối với những bị cáo trước khi bản án có hiệu lực pháp luật thì họ vẫn phải được coi là người vô tội. Nhưng mình cũng hiểu rằng trong hoàn cảnh không có báo chí tư nhân, chỉ có báo chí của các cơ quan nhà nước thì họ phải nói theo quan điểm của các cơ quan nhà nước cũng là điều dễ hiểu. Nhưng xét theo tiêu chuẩn báo chí thông thường hiện nay nhiều nước văn minh đã áp dụng thì điều đó là không nên có, nó đi ngược lại nguyên tắc một người chỉ có thể coi là tội phạm khi mà có bản án tuyên họ phạm tội và bản án đó có giá trị hiệu lực.”
Vẫn theo Luật sư Mạnh, phiên tòa lần này dù các luật sư sẽ cố gắng hết mình, nhưng hy vọng giúp được cho 29 người dân Đồng Tâm bị truy tố dường như rất mong manh:
“Những gì các luật sư cần làm và cần nói các luật sư đều sẽ thực hiện theo đúng lương tâm của mình. Kết quả thông thường những vụ án thế này thì hầu như kết quả mình có thể dự đoán trước là không mấy khả quan đối với các thân chủ.”
Không chỉ riêng Luật sư Đặng Đình Mạnh mà cả Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng có cùng nhận định:
“Chỉ có mức nặng, mức nhẹ chứ chẳng ai tuyên vô tội, sẽ có tội nhưng mức tội nào thôi.”
Trong cuộc tấn công ngày 9/1, Công an cho biết có 3 chiến sĩ công an thiệt mạng gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô), thượng úy Dương Hoàng Đức Quân (cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô) và đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 thành phố Hà Nội).
Ngay sau đó, cả 3 đều được nhà nước công nhận liệt sĩ, nhận bằng Tổ quốc ghi công, truy thăng quân hàm và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Về phía gia đình cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm bị thiệt mạng trong vụ tấn công, người nhà cụ cho hay đến cuối tháng 7 vừa qua vẫn chưa nhận được giấy chứng tử dù cụ đã mất hơn nửa năm. Nguyên nhân được nói do lý do tử vong không phù hợp và cần chờ ý kiến cấp trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét