Một người bạn hỏi chúng tôi rằng “Đức Phật có thể cứu rỗi chúng ta thoát khỏi nạn đại dịch Covid-19 không?”Và chúng tôi đã trả lời “KHÔNG”. Nghe câu trả lời “KHÔNG” làm cho người bạn nản lòng, vì họ nghĩ rằng: Đức Phật không cứu rỗi họ được. Trong Phật giáo không có thuật ngữ “Cứu Rỗi”, mà có chữ “ĐỘ”, nghĩa là giúp, giáo hóa, giảng dạy để cho chúng sinh biết được Chân Lý, mà tự tu, tự độ. Giáo lý nhà Phật nói rằng: “Không ai có thể cứu độ được chúng sinh” hay “Không thể cầu xin người nào đó giúp dứt trừ tham sân si phiền não cho mình”. Ngay chính Đức Phật chỉ có thể làm là giúp chúng sinh tự cứu bằng cách chỉ dạy cho họ phương pháp loại trừ tham sân si phiền não.Ngài là một vị Thầy hướng dẫn cho ta, và không thể cứu rỗi ta, nên chúng ta phải thực hành những lời dạy của Ngài bằng nỗ lực của chính mình.
<!>
Đức Phật không phải là đấng toàn năng có khả năng ngăn chận các đại nạn như bão lụt, động đất, sóng thần, dịch bệnh hay đáp ứng tất cả lời cầu xin của mọi người để mọi người không còn khổ đau hay dùng thần thông đưa họ về cõi an lạc được.
Đức Phật là người đã giác ngộ, Ngài thấu rõ tất cả, toàn diện và vô bờ bến, thấu rõ mọi liên hệ nhân duyên và nhân quả ba đời của tất cả chúng sinh, nhưng chính ngài không thể làm những điều trái với luật nhân quả được.
Đức Phật là bậc toàn giác, là vị Đạo Sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào.
Ngài là một người như chúng ta, nhưng chính nhờ tự lực cá nhân, tìm ra được con đường giải thoát.
Sau khi chứng ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua chúa cho đến người gánh phân, kẻ khốn khó đều được chứng ngộ như Ngài.
Ngài là người chỉ dẫn đường lối cho chúng ta tu hành, Ngài không thể tu thay cho chúng ta mà chúng ta phải tự mình tu mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được.
Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên chúng ta nên nương tựa vào chính chúng ta và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính chúng ta.
Các Đức Phật ba đời, khi còn hành đạo Bồ Tát, đều phát lời nguyện “độ hết thảy chúng sinh”. Vậy mà các Đức Phật tuy thành Phật rồi nhưng vẫn còn vô lượng chúng sinh chìm đắm trong biển khổ.
Tại sao vậy? Tại vì lời phát nguyện “Độ Chúng Sinh” của các Ngài chỉ có nghĩa là đem ngọn đèn Tuệ đi giáo hóa chúng sinh.
Nếu chúng sinh không chịu vâng theo lời dạy mà tu hành, bản thân cứ tiếp tục làm chuyện ác, thì họ phải lãnh quả báo xấu, đúng theo quy luật nhân quả, chư Phật và chư Bồ Tát cũng không thể xóa bỏ nghiệp ác của họ được.
Khi Phật còn tại thế, ngoài điều Ngài nói không thể chuyển nghiệp của chúng sinh được, Ngài cũng nói là không thể độ thoát cho những chúng sinh mà Ngài không có duyên độ họ.
Người không có duyên là người không tin Phật Pháp, không muốn được hóa độ. Vì vậy, khi Phật Thích Ca còn tại thế, tuy vua Lưu Ly xứ Kosana dấy binh tàn sát dòng họ Thích Ca, mà Ngài không thể nào dùng phép thần thông để ngăn chận được vụ thảm sát.
Nhưng Đức Phật có thể dùng Phật pháp, tùy căn cơ cao thấp mà dìu dắt chúng sinh, chúng sinh nào hiểu biết thì giảng cao, người mê mờ thì giảng thấp từ tu thiện, tu phúc, trừ tai, miễn họa, đến tự thanh tịnh tâm.
Vì vậy nói là Phật độ chúng sinh nhưng thực ra là chúng sinh tự độ nếu không thì làm trái với quy luật nhân quả.
Đối với đại dịch toàn cầu Covid-19 mà đến nay đã có nhiều triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm ngàn người tử vong cũng không ngoài vòng nhân quả nghiệp báo, biệt nghiệp và cộng nghiệp của chúng sinh. Đức Phật cũng chịu, không thể cứu họ được.
Họ phải nhờ bác sĩ chữa trị và tuân hành các biện pháp do cơ quan y tế đề ra. Chính Đức Phật khi Ngài còn tại thế, Ngài cũng nhờ bác sĩ Kỳ Bà (Jivaka) khám và điều trị khi có bệnh.
Tuy nhiên, trong kinh Trung bộ số 135, Đức Phật nói với thanh niên Tô Đề Đa Tử (Subha Todeyyaputta) rằng bệnh là do thói quen (nghiệp) làm đau đớn và tổn hại các loài động vật, và tử vong khi có bệnh là do tánh hay lấm máu, sát hại các loài chúng sanh.
Ngược lại, người có thiện nghiệp như hiếu sanh, vị tha, thương yêu các loài hữu tình sẽ không hoặc ít mắc bệnh, khỏe mạnh và trường thọ. (*)
Như vậy, chỉ có sự tu tập, chỉ có Thiện Nghiệp của chúng ta mới "cứu rỗi" được chúng ta!
Ban Biên Tập TVHS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét