Thanh Hà
Trong bài viết trên báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 25/08/2020, nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian, người thường xuyên cộng tác với các trung tâm nghiên cứu như CSIS hay CFR của Mỹ nhắc lại, tháng trước Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận vào lúc hải quân Hoa Kỳ cùng với Ấn Độ, Úc cũng có những hoạt động tương tự trong vùng Biển Philippines.
Đầu tháng 8/2020, đúng vào lúc bộ trưởng Y Tế Mỹ, Alex Azar đến Đài Bắc và được chính tổng thống Thái Anh Văn tiếp đón, cũng là lúc Trung Quốc huy động nhiều phương tiện quân sự cho một cuộc tập trận ngay tại eo biển Đài Loan.
Tình hình căng thêm một nấc khi quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Hải đồng thời mở một cuộc tập trận có thể kéo dài cho tới cuối tháng 9/2020 trong vịnh Bột Hải.
Còn đối với vùng biển được coi là nhậy cảm nhất hiện tại là Biển Đông, các hoạt động dồn dập được ghi nhật tại phía đông nam đảo Hải Nam và ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông ... Theo tác giả bài viết, tổng cộng có đến 6 cuộc diễn tập do Trung Quốc tiến hành tại các vùng biển có tranh chấp.
Nếu như giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây là các hoạt động "bình thường" không nhằm khiêu khích các nước láng giềng lân cận, thì ngược lại trong mắt các nhà phân tích quốc tế các động thái vừa nêu không hơn không kém nhằm phô trương trương sức mạnh của hải quân Trung Quốc cả về phương tiện lẫn nhân sự.
Về mặt chiến lược, Bắc Kinh có ít nhất ba lý do để diễu võ dương oai : Thứ nhất là hù dọa Đài Bắc và thuyết phục Mỹ giữ khoảng cách với Đài Loan mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Thứ hai là mạnh mẽ tỏ thái độ bất bình trước sự hiện diện ngày lớn của quân đội Mỹ trong khu vực mà Bắc Kinh luôn coi là sân sau của mình. Lý do thứ ba khiến Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm gia tăng sức ép với các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như với Philippines.
Tuần trước Manila gửi công hàm phản đối Trung Quốc "vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines" qua việc uy hiếp ngư dân Philippines đang hoạt động tại bãi cạn Scarborough. Richard Javad Heydarian cho rằng, hành động Trung Quốc ngày càng quá đáng đến nỗi, đặt tổng thống Philippines, vốn có lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh trong thế khó xử. Nhiều thành viên trong chính quyền Manila công khai đưa ra quan điểm trái ngược lại với lập trường của tổng thống Rodrigo Duterte.
Vào lúc nguyên thủ Philippines chủ trương cấm hải quân nước này tham gia tập trận chung với Mỹ thì bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzana mạnh mẽ lên án Bắc Kinh ỷ mạnh bắt chẹt các nước làng giềng nhỏ.
Chỉ huy hải quân nước này chuẩn đô đốc Giovanni Carlo Bacordo cho rằng Bắc Kinh cố tình khiêu khích Philippines với dụng ý đẩy Manila vào thế chẳng đặng đừng phải "rút súng ra trước" mà trên thế cờ trong khu vực hiện nay, vẫn theo viên tướng này, "kẻ bắn trước là kẻ thua".
|
Biển Đông : Philippines sẽ cầu viện Mỹ nếu bị Trung Quốc tấn công
Đăng ngày: 27/08/2020 - 11:48
Manila sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ nếu Trung Quốc tấn công hải quân Philippines ở Biển Đông. Lần đầu tiên, dưới thời tổng thống Duterte, Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines được nhắc đến trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Philippines ABS-CBN ngày 26/08/2020, ngoại trưởng Teodoro Locsin khẳng định quân đội Philippines vẫn tiếp tục tuần tra trên không ở quần đảo Trường Sa, thách thức lời đe dọa đáp trả của Bắc Kinh đối với « những hành động bất hợp pháp » trong vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đòi gần như toàn bộ chủ quyền.
Một mặt, ông Teodoro Locsin bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh khi khẳng định rằng « họ (Trung Quốc) đã thua trong phán quyết » của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016. Mặt khác, ông nói : « Nếu xảy ra chuyện gì vượt quy mô xâm nhập, hoặc kiểu một cuộc tấn công nhắm vào một tầu của hải quân Philippines, tôi sẽ gọi điện cho Washington DC ».
Tuy nhiên, ngoại trưởng Philippines tránh đi sâu vào chi tiết, cũng như những điểm được đề cập trong cuộc hội đàm hồi tháng Tám với đồng nhiệm Mỹ sau khi Washington bác mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Aaron Jed Rabena, thuộc tổ chức cố vấn đối ngoại Asia Pacific Pathways to Progress (APPFI) của Philippines, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn, Bắc Kinh « có thể coi đây là một dấu hiệu của sự liên kết chiến lược tiếp tục giữa Manila và Washington ».
Trước đó, ngày 23/08, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana tái khẳng định chính Trung Quốc « mới là bên gây hấn khi chiếm đóng trái phép một số khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vì thế, họ không có quyền nói là họ áp dụng luật pháp ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét