Phần
lớn bạn bè và nhà phân tích cho rằng Trịnh Công Sơn là con người phi
chính trị, nhưng Trịnh Cung lại viết nhạc sĩ đã từng có lúc nghĩ đến
việc xin vào Đảng Cộng sản.
Ông
Trịnh Cung nói ông đã khuyên can, nhưng "không phải nhờ sự phân tích ấy
mà Trịnh Công Sơn không trở thành đảng viên Đảng CSVN, mà bởi sự ngăn
cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm Nhạc
TP. HCM".
Chân
dung một Trịnh Công Sơn hiện ra trong bài viết là một người cũng có
tham vọng làm quan cả trong thời Việt Nam Cộng Hòa và sau 1975, không
được tin dùng để rồi dẫn đến sự chán chường và buông xuôi.
Trả
lời đài BBC sau khi đọc bài viết, em gái ông Trịnh Công Sơn, bà Trịnh
Vĩnh Trinh, nói "cuộc sống và tác phẩm âm nhạc của anh Sơn đã nói lên
tất cả".
"Gia
đình có buồn, là vì trước đây anh Trịnh Cung thường xuyên đến nhà, quý
mến gia đình đến độ anh đã xin mẹ Trinh cho đổi sang họ Trịnh vì tên
thật của anh là Nguyễn Văn Liễu. Bây giờ lại viết bài về một người bạn
đã qua đời, gia đình nghĩ nên để quý khán giả tự phán đoán."
Bà Trinh nói ngắn gọn: "Qua bài này, ông Trịnh Cung đã nói lên ông là ai."
Trong khi đó, phát biểu với BBC, ông Trịnh Cung giải thích vì sao bây giờ ông mới công bố bài viết.
"Tôi
muốn chờ sự lắng xuống về tình cảm của mọi người đối với cái chết của
Trịnh Công Sơn. Thời điểm hôm nay đã đủ dài. Ngoài ra, gần đây một số
bạn bè của tôi sa sút sức khỏe, làm tôi ngại chờ ít lâu nữa, mình cũng
có thể không còn đủ sức viết."
"Không
phải mọi nhân vật liên quan đều đã chết, ví dụ ông Đinh Cường còn sống ở
Mỹ. Một số nhân vật vây quanh ông Trịnh Công Sơn đều còn tồn tại, họ sẽ
phản hồi. Những gì tôi sai, họ cứ trưng bằng cớ để chúng ta vẽ lại một
chân dung trung thực hơn."
'Tài năng và cũng bình thường'
Ông Trịnh Cung nói cần tách biệt hai khía cạnh của Trịnh Công Sơn.
"Một
là tài năng, có thể gọi là thiên tài âm nhạc, nhưng còn một con người
mà ta vẽ vời là thiền sư, trong sáng thì ở đây, tôi muốn mô tả một thời
kỳ xuống dốc của người bạn ấy."
Theo ông Trịnh Cung, giai đoạn trước và sau 1975 chứng kiến hai con người khác nhau của nhạc sĩ.
"Không
phải do anh muốn, mà do thời cuộc đã đẩy anh vào một cuộc sống không
đẹp như trước 75. Dù là trước 75, anh đấu tranh cho ai, tôi vẫn thấy đó
là thời gian sống rất đẹp, khác hoàn toàn giai đoạn sau này."
"Cuộc
sống của anh sau 75 là của một người yếu đuối, chấp nhận để được vui.
Sau khi được ông Võ Văn Kiệt nâng đỡ, đưa anh quay lại Sài Gòn, từ đó
anh xem mình có chỗ dựa. Mà ngay cả trước 75, có những người bạn ở phía
đối nghịch cộng sản nhưng quý tài của anh, đã giúp anh nhiều."
Ông Trịnh Cung nói "như vậy, Sơn dễ bị những người có quyền lực, giàu có chinh phục anh."
Được
hỏi ông nghĩ gì về phản ứng của độc giả, Trịnh Cung trả lời: "Những gì
họ thấy đúng, họ cứ viết ra. Còn những gì tôi viết, tôi chịu trách
nhiệm."
Chính trị hay không chính trị?
Một
trí thức cùng thời với Trịnh Công Sơn, hiện sống ở Pháp muốn giấu tên,
nói với BBC rằng theo ông, Trịnh Công Sơn là người "không chính trị. Ông
có thể có những nhận biết sai lầm về chính trị, nhưng ông không làm
chính trị."
Trong
khi đó, nhà văn Hoàng Lại Giang, từ Sài Gòn, cũng từng có thời gian
quen biết với Trịnh Công Sơn sau 1975, nói: "Đó là nghệ sĩ trong sáng,
không bao giờ nghĩ đến chính trị."
Ông Giang cho rằng cố nhạc sĩ là người "ngây thơ, nên phải đi giữa hai làn đạn".
Nhắc
lại những năm đầu sau 1975, khi Trịnh Công Sơn, giống như nhiều người
dính líu miền Nam, gặp khó khăn trong đời sống, ông Hoàng Lại Giang nhớ
lại:
"Lúc
đó, người ta mang quan điểm Trịnh Công Sơn có tội. Thời ấy, Sơn rất
khổ. Nhưng dần dần nhạc phẩm của anh đã thu hút các nhà cách mạng, kể cả
ông Võ Văn Kiệt."
"Có
lần bức xúc, anh Sơn đến giãi bày với ông Kiệt, thì ông ấy bảo: 'Tôi
đây còn bị người ta theo dõi, anh bị theo dõi là chuyện bình thường.
Mình cứ làm việc của mình.'"
Ông Giang kết luận: "Trịnh Công Sơn là con người của nghệ thuật. Bây giờ tôi còn mê Trịnh Công Sơn là vì thế."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét