Vào thứ Hai đầu tuần, một đoạn phim video chiếu cuộc họp báo gồm có 7 bác sĩ trong bộ đồng phục màu trắng tiêu biểu đã nhanh chóng thu hút hơn 17 triệu người tò mò bấm nút vào xem và sau đó gây nên sự chú ý lớn trên toàn quốc. Về mặt hình thức, không ai phủ nhận tính cách “chuyên môn” của những người đứng ra tổ chức vụ này: đó là trang mạng Breibart News, một diễn đàn truyền thông bảo thủ cực hữu thường được biết đến qua những bài viết cổ xúy cho những “lý thuyết âm mưu” (conspiracies theories) là nơi thực hiện và phát tán đoạn phim, và Nhóm Tea Party Patriots đứng ra tổ chức cuộc họp báo, vốn là một trong nhiều nhóm vận động chính trị khác nhau trong Phong trào Tea Party khởi xướng từ năm 2010 với khuynh hướng bảo thủ cực đoan.
<!>
Cuộc họp báo được thực hiện trước tiền đình của cơ quan Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ở thủ đô Washington và còn được giới thiệu mở màn bởi một vị dân biểu liên bang, ông Ralph Norman, thuộc đảng Cộng Hoà, đại diện cho một đơn vị tại Rock Hill, South Carolina, đương nhiên cũng giúp tăng thêm vẻ long trọng và nghiêm túc của nó.
Sau phần giới thiệu mở đầu, dân biểu Norman cũng lên tiếng khuyến khích chính sách hãy nên mở lại các trường học trực tiếp giữa thầy cô trong lớp học, và ngỏ lời cám ơn những vị bác sĩ này đã đến đây để “nói sự thật cho chúng ta nghe”. Cùng lúc đó, ông cũng không quên “rào trước đón sau” rằng ông ta là người “ủng hộ mạnh mẽ” chính sách nên đeo mặt nạ nơi công cộng, có lẽ noi theo gương “ái quốc” mà TT Trump vừa mới đề ra mới đây.
Tuy nhiên, liền sau khi ông Norman dứt lời, nữ bác sĩ da đen Stella Gwandiku-Ambe Immanuel là nhân vật nổi bật nhất trong nhóm đã đọc một bài phát biểu huyên thuyên trong đó có những đoạn cho rằng mọi người “không cần phải đeo mặt nạ”, và “đã có một phương thuốc chữa khỏi dịch bệnh coronavirus bằng thuốc Hydroxychloroquine”, một loại thuốc lâu đời dùng để trị sốt rét mà mới đây cơ quan FDA, Tổng Nha Thực và Dược Phẩm của Hoa Kỳ đã tái xác nhận rằng nó “không hề hiệu quả” cho việc chữa trị này, và có phần còn nguy hiểm hơn nữa cho bệnh nhân. Bà bác sĩ Immanuel này còn lớn tiếng cáo buộc rằng những cuộc nghiên cứu chê bai hoặc chỉ trích về sự hiệu nghiệm và an toàn của loại thuốc này trong việc điều trị Covid-19 là loại “fake science”, khoa học giả dối.
Tùy theo nhận định khác nhau của nhiều người theo kiểu “xấu đẹp tuỳ người đối diện” trước những lời nói mạnh miệng gây chưng hửng như vậy, nhưng TT Trump lại là người ưng ý với nó, nên đã không ngần ngại bắn tiếp trên mạng Twitter về đoạn video này đến số lượng khoảng 84 triệu khán giả trung thành với ông.
Thế nhưng sau đó không lâu, cơ quan Twitter đã phải nhanh chóng tháo gỡ đoạn tweet này của ông Trump vì cho rằng nó vi phạm vào tiêu chuẩn của họ là không phát tán những thông tin sai trái hoặc bóp méo sự thật. Cả hai diễn đàn truyền thông xã hội trên mạng là Facebook và YouTube cũng tìm cách xoá bỏ ngay đoạn phim video này được tung lên bởi tổ chức Breibart, cũng với những lý do bảo vệ sự trung thực về nội dung vì những lời cáo buộc của bà Immanuel hoàn toàn đi ngược lại những lời khuyến cáo của chính các viên chức cao cấp về y tế công cộng của Hoa Kỳ.
Facebook cho biết có khoảng 17 triệu người đã bấm vào xem, và YouTube nói có gần 600,000 ngàn người đã bấm nút để xem. (Từ gần 4 năm qua, nhiều người đã than phiền về việc Facebook và Twitter đã mặc nhiên để cho nhiều người như TT Trump tha hồ bắn ra đủ loại thông tin dù rằng nội dung của nó hoàn toàn sai trái hoặc dối trá, và mãi đến gần đây các cơ quan này mới tự điều chỉnh để sàng lọc và chặn lại những bài viết hay mẩu tin dối trá.) Phải mất nhiều đồng giờ hồ Facebook mới xoá sạch các đoạn phim video này, vì theo lời của bà Immanuel, nhiều người ủng hộ bà đã tìm cách cho tải lên mạng trở lại đoạn video này sau khi bị lấy xuống lúc ban đầu.
Liền sau đó không lâu, nhiều tờ báo lớn đã có bài tường thuật đầy đủ về sự kiện này, không phải chỉ có chuyện họp báo và đoạn phim video, mà còn là những bài phân tích và điều tra về thực hư của vấn đề cũng như lý lịch của những người trong cuộc, nhất là những vị bác sĩ trong đồng phục trắng tự xưng là “đang ở tuyến đầu”. Tờ nhật báo Houston Chronicle có chạy một bài viết để kiểm chứng hư thực (fact-check) về những lời xác quyết của bác sĩ Immanuel. Trên tờ USA Today, một trong những nhật báo lớn hàng đầu trên toàn quốc, hai ký giả Ryan Miller và Joel Shannon, cùng với sự cộng tác của hai ký giả khác và hãng thông tấn AP, đã có bài phân tích tổng hợp tương đối đầy đủ với cái tựa đề khá dài: “‘America’s Frontline Doctors’ may be real doctors, but experts say they don’t know what they’re talking about.” (tạm dịch là Các bác sĩ tuyến đầu này có thể là những bác sĩ chính cống, nhưng các chuyên gia nói rằng chính họ cũng chẳng biết họ đang nói cái gì cả.)
Chính cái chi tiết “bác sĩ chính cống” này đã gây sự chú ý lớn lúc ban đầu, kéo theo một số ít tranh luận khi nhiều người ủng hộ TT Trump cho rằng đây là những lời nhận định trái chiều cần phải nên nghe trong khi đại đa số người khác thì chế riễu họ là những “lang băm” (đạo dụ, đạo rờ, đạo bốc hốt như thuở còn nhà quê trước đây).
Một trong những người lên tiếng ủng hộ cho họ là bà Jenny Beth Martin, người đồng sáng lập tổ chức Tea Party Patriots, với lời phát biểu: “Đây là những bác sĩ đã chẩn bệnh, điều trị và giúp đỡ cho các bệnh nhân thoát khỏi bệnh Covid-19.”
Tuy nhiên, bác sĩ Ashish Jha, giám đốc viện Harvard Global Health Institute, và Khoa trưởng của Đại học Y Tế Công Cộng của Harvard cũng như của Đại học Brown, nói rằng những lời phát biểu được đưa ra trong đoạn phim video này cũng có giá trị tương đương như những lời nhận định của ông về chính trị ngoại giao.
Một người thuộc nhóm các bác sĩ trong đoạn phim video này là Joe Ladapa, bác sĩ thuộc Đại học UCLA nói rằng ông ta xuất hiện trong đoạn phim “vì tôi tin về tầm quan trọng của việc chúng ta cần có một cuộc thảo luận trong đó có cả việc trình bày những cái nhìn khác nhau trong cách giải quyết bệnh dịch Covid-19.”
Nhưng bác sĩ Jha đã phản bác ngay lập luận này và nói rằng bất cứ ai cho rằng một kinh nghiệm cá nhân của một bác sĩ khi chữa trị bệnh nhân cũng có thể có giá trị mạnh hơn kết luận của những cuộc nghiên cứu nghiêm ngặt và kỹ lưỡng thì điều đó là phản khoa học. Ông giải thích tiếp: “Tất cả những kinh nghiệm cá nhân đều không thể nào vượt qua những bằng chứng về khoa học.”
Và trong trường hợp những lập luận được đưa ra trong đoạn video này, bác sĩ Jha nói rằng những kinh nghiệm của họ đều không được hỗ trợ bởi những bằng chứng xác đáng. Theo ông thì những lời phát biểu của họ nói rằng đã có một phương thuốc chữa trị khỏi bệnh Covid-19, tức là mặc nhiên gợi ý rằng hiện nay đang có một âm mưu trên toàn cầu để ngăn chặn phương thuốc chữa trị hiệu quả trước con siêu-vi-khuẩn này, và điều đó dĩ nhiên không thể được xem là cách nói chuyện theo khoa học.
Còn bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Trung tâm NIAID chuyên về các bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ từ hơn 35 năm qua dưới trào của 6 vị tổng thống Mỹ liên tục, và được xem là tiếng nói trung thực và uy tín nhất trong lãnh vực này, đã trả lời một cách ngắn gọn khi được phỏng vấn bởi đài truyền hình MSNBC khi gọi nhóm những người trong đoạn video này là “một nhóm những người phun ra những điều không đúng sự thật.”
“CÁC BÁC SĨ TUYẾN ĐẦU” NÀY LÀ AI?
Các ký giả của tờ nhật báo USA Today đã tìm cách liên lạc trực tiếp với tất cả 7 vị bác sĩ trong đoạn phim video gây tranh cãi này để kiểm tra mức độ xác thực khi họ nói rằng mình là những bác sĩ làm việc trong tuyến đầu chữa trị các bệnh nhân của cơn đại dịch. Chỉ có một người chịu trả lời, một người khác từ chối đưa ra lời bình luận và tất cả những người kia đều im lặng. Tờ báo cũng liên lạc với nhóm Tea Party Patriots nhưng cũng chưa nhận được hồi đáp. Tuy vậy, họ cũng điều tra được một số những tin tức về các vị này.
Nữ Bác sĩ Simone Gold, tự nhận là bác sĩ ở phòng cấp cứu tại Los Angeles. Hồi tháng 5 vừa qua,bà này được nhắc đến vì nằm trong nhóm các bác sĩ ủng hộ Trump để yêu cầu cần nên sớm mở cửa lại nhanh chóng các dịch vụ kinh doanh. Trên trang mạng LinkedIn kê khai về nghề nghiệp, bà nói về công việc của mình như là “Concierge Physician”, một loại chăm sóc y khoa giành cho những ai chịu đóng tiền hàng tháng hoặc hàng năm để có thể được gặp bác sĩ. Bà có bằng hành nghề tại California.
Bác sĩ Bob Hamilton tự xác nhân là bác sĩ chuyên khoa nhi đồng với 36 năm thâm niên tại Santa Monica, California.Ông làm việc tại tổ hợp y tế Pacific Ocean Pediatrics, được quyền hành nghề tại 2 bệnh viện ở California, cũng có bằng hành nghề tại tiểu bang này.
Dr. Bob Hamilton
Nữ bác sĩ Stella Gwandu-Ambe Immanuel tự xác nhân là bác sĩ tổng quát (primary care) tại Houston, và khoe rằng đã chữa trị thành công cho khoảng 350 người khỏi bệnh Covid-19.Bác sĩ primary care là người đầu tiên các hãng bảo hiểm y tế buộc mọi người phải đi khám trước tiên trước khi có thể được chuyển sang các bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết. Bà này cũng có bằng hành nghề tại Texas, khoe thêm ngành chuyên môn về nhi khoa và chữa trị khẩn cấp.
Dr. Stella Gwandu-Ambe Immanuel
Bác sĩ Dan Erickson cũng là một người được biết đến trong một đoạn phim video khác gây tranh cãi khi ông lên tiếng chỉ trích các chính sách đóng cửa buộc cư dân ở trong nhà.Hồi tháng 4 vừa qua, ông này đã bị Hiệp Hội Các Bác Sĩ Điều Trị Khẩn Cấp lên án về những lời lẽ bất cẩn và thiếu trách nhiệm liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Ông này cũng có bằng hành nghề tại California, nhưng là bằng chuyên môn về Osteopathy. Khởi đầu, đây là một ngành y khoa theo hướng điều trị nắm xương cốt và khớp xương, nhưng dần dần cũng ngả theo hướng các bác sĩ y khoa, và cũng được công nhận tương đương như bác sĩ y khoa.
Bác sĩ Richard G. Urso có tên trong tổ hợp Houston Eye Associates trong cương vị bác sĩ chuyên môn về nhãn khoa (ophthalmologist).Một phụ tá của ông từ chối đưa ra lời bình luận với toà báo.
Bác sĩ James Todaro tự giới thiệu trên trang mạng LinkedIn là hành nghề tại vùng Detroit, có cổ phần trong một tổ hợp đầu tư và từng làm việc trong một nhóm chữa trị về mắt. Tuy nhiên hồ sơ chính quyền Michigan không cho thấy có một vị bác sĩ nào có tên họ là Todaro.
Dr. James Todaro
Bác sĩ Joe Ladapo là giáo sư phụ giảng về Nội Khoa thuộc Đại học Y Khoa UCLA.Ông này cũng là một bác sĩ hành nghề với bệnh viện Ronald Reagan UCLA và nói rằng công việc chính là nghiên cứu lâm sàng, nhưng không phải về cách điều trị Covid-19, mà nhắm đến các chính sách cũng như cách quản trị trong cơn đại dịch. Bác sĩ Ladapo cũng là người đã viết nhiều bài xã luận chỉ trích những chính sách đóng cửa và buộc cư dân phải ở nhà.
Nhưng trong số các vị bác sĩ này, có lẽ bà Immanuel là nhân vật gây sự chú ý lớn nhất, và cũng là những phản ứng tiêu cực nhất sau những lời phát biểu có phần “lộng ngôn” hay “loạn ngôn” của bà khiến nhiều người dễ gán cho bà những từ ngữ không mấy tốt đẹp như “lang băm”. Điều này cũng dễ hiểu vì theo diễn đàn Daily Beast tường thuật trong một bài viết, bà Immanuel đã đưa ra những lời xác quyết quái lạ về tôn giáo và y khoa.
Chẳng hạn như khi bà nói rằng những loại bệnh của phụ nữ như “có u nang, bướu sợi trong tử cung, bệnh hiếm muộn v.v. là do giao hợp với ma quỷ trong giấc ngủ”, hoặc là “những phương pháp chữa trị bằng cách dùng DNA của người ngoài hành tinh”.
Ngoài công việc một bác sĩ y khoa, bà này cũng còn là một mục sư. Hồ sơ cũng cho thấy bà Immanuel đã bị gia đình một bệnh nhân tại Louisiana nộp đơn thưa kiện vì đã thiệt mạng sau khi được điều trị bởi vị bác sĩ này. Bà là người gốc Cameroon ở Phi Châu, di cư sang Hoa Kỳ sau khi đã tốt nghiệp y khoa tại một đại học ở Nigeria, vốn không phải là những tên tuổi nổi tiếng khi nói đến những đại học hay trung tâm nghiên cứu và điều trị về y học. Nhiều người còn phê bình rằng bà Immanuel sở dĩ được TT Trump “lăng-xê” có lẽ vì những lời cổ võ cho loại thuốc Hydroxychloroquine đúng ý với ông, sau khi ông bị bác sĩ Anthony Fauci phản bác và mọi người chế riễu. Chứ thật ra tên tuổi các đại học cũng như quốc gia bà đã sinh sống và theo học vốn không được đánh giá cao bởi nhiều người, nhất là khi TT Trump đã từng gọi đó là những “quốc gia hố phân”.
HYDROXYCHLOROQUINE CÓ HIỆU NGHIỆM HAY KHÔNG?
Đoạn phim và cuộc họp báo của bà Immanuel và những “bác sĩ ở tuyến đầu” kể trên lại lôi cuộc tranh luận về sự hiệu nghiệm của thuốc hydroxychloroquine trở lại các diễn đàn truyền thông sau thời gian ồn ào lúc ban đầu hồi tháng 3 vừa qua.
Đây là một loại thuốc đã có từ lâu, bắt đầu là Chloroquine và sau đó là Hydroxychloroquine, được xem là loại thuốc chính để chống sốt rét, về sau cũng có thể được dùng để chữa trị theo kiểu “ngoài lề” (off label) một số bệnh khác như thấp khớp và lupus nhưng cần phải được theo rõi rất kỹ lưỡng bởi bác sĩ do bởi những phản ứng phụ đôi khi rất nguy hiểm, nhất là về tim mạch.
Loại thuốc này bắt đầu được chú ý nhiều từ tháng 2 vừa qua sau khi có nhiều bản tin nói về sự hiệu quả của nó trong việc chữa trị vài bệnh nhân Covid-19 tại Trung Cộng. Sau đó nó cũng được cổ xúy bởi một vị bác sĩ nổi tiếng là Didier Raoult, cũng là giáo sư y khoa và giám đốc một viện nghiên cứu đại học ở Marseille khi ông chủ trương nghiên cứu theo chiều hướng này.
Trong một bài viết về chủ đề này với tựa đề “Chloroquine: Từ Hy Vọng Đến Hoài Nghi” vào lúc đó, kẻ viết bài này đã tường thuật đầy đủ những diễn biến thời sự sôi nổi tại nước Pháp, với rất nhiều chính trị gia tên tuổi thuộc nhiều đảng phái tỏ ý ủng hộ cho bác sĩ Raoult, và nhiều viên chức chính quyền từ địa phương đến trung ương cũng đặc biệt chú ý đến, kể cả Tổng Trưởng Y Tế Olivier Véran và Tổng Thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, vì cuộc nghiên cứu của Bác sĩ Didier Raoult chỉ chữa trị có 24 bệnh nhân, một con số quá nhỏ nên hầu hết các bác sĩ và giáo sư trưởng khoa khác trên nước Pháp đều cho rằng cần phải có một cuộc nghiên cứu quy mô với số lượng bệnh nhân đông đảo và theo những tiêu chuẩn độc lập và nghiêm túc như từ trước tới nay thì mới mong rút ra được những kết luận khả tín.
Điều này cũng phù hợp với quan điểm của các chuyên gia hàng đầu tại Hoa Kỳ như Bác sĩ Fauci và các viên chức đứng đầu các cơ quan như CDC và FDA. Bác sĩ Fauci đã không ngần ngại “sửa lưng” TT Trump ngay trong cuộc họp báo tại Toà Bạch Ốc và nhắc đi nhắc lại nhiều rằng việc nhiều người kể lại về việc thuốc Hydroxychloroquine đã chữa khỏi cho một vài bệnh nhân Covid-19 chỉ là những kinh nghiệm lẻ tẻ được thuật lại (anecdotal evidence) chứ chưa phải là những kết luận vững chắc từ những cuộc nghiên cứu lâm sàng qui mô, và do đó không hề được xem là cung cách làm việc theo khoa học của giới y học từ trước tới nay.
Theo phương pháp kinh điển này, đó là việc là phải chữa trị tại nhà thương để dễ theo rõi tiến triển, với số lượng đông bệnh nhân, và lựa chọn bất kỳ người nào (randomized) để tránh kết quả có thể nghiêng lệch về một thành phần bệnh nhân nào đó, rồi còn phải phân chia các bệnh nhân thành 2 nhóm riêng biệt, một nhóm dùng thuốc và nhóm kia dùng thuốc giả placebo v.v. Sau đó còn phải qua tiến trình thử đi thử lại nhiều lần để đo lường mức độ hiệu nghiệm và lợi hại của nó trong ngắn hạn cũng như trong đường dài. Chính vì vậy mà cơ quan FDA, thông thường phải cứu xét trong nhiều năm dài trước khi quyết định chấp nhận một loại thuốc nào đó như là dược phẩm chính để chữa trị.
Tuy nhiên, dưới áp lực chính trị từ phía Toà Bạch Ốc và TT Trump ước muốn có một loại “thần dược” để chữa trị Covid-19 hầu có thể trấn an công luận trước mùa bầu cử, cơ quan FDA đã phải nhượng bộ để cho phép vì lý do khẩn cấp việc dùng thuốc Hydroxychloroquine cho việc điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, những kết quả tai hại về loại thuốc này, vốn đã được đa số các bác sĩ đều nhìn nhận và biết rõ, cho thấy là nó không hề có hiệu quả tích cực nào, ngược lại còn dẫn đến những hậu quả tai hại hơn, nhất là làm gia tăng nguy cơ biến chứng về tim mạch. Do vậy, cơ quan FDA đã phải rút lại lệnh cho phép vì nhu cầu khẩn cấp này việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine. Bản thông cáo của FDA nói rõ rằng những bằng chứng cho thấy việc tin rằng hai thứ thuốc này có thể hiệu quả trong việc điều trị hay ngăn ngừa Covid-19 là một điều phi lý.
Cùng lúc đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, việc tranh luận về sự hữu hiệu của các loại thuốc này vẫn tiếp tục với những kết quả không có gì khác biệt như đã xảy ra tại Hoa Kỳ. Nói chung, nó chưa cho thấy có những kết quả nào có thể đem lại niềm tin và hy vọng của nhiều người vào những thứ có thể được xem là “thần dược” này.
Trong một bài viết vào ngày 23/5 của ký giả Damien Mascret trên tờ nhật báo Le Figaro, người đọc có thể thấy kết quả một cuộc nghiên cứu rộng lớn của 96,032 bệnh nhân tại 671 bệnh viện trải rộng trên toàn thế giới. Trong đó, các bác sĩ đã có thể theo rõi 14,888 bệnh nhân Covid-19 được điều trị bởi hai loại thuộc này (có khi cộng thêm thuốc trụ sinh azithromycin) trong vòng 48 tiếng sau khi được xét nghiệm là nhiễm bệnh. Kết quả cho thấy con số người tử vong còn tăng cao hơn bình thường.
Trong một bài viết khác cũng trên tờ Le Figaro sau đó, nhà báo Stanislas Poyet nhận định rằng sau 3 tháng trời dấn thân vào cuộc nghiên cứu và điều trị này, người ta chỉ có thể khách quan nhìn nhận rằng nó đem lại rất nhiều tranh cãi và hoang mang nhiều hơn là niềm tin và hy vọng. Đa số các chuyên gia đều không đi đến kết luận chung cuộc về cuộc tranh luận. Việc chữa trị bằng loại thuốc này coi như đã bị chính thức loại bỏ bởi chính quyền và giới chức y khoa tại Pháp, tuy rằng phương thức nghiên cứu theo kiểu Raoult, tên của vị bác sĩ giáo sư cổ xúy cho nó, vẫn chưa hoàn toàn bị bỏ sang bên.
Và đến ngày 25/6 vừa qua, một bài phân tích tổng hợp của hai nhà báo Cécile Thibert và Keren Lentschner có thể đưa ra lời kết luận có phần chắc chắn: Không có bằng chứng gì về sự hữu hiệu của loại thuốc này sau 4 tháng trời tranh luận. Bài báo cho biết là đã có đến hơn 120 cuộc nghiên cứu khác nhau trên toàn cầu đã được tiến hành, hoặc đang được tiếp tục thực hiện, nhưng cho đến nay chưa hề có bất cứ một cuộc nghiên cứu hoặc điều trị nào đã thành công để chứng minh về những lợi ích hiệu quả của nó đối với dịch bệnh Covid-19.
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 3 tháng 8/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét