R. K. Narayan là một trong số những nhà văn nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Ông chuyên viết tiểu thuyết, sở trường về loại truyện ngắn diễn tả phong tục và tập quán nước Ấn. Văn phẩm của ông được độc giả trong nước hoan nghênh và được phổ biến khắp thế giới. Tác phẩm đắc ý nhất của ông gồm có: Nhạc khúc rắn thần, Triều đình, Hành khất…“Nhạc khúc rắn thần” là một truyện ngắn thể hiện rõ rệt dân tộc tính với lối kể chuyện thật hồn nhiên, hấp dẫn. Tác giả khéo léo đưa ta đi vào thế giới huyền bí của xứ Ấn Độ cổ kính đầy những huyền thoại kỳ bí, từ người đến thú vật, từ nghệ sĩ đến Thần linh. Văn ông thật giản dị nhưng có sức lôi cuốn mãnh liệt. Nhiều nhà phê bình cho ông thành công một phần lớn là nhờ không khí thần kỳ của Đông Phương huyền bí được cô đọng trong lối thuật sự linh động, có hồn. Có thể nói truyện ngắn nầy đã gói trọn những bản sắc tân kỳ của R. K. Narayan.<!>
Rời khỏi phòng hòa nhạc, chúng tôi có cảm tưởng bầu không khí nơi đây thật thích hợp với nghệ thuật và buổi trình diễn hôm nay rất hấp dẫn, hợp với cảm quan của giới thưởng thức văn nghệ.
Trong lúc chúng tôi còn vấn vương vì những cảm nghĩ trên thì mọi người bỗng chú ý đến một gã đàn ông đang tía lia phẩm bình, bất chấp cả bao người chung quanh. Trông gã xơ xác chẳng khác nào một người vừa thoát khỏi lao tù. Vậy mà miệng gã cứ liên tiếp phát thanh.
Tôi bực mình nói:
- Chắc tôn ông là một bậc vĩ nhân của âm nhạc? Chắc tôn ông cho rằng nền cổ nhạc miền Nam Ấn Độ đã cáo chung? Tôn ông hẳn quen biết nhiều nghệ sĩ và giới sáng tác? Hay là tôn ông chỉ ham lý luận viển vông mà không hiểu tí gì về nhạc lý và không thể nào phân tách được chính xác nghệ thuật một bản nhạc?
Gã đàn ông thẳng thắn trả lời:
- Tôi tuy mộc mạc, chất phác, song cũng hiểu ông muốn ám chỉ gì. Quả thật tôi cũng hiểu chút ít về âm nhạc, nhưng sự hiểu biết của tôi thật là ấu trĩ, kém xa tất cả mọi người ở đây. Chính tôi lấy làm hổ thẹn, ghê tởm cái kiến thức thô thiển của mình.
Chúng tôi không muốn cãi lý với anh ta làm gì, nên với vẻ lạnh nhạt, chúng tôi chuyển sang chuyện khác và chỉ nói riêng với nhau. Nhưng gã vẫn đi cạnh chúng tôi, miệng vẫn không ngớt lải nhải.
Chúng tôi rốt cuộc phải nghe từ đầu đến cuối câu chuyện hắn kể:
- Có lẽ, các ông cho tôi chỉ là một người bán phân hơn là một nghệ sĩ? Tôi thú thật rằng, đã có lúc, tôi có hoài bão trở thành một nhạc sĩ tài danh lỗi lạc. Tôi gần đạt được ước vọng đó, nếu không có một chuyện bất ngờ kỳ dị xảy ra. Ngày xưa, tôi sống ở một làng quê hẻo lánh. Trong làng có một nhạc sĩ thổi tiêu rất tài tình. Mỗi lần ông thổi tiêu mục súc lũ lượt kéo tới quanh ông để nghe nhạc. Lúc đó tôi cho ông là một nhạc sĩ tài hoa nhất thế giới. Vậy mà ông ta cam phận sống âm thầm trong bóng tối, không khoe khoang tài nghệ, không cần ai biết tới nghệ thuật tuyệt kỹ của mình. Ông chỉ sống ẩn dật trong đền thờ, tấu nhạc cho Thần linh nghe. Người trong làng xem ông tầm thường như bao nhiêu nhạc công tầm thường khác.
Riêng tôi, tôi lấy làm khâm phục ông ta. Tôi tha thiết xin ông dạy cho tôi nghệ thuật thổi tiêu, đáp lại tôi sẽ tình nguyện làm giúp ông tất cả mọi việc trong nhà như thư ký, giặt ủi, quét nhà… Ông bằng lòng, nhưng chỉ lúc nào cao hứng, ông mới chỉ dạy cho tôi chút ít. Tuy vậy, tôi thâu nhận rất nhiều, vì một giờ ông dạy bằng một năm đối với các nhạc sư khác. Nghệ thuật của ông lạ lùng mà phương pháp dạy của ông cũng lạ lùng không kém.
Sau ba năm trời gắng công học tập, tôi cảm thấy tiến bộ rất nhiều. Thấy tôi cũng nhận thức điều đó, nên có lần ông vui vẻ bảo:
“Nếu anh khổ công rèn luyện, có lẽ chỉ một năm nữa anh có thể ra kinh thành trình diễn trước công chúng”.
Nghe lời thầy nói, tôi càng gắng sức trau dồi nghệ thuật, vì tôi không thích sống mãi nơi cô tịch, kéo lê cuộc đời tối tăm nầy nữa. Tôi muốn bước ra ngoài ánh sáng. Tôi muốn danh tôi sẽ nổi như cồn. Tôi muốn nhờ nấc thang nghệ thuật mà trở nên giàu sang tột đỉnh. Có lần tôi mộng thấy tôi đến một kinh thành lớn, trình diễn ở một đại nhạc hội và được thính giả hoan nghênh nhiệt liệt. Tên tôi vang dội khắp bốn phương. Tôi chỉ sử dụng một ống tiêu tre nhỏ bé, nhưng nó có ma thuật huyền bí giúp tôi bước vào một thế giới mới lạ đầy quyến rũ.
Tôi sống trong một túp lều tranh giản dị và có thói quen rèn luyện nghệ thuật vào đêm khuya thanh vắng. Một đêm kia, tôi đang mê say luyện nhạc, bỗng có tiếng gõ cửa bên ngoài. Tôi cau có hỏi:
- Ai đó?
- Một hành khất đến xin ăn.
- Xin ăn vào giờ nầy? Đi đi, đừng quấy rầy.
- Người đói không phân biệt được thì giờ.
- Cút đi! Tôi không có gì để bố thí. Tôi còn phải sống nhờ vào thầy tôi.
- Nếu ông không có gì để bố thí, ông cũng nên an ủi hơn là nặng lời xua đuổi.
Tôi thét to: - Đi đi! Tôi ra đóng cửa, rồi bắt đầu thổi lại bản nhạc dở dang.
Một lát sau, lại có tiếng gõ cửa.
Tôi tức giận: - Thật anh không biết điều! Sao anh cứ quấy rầy tôi mãi?
- Anh thổi tiêu não nùng quá! Tôi muốn vào nghe một lúc. Anh không cho tôi thức ăn, thì xin cho tôi vào nghe nhạc.
Tôi không thích ai đến phá rầy trong khi tôi luyện nhạc, nên lời yêu cầu của anh ta càng làm cho tôi thêm tức giận. Tôi nói to: - Anh đi ngay. Nếu không, tôi sẽ tống cổ anh.
Tiếng nói từ bên ngoài vọng vào như một lời nguyền rủa: - Được rồi, anh khỏi cần đuổi. Tôi đi đây. Nhưng anh hãy nhớ đây là lần cuối cùng anh được làm bạn với ống tiêu kia. Dứt lời, anh ta bỏ đi.
Tôi nghe tiếng guốc xa dần. Tôi thở dài nhẹ nhõm và lại tiếp tục nhạc khúc dở dang. Nhưng tâm hồn tôi bỗng nhiên rối loạn. Tôi cứ vấn vương mãi lời từ giã của gã hành khất. Lời gã có ý nghĩa gì? Không yên tâm, tôi với tay lấy ngọn đèn treo trên tường rồi lần bước ra ngoài. Đường phố tối tăm vắng vẻ. Tôi hy vọng gã hành khất trở lại nhưng gã đã biệt tăm. Tôi trở vào. Tôi đứng trước tượng Thần, cầu xin người giải thoát tôi khỏi lời nguyền rủa của gã hành khất vô danh. Rồi tôi nâng tiêu lên môi, hồn lâng lâng theo tiếng nhạc.
Âm thanh trầm bổng vang lên như ru hồn tôi trong sóng nhạc. Tôi cảm thấy mình như bay bổng lên không trung, hòa mình với các đấng thần linh. Rồi vô tình, tôi thổi bản “Nhạc khúc rắn thần” lúc nào tôi không hay. Qua âm thanh kỳ diệu mơ màng tưởng tượng một con rắn thần oai vệ với những túi nọc độc to tướng, con rắn được thần Bạt-va-Thi quấn quanh mình, thần Vít-Nu gối trên đầu và thần Xu-Ra-Ma-Na thường ngày làm bạn. Tất cả huyền thoại lạ lùng về thần rắn đang tập trung lại để ám ảnh tôi.
Ngay lúc đó, một con rắn đen hiện ra giữa cửa. Đầu nó ngẩng lên, cái mào dựng ngược. Tôi sợ hãi, lấy tay dụi mắt, không biết là thật hay mơ? Tôi thấy mình vẫn tỉnh táo. Rõ ràng là một con rắn thật đang nghe tôi tấu nhạc. Tôi ngưng thổi tiêu, mắt đăm đăm nhìn con rắn, lòng hồi hộp khôn tả. Con rắn từ từ bò về phía tôi, thân mình nó dài và đen. Tôi vô cùng khủng khiếp. Nhưng trong cơn hốt hoảng, bản năng tự vệ như thôi thúc tôi: “Cứ tiếp tục thổi tiêu đi. Ngừng lại là nguy đó!”. Và như cái máy, tôi lật đật đưa nhạc khí lên môi, tấu lên một nhạc điệu âm u huyền bí. Con rắn ngẩng cao đầu lên, giương mắt nhìn tôi, lắng nghe tiếng nhạc chơi vơi…
Miệng tôi thổi nhưng mắt tôi không rời con rắn. Trông nó thật trang nghiêm xứng đáng với quyền uy Thần rắn. Tôi vừa kinh hoàng vừa sùng bái. Bản nhạc đó tôi thổi đi thổi lại đến ba lần. Dứt lần thứ ba, tôi thổi sang một bản khác. Không dè tôi vừa đổi nhạc, con rắn rít lên một tiếng giận dữ và trườn mình đến gần tôi. Tôi vội vàng thổi lại “Nhạc khúc rắn thần”. Con rắn lại nằm im thưởng thức.
Đã mấy lần tôi thử thay đổi nhạc khúc, con rắn càng tỏ vẻ giận dữ, toan phóng đến để hành hung tôi. Thế là tôi lại phải tiếp tục thổi bản nhạc ấy suốt đêm, đến nỗi cổ tôi khô cứng, má tôi rã rời, đầu tôi choáng váng mà vẫn không dám rời ống tiêu ra. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa. Chỉ vài phút nữa thôi, tôi sẽ ngã lăn ra chết. Dầu sao, tôi muốn nuôi một chút hy vọng sinh tồn. Và, không nghĩ ngợi gì thêm, tôi liệng ống tiêu xuống đất, sụp xuống lạy con rắn với lời cầu khẩn cuối cùng:
- Thần rắn linh thiêng! Ngài có thể giết tôi tùy thích, nhưng tôi không thể tấu nhạc cho ngài thưởng thức được nữa. Tôi đã đuối quá rồi…
Khi tôi tỉnh dậy thì trời vừa sáng. Con rắn đã bỏ đi đâu mất. Cái ống tiêu nằm bên vách.
Bấy giờ tôi mới biết rằng mình còn sống. Tôi vội đi tìm thầy tôi, thuật lại câu chuyện rùng rợn đêm qua. Thầy tôi lặng im nghe, vẻ mặt thật là trang trọng. Khi tôi kể xong, thầy tôi nghiêm trọng nói:
- May lắm anh mới thoát chết đó. Anh há không biết không nhạc sĩ nào dám tấu bản nhạc ấy vào ban đêm sao? Bây giờ nếu anh còn thổi tiêu nữa, chắc chắn con rắn ấy sẽ trở lại kiếm anh ngay. Anh còn muốn thổi tiêu nữa hay không?
Tôi sợ hãi đáp nhanh:
- Không, nghìn lần không. Kỷ niệm đêm ấy cứ đeo đuổi theo tôi để ám ảnh tôi mãi. Tôi phải từ giã âm nhạc. Tôi phải liệng ống tiêu đi vì tôi không thể chơi với một con rắn.
Tôi đã khóc. Thầy tôi thương hại, an ủi:
— Nếu anh luyến tiếc âm nhạc thì chỉ còn một cách. Anh hãy tìm người hành khất đêm đó, cầu xin anh ta tha thứ cho anh.
Từ đó, tôi lên đường tìm người hành khất vô danh. Tôi đã đi nhiều nơi. Tôi sẽ còn đi khắp nơi để tìm cho được con người kỳ bí ấy. Và ngay đêm nay, nếu gặp được anh ta, tôi sẽ không ngại gì quỳ dưới chân anh, cầu xin anh ta tha thứ để tôi có thể nối lại mối duyên với âm nhạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét