Cựu tổng thống Obama, trong Đại hội Đảng Dân chủ vào ngày 20/8 vừa qua, đã tấn công trực diện đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong bài phát biểu đanh thép, Obama không hề kiệm lời:“Đã gần bốn năm trôi qua, Trump chưa từng xem xét làm việc một cách nghiêm túc, chưa từng cân nhắc tìm tiếng nói chung với phe đối lập, chưa từng có chút hứng thú nào trong việc dùng những quyền năng tuyệt vời của Nhà Trắng để giúp đỡ bất kỳ ai, ngoài bản thân ông và những người bạn của ông, chưa từng xem chế định tổng thống đáng tôn trọng của Hoa Kỳ là thứ gì khác hơn một chương trình truyền hình thực tế nơi ông có được sự chú ý mà mình ham muốn.”<!>
Đây rõ ràng là những lời chỉ trích có một không hai trong nhiều thập niên trở lại đây, từ một cựu tổng thống dành cho một tổng thống đương nhiệm. Nhiều tờ báo nước ngoài lẫn các nhà quan sát Việt Nam đang chỉ trích Obama vì phá vỡ truyền thống đứng ngoài các thảo luận chính trị trực tiếp nhắm vào chính quyền đương nhiệm.
Vậy truyền thống ấy là gì? Và có phải tổng thống tiền nhiệm bao giờ cũng phải “câm miệng”? Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn đọc giải đáp các thông tin đó.
Truyền thống “tiến thoái lưỡng nan” của các cựu tổng thống Hoa Kỳ
Các cựu tổng thống Hoa Kỳ hết nhiệm kỳ thường rất kiệm lời. Đó là một sự thật.
Truyền thống hay không thì chúng ta không bàn, nhưng đó là cách tốt nhất để các cựu tổng thống duy trì được hình ảnh lẫn ảnh hưởng của mình với công chúng. Thậm chí, việc hạn chế chê bai hay tấn công, hay nói rộng ra là tránh xa các tranh cãi chính trị đương đại, sẽ giúp các cựu tổng thống nhận được cái nhìn thiện cảm hơn cả lúc họ đang nắm quyền.
Lấy ví dụ của Tổng thống G. W. Bush, cầm quyền từ năm 2001 tới năm 2009.
Ông rời Nhà Trắng vào tình cảnh tồi tệ nhất có thể. Chiến tranh Iraq vẫn còn để lại những hệ quả chính trị trước mắt. Cách chính quyền ứng xử với cơn bão Katrina thì quá tồi. Và quan trọng nhất là cuộc đại khủng hoảng tài chính gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu người dân Mỹ để lại những hậu quả kinh tế – xã hội không thể rõ ràng hơn. Tỉ lệ ủng hộ ông chỉ còn 35%, một con số thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, sự ủng hộ và cái nhìn thiện cảm của công chúng dành cho Bush dần khá lên và đạt con số dương 52% vào năm 2015. Điều này chủ yếu nhờ vào việc Bush rút hoàn toàn ra khỏi các thảo luận và tranh chấp chính trị gây tranh cãi nhất, tập trung vào các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân.
Làm thống soái Hoa Kỳ là một công việc khó khăn, Bush nói trong một buổi phỏng vấn, và người tiền nhiệm không nên làm cho nó khó khăn hơn nữa.
Như vậy, truyền thống được gọi là “tiến thoái lưỡng nan” của các cựu tổng thống (ex-president’s dilemma), được tôn trọng trước tiên bởi vì tác dụng thực tiễn của nó. Nhưng còn về lịch sử thì sao?
Thật ra mà nói các chính trị gia Hoa Kỳ suốt nhiều thập niên trước đó không có truyền thống này.
Chỉ vừa đi ngược lại gần 100 năm, Herbert Hoover (tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ – nắm quyền từ 1929 đến 1931) vẫn còn xuất hiện thường trực trên radio để chửi… tay đôi với đương kim tổng thống Franklin D. Roosevelt về đại suy thoái và chính sách The New Deal.
Harry Truman (tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ từ 1945 đến 1953) thì chưa từng thật sự rút khỏi chính trường sau khi hết nhiệm kỳ.
Mọi việc chỉ thật sự thay đổi khi Dwight D. Eisenhower, một vị tướng lừng danh trong Đệ nhị Thế Chiến, và phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ (1953 – 1961), trở thành một biểu tượng quốc gia và hoạt động với tư cách của một nguyên lão chính trị sau đó. Ông được cả hai phía tôn trọng, và thường đưa ra các lời khuyên, góp ý chính sách hơn là can dự vào chính trường như một thế lực có bè phái.
Từ thời điểm này, hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ đời sau đều không có cơ hội thể hiện hay tham gia một cách chủ động vào các tranh chấp chính trị Hoa Kỳ.
Kennedy bị ám sát trước khi hết nhiệm kỳ (1963).
Lyndon B. Johnson trở về Texas sau nhiệm kỳ tổng thống kiệt quệ với hàng tá các vấn đề quốc nội và quốc ngoại (1969).
Nixon từ chức trong tủi nhục (1974).
Bằng cách này hay cách khác, và dù vô tình hay hữu ý, cho đến thời đại của Ronald Reagan, việc các cựu tổng thống hạn chế tối đa bình luận hay tham gia trực tiếp vào chính trường đã trở thành quy chuẩn chung.
Obama có phá bỏ chuẩn mực?
Có nhiều lý do để các tổng thống Hoa Kỳ nên hạn chế can thiệp vào các tranh cãi của chính trường đương đại. Bằng cách đó, họ có thể vượt trên xung đột, hồng hóa hình ảnh của bản thân, và trở thành chính khách nguyên lão, biểu tượng của quốc gia như Eisenhower đã từng.
Hiển nhiên, không phải lúc nào các tổng thống Hoa Kỳ đương thời cũng có thể im lặng mãi.
Bill Clinton (1993 – 2001) từng chỉ trích chính quyền Tổng thống G. W. Bush khi ông này sa lầy vào chiến tranh Iraq.
Jimmy Carter (1977 – 1981) từng phải nặng nhẹ với Ronald Reagan (1981 – 1989) rằng: Ông ta nên học cách chấp nhận trách nhiệm của chính mình, ngay sau khi Reagan phàn nàn rằng chính quyền mới đã phải kế thừa một nền kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử sau thời Franklin Roosevelt.
Vậy nên việc Obama có nói vài lời với Trump cũng không hẳn là gì quá to tát.
Không chỉ vậy, với tư cách là một người ưa các chính sách của Đảng Cộng hòa hơn, người viết cũng phải thừa nhận rằng trong suốt nhiệm kỳ của mình, Donald Trump cũng chưa bao giờ “câm miệng” về người tiền nhiệm của mình. Từ Twitter cho đến Facebook và các buổi phỏng vấn, từ vấn đề giấy chứng sinh (Tổng thống Trump cáo buộc Obama không được sinh ra trên đất Mỹ và không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống) cho đến các chính sách về Iran, Trung Quốc, chăm sóc sức khỏe… Trump vẫn rất thường xuyên đả kích người tiền nhiệm của mình.
Vậy nên, ở một mức độ nào đó, có lẽ truyền thống của định chế tổng thống Hoa Kỳ mấy mươi năm nay cũng nên được gác lại một bên.
Đến cuối cùng, cái khát khao được bầu cử một cách minh bạch, tự do vẫn là cái khát khao lớn nhất của một bộ phận lớn người dân Việt Nam. Chúng ta đáng lẽ nên học hỏi thêm từ cuộc đấu khẩu giữa những người lãnh đạo Hoa Kỳ mới phải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét