Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Mother’s Day Tại Eden Thời Covid-19 - Bút Ký – Trịnh Bình An

Mother’s Day Tại Eden Thời Covid-19 (Bút Ký – Trịnh Bình An)
Trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, nhưng từng đợt gió lâu lâu lại thổi qua nên tháng Năm rồi mà cứ như đầu Xuân. Và ở Eden, giữa trưa rồi mà cứ như đang giấc sáng sớm bởi vì dãy dãy hàng quán im lìm và bãi đậu xe thưa thớt. Mọi người đâu rồi? Mọi người ở nhà trốn “dịch“? Chúa Nhật, Mother’s Day, tôi lái xe ghé tới trung tâm Eden lúc 12 giờ trưa. Cũng là hơn nửa năm rồi không tới đây. Khung cảnh nói chung không có gì thay đổi. Hai cột cờ Mỹ – Việt vẫn lồng lộng trước gió, chỉ có màu lá cây xanh non ngọc thạch cho biết mùa Xuân vừa ghé ngang qua. Virginia sẽ chính thức “mở cửa” tuần tới vào ngày 15 tháng Năm (*), thế nào bà con cũng sẽ rủ nhau kéo tới Eden đông vui hơn. Nói gì nói, Eden vẫn là trung tâm thương mại Việt Nam duy nhất của vùng “tam biên” Virginia, Maryland, Washington D.C.
<!>
Thường khi, tôi thích đến Eden giờ sáng sớm, cỡ 89 giờ. Giấc đó chỉ có vài quán mở cửa như tiệm Ngọc Anh, tiệm Hải Dương,.. Tôi thích ngồi ở Ngọc Anh. Gọi một phần cơm, hai món mặn, một món canh.
Ăn sáng kiểu này gọi là “ăn cơm ra đồng“. Măng kho thịt, cá kho sốt cà, hay tép rang, thêm một chén canh chua ăn với cơm trắng. Nếu ở nơi nào khác hẳn tôi sẽ không dám ăn sáng “to” như vầy, nhưng ở quán Ngọc Anh thì khác.
Chiếc bàn nhỏ ngó ra ngoài đường, khăn bàn kẻ ca rô trắng đỏ, trên là những dĩa nhỏ vui mắt, còn trước mặt là dãy thức ăn đỏ au, vàng rộm hấp dẫn. Tất cả làm cho tôi có cảm giác mình đang ngồi trong một quán ăn bình dân tại… bến xe đò, và tôi như một người khách đợi, ghé ăn vài ba hột cơm dằn bụng trước khi lên xe cho một chuyến đi dài.
Ăn ở Eden, đối với tôi, không để tìm món ngon mà để tìm hương vị của một miền đất đã xa…
Ở miền đất ấy, vào ba ngày Tết, hàng quán cũng đóng cửa như hôm nay và tiết trời cũng se se lạnh như hôm nay.
Dù mọi người ai nấy đều mang khẩu trang che mặt và vội vội ghé tiệm mua vài món rồi đi, nhưng nếu ở xa xa ngó tới, dáng vẻ thong thả, êm ả của một buổi trưa Chúa Nhật trong ngày nắng vàng của Eden, không khỏi gợi nhớ những dãy phố lười biếng trong ba ngày Tết của Sài Gòn.
Trung tâm thương mại Eden có lối kiến trúc rất thích hợp cho người Á Đông, đó là nhờ hàng hiên rộng rãi trước mặt tiền. Hàng hiên có mái che nên bà con đi lại thoải mái như đang dạo phố, lại đủ rộng nên nhiều “hàng rong” cũng được bày bán, tạo nên không khí náo nhiệt như một con phố Việt thu nhỏ.
Tôi ghé “chợ lớn” (tên này tôi tự đặt, vì hiện có hai chợ thực phẩm, một lớn, một nhỏ). Tìm mua mấy con dao nhưng không có, nhưng lại thấy bày mấy cái thùng xốp giữ lạnh. Mua bốn cái về trồng cây. Thời “Tiệm tiệm đóng cửa – Người người ở nhà” không đi đâu lăng xăng được, thôi thì “vui thú điền viên“, dù đa số cây tôi trồng đều ít sống nổi do làm biếng chăm bón.
Ghé “chợ nhỏ” thử coi. May, ở đây bán rất nhiều dao. Tôi lựa 4 con dao, một dao phay, ba dao gọt. Người bán hàng dáng gầy gầy, cao cao. Anh kiếm một cái hộp nhỏ, bỏ mớ dao vào. Anh còn cẩn thận lấy băng keo dán lại cho không đứa nào nhúc nhích. Vừa quấn vừa nói “Tui sợ nhất là dao!

Người bán hàng chu đáo quá, tôi thấy vui vui. Cám ơn anh, anh cẩn thận quá, thật hiếm gặp người như vậy.
Cao Cao đáp, chị mà đứt tay thì đâu có đi chợ nữa.
Tôi cười, Cao Cao cũng cười. Nhưng mặt hai người đều “băng” kín, không ai nhìn được miệng ai cười.
Đi dọc từ “chợ nhỏ” qua phía tiệm Ngọc Anh, thấy Hương Bình và một vài tiệm nữa có mở cửa. Một vài nhóm bạn trẻ mua bánh trái, nước sinh tố rồi ra các bàn ngoài trời, vừa ăn vừa phơi… nắng.

Tôi đi qua Ngọc Anh, kiếm mua bánh củ cải nhưng không có. Còn “cơm chỉ” thì ở nhà ăn cơm hoài, ngán rồi, không mua nữa.
Trong hành lang rộng có kê vài cái bàn, vài cái ghế. Một hai người ngồi ăn bún bò. Trời ở ngoài gió, ngồi trong này ấm áp hơn.
Một tiệm có bày cái bàn nhỏ. Trên bàn là mấy cái bánh ít dừa, bánh ít đậu, bánh ú nhưn thịt, vài dây bánh tro, mấy miếng mít, mấy nải chuối sứ… A, bánh tro, “Ăn Tết Đoan Ngọ trở về Tháng Năm“.
Cái kiểu bán chút chút vậy làm nhớ mấy mẹt bánh trong ngõ. Con nít chạy ra chạy vô đói bụng, xin má mấy đồng mua trái chuối, mua cái bánh, ăn rồi chạy chơi tiếp.
Tôi mua mấy cái bánh ít dừa, bánh ít đậu và hai dây bánh tro. Cô bán bánh bỏ bánh tro vào một cái bao, rồi lấy cái bao khác cho mớ bánh ít. Tôi tiếc, nói, bỏ chung một bịch cũng được mà? Cô khẽ lắc đầu, không chịu, vẫn chia làm hai bịch. Tôi hơi thắc mắc nhưng không hỏi thêm.
Đi khỏi rồi, mãi hồi sau mới nghĩ ra. Có lẽ bánh ít gói là chuối còn ướt nên cô không muốn để chung với bánh tro gói lá tre đã khô mặt, e làm hư mớ bánh tro?
Trong cùng một ngày, gặp được tới hai người tử tế. Hôm nay mình hên lắm đó!
Hồi còn trong nước tôi rất sợ đi chợ, tôi sợ trả giá lắm, có khi còn bị người bán mắng mỏ. Còn ở Mỹ, có khi người bán trong chợ thiếu để ý, đặt mớ chuối cái phịch vào giỏ cũng làm tôi buồn, nên tôi vẫn thích tự mình sắp đồ vào giỏ, vừa giúp cho nhanh, vừa đỡ… thót tim.
Những cái tử tế, chu đáo nho nhỏ của Cao Cao, của Cô Bánh Ít như lá non mùa Xuân, có đó mà ít được để ý tới nhưng vẫn là màu xanh biếc khiến lòng người tươi mát.
Ghé Eden mà không ăn cái gì thì uổng. Tôi tới Bánh Mì Số 1 mua bánh bao nướng, bánh bao trứng muối và một ổ bánh mì pate thịt nguội.
Dãy bàn trước tiệm không người ngồi. Khoảng cách quá an toàn rồi còn gì!
Lần đầu tiên tôi ăn bánh mì ở tiệm Bánh Mì Số 1. Công nhận bánh mì dòn xốp thiệt. Hơi hối hận đã không mua thịt đỏ thay vì thịt nguội, cái tật mê thịt mỡ từ nhỏ tới giờ không bỏ được.
Ăn được nửa ổ bánh mì lại mở một cái bánh ít dừa, cũng cái tật kỳ cục, ăn mặn rồi ăn ngọt, rồi ăn mặn. Miếng bánh nếp mũm mĩm, mềm mụp. Nhân dừa trắng, thơm. Vị nếp dẻo, thanh thanh làm nổi bật vị dừa ngọt béo. Ăn trời Tây mà sao nhớ trời Đông!
Đang ăn thì có chiếc xe trắng đầu vào. Người đàn bà bước ra, đi vào tiệm. Hai người đàn ông ngồi lại trên xe.
Người đàn ông lái xe, đặt cánh tay trên cửa, lộ hình xâm đầy ở trển. Giọng oang oang muốn thủng lỗ nhĩ. “ĐM nó làm cái gì mà gọi cho dzợ tui woài dzậy? ĐM một ngày 17 lần. ĐM gọi cái đ.* gì mà gọi tới 17 lần một ngày? Tui hỏi anh, dzậy là nó muốn gì hả?
Tôi phì cười. Thêm mấy cái “Đê Mê” này thì y chang mình đang ở “xứ Mít” rồi, cần gì về Việt Nam nữa chi?
Việt Nam có nghệ sĩ đường phố. Eden cũng có vậy. Tiếng nhạc vang vang. Đó là anh Hùng DJ mở dàn nhạc, hát giúp vui. Không khí êm ắng nhờ đó thêm phần sinh khí.

Có mấy người bạn than vùng này “mở cửa” chậm quá, thua mấy tiểu bang khác. Biết làm sao, đây là vùng thủ đô, trái tim Hoa Kỳ, cũng nên cẩn thận chút chứ?
Người đàn ông kia thắc mắc tại sao có người đàn ông mặt dày, dám gọi phone liên tục cho một người đàn bà đang có chồng. Anh tức giận, anh chửi thề, “đê mê” chất đầy cần xé. Còn chúng ta thắc mắc tại sao một “con vật” nhỏ xíu xiu lại có thể quất xụm một nền kinh tế đang vươn sức lớn mạnh.
Thế nhưng, nếu người vợ trong nhà vẫn luôn dịu dàng, tròn vẹn thì chẳng có “thằng đàn ông” nào léng phéng được. Cũng vậy, nếu miếng bánh mì vẫn dòn xốp, miếng bánh ít vẫn dẻo thơm, nếu những con người vẫn tử tế, chu đáo, chân thật, thì sức sống luôn còn có đó, chỉ chờ sau cơn bão, tất cả lại hồi sinh.
Có điều, không cần thêm “đê mê” thì cũng vẫn là xứ Việt của tôi.
Trịnh Bình An
(10 tháng 5, 2020)
Phố Nhỏ News

Không có nhận xét nào: