Ta còn để lại gì không?
Kìa non đã lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc, bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất, hơi tàn thanh âm.
( Thơ “Nguyện Cầu” của Vũ Hoàng Chương)
Những câu thơ được tô nét đậm từ bài thơ “Nguyện Cầu” của Vũ Hoàng Chương đã luôn vang vọng, đeo đẳng mãi trong tâm thức tôi, và ngày càng sâu đậm thêm bên kiếp tha hương ngút ngàn nỗi nhớ .
<!>
Việt Nam là nơi tôi được sinh ra. Trong khói lửa chiến tranh, và trong vòng tay âu yếm của hai đấng sinh thành, ăm ắp tình yêu quê hương, xóm làng, dân tộc….
Đó cũng là nơi tôi hướng về với bao tha thiết êm đềm, bao ước mơ cho một ngày mai huy hoàng, sáng đẹp. Có tiếng chim ríu rít trên cành còn trĩu giọt sương mai . Có cánh đồng ngan ngát, vàng tươi mỗi mùa lúa chín…Và tình người biếc xanh với lá cây mỗi độ xuân về…
Và VN cũng là nơi đã hun đúc cho tôi những lý tưởng cao đẹp nhất cho quê hương ngàn đời yêu thương, vĩnh cửu ….
Xa quê khi vừa 16 tuổi, sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ, tôi vẫn canh cánh mơ vể một ngày nào đó được về lại quê xưa, trong dự do, trong tình người thênh thang, dịu vợi …
Đây là một trong những cảnh đẹp thanh bình và hiền hòa của đồng quê Việt Nam ( tác giả bài viết họa lại bằng sơn dầu theo một tấm ảnh từ World Book Encyclopedia khoảng năm 1978)
Sau bao nhiêu năm làm trong phòng thí nghiệm thuốc men, cuối cùng tôi đổi được qua nghề dạy học. Hoá học là môn chính, vì đó là nghành học của tôi. Nhưng hơn mười năm nay, tôi có cơ hội được dạy thêm môn “Khoa Học Môi Trường”. (Environmental Sciences)
Và cũng từ đó, tôi đã bắt đầu nhìn về VN với thêm bao âu lo khắc khoải, không phải chỉ vì những điều đau lòng đang xảy ra trên quê hương dưới gông cùm CS, hay vì cái hoạ bị TC xây đập làm mất nguồn nước sông ngòi miền Nam, làm khô cằn ruộng đồng vốn tươi tốt trước kia. Năm 2016, tôi đã phẫn uất cùng cực khi cùng người dân VN hải ngoại, biểu tình , lên tiếng đòi VN phải đuổi Formosa ra khỏi nước vì đã làm cho bao nhiêu cá chết, người mất nhà cửa, mất việc, bị đau bệnh (xin xem bài viết về chuyện này nơi đây)
Nhưng, như có thêm muối xát vào vết thương còn âm ỉ, chưa lành, giờ thì miền Nam Việt Nam sẽ biến mất, chỉ vài chục năm nữa thôi, có thể là ngay trước mắt tôi, khi tôi vẫn còn sống lất lây một kiếp người tha hương, sầu úa trong tuổi già. Cả một miền Nam VN hoa gấm thân yêu của những tháng năm thần tiên ngày cũ sẽ biến mất!
Chỉ vài chục năm thôi! Còn cơn ác mộng (không, phải dùng chữ “thực trạng” mới đúng) nào đớn đau, nghiệt ngã hơn!
Theo như tài liệu của bài viết “Rising Seas Will Erase More Cities by 2050” , bản đồ bên trái cho ta một cái nhìn về tương lai đất ở Nam VN năm 2050, khi một chút đất vẫn còn trồi trên mặt nước biển. Nhưng cuối năm rồi, 2019, một bản đồ theo dự đoán mới cho thấy vào năm 2050, hầu như toàn bộ đất ở miền Nam VN sẽ chìm dưới nước khi thủy triều lên.
Hơn 20 triệu người ở Việt Nam, gần một phần tư dân số, sống trên vùng đất sẽ bị ngập lụt.
Và theo nghiên cứu của Climate Central, một tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, phần lớn thành phố Sài Gòn sẽ biến mất. Các dự báo này không tính đến sự tăng trưởng dân số trong tương lai hoặc đất bị mất vì bờ biển bị xói mòn .
Bao nhiêu bài viết, bản tường trình từ các khoa học gia về khí hậu, môi trường trên Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới từ mấy năm nay đã viết về những tai hại khôn lường của chính quyền Trump về việc rút khỏi hiệp định Paris 2015. Những chính sách này, đã đang và sẽ mang lại bao nhiêu sự huỷ hoại môi trường, chết chóc, mất mát thương tâm, ngày càng gia tăng. Chỉ trong vài chục năm nữa thôi, VN sẽ là một trong những quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất khi, vì sự hâm nóng toàn cầu, một phần ba đất, phần lớn ở ven biển, và miền Nam VN, sẽ bị nằm dưới mặt nước biển .
Trước khi đi sâu vào chi tiết, xin được tóm lược những diễn tiến về nguyên do, và hậu quả, việc hâm nóng toàn cầu:
Khí Carbon dioxide , CO2 là khí thải chính, đã làm cho khí hậu toàn cầu ngày càng nóng, với tốc độ thật khủng khiếp sau khi con người bắt đầu có cuộc cách mạng công kỹ nghệ . Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than và dầu đã làm tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển (CO2). Điều này xảy ra vì quá trình đốt than hoặc dầu kết hợp carbon với oxygen trong không khí để tạo ra CO2. CO2. có tính giữ nhiệt trong không khí và vì vậy, càng nhiều CO2., nhiệ̣t độ trong bầu khí quyển lại càng tăng lên
Nhiệt độ càng tăng, các tảng băng ngày càng tan đi, khiến mực nước biển ngày càng dâng cao, cùng lúc, những trận cuồng phong, bão tố ngày càng gia tăng, cùng với nạn khan hiếm nước ngọt, điều kiện tiên quyết về sự sống còn của sinh vật trên trái đất. Một số quốc gia, trong đó đương nhiên có VN, sẽ bị mất nhiều đất đai, tài nguyên, và cuối cùng là dân chúng sẽ phải tản cư, đi đến nơi nào họ có thể mưu sinh và tồn tại. Thêm vào đó, nồng độ acid của nước biển ngày càng tăng vì khi Carbon dioxide bay vào bầu khí quyển, gặp mây (nước) , sẽ kết hợp thành carbonic acid . Mưa rơi xuống làm biển ngày càng có nhiều chất axit và hiện tượng san hô bị tan đi, mang theo cái chết của nhiều sinh vật dưới biển, tôm cá vơi dần, ảnh hưởng to lớn đến sự sinh nhai của dân miền biển nói riêng và sự sống còn của con người trên trái đất nói chung (2)
Con số những người tỵ nạn vì thiếu đất sống, thiếu nước ngọt, thiếu thức ăn lúc ấy sẽ là hằng triệu triệu người . Kèm theo đó là bệnh tật từ những khí thải vào không khí, nước, đất, hoa màu, cũng như những chất thải trôi tràn khắp nơi, và những bệnh dịch ngày càng dễ lan tràn khi những độc vật truyên bệnh như muỗi mòng có cơ hội sinh sôi nẩy nở ….Người VN lúc đó sẽ đi đến đâu để mưu cầu sự sống an toàn ?(2)
Hoa Kỳ Rút Khỏi Hiệp Định Paris:
Sau hiệp định Paris, được ký kết, thỏa thuận trong một làn sóng lạc quan vào năm 2015, thế giới đã chứng kiến năm năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, với những vụ cháy rừng chưa từng thấy đang tàn phá các thị trấn từ California đến Úc, những trận nóng cháy da ở châu Âu, Ấn Độ và nhiệt độ đã lên cao hơn 100F (38C ) ở Bắc Cực (1)
Các nhà khoa học cảnh cáo rằng các hiện tượng này có thể chỉ là màn dạo đầu, vì chúng đã bị thúc đẩy bởi mức độ sưởi ấm toàn cầu đang trên đà vụt tăng ít nhất là gấp ba lần, vào cuối thế kỷ này nếu không có những biện pháp chống lại. Trên toàn cầu, việc cố gắng kiềm chế khí thải giữ nhiệt và chống lại các thiên tai đang hoành hành, phần lớn, tùy thuộc vào việc Mỹ có quyết định trở lại, nhập cuộc trong hiệp định này hay không.(1)
Ông Stern, một trong những nhân vật đại diện cho chính quyền HK trong việc đàm phán về hiệp định Paris 2015 nói: “Việc lựa chọn Biden hay Trump làm TT có ảnh huởng rất lớn, không chỉ đối với Mỹ mà cả thế giới nói chung để đối phó với biến đổi khí hậu, Nếu Biden thắng, ngày 4 tháng 11 sẽ làm một điểm sáng bất thuờng, một ác mộng đã trôi qua. Nếu Trump thắng, ông kết thúc sự thỏa thuận. Hoa Kỳ trở thành kẻ ngoài lề và các mục tiêu của hiệp định Paris trở nên vô cùng khó khăn. Nếu không có sự hợp tác lâu dài của HK, chắc chắn điều đó sẽ không còn thực tế, thực hiện được nữa (1)
Gần 200 quốc gia đã ký tên vào hiệp định Paris, cam kết đối mặt với vấn nạn hâm nóng toàn cầu và hạn chế sự gia tăng khí hậu trầm trọng,để cho nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng dưới mức 2 0C, so với thời kỳ trước khi công nghiệp hóa đại chúng bắt đầu.
Điều làm cho những nhà khoa học mong đạt được là giảm thiểu mức tăng nhiệt độ xuống 1.5 0C, khổ nỗi, chỉ mới 5 năm trước, thì nhiệt độ toàn cầu đã tăng gần đến độ nóng này rồi…(1)
The Longview power plant, a coal-fired plant, on 21 August 2018 in Maidsville, West Virginia. Photograph: Spencer Platt/Getty Images
Trên thực tế, từ hơn ba năm nay, chính phủ Hoa Kỳ phủi tay , ngoảnh mặt đối với những âu lo, quan tâm cuộc khủng hoảng khí hậu khi TT Trump hủy bỏ hơn 100 biện pháp bảo vệ môi trường, những kế hoạch thời Obama đưa ra để hạn chế khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than, hạn chế ô nhiễm phát ra từ xe hơi, xe tải và thậm chí các tiêu chuẩn hiệu về quả năng lượng cho bóng đèn. Trong một nhiệm kỳ tổng thống với trăm ngàn điều bất nhất, suy nghĩ của Trump về sự biến đổi khí hậu lại vô cùng nhất quán một cách bất thường: số lượng sản xuất về nhiên liệu từ kỹ nghệ dầu của Mỹ phải được nâng cao, các quy định hạn chế sự ô nhiễm đã bị hủy bỏ (1)
Chỉ cần thêm bốn năm nữa với một chính quyền luôn làm ngơ với sự khủng hoảng khí hậu sẽ làm việc cắt giảm khí thải toàn cầu bị cản trở đến độ đi thụt lùi lại hơn cả một thập niên, theo một phân tích mới được công bố, và chúng ta sẽ không còn có cơ hội đáp ứng các mục tiêu của hiệp định Paris này (1)
Kiểm điểm lại thành tích hủy hoại môi trường của DT, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài cho HK hay toàn thế giới, chúng ta thấy:
1) Ô Nhiễm đất, nước và Nông Sản: Vừa nhậm chức, ngày 29 tháng 3 năm 2017, chính quyền Trump đã chống lại lời khuyên của các chuyên gia nghiên cứu về tiêu chuẩn an toàn về những hóa chất trong cơ quan EPA, quyết định cho các nông trại dùng lại thuốc trừ sâu, chlorpyrifos, một hóa chất đã bị cấm dùng từ năm 2000 vì được xem là chất độc, làm tổn thương bộ não của trẻ em và nông dân trong trại.
TT Trump đã bổ nhiệm những người chuyên vận động, đút lót cho các hãng xưởng hoặc thuộc hạ thân tín vào các vị trí quản lý hàng đầu trên mọi lãnh vực. Tai hại nhất là việc bổ nhiệm những người hoàn toàn không có kinh nghiệm, khả năng hay kiến thức, cũng như những người từng phản đối các quy định về sức khỏe và an toàn cho người dân.
Điểm đáng nói là những người làm cho TT Trump trong thời gian qua đã và đang cố tìm cách phá đi những công trình, phương án bảo vệ môi trường mà TT Obama đã bỏ tâm trí, một lòng lo cho trái đất nói chung và dân chúng HK nói riêng. Giống như Donald Trump, họ phủi tay, xóa bỏ các quy định được cố vấn, đưa ra bởi những khoa học gia và càng ngày càng khiến cho đất, nước, bầu khí quyển càng thêm ô nhiễm.
Một trong những thí dụ về cách dùng người không có lương tâm nghề nghiệp, không tin vào sự hâm nóng toàn cầu, hay không đếm xỉa gì đến môi trường, mà chỉ muốn làm giàu là Andrew Wheeler , được làm giám đốc EPA vào tháng 7, thay thế Scott Pruitt, một nhân vật được biết đến vì không tin vào sự hâm nóng toàn cầu và chỉ muốn làm lợi cho việc mở rộng ngành dầu khí, y như Wheeler.
Ngày 11 tháng 4 năm 2019, Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận cho David Bernhardt làm thư ký nội vụ . Bernhardt là một người chuyên chạy chọt, đút lót, vì tư lợi, để mở rộng hoạt động khai thác trên các khu đất công cộng và giảm thiểu các biện pháp bảo vệ môi trường.
Những hành động tác hại môi trường, cũng đã khiến bao nhiêu người phản đối, từ nhiệm vì không thể, không muốn làm những việc trái với lương tâm, đạo đức con người, những việc mà họ cho là sẽ mang đến bao nhiêu bệnh hoạn, chết chóc cho nhân lọai nói chung, và dân HK nói riêng .
3) Không Kiểm soát Lượng Ozone: Trong gần bốn năm chấp chính, TT Trump đã hủy họai những công trình nghiên cứu, kiểm sóat lỏng lẻo hay gần như bỏ hẳn việc bảo vệ môi trường, nhất là những luật được đưa ra dưới thời Obama, ví dụ như các quy định về lượng Ozone. Ozone , O3, là một trong những khí chất ô nhiễm trong bầu khí quyển, gây ra nhiều bệnh trạng về phổi, được hình thành khi ánh sáng mặt trời chiếu vào khí thải từ xe cộ, nhà máy điện, v.v…
4) Cắt Giảm Việc Phòng Hờ Lũ Lụt: Vào ngày 15 tháng 8 năm 2017, TT Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hủy đi một đạo luật liên quan đến việc đề phòng rủi ro lũ lụt bởi những công trình xây cất của liên bang. Luật này được ban ra trước đây bởi Tổng thống Barack Obama vào ngày 30 tháng 1 năm 2015, đòi hỏi những chưong trình xây cất của chính phủ liên bang phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng về những hậu quả tai hại, ảnh huởng môi trường bởi mực nước dâng cao trong tương lai vì sự hâm nóng toàn cầu.
5) An ninh quốc gia: Ngay trên HK, khi nước biển dâng cao đe dọa làm tê liệt cơ sở hạ tầng quân sự ven biển, một mối lo ngại đang có ngay trong khu vực Hải Quân của Hoa Kỳ tại Norfolk, Virginia.
Chính quyền Trump đã không xem xét đến tài liệu liên quan đến môi trường và phủi tay, coi sự biến đổi môi trường như không liên quan chi đến an ninh quốc gia, một điều vô cùng nguy hiểm và tắc trách. Bao nhiêu bằng chứng và tài liệu minh bạch đã đưa ra cho thấy rõ rằng là: tùy thuộc vào khu vực, các sự kiện thời tiết cực độ như hạn hán, cháy rừng, sóng nhiệt và mưa xối xả có thể trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi thay đổi khí hậu, gây ra các mối đe dọa đối với các cơ sở quân sự và cộng đồng dân sự. Khi mô hình thời tiết thay đổi, một số sinh vật mang mầm bệnh như muỗi sẽ sinh sôi nẩy nở nhanh và lâu hơn trên các khu vực rộng hơn, gây nên sự đe dọa trầm trọng về sức khỏe cộng đồng.
Khi khí quyển nóng lên, tuyết tan có nghĩa là những tảng băng Bắc Cực trở thành một tuyến đường vận chuyển nước đá đã bị chảy tan, làm thay đổi địa thế chính trị, quốc gia. Nước ấm hơn, có tính axit cao hơn vì bị ô nhiễm cũng sẽ giết chết san hô, tôm cá, nguồn thực phẩm và là nguồn thu nhập cho hàng triệu người. Và khi mực nước biển dâng cao, việc lũ lụt sẽ khiến dân cư ven biển phải tản cư đến nơi khác vì không còn đất sống.
Ông David Titley, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Penn State University và là cựu đô đốc hải quân Hoa Kỳ đã về hưu, trong một cuộc phỏng vấn, đã nói: “Chỉ 700.000 người tị nạn đến từ Syria đã làm rung chuyển Liên minh châu Âu đến cốt lõi của nó. Nhân con số đó lên 100 lần, chúng ta thấy được số người sẽ bị buộc phải rời khỏi quê hương của ho, khi mực nước biển dâng tràn, không ngăn lại được, và đó là những thay đổi, thế giới sẽ phải đón nhận vì chính chúng ta đã tự chuốt lấy “
6) TT Trump Cắt Bỏ Chương Trình Nghiên cứu năng lượng “sạch”: Trump đã cắt giảm những chương trình nghiên cứu khoa học về cách chế tạo năng lượng “sạch” và giảm thiểu những ô nhiễm môi trường. Cùng lúc, đã bỏ đi những đạo luật bắt các công ty nhà máy chế tạo xăng nhớt hay các hãng chế tạo xe phải kiểm thảo, không thải thêm những chất độc vào không khí, khiến người dân bị bệnh…
Ngày 9 tháng 5 năm 2018 Tạp chí khoa học báo cáo rằng chính quyền Trump đã chấm dứt hệ thống giám sát và chuyên cải thiện số lượng carbon dioxide của NASA
6) Ô Nhiễm Không Khí: Ngày 11 tháng 10 năm 2018, cơ quan bảo vệ môi trường của chính quyền Trump đột ngột tuyên bố bảo sẽ giải tán một bộ phận gồm các chuyên gia khoa học cố vấn về sự ô nhiễm không khí, đưa đến những nguy hại về sức khỏe cộng đồng. Sự tàn phá môi trường sẽ gây ra ảnh hưởng tai hại cho thế hệ mai sau. Khi những người trẻ, những công dân HK lên tiếng, và kiện Trump về những việc sai trái của chính quyền, Trump và bộ tư pháp đã tìm đủ cách để xách nhiễu Tối Cao Pháp Viện, đòi hỏi phải chấm dứt đơn kiện của những người trẻ đó.
7) Bỏ Quy Tắc về Kỹ Nghệ Than: Chính quyền Trump còn đẩy lùi những quy tắc về khí hậu, bảo vệ môi trường do Obama đưa ra trong việc khai thác nhà máy điện bằng than. Cũng cần nhắc lại là việc khai thác các mỏ than đã đưa đến tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại các tiểu bang sống bằng mỏ than như VA, khiến cho độ acid trong nước tăng lên, đưa đến việc xói mòn những san hô ngòai biển khi nước mưa có nồng độ acid cao rơi xuống.
Cũng trong chiều hướng đó, TT Trump đã đình chỉ một chương trình nghiên cứu về rủi ro sức khỏe đối với những cư dân sống gần khu vực khai thác than trên đỉnh núi ở dãy núi Appalachia, tại Đại học West Virginia , nơi các khoa học gia đang tìm kiếm mối liên quan, và nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, ung thư và chết non của dân chúng với những chất thải ra từ hầm mỏ than.
8) Đốn cây Phá Rừng: Cây xanh hấp thụ CO2 , giúp giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu. Trump ban lệnh gia tăng việc đốn cây rừng để xây cất nhà cửa, khai thác rừng trên đất liên bang. Khi cây không còn, lượng cabon dioxide càng tăng, sức nóng trên bầu khí quyển càng nhiều, chưa kể đến việc cây bị đốn, đất cũng sẽ bị lở, đồi sụp, và hằng ngàn cầm thú mất nhà, bị tiêu diệt, môi trường bị tàn hại khủng khiếp. Cùng lúc, sự bệnh hoạn, nhiễm độc, chết vì bệnh của những nguời dân quanh chung quanh cũng ngày càng gia tăng .
Ngày 9 tháng 4 năm 2019, Trump đã ký hai sắc lệnh ngành hành pháp để cho các công ty xây cất đường ống dẫn dầu và khí đốt và hạn chế các biện pháp bảo vệ môi trường.
Lệnh đầu tiên bắt EPA duyệt lại một phần của Đạo luật nước sạch. Việc này khiến cho bất kỳ dự án khai thác dầu khí dễ dàng được chấp thuận, phê duyệt ở cấp tiểu bang, không cần phải chứng minh có cách để giữ sạch những nguồn nước chung quanh.
Lệnh thứ hai khẳng định rằng tổng thống có thẩm quyền ban hành, từ chối hoặc sửa đổi bất kỳ giấy phép nào cho các đường ống hoặc các dự án cơ sở hạ tầng khác đi qua biên giới quốc tế. Ví dụ như Keystone XL….
Sự dễ dãi để cho các CÔNG TY DẦU KHÍ tự do khai thác, không còn bị buộc phải chứng minh là các công ty này có làm hại môi trường hay không đã khiến cho nhiều chim muông, thú vật tại các vùng nước đầm dần dà bị hủy diệt vì những hậu quả tàn khốc về môi trường
Không những thế, Trump còn ký lệnh hành pháp cho phép các hãng dầu khí tha hồ khoan dầu ngoài khơi ở các khu vực thuộc Bắc Cực, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đối ngược lại những gì Obama đã cấm trước đây vì muốn bảo vệ môi trường
Dầu Hoả phủ đầy chim pelican sau vụ nổ dàn khoan dâu của hãng BP
Trump đã đẩy lùi một số biện pháp an toàn điều chỉnh các hoạt động khoan ngoài khơi. Xin nhắc lại là vào năm 2010, sau khi giếng dầu British Petroleum (BP) nổ, dầu đã chảy loang trên biển, và hủy hoại bờ biển gần đó và cả biển sâu. Obama đã xiết chặt biện pháp an toàn cho các hoạt động khoan dầu ngoài khơi như phải có các nhà điều tra độc lập kiểm soát việc nổ máy khoan . Trump đã hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp an toàn này, một sắc lệnh rất có lợi cho các công ty ngành dầu khí nhưng là đầu mối tai hoạ, nguy hiểm cho môi trường.
The northern spotted owl has been listed as threatened since 1990. Photograph: Rob Nagel Photography/Alamy
Không những vậy, Trump còn bỏ bớt đi những luật lệ bảo vệ các thú vật gần bị tuyệt chủng . Từ ngày Trump làm TT đến giờ mỗi năm, hàng ngàn nhà khoa học gia, các nhà nghiên cứu và giáo dục về môi trường đã đồng lòng lên tiếng, biểu tình về những sách lược hủy hoại môi trường toàn cầu của chính quyền Trump, một điều chưa bao giờ có trước đây.
Những câu hỏi tiếp theo:
Cá nhân người viết, một trong số rất nhiều người Việt tha hương còn nặng lòng với cố quốc, đã rùng mình lo sợ khi chứng kiến việc chính quyền Trump rút khỏi hiệp định Paris 2015, song song với những sắc luật huỷ hoại môi trường hết sức lạnh lùng, ích kỷ, tàn ác, mà hậu quả sẽ là bản án bức tử hằng triệu triệu người dân trên thế giới, trong đó có VN. Những câu hỏi theo đuổi tôi bao năm nay là:
1. Khi một phần ba nước VN nằm dưới lòng biển sâu vì sự tiếp tay, làm gia tăng tốc độ hâm nóng toàn cầu của Trump, người dân VN sẽ ra sao?”
2. Chưa kể đến mồ mả tổ tiên, di tích lịch sử sẽ “trôi sông, trôi biển”, trong tương lai sẽ có thêm bao người lâm vào cảnh lang thang tìm đất sống. Những kẻ có tiền, có chức sẽ cao bay xa chạy, nhưng những người nghèo khổ, ở miền biển, sẽ phải di cư đến đâu?
3. Và sẽ có ai chịu nhận họ vào trong thời buổi mà cả thế giới đều muốn bảo vệ dân họ, nước họ, khi mà (như cựu đô đốc hải quân Mỹ đã cảnh cáo) hẳng tỷ người sẽ phải tìm đất sống ở những nơi khác chưa bị ngập lụt. Lúc ấy tình người, lòng nhân có còn nữa hay không ?
Cầu mong là với chút lương tri còn sót, chút lòng nhân, những người đứng đầu các cường quốc, nhất là HK, sẽ ý thức được những tàn hại, nguy hiểm gây ra bao nhiêu điều tàn khốc, giết chết hằng triệu triệu sinh linh, sẽ cùng chung tay, hiệp lực trong công cuộc bảo vệ quả đất này. Hy vọng mong manh, nhưng vẫn còn lây lất là với tinh thần trách nhiệm của chính phủ, cùng những chính xách dựa theo khoa học, nhận định sáng suốt, các thế hệ mai sau tại các nước nghèo như VN không đến nỗi phải bỏ nước ra đi tha phương cầu thực, vì không còn đất sống.
Còn lại gì không giữa biển sâu?
Khi lòng tham ngập lút sông sầu
khi lòng nhân chết theo cơn dịch
khi biển dâng tràn giữa khổ đau…
Còn lại gì không? nước sạch chăng?
khi dòng sông cạn, đất khô cằn
khi bầu khí quyển thêm nung chảy
chất độc tràn theo những tảng băng…
Còn lại ai trong quả đất này
bên trời lưu lạc bước Đông, Tây
khi người mất đất, không nơi sống
khi nước “Trời” cho đã hoá mây….
Minh Phượng
Viết trong mùa Đại Dịch Covid-19
5 tháng 8, 2020
Hình ảnh và Tài liệu tham khảo thêm:
(2) Jay Lemery and Paul Auerbach (2017). Enviromedics https://www.enviromedics.org/#overview
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét