Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Chuyện Cũ Trường Xưa - Nguyễn Ngọc Duy Hân (Đặc San Lâm Viên)


"Thương cho roi cho vọt", câu nói này thời xưa đã được cho là "khuôn vàng thước ngọc", ý nói phải nghiêm khắc trong việc dạy dỗ trẻ em nên người, chiều chuộng "cho ngọt cho bùi" thì lại chính là làm hại trẻ. Thế nên giáo dục ngày ấy rất khác với bây giờ. Cha mẹ, thầy cô luôn muốn con cái, học trò phải chăm chỉ, như phải gò gẫm viết chữ thật đẹp, phải học thuộc lòng, phải thật là ngoan hiền hạnh kiểm tốt và vâng lời tuyệt đối. Những điều này cũng không sai nhưng nếu áp dụng một cách quá đáng thì lại trở thành đường lối giáo dục không hay. Nhiều đứa con, học sinh bị đòn, bị phạt quá nhiều đâm ra lì lợm, trở nên du côn hoặc hoặc sau này trở nên người tự ti, nhút nhát.
<!>
Có một câu chuyện nho nhỏ thời ấu thơ mà tôi vẫn nhớ, đó là lúc học Tiểu học ở trường làng. Hồi đó cô giáo dạy lớp tôi là một Ma-sơ, mà chúng tôi gọi là Dì, dì là dì phước, và gọi các dì theo thứ tự trong gia đình như Dì Tư, Dì Năm, Dì Út.... Dì Năm rất tốt, tận tâm dạy học nhưng tiếc thay lại có một kỷ niệm không đẹp với gia đình tôi. 
Số là lúc đó tôi đang học lớp ba, lớp hai gì đó. Khi thực hành làm toán cộng, tôi đã vô ý chép sai tựa đề từ trên bảng xuống tập vở, nhưng khi làm phép cộng thì đúng. Thí dụ 4 + 5 = 9, nhưng tôi ghi lộn vào tập vở là 4 + 6 nên kết quả là 10. Dì Năm đâu có giờ xem kỹ vì quá nhiều học trò, nên khi chấm điểm đã gạch đỏ cho tôi điểm zero, vì dì chỉ dựa trên con số kết quả cuối cùng để chấm điểm. Sau này chúng tôi mới nghiệm ra điều này, nhưng lúc đó đã không hiểu nên khi chị của tôi xem bài, chị ngạc nhiên bắt tôi phải lên gặp Dì để xin sửa điểm lại. Tôi không nhớ mình đã vụng về ăn nói như thế nào, mà Dì bảo là tôi còn bé mà dám sửa lưng rồi tát tôi một bạt tai. Dì tát mạnh lắm, tôi đang đứng trong lớp mà văng ra tới ngoài cửa. Đau quá tôi khóc thét đem khuôn mặt có in 5 dấu ngón tay trên má chạy về méc mẹ. Mẹ tôi thường thì rất hiền và hay nhẫn nhịn, nhưng không hiểu sao hôm đó lại nóng ruột, dắt tôi chạy ngay lên nhà xứ để mách với cha sở - Cha được coi như là Hiệu Trưởng của trường. Sau đó chắc là cha có gọi Sơ lên để khuyên bảo dặn dò gì đó, nên ngày hôm sau khi đi tới lớp, Sơ cầm cây roi mây dài trên đầu có một cục tròn to, khỏ vào đầu tôi cái cốp và nhiếc: "Còn dám đi méc cha Sở hả!??" Tôi đau và sợ quá nên im thin thít, không dám hó hé gì, cũng không dám kể tiếp cho ba má và các chị nghe "Tập 2" của câu chuyện.
Hồi ấy cách dạy dỗ thật cổ xưa. Tôi cũng nhớ các bạn con trai cùng lớp thường lười biếng ham chơi không thuộc bài, các cô giáo bắt đám con trai nằm xuống cho mấy đứa con gái cầm roi đánh. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt của một người bạn tên là Lương, nó hiền lắm nghe lời nằm xuống. Tôi do dự không dám đánh thì cô giáo bảo nếu không đánh thì chính tôi sẽ bị đòn, vì thế tôi phải ra tay. Cũng có lần nhóm con trai không chịu học bài, cô giáo bắt đứng giữa lớp để la rầy, cô bảo không học bài thì không có chữ trong bụng, sau này làm sao có nghề nghiệp tốt để sống. Cô nói lẫy, nếu có giỏi thì ăn tờ giấy có chép bài vào bụng để trong bụng có chữ, thì cô sẽ tha cho đi xuống. Ba bốn đứa kia đứng cúi mặt chịu trận trước lớp không nói gì. Chỉ có một anh chàng chắc sợ phải đứng trước lớp lâu, nên xé tờ giấy chép bài ra từng mảnh nhỏ, ráng nuốt vào bụng để được tha đi xuống.
Cũng may những thể hiện về việc dạy học như thế đã chấm dứt từ lâu. Những người bạn này bây giờ chắc cũng đã tuổi 60, không biết có còn nhớ chuyện xưa? Cũng thật mừng vì ngày nay cuộc sống đã văn minh hơn, các trẻ em đi học bây giờ sung sướng hơn nhiều, nhất là ở Âu Mỹ được cưng chiều, được tự do phát biểu ý kiến, được những môi trường thật tốt đẹp để phát triển khả năng, lòng tự trọng và sự tự tin.
Điều khá ngạc nhiên là cách đây hơn một tuần, khi hay tin chị ruột của một người bạn làm Ma-Sơ vừa mới qua đời ở Việt Nam, tôi gởi email chia buồn và được chị bạn cho biết Ma-Sơ chính là Dì Năm đã tát tai tôi ngày xưa. Người bạn biết chuyện đã lâu nhưng không dám nói, sợ tôi buồn. Đến bây giờ Ma-Sơ đã qua đời nên chị thay mặt Ma-Sơ xin lỗi tôi. Quả là cảm động, không ngờ trái đất tròn và nhỏ bé như thế. Các kỷ niệm xưa bỗng trở về thật rõ, thật tràn trề. Thật lòng mà nói, từ đó cho tới bây giờ tôi không hề giận Sơ mà rất thông cảm với hành xử của Sơ lúc đó. Tôi chỉ mong muốn sao cho các cha mẹ, thầy cô ở Việt Nam quan tâm để ý hơn và dạy dỗ có chương trình, có phương pháp tốt đẹp hơn. Bậc cha mẹ cũng không nên đánh con quá mạnh tay, dùng vũ lực với con. Cũng cần mở ngoặc là hồi hai con trai tôi còn bé, chúng tôi cũng có dùng roi để dọa chúng, có khi cũng đét vào mông chúng dù không mạnh lắm, bây giờ nghĩ lại cũng hối hận.
Ngược lại ngày nay ở Tây Phương cũng có một số học sinh lợi dụng sự tự do để quậy phá, cuộc sống quá đầy đủ sung sướng nhưng lại không biết chăm lo học hành, đòi hỏi những quyền lợi quá đáng. Cũng có không ít học sinh hỗn láo du côn với thầy cô. Cái gì quá đáng ở hai thái cực của vấn đề cũng đều không tốt. Bản thân tôi cũng thấy Đông Tây, Xưa Nay có rất nhiều khác biệt, mình nên biết gạn lọc cái gì tốt thì giữ, cái gì xấu thì thay đổi cho tốt đẹp hơn. 
Bây giờ còn đang mùa dịch bệnh Covid-19 hoành hành, đeo khẩu trang là cách để ngừa bệnh cho chính mình và người chung quanh, nhưng một số người lại biểu tình chống đối, cho rằng bắt đeo khẩu trang là vi phạm đến quyền tự do cá nhân của họ. Họ rêu rao là bắt che mặt cũng giống như ép buộc và khám xét xem họ có mặc quần lót trong người hay không!
Nghiệm lại chuyện cái tát tai hồi bé tôi cũng thấy rất là ngộ nghĩnh. Việc xảy ra xưa ở trường làng tưởng chừng không ai biết và đã vào quên lãng, thế mà trái đất vẫn tròn. Tôi rời quê hương đã 40 năm rồi, vị Ma-sơ ngày xưa lại chính là chị của bạn tôi tại Canada. Tôi liền gọi về Việt Nam kể cho chị tôi nghe, chị nhớ chuyện xưa còn kỹ hơn tôi, chị cho biết thêm một chi tiết là ngay sau khi tôi bị tát tai, có người hàng xóm đã thấy và "báo cáo" cho ba má tôi nghe là tôi đã "bay" từ lớp học văng ra tới cột cờ. Thế mới biết chuyện gì nếu đã xảy ra thì cũng đều có người biết, không thể dấu diếm che đậy, rất hiếm khi có bí mật nào mà không bị phơi bày. Vì thế tôi nhủ lòng phải cố gắng sống tốt, hành xử chân thật và bớt nóng nảy trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi thiếu bình tĩnh phản ứng mau quá cũng không nên. 
Được biết Dì Năm rất có tài, vừa đàn hay hát giỏi, vừa thông minh đóng góp rất nhiều cho giáo xứ và việc dạy học. Sơ chỉ hơi nóng và khó tính một chút thôi. Chị bạn tôi kể trong gia đình Dì Năm cũng rất nghiêm khắc với các em và các cháu. Tôi cũng mong Dì Năm nay đã về với Chúa sẽ cầu nguyện cho tôi - Con bé học trò ngu khờ dại dột ngày xưa - Mà bây giờ dù tuổi đã 60 nhưng cũng vẫn còn nhiều ngu khờ dại dột. Tôi cũng cầu nguyện thêm, mong cho giới trẻ và người già được thông cảm hiểu nhau hơn, mong giáo dục Đông Tây được phát triển tốt đẹp, hòa hợp để thế giới được luôn phát triển tốt đẹp đầy tràn yêu thương.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Không có nhận xét nào: