Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Vũ Khí Mới của Nguyễn Phú Trong - Quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao

Hình ảnh Bộ Chính trị Việt Nam khóa 12. Chỉ cần Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương tham mưu cho Tổng bí thư Trọng về quan chức A hoặc B nào đó “không đủ sức khỏe” thì số phận chính trị của những quan chức đó coi như là “xong”.
Ảnh: Dân Sinh
Vietnam – Cali Today news – Nhân vật được một số văn nhân cận thần xưng tụng là “Minh quân” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – lại vừa có thêm một “tác phẩm” mới: Quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
<!>Bản quy định trên được Ban Bí thư – cơ quan của “thành viên thường trực Ban bí thư” Trần Quốc Vượng – vừa ban hành vào cuối tháng Hai năm 2018.
Theo đó, các cán bộ cấp cao được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ (bao gồm các đồng chí đương chức và nguyên chức): Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng. Các ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đại tướng lực lượng vũ trang; ủy viên T.Ư Đảng, trưởng các ban đảng, trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội, bộ trưởng, bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương; thượng tướng lực lượng vũ trang; phó trưởng ban đảng, đoàn thể chính trị – xã hội, thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương.
Theo quy định của Ban Bí thư, thời gian khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện định kỳ 6 tháng/lần.
Quy định cũng nêu rõ việc thực hiện chế độ khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện và kết luận phân loại sức khoẻ trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Có thể xem quy định trên là đảng văn cụ thể hóa Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ban hành vào tháng Tám năm 2017.
Cũng có thể cho rằng lần đầu tiên, nhiệm vụ “kiểm tra sức khỏe” trở nên quan yếu và “sống mái” đến thế khi đây là điều kiện bắt buộc để xét tương lai “bổ nhiệm” và “bổ nhiệm lại”.
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương – một ban đảng vốn có vai trò khá mờ nhạt, nay bất thần nổi lên vị trí cực kỳ xung yếu, thậm chí còn có vai trò “sống còn” đối với việc xem xét quan chức nào có đủ sức khỏe để tiếp tục “cống hiến cho đảng và dân tộc”, còn quan chức nào không đủ sức khỏe thì sẽ bị cho về nhà làm việc khác, chẳng hạn như “người tử tế”.
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đã chớm được người ta nhớ đến sự tồn tại của cơ quan này thông qua vụ Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Tuy nhiên sau cái chết của ông Thanh, ban này cũng im bặt phát ngôn, dù trước đó vẫn ra sức trấn an dư luận theo cách “tau khỏe mà, có chi mô”.
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương cũng có một chút tiếng tăm trong vụ “tướng chữa bệnh “ Phùng Quang Thanh vào giữa năm 2015. Tuy nhiên tương tự vụ Nguyễn Bá Thanh, sau khi ông Phùng Quang Thanh đột ngột lui vào hậu trường, ban này cũng im bặt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng lại nổi lên như “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”. Sau đại hội 12 của đảng cầm quyền và từ năm 2016 đến nay, ông Trọng đã chỉ đạo ban hành khá nhiều quy định của đảng, mang tính “đặc thù” và khá nhiều trong đó gây dư luận ồn ào và trái chiều, chẳng hạn quy định “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, quy định về xét tuổi đảng viên”, quy định tiêu chuẩn cán bộ cao cấp, quy định về đảng viên không được nói về đa nguyên hay tam quyền phân lập…
Cùng với hai chiến thuật tổ chức nhân sự đã tung ra là “nhất thể hóa” và “luân chuển cán bộ”, có vẻ ông Trọng đang đặc biệt chú ý đến một ‘vũ khí” mới là “kiểm tra sức khỏe”. Với mối quan tâm mới mẻ và đặc biệt này, vai trò của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương chỉ qua một bản quy định đã có thể được nâng lên ngang tầm với những cơ quan “đinh” như Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Tổ chức trung ương, Ban Nội chính trung ương.
Có thể hình dung trong tương lai không xa, các ủy viên bộ chính trị, ủy viên trung ương lẫn thường vụ tỉnh/thành ủy sẽ phải nối đuôi nhau “kiểm tra sức khỏe định kỳ” hoặc đột xuất, dù họ có muốn hay là không.
Bởi chỉ cần bị ông Trọng điểm danh “đồng chí đã kiểm tra sức khỏe định kỳ chưa?” hoặc bị Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương tham mưu cho Tổng bí thư Trọng về quan chức A hoặc B nào đó “không đủ sức khỏe” thì số phận chính trị của những quan chức đó coi như là “xong”.
Cho tới nay, đương kim thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh vẫn chưa chịu xuất hiện trên chính trường sau một thời gian dài bị bệnh. Có lẽ ông Huynh chưa nhận được giấy chứng nhận lành bệnh của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Tuy vậy, bản Quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao lại có thể phát sinh một tác dụng phụ: khi chỉ đạo ban hành quy định này, Tổng bí thư Trọng đã quá tự tin, tự tin đến mức ông có thể không mấy quan tâm đến những phản ứng có thể phát sinh hoặc nổ ra trước những quy định mang dấu ấn đặc thù của ông Trọng và chỉ được làm bởi một nhóm nhỏ quan chức.

Không thể lường trước được là tác dụng phụ trên có thể diễn biến thế nào, hay mức độ nguy hiểm của nó ra sao…

Không có nhận xét nào: