Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

KHOE CHỮ - Bút ký Ý Nga

Em học-trò-hay-hỏi lâu ngày không gặp bây giờ cao nhiều, tôi nhìn không ra. Vừa bước vào cửa em đã khoe:
-Mắt của ông Nội em hổng thấy đường nữa nên… ở nhà em đọc báo cho ông nghe mỗi ngày, bây giờ em có thể đọc được tất cả các chữ trên báo Việt Nam rồi đó cô!
-Giỏi vậy sao? Mai mốt em sẽ hiểu được nghĩa nữa thì tốt lắm.
Cậu bé cười toe hớn hở, cầm trang bút ký chiến trường tôi đang đọc dở dang lên và đọc chầm chậm đoạn đã làm dấu bằng một gạch ngang ngoài lề. Em đọc thật vất vả khó khăn với thứ ngôn ngữ lạ hoắc:
<!>-“Công Tác Quần Đảo Trường Sa: lúc 9 giờ 30 tối ngày 21, HQ 14 khởi hành đi Trường Sa theo chỉ thị của BTL/HQ, thừa lệnh Bộ Tổng Tham Mưu. Cùng đi, có HQ 17 làm OTC. Vì HQ 17 khởi hành trước và chạy nhanh hơn nên sẽ đến Trường Sa trước. Chúng tôi được tiêu tùng lệnh từ Bộ TTM…”
Không thể tin được vào âm thanh em vừa phát ra, tôi giật mình cầm trang giấy dò lại, nhưng không thấy chữ TÙNG ở đâu ra mà bộ Tổng Tham Mưu lại ban… “Tiêu Tùng Lệnh” sớm vậy, nhưng ngại em cụt hứng khoe công học hành chăm chỉ nên tôi chỉ khoanh tròn chữ “tiêu lệnh”, rồi mỉm cười chỉ vào một đoạn khác, bảo:
-Em đọc thử đoạn này đi nè!
-Dạ!
“Cần nhất là máy định vị trí LORAN, nhưng máy này đặt trên HQ 14 đã hư từ lâu, không đươc sửa chữa.
HQ 17 và HQ 14 chia nhau đi tiểu trên quần đảo này.”
Lần này thì tôi chịu thua, không thể nín cười được nên ra dấu cho em ngưng đọc và đùa:
-Em hiểu “đi tiểu” là gì không nè?
Em ra vẽ thành thạo một cây:
-Dạ hiểu chứ cô!
-Hiểu ư? Em nghĩ xem lính tráng gì mà nhận “tiêu tùng lệnh” của Bộ Tổng Tham Mưu, ra quần đảo chỉ để chia nhau … đi vệ sinh thế kia thì làm sao mà đánh Việt Cộng được?
-Rủi họ… mắc… quá rồi sao chịu cho nỗi cô?
Buổi chiều vui rồi nha! Tôi cười nóng cả hai gò má:
-Nhưng không thể nào như… thế trong đoạn văn này. Không cần dò lại, cô cũng biết em đã đọc thiếu một chữ rồi, không tin em đọc lại từ từ đi!
Cậu bé ấm ức đọc lại thật to:
-“Chia nhau đi… tuần tiễu
Rồi cậu “A!” lên:
-Sao hồi nãy em hổng thấy chữ TUẦN kỳ dzậy ta? Mà sao lại “đi tiểu” cả “tuần” lận há?
-Ừ! Em đã thiếu một chữ rất quan trọng trong câu đó! Đây là một chữ khó. TIỄU trong TUẦN TIỄU này dấu ngã có nghĩa là dẹp, trừ, (chứ không phải TIỂU dấu hỏi, như nghĩa… đi vệ sinh). TUẦN là canh phòng, canh giữ và trong câu này mang nghĩa: lính chia nhau đi canh phòng chung quanh đảo, coi chừng giặc lén vào. Tại em đọc lướt qua hơi nhanh nên cứ đoán theo nghĩa em hiểu mà đọc. Bây giờ em đọc tiếp thêm 2 đoạn nữa rồi cô dắt đi chơi để thưởng em đọc báo cho ông và đọc tiếng Việt giỏi. Chịu không? Nhưng đừng thêm chữ vào câu của người ta nữa nghe J
-Cám ơn cô. Mà em đâu có thêm. Đọc thôi mà em muốn… quẹo lưỡi luôn rồi, em hổng thêm nữa đâu.
-Chứ ai vừa đọc dư chữ TÙNG vậy há?
-Hì hì! TUẦN! Tuần là week, hổng phải TÙNG đâu cô.
À mà hồi nãy cô nói em đọc… thiếu, sao bây giờ cô nói lộn thành… dư?
-Tuần Tiễu em bỏ mất chữ “tuần” là thiếu 1 chữ. Còn “Tiêu Lệnh” em đọc thành “Tiêu Tùng Lệnh” là dư 1 chữ.
-Vậy “Tiêu Lệnh” là lệnh gì vậy, thưa cô?
-Đây cũng là một chữ quá khó đối với các em. Theo cô, đó là lệnh quan trọng nhất cấp trên nêu ra rõ ràng trong quân đội mà cấp dưới phải thi hành. Có thể là một từ chuyên môn trong quân đội hay bên binh chủng Hải Quân? Cô sẽ tìm học thêm rồi cho em biết sau.
-Cô mà cũng phải… học sao?
-Dĩ nhiên rồi! Ai cũng phải học hoài mới giỏi chứ
-Cô giỏi rồi mờ!
Hèn chi ở nhà em đọc báo, thấy ông Nội cứ cười hoài mà đâu có biết em quê một cục dzậy đâu nè. Mà Má em hay nói “tiêu tán đường”, Vậy có phải là “tiêu tùng” không cô?
-“Tiêu tan, tiêu tán, tiêu tùng” nói một cách dễ hiểu là mất hết. “Tiêu tán đường” có lẽ là cách nói hài hước cho vui. Đúng nghĩa của tiêu tán đường là một miếng đường thẻ bị chảy ra thành nước đường, nếu có gì đựng thì có thể nấu chè hay làm nước màu kho cá được, chứ “tiêu tùng” thì có nghĩa là mất hết, hư hỏng.v.v…
-Chèn ơi! Quan “chọng” quá hén. Dzậy mà em dám đọc thành “lệnh tiêu tán đường” luôn.
Tôi chọc quê:
-Ừ! Nếu em kể chuyện này cho ông nội nghe, ông sẽ… cười cả ngày đó.
Cậu nhỏ vung vung hai cánh tay đong đưa, bẽn lẽn một chút, rồi chợt thấm ý gì mà cậu bật cười ngặt nghẽo.
Tôi pha trò:
-Quân sĩ đâu! Đây là… tiêu tùng lệnh của Đại Tướng Lớp Việt Ngữ: tất cả hãy … đi vệ sinh và về nhà mà ăn trứng gà!
Thằng bé ôm bụng cười bò lăn ra đất một hồi rồi lại hỏi tiếp:
-Ủa! Em đâu có đọc “ăn trứng gà” đâu nà.
-Ở VN đi học mà bị điểm hai con zero thì bạn bè trêu là bị ăn hai cái trứng vịt (thời ấy trứng vịt rẻ hơn trứng gà, còn bên này thì ngược lại, trứng vịt khó tìm, nên cô cho… trứng gà)
-Dzậy là hôm nay em cũng bị hai cái trứng gà phải hông cô?
-Không đâu! Em đã chọn một trang báo khó mà chính cô còn phải vừa đọc vừa học mới hiểu hết những điều đau buồn của lịch sử.
Cậu học trò lại hỏi nữa:
-Đau buồn sao cô đọc làm chi? Ông Nội của em ngày nào cũng biểu em đọc báo cho… vui, nhưng nghe xong tin tức ở VN là Ông lại giận và… buồn bực cả ngày luôn.
-Ông và cô đều phải đọc để hiểu tại sao cả nước mình sau năm 1975 đều bị một bọn ngợm không học hành gì cả cai trị, để đến nỗi dân mình phải khốn khổ như hiện tại.
Học trò lại hỏi:
-“Ngợm” là gì? Mà “cai trị” là làm cái chi vậy cô? Bộ Tổng Tham Mưu có phải là lính.v.v…?
Tôi lại phải giải thích cho cậu bé. Càng nói thì em càng hỏi thêm ra những chữ lạ với em. Có lẽ nhờ tính hay thắc mắc này mà em giỏi nhất đội, biết rất nhiều và chững chạc hơn, so với tuổi của em.
*
Tưởng vui cùng em thiếu sinh ngây thơ tuổi đời nhưng lại hóa ra buồn não ruột khi nghĩ đến một cuộc chiến bất cân xứng giữa những người Lính Quốc Gia hào hùng yêu nước đã phải chiến đấu với cả khối cộng sản trên thế giới, trong đó có ông nội của em: từ khi qua định cư bên này, ông tránh không ra chỗ đông người, dù đã đóng góp rất nhiều công sức với anh em nhà binh, trong việc ghi chép lại những trang hùng sử của QL VNCH hầu lưu lại hậu thế.
Học trò khoe giỏi mà cô giáo chẳng có chi để khoe, nên buổi chiều chỉ biết đưa em đi rong chơi lòng vòng, mua cho em những cuốn sách mà em cần rồi tôi về bó gối ngồi suy tư.

Ý Nga, 13.5.2017 
(nhuận sắc 27.3.2018)

Không có nhận xét nào: