Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP TRUYỆN “RỚT XUỐNG TUỔI THƠ, TÔI” CỦA NHÀ VĂN TRẦN YÊN HÒA - Đoàn Thị Phú Yên

blank
di my
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản












Nhận từ anh ba tập truyện gửi về “Rớt xuống tuổi thơ, tôi”, “ Đi Mỹ” và “ Mẫu hệ”, tôi ngay lập tức chọn cho mình thưởng thức tập truyện “Rớt xuống tuổi thơ, tôi” của anh trước hai tập kia, bởi lẽ đây là một tập truyện viết nhiều về những kỷ niệm thời thơ ấu, trong đó có vui, có buồn, có những “hoang rắn”mà ai sinh ra lớn lên dù bất cứ ở nơi đâu cũng có những hoàn cảnh, những sự việc tượng tự. Tôi tin chắc một điều là tôi sẽ bắt gặp được tôi ở đó.<!>     
Và tôi chọn đi cùng những trang viết của anh từ tuổi ấu thơ.     
Truyện dài trên 300 trang gồm 25 mục và phần phụ lục là những bài viết, phỏng vấn tác giả của các văn thi hữu về công trình sáng tác của Trần Yên Hòa.       
25 mục trong truyện là 25 nhân vật trong tuổi thơ của anh. Vô cùng ấn tượng, vô cùng hấp dẫn.
      
Nói như Nguyên Huy- Báo Người Việt, khi nhận xét về tập truyện:
“Mỗi người chúng ta đều có một tuổi thơ. Người ta nhắc đến, tưng tiu nó với những tình tiết ngây thơ, trong trắng qua những con diều thả trên con đê đầu làng, dưới những rặng tre bao bọc thôn xóm, với những cánh đồng mướt lúa thơm hương...Ít có ai dám động đến hương sắc đàn bà mà chắc chắn tuổi thơ nào cũng có không nhiều thì ít”. 
    Quả thật vậy!
Mở đầu cho tập truyện, anh viết:

Nhớ Cái Thuở

Nhớ cái thuở để chổm chạy rong chơi 
Suốt ấu th
ơ trong khu vườn nắng cháy 
Chân lấm đất như người cày mỏi mệt 
Chiều cho bò về chuồng cất tiếng gọi bò ơi. 

Nhớ cái thuở mười lăm để tiếng cười rơi 
Trên dòng tóc em trong khu vườn tuổi nhỏ 
Em con chim khuyên tha từng cọng cỏ 
Ngọc của trời về đậu ở môi em...
 
Tuổi thơ ta một thuở quá êm đềm
Mà ta cất vó đi tìm trời cao đất rộng
Mưa thì mưa tuôn ngày đông gió lạnh 
Đất miền trung tha thiết gọi anh về
Anh rưng sầu nghe gió giật lê thê
 
Tuổi mười lăm ta đâu biết mô tê
Chỉ thấy lòng mình râm ran niềm thương nhớ
Như môi em hồng có nụ cười rạng rỡ
Vỡ quả tim non nhỏ bé của anh rồi
 
Nhớ cái thuở mười lăm còn mãi rong chơi
Thành phố ấy có bầy sáo rừng về đậu
Buổi chiều xưa trong cơn mơ đồng nội
Nát nhàu đi kỷ niệm một phương trời
 
Anh đôi lần đi qua cổng trường vôi
Thấy nhập nhòa bóng hình em lay động
Tuổi mười lăm đi qua sao thật chậm
Đến bây giờ chân bước thấp bước cao
 
Để bây giờ em ở nơi nao
Năm mươi năm qua tuyệt tích phương nào… 
 
Nhớ cái thuở mười lăm mưa bay cuối phố
Chiều Tam Kỳ gió giật phải không em?
      
Kỉ niệm nào có nát nhàu. Nó vẫn y nguyên trong ngăn kéo cuộc đời đấy chứ. Bạn hãy lật ra xem. Này là cha, là mẹ, là anh, là chị Hai, là thằng cu em, là chợ Quán Rường, trường tiểu học Kỳ Mỹ, bờ giếng, lẫm lúa, đường ray tàu lửa chạy qua, là thứ tiếng nói xứ Quảng nghe nằng nặng mà cũng thú vị lạ lùng…
Cha để lại cho con một “gia tài văn học” là quyển sổ học trò chép tay với khoảng trên 100 bài thơ Đường luật với đủ mọi đề tài.
Mẹ với tất bật quần áo, xập xệ, lèng xèng. Mẹ lúc nào  cũng bò, cũng heo, cũng ruộng vườn và con cái cơm nước … nhưng trong bụng mẹ lại là một “bụng thơ”. Những đêm trăng sáng, cả nhà trải chiếu ra sân gạch ngắm trăng là nghe mẹ đọc những bài ca dao thơm lừng mùi lúa, mùi đất, mùi rơm rạ. Ôi cái thứ mùi ấy (tôi gọi là mùi mẹ) đã gắn bó khắng khít  máu thịt với tuổi thơ lắm, chẳng dễ gì mất được, chẳng thể nát nhàu trong mỗi đứa con cho dẫu tất cả đã là kí ức xa xăm.

Chị Hai với  bao nhiêu mối tình dễ thương “oan trái”.  Chiến thuật “ngăn cản từ xa” cộng với chiếc chổi chà mà mẹ ngồi phục ở cầu gò Ông Đốc đã “chia quyên rẽ thúy” chị Hai. Thảm thương quá, chao lòng quá. Thương cho chị Hai, cho bao người con gái đất quê quá đỗi”:
Những câu chuyện tình của những người con gái trên quê hương Trần Yên Hòa là những truyện có thật không phải là hư cấu vì nó đã in hằn trong tuổi thơ của Trần Yên Hòa và cũng của bạn bè cùng lứa tuổi cùng quê với Trần Yên Hòa. Chuyện tình nào cũng đầy buồn vui long lanh ngấn lệ thương xót. Truyện “chị Hai“ được gả chồng khi mới 16 tuổi. Mới làm vợ được ít ngày thì anh chồng tên Mậu là một học sinh theo “kháng chiến” được chọn tập kết ra Bắc. Thế là chị Hai thành hóa đá vọng phu khi mới 16 tuổi. 


“Em tôi đã phụ tôi rồi
Chao ôi biết khóc hay cười từ đây
Khóc cho duyên kiếp đọa đày
Cười cho năm tháng đổi thay lòng người”
Anh Tư - thằng cu anh cùng thằng “cu em” hai chọi một với thằng Đồng sau giờ tan học đến u đầu mẻ trán. Nhà có hai anh em, tất nhiên, có nạnh hẹ, so bì, hơn thua. Tôi không khỏi bật cười thích thú khi đọc đoạn tác giả tả mái tóc, hàm răng và con mắt anh Tư đẹp hơn mình. Cu anh lại ủi áo quần thường xuyên, đẹp trai hơn hẳn cu em, học bài từ tốn. Có một sự ganh tị không hề nhẹ nơi thằng cu em để rồi ông Trời “bù lỗ” cho cu em bằng cái nết khác: cu anh cằn nhằn, rằng rực “lằng nhằng như ông tư Trí” “Răng tui khổ quá thế này nề trời. Trời ơi là trời!”, “nước tới chân mới nhảy” còn cu em thì“mau mắn, nhậm lẹ” hơn hẳn, nụ cười có lúm đồng tiền vớt vát, học bài cũng rất dễ thương “rống lên cả xóm ai cũng nghe”.
Những bạn nhỏ: thằng Tộ, thằng Lõa, thằng Nho, thằng Thị, thằng Nam, thằng Thanh, con Châu, con Cam, con Nhự…với tiếng xưng hô “tau-mi” nghe sao tình thân quá. Đứa nào cũng có những “hoang rắn” của tuổi nhỏ khó ai tránh khỏi: mới 12 tuổi, đều ngẩn ngơ với “nước da trắng ngần,” với “gò ngực qua dáng đi nhún nhảy khiến đôi vú chị nhảy cà tưng, cà tưng”, với những hương tóc, những mùi thơm nồng của thịt da khi được ngủ chung với chị Linh, vợ của anh y tá ở thuê nhà… Cả bọn rủ con gái người ta chơi u để dùng cánh tay bạch tuột của mình rị áo người ta xuống. Rồi sau đó lại “đổi chiêu”, chơi trốn tìm, mò mẫm tỉnh bơ con Minh Thu trong lẫm lúa đến tan nát tơi bời bằng những thích thú háo hức đầu đời rồi mới hô to “Bắt được rồi, con Bích hay con Thu đây?”. Ai đời con nít cũng có “tình rờ” nhỉ? Và quên sao được thứ tình không có lấy một lời yêu thương gì ấy cho đành.
Rồi  những “má môi hồng”, những “suối tóc”, “ tiên dong” với tràn trề những kỉ niệm tuổi thơ, với những mơ mộng hão huyền của thời trai mới lớn cũng lần lượt hiện về trên trang viết.

Rất tiếc, chiến tranh cũng có mặt. Chị Hai hóa đá vọng phu khi mới 16 tuổi, chú Ba Tình, chú Tư Nhỏ dắt vợ con “nhảy núi” để rồi trúng bom chết một cách lãng xẹt, chú sáu Quắn hiền từ, làm ruộng mà phải lãnh một viên đạn M16 và phải chết hai lần tan xác, thịt da rơi lả tả…Một nỗi buồn phảng phất khó quên của tuổi thơ dẫu đi qua từ lâu lắm. Lòng sao thảnh thơi, kí ức ấy sao ta lại được phép quên, đành đoạn…
Đọc “Rớt xuống tuổi thơ, tôi” , bỗng nhớ mấy câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên;

“Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống 
Giải oan cho cuộc biển dâu này”

Tập truyện “Rớt xuống tuổi thơ, tôi” của Trần Yên Hòa là một tập truyện với những câu chuyện ngắn nhưng dài. Nó trải rộng suốt tuổi thơ anh và tuổi thơ của nhưng ai biết nâng niu, gìn giữ, trân trọng nó.

Cảm ơn nhà văn Trần Yên Hòa! 

Cho dẫu cuộc đời lắm biển dâu, ta vẫn cứ về với tuổi thơ như lá rơi về cội. Nơi ấy ấm áp như bếp lửa mẹ ấm đỏ mỗi chiều lên. Nơi ấy chất chứa biết bao yêu thương  ngọt ngào.
Để rồi chúng ta “cùng rớt xuống quá khứ, rớt về quá khứ, như anh với tôi, chị với tôi, em với tôi, ngồi  đối diện nhau, nhìn lại một thời…”                                                     
phú yên

Đoàn Thị Phú Yên

Không có nhận xét nào: