Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Tấm Gương Trung Liệt - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Đầu năm 1973, cư xá Sĩ quan Chí Hòa được đổi tên thành cư xá Bắc Hải.  Cư xá có khoảng 40 dãy nhà riêng rẽ và cách xa nhau, mỗi dãy gồm 12 căn nhà hai tầng sát vách với nhau.  Nhà bác Luận ở gần nhà tôi, là căn đầu dãy, và được xây lấn ra khoảnh đất trống bên cạnh thành một biệt thự lớn có tường rào vây quanh. 
<!> 
 
Hai em Bình và Định không có bạn trong cư xá nên thích làm bạn với hai cô con gái út của bác.  Hàng tuần bác đãi khách và viết thiệp mời tôi sang dự; nhờ đó tôi được gặp những vị trưởng thượng và nghe kể chuyện hậu trường chính trị mà chỉ có kẻ trong cuộc mới biết, chưa kể được thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn do bác gái tự tay chăm lo.
Sau bữa tiệc, hai bác Luận đi nghỉ sớm, để tôi tự do nói chuyện với Thanh Hiền ở ngoài vườn.  Thanh Hiền kém tôi một tuổi, tuổi Sửu giống như mẹ.  Nhan sắc đẹp đẽ và ngôn từ chững chạc, Thanh Hiền là mẫu người nội trợ lý tưởng giỏi may vá, thêu thùa, và nấu nướng.  Nàng từng là ý trung nhân của thằng Sơn học công chánh và học cùng với tôi năm đệ nhất niên, cuối năm hai thằng về thăm nhà ở Tuy Hòa và đi chơi với nhau cả mùa hè, và nó say sưa kể cho tôi các lời nói, cử chỉ, và sở thích của nàng.  Mấy năm sau, nó đi du học và ở lại bên Pháp.  Chắc hẳn đã đến lúc nàng muốn quên hình bóng người xưa; nụ cười của nàng thật khả ái,
            “Anh làm giáo sư đại học nên nghiêm nghị quá chừng, Hiền ít khi thấy anh cười.”
            “Đời chẳng có gì vui, thoát sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì,” tôi đùa.
            “Anh mà cũng biết buồn?  Hiền nghĩ anh công thành danh toại, gia đình bề thế, và anh em thương yêu nhau thì phải nhìn đời bằng đôi mắt màu hồng chứ.”
Thanh Hiền không biết tôi vụng về trong việc giao tiếp, cố giữ thái độ xa cách khi dạy học vì hầu hết học trò xuýt xoát tuổi tôi, và vì vậy bị bạn bè cười nhạo, “Cái bản mặt mày lúc nào cũng khó đăm đăm và đánh bảy búa không ra được tiếng cười.” Nàng cười duyên dáng,
            “Hiền nghe nói tuần tới bãi trường, anh sẽ đưa Bình và Định về Nha Trang nghỉ hè phải không?”
            “Ông già anh không còn giữ chức vụ hành chánh ở ngoài Tuy Hòa và đã về phục vụ ở Nha Trang, gia đình dọn về đó cuối năm ngoái.  Nhưng anh chỉ ở Nha Trang vài ngày rồi bay lên Đà Lạt.”
            “Cô ấy đẹp lắm hở anh?”
Ngày đó thằng Sơn nói lối hỏi chận đầu (bắt nọn) của nàng dễ thương và thông tuệ, nay tôi cũng thấy hay hay và sẵn trớn nói đùa.
            “Đúng vậy, cô ấy da trắng môi hồng hơn các thiếu nữ Đà Lạt khác và nói tiếng Tây như gió.  Anh đã hứa ghé Đà lạt mừng sinh nhật của nàng.”
            “Anh đã chọn quà sinh nhật chưa?  Có cần Hiền giúp không?  Hiền chọn quà giỏi lắm đó,” Thanh Hiền khéo léo cứu vãn tình thế và không để lộ sự thất vọng ra ngoài mặt.
            “Không cần đâu, cô chị kết nghĩa với anh không được phép giữ của riêng –  Christine người Pháp thuộc dòng nữ tu Truyền giáo Vô nhiễm,” tôi bật cười.
            “Vậy là anh đi xa và sẽ có người nhớ.  Nhớ lắm!”
Tôi cũng đã nghe kể cách nói tình tứ, bóng gió mà rõ ý, và lại láy thêm (“Nhớ lắm!”) của Thanh Hiền, giờ tưởng chừng như nàng nói với thằng Sơn, và nhớ lời mẹ, “Đàn bà tuổi con trâu khi đã thương ai thì thương suốt đời.”  Tôi thì còn nhiều vương vấn với mối tình ngày cũ, và nếu chúng tôi tiến đến liên hệ tình cảm, mỗi đứa sẽ sống với một bóng ma quá khứ và khó lòng tìm thấy an lạc bên nhau.  Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng, lời nói thoát ra rất khó khăn,
            “Cám ơn Hiền, nhưng tim anh đã đậu vào nơi khác – tình yêu như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay!”
* * *
Ở nhà bác Luận, tôi gặp thông gia của bác là bác Vinh, một tướng lãnh cao cấp giữ chức vụ cố vấn tối quan trọng trong dinh Độc Lập.  Anh Thảo con cả của bác Luận làm bác sĩ quân y kết hôn với Minh Thu là con gái lớn nhất của bác Vinh.  Qua dáng điệu trẻ trung, khuôn mặt đầy đặn, tính tình dễ dãi và xuề xòa, và giọng nói Sóc Trăng duyên dáng của bác Vinh, khó ai có thể nhận ra đó là một nhân vật nhiều quyền lực hàng đầu trong chính phủ.
Báo chí trong và ngoài nước đăng tải lời đồn bác Vinh tham nhũng, buôn lậu bạch phiến, và có trương mục ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ, nhưng tôi thấy điều đó thật khó tin.  Bác lái chiếc xe Plymouth Fury 1969 bốn cửa to dềnh dàng và thô kệch do bạn cũ là một vị tướng cố vấn Mỹ hết nhiệm kỳ về nước để lại.  Bác không có nhà hay biệt thự riêng; hai bác và bảy người con và anh Thảo ở trong cư xá bộ Tổng Tham mưu.  Bác ăn mặc xuề xòa, bộ áo quần xi-vin không đúng ni tấc là loại may sẵn mua trong PX (Post Exchange, cửa hàng Quân Tiếp vụ Mỹ) trong thời gian bác đi du học ở Hoa kỳ.
Sau bữa ăn bác Vinh kể chuyện tiếu lâm để giúp vui.  Trước khi kể, bác đứng dậy bước ra khỏi bàn ăn, dùng hai tay kéo lại lưng quần đã trễ xuống dưới rốn, và nhìn quanh một vòng rồi quay mặt về phía tôi, người thường khoái chí cười lớn tiếng nhất.  Câu chuyện “Better than Your Wife!” (Hay hơn Vợ Nhà!) bác vừa kể vừa diễn tả điệu bộ khiến mọi người cười nghiêng ngửa: 
Có một anh sĩ quan người Việt sang Mỹ du học.  Chủ Nhật, anh ra phố thăm dân cho biết sự tình và đi ngang qua một cái ki-ốt (kiosk) kín mít, không nhìn thấy bên trong, và cửa mở tự động khi bỏ một đô-la bằng quạc-tơ (quarter) tức là đồng 25 xu vào máy nhận tiền.  Ngoài ki-ốt, anh thấy bảng quảng cáo “Better than Your Wife!” và nhiều người bỏ tiền mở cửa bước vào; khi trở ra ai nấy đều tươi cười thỏa mãn, có người vừa đi vừa cài nút quần, ra chiều sung sướng.  Anh phục lăn, “Xứ Cờ Hoa văn minh có khác, cái ‘chuyện ấy’ mà cũng dùng máy và chỉ mất có một đồng bạc rẻ rề,” và quyết định dùng thử.
Vài phút sau, người ta nghe tiếng kêu cứu “Help! Help!” từ trong ki-ốt vang ra, mở cửa xông vào, thấy anh sĩ quan đau đớn ôm hạ bộ đầy máu, và đưa vào bệnh viện cấp cứu.  Sau khi chữa thương, bác sĩ hỏi lý do và được kể lại sự tình bèn cười to, “Trời ơi, ông không biết đó là máy đơm nút quần tự động hay sao?”
Bác Vinh thích ngồi kề rề uống bia “33” với tôi; một già một trẻ nói tầm ruồng chuyện trên trời dưới đất.  Khi ngà ngà say, bác hỏi tôi,
            “Mày biết tại sao tao thích nhậu nhẹt nói dóc với mày không?”
            “Con biết bác không có bạn vì không ai dám nhậu tay đôi với bác,” tôi nói thẳng.
            “Đúng vậy.  Mấy thằng ngồi với tao, đứa thì làm bộ cóm róm (khúm núm) sợ sệt, đứa thì tìm cách xin xỏ ân huệ gì đó.  Không như mày, ngang chàng như cua,” bác cười khà khà.
            “Sao bác biết con là đứa cứng đầu?” tôi hỏi vặn lại.
            “Tao mà không biết thì ai biết?  Nếu ở vào địa vị tao, mày có dám ngồi say rượu huếnh hoáng (bí tỉ) với thằng nào mà mày không rành sáu câu gốc gác ngọn ngành của nó hay không?  Tao còn biết mày bỏ nhà ra đi bụi đời vì không chịu lấy con gái anh Thiện, trong khi cả ngàn thằng lạy lục xin nhào dzô mà không đặng.  Bởi vậy tao mới chịu mày.”
Bác Thiện, một nhà chính trị quyền cao chức trọng nhất nước, là bạn thân của cha.  Tôi bắt chước bác Vinh hỏi ngược lại,
            “Con dám cá là bác không biết vì sao con chịu ngồi uống bia với bác.”
“Mày nói ngon dữ a!  Tại sao?”
“Vì con không có gì để nhờ vả, và con tin là bọn nhà báo nói láo ăn tiền vu oan giá họa cho bác.”
            “Tao biết thằng Kiền lẻo lự (lẻo mép gian xảo) dưng tiền cho tụi nhà báo lưu manh để hại tao.  Nhưng tao là người công giáo, ở sạch hay ăn dơ thì cũng đã chứng minh với Chúa.  À, tao biết mày đang tính dựng trụ ăng-ten ở Đơn Dương để đưa sóng ti-vi đài Sài gòn lên vùng đó.  Nói cho nghe, đợi mày làm xong, tao kêu anh Thiện lên Đơn Dương cắt băng khánh thành rồi sau đó mày về Sài gòn trình luận án lấy bằng Tiến sĩ Kỹ sư đầu tiên của Việt nam.  Ai địch lại mày?” bác mỉm cười đề nghị.
            “Thưa bác, con không cần giả thiết đó!”
Bất thần, tôi buột miệng trả lời bác Vinh bằng câu nói của Pierre-Simon Laplace (1749–1827) người Pháp, một khoa học gia lỗi lạc có một thời làm Bộ trưởng Nội Vụ cho Napoléon I.  Khi Laplace đệ trình bộ sách Mécanique Céleste (Cơ học Vũ trụ) khảo sát chuyển động của hành tinh, Napoléon xem sách rồi hỏi, “Ông soạn bộ sách khổng lồ về vũ trụ mà sao không đề cập đến đấng sáng tạo là Thượng đế?”  Laplace trả lời, “Tâu bệ hạ, hạ thần không cần giả thiết đó.”  Bác hiểu ra và dịu giọng,
            “Công trình khoa học của mày có ích cho dân chúng và làm vẻ vang cho nước nhà.  Mày không cần anh Thiện giúp, nhưng ảnh cần mày thì sao?”
Cuối hè 1974, tôi soạn xong luận án, nhưng tình hình an ninh tồi tệ khiến tôi và thầy Phong không thể hoàn tất giai đoạn cuối cùng là dựng trụ ăng-ten trên núi Đơn Dương.  Công lao bốn năm dài nay chỉ có nước . . . treo giàn bếp.  Theo mệnh nước nổi trôi, không đạt được danh hiệu “Tiến sĩ” (hay “Dr.”) đứng trước tên chỉ là một thiệt thòi nhỏ bé so với những oan khuất mà bác Vinh sẽ trải qua.
Cuối tháng Tư 1975, bác Vinh và gia đình di tản tới Hoa kỳ và tạm trú trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas.  Để tránh sự phẫn nộ của một số đồng bào tỵ nạn quy tội làm mất nước cho những cựu viên chức chính phủ tham nhũng, bác rời Đồn Chaffee đi Montréal, Gia Nã Đại thăm anh Thảo và Minh Thu đang ở đó.  Khi bác trở lại thì chính phủ Hoa Kỳ dở trò, từ chối không cho nhập cảnh mà không nêu lý do.  Chính phủ Gia Nã Đại o bế “phe thắng cuộc,” không muốn sự có mặt của bác trong nước, và đề nghị gửi trả về nước nếu Việt Cộng cam kết không xử tử bác.  Bọn chúng không ưng thuận, các nước khác cũng theo chân Gia Nã Đại từ chối không nhận bác định cư, và bác bị coi là “vô quốc gia.”
Mười ba năm sau, để đền ơn cứu tử, một cựu sĩ quan Lực lượng Đặc biệt Hoa kỳ từng phục vụ tại Việt nam ra công điều tra, trưng bày bằng chứng bác Vinh không hề dính líu tới những vụ bất hợp pháp đồn đại, và vận động trả lại công bằng và danh dự cho bác.  Gia Nã Đại hủy bỏ hồ sơ tố cáo gian, và Hoa kỳ cấp chiếu khán cho bác trở về.  Ở Gia Nã Đại và sau đó ở Hoa Kỳ, để sinh sống bác gái làm bánh bán, trong lúc bác đi quét dọn, rửa chén, và sắp xếp hành lý ở phi trường.
Trong những lúc kể chuyện tiếu lâm với khách bạn hay ngồi uống bia với tôi, Bác Vinh là một người hùng cô đơn.  Trong hơn một thập niên bị cả một thế giới hèn nhát và tráo trở tìm cách vu khống và bạc đãi, bác đã kiên khổ bao dung và nêu cao tấm gương trung liệt của một quân nhân đối với tổ quốc.  Và vị anh hùng ấy lúc nào cũng độ lượng; đối với những kẻ đã gây phiền lụy, bác nói bác tha thứ hết. 
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 15 tháng Mười Một, 2017

Không có nhận xét nào: