GS Lê Hữu Mục, GS Phạm Thị Nhung cùng 2 thân hữu, Montréal.
Sự thẩm định của GS Lê Hữu Mục về tiếng đàn của Thúy-Kiều qua hai lần trình tấu cho Kim Trọng nghe, trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.Trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Thúy-Kiều không chỉ là một trang giai nhân « quốc sắc » , với tấm nhan sắc tươi thắm, kiều mị, đến nỗi hoa phải «ghen», liễu phải « hờn» , mà nàng còn là một con người thông minh , tài hoa với một ngón đàn tuyệt diệu « nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương ».
<!>
Nguyễn Du đã mượn tiếng đàn của nàng Kiều để làm nền cho tác phẩm Đoạn trường tân thanh của mình. Thế nên, tiếng đàn ấy đã gắn liền với cuộc đời của Kiều. Mỗi biến cố trong đời là một lần thay xoang đổi điệu, để nói lên cảnh ngộ, cùng diễn tả tâm trạng, tình cảm của nàng.
Đặc biệt tiếng đàn của Kiều qua hai lần trình tấu cho Kim Trọng nghe, lần thứ nhất khi mới bước vào cuộc tình và lần cuối cùng khi vừa tái-hợp , đã thâu tóm thiên tình sử của họ.
Sau đây, chúng ta sẽ thưởng thức tiếng đàn đặc biệt này của nàng Kiều qua sự thẩm định giá trị của GS Lê Hữu Mục, được trích từ hai bài bình giảng trong cuốn biên khảo Truyện Kiều và Tuổi Trẻ, viết chung với Gs Phạm thị Nhung và Dược-sĩ Đặng Quốc Cơ.
1-Buổi trình tấu âm nhạc đầu tiên của Thúy-Kiều (c.c. 463-498).
Trong bài bình giảng này, phần diễn đề ( c.471-496), GS Lê Hữu Mục đã phân tích rất tường tận, rành rẽ từng tiếng đàn của Thúy-Kiều và đưa ra nhiều nhận xét thật tinh tế, xác đáng .
A – Trước hết, nói về bản đàn (c.471-480).
– Phần khai nhạc gồm bốn câu (471-474)
So dần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe như tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.
Sau khi so dây, thử tiếng, Kiều bắt đầu đàn .
Tiếng đàn dồn dập, rầm rộ như có hàng ngàn, hàng vạn binh khí đủ loại xô xát vang lên… tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau… Quang cảnh hỗn loạn, vô trật tự thật là cùng cực… khiến Kim Trọng có cảm tưởng (khúc đâu) như khúc Hán Sở tranh hùng, chiến trường đang hồi giao tranh khốc liệt. Theo GS Mục, vì đây là phần khai nhạc cổ điển, nên hơi nhạc mạnh tối đa, nhịp điệu đổi liên tiếp… tốc độ nhạc khí khai triển toàn-thể.
Kết thúc đoạn này, GS Mục nhận xét : Chỉ một mình Thúy Kiều với cây đàn nguyệt của Kim Trọng mà diễn tả được mọi âm thanh huyên náo của trận đánh khốc liệt, thì thực tài nhạc của Kiều quá cao siêu. Tiếng đàn vang dội trong gian phòng, Kim Trọng có cảm tưởng như đang đứng trước một ban nhạc lớn đang hoà tấu.
– Phần hai (475-476)
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?
Theo GS Mục, phần hùng tráng giảm nhẹ tốc độ và cường độ. Đặc điểm phần nhạc này là khai triển cung nam, tức là nét nhạc ngả sang tình buồn. Kim Trọng nghe ra như oán…, như sầu…, GS Mục giải thích : …là vì Thúy Kiều cố nén những âm thanh mạnh của tiếng đàn để cho tiếng đàn trở nên rủ rỉ, bẻ bai ; tuồng như mọi âm lượng , mọi thể tích của âm thanh đều bị ngón tay của người nghệ sĩ đè xuống, ép xuống dây đàn và hoàn toàn bị thu nhỏ lại. Tiếng đàn như vậy là tiếng đàn bi ai, buồn thảm, tha thiết.
Kim Trọng nghe ra như khúc Phượng cầu Hoàng của Tư mã Tương Như, đang tỉ tê rủ rỉ tỏ tình quyến rũ Trác văn Quân. Người góa phụ trẻ đẹp , giầu có này đã bị tiếng đàn của Tương Như mê hoặc đến bỏ nhà trốn theo chàng .
Phần ba (c.477-478)
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hàng vân.
Điệu nhạc đến đây chuyển động , tốc độ tiếng đàn tăng dần….Nét nhạc nghe lưu loát như lưu thủy ( nước chảy)…, còn gợi ra khung cảnh sông nước mênh mông ; như hành vân ( mây bay)… phác họa được một cảnh trời mây mung lung , bát ngát…Sau khi phân tích, Gs Mục nhận xét, Phần nhạc này gieo vào lòng người nghe những tiếng nhạc vui tươi , linh hoạt , nhẹ nhàng . Tương phản hoàn toàn với đoạn nhạc trên .
Phần bốn (c. 479-480)
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa , nửa phần tư gia.
Để kết thúc bản nhạc , theo GS Mục, nét nhạc trầm xuống, và kéo dài như vương vấn , như luyến lưu…khiến Kim Trọng nghe như khúc Chiêu Quân Oán. Nàng Chiêu quân phải đi cống Hồ, khi qua cửa quan, biệt Hán bước vào nước Hung nô, lòng nàng sầu bi … Khúc nhạc biệt ly thật buồn vời vợi.
B- Tiếp theo , Gs Mục phân tích giá trị của tiếng đàn ( c. 481-488)
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thỏang ngoài
Tiếng mau sầm sập như trờI đổ mưa.
Trước hết bàn về âm sắc. GS Mục phân tích, tiếng nhạc trong trẻo tức tiếng nhạc không bị nhiễu, không bị tạp âm pha trộn. Trong còn có nghĩa là rõ ràng ,ngón tay bấm vào chỗ nào là âm thanh phát ra chính xác ,…không có tiếng dây khi ngón tay vuốt ve dây đàn…Trong là nói đến thính giác, tuy là nói đến thính giác, nhưng ta không chỉ dùng thính giác để nghe đàn, ta còn thấy tiếng đàn qua tiếng hạc đang bay vọng tới , một âm thanh tinh khiết không một chút gợn , và hình ảnh một màu trắng tinh khôi không một vết loang của cánh hạc đang bay nơi lưng trời.
Ngược với trong là đục. Nói về âm thanh đục là nói đến tiếng trầm, sâu lắng hay nặng nề, tối tăm.
Câu « Nước suối sa nửa vời », ta được nghe thấy tiếng rì rầm âm u ở phần thấp của tiếng đàn, đồng thời trông thấy mầu đục của âm thanh, giống như mầu đục của nước suối khi nó rời khỏi nguồn và sắp từ trên cao dội xuống.
GS Mục viết tiếp : Như vậy về âm sắc, tính trong và đục là hai sắc thái cơ sở của tiếng đàn, đã được mô tả trọn vẹn . Không gì thú vị bằng tai nghe một âm thanh của tiếng đàn mà mắt ta còn được trông thấy tiếng đàn nữa. Nguyễn Du thật là một thi sĩ lớn, khi ông biết sử dụng qui luật tương biến của ngũ giác.
Ngoài âm sắc, âm nhạc có giá trị nhờ ở tiết điệu, ở nhịp khoan, nhịp nhặt.Gs Mục giải thích, khoan là thong thả, chậm chạp, tiếng này cách tiếng kia một tiết tấu kéo dài. Nhịp khoan thường đi đôi với những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, như gió thoảng ngoài… Trái với tiếng khoan là tiếng nhặt, nghĩa là mau, nói về những điệu dồn dập, lôi cuốn nhau liên tiếp, không dứt.Từ «sầm sập» để tả trời mưa lớn liên tiếp rất đúng, đã cho ta hình dung những âm thanh có độ mau và mạnh.
Và để đề cao hơn nữa về tài đàn của Thúy kiều , Gs Mục phân tích đoạn thơ nói về hiệu lực của tiếng đàn ảnh hưởng lên ngọn đèn và chàng Kim Trọng như thế nào ?
Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Theo Gs Mục, tiếng đàn được tả rõ hơn khi tác động của nó được qui chiếu vào môi trường chung quanh. Trước hết là ngọn đèn khi mờ, khi tỏ.Tỏ là sáng lên khi tiếng đàn mạnh và dồn dập ; mờ là tối đi , giảm ánh sáng đi, khi tiếng đàn chìm lắng, nhẹ và kéo dài. Ánh sáng của ngọn đèn đã bị tần số âm thanh của tiếng đàn chi phối.Tính thụ động của ánh sáng đã làm nổi bật sức mạnh của âm thanh, tạo cho tiếng đàn của Thúy Kiều có một mãnh lực gần như ma quái. Chính mãnh lực gần như ma quái này đã ảnh hưởng vào tâm trạng Kim Trọng, khiến chàng càng bị lôi cuốn, hòa nhập vào tiếng đàn : Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc , khi chau đôi mày. Nói khác đi, tâm trạng của chàng Kim đã bị tiếng đàn chi phối hoàn toàn.Tiếng đàn quả có một sức mạnh gần như thần thánh ! Gs Mục đã chứng minh được cái tài hoa của nàng Thúy Kiều qua tiếng đàn này.
Sang phần nhận xét, GS Mục cho biết : Nhờ kỹ thuật chuyển hóa âm thanh thành hình ảnh mà câu thơ của Nguyễn Du vươn ra ngoài lời, chắp cánh cho trí tưởng tượng của người đọc đi vào ý thơ một cách trực tiếp .
Và để bổ túc cho phần nhận định về giá trị tiếng đàn này của Thúy kiều, hay chính của Nguyền Du, Gs Mục viết : Nguyễn Du tuy lấy chất liệu trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân , và tiếng đàn trong thơ của Lý Kỳ, nhưng nhờ những kỹ thuật âm nhạc mà ông biết dùng một cách đứng đắn như « trong » « đục » « khoan » « mau » ; và nhờ kỹ thuật bố trí từ ngữ một cách chính xác, thi ca (Đ T T T ) của ông đã vượt xa cái thô sơ của chất liệu, để bay lên cao trong ánh sáng của các tinh thể muôn đời.
Phần giới thiệu trên của chúng tôi tuy chưa nói lên được đầy đủ về bài viết của Gs Lê Hữu Mục, nhưng cũng đã chứng tỏ, GS Lê Hữu Mục quả là một nhạc sĩ không chỉ giỏi đàn, nắm vững nhạc lý, ông còn là một sáng tác gia có hạng, nên mới có được những lời thẩm định xác đáng, tinh tế kia.
GÓP Ý
Nhân bàn về tiếng đàn của Thúy-Kiều trong bài này, chúng tôi cũng muốn góp ý thêm, Nguyễn Du ngoài sự mượn thanh để tả ý đã đành, ông còn dùng điển, mượn ý những bản đàn cổ điển như Hán Sở chiến trường, Phượng cầu Hoàng, Quảng Lăng tán, Chiêu Quân oán như đã đươc GS Mục phân tích trong những dẫn chứng ở trên, không ngoài chủ đích giúp chúng ta, những độc giả của ông, hiểu tường tận hơn cảnh ngộ cùng tâm trạng, tình cảm của nàng Kiều buổi đó.
Thật thế, nàng Kiều đang thời son trẻ xuân sắc, lại vừa bước vào một cuộc tình đẹp như mộng với chàng văn nhân Kim Trọng « Phong lưu tài mạo tót vời ».Thì trong cái đêm hội ngộ, được đối diện với người tình, đối diện với hạnh phúc yêu đương của đời mình, Kiều có cơ hội được gẩy đàn cho chàng thưởng thức, tiếng đàn ấy đáng lẽ chỉ có một điệu vui, nhẹ nhàng phơi phới hay rộn ràng hớn hở, biểu lộ một tâm trạng mừng vui, tình ý hả hê mới đúng. Đằng này tiếng đàn lại quá đỗi hỗn loạn, phức tạp. Khi thì rầm rộ, huyên náo như có hàng ngàn hàng vạn tiếng binh khí xô xát vang lên, chẳng khác nào chiến trường Hán Sở đang hồi giao chiến dữ dội ; khi lại nhẹ nhàng thanh thoát như nước chảy mây bay trong khúc Quảng lăng tán ; khi lại rền rĩ nỉ non như khúc Phượng cầu Hoàng của Tư mã Tương Như, gảy lên để tỏ tình quyến rũ Trác văn Quân ; khi lại sầu thương, ai oán như khúc Chiêu Quân oán , tả tình biệt ly của nàng Chiêu Quân trong giây phút quá quan, biệt Hán sang Hồ .
Tại sao vậy ? Thưa rằng phải vậy mới diễn tả hết được nỗi rối bời đang diễn ra trong nội tâm Kiều lúc này, đó là giữa hai trạng thái tình cảm cực kỳ mâu thuẫn :- Hạnh phúc và khổ đau. Giữa hai hướng đời cực kỳ đối trọi:-Nàng thực sự có tự do , đã nắm bắt được hạnh phúc thiên đường trong tay hay đang đứng trên bờ vực thẳm của định mệnh tàn khốc, chờ chực xô đẩy nàng xuống địa ngục của số kiếp đoạn trường ? Thế nên, dù đang ngồi đàn cho người yêu thưởng thức mà niềm vui nào có trọn, nỗi khắc khoải về số kiếp đoạn trường do bóng ma Đạm Tiên báo mộng, cũng như lời tiên tri của người thầy tướng thuở nào:” Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”,vẫn không buông tha nàng.
Tâm người còn đang rối reng bời bời, buồn vui bất ổn như thế, thử hỏi tiếng đàn làm sao không hỗn loạn , phức tạp?
Bản đàn Thúy Kiều trình tấu buổi đầu tiên này cũng đã báo trước cho chúng ta hay, cuộc tình của họ rồi sẽ tan vỡ, và nàng Kiều sẽ phải trải qua nhiều năm lưu ly tân khổ. Đúng với số kiếp đoạn trường của khách tài hoa:
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
Những là:
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Và:
Làm cho sống đọa, thác đầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.
Quả nhiên, sau lần hội ngộ đó Kim Trọng phải lên đường gấp về Liêu-dương hộ tang chú, còn Kiều thì gặp cảnh gia biến. Vương ông bị thằng bán tơ vu oan, bọn sai nha ập vào nhà khám xét, vơ vét tiền của. Vương ông và Vương Quan bị chúng tra khảo, đánh đập tàn nhẫn (cốt để moi tiền), rồi bị bắt đem đi. Kiều đành bán mình cho Mã Giám Sinh, một khách phương xa,để lấy tiền chuộc tội oan cho cha mà phải rời bỏ quê hương, xa lìa cha mẹ, phụ tình người yêu; thân thì bị đọa đầy trong kiếp gái lầu xanh, trong phận tôi đòi. Sau gặp được Từ Hải, một khách anh hùng nơi biên thùy, thương yêu, Kiều được trả ơn báo oán,mát mặt với đời.Chẳng bao lâu, Kiều vì tin vào lời dụ hàng của Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, khuyên Từ Hải giải giáp, ra đầu phục triều đình.Từ bị họ Hồ lừa, phải chết thảm, còn Kiều bị ép gả cho một tên thổ quan. Quá đau đớn, tuyệt vọng, Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tìm cái chết.
May nhờ được sư bà Giác Duyên , nghe theo lời tiên tri cuả Tam Hợp đạo cô, đã thuê người chăng lưới vớt được Kiều lên , đem về cho tu ở thảo am của bà … Sau lần chết đi, sống lại đó, Kiều mới thực sự thoát khỏi số kiếp đoạn trường , được trở về sum họp cùng gia đình và người yêu xưa.
Phạm Thị Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét