LGT: BS Trần Văn Tích đã lớn tuổi nhưng ông vẫn thỉnh thoảng viết bài để đóng góp tiếng nói vào tiếng nói chung. Trong bài này, BS Tích, đầu tiên kể chuyện bên Đức ( Trích:Ông Günther Oettinger, 62 tuổi, cùng đảng CDU với Bà Merkel, tuyên bố với giới báo chí trong một buổi gặp mặt là nếu Bà Petry là vợ Ông thì Ông sẵn sàng tự sát bằng súng ngay đêm nay. Ngưng trích) để dẫn dắt vào thái độ nên có khi thảo luận. BS dẫn chứng khoa học (trí năng kẻ gây hấn đã bất lực, lương tri của y đã khuất phục để nhường chỗ cho sức mạnh vũ phu của cơ thể, theo bản năng bẩm sinh của loài thú).
<!>
Hiện nay, tại các “social media”, tình trạng này đang tràn lan. Nhiều kẻ xấu, nhóm xấu mà mọi người đều biết tên/hoặc địa chỉ mail của họ, ( có thể thật nhưng đa số là ảo) đã mạ lị, chửi rủa, vu cáo người khác. Điều lạ là chính họ vu cáo người khác trước, chửi rủa người khác trước nhưng sau đó họ lại viết ngược lại ( có lẽ tinh thần họ không còn sáng suốt?) và còn bình thản cầu nguyện hằng đêm trước bàn thờ.
BS Tích kể tiếp: cuối cùng người viết bẩn lãnh đủ. (xem bài ở dưới) .
BS Tích cũng nêu chữ “phản biện”. Cá nhân tôi đồng ý với BS Tích, hai chữ đó do vc biến chế ra. Chúng ta dùng “phản bác”.
Có người viết cho tôi : họ quan sát thì thấy Bs Tích, BS Tôn Thất Sơn, Cố GS Nguyễn Ngọc Bích, BS Nguyễn Sơ Đông, Ts Nguyễn Đình Thắng.., không bao giờ viêt bẩn. Mail bẩn rơi vào nhóm cựu quân nhân như TG,HT,PV,TM,TS, LM, TMH, DXS, …Tôi ngạc nhiên và thấy họ nhận xét đúng. Tuy thế, những cựu quân nhân sau không hề bôi nhọ tên họ: Bùi Dương Liêm, Đỗ Văn Phúc, Đòan Trọng Hiếu, Hải Vân, Trâm Bảo…
Có lẽ giáo dục gia đình của những người không viết bẩn khác với những kẻ hay viết bẩn?
HNA
Khi thảo luận thì không nên...
Trần Văn Tích
Đảng CDU với đảng trưởng Angela Merkel đang cầm quyền tại Đức. Hiện nay nữ Thủ tướng Merkel bị mất cảm tình nhiều của dân chúng Đức qua chính sách đối phó với làn sóng tỵ nạn. Chống đối Bà Merkel mạnh mẽ nhất, thẳng thừng nhất là Đảng AfD, Alternative für Deutschland. Đảng này cho rằng các đảng đang tham chính tại Đức CDU, CSU, SPD không làm đúng chức năng bảo vệ quyền lợi quốc gia và dân tộc Đức, do đó nước Đức cần một đường lối và một tổ chức chính trị khác hầu đạt đến một vận hội khác. AfD hiện được lối 10% cử tri Đức ủng hộ mặc dầu nó có xu hướng cực hữu và chủ trương bài ngoại. Một trong những nhân vật từng lãnh đạo AfD là Bà Fraude Petry, 40 tuổi. Bà có người bạn đời cũng là đảng viên cao cấp của AfD. Phát ngôn thay AfD, Bà Petry ngỏ ý chấp nhận sử dụng vũ khí khi cần thiết để bảo vệ biên giới chống cơn lốc tỵ nạn. Lên tiếng phản đối Bà Petry, Ông Günther Oettinger, 62 tuổi, cùng đảng CDU với Bà Merkel, tuyên bố với giới báo chí trong một buổi gặp mặt là nếu Bà Petry là vợ Ông thì Ông sẵn sàng tự sát bằng súng ngay đêm nay. Ông Oettinger hiện là một Ủy viên của tổ chức Liên Âu (EU-Kommissar). Trong câu nói ngắn ngủi của mình, Ông Oettinger mô tả Bà Frauke Petry là die komische Petry. Vô hình trung, Ông Oettinger đã phạm một sai lầm trầm trọng và phổ biến trong khi tranh luận hoặc đối thoại : dùng tính từkomisch (kỳ khôi, kỳ cục) gán cho nhân vật đối địch, Ông đã rời bỏ lĩnh vực vận dụng lý luận để bước sang địa hạt xúc phạm đối thủ.
Khi một người tham gia đàm thoại mà cảm thấy đối phương trên chân mình và mình không thể tranh thắng được qua lý luận thì đương sự có xu hướng chuyển sang dùng những lời lẽ làm phật ý, gây mếch lòng, khiến tổn thương; nặng hơn nữa thì đương sự hành văn hay dụng ngữ thô tục, khiếm nhã, vô lễ. Tuy nhiên khi rời bỏ đề tài tranh luận vốn mang tính cách hoàn toàn khách quan để chuyển sang đả kích cá nhân người đối đầu với mình trong tranh luận, thì chính đương sự đã hoá thành người làm phiền, làm rầy người khác (như trường hợp Ông Günther Oettinger) và nặng hơn thì đương sự sa vào lỗi xúc phạm người khác (như khá bộn người chuyên nghề chửi rủa trên mạng tiếng Việt). Trong trường hợp này, khoa tâm lý xã hội học giải thích rằng trí năng kẻ gây hấn đã bất lực, lương tri của y đã khuất phục để nhường chỗ cho sức mạnh vũ phu của cơ thể, theo bản năng bẩm sinh của loài thú. Nếu không phải là tranh luận trên màn ảnh ảo thì anh ta hay chị ấy sẵn sàng thượng cẳng tay hạ cẳng chân, anh ta hay chị ấy hành động chẳng khác gì một con thú, anh ta hay chị ấy đang bắt chước một con vật. Xấu xa là thế nhưng cung cách hành động này lại rất được ưa chuộng vì ai ai cũng có thể áp dụng một cách hết sức dễ dàng và thoải mái. Bí quá không cãi được thì văng tục, thì chửi đổng, có thế thôi. Trước tình huống như vậy, người trong cuộc nên tự vệ như thế nào, đó là điều quan trọng; vì lẽ nếu nạn nhân của sự xúc phạm cũng phản ứng như kẻ gây hấn thì sẽ đưa đến ẩu đả trên các diễn đàn, quyết chiến trên màn ảnh ảo, đấu khẩu qua gõ máy gửi mails. Điểm hẹn cuối cùng có thể là một vụ tranh tụng trước toà hộ vì phỉ báng.
Bà Frauke Petry trình bày ý kiến rằng để ngăn chận làn sóng tỵ nạn đang tràn ngập nước Đức, có thể cho phép các lực lượng cảnh sát hay quân đội sử dụng súng đạn khi cần thiết. Bà không hoàn toàn cô đơn trong lý luận. Trong thực tế, một số quốc gia vùng Balkan hay Áo quốc đang xây hàng rào kẽm gai tại một số địa phương có vị trí trọng yếu hoặc suốt chiều dài biên giới với sự canh giữ cẩn mật của cảnh sát biên phòng, được quân đội vũ trang tăng cường. Gần guị Bà hơn nữa, Tổng thống Hoa Kỳ nhiều lần cổ vũ việc xây bức tường giữa Mễ và Mỹ nhằm đối đầu với người nhập cư Mễ tây cơ, đến nỗi báo chí Đức ngữ dám bảo rằng không khéo Tổng Thống Trump đang đứng về phe đảng AfD! Ông Günther Oettinger thay vì dùng lý luận để bác bỏ lập trường của người đối đầu chính trị thì lại rời bỏ lý luận và chuyển sang sử dụng tính từ komisch để xúc phạm bà Petry. Bị phê phán, ông ta bồi thêm rằng bà Petry là một nỗi nhục cho nước Đức, sie ist eine Schande für Deutschland. Thế nhưng trong kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang tháng chín vừa qua, “nỗi nhục của nước Đức“ lại đắc cử vào Quốc hội còn đảng CDU của Bà Angela Merkel và của ông Günther Oettinger thì lại đạt tỷ lệ cử tri ủng hộ thấp chưa từng thấy, đến nỗi Bà Angela Merkel coi như mất chức Thủ tướng chính thức và chính thống, chỉ còn giữ chức Thủ tướng xử lý thường vụ, trong khi nước Đức thì hiện lâm cơn khủng hoảng chính phủ trầm trọng, chẳng biết đến lúc nào mới vượt qua được!
Hoá ra không phải chỉ có các “vi hữu“ thuộc bốn ngàn năm văn hiến mới phạm argumentum ad hominem! Thôi thì hãy nhìn ông EU-Kommissar Günther Oettinger mà vui cùng thế sự trên màn ảnh ảo Việt ngữ
Để chấm dứt và nhân dịp bàn bạc về thảo luận, tranh luận, nghị luận v.v.. xin phép được đề cập đến động từ phản biện. Chữ này không có trong Việt-Nam Tự-điển do Lê Văn Đức biên soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970. Nó là chữ của Miền Bắc. Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biến, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1994, định nghĩa “phản biện“ là “Đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi. Phản biện luận án tiến sĩ. Người phản biện.“ Chính bản thân người viết những dòng này từng đóng vai “người phản biện“. Nguyên vào những năm đầu thập niên 80 thiên kỷ trước, Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Hiếu, Trưởng Bộ môn Y dược cổ truyền Trường Đại học Y khoa Thành Hồ, mời tôi “phản biện“ một công trình học thuật về đông y trình bày trước hội đồng khoa học để được công nhận học vị trên đại học. Thoạt đầu tôi từ chối vì không muốn dính dáng quá nhiều đến chế độ bên kia nhưng rồi sau đó người trình bày luận án đến xin gặp tôi để nhờ tôi “phản biện“, thì lại hoá ra đương sự là người ở cùng ngõ Nguyễn Trãi, Chợ Lớn với tôi và vẫn được tôi xem như hàng con cháu từ lâu, nghĩa là chúng tôi cùng đều là...ngụy cả cho nên tôi nhận lời, coi như giúp đỡ người nhà. Tôi hiểu rõ ý nghĩa động từ “phản biện“ từ độ ấy. Phản biện là một quá trình sinh hoạt ở bậc đại học Vixi, phản biện không hề có nghĩa là trả lời, góp ý như nhiều người dùng không chính xác trên mạng internet.
29.11.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét