Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Trăng Ám - Phan Hạnh

Inline image 1
Chắc chúng ta ai cũng biết giai thoại về ông nhà thơ nổi tiếng nhất của Trung Hoa là Lý Bạch (701-762) ngồi thuyền uống rượu trên sông, thấy bóng trăng ở dưới đáy nước đẹp quá, nghiêng người qua mạn thuyền định vớt ánh trăng lên, nhưng té xuống sông và chết đuối. Giai thoại lãng mạn mê ánh trăng mà chết này được truyền tụng mãi. Trăng huyền bí, trăng mê hoặc. Gần như ngay từ khoảnh khắc đầu tiên khi có loài người, chúng ta trố mắt chằm chằm nhìn trăng sáng rồi tưởng tượng, rồi lấy cảm hứng từ cảnh quan sáng lung linh đó để dệt những vần thơ văn. Mảnh trăng treo trên bầu trời như một khung tranh vải trống cho con người tha hồ tô vẽ những giấc mơ huyền diệu. Ta bị trăng ám hồi nào mà không hay biết.

<!>
Thuật ngữ “lunar effect” (mà người viết xin tạm gọi là "trăng ám") có nghĩa là các tương quan thực hoặc ảo giữa các giai đoạn cụ thể nhất định của chu kỳ mặt trăng theo âm lịch kéo dài khoảng 29 ngày rưỡi. Chu kỳ đó tạo ra những tác động làm thay đổi về mặt sinh vật lý của chúng sinh trên trái đất, kể cả con người. Trong một số trường hợp, hiệu quả được cho là có thể phụ thuộc vào tín hiệu bên ngoài, chẳng hạn như độ sáng của trăng. Trăng rằm hay trăng tròn sáng nhất ngày xưa được cho là nguyên nhân có ảnh hưởng đưa đến những hành vi xấu: tội ác, nghiện rượu, bệnh động kinh, đốt phá, thiên tai, tự tử, và bệnh tâm thần. Trong trường hợp khác nữa, chẳng hạn như đối với chu kỳ kinh nguyệt của con người (không xảy ra với các động vật có vú khác), sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời điểm không phải do ảnh hưởng của mặt trăng.

Luna nguyên là tên nữ thần mặt trăng của La Mã. Từ chữ “Luna” gốc cho ra các chữ “lunaticus” (La tinh), “lunatique” (Pháp), và “lunatic” (Anh) để chỉ người có vấn đề về tâm thần, khùng khùng, điên có lúc chứ không phải điên nặng lúc nào cũng điên, mất trí. Sự “có lúc điên có lúc không” đó bị người ta đổ thừa cho ảnh hưởng của trăng, vì vậy mới có chữ “moonstruck” là “trăng đánh”, “trăng ám”, là khùng, tửng, mát dây. Chữ “Lunacy” trong Anh ngữ được xem là đồng nghĩa với sự điên rồ (insanity).

Theo tin tức, ngày Thứ Bảy 11-11-2017 vừa qua, trong lúc đang dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng Việt Nam, Tổng thống Donald Trump nghe rằng Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đã dám gọi ông là “an old lunatic”, “một thằng già mát dây”. Trump tức quá dùng twitter trả đũa liền, gọi lại Jong-un là “thằng vừa lùn vừa mập”. Không tức sao được: Trump mới có 71 tuổi mà bị xem là già. Càng tức hơn nữa khi Trump bị gọi là “lunatic”. Ông Trump có thích ngắm trăng tròn để bị trăng ám hay không thì không biết, nhưng “khùng” mà được dân bầu làm tổng thống ư? Nếu thế thì cũng nên đổ lỗi cho tập thể cử tri nào đã ủng hộ bỏ phiếu bầu một tổng thống mát dây. Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un không khùng sao? Dân chúng sống nghèo khổ không lo, chỉ lo chế hỏa tiễn phi đạn nguyên tử. Khùng quá mạng đi chứ.

Nhưng có đúng là tại trăng làm cho người ta khùng khùng như vậy không? Không rõ lắm. Các nhà chiêm tinh học và triết học La Mã thời xa xưa nói vậy thì hay vậy. William Shakespeare trong vỡ kịch Othello cũng có viết: “It is the very error of the moon. She comes more near the earth than she was wont. And makes men mad.” (Đó là lỗi của trăng. Nàng đến trái đất quá gần và làm cho người bị khùng điên).

Inline image 2

Từ lâu, các nhà khoa học đã cố chứng minh những tác động của chu kỳ mặt trăng đối với tâm sinh lý con người. Mặc dù chưa thể nhận diện được mối liên hệ bí ẩn này, nhưng có một thực tế là các chứng tâm thần như trầm cảm và lo âu dường như thường gia tăng vào giữa tháng âm lịch khi mặt trăng tròn nhất. Từ kết quả hơn năm mươi nghiên cứu chuyên ngành gần đây, các nhà khoa học đã khuyến cáo giới chức an ninh và y tế cần có sự chuẩn bị kỹ về tiến độ công việc vào những thời điểm khác nhau của tuần trăng. Một nghiên cứu về tỷ lệ phạm tội hình sự ở Florida cho thấy các vụ án xảy ra nhiều hơn vào thời điểm trăng tròn. Một nghiên cứu khác tại ba khu vực an ninh ở Mỹ cũng cho thấy tỷ lệ phạm tội thường gia tăng vào những ngày trăng sáng nhất.

Có rất nhiều giả thuyết về mối liên hệ giữa mặt trăng và tính khí con người. Tiến sĩ Michael Zimecki của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan giải thích rằng “Lực hút của mặt trăng đã tạo ra thủy triều thì tại sao lại không tác động đến máu và các tuyến nội tiết của chúng ta vì cơ thể con người có đến khoảng 80% là chất lỏng. Vấn đề hành vi cũng có liên quan đến sự khác nhau của hình thái mặt trăng, như tỷ lệ tai nạn giao thông, tội phạm và tự tử dường như chịu sự tác động của chu kỳ tuần trăng, phần chính là các hậu quả ảnh hưởng do vấn đề cân bằng kích thích tố hoóc-môn trong cơ thể. Cũng chính vì lẽ đó, chu kỳ tuần trăng cũng có tác động thực sự đến vấn đề sinh nở của con người, đặc biệt là về khả năng thụ thai, kinh nguyệt và tỷ lệ sinh sản.”

Người viết không dám khẳng định điều này đúng hay sai, nhưng sau hai lần đi ra bờ hồ ngắm siêu trăng vừa qua khi về nhà đều bệnh. Hay là tôi bị trăng ám chăng? Nếu bảo trăng tròn thường có khả năng “ám” con người khiến con người phát điên lên được thì siêu trăng chắc phải còn “ám” dữ dội hơn vì đây là thời điểm mặt trăng đến gần trái đất nhất như ngày 14 tháng 10 năm 2017 vừa qua.

Ngoài hình ảnh đẹp có sức thu hút mạnh làm mê hoặc con người, siêu trăng, trăng tròn gần cận điểm, tác động tới sức khoẻ của con người càng mạnh hơn là phải rồi. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt. Nói như những người theo chủ nghĩa hoài nghi (còn gọi là trường phái “đi Nga”, nói lái của “đa nghi”) như một người bạn tôi là “Chưa chắc”. Đây là một đề tài còn gây nhiều tranh cãi, cho đến nay vẫn chưa có các minh chứng rõ ràng về tác động của trăng tròn đến những hành vi bất thường của con người như tâm thần bất ổn, điên loạn, tự tử, phạm tội. 

Tiến sĩ Niall McCrae, giảng viên tâm thần học của Đại học Hoàng gia London cho rằng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua các tác động của trăng tròn đến sức khoẻ. Theo ông, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của trăng tròn đến giấc ngủ là minh chứng cho thấy chúng có tác động đến bộ não. Với những người gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, việc mất ngủ có thể gia tăng sự căng thẳng về tâm lý. Theo McCrae, lúc trăng sáng, phần đông người bệnh tâm thần cảm thấy khó chịu, có thể dẫn đến kích động tinh thần, hành hung nhau. 

Một nghiên cứu công bố trên tờ Journal of Affective Disorders năm 1999 cũng cho rằng thuở xưa khi đèn điện chưa ra đời, trăng là nguồn chiếu sáng quan trọng, vì thế ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nghiên cứu đó nói chẳng những trăng tròn dẫn đến sự mất ngủ mà còn gây biến động lên các bệnh nhân mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc động kinh.

Trăng ám ảnh hưởng thể chất về mặt sinh lý (làm cho người bệnh) lẫn tinh thần về mặt tâm lý (làm cho người điên khùng). Phần ảnh hưởng tâm lý đúng với trường hợp của Hàn Mặc Tử. Chàng bị trăng ám nặng quá đỗi nên chàng thừa nhận chàng điên vì trăng:

Tôi điên tôi viết như người dại
Vang lạnh không gian xóa những ngày.

Hay:

Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian.

Cái “điên” của Hàn Mặc Tử ở đây phát sinh từ trạng thái bệnh lý đau đớn cùng cực của thể xác (do bệnh phong cùi) đưa tới sự thăng hoa tâm trí cao độ thể hiện qua sáng tạo nghệ thuật. Ở trạng thái đó, con người rơi vào trạng thái xuất thần, vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí. Chính vì vậy mà chàng trở thành một trong những nhà thơ vĩ đại nhất, một thiên tài trong nền văn học Việt Nam.

Giữa sự sáng tạo và bệnh tâm thần (ví dụ bệnh rối loạn lưỡng cực, sự rối loạn trầm cảm thường thấy trong giới văn học như nhà thơ và nhà văn) có mối liên hệ đặc biệt. Sự kết hợp giữa bệnh tâm thần và sự sáng tạo lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Âu Mỹ những năm 1970, nhưng ý tưởng về mối liên hệ giữa "sự điên rồ" và "thiên tài" đã có từ trước lâu hơn nhiều, ít nhất là thời văn minh Hy Lạp cổ đại với nhà thông thái bác học Aristotle. Aristotle gợi ý rằng não bộ là bộ phận cơ thể con người mềm nhão ẩm ướt nhất cho nên dễ bị ảnh hưởng của mặt trăng, động lực gây ra thủy triều. Niềm tin vào "hiệu ứng gây điên của mặt trăng", hay còn được gọi là "hiệu ứng Transylvania", vẫn tồn tại ở Châu Âu trong thời Trung Cổ, khi người ta tin là người có thể biến hóa thành sói hoặc ma cà rồng trong những đêm trăng tròn.

Theo truyền thống Aristotle phân tích sự việc theo quan điểm sinh lý học, thiên tài là do một thứ “định mệnh tàn khốc theo riết bên mình”của con người, nhất là đối với các nhà thơ nhà văn, như nhà thơ người Anh Lord Byron đã từng nhìn nhận "Chúng ta là những người điên cuồng.”  Người bị bệnh tâm thần được cho là có khả năng nhìn thế giới theo một cách mới lạ và nguyên thủy; theo nghĩa đen, để thấy những thứ mà người khác không thể. Hàn Mặc Tử (1912-1940) của chúng ta là một minh chứng hùng hồn nhất. Có thể kể thêm nữa là Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Charles Dickens, Leo Tolstoy, Ernest Hemingway, Marquis de Sade, Edgar Allan Poe, Virginia Woolf và nhiều nữa. Chính vì vậy mà nhà văn nữ đương thời Cornelia Funke nổi tiếng người Đức cũng từng mỉa mai bảo đại khái rằng “Bộ lạ lắm sao? Tất cả nhà văn đều là khùng cả mà!”

Người Tây phương ngày xưa tin rằng nếu người nào trong lúc ngủ mà bị ánh sáng trăng rằm chiếu rọi thì sẽ bị ảnh hưởng đến tâm thần. Vì vậy họ phủ màn cửa sổ, kỵ để ánh trăng chiếu rọi vào phòng ngủ. Dân gian thường diễn giải các hiện tượng siêu nhiên một cách đơn giản. Gặp một chuyện gì đó xảy ra có vẻ bất bình thường không thể hiểu, không thể giải thích thỏa đáng, họ thốt lên: “There must be a full moon out there.” (Ngoài trời chắc trăng đang tròn đó).

Inline image 3

Hàn Mặc Tử thì chẳng những không tránh né trăng mà còn mê trăng hơn tất cả mọi người. Trăng như một thứ định mệnh gắn kết với nhà thơ, lẫn trong máu huyết. Với chàng, trăng thực sự trở thành biểu tượng của một sự thác loạn tâm hồn, biểu tượng của sự đau khổ uất ức đày đọa đến tuyệt đỉnh vực thẳm trầm luân. Chàng đã hóa điên vì trăng nhưng chính vì vậy mà chàng mới xuất thần để lại cho đời những vần thơ bất tử. Chàng viết: "Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và nghĩa là tôi mất trí, đã phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú." Nàng nào đánh chàng? Đó là những nàng Minh Nguyệt, Hằng Nga của Việt Nam và những nàng Luna, Selene hoặc Selena, Diana, Cynthia và Phoebe (đều được dùng để chỉ mặt trăng). Theo chàng nghĩ, nếu chưa mất trí, chưa điên, chưa bị trăng đánh đau quá thì chưa biết thế nào là "đến gần đứt sự sống". Chàng viết: "Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn, điên đến gần đứt sự sống."

Trăng ám Hàn Mặc Tử quá nặng. Chàng viết: “Ta cắn thơ để máu trào. Ta há miệng cho hồn thơ trào vọt. Cười no nê sặc suạ cả mùi trăng…” Chàng làm thơ như một người điên; chất điên hiện diện khi nhiều khi ít bàng bạc trong khắp mấy trăm bài thơ của chàng:

Hồn tôi mớm cho tôi muôn ánh sáng
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng vàng ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.”
...
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
...
Thưa, tôi không dám say mê
Một mai tôi chết bên khe Ngọc Tuyền
Bây giờ tôi dại, tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian.
....
Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại rồ dại!
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta.
....
Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên
Trong thuyền mơ bỗng nghe ai đằng hắng
Thôi phải rồi đích thị tiếng ma điên.
.....
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến.
....
Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng
Cho ngây người mê dại đến tâm can
Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng
Mà muôn năm rướm máu trong không gian.
....
Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng,
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương.
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng,
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương.
....
Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng,
Chơi vơi trong khí hậu từng mây
Ánh sáng lại sẽ tan vào hư lãng,
Trời linh thiêng, cao cả gợi nồng say.
....
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực,
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!…
Ai tới đó chẳng mê man thần trí,
Toà châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang.

Nếu bạn và tôi làm thơ viết văn không hay như Hàn Mặc Tử thì cũng đừng buồn; đó cũng vì chúng ta chưa bị trăng ám đến mức điên mà thôi.

Phan Hạnh.

Không có nhận xét nào: