Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Sống chậm ở miền đất Phật

Cái cảm giác bị nhìn vừa lom lom như oán trách kẻ quấy rầy (!), vừa như thở dài thương xót đám khách đến từ một xứ sở giao thông bát nháo (!) đã khiến chúng tôi, từ bấy, không bao giờ dám bóp còi trên các cung đường bình yên của nước bạn Lào. Ở đó, họ bao giờ cũng đi đúng phần đường của mình, đúng tốc độ quy định, với một nề nếp tự nguyện hoàn toàn. Dường như ý thức giao thông đã đi vào trong máu của họ. Nhường đường một cách chuyên cần, tuyệt đối không tạt đầu, đánh võng.<!>
Từ Hà Nội “nhảy” vào các cung đường rừng núi, rồi cố đô Luang Pra Băng của Lào, chúng tôi nghe rõ cảm giác sung sướng vì nhàn hạ khi lái xe rồi sự khâm phục ý thức giao thông đầy nhân ái của đất nước theo đạo Phật đó...
Nếu như Viên Chăn, thủ đô của Lào, cũng đông đúc, bụi bặm, tắc đường, dở dang đại công trường như Hà Nội, thì Luang Pra Băng (cách Viên Chăn 425km) như là một cõi dành riêng cho người ta đi du lịch, du hí, cho du khách nước ngoài.. Sách, báo, tạp chí, cả trên mạng internet và nhiều thông tin chính thống đều bầu chọn Luang Pra Băng là thành phố được bảo tồn tốt nhất Đông Nam Á, tất nhiên là dưới sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Âu châu. Nó cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là: tại sao thành phố được bảo tồn tốt nhất Đông Nam châu Á đó lại không nằm ở một đất nước ngoài Lào, như Việt Nam chẳng hạn?
Thật khó và thật tế nhị để đưa ra câu trả lời. Nhưng đúng là thật khó để kiếm được một thành phố du lịch mà người dân thật thà, dịu dàng, ứng xử êm đềm một cách thường trực như Luang Pra Băng. Không tắc đường, không gặp bất cứ cái cau mày nào của bất cứ người bán hàng, người phục vụ, người làm dịch vụ nào trong suốt 1 tuần chúng tôi lưu lại Luang Pra Băng.
Thành phố nép mình bên bờ hai con sông, sông Mê Kông rộng lớn, sông Nậm Khan êm đềm. Bên kia sông, xóm làng còn tre pheo, dừa nước, đò ngang mỏng mảnh. Bên này, là thế giới của du khách đến từ năm châu bốn biển, những người được tôn trọng như là một phần nguyên nhân của sự thịnh vượng và quyến rũ trên cố đô nước Lào.
Song cham o mien dat Phat - Anh 2
Các khu phố cổ được bảo tồn công phu. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán ăn được bố trí bám theo hai bờ sông Mê Kông và Nậm Khan, hầu như du khách nào cũng có thể tìm được một khách sạn nhìn ra sông (và đều mang tên River Side - ven sông), một quán ăn sát mép sông, trong gió lồng lộng.
Những cây cổ thụ bên bờ Mê Kong cũng là một “đặc sản” độc đáo của Luang Pra Băng. Cây lớn, dáng cây sà xuống mép nước sàng sê, cây ký sinh leo bám chằng chịt, xanh rì, như một lớp lông lá kỳ dị cho hàng trăm cành nhánh của mỗi tàng cây. Mùa về, mầm non, sắc lá vàng rực, óng ả mê hồn. Hình như lối sống nhân hậu, sự tôn trọng du khách (không láu tôm láu cá hay đeo bám lật lọng “khai thác du khách” nhằm kiếm tiền bằng mọi giá) đã ăn vào máu mỗi người dân ở cố đô Luang Pra Băng.
Không phải không có tràn lan những cửa hàng bán vòng, nhẫn, dây chuyền bằng bạc… giả, bạc mỹ ký, bạc đồ lưu niệm. Không phải không có những người đàn bà đem những coong khẩu (giỏ) xôi dền dứ trước mặt, rao bán cho du khách để khách ngồi vỉa hè làm người đem đồ dâng cho dòng chảy bất tận các nhà sư áo vàng cam đi khất thực buổi sáng.
Không phải không có mời mọc trong những em, những chị bán hoa, bán chim phóng sinh ở ven các ngôi chùa, các quả đồi chờ đón bình minh và hoàng hôn ở trung tâm thành phố. Nhưng, tất cả đều nhẹ nhàng, từ tốn, tôn trọng du khách. Có khi, chúng tôi đem ra cửa hàng giặt quần áo thuê, mang cả ba lô quần áo ra rồi thanh toán tiền dịch vụ theo ký-lô, bỗng thấy thiếu mấy cái áo, quần. Sáng ra, đã thấy ông chủ tươi cười đưa cho một bọc, kèm theo lời xin lỗi là cháu nhà tôi nó là xong xếp thiếu, chỗ quần áo này chúng tôi chưa cân lên tính tiền, nay tôi trả lại, tôi xin lỗi và tôi xin thêm tiền công giặt là cho chỗ quần áo này!
Có khi vào quán có tầm nhìn đẹp nhất ven sông Mê Kong, yêu cầu dọn chỗ đỗ xe, ổn định chỗ ngồi với đệm mút và thảm chùi chân rồi, nhưng khi xem thực đơn thấy không phải món khoái khẩu theo cung cách người Việt, khách chào chủ nhà rồi bỏ đi, họ vẫn vui vẻ và thậm chí bảo cứ đỗ xe trước cửa nhà tôi mà đi tìm… quán khác.
Ôi, giản dị vậy, mà ai trong chúng tôi cũng đều phải nắc nỏm, “phi vụ” này, ở Việt Nam, có chín kiếp nằm mơ cũng không bao giờ được… nghe thấy. “Có khi mụ chủ Việt nào đó còn chanh chua tới mức, xòe diêm Thống Nhất, vo giấy lộn châm lửa bùng bùng rồi luồn qua… háng đốt vía ấy chứ” - một người đang xúc động vì những chủ quán ở Luang Pra Băng dịu dàng bỗng dưng cay đắng nhớ các khu du lịch quê nhà.
Luang Pra Băng có tới 40 ngôi chùa. Cổ nhất là chùa Xiêng Thong, được xây dựng vào thế kỷ 14. Trước kia, Luang Pra Băng từng là kinh đô của một vương quốc tên Lan Xang (“Vương quốc Triệu Voi”), suốt từ thế kỉ 14 đến năm 1946.
Song cham o mien dat Phat - Anh 3
Trước năm 1975, Luang Pra Băng vẫn là thủ đô Hoàng gia, trung tâm của Vương quốc Lào; nay là tỉnh lỵ của tỉnh Luang Pra Băng. Bảo tàng Hoàng Cung cũng là một điểm đến không thể thiếu, khi bạn đến Luang Pra Băng. Từng nhiều đời là thủ đô của Vương quốc Triệu Voi, đến Luang Pra Băng, du khách thật khó để không đến thăm những làng thuần dưỡng voi rừng, đem voi ra phục vụ khách du lịch, ngay bên bờ Mê Kong cuộn xiết. Những ngôi chùa cổ, đường dẫn lên và dẫn xuống chùa rợp bóng cây cổ thụ. Chùa dựng trên thế đất cao, ở đó, bao quát toàn thành phố, phóng tầm mắt ra Mê Kong, thấy máy bay của Việt Nam vẽ biểu tượng hoa sen, máy bay của Lào mang hình hoa Champa cứ lên và xuống như mắc cửi dưới chân mình. Thác Quang Si trắng xóa từ trên đỉnh trời giót xuống, với nhiều tầng nước cao vợi như Thác Bản Giốc ở Việt Nam, nước tràn ba bề bốn bên, phủ lan man khắp cây rừng, rêu xanh, núi thắm. Thác nước lồng trong mây.
Nhìn đoàn du khách tung hoành dưới làn nước, nhìn hàng chục Tây ba lô vẫy vùng thỏa thích ở cái nơi rừng và thác đưa con hầu như trở lại tuyệt đối với cảm giác nguyên thủy nhất, được hòa mình đến tận cùng vào thiên nhiên thế này, khó ai không nghĩ rằng, mình cũng cần phải mặc bikini và nhảy thác, đu dây, leo cây, buông mình. Rồi mỗi người mấy lọn vải che thân, vui vầy thỏa thích với không gian của rừng già, dây leo, suối treo, thác sâu, rừng thẳm. Chỉ là một cây cổ thụ chạt mình ra chân thác, chỉ là một sợi dây để đu rồi buông tay rơi tõm vào làn nước trắng xóa, chỉ có vậy thôi, mà không ai đến Quang Si không muốn “thực hiện” một vài lần. Có một không gian an lành, được bảo vệ tuyệt đối, được chăm sóc tôn trọng thiên nhiên, cho du khách cảm giác thoải mái hòa mình vào đất trời nhất…, nếu người tổ chức du lịch làm được những điều đó, chẳng khách nào còn chút lăn tăn cho việc móc hầu bao ra mua cảm giác tuyệt vời đó.
Dường như, ở Quang Si, người Lào đã cho chúng tôi thấy rõ bí quyết phát triển du lịch của bạn nằm ở đâu. Và các điểm du lịch ở Việt Nam đang thiếu cái gì. Luang Pra Băng hấp dẫn khách du lịch nước ngoài, bởi ở đó hội tụ đủ trò mà một người đi nghỉ dưỡng, khám phá các miền đất lạ đang cần.
Thăm 40 ngôi chùa cổ, thăm bảo tàng Hoàng cung, ngắm các nhà sư đi khất thực, thăm hang động dọc sông Mê Kong cùng các ngôi đền cổ trên vách núi đôi bờ, đi thuyền kyak, thăm hang động, leo núi, đạp xe đạp giữa tươi xanh, lái ô tô địa hình qua các cánh rừng già hiểm trở, cưỡi voi nhà, thăm các “làng gái đẹp”, từng là nơi dâng hiến nhiều cung tần mỹ nữ cho hoàng cung; đến Luang Pra Bang có thể đi máy bay, đi thuyền, đi đường bộ từ các hướng, chỉ cách thủ đô Viên Chăn có hơn 400km đường chất lượng cao.
Chúng tôi bất ngờ gặp một ngôi chùa Lào do người Việt trùng tu, mang tên di tích quốc gia nổi tiếng “Chùa Phật Tích” của Việt Nam ngay trên cố đô Luang Pra Băng của Lào… - là một bất ngờ thú vị.
Song cham o mien dat Phat - Anh 4
Chùa, có từ 600 năm trước, có cả cây đa mang từ Ấn Độ về, do đích vị thân hoàng thân nước Lào trồng. Trước, chùa có tên Lào, dịch ra tiếng Việt là "Chùa Bàn Chân Phật", vì chùa ở sát mép nước sông Mê Kong, ở đó có một cái am khoét sâu vào lòng núi, có hằn in bước chân của Đức Phật.
Đến năm 1959, một nhà sư người Việt sống tại Luang Pra Băng cùng bà con người Việt đã đứng ra xin với Nhà nước Lào cho phép trùng tu lại thật khang trang, mang tên chùa Phật Tích, một di tích quốc gia nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh, của người Việt Nam.
Nhà sư trụ trì hiện nay là Thích Kiến Phùng, tuổi đã cao, là người họ Lê, gốc Việt, cụ thân sinh ra thầy Phùng đã sang Lào từ thời thuộc Pháp. Câu chuyện của chúng tôi trong chiều muộn, khi nắng quái nhuộm tím sẫm chân trời Luang Pra Băng và dòng nước Mê Kong chảy sát mép khuôn viên chùa Phật Tích.
Gần hai chục nhà sư trẻ ở chùa, đều là người Lào. Khuôn viên của Phật Tích này trên quả gò cao, cách mép nước Mê Kong chỉ mấy chục bậc cầu tam cấp xây bằng bê tông đã xanh rì rêu tảo, cây cổ thụ um tùm của chùa Phật Tích đổ bóng xuống dòng sông huyền thoại... Xiết bao sự dịu dàng được sinh ra từ một miền đất Phật dịu dàng.
LÃNG QUÂN

Không có nhận xét nào: