Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Trong, đục ao nhà (Kỳ 1) By Huy Phương - August 20, 2017 (tiếp theo là kỳ 2, 3 và 4)

Đón Giao Thừa ở chùa Huệ Quang, đêm 30 Tết mỗi năm.
Đón Giao Thừa ở chùa Huệ Quang, đêm 30 Tết mỗi năm.
Trên đất nước Hoa Kỳ, hiện nay có gần 1.8 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống, chiếm một nửa tổng số người Việt sống ở ngoại quốc. Thành phố đông di dân người Việt nhất là San Jose với 106,379 người, và thứ nhì là Garden Grove với 52,025 người. Người Việt đến Mỹ trong nhiều đợt, – hoảng loạn trước và sau ngày Saigon thất thủ, – những đợt vượt biển nguy hiểm, đầy sóng gió, chết chóc kéo dài trong vòng 25 năm, – đợt tù nhân tập trung “cải tạo” được Hoa Kỳ can thiệp cho nhập cư Mỹ, – đợt tìm về quê cha của những trẻ em lai Mỹ, – và 10 năm sau đợt người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, một số đông gia đình được đến Mỹ, trong diện bảo lãnh thân nhân.
<!>
Báo Thanh Niên trong nước đã đặt câu hỏi, có lẽ cho cả người Việt trong và ngoài nước: “Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?” 
Đón Giao Thừa ở chùa Huệ Quang, đêm 30 Tết mỗi năm.
Về mặt tích cực, người Việt tại Mỹ, trong nhiều năm qua đã hòa đồng được với xã hội mới, sinh hoạt đi vào dòng chính của đất nước này, nếu so với người Việt hiện nay đang ở các quốc gia tự do khác như Úc, Canada hay ở Âu Châu. Trong 40 năm qua chúng ta có gần 50 vị dân cử gốc Việt. Người Việt có thượng nghị sĩ tiểu bang, dân biểu tiểu bang, dân biểu liên bang, phụ tá bộ trưởng, thị trưởng. Trong quân đội chúng ta có tướng hai sao (Lương Xuân Việt- Phó tư lệnh Quân đoàn 8 Hoa Kỳ đồn trú tại Nam Hàn) và một sao (Châu Lập Thể, thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia) và nhiều sĩ quan giữ các cấp chỉ huy cao cấp.
Phía tư pháp chúng ta có phụ tá Bộ Trưởng, một số chánh án cấp tiểu bang, liên bang.
Cộng đồng người Việt Nam trên đất Mỹ thường được dân địa phương khâm phục hai điều, đó là học vấn và thương mãi. Nhiều người Việt đã làm chủ nhiều cơ sở thương mãi, có người là triệu phú và tỷ phú Mỹ.
Về mặt tiêu cực, trên hệ thống VietNamNet ở trong nước, cho rằng, người Việt Nam sinh sống ở Nhật, ở Nga, ở Anh, ở Úc, ở Nam Phi, ở Mozambique và ngay cả ở California, đã trình bày những mẩu chuyện về người Việt đọc xong chỉ muốn “độn thổ,” với bao nhiêu thói hư, tật xấu khác của người Việt từ trong nước đến như trộm cắp, gian dối, đái bậy, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, ăn uống thô tục, tranh giành, chen lấn nơi công cộng, không biết nói cảm ơn, xin lỗi khi cần.
Một người Việt làm nghề thông dịch cho tòa án và cảnh sát ở Úc, cho biết phần lớn thủ phạm ăn cắp trong siêu thị và trồng cần sa trong nhà là những người Việt mới định cư, đặc biệt những người từ Bắc Việt Nam và du học sinh. Mỗi lần người này đi thông dịch là anh ta khổ tâm vì cảm thấy nhục nhã cho dân tộc mình.
Nói về người Việt trên đất Mỹ, gần đây báo chí trong cộng đồng ở đây đã trở lại những bài báo than phiền về lối sống thiếu văn hoá trong cộng đồng người Việt. Và chúng ta cũng biết rằng, người Việt hải ngoại chưa học hết  chuyện văn minh của nước Mỹ, thì đã được hấp thụ lối văn minh “ao nhà” mỗi ngày mỗi nhiều từ những đợt người trong nước mới du nhập vào nước Mỹ gần đây!
Vậy thì trong chuyện đời thường, đây cũng là vấn đề nên đặt ra, không phải để “vạch áo cho người xem lưng” mà để xây dựng cho cộng đồng này mỗi ngày một lành mạnh, tốt đẹp hơn.
Đường phố và nơi công cộng.
Ở những thành phố đông người Việt tại California như Westminster, Garden Grove, hay San José, người địa phương sống lâu với không khí này đã quen, nhưng những người Việt từ các tiểu bang khác về chơi, đã nhận xét, người Việt ở Cali lái xe đã ẩu, lại không biết nhường đường, khi va chạm thì hay giận dữ chửi thề hoặc to tiếng.
Thường khi chúng ta đang lái xe trên đường, thấy một người đang lái xe trong một khu siêu thị hay gia cư muốn ra đường, chúng ta lịch sự đứng lại và nhường đường cho họ. Nhưng người Việt ở đây, ít khi đáp ứng lại thiện ý của bạn, để đưa một bàn tay lên tỏ dấu cám ơn, hay nở một nụ cười đáp lễ, phần lớn coi như bạn phải có bổn phận nhường đường cho họ, tay họ bị tê liệt và các bắp thịt trên mặt người cứng đơ.
Khu Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa.
Khu Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa.
Cứ đẩy cửa vào khu mua sắm lớn nhất của Nam Cali là Phước Lộc Thọ thì cũng hiểu người ở đây lạnh lùng đến mức nào! Người đi trước bước khỏi cửa, chẳng buồn nhìn lại sau mình, có ai theo vào không, nên thản nhiên thả cánh cửa đóng lại, nếu có ai vỡ mặt hay u đầu thì cũng ráng chịu, không bao giờ nghe được một lời xin lỗi. Nếu bạn làm người tử tế, đỡ cánh cửa cho người đi sau mình, thì người kia cũng chẳng buồn ngước mắt nhìn bạn, thản nhiên để cho bạn đang đứng đỡ cánh cửa như là một bổn phận thiêng liêng, cũng chẳng buồn nhếch mép nói một lời cám ơn.
Có một lần tác giả bài này đang xô cánh cửa bước ra, thì phía ngoài đã có một cánh tay thiện chí, dịu dàng đang đỡ cánh cửa giùm. Trong một thoáng, tôi cảm động đến đỗi muốn trào nước mắt, nghĩ rằng trên đời này ít ra cũng còn những con người tử tế như thế. Nhưng tôi đã lầm. Vừa bước ra cửa, một người thanh niên đã đứng sẵn hồi nào phía ngoài, đỡ cánh cửa cho tôi, chìa bàn tay đen đủi của y ra:
– Chú cho con một đồng ăn cơm!
Chợ Việt – Chợ Mỹ
Chợ là nơi cư dân phải tiếp xúc thường ngày cho nhu cầu nấu nướng ăn uống trong gia đình. Ðiều cần nói ngay là chợ Việt không sạch, không thơm bằng chợ Mỹ. Các cô bán hàng không lịch thiệp vui vẻ bằng chợ Mỹ. Thịt cá rau củ không tươi bằng chợ Mỹ.
Nhưng với khẩu hiệu “Ðồng hương phục vụ đồng hương” và “Ta về ta tắm ao ta”, lẽ cố nhiên chúng ta, những người Việt trên đất Mỹ phải chọn đi chợ Việt. Thứ nhất, dù các cô thu ngân có mang bộ mặt “mất sổ gạo” thì cũng dễ ăn dễ nói, dễ “giao lưu”. Thứ hai, là giá rẻ so với chợ Mỹ, chợ Tàu, chợ Ðại Hàn, chợ Trung Ðông… Vả lại, có những món mà chúng ta chỉ tìm thấy ở chợ Việt như chai nước mắm, hũ mắm nêm, bình mắm tôm, bó rau tía tô, gói gia vị nấu bún bò.
Ngay cái xe đẩy trong chợ Việt Nam, chúng ta cũng bực mình gặp toàn thứ xe cũ kỹ, đôi khi rỉ sét, đẩy đi có khi rất nặng nề khó khăn, có khi không đi thẳng được vì bánh xe bị lệch, trong khi các ngôi chợ khác, có những loạt xe mới, còn bóng loáng và được thay đổi qua một thời gian. Ngôi chợ Mỹ luôn luôn có “janitor” túc trực, nên sàn nhà luôn luôn sạch sẽ.
Thu ngân viên tại những ngôi chợ này luôn luôn mặc đồng phục có mang logo của chợ hay công ty, chào hỏi, vui vẻ nhã nhặn không như các “đồng hương” của chúng ta, không dấm dẳn thì cũng lạnh lùng như “cô ký điệu” cầm đầu gôm của cây bút chì gõ vào màn ảnh computer, gạt các món hàng cho người gói hàng, và chỉ cho chúng ta số tiền phải trả trên màn ảnh. Hình như  các cô không có hai món, chào hỏi và nụ cười là hai thứ trời ban cho con người.
Như vậy, trước khi được thu nhận vào làm trong các ngôi chợ này, các cô không được huấn luyện và chủ chợ cũng chẳng hề quan tâm.
Nhìn chung về khách hàng, mặc dầu chợ Việt mở ra rất nhiều, nhưng vẫn luôn luôn đông người mua, phải nói là tấp nập, bận rộn, có khi trả tiền phải nối hàng dài chờ đợi, xe nào cũng hàng chất đầy ắp thực phẩm. Ðiều này chứng tỏ các chợ Việt đắt hàng hơn, lợi tức nhiều hơn, nhưng nhìn vào sự trình bày các quầy trả tiền, việc thuê mướn nhân viên, phẩm chất hàng hoá, lợi tức chợ Việt hẳn phải cao hơn các công ty chợ Mỹ. Như vậy, tính cách “phục vụ” không quan trọng bằng lợi nhuận!
Người Việt chúng ta bản chất là “xuề xoà,” dễ dãi nên cũng không ai quan tâm, than phiền hay “phản ảnh” với chủ chợ. Ðặc tính này làm cho những ngôi chợ Việt trong vùng càng ngày các xuống cấp, kể về hai mặt, tổ chức và sự giao tiếp với khách hàng.
Ðiều bình thường ở một ngôi chợ Mỹ, Ðại Hàn… hoá ra bất bình thường ở một ngôi chợ Việt, bỗng một hôm, chúng ta được một cô bán hàng “đồng hương” nở một nụ cười, chào hỏi lịch thiệp làm cho chúng ta cảm động vô cùng, vì chưa bao giờ được đối xử như vậy.
Phía ngoài một khu chợ người Việt tại Little Saigon.
Phía ngoài một khu chợ người Việt tại Little Saigon.

HP

Trong, đục ao nhà (Kỳ 2)

 
Inline image 3
Trong bãi đậu xe
Cũng là người Việt Nam, nhưng khi ta ở ao nhà, chúng ta thường có cách xử thế khác với khi chúng ta đang ở đất người. Cũng một con người đó, khi ở khu chợ Việt thì thản nhiên quẳng tàn thuốc xuống đất hay thuận tay vứt một miếng giấy nhỏ xuống đường, nhưng ở khu Chợ Mỹ thì ông ta đi tìm cái thùng rác.
Người Việt chúng ta trong bãi đậu xe khu chợ Việt, có ít người đi kiếm chỗ dành cho “shopping cart,” mà sau khi chất thực phẩm lên xe, thản nhiên dúi cái xe vào đầu xe người khác, hay bỏ xe sát giữa hai xe đang đậu, thậm chí còn quẳng cái xe sau đít xe thiên hạ.
Vì vậy đôi khi chúng ta đến một cái chỗ trống, nhưng nằm ngay ở đó là một cái xe đẩy hàng, chúng ta phải xuống xe giữa đường để đẩy cái xe đang nằm chơ vơ ở đó đi chỗ khác.
Ở khu chợ nào, dù Việt hay Mỹ, trong khu parking, người ta vẫn thường dành chỗ cho những chiếc xe đẩy hàng, nhưng không như trong các khu Mỹ, người mình hay ngại đẩy trả cái xe về nơi “chỉ định cư trú” cho nó, tiện đâu vứt đó.
Trên chiếc xe để lại cho người đến sau, còn có cái biên lai của chợ, cái bao ny-lông rách hay một ly cà phê đã uống xong, cái vé số cạo (xong) để dành cho người sau vứt giùm người đã dùng xe trước.
Trong những khu chợ có quán cà phê, thường là những nơi có rác nhiều nhất: tàn thuốc, bao thuốc, ly giấy, ly nhựa, có khi là một vài cái vé lotto… Ở chỗ máy ATM của nhà băng trên đường Brookhurt, Westminster, rất nhiều người sau khi rút tiền, không chịu nhặt cái “receipt” mang theo mình, lại thuận tay nhét cái mảnh giấy nhỏ này vào lại cái lỗ “deposit.” Quá nhiều người làm như vậy, nên trước máy ATM, lúc nào cũng đầy rác rưởi. Lý do cũng vì người quản lý nhà băng này, thấy không cần thiết để một cái thùng rác ở đây. Trong các khu chợ “ao nhà,” các chủ nhân thường dè sẻn, ít sắm những thùng rác cho khách hàng, vì vừa tốn tiền mua, tốn công thay bao rác hàng ngày và cuối cùng là phải thuê người đi đổ rác.
Đồng hương phục vụ… đồng hương!
Cộng đồng sắc dân nào cũng có tệ nạn. Ông Michael J. Cassidy, một vị chánh án của Quận Cam, nơi có con số người Việt định cư cao nhất, nói rằng hầu hết những thanh niên băng đảng đều nhỏ tuổi là những thuyền nhân vượt biển đến Hoa Kỳ sau năm 1977. Họ nghèo khổ, sống đơn độc, không có gia đình, không biết tiếng Anh, khó khăn trong chuyện kiếm được việc làm tốt.
Cách đây gần 20 năm, khi Quận Cam còn nhiều băng đảng người Việt, khi làm ăn đều nhắm vào những gia đình “đồng hương” là nơi dễ tiếp cận, dò xét đường đi nước bước, dễ trấn lột hơn là nhắm vào gia đình những người Mỹ ở địa phương.
Cảnh sát điều tra thành phố San Jose vào tháng 8-2016 đã mở chiến dịch “Gang of Thrones” thực hiện truy quét, đột kích một băng đảng có tổ chức người Mỹ gốc Việt tại đây và bắt giữ gần 20 người, kể cả một cảnh sát viên ở San Jose, cùng với số lượng lớn ma túy, vũ khí, máy đánh bạc và một con cá sấu. Ðây là một băng đảng có mạng lưới tinh vi với các hoạt động cờ bạc, tống tiền, buôn bán ma túy tại một số các quán cà phê Việt nằm rải rác khắp thành phố.
“Ðồng hương phục vụ… đồng hương!” là một khẩu hiệu trên báo chí, trên đài truyền hình, đài phát thanh để quảng cáo cho các dịch vụ, từ một hiệu sửa xe hơi cho đến một tiệm bán điện thoại, nhưng sự thật lại khác.
trong-duc-aonha-02
Trước tháng 4-1975, người Việt Nam ở Mỹ hầu hết là sinh viên du học, các cô dâu Việt theo chồng là quân nhân Mỹ hồi hương, con số vỏn vẹn không đến số nghìn, cho nên đồng hương gặp nhau trên xứ người là điều hiếm hoi, quý báu. Ngay cả lúc có phong trào vượt biển, ở các tiểu bang miền Ðông còn thưa thớt người Việt, nên người Việt gặp người Việt, tình nghĩa còn đậm đà, họ kết bạn, cũng là những kẻ ly hương, lui tới thăm nhau cho bớt nỗi nhớ nhà. Muốn mua một chai nước mắm, bao gạo, phải chạy xe năm bảy mươi dặm, nhưng thăm bạn bè cũng không tiếc thời gian.
Cái gì ít ỏi, thiếu vắng mới quý, ngày nay có hơn 1.8 triệu người Việt trên xứ Mỹ. Người Việt bỏ nước ra đi trong nhiều đợt, – hoảng loạn trước và sau ngày xe tăng Bắc Việt vào Saigon, – những đợt vượt biển nguy hiểm, đầy sóng gió, chết chóc kéo dài trong vòng 25 năm, – đợt tù nhân tập trung “cải tạo” được Hoa Kỳ can thiệp cho nhập cư Mỹ, – đợt tìm về quê cha của những trẻ em lai Mỹ, – và 10 năm sau đợt người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, một số đông gia đình được đến Mỹ, trong diện bảo lãnh thân nhân.
Thành phố San José (Bắc Cali) và Garden Grove (Nam Cali) là hai thành phố đông người Việt nhất, có nhiều vị dân cử, khoa bảng, nhưng ở đây cũng có nhiều tệ nạn. Thành phố Garden Grove có gần 48,000 người Việt trên 175,000 cư dân, nhưng con số tội phạm chiếm 25%.
Chúng tôi đã nghe nhiều người Việt ở các tiểu bang miền Ðông, gọi những nơi này là chốn “gió tanh mưa máu,” vì là nơi có nhiều băng đảng, tội phạm, lừa đảo, cũng là nơi cộng đồng chia rẽ, thậm chí có người đặt vè:
“Bolsa đất chật người đông,
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”
Trên báo chí trong những năm gần đây không thiếu những người sa lưới pháp luật vì lường gạt “đồng hương,” vì chắc chắn, vì đồng ngôn ngữ, tin tưởng nhau là người Việt với nhau nên nhẹ dạ cả tin. Không nghe nói một người ngoại quốc nào bị người Việt lường gạt, cũng không nghe nói một gia đình Mỹ nào ở đây bị băng đảng người Việt cướp bóc. Có những công ty ma, nhận tiền sửa nhà, xây cất công trình cho nhiều gia đình người Việt, nhưng quá hạn, tìm đến thì người nhận tiền đã cao bay xa chạy, trong khi nhà cửa nạn nhân đã tháo dỡ, ngổn ngang chờ thợ đến sửa.
Về những vụ ăn cắp vặt vãnh thì không thiếu. Ông Nguyễn Thanh Hồng, cư dân thành phố Westminster, bị trộm cắt hàng rào, bưng đi những cây kiểng đắt tiền trong hai cuối tuần liên tiếp. Ông đã than thở với một phóng viên của nhật báo Người Việt, nhưng cuối cùng Tết năm vừa qua, nhà phóng viên này lại bị kẻ gian nhảy qua hàng rào bê đi mấy chậu hoa. Kẻ gian không chọn nhà Mỹ, sợ bị ăn đạn, và bạn có nghĩ rằng khi nhà mất đi mấy chậu hoa chưng Tết, có cần thiết phải đi báo với cảnh sát cho lôi thôi không?
Ông Hồ Triết, ở thành phố Garden Grove, nói chắc nịch:
“Kẻ gian là người Việt mình, người Mễ không có ăn cắp vặt như vậy. Vô gia cư thì không hẳn, nhưng dạng gần giống như vậy. Họ cũng có gia đình, cũng có con đi học hành đàng hoàng, nhưng có lẽ do cờ bạc hay sao đó, không có tiền nên đi vòng vòng ăn cắp vặt như vậy. Nhà tôi thường trồng thanh long, ổi, nhãn, táo Tàu… nên có trái cây gì thì họ lấy trái đó. Tôi từng hỏi một người sao biết nhà Việt Nam mà vô hái, họ cho biết phần lớn nhà Việt Nam mới trồng thanh long.”
Kẻ cắp người Việt công khai, không những leo vườn hái trái cây, mà có khi chặt cây hoặc bưng nguyên chậu. Khi bắt gặp những người Việt này, họ ngang nhiên nói họ chỉ  vô vườn xin hái ít trái cây thôi, “gì mà la lối dữ vậy!”
Kẻ gian người Việt rành tâm lý,  biết người Việt không dám dùng súng, bản chất xuề xoà, mọi sự đều cho qua!
Một người đàn ông gốc Việt, Nguyễn Gia Phong – 32 tuổi ở thành phố Westminster, đã quảng cáo trên Craigslist, nhận vơ là chủ những căn nhà không phải của mình ở Huntington Beach, quảng cáo có phòng cho thuê, nhận tiền cọc và tiền nhà tháng đầu tiên của 8 người mướn, đã bị ra toà với tội danh trọng tội ăn trộm vì lừa đảo. Số tiền đồng hương bị lừa đảo này lên đến $15,000. Người Việt dễ tin người, và khi xảy ra sự việc thì thà chịu mất tiền, hơn là thưa gởi phiền phức, theo quan niệm “vô phúc đáo tụng đình” của người Việt.
Những vụ giật hụi, quỵt nợ, trộm tiền mặt vẫn thường xảy ra trong cộng đồng người Việt, nhưng không ai bị xét xử, vì nạn nhân là những gia đình có trợ cấp tiền mặt của chính phủ, dành dụm tiền không khai báo, nên khi bị lường gạt, đành phải im hơi lặng tiếng.
Ở khu Phước Lộc Thọ, Bolsa hay Century Mall, San Jose mua bán còn nói thách, trả giá như ở Chợ Bến Thành hay Ðồng Xuân, và có điều chắc chắn là hàng mua từ các cửa hàng “đồng hương”người Việt rồi, khó lòng đem trả lại dễ dàng như ở các  tiệm Mỹ trên đất Mỹ.
trong-duc-aonha-03
HP

Trong, đục ao nhà (Kỳ 3)

 
Chờ ăn và tiệm ăn ở Bolsa
Nếu so sánh chuyện ăn uống ở hai thủ đô tị nạn đông người Việt nhất nước Mỹ là San Jose (Bắc) và Westminster- Garden Grove (Nam Cali) thì ở phía Nam thức ăn ngon hơn và rẻ hơn. Tôi đã ăn một tô mì ở San Jose với giá $12.00 trong khi ở Westminster chỉ phải trả $8.00, và ở San Jose không tìm ra một tô phở giá $6.45 như những tiệm phở có tên Quang Trung ở phía Nam.
Trong thương trường không có cạnh tranh thì không có phẩm chất cao và giá thành hạ. Ðược lựa chọn, khách hàng sẽ chọn tìm chỗ ăn ngon và giá cả phải chăng, thêm vào đó là sự tiếp đãi và thái độ cư xử của nhân viên nhà hàng.
Nhiều bạn phương xa đến Little Saigon thường “than phiền” là được mời ăn tiệm quá nhiều, sau một tuần về nhà, bỗng tăng một đôi cân. Thật ra vùng Nam Cali không có gì hấp dẫn cho chuyện đi thăm viếng di tích hay thưởng thức phong cảnh, mà đậm đà nhất chỉ có chuyện… ăn. Bạn đến đây phải ghi nhật ký cho từng buổi sáng, buổi tối, ai mời ăn và ăn món gì, mời ăn ở đâu. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi ở đây có 10 tiệm cơm chay, 20 tiệm ăn Huế, 30 tiệm mì và 100 tiệm phở. Cũng có tiệm chuyên cơm, chuyên gà, chuyên vịt, chuyên cá hay chuyên ốc, lẩu!
Westminster, một thành phố giàu có và nhộn nhịp.
Westminster, một thành phố giàu có và nhộn nhịp.
Lẽ cố nhiên tiệm nào chuyên thì ngon, còn như “thập bát võ nghệ” trong một tiệm ăn, vừa bán bún bò, vừa có món phở, vừa có cơm, thì phở không ngon, mà bún bò cũng dở.
Một cô con gái ở xa về thăm mẹ ở Little Saigon “than phiền” bị mẹ cho ăn nhiều quá, bạn bè về đây thì được thù tiếp cho ăn mệt nghỉ.
Ở Little Saigon hàng quán đông nhưng khách ăn vẫn nườm nượp, nhất là về mùa Hè khách phương xa về thăm gia đình bạn bè, đi ăn cũng phải ghi tên, chầu chực có khi hơn nửa giờ đồng hồ mới được xướng danh, mừng hết biết. Có trải qua cảnh này mới thấy ông hầu bàn cũng quyền lực, mỗi lần ông xuất hiện y như cả chục đôi mắt nhìn chòng chọc vào như nhìn cô ca sĩ mới xuất hiện trên sân khấu. Ông không mời mà ra lệnh, vì tôi nghĩ ông cũng có chút quyền hành là cho phép người này, người kia được phép vào… ăn!
– “Minh, hai người vô đi!”
– “Oanh, năm người!”
Giá như mà nhà hàng tổ chức lấy số như ngày xưa ở Việt Nam chúng ta lấy số ở phòng mạch bác sĩ, hay như ở Mỹ này lấy số ở hàng cá, hàng thịt thì cũng đỡ, đằng này ông hàng phở cứ thẳng thừng mà xướng danh oang oang giữa chốn đông người.
Nếu chúng ta so sánh cách tiếp đãi của một tiệm ăn Mỹ và một nhà hàng ăn Việt trong vùng thì chúng ta thấy ngay sự cách biệt. Người Việt chưa học được sự văn minh, mềm mỏng mỗi khi phải tiếp khách. Thật ra không cần phải mặc cảm khi làm nhiệm vụ “bưng, bê” nhưng phần đông quý vị lớn tuổi, thường có mặc cảm “ta đây ngày trước cũng ra gì, nay vì hoàn cảnh phải đi… bưng” nên thường lên gân, cho rằng lễ phép, nhã nhặn với khách hàng là “yếu cơ!”
Ở tiệm Mỹ, tiếp viên nhiều khi phải quỳ xuống cho ngang với mặt khách để lấy order, nhã nhặn, quan sát nếu thấy khách đưa mắt hay vẫy tay đã biết ý đến bàn. Sau khi ăn xong, đồng tiền “tip” bỏ ra không tiếc.
Không như trong các nhà hàng Mỹ, tiền “tip” là tiền khách hàng để lại để đánh giá sự phục vụ của mỗi tiếp viên, nhưng ở xứ Bolsa này tiền “tip” nếu không vào túi chủ, thì cũng góp lại chia đều cho mọi người, kể cả chị nhặt rau, anh rửa bát hay ông canh nồi phở trên lò, kiểu cá mè một lứa. Do vậy, người tiếp khách không cần thiết phải hết mình, làm tốt làm xấu cũng được chia đều một số tiền như nhau. Tại Nhật Bản, đưa tiền tip cho người phục vụ ở bất cứ hoàn cảnh nào, bị coi là lăng nhục người đó, nhưng ở trong các nhà hàng Việt, quên bỏ tiền tip coi chừng sẽ bị lăng nhục.
Gần đây, nhiều khách hàng than phiền là bị gian lận bằng cách lấy tiền hai lần, hay tính thêm món ăn. Người Việt chúng ta hay sĩ diện, giành nhau trả tiền mà không cho người kia biết. Có lần, tôi là nạn nhân, khi lên gặp cô thu ngân, nói số bàn, đang móc tiền ra và cô thu ngân đang bấm máy leng keng, thì ông bạn chạy lên:
– “Moa trả rồi!”
Có khi nào chúng ta mời bạn đi ăn mà khi nhà hàng mang phiếu tính tiền tới, lại lẩm nhẩm cộng cộng trừ trừ  để mang tiếng là người bủn xỉn không? Nhưng nếu không kiểm soát lại, có khi bạn cũng bị “tính  nhầm”.
 Chuyện sạch – Chuyện dơ
Vào tiệm ăn, có hai điều chúng ta thường chú ý, đó là cái sàn nhà và phòng vệ sinh. Sàn  nhà thì phải đợi cuối ngày mới có người quét dọn, phòng vệ sinh chắc cũng phải đợi cuối ngày. Nhiều chủ nhân xem vệ sinh là chuyện chẳng cần, do đó phần lớn các quán ăn ở vùng tiểu-Saigon này có cái nhà cầu không thơm tho cho lắm.
Nói chuyện sạch dơ thì phải chú ý đến chuyện “bàn tay năm ngón.” Tôi đã trực tiếp chỉ cho chủ nhân một nhà hàng về chuyện đã trông thấy một anh chàng Mễ trong bếp hốt rau giá vào dĩa bưng ra cho khách bằng bàn tay trần của y. Chuyện này chắc chủ nhân đã trông thấy nhiều lần nhưng cho là chuyện nhỏ, nếu nghiêm khắc trong chuyện vệ sinh thì chắc không bao giờ có những người làm công sơ sót như vậy.
tieman-bolsa-03
Bởi vậy mỗi lần trông thấy hàng chữ  “Employees Must Wash Hands Before Returning to Work” dán trong phòng vệ sinh tôi lại ngờ vực vì có thể nhiều nhân viên nhà hàng không biết đọc tiếng Anh. Ở một tiệm phở, có lần tôi dùng phòng vệ sinh một lần với một nhân viên nhà hàng, khi xong việc cần làm, tôi thấy anh ta đi thẳng vào bếp, mà không làm cái việc ghi bằng tiếng Anh ở trên.
Một lần tôi vào một tiệm “điểm sấm to go” trên đường Bolsa để mua một vài món mang về nhà. Cô bán hàng rất lịch sự, mang găng tay cao su, bốc thức ăn để vào hộp cho tôi. Nhưng sau đó khi tôi trả tiền, cũng chính bàn tay mang găng đó, bấm hộc tiền, bốc tiền lẻ ra thối lại cho tôi. Thì ra cô nàng này sợ bẩn tay phải tiếp xúc với thức ăn và cả đồng đô la dơ bẩn, chứ không phải để giữ vệ sinh cho khách hàng.
Tôi nghĩ là chủ nhân nhà hàng ăn nên cho nhân viên mặc đồng phục hay mang apron (tạp dề) có logo nhà hàng. Có một lần, tôi vô ý ngoắc tay, khi thấy một anh chàng nào đó đang đứng lơ ngơ gần đó, để xin một trái ớt. Mặt khác, khi áo quần nhân viên phục vụ không được sạch sẽ tươm tất lắm, thì thức ăn dọn ra cũng mất ngon.
Những điều tôi viết ra đây, có thể không chỉ nói về vùng Little Saigon hay San Jose ở California mà có thể nói chung là những nơi có quán ăn người Việt trên nước Mỹ. Cũng như những cô tính tiền trong những ngôi chợ Việt, người tiếp viên trong nhà hàng chưa  biết chào hỏi, lễ phép khi khách gọi thức ăn, vì mang mặc cảm là người làm công, thua thiệt trong xã hội. Mặt khác, đây là điều có thật, những chủ nhân mới từ Việt Nam sang, chưa học được lối xã giao văn minh của đời sống Mỹ, vả lại nhân viên toàn là người nhà.
Một lần, đi ăn lẩu với gia đình tại một quán ăn mới mở, vì mới đến lần đầu, chúng tôi đang phân vân giữa các món ăn trong thực đơn, thì cậu  bé “bưng bê” nóng ruột giục:
– “Ông order đi, tôi còn đi bàn khác!”
Người Việt Nam mình thường hay dùng người trong gia đình để phụ việc, hoặc là người mới ở Việt Nam sang, hoặc là bà con trong gia đình không có việc làm.
Người viết bài này hay nói thẳng, lại thuộc loại thích “cơm hàng cháo chợ” mỗi khi xuống Bolsa không kịp về nhà buổi trưa, nên thường quen mặt với những ông bà chủ các cửa hàng ăn. Khi tôi góp ý với chủ nhân một tiệm phở là anh chàng bưng phở mặt mày nặng chình chịch như người “mất sổ gạo” thì ông bạn phân bua:
– “Nó là em vợ tôi đó! Trường hợp anh, anh làm sao?”
Nhưng cũng tội, ít lâu sau, đến tiệm, tôi thấy anh này đã bị “biên chế” vào một công việc lặng lẽ, cô đơn hơn là thu bát dĩa và lau bàn, công việc này không có cơ hội trực tiếp gặp gỡ khách hàng!
tieman-bolsa-01
HP

Trong, đục ao nhà (Kỳ 4)

 
Ngôn ngữ của người Việt trên đất Mỹ
Mỗi vùng đất có một thứ ngôn ngữ khác nhau. Người ta than phiền ở Việt Nam sau khi cộng sản chiếm trọn đất nước, bây giờ lối nói và cách dùng chữ chẳng những tuỳ tiện, thô lậu mà còn rắc rối khó hiểu. Ngôn ngữ người Việt ở Mỹ, ảnh hưởng cuộc sống lâu dài với địa phương, trong cách nói thường có thói quen chêm vào tiếng Anh, nghe ra không cần thiết.
Thời Pháp thuộc, có những danh từ không có trong tiếng Việt như cà-phê, va-li, bơ, nhà ga… bất đắc dĩ phải dùng, cũng có những chữ thường dùng khi tiếng Việt hồi đó chưa có chữ dùng cho các chức vụ này, như tiếng phú-lít (police-cảnh sát), mã tà, ma trắc (matraque – dùi cui), đốc tờ (docteur- bác sĩ.) Cũng có những tiếng thường dùng trong giao tiếp lâu thành quen, mà ngày nay không còn ai nói nữa như tiếng Oui, Non (phải-không) hay tiếng gọi nhau toi-moi (toa-moa/anh-tôi). Ở Mỹ, những chữ Anh chúng ta hay nói đến đều có chữ Việt như parking (chỗ đậu xe), freeway (xa lộ), shopping (đi sắm sửa), restroom (nhà vệ sinh), togo (mua đem về), help (giúp đỡ), nhưng hầu như chúng ta ít dùng tiếng Việt mỗi khi phải nhắc đến nó.
Nhưng người Việt ở Mỹ có thói quen, chêm tiếng Anh vào khi nói, kể cả một vài vị bác sĩ trong những buổi hội luận (talk show) quảng cáo;
– “Bà uống thuốc tôi thấy có “work” (hiệu nghiệm) không?”
– “Tôi rất happy (sung sướng) thấy 10 phần lành hết 8.”
Inline image 2
Mặc cảm tự ti?
Trong tiếng Anh chỉ có I, You, nhưng trong tiếng Việt có trăm thứ như Mày-Tao, Anh-Em, Tôi- Ông, Mình-Cưng, Bác- Cháu, Tôi-Cô… nhưng sao mỗi lần phải nhắc lại một câu nói của một người ngoại quốc nói với chúng ta, thì hầu hết quý vị, kể cả các bậc trí thức thích dùng tiếng “mầy-tao” để dịch hai chữ “I-You.”
Nếu kể chuyện một ông cảnh sát chớp đèn bắt mình về lỗi phạm luật giao thông thì ông anh dịch như sau:
– “Mày chạy quá tốc độ! Tao ghi giấy phạt và mày phải ra toà nộp phạt và đi học traffic school.”
Chuyện đau ốm thì bà chị kể lại lời ông bác sĩ:
– “Tao cho mày cái hẹn đi soi ruột tuần sau, các cô ở front desk sẽ làm hẹn và chỉ dẫn cho mày!”
Với lối dịch “mặc cảm nhược tiểu” này thì ta có thể một ngày nọ, các phóng viên báo chí sẽ tường thuật một buổi ra mắt của các ứng cử viên một chức vụ dân cử như sau:
– “Hân hạnh gặp chúng mày hôm nay. Chúng mày hãy bỏ phiếu cho tao và tao xin long trọng hứa sẽ phục vụ chúng mày khi tao đắc cử.”
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hai tiếng “mày-tao” chỉ dùng trong trường hợp thân mật hay là lối nói khinh miệt. Ông cảnh sát, ông bác sĩ chưa đủ thân tình vỗ vai, vỗ vế, cũng không thể có thái độ khinh miệt với thân chủ hay là một người dân vi phạm luật như chúng ta. Ông cảnh sát chỉ có thể xưng “tôi-ông” với người dân, và ông bác sĩ nếu thân mật theo kiểu “bà con, láng giềng” Việt Nam, và đối với các vị lớn tuổi thì chỉ có thể nói:
– “Tôi cho bác cái hẹn đi soi ruột!”
Ở trong xã hội tử tế này, không ai có thể “xách mé” gọi quý vị bằng tiếng mày và xưng tao. Nếu chúng ta cứ giữ thói quen dịch những câu nói của người ngoại quốc ra tiếng Việt kiểu “mày tao chi tớ” như thế này là ta tự miệt thị chúng ta!
California, Westminster, Little Saigon, Silks In Fabric Store. (Photo by: Jeff Greenberg/UIG via Getty Images)
California, Westminster, Little Saigon, Silks In Fabric Store. (Photo by: Jeff Greenberg/UIG via Getty Images)

Thân mật phát ớn!
Cách đây 10 năm khi đã 70 tuổi, nghĩa là tôi đã là một ông già. Có lần ra Bolsa mua một món hàng, tôi không còn nhớ là món gì. Khi tôi hỏi giá, cô bán hàng khá trẻ, cỡ tuổi cháu ngoại tôi, đã rất tử tế. Cô nói với tôi:
– “Cái này “mình” chỉ tính $25 thôi.”
Và mới đây thôi, tại một tiệm ăn, sau khi tôi đã gọi một tô phở, một cô (lại một cô) hỏi lại tôi:
– “Mình” có dùng hành giấm không?”
Bạn đọc nên phân biệt “mình” của cô ở trên ngôi thứ nhất (I), “mình” của cô ở dưới là ngôi thứ hai (You.) Những tiếng “mình” nghe thật ngọt, nhưng có lẽ vì người viết bài bị tiểu đường nên rất dị ứng với cái loại ngọt này, không những dị ứng mà còn “ớn chè đậu,” một kiểu nói của nhà báo Tưởng Năng Tiến!
Nếu tôi không lầm thì thời trước trong công sở, nơi chợ búa, ít nghe gọi nhau, xưng hô một cách thân mật như thời Cộng Sản vào Saigon, ai cũng anh em, mình tôi, chú chú cháu cháu, anh anh em em. Bác Hai giám đốc, chú Ba trưởng phòng, anh Tư bảo vệ… Thân mật lắm hoá ra suồng sã.
Ngôn ngữ là một chuyện quan trọng. Nghe ngôn ngữ là biết xuất xứ.
Ngày xưa không có chuyện người trong nước dùng chữ khác với người Việt nước ngoài, nhưng ngày nay ngôn ngữ của họ khi nói ra, người ta rất dễ nhận biết xuất xứ của người nói. Phải nói là người tị nạn CS hải ngoại không mấy thiện cảm khi nghe những người trong nước ra dùng chữ như “gọi điện” (điện thoại), “liên hệ” (liên lạc), “bang” (tiểu bang)… Dân Little Saigon không mấy hoan nghênh, nếu nghe một người trong nước ra mà nói oang oang giữa chỗ đông người những tiếng “hồi giải phóng” hay “đi học tập cải tạo!” Những chuyện “dị ứng” này chúng ta cũng nên thông cảm.
Những quán cà phê “sex.”
Những thành phố đông người Việt nhất ở tiểu bang Cali là Westminster, Garden Grove, San Jose, nơi nào cũng có quán cà phê “sex” với các cô gái mặc bikini, và có phần hở hang, khêu gợi hơn những cảnh trên bãi biển nhiều. Báo chí tiếng Việt rất khó xâm nhập vào các vùng “cấm địa” này vì chủ nhân các quán cà phê này không mấy hoan nghênh khi có một nhà báo Việt Nam tò mò muốn viết bài hay phỏng vấn, làm phóng sự về các quán cà phê của họ.
Những hình ảnh và tin tức độc giả thường thấy được lấy từ bản tin của các tờ LA. Times, San Jose Mercury News, Orange County Register. Hội đồng thành phố Garden Grove, Nam California đã nhiều lần quy định chặt chẽ hơn các vấn đề như cờ bạc, hút thuốc và cả việc ăn mặc quá khêu gợi của các nữ tiếp viên chạy bàn mặc bikini hoặc đồ lót (under wear) và đi giày cao gót, ngày nay rất phổ biến trong các quán cà phê được gọi là cà-phê “sex”. Những hàng quán này, nằm rải rác khắp Garden Grove, Westminster và một vài nơi ở Santa Ana, không phục vụ rượu hoặc đồ ăn, mà chủ yếu là cà phê, trà và sinh tố.
Hình trên trang quảng cáo của cà phê Lú (Garden Grove)
Hình trên trang quảng cáo của cà phê Lú (Garden Grove)

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Garden Grove có 37 quán cà phê hoạt động. Cảnh sát ở đây cho biết, công việc của họ rất vất vả và chủ yếu nhằm vào các hoạt động đánh bạc và băng nhóm tại các quán cà phê, bởi chỉ với một cái công tắc, một nút bấm hoặc thậm chí với một ứng dụng điện thoại thông minh, cũng có thể được chuyển đổi thành máy đánh bạc. Hút thuốc trong nhà vẫn bị cấm theo quy định chung của thành phố, nhưng sắc lệnh mới sẽ đặc biệt cấm hút thuốc trong những quán cà phê này.
Cách đây khoảng 15 năm, các thành phố đông dân cư người Việt chưa hề có một quán cà-phê với những cô tiếp viên mặc đồ lót như hôm nay. Nếu chúng ta cho đây là một tệ nạn xã hội, thì những tệ nạn này phải nói là phát xuất từ trong nước, trong một xã hội mà thân thể người đàn bà trở thành dụng cụ tiêu khiển cho cánh đàn ông, không phải chỉ có cà phê ôm mà có đủ thứ cà phê như cà phê võng, cà phê chõng và những thứ ôm như bia ôm, ngủ trưa ôm, hớt tóc ôm.
May mà luật pháp nước Mỹ còn chặt chẽ, không có trẻ em vào những quán cà phê này, và nguyên tắc cho quý ông hảo ngọt là “Look but do not touch!”
* Chuyện “ao nhà” của chúng ta phải viết thành một cuốn sách cũng chưa hết. Chúng tôi xin tạm ngừng ở đây kẻo mang tiếng là “vạch áo cho người xem lưng!” Chúng tôi sẽ trở lại với độc giả bằng những bài phóng sự ngắn, nếu có, về cuộc sống chung quanh ta, nghĩa là những chuyện “ao nhà” lẫn “ao người.”
Inline image 1
HP

Không có nhận xét nào: