Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Bùi Giáng, Điên hay Tỉnh? - Hoài Nguyễn


Image result for hình ảnh thi sĩ Bùi Giáng

        Bùi Giáng (1926 - 1998), sinh tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa nguồn. Và ông còn có các bút danh khác : Bán Dùi, Bùi Giàng Dúi. Bố của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
<!>
        Sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì Thế chiến II nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi đến Cách mạng Tháng Tám. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung.
Bùi Giáng cưới vợ năm 18 tuổi (1944), vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là một trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.
        Rồi Bùi Giáng theo kháng chiến kháng Pháp. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Ông qua Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học bằng cách đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam rồi theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi 2 năm.
        Tháng 5/1952, Bùi Giáng ra Huế thi lấy bằng tú tài để có thể vào Sài Gòn theo học Đại học. Nhưng một lần nữa ông lại bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở Đại học Văn khoa. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa.
        Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Những người thân cận cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm… Ông nổi tiếng bởi tốc độ sáng tác nhanh : tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992.
        Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam trước 1975. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị nghìn bài.
        Năm 1969, tất cả sách vở cùng với nhà cửa bị một cháy hết trong một cơn hỏa hoạn. Ông bị sốc nặng, từ đó trở đi ông là bệnh nhân quen thuộc của viện dưỡng trí Biên Hòa.
        Từ 1975 trở đi ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông có biểu hiện bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy, nhiều lần bị công an bắt vì gây rối trật tự, cản trở giao thông.
        Tháng 10/1998, trong một lần đi chơi ông bị té làm chấn thương sọ não. Sau khi hỏi ý kiến của nghệ sĩ Kim Cương, bệnh viện Chợ Rẫy quyết định mổ cho ông, song ông đã qua đời vào ngày 7/10/1998.
        Bùi Giáng chỉ có một vợ là bà Phạm Thị Ninh, một thiếu phụ hồng nhan bạc mệnh đã để lại cho ông nhiều đau khổ. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, sự chia ly, một hình bóng cũ:

“Có hàng cây đứng ngóng thu
Em đi mất hút như mù sa bay…” 
hay những dòng thơ trên bia mộ của Bùi Giáng :
Đùa với gió, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi
gái trần gian xa
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu…”
        Song ngoài người vợ đầu, Bùi Giáng cũng có những đối tượng khác để yêu, để làm thơ, ngoài mối tình đơn phương nổi tiếng dành cho nữ nghệ sĩ Kim Cương, còn phải kể đến những mối tình vượt không gian với những mỹ nhân Tây Phương như Marilyn Monroe (mà ông gọi là Lyn-rô), Brigitte Bardot, ngoài ra trong thơ ông còn có những hình bóng của ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, ni cô Trí Hải tức là Phùng Khánh (ông gọi là Mẫu thân Phùng Khánh), hay cả những nhân vật tiểu thuyết Marguerite, A Châu, A Tử.
        Riêng mối tình đối với Kim Cương được cho là sâu đậm nhất, và đã để lại khá nhiều giai thoại.
        Ngày Bùi Giáng mất, xác quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, thức một đêm cạnh quan tài ông có nhà thơ Bùi Chí Vinh cùng với Kim Cương (người lo hậu sự cho đám ma Bùi Giáng). 
        Nhiều bạn thơ của ông cho rằng Bùi Giáng đã giả điên như một “hành giã”. Thưở còn sống ông chỉ chơi với trẻ con, chuồn chuồn, châu chấu mà không hề quan tâm đến những kẻ hò reo tên tuổi hoặc ăn theo hư danh của mình…
Theo nhà thơ Thanh tâm Tuyền thì Bùi Giáng không điên. Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ. Ông là một nhà thơ "ngộ". Đừng hiểu chữ "ngộ" trong cái nghĩa đơn giản của đạo giáo, Bùi Giáng sẽ nhăn mặt nổi quạu, ông có thể sẽ tông cửa chạy tuốt xuống Biên Hoà ngay lập tức. Hãy để cho tiếng ấy "phiêu bồng" từ Nam chí Bắc qua mọi nghĩa có thể có: (ngộ dại, giả ngộ, ngộ quá ta, ngồ ngộ, ngộ không, ngộ nhận, ngộ độc...)
        Theo nhà thơ Bùi Chí Vinh, thì Bùi Giáng điên hay tỉnh tùy phản xạ và đề kháng của chính ông khi tiếp xúc với người lạ. Gặp kẻ ác, kẻ vô cảm, kẻ ăn hiếp phụ nữ trẻ con và súc vật thì ông điên tới bến. Còn gặp tâm hồn tri âm tri kỷ đồng điệu thì ông tỉnh táo như “trích tiên” Lý Bạch chứ sao.
Không chỉ là một giọng thơ lạ lùng, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”.
        Thơ Bùi Giáng còn gây nhiều tranh cãi về độ hay dở, có những người không tiếc lời ca ngợi, nhưng cũng có những người cho là không ra gì. Nhưng hơn hết, Bùi Giáng không chỉ là thơ. Con người ông với cách sống, cách chơi, cách yêu kỳ lạ luôn khiến người ta cảm thấy thích thú khi nhắc tới. Chỉ qua thơ ông mà biết ông là điều không thể, và cũng không nên. Vì sẽ thiếu. Khi đã biết về ông, ít ai chưa một lần muốn sống như ông. Vui nhưng mà cũng khó.
Xin trích đăng một số bài thơ của ông sau đây để các bạn tham khảo về nhà thơ Bùi Giáng của một thời mà người đời xem như một huyền thoại …

1. Ai đi tu
Trời sầu đất muộn thế ru
Ban đầu em đã đi tu vội vàng
Chân trời oán hận tràn lan
Lỗi từ phương trượng u hàn niềm hoa
Bây giờ ngó lại người ta
Gẫm rằng thiên hạ ai là đi tu.

2. Bé con ơi
Rong rêu ngày tháng rong chơi
Tìm xuân tinh thể chốn nơi nào là
Sưu tầm túy vũ cuồng ca
Hồn nhiên như thể như là hài nhi?
Chiêm bao tóc thuận tơ tùy
Tồn sinh nặng nhọc nhu mỳ ở đâu
Ngữ ngôn khép kín mặc dầu
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra
Dịu dàng cuối lá đầu hoa
Mười về châu lệ chín sa dòng dòng
Miêu Cương mạc ngoại hoài mong
Hồng hoang chín bệ tấm lòng đầu thai
Mùa xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du.

3. Kính thưa
Kính thưa công chúa Kim Cương,
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây.
Tờ thư rất mực móng dày,
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?
Lạc loài đã rớt đi đâu,
Chiếc chìa khoá mộng rực màu so le.
Ấy lời của tuyết của băng,
Ấy lời của mộng hàng hàng vu vơ.

4. Mộng
Hoàng hôn cơn mộng tháp tùng
Từng vô duyên gọi bóng nùng diễm qua
Anh về từ cuối nguyệt hoa
Nhìn em như mộng mị xa xa dần
Em đi sương bóng vô ngần
Nhìn anh như ngó một lần người điên
Về sau ký ức trược phiền
Làm sao quên được thuyền quyên một lần.

5. Người điên uống rượu
Uống và si nói lăng nhăng
Miệng mồm lý như thằn lằn đứt đuôi
Tâm can chân thể chôn vùi
Mặt trời không mọc với người lem nhem
Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm
Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ.

6. Lời người điên
Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thể thân
Các em gắng gổ đôi phần
Đừng quên uống rượu lần khân sinh bình
Dịu dàng sống giữa gia đình
Ngày ngày tháng tháng hậu tình năm năm
Trái tim nguyệt tỏ đêm rằm
Máu me mây gió tơ tằm vấn vương
Ở đời kiệt tận xẩu xương
Hình hài biến thể thân mường tượng thân

7. Ăn mặc nâu sồng
Thấy nàng ăn mặc nâu sồng
Bỗng mơ tưởng tới ruộng đồng hoang liêu
Lầu xanh dứt nhịp phù kiều
Tà xiêm bạo động tư triều giậy cơn
Nâu sồng ăn mặc sớm hôm
Ðêm nằm ngó nguyệt sáng dòm song the.

8. Huế làm thơ
Tôi vào Sài Gòn lúc đầu
Thật là bỡ ngỡ mối sầu Thừa Thiên
Rồi sau đó thật tuy nhiên
Quen vui với chị thuộc phiền với em
Bây giờ tôi nhớ Thừa Thiên
Nhớ thôi chút ít chứ phiền thì không
Mỗi mùa xuân lá trổ bông
Quên tờ cung chúc cũng không hề gì
(Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ
Những thằng thi sĩ còn kỳ ly hơn)

9. Ông điên
Ông điên từ bữa hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm
Thanh thiên về dự hội đàm
Thành thân thiên hạ muôn vàn mai sau
* * *
Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
Tuyệt mù biển cạn sông sâu
Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ.

10. Vì sao khùng
Vì yêu dấu quá Nàng thơ
Với em vô tận nên ngơ ngẩn buồn
Thần tiên Thánh Phật bao dung
Hiểu lòng tôi lắm - tôi khùng vì thơ.

Hoài Nguyễn - 06/8/2017
Image may contain: 2 people, people sitting and text

                   
                                                                 Image may contain: 1 person, sitting and indoor


Không có nhận xét nào: