Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Hội Đồng Bảo An lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên - Thanh Phương

media
Hội Đồng Bảo An họp ngày 29/08/2017, lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên.REUTERS/Andrew Kelly
Hôm qua, 29/08/2017, sau 3 giờ thảo luận, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một bản tuyên bố « cực lực lên án » vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua Nhật Bản.<!>
Bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thi hành « nghiêm chỉnh và đầy đủ » các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghị quyết ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên.
Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tuyên bố rằng « mọi phương án đang nằm trên bàn ». Thế nhưng, việc Hội Đồng Bảo An chỉ thông qua một tuyên bố cho thấy Liên Hiệp Quốc hiện chưa có phương án nào khác để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên.
Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :
« Trong Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc và Nga thường có lập trường khác với những quốc gia thành viên khác. Nhưng hiện giờ, các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân diễn ra ngày càng thường xuyên của Bắc Triều Tiên khiến toàn bộ các thành viên Hội Đồng đều chống Bình Nhưỡng.
Việc tên lửa Bắc Triều Tiên được bắn ngày 29/08 bay ngang qua không phận Nhật Bản, lần đầu tiên từ năm 2009, đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng phẫn nộ. Tuy đại sứ Mỹ tại New York cho rằng Bình Nhưỡng đã đi quá xa và phải làm một cái gì đó để ngăn chận, nhưng Liên Hiệp Quốc thật sự không có nhiều phương án.
Các biện pháp trừng phạt mới đã được thông qua từ đầu tháng 8 nhắm vào xuất khẩu than, sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng mất đi nhiều tỷ đôla thu nhập.
Bắc Kinh và Matxcơva đã chấp nhận những biện pháp trừng phạt đó sau những cuộc thương lượng gay go. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt các công ty và cá nhân của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc là vẫn tiếp tục làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Tuy vậy, Hội Đồng Bảo An đã đạt được mục tiêu qua bản tuyên bố lên án Bình Nhưỡng một cách cứng rắn và kêu gọi một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị cho bán đảo Triều Tiên. »
Vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua tuyên bố nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tuyên bố là Bắc Kinh sẽ thảo luận với các thành viên khác của Hội Đồng về « một phản ứng » trước vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý với nhau là sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An ban hành các biện phạt trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng

Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ thử thêm nhiều tên lửa

media
Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 30/08/2017.Reuters
Bất chấp cộng đồng lên án vụ bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản, ngày 30/08/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định đó mới chỉ là hành động « mở màn » cho những vụ thử tên lửa khác.
Tuyên bố của ông Kim Jong Un được hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đăng tải, theo đó« sẽ có nhiều vụ bắn thử tên lửa đạn đạo trong tương lai với mục tiêu là Thái Bình Dương ». Vẫn theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vụ bắn thử sáng sớm thứ Ba 29/08 (giờ địa phương) mới chỉ là « lời tiên triệu quan trọng để kiềm chế Guam » và « mở màn » cho hàng loạt biện pháp chống lại các cuộc tập trận giữa quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng, trong ấn bản ngày 30/08, đã đăng khoảng 20 bức ảnh vụ bắn thử tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản, trong đó có một bức cho thấy Kim Jong Un đang cười sảng khoái, xung quanh là đội ngũ cố vấn, với một tấm bản đồ Tây Bắc Thái Bình Dương đặt trên bàn.
Một tấm hình khác cho thấy lãnh đạo của Bắc Triều Tiên đang quan sát tên lửa được bắn từ Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa này đã bay được 2.700 km, đạt độ cao tối đa khoảng 550 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Mỹ và Hàn Quốc bổ nhiệm các đại sứ mới
Ngày 30/08, Hàn Quốc cùng lúc bổ nhiệm ba nhà ngoại giao kỳ cựu làm đại sứ tại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thông cáo của phủ tổng thống Hàn Quốc, được Reuters trích dẫn, ông Cho Yoon Je, một nhà ngoại giao kiêm cố vấn kinh tế cho tổng thống Moon Jae In, được cử làm đại sứ tại Mỹ. Ngoài ra, luật gia Noh Young-Min làm đại sứ tại Trung Quốc và chuyên gia về chính sách đối ngoại Lee Su Hoon làm đại sứ ở Nhật Bản.
Phía Mỹ cũng tuyên bố ngày 29/08 bổ nhiệm ông Victor Cha làm tân đại sứ tại Hàn Quốc. Từng là giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Cha còn là trợ lý trưởng đoàn Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán đa phương với Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này dưới thời tổng thống George W. Bush.
Nhật báo Washington Post ngày 29/08, trích một số nguồn tin ẩn danh, cho biết Nhà Trắng cũng đang cân nhắc bổ nhiệm đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, làm đại sứ Mỹ tại Úc. Đô đốc Harris có kinh nghiệm trong các hồ sơ về Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và có quan hệ chặt chẽ với Úc.

Trung Quốc gia tăng triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông

media
Lính cứu hộ Trung Quốc sử dụng một chiếc drone thu hình ảnh thiệt hai sau vụ động đất ở Tứ Xuyên. Ảnh ngày 09/08/2017.Reuters
Nghiên cứu của một viện tư vấn của Mỹ, vừa được công bố, cho hay Trung Quốc có kế hoạch triển khai hàng loạt máy bay không người lái (UAV), trong những năm tới, để bành trướng thế lực và gia tăng khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần có cẩm nang ứng xử, nhằm đối phó kịp thời với các UAV của Trung Quốc, “tránh căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát”.
Báo mạng Washington Free Beacon trích lại một báo cáo của Project 2049, một viện tư vấn về Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Á, có trụ sở tại Hoa Kỳ, được đưa ra hôm thứ Hai, 29/08/2017. Theo đó, trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều vào lĩnh vực máy bay không người lái.
Cụ thể là từ nay đến 2023, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 10.000 máy bay không người lái, với số tiền tương đương 10 tỉ đô la. Một bộ phận trong số này sẽ được sử dụng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi nhiều quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Báo cáo của viện tư vấn Mỹ nêu lên bốn loại UAV mà Quân Đội Trung Quốc đang sử dụng, bao gồm ba loại tự chế trong nước ASN-209, BZK-005 và GJ-1. Riêng máy bay S-100 do công ty Schiebel của Úc chế tạo. BZK-005 có tầm hoạt động 2.400 km, có thể bay liên tục 40 giờ. GJ-1 có tầm hoạt động khoảng 4.000 km. Chỉ cần cất cánh tại các sân bay trên đất liền, hai máy bay này đã có khả năng kiểm soát trọn Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.
Theo báo cáo của Project 2049, việc máy bay không người lái xâm nhập các vùng tranh chấp để làm công việc do thám, đã trở thành chuyện phổ biến đến mức mà vấn đề này “không còn là lĩnh vực riêng” của các chuyên gia hay các quan chức cao cấp. Có thái độ ứng xử phù hợp với các vật thể không người lái là một vấn đề quan trọng, bởi đây là một mảng khuyết trong hệ thống luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến các vùng tranh chấp.
Washington Free Beacon nhắc lại cuộc khủng hoảng cuối 2016, khi Hải Quân Trung Quốc bắt giữ một tàu ngầm không người lái của Hoa Kỳ, đang làm nhiệm vụ khảo sát đại dương tại vùng biển cách không xa bờ Philippines.
Báo cáo của Project 49 nhấn mạnh là giới quân sự và các lực lượng chấp pháp, của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc, cần kiểm tra xem xem các lực lượng tại chỗ “đã chuẩn bị đầy đủ” để đối phó với các máy bay không người lái của Trung Quốc hay chưa, đặc biệt là khi họ mất liên lạc với chỉ huy, và tình huống cụ thể đòi hỏi phải phản ứng kịp thời.
Theo Project 49, một cẩm nang ứng xử sẽ cho phép các lực lượng này có biện pháp phù hợp trước các máy bay không người lái Trung Quốc, có vũ trang hay không, hoạt động tại vùng tranh chấp trong khu vực mà các lực lượng này kiểm soát, giúp họ phản ứng tốt hơn trước các đe dọa tiềm tàng và tránh tình hình “vượt tầm kiểm soát”. 

Brexit: Thủ tướng Anh đến Nhật Bản trấn an doanh nghiệp

media
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (G) đón tiếp đồng nhiệm Anh Theresa May (T) tại Kyoto. Ảnh ngày 30/08/2017.Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May đã đến Nhật Bản ngày 30/08/2017 trong chuyến công du mang đậm mầu sắc kinh tế. Chương trình làm việc chính của bà May là trấn an các doanh nghiệp Nhật thời hậu Brexit và tìm kiếm một hiệp định tự do mậu dịch song phương.
Bà Theresa May đã đến thành phố Osaka (phía tây Nhật Bản) trước khi tham gia một buổi trà đạo với đồng nhiệm Shinzo Abe ở cố đô Kyoto, sau đó cả hai cùng dự bữa tối không chính thức.
Các cuộc đối thoại sẽ được bắt đầu vào ngày 31/08 tại Tokyo, tập trung chủ yếu vào quá trình đàm phán, hiện đang giậm chân tại chỗ, giữa Luân Đôn và Bruxelles về thủ tục Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thời gian trở nên gấp gáp đối với hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Anh Quốc và sử dụng đến 140.000 lao động.
Trước tình hình bất trắc hiện nay, các doanh nghiệp Nhật có trụ sở tại Luân Đôn đang tính đến nhiều lựa chọn khác nhau, đặc biệt là các ngân hàng lớn lo ngại Brexit có thể khiến họ mất « giấy phép tài chính » châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô Toyota và Nissan không thể đóng cửa nhà máy một sớm một chiều nên vẫn tiếp tục thực hiện cam kết song hy vọng chính phủ Anh đưa ra những đảm bảo chắc chắn.
Một hồ sơ khác sẽ được thủ tướng Anh đề cập trong buổi làm việc là hiệp định trao đổi mậu dịch song phương. Tuy nhiên, Nhật Bản muốn trước mắt hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế với Liên Hiệp Châu Âu, mà thỏa thuận về nguyên tắc đã được thông báo vào đầu tháng 07/2017. Ngoài ra, theo một kinh tế gia của Viện Nghiên cứu Daiichi Life, « không thể bắt đầu thảo luận chính thức với Luân Đôn một khi Brexit chưa có hiệu lực ».
Ngoài ra, vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng vì hồ sơ hạt nhân Triều Tiên cũng nằm trong chương trình nghị sự của chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Anh tại Nhật Bản.

Miến Điện : Hơn 18 ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh

media
Người Rohingya tìm đường băng qua biên giới Miến Điện Bangladesh. Ảnh chụp gần vùng biên giới ngày 28/08/2017.Reuters
Hôm nay, 30/08/2017, Tổ chức Di dân Quốc tế ( OIM ) thông báo là đã có ít nhất 18.500 người, chủ yếu là người Hồi Giáo Rohingya vượt biên sang tị nạn bên nước láng giềng Bangladesh kể từ khi nổ ra các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Miến Điện ngày 25/08.
Một phát ngôn viên của OIM nói thêm còn nhiều người tị nạn đang kẹt lại ở biên giới, nhưng họ không biết chính xác là bao nhiêu. Trong những ngày gần đây, một phần trong số người tị nạn Rohingya đã không được Bangladesh cho đi qua biên giới.
Còn tại Malaysia, quốc gia có đa số dân là người Hồi Giáo, hôm nay, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ủng hộ người Rohingya ở Miến Điện và kêu gọi chấm dứt các vụ bạo lực nhắm vào cộng đồng thiểu số này. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có gần 60 ngàn người Rohingya tị nạn ở Malaysia.
Trong khi đó, hôm qua, tại Genève, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein đã lên án các vụ vi phạm quyền của người Rohingya và theo ông, đó chính là nguồn gốc khiến bạo động bùng phát ở bang Rakhine, Miến Điện. Ông Zeid cho rằng chính quyền Miến Điện lẽ ra đã có thể ngăn chận những vụ bạo động đó.
Từ ngày 25/08 đến nay, các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Miến Điện đã khiến hơn 100 người chết, trong đó có khoảng 80 chiến binh Rohingya.

Ấn Độ : Bombay bị tê liệt vì lụt lội

media
Cảnh đường phố Bombay ngày 29/08/2017.Reuters
Thành phố Bombay, thủ đô kinh tế của Ấn Độ, bị tê liệt từ thứ Ba 29/08/2017 vì mưa lớn từ vài ngày gần đây. Theo thống kê mới nhất của thành phố, có 5 người chết vì lũ lụt.
Thông tín viên RFI Antoine Guinard tại New Delhi cho biết giao thông ở thành phố có 20 triệu dân bị tê liệt hoàn toàn. Ngày 30/08, vài trăm chiếc xe bị chìm trong nước, hoạt động đường sắt bị tạm ngừng trên ba tuyến lớn nối Bombay với các thành phố vệ tinh thường trung chuyển vài triệu người mỗi ngày. Khoảng 200 cây lớn bị mưa bão quật đổ.
Hoạt động hàng không cũng bị xáo trộn nghiêm trọng. Nhiều chuyến bay bị hủy và hầu hết các chuyến bay đều bị hoãn. Theo cơ quan khí tượng thủy văn Ấn Độ, Bombay đạt lượng mưa 65 mm chỉ trong vòng 3 tiếng vào ngày 29/08. Mưa lớn khiến nước không kịp xả ra biển Ả Rập, càng làm tình hình thành phố thêm nghiêm trọng.
Nhiều máy bay trực thăng của Hải Quân Ấn Độ, cũng như các đội thợ lặn đã sẵn sàng can thiệp. Trường học và trường đại học vẫn đóng cửa hôm nay và mưa lớn sẽ còn tiếp tục trong ít nhất hai ngày tới.
Đợt mưa lớn và lũ lụt lần này khiến người dân nhớ đến trận thiên tai năm 2005 khiến khoảng 1.000 người thiệt mạng. Mùa mưa bão năm nay đã khiến hơn 1.200 người chết trên khắp Ấn Độ.

Không có nhận xét nào: