GNsP (29.09.2016) – “Phải đóng cửa Formosa và trả lại biển cho người dân” là thông điệp của Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, Nguyên Giám mục G.p Kontum, nhắn nhủ đến bà con giáo dân và ngư dân tại Miền Trung cũng như những người có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc.<!>
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh nhắn nhủ với bà con ngư dân giáo xứ Phú Yên về trách nhiệm của người Kitô hữu trước thảm họa ô nhiễm môi trường.
Đức cha Micae đã đến thăm bà con ngư dân vào trung tuần tháng 9. Trong chuyến đi này, ngài đã lắng nghe nỗi khổ đau của bà con ngư dân tại hai giáo xứ Cồn Sẻ-Quảng Bình và Đông Yên-Hà Tĩnh, là hai giáo xứ chịu ảnh hưởng nhiều nhất và trực tiếp do Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải độc tố. Bên cạnh đó, ngài cũng đến nâng đỡ, ủng hộ tinh thần bà con ngư dân giáo xứ Phú Yên-Nghệ An – là nơi hướng dẫn, tiếp nhận, hỗ trợ bà con ngư dân làm đơn khởi kiện Formosa, yêu cầu bồi thường và Formosa đóng cửa vĩnh viễn tại VN.
Đâu là những nỗi lo, nỗi khắc khoải của người cha khi con dân gặp thảm họa với sự thờ ơ, vô trách nhiệm của giới chức cộng sản?
Để hiểu rõ hơn tâm tình của người cha, xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh.Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại nhà xứ giáo xứ Phú Yên, giáo phận Vinh.
Minh Nhật, GNsP: Kính thưa Đức cha Micae, chúng con được biết, Đức cha vừa mới từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam thì bất ngờ ngài đến thăm bà con ngư dân cũng là bà con giáo dân đã phải gánh chịu thảm họa ô nhiễm môi trường biển vào những ngày tháng 4.2016 vừa qua. Kính thưa Đức cha, điều gì khiến ngài vừa từ Hoa Kỳ về lại VN không hề nghỉ ngơi mà ra ngay Giáo phận Vinh để thăm và hiệp thông?
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Tất cả chúng ta là một thân thể với Chúa Kitô là đầu. Tôi là một chi thể trong thân thể Đức Kitô cùng với những anh chị em ở Vinh cũng như ở bốn tỉnh Miền Trung đang gặp hoạn nạn do ô nhiễm môi trường trong suốt mấy tháng qua. Chúng tôi liên đới với nhau, trách nhiệm với nhau. Đáng lẽ tôi phải đến sớm hơn nhưng vì đi công tác ở xa, cho nên tôi và cha Vinh Sơn cần phải thấy ý thức của mình tới sớm nhất có thể để chia sẻ, cảm thông, sống màu nhiệm khổ nạn của anh chị em ở Miền Trung.
Minh Nhật, GNsP: Kính thưa Đức cha, ngài đã nghe và bây giờ ngài lại chứng kiến Khu công nghiệp Formosa “phả hủy” môi trường biển Miền Trung VN, xin Đức cha có thể chia sẻ cho chúng con biết cảm tưởng của ngài trong chuyến thăm lần này?
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Tôi có dịp chứng kiến tận mắt thảm họa môi trường của anh chị em tại G.p Vinh qua ba ngày suốt dọc của ba tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Trước khi đến, tôi ý thức rằng, đây là một thảm họa to lớn. Nhưng đến tận hiện trường, tôi tiếp xúc với tất cả anh chị em đang là nạn nhân trong suốt mấy tháng qua, thì tôi càng xác tín thêm đây chẳng những là một đại họa to lớn, lâu dài, sâu sắc, nó còn đụng chạm đến mọi lĩnh vực của đời sống con người không chỉ hôm nay và cho bao nhiêu thế hệ mai này. Đây mới chỉ là hệ quả của một môi trường do nhà máy Formosa mới khởi đầu. Chúng ta cứ hình dung 70 năm nữa [Formosa hoạt động tại VN], hậu quả của nó to lớn như thế nào cho đời con đời cháu và cho cả nòi giống VN. Đây là một đại họa cần phải chấm dứt.
Bà con giáo dân và là ngư dân giáo xứ Phú Yên rất ngạc nhiên trước sự đơn sơ, chân thành của Đức cha Micae khi ngài ngồi bệt xuống bậc tam cấp đi lên phòng khách của nhà xứ để lắng nghe, chia sẻ với bà con.
Minh Nhật, GNsP: Kính thưa Đức cha, con xin được phép giả sử rằng, nếu nhà cầm quyền mời ngài tham gia tư vấn giải quyết các hậu quả của thảm họa ô nhiễm môi trường biển thì cần có những giải pháp nào?
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Anh quá giỏi tưởng tượng, tôi có là ai mà được mời làm tư vấn nhưng mà thôi cứ theo tưởng tượng của anh đi, nếu như tôi được góp ý kiến thì tôi góp những ý kiến sau đây:
Thứ nhất, đối với nhà máy Formosa, tôi nghĩ rằng, họ cần phải ý thức rõ ràng thảm họa khủng khiếp này [đã gây ra] cho đồng bào mấy triệu người ở 4 tỉnh Miền Trung và cho cả dân tộc VN. Vì thế, họ cần phải cải thiện ngay tức khắc, hoặc tốt hơn nữa phải chấm dứt vì họ không thể cải thiện được nữa. Đối với một hệ thống như thế làm chất thải như thế và với khả năng như hiện tại thì tôi không biết có máy móc nào, có hệ thống kỹ thuật nào để có thể xử lý được chất thải, còn không thì tốt nhất là phải chấm dứt.
Thứ hai, đối với nhà cầm quyền VN hôm nay, tôi nghĩ rằng, họ không thể nào tiếp tục có phản ứng chậm chạp và có thể nói là vô trách nhiệm suốt từ ngày xảy ra thảm họa cho đến hôm nay. Có thể hiểu và thông cảm cho nhà nước bởi vì bên trong có những lý do nào đó mà họ không thể làm khác hơn được. Thế nhưng, tôi nghĩ, với một chính quyền có lương tâm phải giải quyết ngay tức khắc bằng cách là phải thúc đẩy Formosa bồi thường xứng đáng cho bà con, giải quyết vấn đề cứu dân đang bị nạn với tất cả khả năng có thể, để giúp cho người dân sớm có đời sống ổn định, làm ăn nuôi sống gia đình và tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước.
Thứ ba, chính quyền phải xem lại tất cả các quy hoạch, các dự án để tránh lập lại các vấn đề của đại họa Formosa, như vấn đề của Formosa, nhà nước phải giải quyết sớm nhất có thể. Ngoài chuyện bồi thường là phải giải quyết vấn đề làm sạch lại môi trường sống hôm nay. Như tôi thấy ở bên Mỹ, cách đây mấy năm, có một tàu của hãng Anh Quốc bị chảy dầu trên một diện tích 5 cây số của đường biển Vịnh Florida, mà họ đã phải bồi thường 19 tỷ đồng cho dân chúng ở 5 cây số. Trong khi đó chúng ta [bị ô nhiễm] dọc 250 cây số đường biển, không biết chiều rộng ra ngoài biển bao nhiêu cây số.Trong khi đó, họ cấy lại cả dàn san hô ở đáy biển bởi vì bị nhiễm độc chết, họ phải bỏ tiền ra để làm sạch cả vùng biển. Thì nhà nước này cũng phải bỏ tiền ra và đòi hỏi Formosa làm sạch nước biển của 250 cây số, đồng thời phải lo cấy lại dàn san hô dọc theo bờ biển, đồng thời cũng phải bồi thường xứng đáng cho người dân để có thể tránh hậu quả lâu dài cho dòng giống VN.
Minh Nhật, GNsP: Chúng con xin chân thành cám ơn Đức cha và xin kính chúc sức khỏe ngài
Minh Nhật và Huyền Trang, GNsP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét