Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 6/10/16 - Lê Minh Nguyên


1.
Máy bay Nga 'tuần tra đến Hawaii'
Nga chuẩn bị thành lập một sư đoàn máy bay ném bom chiến lược ở vùng Viễn Đông, tuần tra ở Thái Bình Dương, nơi có hoạt động của quân đội Mỹ.
Máy bay Tupolev Tu-22M3 và Tu-95MS sẽ bay từ Siberia đến tận Hawaii, Guam và Nhật Bản, đều là những nơi có căn cứ không quân và hải quân Mỹ, theo báo Nga Izvestia.<!>

Nga đã đưa máy bay Tu-22M3 ném bom ở Syria, còn Tu-95 thường xuyên tuần tra gần Tây Âu.
Nato đã chỉ trích các chuyến bay của Nga.
Không quân Anh và Nato thường đưa máy bay đi theo các máy bay Nga gần Biển Bắc và Đại Tây Dương.

Một viên chức quốc phòng Nga nói với báo Izvestia rằng hơn chục máy bay Tupolev sẽ đặt ở Belaya và Ukrainka, tại đông Siberia.
Thông báo đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga - Mỹ vì xung đột Syria.
Các chính khách phương Tây tố cáo Nga đánh bom các khu vực thường dân bừa bãi để hỗ trợ quân chính phủ Syria.
Đây sẽ là sư đoàn máy bay thứ hai của Nga - đơn vị đầu tiên được thành lập năm 2015 ở tây Nga, theo báo Izvestia.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô thường đưa máy bay ném bom qua bắc Thái Bình Dương, nhưng đã ngừng từ thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21.
Nhưng những năm gần đây, máy bay Nga xuất hiện trở lại trong vùng.
Năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin loan báo tái tục các chuyến bay tầm xa.
Nga cũng đang mở rộng căn cứ quân sự ở quần đảo Kuril, phía bắc Nhật Bản.
Năm 1945, quân Liên Xô chiếm quần đảo này, và tranh chấp chủ quyền vì đảo vẫn cản trở quan hệ Nga-Nhật. - BBC

2.
IMF dự báo Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 6,2 phần trăm trong năm sau, giảm nhẹ từ mức 6,6 phần trăm trong năm nay. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với nền kinh tế và tài chính toàn cầu, theo lời nhà kinh tế trưởng của IMF Maurice Obstfeld.

Ông cho biết:
"Trung Quốc đang ngày càng trở thành một nước mang tính hệ thống. Họ có tác động lan tỏa rất lớn đối với nền kinh tế thế giới thông qua thương mại, thông qua giá cả hàng hóa, và ngày càng thông qua những liên kết tài chính. Vì thế thành tích kinh tế của Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng đối với con đường tăng trưởng toàn cầu, không chỉ trong khu vực, mà còn khắp thế giới. Do đó tất cả chúng ta nên góp phần để Trung Quốc tiếp tục thành công như họ đã thành công trong những năm qua."

Vào ngày 1 tháng 10, IMF đưa đồng tiền của Trung Quốc, là đồng nguyên hay đồng nhân dân tệ, vào giỏ tiền tệ có uy tín của thế giới bao gồm đồng đôla Mỹ, đồng euro, đồng yen Nhật và đồng bảng Anh. Giám đốc Christine Lagarde của IMF gọi việc này là một "cột mốc lịch sử" đối với Trung Quốc và đối với hệ thống tiền tệ quốc tế. Bà nói:
"Tôi nghĩ việc này hết sức hệ trọng đối với Trung Quốc và đối với hệ thống tiền tệ quốc tế. Nó là một phần thiết yếu của những đồng tiền quan trọng nhất trên thế giới."

Nhưng bà Lagarde kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh những cải cách cần thiết về tiền tệ, ngoại hối và hệ thống tài chính cho phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế.
Một quan chức của Ngân hàng Thế giới cho biết những cải cách này sẽ cho phép Trung Quốc gia nhập những tổ chức tài chính quốc tế và có nhiều ảnh hưởng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bà Victoria Kwaka, Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, nói:
"Về lâu dài, chúng tôi nghĩ rằng nó cũng sẽ thúc đẩy dòng chảy tài chính dài hạn vào Trung Quốc, điều này tốt cho Trung Quốc và cũng tốt cho toàn cầu. Việc này có nghĩa là Trung Quốc nói riêng sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong những cuộc thảo luận tài chính quốc tế."
IMF nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cho một cách tiếp cận chính sách toàn diện, nhất quán và có phối hợp khắp thế giới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững hơn và bảo đảm sự tăng trưởng này được phân phối đồng đều hơn. - VOA

3.
Nếu Mỹ rút, Philippines có nguy cơ bị Trung Quốc xâm lấn --- Indonesia: Không tập trận chung với nước khác ở Biển Đông

Tổng thống Rodrigo Duterte nổi tiếng là người ăn nói thẳng thừng đã dọa « đuổi » quân đội Mỹ ra khỏi Philippines. Tuy nhiên, theo nhận định của nhà báo Nyshka Chandran trên website CNBC (04/10/2016), điều này sẽ khiến Philippines bất lực trước nguy cơ xâm lấn tiềm tàng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Philippines từng là kẻ thù trong cuộc chiến Mỹ-Phi năm 1899-1902 và Washington chỉ trao trả độc lập hoàn toàn cho Manila vào năm 1946. Đến năm 1951, hai nước ký kết một hiệp ước song phương, cho phép các bên trợ giúp nhau trong trường hợp bị xâm lược. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã duy trì sự hiện diện quân sự cả trong và ngoài lãnh thổ Philippines từ nhiều thập kỷ nay.

Thế nhưng, Chủ Nhật 02/10, tổng thống Duterte dọa chấm dứt Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (Philippines-US Enhanced Defense Cooperation Agreement, EDCA) do người tiền nhiệm Benigno Aquino ký vào năm 2014. Chỉ có hiệu lực từ tháng 01/2016, hiệp định này cho phép quân đội Hoa Kỳ, lần đầu tiên, được trở lại các căn cứ quân sự ở Philippines sau khi bị trục xuất vào năm 1991.
Theo phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter vào tháng Năm, khoảng 300 quân nhân Mỹ thường xuyên thay phiên hiện diện ở trong và ngoài lãnh thổ Philippines. Ngoài ra, còn có khoảng 107 quân nhân thường trực tại tỉnh Mindanao, miền nam Philippines.

Trong thời gian gần đây, tổng thống Duterte ngày càng có nhiều lời phát biểu giận dữ chống Mỹ, sau khi Washinton, Liên Hiệp Châu Âu và một số nước trong cộng đồng quốc tế đã lên án chính phủ tiến hành các vụ sát hại mà không qua xét xử trong chiến dịch bài trừ tội phạm buôn bán ma túy.
Ngày 04/10, cựu thị trưởng thành phố Davao tuyên bố: "Thay vì giúp đỡ chúng tôi (trong cuộc chiến chống ma túy), đối tượng đầu tiên phải tấn công là bộ Ngoại Giao Mỹ. Vì thế, hãy xuống địa ngục đi, ông Obama, hãy xuống địa ngục đi (you can go to hell)". Ông Duterte nói thêm Washington đã từ chối bán vũ khí cho chính quyền Manila.
Theo thông tin ngày 05/10 của hãng Reuters, Nhà Trắng nhận định những phát biểu của ông Duterte "đi ngược" với mối quan hệ đồng minh song phương được xây dựng từ lâu. Hơn nữa, Manila vẫn chưa thông báo bất kỳ thay đổi nào trong quan hệ với Mỹ.

Hậu quả đáng ngại 

Phát biểu với đài CNBC ngày 04/10, ông Ernest Bower, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành văn phòng cố vấn rủi ro chính trị BowerGroupAsia (BGA), nhận xét : Lật lại lịch sử sẽ thấy hậu quả tai hại tiềm tàng nếu Manila trục xuất lực lượng quân sự Mỹ.
Sau khi Philippies đóng cửa các căn cứ của Mỹ ở vịnh Subic và Clart vào năm 1991, Trung Quốc bắt đầu xác quyết các yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, một vùng đất ở Biển Đông mà cả Bắc Kinh và Manila đòi chủ quyền.

Yêu sách này của Bắc Kinh đạt được kết quả vào năm 2012 khi Trung Quốc cấm mọi tầu cá của Philippines hoạt động trong khu vực Scarborough và các hành động thực thi pháp luật tại bãi cạn. Điều này buộc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye.
Ông Richard Bush, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, cảnh báo vào tuần trước : Rất khó đoán được liệu Bắc Kinh có tận dụng bối cảnh Hoa Kỳ vắng mặt tại khu vực để tăng cường hiện diện tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp. Hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị vốn đã căng thẳng chắc chắn là trường hợp xấu nhất.

Bắc Kinh có thể mở rộng lãnh thổ và sự hiện diện quân sự trong vùng, tới mức chiếm giữ các thực thể do Việt Nam, Philippines hay một số nước khác đang kiểm soát. Tuy nhiên, theo ông Richard Bush, nguy cơ xung đột sẽ giảm đi nếu các chính phủ Đông Á duy trì một liên minh mạnh mẽ với Hoa Kỳ.

Việc Mỹ rút quân cũng có thể tác động đến tình hình khủng bố tại Philippines. Mindanao là một vùng đất mầu mỡ cho tổ chức Hồi Giáo cực đoan Abu Sayyaf. Một cơ quan truyền thông địa phương nhận định, quân nhân Mỹ có mặt tại đây để hỗ trợ lực lượng địa phương với nhiều hoạt động chống khủng bố, như giám sát, tập huấn và chia sẻ thông tin.
Thế nhưng, tháng 09/2016, tổng thống Duterte lại kêu gọi quân nhân Mỹ rời khỏi vùng này vì cho rằng họ là mục tiêu của Abu Sayyaf. Sau đó, chính bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana lại phải lên tiếng cải chính, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lực lượng Mỹ. Ngày 15/09, ông phát biểu: "Chúng tôi vẫn cần đến họ vì họ có những khả năng giám sát mà quân đội của chúng tôi không có".

Cuối cùng, tổng thống Duterte có thể gây tổn hại cho mức độ tín nhiệm rất cao của chính mình, nếu ông đẩy lực lượng quân sự Hoa Kỳ ra khỏi Philippines.
Ông Ernest Bower nhận định: "Người dân Philippines không bầu ông Duterte để giải quyết chính sách đối ngoại. Những luận điệu chống Mỹ là quan điểm chính trị hay ở Philippines nhưng nếu ông đuổi quân Mỹ ra khỏi đất nước và mở cửa cho Trung Quốc, thì người Philippines sẽ chống lại (ông Duterte) và nếu điều đó xảy ra, ông ấy sẽ gặp rắc rối".
Rốt cuộc, các chiến lược gia không chắc về việc liệu nhà lãnh đạo Philippines có thực hiện những lời đe dọa của mình hay không. Ngày 30/09, các nhà phân tích thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra nhận định: "Còn quá sớm để nói liệu Washington chấp nhận quan điểm mới về chính sách đối ngoại của Manila hay không. Không nghi ngờ là ông Duterte đang theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hơn, ít nhất là khi đề cập đến vấn đề an ninh khu vực, nhưng còn phải xem liệu ông ấy có quyết định xét lại một số lĩnh vực khác trong hợp tác song phương Mỹ-Philippines hay không".

Về phần mình, ông Boywer không tin là tổng thống Duterte sẽ hành động và cho rằng những phát biểu hùng hổ của ông chỉ là ác khẩu hơn là dã tâm: "Liên minh Mỹ-Philippines sẽ vượt qua cơn bão tố". - RFI

***
Vào lúc mở ra một cuộc tập trận lớn chưa từng thấy ngoài khơi quần đảo Natuna, sát Biển Đông, tư lệnh quân đội nước này vừa xác định rằng Jakarta sẽ không tham gia bất kỳ một cuộc tập trận hỗn hợp nào với một nước khác trên Biển Đông. Lý do là để bảo vệ tính trung lập của Indonesia trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei).
Theo nhật báo Singapore The Straits Times, nhân một buổi lễ tại bản doanh Quân Đội ở Jakarta hôm 04/10/2016, Tư lệnh Quân Đội Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo nhận định:
"Indonesia đã làm hết sức để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và đã kêu gọi tất cả các bên tránh những hoạt động có thể gây thêm bất ổn định. Trên tinh thần đó, Quân Đội Indonesia sẽ không tiến hành tập trận với bất kỳ quốc gia nào khác trong vùng Biển Đông".

Tướng Gatot cũng nói rằng dù không tập trận chung ở Biển Đông, Quân Đội Indonesia vẫn duy trì các cuộc thao diễn quân sự với các đồng minh như Mỹ và Ấn Độ tại những khu vực khác trên lãnh thổ Indonesia.
Theo giới quan sát được báo The Straits Times trích dẫn, cho đến nay Indonesia nổi tiếng là chưa hề tập trận tại Biển Đông, nhưng trước đây đã có thông tin cho biết là Quân Đội Indonesia đã tổ chức hai cuộc tập trận chung với Mỹ tại Batam, cách Natuna khoảng 480km. Quân Đội Indonesia vào lúc ấy cho biết là Hải Quân Indonesia đã hy vọng là các cuộc diễn tập chung đó trở thành một sự kiện thường xuyên.

Jakarta luôn xác định mình không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ngày càng quan ngại về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần của vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna.
Tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh đã cho rằng các vùng biển ngoài khơi Natuna là một phần của ngư trường truyền thống của Trung Quốc.

Có lẽ thái độ quan ngại đó đã thúc đẩy Indonesia tổ chức cuộc tập trận quy mô trong khu vực Natuna, mang tên Puncak Angkasa Yudha, khởi động từ hôm nay, 06/10, huy động hàng ngàn binh sĩ, trong đó có cả các đơn vị lính nhảy dù, cũng như các phi đội chiến đấu cơ F-16 và Sukhoi Su-27.
Tuy nhiên, tướng Gatot đã nhấn mạnh trước báo giới là cuộc tập trận này "không hề có mục đích thị uy hay cảnh cáo Trung Quốc". Ông hóm hỉnh cho rằng: "Tôi sẽ coi đó là một lời khen nếu cuộc tập trận được xem là một hành động biểu dương lực lượng".
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng cho đấy là cuộc tập trận bình thường, được Quân Đội Indonesia tiến hành "trong lãnh thổ Indonesia, chứ không phải là trên Biển Đông". - RFI

4.
Tân tổng thư ký LHQ sẽ là cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres

Gương mặt tương lai của Liên Hiệp Quốc thay thế tổng thư ký Ban Ki Moon người Hàn Quốc sẽ là cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres. Ông sẽ được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chính thức đề cử vào hôm nay, 06/10/2016, 24 tiếng đồng hồ sau khi được cơ chế này chấp thuận trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm không chính thức.
Trong vòng bỏ phiếu hôm qua, tức là vòng thứ sáu, ông Guterres đã thu được 13 phiếu ủng hộ trong số 15 thành viên của Hội Đồng Bảo An, chỉ bị 2 phiếu "không ý kiến". Điểm đáng nói là không một thành viên thường trực có quyền phủ quyết nào trong Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu chống, với 4 thành viên tán đồng, nước còn lại thì không có ý kiến.

Căn cứ vào kết quả đó, đại sứ Nga, nước hiện là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An đã tuyên bố tổ chức ngay một phiên họp vào hôm nay để tổ chức bầu chính thức, và ông Guterres "rõ ràng là ứng cử sáng giá nhất". Đại sứ Nga còn hy vọng là việc bầu sẽ được thực hiện bằng cách vỗ tay.
Phải nói là trong năm vòng bầu sơ hộ trước đây, ứng cử viên người Bồ Đào Nha luôn dẫn đầu cuộc đua, và trong hai vòng thứ tư và thứ năm, đã được 12 phiếu thuận, dù còn bị 2 phiếu chống và một phiếu không ý kiến.
Năm nay 67 tuổi, ông Guterres từng làm thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến năm 2002. Sau đó ông đã được cử đứng đầu phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR) trong vòng 10 năm, từ 2005 đến 2015. Xuất thân là một kỹ sư, vốn là một người Công Giáo mộ đạo, nhân vật thuộc đảng Xã Hội này được ghi nhận là một người đã tích cực đấu tranh bảo vệ quyền của những người tị nạn trên thế giới.
Theo thủ tục hiện hành, sau khi được Hội Đồng Bảo An thông qua, ửng viên vào chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phải được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu tín nhiệm trước khi nhậm chức vào ngày 01/01/2017. - RFI

Tin Hoa Kỳ
5.
Ông Trump rút ý định cấm cửa người Hồi giáo

Ứng viên Tổng thống Mỹ bên đảng Cộng hòa, Donald Trump, rút ý định tuyệt đối cấm người Hồi giáo vào Hoa Kỳ, theo tuyên bố hôm 6/10 của ông Mike Pence, người đứng phó cho ông Trump. Đây là sự chuyển hướng của một trong những đề xuất khiêu khích nhất từ ông Trump.
Hồi tháng 12, ông Trump kêu gọi ‘cấm cửa hoàn toàn không cho người Hồi giáo vào Hoa Kỳ’ sau vụ thảm sát hàng loạt ở San Bernardino, bang California, do một cặp vợ chồng được truyền cảm hứng từ Nhà nước Hồi giáo thực hiện.

Những người chỉ trích nói đề xuất của ông Trump mang tính phân biệt đối xử và có thể vi phạm quy định bảo đảm tự do tôn giáo trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Dựa vào chính sách này của ông Trump, đảng Dân chủ đã lên án ông là một người mù quáng.
Trong những tháng gần đây, ông Trump tuyên bố sẽ tạm ngừng nhập cư đối với những ai xuất xứ từ các nước có thành phần hiếu chiến Hồi giáo hoạt động, nhưng không nói rõ liệu đây là một sự mở rộng hay thu hẹp quan điểm chính sách ban đầu của ông. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ứng cử viên Phó Tổng thống Mike Pence nói nếu đắc cử vào tháng 11 tới đây, ông Trump sẽ tạm ngừng nhập cư những người đến từ "các nước bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố."

Trên chương trình "Morning Joe" của MSNBC, khi được hỏi liệu việc này có dẫn tới một lệnh cấm người Hồi giáo hay không, ông Pence nói: "Tất nhiên là không."
Trước khi trở thành người đứng phó cho ông Trump, ông Pence từng phản đối lệnh cấm người Hồi giáo. Trong chương trình ‘New Day’ của CNN, ông Pence được hỏi tại sao bây giờ ông không phản đối nữa. Ông đáp: “Bởi vì điều ấy không phải là quan điểm của ông Donald Trump lúc này.” - VOA

6.
Bão Matthew tiến về Florida, Tổng thống công bố tình trạng khẩn cấp --- Mỹ chuẩn bị đón bão Matthew

Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố tình trạng khẩn cấp tại Florida trong lúc bão Matthew đang tăng cường độ tiến về Đông Nam Hoa Kỳ, theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc.
Loan báo này cho phép Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Xử lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang phối hợp các nỗ lực cứu hộ cần thiết trong cơn bão cấp 4 với sức gió lên tới 220 km/giờ.
Trung tâm Bão Quốc gia cho biết tâm bão sắp kéo tới Freeport ở Bahamas, có thể có những tác động tàn phá nặng nề cho Florida. - VOA

***
Bão Matthew đang hoành hành tại Bahamas và trên đường tiến về bang Florida, khiến cư dân địa phương và nhân viên cứu hộ khẩn cấp tại đây và tại các tiểu bang khác ở Đông Nam nước Mỹ khẩn trương chuẩn bị ứng phó.
Ít nhất 108 người ở Haiti bị thiệt mạng sau khi bão Matthew ập vào đảo Hispaniola hôm 4/10, nâng tổng số tử vong trên khắp vùng biển Caribê lên thành ít nhất là 114 trường hợp. Cơn bão cấp 4 này là trận bão mạnh nhất trong 52 năm qua đổ bộ vào Haiti, quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu.
Thống đốc bang Florida, Rick Scott, ngày 6/10 cho báo giới biết bão Matthew có thể sẽ duy trì ở cấp 4 với sức gió mạnh 205km/giờ khi ập vào Florida tối nay.
“Không còn thời gian nữa. Không lý do gì hết. Tất cả quý vị phải sơ tán," ông Scott ra lệnh sơ tán khoảng 1,5 triệu người và đồng thời cảnh báo các đường cao tốc ở Florida dự kiến sẽ bị ách tắc giao thông khi bão tiến gần hơn.
Trung tâm Bão Quốc gia ở Miami mô tả bão Matthew ‘cực kỳ nguy hiểm.’

Georgia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 13 quận hạt ven biển.
Thống đốc bang South Carolina, Nikki Haley, đã ra lệnh sơ tán một số quận hạt duyên hải, nơi có hơn 1 triệu người cư trú.
Matthew là cơn bão mạnh nhất quét qua Đại Tây Dương và biển Caribê kể từ sau cơn bão Felix hồi năm 2007. - VOA

Tin Việt Nam
7.
3.000 công nhân đình công ở Nghệ An

Một cuộc đình công của 3.000 công nhân đã diễn ra trong 4 ngày ở Vinh, Nghệ An và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các công nhân tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Matrix Vinh đã đình công từ ngày 3/10 vì bất bình về điều kiện làm việc và giờ giải lao. Công ty do Trung Quốc đầu tư này chuyên sản xuất các loại gấu bông, đồ chơi xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một nhà hoạt động vì công lý, nhân quyền hiện có mặt tại hiện trường, cho VOA biết thêm về lý do của cuộc đình công:
“Tại vì thời gian làm việc của họ giằng bó và tiền thưởng, tiền công không hợp lý cho họ, và chỗ ăn ở và môi trường sinh hoạt và ăn trưa. Công ty bắt buộc ví dụ như là 100 sản phẩm đầu tiên trong một ngày thì bắt buộc phải làm cho hết, và sang ngày sau công ty lại tăng lên, ví dụ 110, cho nên các công nhân không có thời gian để nghỉ trưa lâu để hoàn thành tất cả cho công ty”.
Theo anh Hùng, cho đến trưa ngày 6/10, mới có một yêu sách của công nhân được giải quyết là tiền ăn trưa được nâng lên từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng một bữa. Còn hai yêu sách chính về thời gian nghỉ ngơi và làm việc vẫn chưa đạt được thỏa thuận giữa các công nhân và chủ công ty. Anh cho biết cuộc đình công có thể còn kéo dài vài ngày:

“Tôi nghĩ là cuộc đình công này chắc cũng phải hết tuần. Hôm nay là thứ Sáu, mùng 6, chắc phải mùng 10 mới xong”.
Một số báo Việt Nam đưa tin rằng cuối buổi sáng hôm 5/10, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đến làm việc với công ty để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, do hai bên vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung nên các công nhân vẫn chưa đồng ý quay lại làm việc. - VOA

8.
Thanh tra PVC: Sẽ lại một Vinalines, Vinashin tiếp theo?

Đoàn Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong 70 ngày. Quyết định vừa được đưa ra chiều 6/10 không khiến các nhà quan sát tình hình Việt Nam ngạc nhiên, xem đây chỉ là một nước cờ phải đi trong một chuỗi các sự kiện gần đây có liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh là một cựu lãnh đạo của PVC, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và hiện đang bị Việt Nam truy nã quốc tế về tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cụ thể là gây thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.
Tin cho hay đợt thanh tra kéo dài hơn 1 tháng sẽ tập trung vào việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC trong giao đoạn từ năm 2008 – 2013, thời gian ông Trịnh Xuân Thanh nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC.
Theo báo Lao Động, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trước đó đã chỉ đạo Bộ Công an “khẩn trương thực hiện ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ trên.

Công bố quyết định thanh tra được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng biên tập báo Petrotimes, bị tước thẻ nhà báo và tờ báo này bị đình chỉ 3 tháng vì cho đăng bài viết của một tờ báo nước ngoài phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió) về vụ ông Trịnh Xuân Thanh. VTV đã truyền hình cuộc họp báo chính phủ hôm 4/10. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời về vụ này:
“Đối với ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang là bị can đang bị truy nã quốc tế, như chúng ta biết, thì bài phỏng vấn của báo này đã đưa ra những thông tin bị cắt xén hoặc không có căn cứ và kèm theo những thông tin sai lệch dễ bị suy diễn là Trịnh Xuân Thanh không phạm tội. Việc cho đăng tải bài báo nói trên còn gián tiếp lái dư luận hiểu sai lệch về vụ án này, và việc làm đó không những chỉ gây nhiễu loạn thông tin, mà còn gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm kinh tế, gây hoang mang cho dư luận và gây bất lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Trước đó hôm 19/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có một cuộc hội thảo để lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên, đặc biệt là bổ sung Quy định 181 trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm trong công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Cùng thời điểm trên, một số lãnh đạo được xem là “đồng phạm” của ông Trịnh Xuân Thanh tại PVC cũng đã bị bắt giữ. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận, quan sát tình hình Việt Nam, nhận xét với VOA:
“Tất cả những quy định liên quan đến đảng viên, trong đó đặc biệt là phần xử lý kỷ luật đảng viên, sẽ phải được đặt ra và sửa đổi, bổ sung một cách rốt ráo theo hướng có lợi nhất cho những thế lực mạnh nhất trong đảng cầm quyền hiện nay”.
Nhà bình luận này cho rằng vụ ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một “giọt nước tràn ly” của cuộc đấu đá nội bộ đã “không thể kiềm chế” được nữa.
“Đây giống như viên đạn đã lên nòng rồi, không thể dừng được nữa. Và sắp tới, có lẽ mọi chuyện sẽ tuôn trào theo mạch của nó”.

Một nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói PVC cũng chỉ là một Vinalines, Vinashin tiếp theo mà thôi.
“Vụ ông Thanh cũng như diễn tiến vừa qua và việc hoãn thi hành luật hình sự, cũng như tin mới nhất là chính phủ sẽ vào cuộc thanh tra lại tất cả các dự án của tổng công ty Xây lắp Dầu khí, nó cũng giống hệt như đối với Vinalines, Vinashin, thực sự cũng tương tự tội danh như thế. Tôi nghĩ đây là các phe trong giới cầm quyền đánh nhau mà thôi”.

Theo TS. Nguyễn Quang A, vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng có thể là một trong những lý do khiến cho Luật Hình sự mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 đã bị dời lại sang năm sau.
“Trong luật hình sự mới này, không còn có cái tội gọi là làm trái các quy định kinh tế, điều luật người ta dùng để buộc tội rất nhiều người làm kinh doanh, thí dụ như trong trường hợp này là ông Thanh, và còn nhiều người khác đã bị cái tội như thế này, và tội đó thực sự là điều phải hủy bỏ khỏi luật hình sự”. 
PVC là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là tập đoàn chuyện thực hiện các dự án có quy mô lớn hàng ngàn tỷ đồng như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2…

Theo báo cáo năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, tập đoàn này đã có nhiều sai phạm về tài chính với con số lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có việc mua tàu khảo sát địa chấn 2D đã quá 10 năm so với quy định đăng kiểm nhưng không qua báo cáo và các vụ chuyển nhượng lớn không theo thủ tục, thanh toán. Thời gian này, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và sau đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. - VOA

9.
Bí thư Hà Nội: Ô nhiễm không khí là vấn đề lớn nhất

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói ô nhiễm không khí ở thủ đô của Việt Nam là “vấn đề lớn nhất” khi phát biểu tại một hội nghị của đảng bộ thành phố hôm 6/10. Người nắm quyền lực lớn nhất ở thủ đô, theo hệ thống chính trị Việt Nam, cũng cho hay quản lý đô thị và môi trường đang là thách thức rất lớn của thành phố. 
Phát biểu của ông Hải được đưa ra chỉ một ngày sau khi một trạm theo dõi chất lượng không khí cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt mức rất có hại cho sức khỏe. Trạm này đặt tại Đại sứ quán Mỹ, cách Hồ Hoàn Kiếm - nơi được coi là trung tâm thành phố - gần 4 kilômét về phía tây nam.

Ông Hoàng Trung Hải cho biết khí thải gây ô nhiễm từ động cơ ô tô, xe máy chiếm tới "70% lượng bụi" ở thành phố, còn sự phát thải từ công nghiệp, xây dựng chiếm 30% ô nhiễm không khí.
Vị bí thư thành ủy nêu ra định hướng giải quyết là trong thời gian tới thành phố cần phải “đầu tư cơ sở hạ tầng để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân”.
Hồi cuối tháng 6, một hội nghị khác của đảng bộ Hà Nội đã bàn về định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô. Theo thống kê đến tháng 9 năm nay, Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô các loại.

Cũng tại hội nghị hôm 6/10, về vụ cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, Bí thư Hoàng Trung Hải thừa nhận chính quyền có một phần trách nhiệm. Báo chí trong nước trích lời ông nói rằng “bây giờ chưa biết nguyên nhân cá chết nhưng để xảy ra do chúng ta sơ sẩy, quản lý chưa tốt.”
Ông đã yêu cầu “tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc nước” cũng như "tiếp tục rà soát tất cả các nguồn nước thải."
Các nhân chứng và báo chí Hà Nội cho hay hiện vẫn còn tình trạng các hộ sản xuất và kinh doanh xả nước thải chưa xử lý ra Hồ Tây. Bí thư Hà Nội nói “phải kiên quyết xử lý, không để tình trạng này xảy ra lần nữa.”

Nhận định về việc xử lý ô nhiễm ở Hồ Tây, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID tại Hà Nội, nói với VOA:
“Đã có những quy định là rác thải thì xả như thế nào rồi. Trong trường hợp này tôi nghĩ rằng sẽ phải kiểm tra lại tất cả các nguồn xả thải. Và khi đã làm rõ ra rồi, sẽ xem xét trong các nguồn xả thải đấy, đâu là nguồn chính gây ra hiện tượng này. Các nhà hàng họ xả ra đấy là việc không thể chấp nhận được. Còn các hộ dân sinh mà nói rằng cái đấy không ảnh hưởng gì lớn, nhưng mà tôi nghĩ rằng tất cả các nguồn xả thải mà không đảm bảo về môi trường thì đều có tác động.”

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây bắt đầu từ chiều ngày 1/10. Thống kê ban đầu cho thấy cá chết trên diện tích hơn 500 hecta. Đến ngày 5/10, khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. - VOA

10.
Việt Nam sắp trang bị chiến xa T-90 của Nga?

Việt Nam có nhu cầu cấp thiết đổi mới binh chủng xe tăng và đang thương lượng với Nga mua khoảng 100 chiến xa nhằm tăng cường năng lực chiến đấu cho quân đội. Báo mạng Sputnik ngày 03/10/2016 thông báo như trên.
Tờ báo mạng này dẫn lại nguồn tin từ tờ Izvestia cho hay phía Việt Nam muốn tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội và đang đàm phán với Nga mua khoảng 100 chiến xa T-90. Tuy nhiên, theo lời ông giám đốc điều hành nhà xưởng Ouralvagonzavod, Vladimir Rochtchoupkin, "đơn đặt hàng chỉ ở mức trung bình. Phía Việt Nam muốn được bớt giá đáng kể và mong muốn được trả rẻ hơn so với mức giá chúng tôi đề ra".

Cũng theo vị giám đốc trên, "một khi giá được ấn định, các bên sẽ bắt đầu thương thuyết về những yêu cầu đặc biệt về những trang thiết bị thích hợp cho việc triển khai tại địa hình Đông Nam Á". Về điểm này, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, Rouslan Poukhov cho rằng Matxcơva nên có chính sách linh hoạt.
Tờ báo Nga đánh giá điều này cho thấy Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết đổi mới đội xe tăng cũ kỹ có từ Xô Viết và đã được hiện đại hóa một phần nhờ vào các chuyên gia Israel.

Trước đó, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam dự tính mua chiến xa T-72 được sản xuất tại Ba Lan, nhưng vụ giao dịch đã bất thành. Kết quả là Việt Nam đã chuyển hướng sang Nga.
Sputnik trích dẫn bảng xếp hạng đăng trên tờ The National Interest cho rằng chiến xa T-90 có tên là "Vladimir" từng được xếp vào danh sách các loại xe tăng thiện chiến nhất trên thế giới.
Lợi thế đầu tiên của T-90 là nhờ vào những đặc thù của nòng pháo 125mm-D-81 (2A46) có thể hủy diệt những mục tiêu ở cự ly xa cực kỳ hiệu quả. Một lợi điểm khác của T-90 là sức công phá dữ dội của tên lửa 

Không có nhận xét nào: