Bắc Kinh dọa nạt để lôi kéo Singapore vào quỹ đạo Trung Quốc
Vốn dĩ rất thuận thảo, quan hệ Trung Quốc-Singapore đã đột nhiên căng thẳng hẳn lên với cuộc tranh cãi giữa đại sứ Singapore tại Bắc Kinh với chủ bút tờ báo đại chúng nặng mùi dân tộc chủ của Trung Quốc là Hoàn Cầu Thời Báo. <!>
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng bênh vực tờ báo của mình, trong lúc giới thân cận quân đội Trung Quốc không ngần ngại kêu gọi Bắc Kinh phải trừng phạt Singapore. Theo nhận xét của tờ báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 01/10/2016, trong bài "Thực ra Bắc Kinh nổi nóng với Singapore vì điều gì?", Trung Quốc đã gây căng thẳng để biểu lộ thái độ bất mãn đang gia tăng đối với tiểu quốc nhỏ bé tại Đông Nam Á mà Bắc Kinh muốn kéo vào quỹ đạo của mình.
Cho đến gần đây, Trung Quốc và Singapore được cho là vẫn có một quan hệ rất đặc biệt vì được coi như là rất tương đồng về mặt văn hóa và chủng tộc, với cộng đồng gốc Hoa chiếm đa số tại một nước chỉ có khoảng 6 triệu dân. Hai sự kiện gần đây đã nêu bật thái độ trân trọng của Bắc Kinh đối với Singapore: Tang lễ cố lãnh đạo Singapapore Lý Quang Diệu vào tháng 03/2015 đã được Trung Quốc hết sức coi trọng, và Singapore đã được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vào tháng 11 cùng năm.
Nhưng kể từ đó đến nay, sự tin tưởng lẫn nhau đã ngày càng giảm sụt, xuất phát từ sự cạnh tranh đang leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA ngày 12/07/2016, phủ nhận yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Bắc Kinh ngày càng khó chịu trước đường lối ngoại giao mà Singapore áp dụng đối với Trung Quốc, cho rằng quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách "chơi cả hai lá bài" Mỹ và Trung Quốc để thủ lợi riêng.
Trên cơ sở hai nước được cho là cùng thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, vốn đòi hỏi là bạn bè phải giúp đỡ lẫn nhau, Trung Quốc hy vọng là với tình hữu nghị truyền thống sẵn có, Singapore sẽ sử dụng vai trò độc đáo của mình trong ASEAN cũng như ảnh hưởng trong khu vực để giúp Trung Quốc giải quyết tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á hay ít ra là duy trì tư thế trung lập.
Thế nhưng động thái của Singapore về phán quyết PCA đã khiến Bắc Kinh sững sờ. Các quan chức Singapore đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ một văn kiện mà Bắc Kinh bác bỏ, xem đấy là "bất hợp pháp" và "không có tính ràng buộc". Singapore không chỉ ủng hộ phán quyết, mà lại còn vận động quốc tế gây áp lực trên Trung Quốc.
Bắc Kinh đặc biệt khó chịu trước nỗ lực của Singapore sử dụng hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Phi Liên Kết làm diễn đàn để ra một tuyên bố chống lại Trung Quốc. Dĩ nhiên là Trung Quốc không có gì phải lo, vì Singapore khá đơn độc, nhưng vì Singapore là nước đi đầu trong cuộc vận động, Bắc Kinh đã cảm thấy bị xúc phạm.
Tranh cãi bùng lên về vai trò của Singapore tại hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Phi Liên Kết, với những lời đe dọa kèm theo, được xem là một hình thức qua đó Bắc Kinh biểu lộ thái độ bực tức của mình, nhưng không đi quá xa để khỏi phá vỡ quan hệ truyền thống tốt đẹp với Singapore.
Theo ghi nhận của tờ South China Morning Post, tác nhân đi đầu trong việc đả kích Singapore về phía Trung Quốc là Hoàn Cầu Thời Báo. Đây không phải là một tiếng nói "chính thức", và trong khi có thể đại diện cho quan điểm của "một số quan chức", tờ báo có xu hướng phản ánh tiếng nói của phe diều hâu trong giới lãnh đạo.
Có khả năng là tờ báo này muốn phản ánh quan điểm của "một số quan chức Trung Quốc", nhưng cũng có khả năng là một số quan chức cấp cao muốn sử dụng quy chế "bán chính thức" của tờ báo để cho biết quan điểm của họ mà không gây tác hại về mặt ngoại giao.
Cả hai khả năng trên đều phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Singapore, cả trên vấn đề Biển Đông lẫn vấn đề chính quyền Singapore đang ngày càng thân Mỹ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể là đã rất tôn trọng ông Lý Quang Diệu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ tự động tôn trọng con trai của ông là Lý Hiển Long.
Nhưng dẫu sao thì theo nhật báo Hồng Kông, Bắc Kinh không có ý định từ bỏ nỗ lực kéo Singapore vào quỹ đạo của mình, do việc nước này có thể giúp Trung Quốc cải thiện quan hệ với các nước ASEAN và các láng giềng khác.
Đó là lý do tại sao chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào đầu tháng Chín, rằng quan hệ Trung Quốc-Singapore luôn luôn đi trước một bước so với quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN khác. - RFI
2.
Tổng thống Philippines được Nga-Trung ủng hộ khi chỉ trích Mỹ --- Tổng thống Philippines xin lỗi người Do Thái
Tổng thống Philippines tuyên bố nhận được sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc khi chỉ trích Mỹ.
Ông Rodrigo Duterte nói trong cuộc họp bên lề thượng đỉnh tại Lào hồi tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tán đồng với ông khi ông phê phán Mỹ.
Trong một bài diễn văn ngày 2/10 ông Duterte nói: “Giờ để tôi tiết lộ cho quý vị biết tôi đã họp với ông Medvedev, tôi nói về tình hình hiện nay rằng họ xử ép tôi, không tôn trọng tôi, họ không biết xấu hổ” và ông ấy đáp rằng: “Quả thật đó là cách hành xử của người Mỹ,” “Chúng tôi sẽ giúp ông.”
Những chỉ trích của Tổng thống Philippines đối với Mỹ ngày một tăng lên sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ nêu quan ngại về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông Duterte.
Tòa Bạch Ốc đã hủy cuộc họp giữa ông Obama với ông Duterte tại Lào sau khi nhà lãnh đạo Philippines gọi Tổng thống Obama là ‘đứa con hoang.’
Cùng ngày 2/10, ông Duterte cũng cho biết ông đã nêu lên những ý kiến phản đối Mỹ với Trung Quốc.
“Trung Quốc nói ‘đi với Mỹ, anh sẽ không có lợi’,” ông Duterte thuật lại. Không rõ ông trích dẫn câu này từ giới chức nào của Trung Quốc và bình luận đó được đưa ra khi nào.
Trong các bài diễn văn gần đây, ông Duterte lặp đi lặp lại nhiều lần rằng ông định mở các liên minh mới với Nga và Trung Quốc, đặc biệt về thương mại. Đây là một phần trên con đường theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập của tân Tổng thống gây nhiều tranh cãi của Philippines.
Một số nguồn tin ngoại giao và thương mại xác nhận với Reuters rằng một phái đoàn doanh nghiệp Philippines sẽ tháp tùng ông Duterte trong chuyến công du Bắc Kinh từ ngày 19 đến 21 tháng này. - VOA
***
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi lời xin lỗi “sâu sắc” đến cộng đồng người Do Thái trên thế giới vì đã so sánh cuộc chiến chống buôn lậu ma túy của ông với cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Trong lễ khai mạc của một lễ hội tại thành phố Bacolod, ông Duterte nói: “Tôi muốn nói rõ ràng ở đây và ngay bây giờ rằng tôi không bao giờ có bất kỳ ý định nào làm tổn thương hồi ức của 6 triệu người Do Thái đã bị người Đức sát hại”.
Ông thừa nhận phát biểu của mình hồi tuần trước đã để lại những ấn tượng khó chịu.
Nhưng ông nói ông sẽ không xin lỗi những người chỉ trích cuộc đàn áp khắc nghiệt và bạo lực của ông trên những nghi phạm sử dụng, sản xuất hay buôn bán ma túy.
Ước tính cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã giết chết khoảng 3.000 người, trong đó có nhiều người bị giết mà không qua xét xử. Ông Duterte đã chửi tục đối với các luật sư mà ông cho là “ngu ngốc” của Liên minh châu Âu và các giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch của ông. Ông còn đe dọa sẽ đuổi họ ra khỏi đất nước Philippines.
Hôm thứ Sáu, ông Duterte nói: “Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do Thái... Hiện đang có 3 triệu người nghiện ma túy. Tôi sẽ rất vui giết chúng”.
Các sử gia nói có ít nhất 6 triệu người Do Thái bị sát hại bởi Đức quốc xã.
Các phụ tá của ông Duterte nói ông đã rất tức giận và chỉ phản ứng lại phát biểu của một giới chức Liên Hiệp Quốc so sánh chiến thuật của ông Duterte với hành động giết người hàng loạt của Hitler và của nhân vật độc tài Xô Viết Josef Stalin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner gọi là những phát biểu của ông Duterte là “gây rắc rối” và là một sự chuyển hướng đáng kể khỏi truyền thống về nhân quyền và nhân phẩm của Philippines. - VOA
3.
Giáo sư Nhật Yoshinori Ohsumi đoạt giải Nobel Y khoa
Nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi đã được trao giải Nobel Y khoa năm nay cho công trình khám phá cơ chế tự thực (autophagy), một nghiên cứu khoa học về cơ chế phân tách và tái tạo của tế bào.
Trong công bố trao giải thưởng 930.000 đôla, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska của Thụy Điển nói:
“Những khám phá của ông đã mở ra sự hiểu biết về tầm quan trọng cơ bản của cơ chế tự thực trong nhiều quá trình sinh lý học, chẳng hạn như sự thích nghi với việc đói hoặc phản ứng với lây nhiễm”.
Ông Ohsumi, 71 tuổi, là một giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo.
Viện Karoliska cho biết thêm: “Cơ chế tự thực đã được biết đến hơn 50 năm, nhưng tầm quan trọng cơ bản của nó trong sinh lý học và trong y học chỉ được công nhận sau nghiên cứu chuyển đổi mô hình của giáo sư Yoshinori Ohsumi trong những năm 1990”.
Cũng theo Viện Karoliska, “Nhờ ông Ohsumi và những người tiếp bước ông mà bây giờ chúng ta biết được rằng cơ chế tự thực điều khiển các chức năng sinh lý quan trọng, nơi các thành phần tế bào cần thoái hóa và tái tạo”.
Giải thưởng y học này là giải Nobel đầu tiên được trao mỗi năm.
Các giải Nobel vật lý, hóa học, hòa bình, kinh tế và văn học sẽ được công bố trong tuần này và tuần tới. - VOA
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ nhận đủ người tị nạn theo chỉ tiêu của năm 2016
Hoa Kỳ đạt sát chỉ tiêu nhận người tị nạn trong năm tài khóa 2016, khép lại 12 tháng nhiều bất đồng chính trị về các chính sách nhận người tị nạn, và chỉ còn thiếu 5 người nữa là hoàn thành chỉ tiêu nhận 85.000 người tị nạn mà chính quyền đã đặt ra.
Loan báo này được đưa ra sau khi các đại diện của nhóm vận động Quốc hội cho người tị nạn đến Washington để trình bày với các nhà lập pháp về quan tâm ngại của người tị nạn.
Thông tín viên Jeff Swicord của đài VOA đã đi cùng bà Zeljka Krvavica, trước đây là người tị nạn chạy khỏi Bosnia, cùng với các đại diện khác gặp gỡ các nhà lập pháp ở Điện Capitol.
Bà Zeljka Krvavica là một đại diện ở bang Iowa của nhóm vận động Quốc hội cho người tị nạn.
Hôm nay bà Zeljka và các đại diện khác đến Washington để gặp gỡ với các đại biểu Quốc hội, để nhắc họ rằng con số người thất tán trên khắp thế giới tăng lên mức cao nhất chưa từng có.
Bà nói: "Hy vọng rằng những lá phiếu của chúng tôi, những ý kiến của chúng tôi, và nỗ lực vận động của chúng tôi sẽ góp phần thúc đẩy Quốc hội thông qua chỉ tiêu nhận thêm người tịn nạn vào Mỹ trong năm 2017".
Theo số liệu của Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), 65,3 triệu người thất tán trên khắp thế giới vì những cuộc xung đột và hay bị áp bức. 20 triệu người xin tị nạn.
Tòa Bạch Ốc muốn Hoa Kỳ nhận 110.000 người tị nạn trong năm 2017, so với chỉ tiêu của năm 2016 là 85.000 người.
Ông Christopher Boian của Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc nói rằng mỗi nước phải tăng việc nhận số người tị nạn lên và làm những gì có thể tùy theo khả năng của mỗi nước.
Ông nói thêm: "Thế giới đang đối diện với một cuộc khủng hoảng về người tị nạn về số người lẫn về tính chất chưa từng gặp phải trước đây. Và đến lúc thế giới cần phải có những giải pháp mới, cơ chế mới và phương cách mới để tăng cường giải quyết và kiểm soát cuộc khủng hoảng".
Nỗ lực tăng cường giải quyết cuộc khủng khoảng người tị nạn gặp phải một số chống đối. Khi hàng trăm ngàn người tị nạn tràn vào châu Âu hồi mùa thu năm ngoái, một số nhà lãnh đạo theo chủ trương dân tộc đã nhanh chóng đóng cửa biên giới nước họ lại.
Tại Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống Donald Trump của Ðảng Cộng hòa tuyên bố sẽ hồi hương tất cả người tị nạn Syria.
Ông Trump nói: "Chúng tôi không biết họ là ai, họ ở đâu tới. Không có hồ sơ chứng cứ gì cả. Chúng tôi có phải là những người điên rồ hay không? Không, họ phải hồi hương. Nếu tôi lên làm tổng thống, những người đó phải về quê quán của họ. Chúng tôi phải thực hiện điều đó. Chúng tôi phải làm việc đó".
Bà Zeljka Krvavica nói rằng những lo ngại về an ninh là không có cơ sở. Bà nói những người tị nạn là nhóm được xem xét kỹ lưỡng nhất bằng một quy trình xét duyệt có thể kéo dài đến 2 năm trước khi được cho vào nước Mỹ.
Bà nói: "Thật không may có nhiều người cho rằng người tị nạn vào Mỹ là những phần tử khủng bố. Họ không phải là khủng bố. Nhiều người nghĩ rằng người tị nạn không đóng thuế, và sống ở Mỹ miễn phí. Điều đó không đúng".
Bà Zeljka nói một phần của giải pháp là tuyên truyền cho công chúng về người tị nạn là ai và lịch sử đã cho thấy người tị nạn đã đóng góp to lớn như thế nào cho xã hội Mỹ. - VOA
5.
Robot thay người trong dịch vụ ẩm thực --- Toyota ra mắt robot ‘tâm tình’
Chẳng bao lâu nữa chiếc bánh pizza bạn đặt mua từ một cửa tiệm pizza gần nhà sẽ được chuẩn bị, chế biến bởi một robot. Đây là điều mà nhiều nhà làm bánh pizza, trong đó có công ty khởi nghiệp Zume tại Mountain View, bang California, đang thử nghiệm.
Công ty Zume đã tậu được hai robot làm việc không ngừng nghỉ và khỏi phải trả lương. Khi bánh đã được trải nước sốt và các loại rau thịt lên bề mặt, robot sẽ đưa bánh vào lò nướng.
Công ty hy vọng robot này sẽ giúp thu về thêm lợi nhuận. Theo Tổng giám đốc kiêm sáng lập viên công ty Zume, bà Julia Collins, các nhân viên robot khỏi phải trả lương và cũng không đau ốm gì cả.
Xe tải nướng bánh
Sáng kiến lớn nhất của Zume sắp được thực hiện: một chiếc xe tải giao hàng được trang bị 56 lò nướng. Xe chạy vòng quanh một khu phố, và đúng 3 phút 15 giây trước khi tới trước cửa nhà khách hàng, pizza sẽ được đút vào lò nướng.
Công ty cũng rút ngắn thời gian giao hàng bằng cách sử dụng một phần mềm dự trù trước thời điểm đặt hàng và loại bánh khách sẽ đặt mua.
Robot làm bánh mì kẹp thịt
Một công ty khác tên là Bistrobot cũng đang dùng robot để chuẩn bị thức ăn.
Các chuyên gia nói đây là một khuynh hướng đang lên trong ngành thực phẩm, nhưng họ cho rằng robot vẫn còn phải vất vả đối phó với những công việc đòi hỏi những kỹ năng máy móc tinh vi hơn.
Ông Ken Goldberg, Giám đốc Phòng thí nghiệm Tự động hóa thuộc Đại học Berkeley California nói quá trình nghiên cứu đã tiến hành 50 năm nay.
“Đã thấy những tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Do đó tôi muốn các nhân viên nhà hàng an tâm rằng những kỹ năng họ đang có vẫn còn giá trị,” ông Goldberg khẳng định.
Do đó những điều chúng ta đang thấy chỉ là bước đầu, và có thể kỳ vọng là trong tương lai robot sẽ có mặt nhiều hơn trong các nhà bếp. - VOA
***
Hãng xe Toyota của Nhật vừa trình làng một rô-bốt tí hon được thiết kế để trò chuyện với chủ nhân.
Toyota ra mắt con rô-bốt mới tại Tokyo hôm 3/10. Giám đốc điều hành sản xuất của Toyota, ông Fuminori Kataoka, cho biết chú rô-bốt tí hon này được chế tạo để chủ nhân có người hàn huyên bầu bạn.
Toyota nói chú rô-bốt cao 10 centimét với tên gọi Kirobo có giá thành 400 đôla.
Toyota cho hãng thông tấn AP biết chú rô-bốt này được trang bị một máy thu hình, một mi-crô và một đường nối blue tooth với một điện thoại thông minh.
Rô-bốt có thể đàm thoại đơn giản và đáp ứng với những cảm xúc.
Thông tấn xã Pháp AFP cho biết nguyên mẫu rô-bốt đầu tiên đã được đưa lên Trạm Không gian Quốc tế để trò chuyện với các phi hành gia.
Đây là một phần của một dự án lâu dài tìm hiểu xem liệu rô-bốt có thể bầu bạn với những người bị cô lập chăng, đặc biệt là để tìm hiểu xem rô-bốt có phát triển được kỹ năng nói chuyện hay không. - VOA
Tin Việt Nam
6.
Thu thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong
Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng vì 'để xảy ra những sai phạm' và Tổng Biên tập bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
Quyết định thu hồi thẻ nhà báo số 1701/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn ký có hiệu lực kể từ ngày 3/10/2016.
Quyết định này mô tả ông Nguyễn Như Phong "đã bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Tổng Biên tập Báo điện tử PetroTimes," theo TTXVN.
"Quyết định này cũng đình bản tạm thời Báo điện tử PetroTimes trong thời hạn ba tháng vì Báo đã để xảy ra những sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm dừng hoạt động."
Quyết định trên không nói lý do ông Nguyễn Như Phong bị kỷ luật cũng như sai phạm của tờ báo này là gì.
Tuy nhiên các nguồn từ Việt Nam từ ngày 1/10 phỏng đoán một bài báo trích đăng lại từ báo hải ngoại về vụ án Trịnh Xuân Thanh có thể là nguyên nhân.
Bài báo đăng trên trang PetroTimes ngày 30/9, ngay sau đó bị xóa, trích lại phỏng vấn với cây bút Bùi Thanh Hiếu từ Đức (còn được biết đến với bút danh Người Buôn Gió), người đã viết nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh từ khi nhân vật này “mất tích”.
Hôm 7/9, ông Hiếu công bố trên mạng tài liệu ba trang, mô tả điều ông gọi là báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong văn bản này, người ký tên Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.
Kể từ đó, ông Hiếu viết một loạt bài dựa trên tài liệu mà ông nói là thông qua một người quen ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Hiếu cũng nói ông đã trực tiếp đàm thoại trực tuyến với ông Thanh, được ông Thanh “nhờ đưa môt số thông tin lên cho dư luận biết”.
Nhà chức trách Việt Nam đã loan báo khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh vì cáo buộc sai phạm làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Phong có hàm đại tá công an, từng là Phó Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân trước khi chuyển về PetroTimes thuộc Hội Dầu khí Việt Nam.
Tại PetroTimes, ông Phong là Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Quốc tế, trực tiếp chỉ đạo Thư ký Tòa soạn.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước vào năm ngoái, ông Phong được dẫn lời nói rằng "cái chức tổng biên tập cấp trên giao cho mình ngày hôm nay, có thể mai nghỉ, nhưng cái nghề viết của mình thì phải giữ.
"Tôi cũng tự cho mình cũng là người máu viết, đam mê viết, không viết không chịu được," ông Phong nói thêm. - BBC
7.
Chuyên gia nhận định: Formosa chỉ rút vì sức ép của chính quyền
Sau khi khoảng 10.000 người biểu tình hôm 2/10 ở Hà Tĩnh để phản đối việc nhà máy của Formosa gây thảm họa môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, nhận định với VOA rằng nhà máy này có thể phải rút đi nếu chịu áp lực từ chính quyền về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Giáo sư Võ cho rằng tuy cuộc biểu tình khổng lồ tạo tiếng vang lớn nhưng không phải là yếu tố quyết định dẫn tới nhà máy Formosa có rút đi hay không. Ông nói:
“Cái việc rút thì phải là họ quyết định rút đi dưới cái áp lực rất là mạnh của phía lãnh đạo của Việt Nam ở trung ương cũng như ở địa phương là yêu cầu giải quyết vấn đề về môi trường, yêu cầu về bảo vệ môi trường rất là chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng cam kết của dự án đầu tư. Chuyện người dân biểu tình cũng không đến mức làm nhà đầu tư quyết định rút hay không rút, mà câu chuyện nó nằm ở chỗ chính sách của Việt Nam yêu cầu dự án đầu tư này phải thực hiện vấn đề về môi trường như thế nào”.
Hồi tháng 4, nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh đã xả thải trái phép gây thảm họa môi trường, làm cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Sau đó vài tháng, Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết đền bù 500 triệu đôla cho chính phủ.
Theo vị cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nếu Formosa theo đuổi phương pháp sản xuất rẻ tiền và không thân thiện với môi trường, thậm chí “có ý thức gây hại môi trường”, Formosa sẽ “không tồn tại được” ở Việt Nam.
Ông Võ cho rằng trong trường hợp đó, vì Formosa vi phạm pháp luật và cam kết trong hợp đồng đầu tư nên phía Việt Nam sẽ không phải đền bù khi họ rút dự án. Ông nhấn mạnh một sự ra đi như vậy “không ảnh hưởng gì đến kinh tế của Việt Nam cả”.
Mặc dù vậy, Giáo sư Võ cho rằng còn quá sớm để nói về sự ra đi của Formosa:
“Cái chuyện Formosa ở lại hay là rút lui, cái điều này còn phụ thuộc diễn biến tiếp cái tình hình ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra như thế nào và quan điểm và giải quyết của chính phủ Việt Nam về câu chuyện này như thế nào. Tôi cho rằng về phía chính phủ Việt Nam tôi đã thấy thể hiện những ý chí rất cương quyết trong việc chúng ta phải đảm bảo vấn đề môi trường cho Việt Nam. Nếu mà chúng ta nói về giả định không rút, chắc chắn là Việt Nam phải giám sát câu chuyện môi trường rất là chặt chẽ và không thể để ảnh hưởng tiếp tục đến người dân, và phải giải quyết tận gốc những cái ô nhiễm môi trường đã xảy ra trong thời gian vừa qua”.
Cuộc biểu tình hôm 2/10 được công chúng Việt Nam xem như một sự kiện chưa từng có. Báo chí nhà nước hầu như không đưa tin gì về sự kiện hàng ngàn người đã tràn ngập trước cổng nhà máy Formosa, ngoại trừ một tin ngắn đăng trên trang web của báo Hà Tĩnh vào gần cuối buổi chiều cùng ngày, sau khi cuộc biểu tình kết thúc vào buổi trưa.
Báo Hà Tĩnh nói hàng ngàn giáo dân đã “tụ tập, có những hành động quá khích, vi phạm pháp luật”, làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Công ty Formosa”. Theo bài báo, “lực lượng chức năng đã có mặt để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, không nghe theo những lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu” và sau đó “những người tụ tập đã giải tán”.
Trong khi đó, tường thuật bằng ảnh và video trên mạng xã hội của những người tham gia biểu tình cho thấy nhiều người mặc đồng phục cảnh sát, quân đội đã chạy khỏi khu vực các cổng của nhà máy. Một số người thậm chí còn thay áo đồng phục màu xanh để mặc áo trắng sau khi chạy đi.
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng hình ảnh đó cho thấy nhà chức trách đã “run sợ” trước “sức mạnh” và “đòi hỏi chính đáng” của nhân dân.
Những người biểu tình nói họ đã tự ra về vào buổi trưa sau khi đã đạt mục đích là bày tỏ sự phẫn nộ đối với Formosa cũng như lên tiếng đòi chính quyền phải lựa chọn giữa bảo vệ dân, bảo vệ môi trường hay đứng về phía Formosa.
Linh mục Phêrô Trần Đình Lai, Chánh xứ Đông Yên, Giáo phận Vinh, đã có mặt trong cuộc biểu tình và kêu gọi mọi người có thái độ ôn hòa. Ngài bình luận với VOA về hành động rút chạy của những nhân viên công an, quân đội tại hiện trường:
“Hôm qua là một bài học cho họ hiểu cái sức mạnh của quần chúng. Người dân Việt Nam sống trong một đất nước tự do, có chủ quyền nhưng mà không hơn gì một người nô lệ, rất là tệ. Do đó mà họ phải đứng lên họ đòi lại quyền sống của mình thôi. Nhà cầm quyền phải nhận ra điều đó để thay đổi cách lãnh đạo của mình, cách phục vụ dân của mình”.
Linh mục nói thêm cuộc đấu tranh này là của những người dân, vì dân tộc nói chung và vì người dân miền Trung trên một bình diện hẹp hơn, chứ không chỉ là một hoạt động của những người Công giáo.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động vì dân chủ Hoàng Dũng nhận xét:
“Tôi cho rằng chính nghĩa đã thể hiện ra sự chiến thắng ban đầu bởi vì những người lính đó họ cũng hiểu là những người dân họ xuống đường vì lý do gì. Bởi vì người ta cho rằng người ta đang chống lại nhân dân, chống lại cha mẹ hay là anh em của mình. Do vậy mà người ta sẽ phải rút lui, và cái hình ảnh rất là đẹp”.
Nhận định về việc xử lý các đơn kiện Formosa do vài trăm ngư dân nộp hồi tuần trước ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Linh mục Phêrô Trần Đình Lai cho rằng có thể nhà chức trách sẽ tìm cách trì hoãn. Ngài nói:
“Theo Luật Dân sự của Việt Nam, phải trả lời trong vòng 30 ngày, trả lời có thụ lý hồ sơ hay không. Tôi nghĩ lúc đó người ta bị đông quá và sức ép khiến cho họ phải nhận đơn thôi. Thế còn họ sẽ tìm cách để chối quanh chối quắt thôi. Thụ lý cũng phức tạp và cũng nguy hiểm, mà không thụ lý thì cũng rất là phức tạp”.
Hôm 26/9, 600 ngư dân tỉnh Nghệ An đã đến tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện nhà máy Formosa. Luật sư Võ An Đôn nói về mặt lý thuyết nếu các ngư dân có đầy đủ bằng chứng cho rằng nguyên nhân thiệt hại là do Formosa gây ra thì việc này thắng kiện là 100% vì trước đó Formosa đã nhận trách nhiệm và đồng ý chịu bồi thường. - VOA
8.
Gạo Việt Nam trước nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) vừa cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Mỹ sau khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong gạo xuất sang thị trường này.
Bộ này đưa ra cảnh báo để tránh bị nguy cơ Mỹ “cấm cửa” gạo Việt Nam. Ông Võ Thành Đô, phó cục trưởng cục chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối của bộ NN&PTNN, đã xác định điều này với VOA Việt Ngữ hôm nay.
Ông Đô cho biết bộ NN&PTNN đã cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ phải kiểm tra giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng để tránh bị nước nhập khẩu trả về. Theo ông Đô, nếu các doanh nghiệp cứ cố đưa gạo sang Mỹ mà không kiểm soát chất lượng thì có thể trong tương lai sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.
“Phải hết sức thận trọng trong việc giữa thị trường mình và người ta. Ở Việt Nam nếu không quy định mà Việt Nam đưa sang mà vẫn có dư lượng thì nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì coi chừng người ta cấm là nguy hiểm.”
Ông Đô nói hiện Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam. Nhưng Mỹ là một thị trường yêu cầu chất lượng cao và có nhiều rào cản kỹ thuật. Ông Đô cho biết “mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ rất ngặt nghèo so với các thị trường nhập khẩu khác.”
Theo thống kê của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đã có gần 10 tấn gạo của Việt Nam xuất sanh thị trường Mỹ bị trả về trong thời gian từ năm 2012 đến giữa năm 2016. Hiệp hội Lương thực Việt Nam trích dẫn thông tin từ FDA cho thấy chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, Mỹ đã từ chối 94 container, tương đương với 1.700 tấn gạo xuất khẩu từ Việt Nam.
“Kể cả các lý do khác ví dụ đóng nhãn hàng hóa sai quy cách. Bên Mỹ thị trường khó tính lắm. Cho nên cần đặc biệt lưu ý đối với thị trường Mỹ.”
Theo kiểm tra của FDA, 8 hoạt chất có trong gạo Việt Nam xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Mặc dù 8 hoạt chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam nhưng 5 trong số đó chưa có quy định giới hạn cho phép đối với hoạt chất bảo vệ thực vật trên thực phẩm ở Mỹ. Ông Đô cho rằng Việt Nam cần phải làm việc với Mỹ để thống nhất về việc đó và tuân theo các tiêu chuẩn của quốc tế.
Tiến sỹ và chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân nhận định với VOA Việt Ngữ rằng có rất nhiều thuốc trừ sâu được phun trên lúa Việt Nam và do đó chất lượng gạo Việt Nam luôn bị kém chất lượng hơn gạo của các nước trong khu vực như Thái Lan và thậm chí cả Campuchia. Theo ông Xuân, thậm chí người Việt Nam còn đang chuyển sang dùng gạo Thái Lan và Campuchia thay vì gạo của chính nước mình.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung với gần 30 tỷ đô la tổng giá trị xuất khẩu năm 2014. Giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đã giảm trong năm ngoái xuống còn 1.6 tỷ. Theo ước tính của tổ chức Nông lương Quốc tế, sản lượng lúa Việt Nam giảm 1.6% trong năm nay một phần do hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. - VOA
9.
Cá chết ở Hồ Tây: Hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam --- Huy động người vớt cá chết ở Hồ Tây
Việc các chết hàng loạt ở Hồ Tây là sự kiện mới nhất tương tự diễn ra trong những tháng gần đây ở Việt Nam và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Một chuyên gia về môi trường nói với VOA rằng điều này cho thấy một cảnh báo nghiêm trọng trong vấn đề môi trường ở Việt Nam. Bà Nguyễn Ngọc Lý, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng nói việc cá chết hàng loạt ở Hồ Tây là rất bất thường và chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng theo bà nguyên nhân có thể dự đoán được ngay.
“Về mặt khoa học thì có thể nói là tất cả các lượng oxy hòa tan trong nước nó gần như là hết và khi đó nó sẽ tạo ra những việc như có thể cá chết hàng loạt và với số lượng lớn.”
Theo truyền thông trong nước đưa tin, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có mặt ở khu vực Hồ Tây để chỉ đạo việc vớt cá chết và xử lý môi trường nước ở đây. Ông Chung cho các phóng viên biết hơn 60 tấn cá chết đã được vớt trong 3 ngày từ 1-3/10 và lượng các chết dưới hồ vẫn còn nhiều. Người đứng đầu thành phố Hà Nội nói “cơ quan chức năng mới chỉ xác định nguyên nhân là do nguồn nước Hồ Tây thiếu dưỡng khí làm các chết hàng loạt” và “cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này.”
Bà Lý nói với VOA nguyên nhân của mức dưỡng khí xuống đến thấp như vậy là do ô nhiễm chất thải ra Hồ Tây có thể từ nguồn nước thải sinh hoạt hoặc phân bón. Theo bà, còn một nguyên nhân khác có thể là do các độc tố thải vào nguồn nước.
“Nhưng ở Hồ Tây những chất độc mà có thể làm cá chết như thế rất là ít bởi vì xung quanh không có những nhà máy nào có thể thải ra các chất độc hại.”
Nhưng theo bà Lý, tình trạng cá chết ở Hồ Tây đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho môi trường của Việt Nam trong bối cảnh phát triển công nghiệp nhanh chóng.
Cái việc cá chết ở hồ, sông và thậm chí ở biển miền Trung gần đây cũng đã phản ánh tình trạng ô nhiễm ao hồ nói chung là khá trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm ao hồ dẫn đến một câu hỏi là việc kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay của chúng ta có đang rất yếu kém?
Bà Lý nói điều này phản ánh cơ chế và luật hiện hành ở Việt Nam và việc kiểm soát ô nhiễm nước thực sự đã trở thành rất cấp thiết hiện nay trong quá trình phát triển đô thị và công nghiệp rất mạnh.
So sánh với việc kiểm soát nước ở Mỹ, cựu chuyên gia môi trường của Liên Hiệp Quốc này cho biết.
Ở Mỹ những năm 1969 ô nhiễm tới mức không chỉ cá chết mà cả một dòng sông cháy và cháy sang cả thành phố bên cạnh ở bang Ohio. Và chính cái cảnh báo rất lớn như thế đã dẫn đến nước Mỹ có được một luật nước sạch – trong thực tế là luật kiểm soát ô nhiễm nước. Và luật kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ năm 1972 đã giúp cho nước Mỹ có được nguồn nước sạch như hôm nay.
Bà Lý nói để kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam đòi hỏi một lộ trình và một chiến lược đứng đắn và là những đòi hỏi rất cấp bách nhưng không thể giải quyết trong một thời gian ngắn. - VOA
***
Cá chết trắng một khu vực trên Hồ Tây ở Hà Nội và quân đội đã được huy động để vớt.
Sự việc bắt đầu xảy ra từ tối ngày 1/10, với mô tả cá chết nổi đầy mặt nước, trôi dạt trắng ven bờ.
Hôm 2/10, thành phố Hà Nội ra cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây.
Kết quả kiểm tra ban đầu nói rằng toàn bộ nước mặt của Hồ Tây không có oxy, chỉ số oxy = 0.
Sở Xây dựng Hà Nội được yêu cầu bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ, cố gắng cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo "nhanh chóng" làm sạch nước hồ, khửi mù và tạo oxy tại các tầng nước sâu.
Sáng ngày 3/10, bộ đội, thanh niên và công nhân vệ sinh môi trường được huy động ra vớt cá làm sạch Hồ Tây, báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam nói.
Clip trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân tụ tập bên bờ hồ và chụp ảnh cá được gom lên bờ và các cơ quan môi trường đưa đi.
Nhiều loại cá chết to đến 3-4 kg, bên cạnh các loại cá nhỏ hơn.
Xuồng máy, ca nô cũng được huy động để thu gom cá chết.
Trang Thông tin Chính phủ của Việt Nam nói: "Nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Hồ Tây (Hà Nội) ban đầu được xác định do nồng độ ô xy hòa tan trong nước chỉ đạt 1,5 mg/l ( tiêu chuẩn tối thiểu là 6 mg/l); thời tiết thay đổi, nắng nóng đột ngột, mưa thất thường."
Cùng thời gian này, tại Đà Nẵng cũng xảy ra hiện tượng cá chết nổi trắng kênh Đa Cô (thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Theo người dân địa phương, tình trạng cá chết nổi lên mặt kênh đã xuất hiện từ sáng 1/10. - BBC
10.
Trung Quốc khai trương nhà máy khử mặn ở đảo Phú Lâm
Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng một nhà máy khử mặn có công suất 1.000 tấn một ngày ở thành phố Tam Sa, thuộc đảo Phú Lâm ở Biển Đông, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Bản tin của Tân Hoa Xã hôm thứ Hai (3/10) nói nhà máy này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên đảo.
Nhà máy khử mặn được chính thức đưa vào hoạt động hôm thứ Bảy. Nhà máy này có khả năng xử lý 1.000 tấn nước mỗi ngày và 700 tấn nước đã được xử lý có thể uống được trực tiếp.
Cũng theo Tân Hoa Xã, các thiết bị khử mặn hiện nay trên đảo Phú Lâm có thể xử lý 1.800 tấn nước mỗi ngày.
Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh chính thức thành lập vào năm 2012 để quản lý các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh khu vực này ở Biển Đông. Chính quyền thành phố Tam Sa nằm trên đảo Phú Lâm.
Bắc Kinh gần đây liên tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, thành lập ủy ban lập pháp, tiến hành bầu cử tại thành phố Tam Sa và thực hiện tuần tra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa 2 tại thành phố Tam Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình được báo Người Lao Động trích lời nói hành động của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam” và “không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. - VOA
11.
‘Cần làm rõ việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải’
Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ việc bổ nhiệm đối với con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Bản tin trên trang web Chính phủ mô tả về một văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương “kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm Hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Vũ Quang Hải và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/11/2016.”
Ông Hải, hiện đang giữ chức Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), từng được bổ nhiệm qua nhiều chức danh quan trọng tại nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Công Thương.
Ông từng là người đại diện phần vốn, Ủy viên HĐQT và Tổng giám đốc Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC), từ giữ chức Trưởng phòng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương) và là kiểm soát viên tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng thừa nhận về điều ông gọi là có sai sót trong một số khâu trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển ông Vũ Quang Hải.
Trả lời báo Tuổi Trẻ hồi đầu tháng Tám năm nay, ông Trần Tuấn Anh được dẫn lời nói “sai đến mức độ như thế nào, trách nhiệm của ai thì đang tiếp tục làm rõ.”
Ông Trần Tuấn Anh khi đó bình luận rằng “qua kiểm tra chưa có dấu hiệu, cơ sở để khẳng định ông Hải gây ra thua lỗ ở PVFC”.
“Đảng có nguyên tắc trong công tác cán bộ. Với chỉ đạo rõ của Tổng bí thư, hơn nữa xã hội rất quan tâm, thì bất kỳ ai, dù là ai trong ngành công thương, tôi nghĩ cũng đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước luật pháp, trước nhân dân,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm.
Các câu hỏi về việc bổ nhiệm Vũ Văn Hải, sinh năm 1986, được truyền thông quan tâm đăng tải chỉ khi cha ông là nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thôi chức bộ trưởng vào tháng 4/2016.
Cựu bộ trưởng Hoàng cũng từng nói việc ông Vũ Quang Hải về Sabeco "là Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy đã xem xét".
Ông Vũ Quang Hải từng bình luận rằng ông "chỉ là người làm thuê cho Sabeco thôi, hoàn toàn rất đúng quy trình, chứ không phải bố bổ nhiệm con." - BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét