Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 4/10/16 - Lê Minh Nguyên



Hai tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh
Hai chiến hạm của Hoa Kỳ mới lần đầu tiên cập cảng Cam Ranh chiến lược của Việt Nam trong nhiều thập kỷ.<!>

Hải quân Mỹ hôm qua, 3/10, cho biết rằng tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain ngày 2/10 đã cập bến cảng nằm ở tỉnh Khánh Hòa.
Hai tàu chiến này hiện ở Việt Nam để tham gia một sự kiện giữa hai nước có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016.

Trên trang Facebook, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh, xác nhận việc hai tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh, đồng thời nói rằng cuộc thao dượt trên “được thiết kế nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin trên biển và củng cố quan hệ giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng địa phương”.
Theo giới quan sát, các động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hồi năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là ông Leon Panetta trở thành quan chức Hoa Kỳ cấp cao nhất tới thăm Vịnh Cam Ranh kể từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Hồi tháng Ba, hải quân trong nước khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh nằm trong vùng biển chiến lược của Việt Nam, hướng ra biển Đông, với số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng.

Báo chí trong nước khi đó dẫn lời các quan chức nói rằng cảng này “phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự”, “vừa phát triển kinh tế, và vừa tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế”.
Ngoài ra, quan chức trong nước được trích lời nói rằng nó sẽ “góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định”. - VOA

2.
Duterte thăm Trung Quốc có thể dẫn đến thay đổi các liên minh tại Đông Á --- Mỹ-Philippines tập trận tái chiếm đảo --- Mỹ phớt lờ lời lẽ của tổng thống Duterte trong quan hệ với Manila

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sang Trung Quốc trong tháng 10/2016 và chuyến đi này có thể kiến tạo lại các liên minh tại Đông Á sau những bình luận nẩy lửa về Mỹ và những động thái tích cực ve vãn các đối thủ chính của Washington.
Mối quan hệ hữu nghị giữa Philippines và Hoa Kỳ là một trong những trụ cột trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á dưới thời tổng thống Barack Obama. Thế nhưng liên minh này đang bị thử thách nghiêm trọng kể từ khi Duterte lên cầm quyền từ ba tháng nay.

Tổng thống Philippines khó chịu vì những lời chỉ trích của Mỹ về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông, dẫn tới việc cảnh sát và dân quân giết chết hơn 3100 người bị coi là dùng hoặc buôn ma túy. Duterte đã thóa mạ Obama và sau đó tuyên bố rõ ràng là Philippines sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn so với trong quá khứ.
Động thái này bao gồm việc Philippines chìa cành ô liu về phía Trung Quốc, cho dù quan hệ hai nước rơi vào bế tắc từ nhiều năm qua do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Duterte cũng nói đến việc muốn tỏ ra thân thiện với Nga.

Trong buổi tiếp khách ở sứ quán, trong tuần này, nhân dịp lễ Quốc Khánh Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua), nói: "Từ khi tổng thống Duterte nhậm chức, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành các quan hệ hữu nghị tương tác và mang lại một loạt kết quả tích cực".
Vẫn theo ông Triệu, "mây đen đang tan dần. Mặt trời đang mọc ở chân trời và sẽ chiếu sáng rực rỡ một chương mới trong quan hệ song phương". Duterte dự tính thăm Bắc Kinh từ 19 đến 21/10 và sẽ hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Các nguồn tin ngoại giao và doanh nhân tại Manila cho biết là hơn hai chục doanh nhân sẽ tháp tùng ông và nhiều thỏa thuận được ký kết, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương.

Nhưng điểm mấu chốt cho sự thành công của chuyến viếng thăm là cần phải hiểu được cách tiếp cận vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra sao. Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ quyết định của toà án quốc tế đưa ra hồi tháng 7/2016, trong vụ Philippines kiện, vì tòa phán quyết rằng các đòi hỏi của Trung Quốc ở vùng biển này là vô giá trị.
Duterte muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa và cho phép ngư dân tiếp cận bãi đá Scarborough, ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Nhưng ông không muốn nhấn mạnh tới việc thực hiện phán quyết của tòa và nói là muốn thương lượng dần dần.
Một nguồn tin có quan hệ với giới lãnh đạo và quân sự Trung Quốc nói với Reuters: "Việc Duterte giữ thể diện cho chúng tôi có nghĩa là chúng tôi phải tư duy lại chính sách của mình. Chúng tôi phải đáp lại sự lịch sự của ông ta".

Quyền đánh cá

Việc ngư dân Philippines được tiếp cận bãi đá Scarborough sẽ là một thắng lợi to lớn đối với Duterte và bổ sung cho uy tín được lòng dân vốn đã rất cao của ông. Theo một cuộc thăm dò gần đây, ông đã có được tỉ lệ ủng hộ cao, lên tới 92% ngay trong lúc ông phải đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế về các vụ giết người (trong chiến dịch chống ma túy).
Một quan chức ngoại giao Philippines, xin ẩn danh, cho biết, "khi Duterte thăm Trung Quốc vào tháng này, chương trình nghị sự của ông sẽ tập trung vào thương mại, đầu tư và hợp tác nghề cá với Trung Quốc, bao gồm cả việc tiếp cận bãi đá Scarborough".

Tra Đạo Quýnh (Zha Daojiong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc nói rằng trong chuyến đi này, có thể có một thỏa thuận về việc tái mở tiếp cận bãi đá Scarborough. Nhưng đó có thể là thỏa thuận miệng, chứ không thành văn, để tránh việc chính thức thừa nhận phán quyết của tòa án quốc tế khẳng định là cả hai nước có quyền đánh cá từ lâu đời tại đây.
Vẫn theo chuyên gia này, "có nhiều cách để cuộc viếng thăm này mang lại kết quả tích cực…cho dù có thể cả hai bên đều thận trọng". Về mặt chính thức, Bắc Kinh chưa khẳng định chuyến thăm của Duterte, nhưng bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố hoan nghênh chuyến thăm vào thời điểm sớm nhất.

Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo có ảnh hưởng lên Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài xã luận tuần trước, thì viết rằng chuyến thăm có thể mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Tờ báo viết, "một mối quan hệ mới, tương tác tích cực giữa Trung Quốc và Philippines, khác hẳn với thời kỳ Aquino, có thể được mở ra", hàm ý so sánh với thời cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino.
"Duterte cho thấy những khác biệt rõ rệt với người tiền nhiệm trong lĩnh vực ngoại giao và phong cách. Dường như ông ta muốn có mối quan hệ ngoại giao cân bằng hơn vơí các nước khác thay vì quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ".

HITLER

Trong tháng 09/2016, Duterte đã đánh thẳng vào tâm điểm mối quan hệ với Hoa Kỳ qua việc tuyên bố rằng hai nước sẽ không tổ chức các cuộc tuần tra biển chung nữa trong suốt nhiệm kỳ sáu năm của ông và yêu cầu rút lực lượng đặc nhiệm Mỹ ra khỏi khu vực nổi dậy (khó cai trị) ở miền nam Philippines.
Hôm thứ Sáu, 30/09, ông đã xúc phạm người Do Thái khi so sánh mình với Hitler, và điều này có thể làm gia tăng áp lực đối với Washington phải công khai phản đối ông ta. Bất chấp tình trạng bấp bênh này, các quan chức Mỹ tiếp tục khẳng định rằng mọi việc vẫn ổn thỏa.

Hôm thứ Năm, (29/09/2016), bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã nói với các thủy thủ trên tàu USS Carl Vinson, ở cảng San Diego, rằng "cũng như nhiều thập niên qua, liên minh của chúng ta với Philippines vững chắc như sắt đá (vượt qua mọi thử thách)."
Thế nhưng giới phân tích cho rằng liên minh này đã bị tổn hại. Theo Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Yusof Ishak ISEAS, ở Singapore:

"Các quan chức ở Washington giờ đây chắc rất lo ngại về hướng đi trong quan hệ Mỹ-Philippines. Đặc biệt là các vấn đề quan hệ quân sự giữa hai nước, như các cuộc tập trận chung, việc Mỹ tiếp cận các căn cứ của Philippines và phải chăng Duterte sẽ tìm cách đạt thỏa thuận với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, cho phép Trung Quốc thúc đẩy các đòi hỏi về biển đảo".
Thế nhưng không một ai tỏ ra vội vã "ôm chầm" lấy Duterte do bản tính rất thất thường không thể lường trước được của ông ta. Vào tháng 08/2016, bất chấp bầu không khí vui vẻ vừa được tạo dựng, tại thượng đỉnh các nước Đông Nam Á, được tổ chức ở Lào, Philippines đã tuyên bố "rất quan ngại" về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng các cơ sở trên bãi đá đang có tranh chấp Scarborough.

Chuyên gia La Lượng (Luo Liang), thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Đông Nam Á, trụ sở tại Hải Nam, của chính phủ Trung Quốc, nói: "Chúng tôi phải xem ông ta làm gì trên thực tế. Cho dù Duterte đưa ra những tín hiệu tốt, nhưng chúng tôi vẫn cần chờ xem sao". - RFI

***
Hoa Kỳ và Philippines vào hôm nay, 04/10/2016 đã chính thức khởi động cuộc tập trận chung thường niên, không đầy một tuần sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố rằng lần này sẽ là lần cuối cùng mà quân đội hai nước thao diễn chung.
Các cuộc tập trận Phiblex (Philippine-US Amphibious Landing Exercies) lần thứ 33 năm nay được tiến hành trên đảo Luzon ở phía Bắc Philippines, và tại một số vùng biển gần Biển Đông nơi đang bị Trung Quốc tranh chấp. Có khoảng 2000 binh sĩ hai nước tham gia đợt diễn tập, dự kiến kéo dài đến ngày 12/10. Theo Rappler.com, bên cạnh các cuộc diễn tập tái chiếm đảo, còn có các hoạt động đối phó thiên tai, thảm họa và trợ giúp nhân đạo. 

Phát biểu tại một buổi lễ khai mạc cuộc tập trận tại Manila, chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Mỹ John Jansen nhấn mạnh: "Chúng tôi chia sẻ một mối quan hệ độc đáo và bền vững trong khu vực, và mỗi năm chúng tôi đều được mời tăng cường mối quan hệ của chúng tôi trong suốt các bài tập".
Bối cảnh cuộc tập trận Mỹ-Philippines lần này không mấy thuận lợi sau các phát biểu không chút nể nang của tân tổng thống Philippines Duterte nhắm vào Mỹ với lời đe dọa xích lại gần Trung Quốc và Nga.
Thang 7 vừa qua, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã phủ nhận đòi hỏi của Trung Quốc tại Biển Đông trong một phán quyết có lợi cho Philippines. Thế nhưng ông Duterte đã không những không dựa trên phán quyết này để gây sức ép, mà còn khẳng định là Philippines sẽ không tuần tra chung với Mỹ.

Những ngày qua ông Duterte còn khẳng định là các cuộc tập trận chung với Mỹ sẽ là những cuộc thao diễn cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông, đồng thời đe dọa hủy bỏ hiệp ước phòng thủ mà người tiền nhiệm đã đúc kết với Mỹ. Hiệp ước này dự kiến tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines hầu làm đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ-Philipinnes tiếp tục chuẩn bị các tập trận mới

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến giờ không có dấu hiệu là lời lẽ của ông Duterte có ảnh hưởng đến chính sách hai nước. Thậm chí các nhà lãnh đạo quân sự của hai nước cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc tập trận mới dự trù trong năm tới.
Trả lời AFP, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines, Arsenio Andolong, giải thích là "quan hệ (với quân đội Mỹ) không thay đổi". Còn phía Mỹ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Jeff Davis, hôm qua cho là quân đội Mỹ biết rõ những lời lẽ của ông Duterte, nhưng "những lời đe dọa của ông trong thực tế chưa biến thành những hành động cụ thể". - RFI

***
Phải chăng Washington đang thực hiện sách lược bỏ ngoài tai những lời công kích đầy ác ý của tổng thống Philippines Duterte để tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Manila? Câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra sau khi một số quan chức Mỹ cao cấp tỏ vẻ an tâm, khi cho rằng dù nói nhiều nhưng chưa thấy ông Duterte biến lời nói thành hành động cụ thể và giảm bớt hợp tác quân sự song phương. 
Theo hãng tin Anh Reuters, hai quan chức Mỹ cao cấp vào hôm qua, 03/10/2016, chủ trương của giới chức Mỹ hiện nay là không nên kích động thêm tổng thống Philippines, không để cho ông có cớ nổi giận thêm, nhưng đồng thời tiếp tục công cuộc hợp tác quân sự cũng như hợp tác khác ở cấp thấp hơn, với các đối tác Philippines.

Một quan chức cao cấp đặc trách vùng Đông Nam Á so sánh ông Duterte với ửng cử viên đảng Cộng Hòa Mỹ Donald Trump, cho rằng tổng thống Philippines "khao khát sự chú ý, và càng bị chú ý, ông ta càng trở nên thái quá. Tốt hơn hết là nên phớt lờ ông ấy đi".
Hai quan chức Mỹ ghi nhận là trong khi ông Duterte từng công khai đề nghị là ông đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung, đuổi lực lượng đặc biệt Mỹ ra khỏi miền nam Philippines, và xét lại một hiệp ước quốc phòng đã ký hai năm trước đây, cho đến này, chưa thấy điều nào được thực hiện.
Còn các quan chức quân đội Mỹ cũng cho biết là họ đã biết rõ về những ý kiến của ông Duterte, nhưng các đối tác của Mỹ ở Philippines đã trấn an rằng công việc hợp tác vẫn tiến triển bình thường và "Không ai thực sự mất ngủ" vì những tuyên bố của vị tổng thống thô lỗ.

Hiện có khoảng 100 binh sĩ Hoa Kỳ ở thành phố Zamboanga ở miền Nam, thấp hơn nhiều so với lực lượng 1.200 quân hồi đầu. Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết là chưa thấy bất kỳ kế hoạch nào về việc yêu cầu lính Mỹ rút đi.
Còn về Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng Cao (EDCA), ký kết cách đây hai năm, cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng trên lãnh thổ Philippines các cơ sở dùng cho vấn đề an ninh hàng hải và các hoạt động nhân đạo và cứu trợ, cứu nạn, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định rằng EDCA là một thỏa thuận quốc tế, và Hoa Kỳ và Philippines bị luật pháp quốc tế ràng buộc.

Trích dẫn các văn bản của thỏa thuận, nhân vật này cho rằng hiệp định EDCA có một thời hạn ban đầu là 10 năm, sau đó hai bên có thể kết thúc với thông báo bằng văn bản trong một năm.
Philippines là một yếu tố quan trọng trong chính sách "tái cân bằng" của chính quyền Obama qua châu Á, cho nên Washington cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với Manila, bất chấp tính khí thất thường và những lời lẽ nhiều khi thô tục của vị tổng thống mới tại Philippines nhắm vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, đối với giới lập pháp Mỹ, các hành động quá đáng của ông Duterte đã bắt đầu gây khó chịu. Philippines hiện là nước đã nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ của Hoa Kỳ, và hiện đứng thứ ba Châu Á trong danh sách nhận viện trợ quân sự của Mỹ, sau Afghanistan và Pakistan.
Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng, Ben Cardin, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng viện, và Patrick Leahy, thuộc tiểu ban viện trợ nước ngoài, đòi Quốc Hội Mỹ xét lại chính sách đối với Philippines khi xem xét viện trợ cho năm tài chính hiện hành.
Dẫu sao thì một viên chức Hoa Kỳ xin giấu tên xác nhận rằng ở nỗi lo ngại trong chính quyền Obama về ông Duterte lớn nhiều so với những biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, trong lãnh vực quốc phòng, Mỹ không lo lắm vì đã có phương án thay thế.

Viên chức này nêu lên ba hướng : Trung Tâm Hải Quân Khu Vực tại Singapore, các cơ sở huấn luyện tại Brunei, và khả năng sử dụng thường xuyên và dễ dàng hơn các quân cảng tại Việt Nam. - RFI

3.
Biển Đông: Phải bắt Bắc Kinh đối đầu với Luật quốc tế, thay vì với Mỹ --- Biển Đông: Không quân Indonesia mở tập trận lớn chưa từng thấy

Thật là đáng tiếc khi Liên Hiệp Châu Âu đã không bày tỏ được thái độ ủng hộ phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường trực (PCA) ở La Haye, đã phủ nhận yêu sách của Trung Quốc đòi quyền kiểm soát rộng khắp trên Biển Đông. Trong bài phân tích ngày 19/08/2016, trên trang web Atlantic-Community.org, tiến sĩ Michael John Williams, thuộc Đại học New York cho rằng Liên Hiệp Châu Âu phải khẳng định quyết tâm hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế bằng cách hỗ trợ phán quyết của PCA, qua đó cho thấy rằng cuộc đối đầu hiện nay ở Biển Đông không phải là giữa Trung Quốc với Mỹ, mà là giữa Trung Quốc với luật pháp quốc tế. Châu Âu không thể bỏ quên nghĩa vụ quốc tế của mình, trong đó có việc bảo tồn trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Tiến sĩ Williams trước hết ghi nhận là sau khi phán quyết Biển Đông được đưa ra, các lãnh đạo châu Âu đã không thể nhất trí được với nhau về một phản ứng chung, mà chỉ ghi nhận một cách yếu ớt là họ không bênh ai trong tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Có điều, theo ông Williams, vấn đề không phải là ủng hộ nước này chống lại nước kia, mà là hậu thuẫn luật pháp quốc tế chống lại một hình thức của "chủ nghĩa xét lại".

Vào lúc đang bị Nga thách thức với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở châu Âu, lẽ ra Liên Hiệp Châu Âu phải thoải mái hơn trong việc đưa ra một ý kiến nói rằng phán quyết của tòa án quốc tế phải được tôn trọng. Xa hơn nữa, lẽ ra các nước châu Âu cần phải hỗ trợ Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác đang tìm cách bảo vệ luật pháp quốc tế thông qua các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải.
Theo tiến sĩ Williams, Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn trở thành một cường quốc thế giới, thậm chí còn có riêng một ngoại trưởng. Thế nhưng lạ thay, khi có một cơ hội tuyệt vời để quảng bá giá trị nền tảng của mình là duy trì luật pháp quốc tế một cách hòa bình, thì các thành viên lại thoái thác trách nhiệm quốc tế của mình. Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ "nghiên cứu" phán quyết PCA, nhưng một tuyên bố như vậy thật phi lý và có nguy cơ làm suy yếu các quy tắc thượng tôn luật pháp mà Liên Hiệp Châu Âu lúc nào cũng nói là cần phải bảo vệ.

Các nước Đông Âu không nên vì sợ Trung Quốc mà chống PCA
Có một số thành viên Châu Âu đã lo ngại về nguy cơ quan hệ thương mại với Trung Quốc bị tổn hại, đặc biệt là các nước Đông Âu đã được Trung Quốc chiêu dụ bằng các hợp đồng thương mại. Câu hỏi đặt ra là các nước đó sẽ cảm thấy như thế nào, nếu phần còn lại của châu Âu và Mỹ bỏ mặc Đông Âu và luật pháp quốc tế để theo Nga vì lợi ích thương mại? Nền kinh tế Đức đã bị thiệt hại lớn, vì thủ tướng Merkel ban hành lệnh trừng phạt chống nước Nga, nhưng bà đã làm vậy chính là để bảo vệ luật pháp quốc tế và các thành viên mới nhất của Liên Hiệp Châu Âu.

Quốc gia Châu Âu nào, mà cho rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực đã lạm quyền, đều đã hoàn toàn sai lầm. Rõ ràng là PCA có thẩm quyền đối với các trường hợp quy định trong Điều 288 (1) phù hợp với Phần XV của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hơn nữa, để tránh rơi vào những vấn đề 'chính trị', tòa án đã cẩn thận tách riêng 15 đề xuất của Philippines để phán quyết trong tinh thần chỉ dựa trên luật về tranh chấp biển, chứ không phán quyết về vấn đề chủ quyền rộng lớn... Vì thế, phán quyết của PCA theo đó Trung Quốc, một quốc gia thành viên UNCLOS, đã vi phạm Công Ước 1982, là một văn kiện hợp lệ và không cần phải được Liên Hiệp Châu Âu "nghiên cứu" kỹ lưỡng trước khi ủng hộ.

Các nước Liên Hiệp Châu Âu cần phải chứng tỏ là mình có năng lực tập thể để chống lại các áp lực của Trung Quốc. Lập luận của Croatia, theo đó mọi tuyên bố chính thức đều không được đề cập đến UNCLOS là một đòi hỏi đáng khinh...
Một khối hùng mạnh như Châu Âu cần bạo dạn bảo vệ luật quốc tế 

Một câu hỏi khác là phán quyết về Biển Đông thì có liên quan gì đến Liên Hiệp Châu Âu ? Với người tị nạn từ Trung Đông đang tràn ngập, một nước Nga muốn phuc hận, với nạn khủng bố gia tăng trên lục địa, Châu Âu phải chăng đã có đủ việc để lo rồi ?
Lập luận đó tuy nhiên rất ngớ ngẩn. Một cường quốc phải có khả năng vừa đi bộ, vừa nhai kẹo cao su. Ba nước đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu như Anh, Pháp và Đức – chưa kể đến phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu rộng lớn - có nghĩa vụ duy trì sự tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp trên thế giới. Hiện nay, họ đã chối bỏ trách nhiệm này, với hệ quả là để cho Hoa Kỳ một mình đối đầu với Trung Quốc về tính hợp pháp của các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này rất nguy hiểm.

Nếu Mỹ trở thành cường quốc duy nhất tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, một cuộc đối đầu lẽ ra là giữa Trung Quốc và luật pháp quốc tế, lại biến thành một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng nếu các quốc gia Châu Âu ủng hộ phán quyết của tòa án La Haye, thì cuộc đối đầu sẽ được quốc tế hóa, và làm cho căng thẳng giảm bớt, tránh được nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ-Trung.
Thay vào đó, khi các nước Châu Âu thực hiện các hoạt động tuần tra, và bị Trung Quốc chống lại, thì cục diện sẽ biến thành Bắc Kinh đối đầu với "luật pháp quốc tế" được cả thế giới nói chung ủng hộ, chứ không chỉ đơn giản là một xung khắc song phương Mỹ-Trung. Bắc Kinh sẽ không còn có thể đổ lỗi cho một mình Mỹ, nếu cả cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho phán quyết của PCA...
Hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế thông qua các hoạt động tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ chứng tỏ quyết tâm của Liên Hiệp Châu Âu trong việc duy trì một trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Điều đó đồng thời là tín hiệu cảnh cáo Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh đừng hòng áp đặt luật lệ theo ý mình.

Tóm lại, ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực là một chính sách đơn giản, nhưng rất quan trọng để thúc đẩy lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu, ở cả bên trong lẫn bên ngoài. - RFI

***
Trong một động thái phô trương thanh thế rõ nét, không quân Indonesia đang tham gia cuộc tập trận được đánh giá là lớn chưa từng thấy trên không phận Biển Đông gần quần đảo Natuna. Theo một số quan chức Indonesia vào hôm nay, 04/10/2016, đợt tập trận nhằm chứng minh chủ quyền của Jakarta trên một vùng giàu khí đốt sát cạnh vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Theo phát ngôn viên Không Quân Indonesia, Jemi Trisonjaya, nước này "muốn chứng tỏ sự tồn tại của mình ở trong vùng, với một lực lượng không quân đủ hùng hậu để răn đe đối phương".
Viên chức này cho biết là cuộc tập trận kéo dài kéo dài hai tuần sẽ chấm dứt vào ngày thứ năm 06/10, huy động các phi đội chiến đấu cơ Sukhoi của Nga và F-16 của Mỹ. Riêng chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane’s tiết lộ là từ ngày 06/10, quân đội Indonesia sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ''Angkasa Yudha'', với sự tham gia của các máy bay tiêm kích, máy bay vận tải, trực thăng và lực lượng đặc biệt tại vùng Natuna.

Vào tháng 6 vừa qua, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tung ra một chiến dịch chưa từng thấy để đẩy mạnh việc tăng cường hoạt động đánh cá, khai thác dầu khí và củng cố các cơ sở quốc phòng ở vùng quần đảo Natuna sau một loạt những vụ chạm trán giữa Hải Quân Indonesia và tàu Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna, nhưng đã làm Indonesia bực tức khi cho rằng hai bên có yêu sách chồng lấn tại một phần vùng biển xung quanh Natuna, tại một khu vực bị đường lưỡi bò lấn vào.

Theo các nguồn tin từ ban tham mưu lực lượng võ trang Indonesia, Không Quân nước này sẽ đưa các loại chiến đấu cơ, máy bay vận tải và trực thăng chuyên dùng vào cuộc tập trận, kết hợp với các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt ở dưới đất. Lực lượng Hải Quân cũng sẽ tập trận để thử nghiệm lại một số tên lửa chống hạm, mua của Trung Quốc, nhưng đã gặp thất bại trong những lần thử trước đây.
Điểm đáng lưu ý, theo chuyên san Jane’s, thì lẽ ra cuộc tập trận phải diễn ra trên đảo Belitung, ở Đông Sumatra, nhưng đã được chuyển đến khu vực quần đảo Natuna, trên đảo Pulau Natuna Besar.
Lý do di chuyển địa điểm tập trận không được chính thức loan báo, nhưng hòn đảo mới được chọn nằm gần đường "chín đoạn" mà Bắc Kinh đã đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. - RFI

4.
Ba nhà khoa học Anh đoạt giải Nobel Vật lý

Hội đồng Nobel hôm nay công bố ba giáo sư gốc Anh đang giảng dạy tại các đại học ở Mỹ được trao giải Nobel Vật lý cho việc nghiên cứu về các trạng thái lạ của vật chất.
Ba nhà khoa học gốc Anh, David J. Thouless, F. Duncan Haldane và J. Michael Kosterlitz, đã nghiên cứu và đưa ra một hiểu biết mới và hoàn toàn bất ngờ về phản ứng của các vật liệu rắn.

Các nhà khoa học cũng đã phát triển phương trình toán học riêng để giải thích các đặc tính phản ứng mới.
Tổ chức trao giải thưởng, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, nói trong một thông báo:

“Những người đoạt giải năm nay đã mở ra cánh cửa của thế giới bí ẩn, nơi mà vật chất có thể chuyển sang các trạng thái kỳ lạ. Họ đã dùng các phương pháp toán học cấp cao để nghiên cứu các trạng thái khác thường của vật chất, chẳng hạn như trạng thái siêu bán dẫn, siêu lỏng hoặc màn từ trường mỏng. Nhờ công việc tiên phong của họ, các cuộc nghiên cứu giờ đây bước vào bước vào tìm hiểu các giai đoạn mới và kỳ lạ của vật chất”.
Ông Thouless là giáo sư danh dự tại Đại học Washington, ông Haldane là giáo sư vật lý tại Đại học Princeton và ông Kosterlitz là giáo sư vật lý tại Đại học Brown.

Ba nhà khoa học bắt đầu công việc nghiên cứu đã đem đến cho họ giải thưởng Nobel vào những năm 1970 và 1980, nhưng các giám khảo thường chờ nhiều thập niên để tôn vinh những khám phá khoa học để đảm bảo những khám phá đó khai sáng cho những nghiên cứu kế tiếp.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Haldane nói “cũng như mọi người, tôi rất ngạc nhiên và hài lòng” khi được trao giải thưởng.

Ông cho biết thêm: “Rất nhiều khám phá mới to lớn dựa trên nghiên cứu ban đầu đang diễn ra”.
Cùng với danh giá, giải Nobel còn trao tặng 930.000 đôla tiền mặt mà các nhà khoa học cùng đoạt giải sẽ chia nhau. Ngoài ra, họ còn được trao chứng nhận và huy chương tại lễ trao giải vào ngày 10 tháng 12.
Giải Nobel 2016 bắt đầu được công bố hôm thứ Hai với giải thưởng về Y khoa được trao cho nhà sinh học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi cho những khám phá về sự tự thực (autophagy) của tế bào, một quá trình phân tách và tái tạo các thành phần của tế bào.
Cuối tuần này, hội đồng Nobel sẽ công bố người được trao giải hóa học và hòa bình. Tuần tới sẽ là giải Nobel kinh tế và văn học. - VOA

Tin Hoa Kỳ
5.
Mỹ ngừng đàm phán với Nga về Syria

Sự kiên nhẫn đối với Nga đã hết, Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã đình chỉ các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Syria với Moscow, viện dẫn các cuộc tấn công quân sự liên tục nhắm vào các mục tiêu thường dân tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elizabeth Trudeau nói:

“Người Nga đã cho thấy rõ rằng họ sẽ không dừng các cuộc tấn công mà chúng ta đã thấy hồi cuối tuần này, chúng ta đã thấy cuộc tấn công vào bệnh viện. Bạn thấy đó, khi chúng tôi bận bịu trong việc đối thoại với Nga, quan điểm của chúng tôi luôn rõ ràng, đó là để cho công tác nhân đạo được tiếp cận, tái lập hưu chiến. Nhưng chúng tôi cảm thấy chúng tôi đã không đạt được mục tiêu đó với Nga”.
Các giới chức Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa ngừng đàm phán, trừ khi Nga kết thúc việc đánh bom vào thành phố Aleppo của Syria. Căng thẳng đặc biệt bùng ra sau vụ đánh bom ngày 19 tháng 9 vào một đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Nga và Syria đã thực hiện vụ đánh bom này.

Hai bên đã đồng ý ngừng bắn hồi tháng trước để hạ giảm bạo lực, mở đường cho công tác nhân đạo và làm suy yếu các nhóm khủng bố. Nhưng thỏa thuận này đã nhanh chóng bị phá vỡ khi hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Các cuộc đàm phán tiếp theo đã không thể giải quyết tình trạng bế tắc.
Moscow đã hỗ trợ quân sự và tiến hành các cuộc không kích nhằm hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Washington ủng hộ một số nhóm phiến quân để lật đổ Tổng thống Syria.
Mỹ rút khỏi đàm phán với Nga về cuộc xung đột Syria vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai ký sắc lệnh đình chỉ một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc tiêu hủy chất plutonium đã được tinh chế đến cấp độ có thể chế tạo vũ khí. Lý do Moscow đưa ra là vì “hành động thù nghịch” của Washington. - VOA

6.
Vụ tránh thuế 1995 của ông Trump khuấy động cuộc đua tổng thống Mỹ 2016 --- Cử tri vùng nông thôn Virginia mạnh mẽ ủng hộ ông Trump --- Bầu cử tổng thống Mỹ: tư pháp cấm quỹ Donald Trump quyên tiền

Quá trình khai và đóng thuế thu nhập của ứng cử viên đảng Cộng hòa – ông Donald Trump – trong hai thập niên qua đang làm khuấy động cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ năm 2016.  Ứng cử viên bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, tố cáo ông Trump làm giàu bằng cách tiêu xài tiền đóng thuế của dân thường.
"Trong lúc phải bận rộn với các nhà tư vấn để tìm cách làm sao tiếp tục sống như một tỉ phú, và trong suốt thời gian qua đã dùng các mối quan hệ chính trị để rút về cho doanh nghiệp của ông ta hàng trăm triệu đôla trợ cấp và khoanh thuế của chính phủ. Nói một cách khác, ông ta vơ vét của nước Mỹ bằng cả hai tay, rồi để hóa đơn thanh toán lại cho tất cả chúng ta."

Bà Clinton chế nhạo ông Trump tại cuộc mít tinh hôm thứ Hai tại bang quan trọng Ohio ở miền trung tây sau khi báo New York Times mới đây đăng tin hé lộ một phần chi tiết khai thuế thu nhập của ứng cử viên Ðảng Cộng hòa này năm 1995 ở bang New York. Trong bản khai thuế đó, ông Trump khai kinh doanh thua lỗ 916 triệu đôla do các sòng bạc và các mảng kinh doanh khác làm ăn thất bại. Khoản giảm thuế theo đó lớn đến mức cho phép tỉ phú bất động sản này khỏi phải đóng thuế thu nhập ở Mỹ một cách hợp pháp suốt 18 năm tiếp theo sau đó.
"Trong khi hàng triệu gia đình ở Mỹ, trong đó có gia đình tôi và gia đình của quý vị, làm việc cật lực, đóng góp phần nghĩa vụ công bằng của mình, thì hình như ông ấy chẳng đóng góp gì cho đất nước chúng ta."

Ban vận động tranh cử của ông Trump chưa bác bỏ liệu thông tin được tung ra về chi tiết khai thuế của ông có chính xác hay không. Trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử hôm thứ Hai ở Colorado, ông Trump bênh vực cho cách làm của doanh nghiệp của ông.
"Tôi hiểu rõ về luật thuế khóa hơn đa số mọi người. Điều đó cho thấy tại sao tôi chính là người có khả năng thực sự để sửa luật thuế. Tôi hiểu luật thuế, và tôi đã áp dụng luật thuế. Và đó là điều tôi cam kết sẽ làm. Chúng ta cần sự công bằng, và chúng ta cần tiền đóng vào đó. Chúng ta muốn tiền của chúng ta được chi tiêu khi cần phải chi tiêu, nhưng bởi vì họ đã tiêu tiền của người thọ thuế một cách bất công và thiếu khôn ngoan. Chúng ta hãy nhớ điều đó."  

Ông Trump lâu nay từ chối công bố thuế thu nhập cá nhân bất chấp truyền thống tranh cử tổng thống Mỹ 4 thập niên qua. Ông nói thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ của ông trong mấy năm qua đang được các giới chức chính phủ liên bang kiểm tra và ông sẽ ngay tức khắc công bố chúng khi được kiểm tra xong, mặc dù không có sự cấm cản nào là ông không thể công bố các chi tiết khai thuế đó trước kết quả kiểm tra.
Hai ứng viên tranh phó tổng thống – Thống đốc bang Indiana Mike Pence của bên ông Trump và Thượng nghị sĩ Tim Kaine của bên bà Clinton – sẽ so tài trong cuộc tranh luận phó tổng thống duy nhất tối nay, thứ Ba 4/10.  Ông Trump và bà Clinton sẽ so tài vào Chủ nhật tới trong cuộc tranh luận tổng thống thứ hai của ba cuộc tranh luận trực tiếp trước bầu cử. - VOA

***
Thị trấn nhỏ bé Farmville ở bang Virginia có thể trông không giống như một nơi để tổ chức cuộc tranh luận phó tổng thống đầu tiên và duy nhất của mùa bầu cử này. Nhưng Farmville là điển hình cho một phía của sự chia rẽ khiến bang Virginia trở thành bang chiến trường trong mùa bầu cử này.
Từng là nơi tập trung những xưởng chế biến lá cây thuốc lá từ những trang trại xung quanh, Farmville giờ là nơi mà nhiều cử tri quan tâm về công ăn việc làm và nền kinh tế và sẵn sàng tiếp nhận thông điệp của liên danh tranh cử Trump-Pence đưa công ăn việc trở về Mỹ, mặc dù ông Tim Kaine - ứng cử viên phó tổng thống của bà Hillary Clinton - là Thượng nghị sĩ hiện thời của họ.

Bà Carolyn Bowman, một cư dân lâu năm sống ở thị trấn Rice gần Farmville, là một trong những cử tri vùng nông thôn. Bà cho biết tất cả những người bà quen biết đều sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.
Bà nói: "Ông ấy sẽ cho mọi người trở lại làm việc, và ông ấy muốn cho mọi người trở lại làm việc." 

Bà Bowman mở một doanh nghiệp tạo cảnh quan vườn nhà và kinh doanh những mặt hàng miền quê cách đây 17 năm, sử dụng sáu người chị em của bà theo cách gợi nhớ tới thời họ cùng nhau làm việc trên những cánh đồng thuốc lá khi họ còn nhỏ.
Đối với bà Bowman, ông Trump là một doanh nhân thể hiện phương châm lao động của bà và là người sẽ giải quyết vấn đề mà bà quan tâm nhất trong cuộc bầu cử năm 2016 này: Những khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ.

Tại một bữa tối gia đình vào mỗi Chủ nhật, bà Bowman và ba thế hệ gia đình bà, tất cả đều nói rằng họ ủng hộ ông Trump - nhớ lại thời xưa khi người ta có lý do để làm việc chăm chỉ.
"Mọi người muốn mơ và có được những thứ như hàng rào trắng tươm tất. Bây giờ họ chỉ muốn được cho không. Người ta cứ muốn được cho không vì chính phủ làm chuyện này quá thường xuyên." 
Bà cho rằng nếu ông Trump lên làm tổng thống thì sẽ có cơ hội thay đổi xu hướng này.

Dễ nhận thấy nỗi lo lắng về kinh tế ở khu chợ trời mở hai lần mỗi năm trong bãi đậu xe của cơ sở kinh doanh của bà Bowman. Các gia đình dựng bàn bày bán những món đồ cổ và đồ đã qua sử dụng. Nhiều người trong số họ nói đây chỉ là một trong nhiều điểm dừng chân trong khi họ tìm cách tăng thu nhập hoặc thậm chí để kiếm sống.
Ông Cliff Christian là một trong những người bán đồ ở chợ này để kiếm sống. Ông cho biết ông làm việc bảy ngày một tuần, làm bốn công việc khác nhau để nuôi vợ và con trai bảy tuổi. Gian hàng của ông bán những món đồ với khẩu hiệu ủng hộ ông Trump làm tổng thống và cờ của Liên minh miền Nam thời Nội Chiến. Ông nói đây chỉ là một chiến lược tiếp thị tốt để câu khách trong mùa bầu cử bất định này.

Ông không nói sẽ bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 này, nhưng ông tỏ ra ngờ vực đối với cả hai ứng cử viên.
"Mọi thứ thật lộn xộn. Dù ai được bầu cũng đều đối mặt với một con đường khó khăn phía trước. Và nếu họ thất bại thì họ sẽ bị đổ lỗi về tất cả mọi thứ đang xảy ra bây giờ. Tôi không ganh tị với họ."

Theo một cuộc thăm dò cử tri bang Virginia của báo The Washington Post vào tháng 8 năm 2016, cả hai ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence và Tim Kaine đều bị đánh giá "tiêu cực" ở mức 20 phần trăm, trong khi ở mặt tích cực ông Kaine nhỉnh hơn đối thủ Cộng hòa với tỉ 54-37 phần trăm.
Cuộc khảo sát là chỉ dấu cho thấy trong khi nhiều cử tri ở Farmsville sẽ cổ vũ cho ông Pence vào đêm tranh luận, song thành phần cử tri thành phố ở Virginia, những người hiểu rõ công tác của ông Kaine trên cương vị thống đốc và thượng nghị sĩ, có thể sẽ ưu ái chọn liên danh tranh cử của ông trong ngày bầu cử.

Nhưng đối với bà Carolyn Bowman, cuộc bầu cử này là cơ hội để bà bỏ phiếu về những giá trị mà lâu nay là phương châm làm việc của bà.
"Tôi biết là tôi đã làm việc chăm chỉ cả đời, và tôi mệt mỏi về chuyện đất nước này đang bị cho không." - VOA

***
Một tuần tồi tệ đối với ông Donald Trump. Trong khi bà Hillary Clinton tăng điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến thì bản khai thuế năm 1995 của ông Trump và việc ông được miễn thuế trong vòng 18 năm đã gây nên một vụ tai tiếng. Giờ đây, chưởng lý New York thông báo cấm quỹ Donald Trump quyên tiền.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết:
Ở tiểu bang New York, quỹ từ thiện ít nhất được chia làm hai loại. Một số quỹ sử dụng tiền quyên tặng của chính nhà sáng lập ra quỹ để hoạt động từ thiện và một số quỹ kêu gọi lòng hảo tâm của các mạnh thường quân bên ngoài. Loại quỹ kiểu thứ hai phải tuân theo các quy định khắt khe, hàng năm đều có kiểm toán và bị nhà chức trách kiểm tra chặt chẽ.
Vậy mà quỹ Trump lại chưa bao giờ tiến hành các thủ tục cần thiết để hoạt động, trong khi từ 8 năm nay, nhà tỉ phú không đóng góp 1 xu nào vào quỹ của mình. Chưởng lý đã đặt ra các nghi vấn. Liệu quỹ này không hỗ trợ tài chính cho hoạt động của nhà tỉ phú? Tư pháp đang yêu cầu ông Trump khẩn trương cung cấp các chứng từ cần thiết.

Trong bài phát biểu hôm qua, ông Donald Trump không nhắc gì tới chuyện này. Các cố vấn của ông khẳng định là các vấn đề rắc rối về thuế và quỹ từ thiện của ông Trump đều do các phóng viên dựng lên mà không thu hút được ai. Tuy nhiên, mây đen đang kéo đến che phủ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày hôm qua, 85% người Mỹ đánh giá đóng thuế là nghĩa vụ. - RFI

Tin Việt Nam
7.
Đại tá Mỹ gốc Việt: ‘Phụng sự tổ quốc là một đặc ân’

Một quân nhân gốc Việt, mới chỉ huy tàu chiến Mỹ trong cuộc thao dượt hải quân với phía Việt Nam ở ngoài khơi Đà Nẵng, nói rằng phụng sự nước Mỹ là một “đặc ân”, đồng thời ngỏ lời cám ơn người Việt ở mọi nơi đã coi ông là “niềm tự nào”.
Đại tá Lê Bá Hùng cuối tháng trước đã đưa Biên đội tàu khu trục số 7 của Mỹ tới Việt Nam tham gia cuộc giao lưu hải quân kéo dài nhiều ngày.

Quân nhân này nói với VOA Việt Ngữ qua email rằng “thật là tuyệt vời khi trở lại Việt Nam”, và “một lần nữa là một phần của cuộc giao lưu hải quân” giữa hai quốc gia cựu thù.
Trong sự kiện thường niên có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016, theo Đại tá Hùng, đôi bên “đã mở rộng các hoạt động trên biển bằng cách đưa vào chương trình một tình huống giả định phức tạp hơn nhằm thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và thực tập tìm kiếm cứu nạn”.

Quân nhân này nói thêm: “Mỗi năm chúng tôi phối hợp chặt chẽ với hải quân Việt Nam để hoạch định một cuộc giao lưu mang lại lợi ích chung cũng như tạo cơ hội xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau. Trong suốt 7 năm tiến hành cuộc giao lưu, chúng tôi đã khá quen thuộc khi làm việc chung với hải quân Việt Nam cũng như ủy ban nhân dân Đà Nẵng. Chính điều đó cho phép chúng tôi hoạch định một cuộc giao lưu nâng cao hơn. Theo tôi nghĩ, điều này sẽ giúp hải quân hai nước sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác nhau trong khu vực như cứu trợ nhân đạo trong khi xảy ra thảm họa”.
Khi được hỏi là cuộc thao dượt có liên quan gì tới những diễn biến căng thẳng trên biển Đông, Đại tá Hùng nói rằng sự kiện thường niên này “không liên quan tới bất kỳ sự kiện hiện thời nào trong khu vực”.

Ngoài Biên đội do ông Hùng chỉ huy, các đơn vị Hoa Kỳ tham gia đợt giao lưu này còn có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain, lực lượng Đặc nhiệm 73 và Ban nhạc Hạm đội 7 “Orient Express”.
"Làm sâu sắc thêm lòng tin"

Tin cho hay, Chương trình Giao lưu Hải quân 2016giữa Việt Nam và Mỹ còn tập trung vào “các hoạt động phi tác chiến cũng như tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng”.
Theo quân nhân Mỹ gốc Việt, sự kiện không chỉ diễn ra giữa lực lượng hải quân hai nước mà các lính thủy Mỹ còn giao lưu với các em học sinh địa phương, dạy tiếng Anh, chơi trò chơi, ca hát, nhảy múa với các em.
Theo phía Mỹ, chương trình giao lưu hải quân hiện nay, gồm các hoạt động chung kéo dài nhiều ngày trên đất liền và trên biển, đã được hình thành từ các chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hải quân Hoa Kỳ hơn 10 năm trước.

Nhận định về tác động của sự kiện hải quân này đối với quan hệ Việt – Mỹ nói chung, Đại tá Hùng nói rằng việc lập kế hoạch cho cuộc giao lưu hải quân 2016 kéo dài gần một năm “cho thấy tầm quan trọng mà hải quân Mỹ - Việt đặt vào đó”.
Quân nhân này nói thêm: “Các sự kiện mang tính song phương như thế sẽ giúp cải thiện khả năng tương tác, sự sẵn sàng và khả năng ứng phó với các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong khu vực. Bằng cách gia tăng sự phức tạp của các sự kiện trong cuộc giao lưu, chúng tôi làm sâu sắc thêm lòng tin và cải thiện khả năng hoạt động một cách tự tin trong môi trường biển”.

Đại tá Lê Bá Hùng lần đầu tiên chỉ huy một tàu khu trục với thủy thủ đoàn 300 người tới Việt Nam hồi cuối năm 2009, sau khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận chức vụ hạm trưởng.
Quân nhân này sinh ra tại thành phố Huế, và gia đình ông đã được tàu Mỹ vớt khi vượt biển đi tị nạn hồi cuối những năm 70.
Khi được hỏi về chuyện nhiều người Việt ở cả trong nước lẫn hải ngoại coi ông là một niềm tự hào của người Việt, Đại tá Hùng nói rằng “phụng sự tổ quốc tôi với vai trò một sĩ quan hải quân là một đặc ân”.

Qua VOA tiếng Việt, ông cũng “muốn nói lời cảm ơn đối với họ về những lời tốt đẹp cũng như lời chúc họ sức khỏe và hạnh phúc”. - VOA

8.
Giám mục Giáo phận Vinh: Lãnh đạo phải lắng nghe vì lợi ích dân tộc

Báo chí Việt Nam cho hay hôm 4/10 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến phát biểu chúc mừng Đại hội lần thứ 13 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một diễn biến đáng chú ý vì theo Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đây là lần đầu tiên một chủ tịch cấp trung ương của Mặt trận Tổ quốc đến phát biểu tại đại hội của Hội đồng Giám mục. Ông Nhân cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực to lớn mang tính bao trùm trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp lưu ý rằng trước đây thường là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đến thăm, phát biểu tại một đại hội như vậy.

Tin cho hay ông Nguyễn Thiện Nhân đã “đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công giáo Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ông cũng nói “Tuy có những lúc thăng trầm nhưng trước hết và trên hết chủ lưu trong đồng bào Công giáo là tình cảm và lòng yêu nước của dành cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam”.
Hoạt động của ông Nhân diễn ra vào lúc trong những tháng gần đây nhiều giáo xứ ở miền Trung đã tiến hành biểu tình, khiếu kiện do thảm họa môi trường của một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan.
Một vài cơ quan báo chí chính thống và một số người trên mạng xã hội đã chỉ trích các hành động này, họ cũng công kích cá nhân một số linh mục, cho rằng các việc làm đó là “lợi dụng tôn giáo” gây ảnh hưởng đến xã hội và gây chia rẽ dân tộc.
Về điều đó, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhận xét:

“Đó là những con bài chính trị mà. Rất tiếc là trong thời gian vừa rồi nhà nước dùng những dư luận viên để nói những điều có lẽ không nên nói với những con người có học. Riêng đối với Nguyễn Thiện Nhân thì là một trong những con người không dùng những ngôn ngữ như vậy. Tôi thấy rằng hôm nay ông đến cũng nói lên cái tình hiệp nhất, kêu gọi sự đóng góp, sự nối kết giữa các thành phần dân tộc, thì chúng tôi cũng đánh giá cao chuyện đó”.
Nhà lãnh đạo Giáo phận Vinh cho biết thêm rằng các giáo dân và Hội đồng Giám mục lâu nay vẫn tích cực đóng góp ý kiến vì sự tiến bộ của dân tộc và đất nước trong nhiều vấn đề xã hội, chính trị quan trọng. Một trong những vấn đề đó là việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam. Ngài nói:
“Hội đồng Giám mục đã chính thức góp ý khi mà nhà nước kêu gọi góp ý về Hiến pháp. Hội đồng Giám mục cũng kêu gọi làm sao sửa đổi cái [điều] số 4 của Hiến pháp. Và thay vì lấy cái lý thuyết Mác-Lê làm cái kim chỉ nam, cái định hướng cho sự phát triển cũng như xã hội, thì lấy cái tinh thần dân tộc, trở về văn hóa dân tộc. Cái chuyện đó đã phát biểu cách đây mấy năm, thì hôm nay vẫn còn như vậy”.

Nhìn về tương lai, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho rằng tiến trình “dân chủ hóa, đa diện hóa” của Việt Nam chắc chắn vẫn là một “con đường dài thăm thẳm”. Ngài bày tỏ rằng vì ích lợi và tiền đồ của dân tộc, các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam cần lắng nghe ý kiến của những người Công giáo cũng như của mọi thành phần khác trong xã hội Việt Nam. Ngài nói:
“Để làm sao dân tộc được mở rộng hơn, đa diện hóa hơn, đa nguyên hơn, chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo của đất nước, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của giới trẻ, của những người Việt Nam có thể quy tụ những người Việt Nam thuộc những thành phần khác nhau, thì phải biết lắng nghe và đa diện hóa quan điểm của mình, cái nhìn của mình, ngõ hầu đất nước chúng ta đi vào vận hội mới của nhân loại”.
Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh rằng “làm sao quy tụ được nhiều thành phần, làm sao nối kết được những quan điểm khác nhau” là một trong những yếu tố quan trọng để đất nước thành công. - VOA

9.
Trịnh Xuân Thanh 'đang ở châu Âu' --- Chủ tịch Việt Nam nói về tham nhũng --- ‘Xử PetroTimes làm trong sạch báo chí’

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, nói ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn “sang châu Âu”.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam tiết lộ khu vực mà Việt Nam nghi ngờ ông Thanh đang lẩn trốn.

Ông Đinh Thế Huynh trả lời câu hỏi của cử tri quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) chiều 4/10.
“Đang xem xét kỷ luật thì Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài, sang châu Âu.”

“Thời điểm này quy trình chưa đến mức khởi tố nên chưa tổ chức các lực lượng giám sát và có quyền giám sát.”
Ông Huynh nói thêm: “Sau khi khởi tố đã phát lệnh truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế. Phát lệnh truy nã truy bắt Trịnh Xuân Thanh về quy án.”
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

Ngày 15/9, công an Việt Nam khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh. - BBC

***
Chủ tịch Việt Nam phát biểu về tham nhũng với người dân tại một số quận ở Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc tiếp xúc cử tri sáng 4/10.
Ông Trần Đại Quang nói về vụ truy nã ông Trịnh Xuân Thanh: "Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng."
"Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát", tờ Vnexpress tường thuật phát biểu này.

Chủ tịch Việt Nam nói trong cuộc gặp mặt người dân Quận 1, Quận 3, Quận 4, sau khi Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh ngày 16/9.
Việc truy nã liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Có tin đồn ông Thanh có thể đã trốn sang Đức.

Nhưng sáng 28/9, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig, nói Đức không có thông tin. - BBC

***
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam nói báo PetroTimes có nhiều vi phạm "có tính hệ thống" và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) đã bị đình bản ba tháng vì 'để xảy ra những sai phạm' và Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/10, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tờ Petrotimes có nhiều vi phạm và việc đăng bài phỏng vấn ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một trong số lý do đó.

“Phóng viên VTV hỏi liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh hay không, tôi nói thẳng đây chỉ là một trong nhiều lý do.
“Bùi Thanh Hiếu là đối tượng đã bị chính quyền xử lý năm 2009, và bây giờ sống ở nước ngoài. Ông có nhiều hoạt động tuyên truyền sai sự thật chống nhà nước.
“Việc đăng lại phỏng vấn của người này trên một tờ báo của Hội dầu khí không những trái tôn chỉ tờ báo mà còn tiếp tay cho hoạt động chống nhà nước,” ông Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông mô tả khi ông Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã, bài phỏng vấn của tờ báo này đã đưa ra thông tin bị cắt xén, không căn cứ, kèm theo nhận định sai lệch, dễ bị suy diễn.
“Việc PetroTimes cho đăng một phần nội dung bài báo đó đã vô hình chung lôi kéo độc giả vào địa chỉ website để xem toàn văn bài báo đó và các bài khác.

“Việc cho đăng bài nói trên gây nhiễu loạn thông tin, gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoang mang dư luận, gây bất lợi cho cơ quan thực thi pháp luật”
Ở phần kết thúc cuộc họp báo, Bộ trưởng Tuấn giải thích về lý do chỉ đình bản tờ báo ba tháng chứ không có hình thức nặng hơn vì tờ báo là nơi làm việc “của bao nhiêu người khác nữa”.
"Sai phạm có tính hệ thống"

Tuy nhiên ông Tuấn nhấn mạnh sai phạm của PetroTimes là có tính hệ thống.
Trước đó ông dẫn chiếu tới vụ án Năm Cam là thành tích lớn của cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng báo liên tục cho đăng các bài mà ông mô tả là “lật lại vụ án”.
“Các cán bộ tham gia vụ án tuy sau này có thể vi phạm, đã bị xử lý nhưng đó là vấn đề khác. Lật lại vụ án lại là việc khác."
“Ngoài ra có bài nghị sĩ Đặng Thành Tâm ôm 600 tỉ đi đâu, thông tin không đúng sự thật. Loạt bài Trung Quốc lấy nội tạng tử tù, thông tin không kiểm chứng.”

“Nhiều thông tin giật gân câu khách, không chính xác. Các bài đó đã bị xử lý hành chính, nhắc nhở nhưng vẫn để sai phạm xảy ra. Với tư cách người đứng đầu, ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm."
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói ông biết dư luận đang “phản ứng trái chiều”
Tuy nhiên ông mô tả những người làm báo chân chính, đông đảo người dân "ủng hộ quyết định này".

"Phản ứng trên các trang mạng, rất dễ hiểu. Việt Nam có luật pháp, bảo vệ quyền tự do báo chí không chỉ cho nhà báo mà bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi công dân.
"Khi nhà báo, cơ quan báo chí lạm dụng quyền hành để phục vụ mục đích khác, nó xâm phạm quyền của công dân.
"Việc xử lý nghiêm minh PetroTimes sẽ góp phần làm trong sạch các cơ quan báo chí,” ông Tuấn nói.

“Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí và xử ly nghiêm nếu có sai phạm.”

Ông Nguyễn Như Phong có hàm đại tá công an, từng là Phó Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân trước khi chuyển về PetroTimes thuộc Hội Dầu khí Việt Nam.
Tại PetroTimes với khoảng gần 30 nhân viên, ông Phong là Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Quốc tế, trực tiếp chỉ đạo Thư ký Tòa soạn. - BBC

Không có nhận xét nào: