Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

QUAN HỆ NGA-HOA KHÔNG TỐT ĐẸP NHƯ PUTIN TƯỞNG:

Tờ Bloomberg số ra ngày 2/9/2015 dẫn lời quan điểm của tác giả Elena Mazneva, Anna Baraulina và Yuliya Fedoninova bình luận, quan hệ Nga-Hoa trên thực tế có thể không phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp như lời TT Nga Vladimir Putin nhận định. Mô tả về mối quan hệ giữa Moscow-Bắc Kinh trong những năm gần đây, TT Putin cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS và Tân Hoa Xã ngày 1/9/2015, một ngày trước chuyến công du Bắc Kinh rằng: “Quan hệ Nga – Hoa đã đạt mức cao nhất có thể trong lịch sử và tiếp tục phát triển”.
<!>
Tuy nhiên, các dữ kiện về kim ngạch thương mại giữa Nga và TC lại cho thấy một câu chuyện khác mà ông Putin đã không đề cập tới trong cuộc phỏng vấn này. Sự sụt giảm của thị trường Hoa Lục trong vài tuần qua, đã tạo ra thêm các áp lực đối với nền kinh tế Nga và khiến đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất trong năm. Những nghi ngờ ngày càng tăng về triển vọng kinh tế của TC cũng đã tác động đến giá dầu và khí đốt, 2 mặt hàng xuất cảng chính của Nga, đẩy Nga rơi sâu hơn vào suy thoái.
Thương mại giữa Nga và TC đã giảm 29% trong nửa năm đầu 2015 xuống 30,6 tỷ USD do sự sụt giảm mức đầu tư từ phía các doanh nhân láng giềng. Các quan chức trong chính phủ Nga hiện nay hầu như không còn có cơ hội để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD thương mại song phương với Bắc Kinh như mục tiêu TT Putin đã công bố trong tháng 10/2014.
“Những nhận định về quan hệ Nga – Trung và thực tế là những điều hoàn toàn khác biệt, vì Nga không phải là đối tác chủ yếu của Bắc Kinh, bởi họ còn có một loạt các lựa chọn khác để cung cấp nguồn tài nguyên cho mình, bất chấp những khó khăn kinh tế gần đây”, Alexander Gabuyev – Trung tâm Moscow Camegie – nói trong cuộc phỏng vấn với Blooberg ngày 31/8/2015. Sự sụt giảm thương mại song phương từ hồi đầu năm 2015, lần đầu tiên trong 5 năm qua đã đẩy Nga ra ngoài top 15 đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh.
Tập đoàn Gazprom đã thúc đẩy hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 Tỷ USD trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2014 của TT Putin. Tuy nhiên, hiện 2 bên đang có bất đồng trong việc thanh toán tạm ứng từ Bắc Kinh và có đồn đoán cho rằng Bắc Kinh muốn hủy bỏ hợp đồng này. Điểm sáng duy nhất trong hợp đồng thương mại Nga – Trung hiện nay là việc Moscow đã chọn Bắc Kinh là nhà thầu xây dựng đường sắt tốc độ cao từ Moscow đến Kazan trị giá 1.000 tỷ rúp.
Những dữ liệu trên cho thấy Bắc Kinh đang nắm thế thượng phong trong quan hệ Nga – Trung. Moscow đang cần Bắc Kinh nhiều hơn là Bắc Kinh cần Moscow. Trước đó, tờ Calcalist của Israel cũng có bài bình luận cho rằng, Bắc Kinh tỏ ra khá thực dụng trong mối quan hệ với Moscow, luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu và sẳn sàng bỏ rơi các đối tác khi cần thiết. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác đang hứa hẹn cung cấp cho Bắc Kinh những nguồn tài nguyên mà họ đang thèm khát với giá hấp dẫn hơn Nga rất nhiều.
PUTIN LẤY LÒNG TẬP CẬN BÌNH LÀ TÍNH TOÁN SAI LẦM:
Tạp chí Nikkei Asia Review số ra ngày 3/9/2015 bình luận, TT Putin đã cố gắng gây thiện cảm với Tập Cận Bình trong việc sang Bắc Kinh dự duyệt binh, nhưng về căn bản Putin đã phải trở về với hai bàn tay trắng, khi họ Tập vẫn tỏ ra miễn cưởng trong các dự án kinh tế chung quy mô lớn giữa hai nuớc.Trong cuộc đàm phán giữa Putin với Lý Khắc Cường, các nhà lãnh đạo 2 nuớc đã thảo luận về những gì họ cho là cố gắng che đậy lịch sử. Đây là cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga – Trung lần thứ 3 trong năm 2015. Nhưng, Tập Cận Bình đã phớt lờ các chuơng trình nghị sự lớn về kinh tế. Cả hai bên không giải quyết vấn đề giá khí đốt Nga bán cho TC qua đường ống từ Tây Siberia khiến cho một thỏa thuận cuối cùng lại bị trì hoãn.
Một nguồn tin ngoại giao cho Nikkei Asian Review cho biết, Putin không đạt được bất kỳ bước đột phá nào về hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong khi nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với những bế tắc. Sự miễn cưỡng của Bắc Kinh bắt nguồn từ sự sụt giảm kinh tế ở cả hai nước. Đầu tư trực tiếp của TC vào Nga giảm 20% so với kỳ năm trước. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Nga đang bị tăng trưởng âm do giá dầu thô giảm kỷ lục. Putin tính toán hỗ trợ Bắc Kinh về chính trị và ngoại giao để đổi lấy sự giúp đở về kinh tế từ Bắc Kinh, nhưng hóa ra đây lại là một tính toán sai lầm.
Bình luận về hành động nầy, tờ New York Times cho rằng, mối quan hệ được ca tụng giữa Putin và Tập Cận Bình đã trở nên căng thẳng khi nền kinh tế 2 nước bắt đầu suy giảm. Hai giao dịch năng lượng được ký kết năm 2014 cho đến nay, hầu như vẫn giậm chân tại chỗ và không đề cập khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về vấn đề kinh tế.
Alexander Gabuev – nhà phân tích Nga – Trung thuộc Trung tâm Carnegie Moscow – cho rằng: “Sự lạc quan về sự giúp đỡ từ Bắc Kinh ở Nga đã phai nhạt trong bối cảnh Nga hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ mở ra một con đường sống để duy trì trước việc Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và giá dầu giảm đã không trở thành hiện thực,” ông nói. “Đó là một mối quan hệ mang tính biểu tượng với một cơ sở kinh tế biến động nhỏ. Điện Kremlin đã thất vọng vì không thể thực hiện hóa một cách nhanh chóng những gì Putin hy vọng.”
Một tuyến đường sắt cao tốc mà Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng nối Bắc Kinh với Moscow khó có thể trở thành hiện thực khi Bắc Kinh yêu cầu Nga trả tiền. Gần 500 dặm đầu tiên nối Moscow với Kazan đã được lên kế hoạch hoàn thành trước World Cup 2018 tại Nga, nhưng đến nay vẫn chưa bắt đầu và nó dường như còn giậm chân tại chỗ. Moscow sẽ không có tiền để trả chi phí và Bắc Kinh sẽ không làm miễn phí. Theo lời bình luận của Douglas H. Paal từ Quỹ Carnegie, Washington dường như đang nghĩ rằng Putin sẽ là “gánh nặng hơn là lợi ích” đối với Bắc Kinh.
 
PUTIN CẢNH GIÁC BÀI HỌC NGÀY 2/3/1969 ĐỐI VỚI TÀU CỘNG:
47 năm trước, vào ngày 2/3/1969, QĐNDTQ (PLA) bất ngờ tấn công đảo Damansky, gây nên cuộc xung đột vũ trang, sắp đưa cả hai nước gần đến miệng hố chiến tranh. Nhà sử học người Tàu Yang Kuisong – Viện lịch sử hiện đại Bắc Kinh – trong bài nghiên cứu: “The Sino-Soviet Border Clash of 1969” đăng trên tạp chí “Lịch sử chiến tranh lạnh” số ra tháng 8/2000, ông cho biết chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị lên kế hoạch nầy rất kỹ lưỡng. Mao Trạch Đông không muốn chiến tranh, nhưng muốn có một vụ gây hấn ra trò thật đột ngột, bất ngờ để đánh lạc hướng dư luận trong nước mà theo nhà sử học người Mỹ Thomas Robinson đã nhiều năm nghiên cứu nguyên nhân và diễn biến của cuộc xung đột biên giới Xô – Trung, ông cho biết: “Vào năm1968 và đầu năm 1969, khi cuộc Cách mạng văn hóa đã đến hồi bế tắc. Để thoát ra khỏi tìng trạng bế tắc đó, Mao cần phải có ngay một hành động gì đó để đánh lạc hướng dư luận. Đó là gây chiến với LX sẽ cung cấp ngay trọng tâm lôi cuốn sự chú ý của dư luận trong nước.”
Yang Kuisong kết luận: “Đây không phải là cuộc chiến tranh để tự vệ như báo chí TC vẫn tuyên truyền, mà là một cuộc xâm lược với quy mô nhỏ, được ĐCSTQ chuẩn bị kỹ lưỡng. Không phải LX là kẻ gây hấn và nổ súng đầu tiên như Bắc Kinh đã la hoảng mà là ngược lại. Bởi sự thật luôn chỉ có một mà thôi…”
Vào năm 1961, LX tập trung 12 sư đoàn và 200 chiến đấu cơ dọc theo biên giới 4.380 km, đặc biệt là tại khu vực phía Tây Tạng ở phía Tây Bắc TC. Năm 1968, LX điều động 25 sư đoàn và 1.200 chiến đấu cơ cùng với 120 tên lửa tầm trung. Tháng 3/1969, cuộc xung đột biên giới Trung – Xô nổ ra tại khu vực sông Ussuri và đảo Damansky – Zhenbao. Theo báo Pravda, cuộc xung đột biên giới với những trận đánh khốc liệt với sự tham gia của xe tăng, đại pháo và tên lửa, lấy đi sinh mạng của hàng ngàn người, cả lính biên phòng LX và binh sĩ Tàu Cộng.

NHỮNG SAI LẦM CHIẾN LƯỢC CỦA PUTIN:
Theo The Guardian số ra ngày 18/3/2016 đưa tin, những người khuyết tật ở Nga đã tỏ ra phẫn nộ với chính quyền nước nầy khi thay đổi quy định về điều kiện trợ cấp cho những người khuyết tật, khiến cho 500.000 người khuyết tật trên toàn nước Nga bị mất trợ cấp bởi quy  định mới. Theo đó, Bộ Lao Động & Bảo trợ Xã hội Nga đã giới thiệu các quy định mới dựa trên mô hình của Đức về việc hỗ trợ quyền lợi cho người khuyết tật theo các loại bệnh lý và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Người khuyết tật chỉ được trợ cấp khi được cơ quan y tế xác nhận mất ít nhất 40% chức năng nào đó của cơ thể.
Có thể thấy rằng đây là một sự phơi bày thực chất khó khăn của nước Nga. Hậu quả của các lệnh cấm vận cộng với sự sụt giảm giá dầu, cho phí tốn kém trong các cuộc không kích tại Syria đã khiến cho kinh tế nước nầy ngày càng xuống dốc. Việc cắt giảm trợ cấp cho người khuyết tật là việc làm khó có thể chấp nhận của chính quyền TT Putin. Nhiều nhà phân tích cho rằng, TT Nga Putin đã tiếp tục mắc hết sai lầm chiến lược nầy đến sai lầm khác, dẫn đến sự khủng hoảng tồi tệ cho nền kinh tế của nước Nga hiện nay.
Cho đến bây giờ có thể khẳng định rằng, tất cả toan tính của TT Putin nhằm kéo nước Nga ra khỏi khủng hoảng kinh tế đều là những toan tính không có kết quả. Con bài Crimea & Ukraine xem ra không còn một chút giá trị gì; ngược lại, nó còn làm thiệt hại cho nước Nga rất lớn. Khi đang vùng vẫy trong cơn khủng khoảng chưa lối thoát thì TT Putin lại quyết định lao vào cuộc chiến tranh tại Syria mà mục đích là chống đở cho chế độ Adssad để dùng con bài này mặc cả với Mỹ, nhưng nước Mỹ vào mùa bầu cử tổng thống nên sự quan tâm vào cuộc chiến Syria sẽ trở thành thứ yếu.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria tiêu tốn khoảng 33 tỷ Rúp (khoảng 464 triệu USD) lấy từ ngân sách quốc phòng cho hoạt động huấn luyện quân sự và diễn tập quân sự, TT Putin tiết lộ. Con số mà ông Putin đưa ra cũng khá chính xác với ước tính của Tạp chí quân sự HIS Jane’s đưa ra trước đó, Nga phải chi phí khoảng từ 3 tới 4 triệu USD mỗi ngày kể từ khi chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/9/2015. Nếu xét ở mức cao hơn, con số nầy ước tính khoảng 664 triệu USD. Trong chiến dịch kéo dài gần 6 tháng, Không quân Nga tại Syria đã tiến hành trên 9.000 cuộc xuất kích, phá hủy 209 cơ sở sản xuất dầu mỏ và 3.000 phương tiện vận chuyển dầu của khủng bố.
Kênh truyền hình Nga RBK nói 26 trái hỏa tiển bắn sang Syria làm Nga tổn thất trên 30 triệu USD trong bối cảnh chi phí quốc phòng được tăng bất chấp thâm thụt ngân sách. Tin tức cũng cho biết Nga sẽ phải dùng đến Quỹ Dự Trữ Liên bang bổ sung cho chi tiêu quốc phòng 2016.
Theo Diplomat ngày 24/4/2016 bình luận về nguyên nhân thất bại của chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga, bởi vì Putin đã quá tập trung vào Tàu Cộng. Moscow cần Bắc Kinh, nhưng Bắc Kinh lại có quá nhiều lựa chọn thay thế. Học giả Alexander Gabuev từ Trung tâm Carnegie, nhận xét: “Hai năm sau sự rạn nứt giữa Điện Kremlin với phuơng Tây, những hy vọng của Moscow rằng mối quan hệ hợp tác với châu Á, có thể giúp Nga bù đắp tổn thất đã không thể trở thành hiện thực. Trục châu Á của Nga có kết quả là con số 0”.
Còn 2 nhà nghiên cứu Thomas S. Eder và Mikko Huotari từ Viện Mercator ở Berlin bình luận trên tạp chí Foreign Affairs ngày 17/4/2016 rằng: “Kể từ khi châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraine, Moscow đã hy vọng chống lại lệnh này bằng cách tăng cường liên minh với TC về năng lượng quốc phòng, thương mại, nông nghiệp và đầu tư. Tuy nhiên chính sách này đã thất bại”.
Nguyên nhân cốt lõi của sự thất bại nầy được cho là thiếu động lực cho tăng cường hợp tác từ cả hai phía: Moscow và Bắc Kinh. Quan hệ thương mại Nga – phương Tây xấu đi, buộc Nga phải tìm kiếm đối tác khác. Vì lý do này, Nga và TC ký thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD vào tháng 5/2014. Nhưng cho đến nay, bất đồng về giá cả vẫn là rào cản của siêu hợp đồng nầy. Bắc Kinh trả cho mỗi mét khối mua của Nga rẻ hơn so với giá Nga bán cho Tây Âu, khiến dự án này giậm chân tại chỗ.
Theo Gabuev, ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất TC cũng tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, mặc dù Bắc Kinh vẫn chính thức lên án các biện pháp trừng phạt nầy. Trong khi đó, rủi ro đầu tư vào thị trường Nga ngày càng lớn, GDP của Nga đang suy thoái giảm liên tục, trong khi tiềm năng và vị thế của các ngân hàng TC ở Hoa Kỳ và EU đang được tăng cường.
Truyền thông TC đánh giá, chính phủ Nga đang không thể thực hiện được các mục tiêu  kỳ vọng và có nguy cơ đưa nền kinh tế trở về tình trạng thập niên 1990. Mạng phương Đông (Eastday) của TC dẫn báo cáo từ Hiệp hội Truyền thông thanh niên, một liên minh phóng viên từ 2.000 cơ quan truyền thông của nước nầy, nói rằng: “Nước Nga có thể đang đối diện với “lịch sử lặp lại”. Nền kinh tế suy thoái suốt 10 năm sau khi LX tan rã”.
Bà Tatyana Maleva – Giám đốc Sở Nghiên cứu dự báo & Phân tích xã hội thuộc Học viện Quản lý Kinh tế Quốc dân (RANEPA) của Nga – nói với tờ Financial Times (Anh): “Người Nga đánh giá rất cao những thành quả về phúc lợi xã hội đạt được từ năm 2000 đến nay; vì vậy để kết quả đó mất đi là điều hết sức đáng buồn. Sau 2 năm trải qua tình trạng khủng khoảng về kinh tế, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy viễn cảnh tăng trưởng. Điều đó khiến mọi người nhớ lại thập niên 1990,” bà Maleva nói. “Chúng tôi phải thừa nhận, hậu quả xã hội mà cuộc khủng hoảng gây ra sẽ giống với thế kỷ trước, bởi chúng tôi đang nhìn thấy sự trì trệ lâu dài và không biết bao giờ mới chấm dứt.”
Những tháng ngày tươi đẹp của nền kinh tế Nga được nhận định đã kết thúc vào năm 2014 bởi 2 nguyên nhân:
  • Là Moscow bị phương Tây cấm vận đồng loạt sau cuộc khủng hoảng từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Ngày 11/1/2016, TT Putin lần đầu tiên thực sự thừa nhận cấm vận kinh tế của các nước phương Tây đã làm Nga tổn thương nghiêm trọng.
  • Giá dầu thế giới lao dốc, giới chuyên gia kinh tế quốc tế cảnh báo nước Nga vẫn đang phải đối mặt với năm 2016 đầy khó khăn khi giá dầu tiếp tục giảm xuống gần 30 USD/thùng. Thậm chí ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể sụt xuống 20 USD/thùng.
  • Đồng ruble của Nga tiếp tục giảm mạnh do giá dầu giảm. Hiện 1 USD = 76,1 rúp.
Eastday chỉ ra, GDP của Nga năm 2015 đạt 1.310 tỷ USD, không hơn nhiều so với con số khoảng 1.200 tỷ USD mà GDP tỉnh Quảng Đông, TC đã đạt được. Theo đánh giá của truyền thông TC, quy mô nền kinh tế Nga hiện nay chỉ bằng khoảng 1/9 của TC và trong vài năm tới, Quảng Đông có thể nhẹ nhàng vượt qua Nga. Các nhà kinh tế quốc tế cũng tỏ ra bi quan với viễn cảnh kinh tế Nga.
Theo nhận định của tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), Nga đã và đang thất bại thảm hại trong chiến lược “xoay trục” sang Bắc Kinh để giảm gánh nặng từ lệnh trừng phạt phương Tây. Việc xây dựng 2 đường ống “Sức mạnh Siberia” & “Altai” vận chuyển khí đốt từ Siberia tới Hoa Lục đã bị hoãn tới thời gian vô hạn định. Giá dầu ở mức thấp nhất đã và đang phủ một bóng đen ảm đạm lên viễn cảnh nền kinh tế Nga. Tóm lại: “Như vậy, thay vì qua mặt châu Âu bằng cách xích lại gần Bắc Kinh, Nga lại đang bị chính TC lợi dụng”.
CHÍNH SÁCH “HƯỚNG ĐÔNG” CỦA NGA THẤT BẠI VÌ SAO?
Theo Alexander Gabuev cho rằng, chính sách xoay trục “không đưa Nga tới đâu,” ông nói. “Hai năm sau khi quan hệ giữa Điện Kremlin và phương Tây rạn nứt, kỳ vọng mối quan hệ ở châu Á để bù đấp lại tổn thất của Moscow đã không trở thành hiện thực.”
Theo Catherine Putz, điều đáng quan tâm là động cơ của Moscow và Bắc Kinh khi thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương. Mối quan hệ đi xuống cả về thương mại với châu Âu buộc Nga tìm kiếm các đối tác mới. Thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD cho TC mà thực tế là Nga đã hạ mình bán khí đốt cho Bắc Kinh với giá thấp hơn các nước châu Âu bỏ ra. Nga cần TC, nhưng Bắc Kinh lại có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Trong một vài trường hợp cụ thể như Turkmenistan, tổn thất của Nga lại mang về lợi ích cho Bắc Kinh. Vài năm qua, lượng khí đốt mà nước này bán cho Nga (để bán lại cho các nước khác) đã tuột dốc không phanh.
Hồi tháng 1/2016, Gazprom đã tuyên bố ngừng toàn bộ giao dịch với Turkmenistan, sau khi quy mô giao dịch từ đỉnh cao 40 tỷ mét khối khí đốt năm 2008, rơi xuống  còn 4 tỷ khối năm 2015. Vì vậy, Turkmenistan đã chuyển dịch lượng giao dịch nầy cho Bắc kinh. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2016, quốc gia nầy cung cấp cho Bắc Kinh 10.6 tỷ mét khối, tăng 33% so với cùng kỳ 2015. Đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á – Tàu Cộng hiện đã có 3 đường ống vận hành và đường ống thứ 4 đang trong quá trình xây dựng, dự kiến nâng quy mô lên 85 tỷ mét khối/ năm.
Gabuev chỉ ra rằng, Moscow dường như bất lực trong nổ lực hợp tác với các tổ chức tài chánh châu Á. Tính đến thời điểm nầy chỉ là khoản vay 2 tỷ USD mà các ngân hàng Tàu Cộng dành cho tập đoàn Gazprom của Nga. Gabuev cho biết nguyên nhân rõ ràng, thì ra cả nhóm 4 ngân hàng lớn nhất TC cũng đã nghe theo các lệnh cấm vận của phương Tây, đâm sau lưng Putin. Theo Gabuev, chính sách xoay trục châu Á của Nga chủ yếu nhằm vào Bắc Kinh, trong khi vai trò các quốc gia khác khá mờ nhạt.
“Về bản chất,” hai nhà phân tích Eder & Huotari viết, “Thay vì dùng con bài TC để làm đối trọng với châu Âu, Nga đã bị Bắc Kinh biến thành một con bài trong tay Tàu Cộng”. Nói về sự khác biệt giữa 2 chính sách “xoay trục sang châu Á-TBD” của Mỹ và Nga, Mỹ có tính chất “đa phương” với sự tham dự tham gia của nhiều cường quốc châu Á như Nhật, Ấn, Australia, Hàn Quốc…thì chính sách của Nga chỉ loay hoay sang Bắc Kinh để bị biến thành “đối tác đàn em” của Bắc Kinh.
Giáo sư kinh tế Nga Aleksey Maslov nhận định, các cuộc đàm phán về kinh tế giữa TC và Nga đang càng ngày trở nên khó khăn. Lý do: “Một phần là bởi kinh tế TC đang phát triển chậm lại, phần khác là vì Bắc Kinh nhận ra rằng, mình đang giữ vị trí thống trị tại thị trường Nga sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Bây giờ đây, Moscow đã sáng mắt buộc phải đi tìm thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.”
PUTIN THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC – VE VÃN KHỐI ASEAN:
Việc Ngoại trưởng Nga Sergel Lavrov mới đây đã phát biểu khẳng định chống lại các nổ lực “quốc tế hoá” những tranh chấp trên Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt từ VN và Tàu Cộng. Ông Lavrov nói rằng: “Tất cả các quốc gia liên quan đến tranh chấp phải tuân theo các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị và ngoại giao mà được cả hai bên chấp thuận,” ông cũng kêu gọi. “Những quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan.”
Theo Anton Tsvetov – chuyên gia Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC) – cho rằng: “Tôi không nghĩ ông Lavrov có toan tính thời điểm gì với phát ngôn như vậy, nhưng phải thừa nhận, đây không phải thời điểm tốt nhất để phát ngôn như vậy,” ông nói. “Tuy nhiên, tôi vẫn nghi ngờ việc Nga sẽ ủng hộ tuyên bố của TC trong tương lai gần, dù không đề cập tới bất kỳ sự hỗ trợ quân sự hay chính trị của Moscow với Bắc Kinh trong trường hợp xuất hiện một cuộc đụng độ quân sự với bất kỳ bên nào đặt ra yêu sách trên Biển Đông, vì Nga – Trung không pải là một liên minh chiến lược.”
Theo tôi, nhận định của Anton Tsvetov đã hóa giải lời tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov không còn phù hợp với chiến lược mới của TT Putin là Nga và khối ASEAN đề ra các phương hướng hợp tác quốc phòng.
Trong cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng Nga và các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ngày 26/4/2016 tại thủ đô Moscow của Nga, các nước đã đề ra các phương hướng hợp tác chính. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng BQP Nga Sergei Shoigu cho biết, các bên đã đặt ra hàng loạt phương hướng nhằm phát triển mối quan hệ họp tác cùng có lợi – trước tiên là trong lĩnh vực chống khủng bố quốc tế, an ninh hàng hải, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, quân y và tháo gỏ mìn…
Người đứng đầu BQP Nga cũng nhấn mạnh “danh sách các dự án hợp tác chung giữa BQP Nga & ASEAN” không chỉ dừng lại đó. Nga sẽ mở rộng các cuộc tiếp xúc song phương với các nước ASEAN, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự. Theo ông, để thực hiện hóa kế hoạch nầy, Nga sẽ tổ chức hàng loạt các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng BQP các nước ASEAN diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nga – ASEAN, dự kiến diễn ra ngày 19 -20/5/2016 sắp tới tại thành phố Sochi của Nga. Đây được xem là sự kiện quốc tế lớn nhất tại Nga trong năm nay.
Trong quan hệ của ASEAN với các cường quốc chủ chốt, quan hệ ASEAN – NGA là chậm phát triển nhất. Các mối quan hệ ASEAN với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Tàu Cộng mạnh mẽ hơn so với Nga. Họ vẫn coi ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại.Trong số các đối tác chủ chốt, Nga chưa phải là một đối tác chiến lược của ASEAN. Sự khởi sắc cho quan hệ Nga – ASEAN được kỳ vọng ở Hội nghị Thượng đỉnh NGA – ASEAN tại Sochi (Nga) vào tháng 5/2016 sắp tới.
TT Putin đã đích thân viết thư mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến Sochi. Putin mong muốn 10 nhà lãnh đạo ASEAN sẽ hiện diện ở Sochi để hai bên có thể trao đổi nhiều vấn đề trong quan hệ. Cho đến nay, dù ở nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3, nhưng TT Putin chưa bao giờ gặp gỡ riêng tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN. Theo The Straits Times, nếu Nga muốn phát triển quan hệ thực chất với ASEAN, TT Putin cần gần gũi hơn với các nhà lãnh đạo 10 nước trong Hiệp hội. Nếu không, Hội nghị Thượng đỉnh Sochi sẽ đơn thuần là sự kiện mang tính biểu tượng mà thôi.

“KỊCH BẢN CRIMEA” Ở VIỄN ĐÔNG:
Theo hãng tin MixNews, ông Leon Taivans – một nhà Đông phương học tại Đại học Latvia – nhấn mạnh, sau khoảng 20 năm nữa, đất nước TC quá đông đúc, có thể lập lại “kịch bản Crimea” ở Viễn Đông cũng với lý do công dân TC cư ngụ ở đó quá tải. Theo ông, ở phía Đông vùng Ural chỉ có 3 triệu người Nga sinh sống, trong khi có tới 100.000 người Tàu đã chuyển sang ở luôn bên Nga. Hơn nữa, ông dự đoán có tới 90 triệu người Tàu sẽ tràn qua biên giới nước Nga trong tương lai. Ông Leon Taivans cho rằng, sự kiện Nga sáp nhập Crimea có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về địa chính trị của Nga ở miền Viễn Đông.
Đầu tháng 3/2014, nhà báo Joeff Dyer của tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đã lưu ý rằng, Bắc Kinh có thể xem động thái sáp nhập Crimea của Nga là hành vi bật đèn xanh để họ thúc đẩy một cách quyết đoán các tham vọng về lãnh thổ của riêng mình. Bắc Kinh cảm thấy dao động trước các sự kiện xảy ra ở Ukraine. Một mặt, họ chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; một mặt, Bắc Kinh dị ứng đối với các phong rào ly khai. Bắc Kinh cố duy trì thế trung lập, thậm chí bỏ phiếu trắng về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea tại Hội đồng Bảo An LHQ.
Phát biểu trên kênh truyền hình BTB, nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Nga Alexander Paly cho rằng: “Trên cơ sở kinh nghiệm từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea, Bắc Kinh có khả năng bộc lộ tham vọng to lớn đối với lãnh thổ của Liên bang Nga,” theo ông. “Bắc Kinh đang nghiên cứu “bài học Crimea” và một lúc nào đó, họ sẽ đặt ra trước Nga những vấn đề lịch sử, bởi vì theo Điều ước Nerchinsk năm 1689 giữa Nga và Trung Hoa về vấn đề biên giới và thương mại, cả miền Viễn Đông là của Trung Hoa.”
Vào thế kỷ thứ 19, TQ đã miễn cưỡng nhượng lại cho Nga quyền kiểm soát miền Viễn Đông và Siberia. Tuy nhiên, trong suốt 50 năm qua, TC đã gia tăng động thái tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực này. Theo trang WEB Global Politician, các nhà lãnh đạo ở TC đều đã công khai khẳng định rằng các thành phố Vladivostok & Khabarovsk là của Trung Hoa. Hơn nữa, một số nhà sử học TC còn quả quyết biên giới Nga – Trung hiện nay là không đúng và Nga đã đánh cắp miền Viễn Đông bằng vũ lực. Bắc Kinh đang chờ đợi Nga sa lầy ở Ukraina, Syria, kinh tế phá sản…sẽ ra tay hành động tái chiếm lại miền Viễn Đông và Siberia.
Đa chiều ngày 17/6/2015 cho biết, trong lúc quan hệ Trung – Nga ngày càng hợp tác sâu sắc do những sai lầm chiến lược của TT Putin thì dư luận xã hội Nga ngày càng lo ngại nguy cơ TC bành trướng. Hãng thông tấn Itar Tass ngày 17/6/2015 nói rằng, gần đây chính quyền Baikal đã ký hợp đồng cho công ty Hưng Bang Hoa Nga của tỉnh Triết Giang thuê 115 ngàn hecta đất thời gian 49 năm để canh tác với tổng số vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD…Một số đài truyền hình và báo mạng của Nga coi thông tin nầy là “đất đai của Tổ quốc đang bị bán từng mảnh cho TC và thời kỳ TC bành trướng trên lãnh thổ Nga đã bắt đầu”.

PUTIN DÙNG CHIÊU “TÁ ĐAO SÁT NHÂN” VỚI TẬP CẬN BÌNH:
TT Putin tuy đã mắc nhiều sai lầm chiến lược như đã kể trên. Nhưng, trên thực tế Putin vẫn là con cáo già về thủ đoạn chính trị đáng gờm. Putin đã dùng chiêu “tá đao sát nhân” với họ Tập. Nghĩa đen của chiêu nầy là mượn dao để giết người, mượn tay người khác giết kẻ thù của mình.
Trong chính trị có một quy luật căn bản “nghịch ngã giả vong” (ai chống ta sẽ phải chết). Điều nầy không chỉ xảy ra trong thời đại vua tôi phong kiến mà nó còn xảy ra trong xã hội dân chủ thời nay. Những con người chính trị muốn thanh toán kẻ thù, cần giết người thì chẳng bao giờ tự tay mình động thủ mà mượn tay người khác tiêu diệt kẻ thù dùm mình. Vì thế, cổ nhân có câu: “Sát nhân bất kiến huyết – Kiến huyết bất anh hùng” (Giết người không thấy máu – Thấy máu không phải là anh hùng). Putin cho xuất cảng những vũ khí chiến lược hiện đại như chiến đấu cơ S-35, hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho TC…nhằm tạo thế và lực cho Tập Cận Bình tự tin có thể thống trị Châu Á-TBD và Biển Đông nói riêng.
Tờ “Thời báo Toàn Cầu” số ra ngày 12/8/2015 dẫn trang mạng “Russia Beyond The Headlines” cho rằng, xuất cảng vũ khí hiện đại cho TC đem lại một loạt lợi ích cho Nga. Theo bài báo nầy, đây không phải chỉ là một con đường nhanh chóng phát tài, Điện Kremlin thông qua xuất cảng vũ khí hiện đại cho TC để chống lại sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á cũng tạo ra được hiệu quả chiến lược.
Theo tác giả Nikolay Gross Jeff cuốn sách “Chính sách ngoại giao Nga: Lợi ích, phương hướng và cơ quan” cho rằng: “Nga cần bán vũ khí để đảm bảo việc làm công nghiệp quốc phòng, có được thu nhập để nghiên cứu phát triển quốc phòng. Trong khi đó, TC là thị trường tiềm năng lớn nhất”. Sự thật chứng minh, sau khi LX giải thể, thị trường TC mới xuất hiện đã trở thành con đường sống còn của Nga. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, một nửa thu nhập tiêu thụ của công nghiệp Nga đến từ TC. Vì vậy, bán vũ khí cho Bắc Kinh tuyệt đối không phải là hành vi tự sát đối với Nga. Thương mại vũ khí là nền tảng của quan hệ Nga – Trung trong thế kỷ thứ 21. TC vẫn còn lạc hậu so với phương Tây ít nhất 20 năm về công nghệ vũ khí, chỉ có được Nga hỗ trợ mới có thể đuổi kịp.
Vũ khí hiện đại của Nga đang giúp QĐNDTQ (PLA) ngày càng trở nên hùng mạnh, giúp “Giấc mơ Trung Hoa” tham vọng bành trướng, bá quyền ở châu Á – TBD của Tập Cận Bình trở thành hiện thực. Điều nầy cũng mang lại lợi ích to lớn cho Nga là ASEAN trở thành thị trường vũ khí chủ lực mới của Nga, khi các quốc gia khối ASEAN tăng chi tiêu quốc phòng để tự bảo vệ trước các biến động an ninh khu vực, trước áp lực quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tình hình an ninh tại Đông Nam Á, đặc biệt xoay quanh Biển Đông, đang có nhiều biến động theo chiều hướng đáng quan ngại, khiến nhiều nước ASEAN phải tăng cường nỗ lực củng cố năng lực quốc phòng để chống lại Bắc Kinh. Nắm bắt được cơ hội nầy, nhiều hãng sản xuất vũ khí của Nga đang chuyển hướng đầu tư vào thị trường nầy. Thế là Nga hưởng được thu nhập “lưỡng lợi”, vừa bán vũ khí tấn công cho TC, vừa bán vũ khí phòng thủ cho các nước thuộc khối ASEAN tự bảo vệ lãnh thổ của mình, trước mối đe dọa của Bắc Kinh.
Đến nay, các loại vũ khí hiện đại từ lò Moscow như chiến đấu cơ Sukhoi Su-30, tàu ngầm Kilo, tên lửa Klub…đang tiếp tục có mặt tại các nước ĐNA như chiến đấu cơ Sukhoi cho Indonesia và Malaysia. Hồi tháng 2/2016, truyền thông Thái Lan đang thương lượng mua thêm trực thăng Mi-17V5, phiên bản hiện đại nhất của dòng Mi-17 và xe tăng T-90. Nga đã cung cấp 90% vũ khí nhập cảng của VN bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo, 6 tàu hộ tống tên lửa Gepard, 6 tàu tên lửa lớp Tarantul (Molnyia, đóng tại VN), 6 tàu tuần tra lớp Svetlyak, 32 máy bay chiến đấu Su-30 và các hệ thống tên lửa phòng không…

KẾT LUẬN:
Nếu chiến tranh quân sự bùng nổ trên Biển Đông giữa Mỹ và Tàu Cộng, Tập Cận Bình trúng kế “tá đao sát nhân” của Putin. Putin mượn tay Hoa Kỳ & đồng minh Nhật Bản – Ấn Độ – Australia…tiêu diệt TC mối hiểm họa tiềm tàng dùm cho Nga, Putin chỉ ủng hộ Bắc Kinh bằng “hỏa lực mồm”.
Mới đây ngày 25/4/2016, Bộ trưởng BQP Nga Sergei Shoigu nói, Nga xem VN là một “đồng minh chiến lược” và “đối tác chủ chốt” về củng cố an ninh ở khu vực châu Á-TBD. Ông Shoigu đã phát biểu như vậy khi tiếp Bộ trưởng BQP Việt Nam Ngô Xuân Lịch mới được bổ nhiệm. Bộ trưởng Shoigu nói:“Chúng tôi coi đất nước các bạn là một đồng minh chiến lược, một người bạn lâu dài và đáng tin cậy. Việt Nam là đối tác chủ chốt của chúng tôi trong việc bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á-TBD”.
Rõ ràng, đây là một thông điệp sắc bén nặng kí của Nga gởi tới Bắc Kinh: “Chớ đụng tới Việt Nam!”. Nếu PLA tấn công VN, Nga sẽ can thiệp bằng vũ lực quân sự. Về mặt chiến lược, Việt Nam đối với Nga vô cùng quan trọng. Nếu như kịch bản PLA tấn công vùng Viễn Đông và Siberia của Nga xảy ra, thì Moscow sẽ muợn VN làm bàn đạp mở một dùi tấn công vào lãnh thổ TC từ phía Nam, để giải tỏa áp lực quân sự tại chiến trường vùng Viễn Đông và Siberia. Hiện nay, Nga đang tổ chức thành lập và kiện toàn cầu không vận bằng nhiều phi cơ vận tải khổng lồ Antonov 124 để chuyển vận nhanh chóng binh sĩ, trang thiết bị quân sự để tăng viện cho chiến trường vùng Viễn Đông Vladivostok, Khabarovsk, vùng Primorsky, Siberia…nếu vùng này xảy ra chiến sự với PLA. Chắc chắn, những người lãnh đạo ở Điện Kremlin chưa quên bài học xương máu 47 năm trước. TT Putin dùng chiêu “tá đao sát nhân” với Tập Cận Bình để điều chỉnh những sai lầm chiến lược của mình. Chứng tỏ bản lãnh của Putin là một tay chơi có đẳng cấp quốc tế…

       NGUYỄN VĨNH LONG HỒ 

Không có nhận xét nào: