Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km về Tây Nam, tọa lạc trên ngọn đồi Thiên An, từ lâu hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) đã trở thành điểm đến lý tưởng của người dân và du khách mỗi khi đến Huế. Để thúc đẩy du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách và tạo việc làm cho người dân địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên có diện tích 49,9 ha với nhiều hạng mục hoành tráng như: Thủy Cung, phòng chơi thế giới ảo, công viên nước, du thuyền trên hồ, sân khấu nhạc nước, nhà hàng…
Khu du lịch hồ Thủy Tiên được Công ty du lịch cố đô Huế làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng đầu năm 2000 và đến tháng 6/2004 thì nhiều hạng mục được hoàn thành và bắt đầu đưa vào khai thác. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả nên cuối năm 2011, khu du lịch này bị đóng cửa để nghiên cứu lập dự án mới. Khung cảnh hoang tàn bên trong công viên nước hồ Thủy Tiên - (Thực hiện: Tam Xuân)
Hồ Thủy Tiên (thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) rộng 49ha, được bao quanh bởi những đồi thông.
Được đầu tư với tổng số vốn lên tới 74 tỷ đồng bao gồm hệ thống công viên nước, thủy cung, du thuyền trên hồ, sân khấu nhạc nước hoành tráng với khán đài có sức chứa 2.500 chỗ ngồi, khu nhà hàng sang trọng...Đến tháng 10/2014, khu du lịch này đã được bán lại cho Công ty TNHH Tập đoàn thương mại đầu tư xây dựng HACO Huế. Sau khi tiếp nhận dự án, đơn vị này đã lên kế hoạch xây dựng hồ Thủy Tiên lại thành khu du lịch sinh thái cao cấp với diện tích 63,38ha bao gồm trung tâm hội nghị, dịch vụ spa, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng lưu trú, biểu diễn nghệ thuật, TDTT, vui chơi giải trí và cắm trại ngoài trời.
Tuy nhiên, nhiều hạng mục đến nay vẫn còn đang xây dựng dang dở và dần bị hoang tàn đến mức khó tin. Các khu vui chơi giờ đã không còn một bóng dáng nhân viên phục vụ. Các lối dẫn vào khu du lịch, cỏ mọc um tùm. Khu vực xung quanh hồ Thủy Tiên có hàng chục tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp nhưng vì không có người bảo quản nên nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bị biến dạng, có tượng còn bị viết vẽ bậy làm mất thẩm mỹ. Ngay cả cánh cổng phía trước lối vào khu du lịch cũng đã bị rỉ sét, hư hỏng nặng.
Khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên từng được kỳ vọng là một khu du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, bây giờ nó đã trở thành những đống hoang phế.
Các công trình bạc tỷ sau thời gian dài bị bỏ hoang đã bị hư hỏng nặng nề. Bên trong các căn nhà bụi bặm bám đầy, nhiều trần nhà, tủ điện bị bong tróc rất nguy hiểm.
Khu nhà thủy cung bị bỏ hoang, các mảnh kính vỡ nằm la liệt khắp nơi, không những thế trần nhà thủy cung cũng vỡ toang hoác.
Mọi thứ bừa bộn và trở nên cũ kỹ
Một khung cảnh tiêu điều, có phần rùng rợn bên trong ngôi nhà hình rồng.
Bên trong khu du lịch bạc tỷ này, tất cả các hạng mục vui chơi, giải trí đều đã ngưng hoạt động từ lâu và ngày càng hư hỏng trầm trọng. Khu nhà thủy cung hình rồng rêu phong phủ kín, trần nhà vỡ toang hoác thành từng mảnh lớn, lộ cả phần sắt thép và dây điện ra ngoài. Các hồ gương chứa cá bị bể văng tung tóe khắp nơi. Bên trong thủy cung có một khu vực nuôi cá sấu nhưng đến nay cá sấu đã chết và bốc mùi hôi thối.
Khu vực thủy cung không xa là công viên nước hoành tráng nhưng cũng bị bỏ hoang từ lâu. Hệ thống máng trượt bị rong rêu phủ kín, khu vực hồ bơi đục ngầu vì đầy rác bẩn. Bên cạnh là bốn ngôi biệt thự đang xây dựng dang dở bị bỏ hoang giờ chỉ còn trơ khung.
Khu vực dẫn vào thủy cung bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm nhìn rất đáng sợ
Tại khu tham quan cá sấu, hàng rào chắn đã bị phá tan hoang, những con cá sấu chết từ lâu bốc mùi hôi thối
Lối đi vào u ám
Nằm cách khu nhà rồng không xa là khu công viên nước cũng bị bỏ hoang giữa những bụi cây um tùm.
Những máng trượt phủ đầy rong rêu, lá cây và rác xuất hiện khắp nơi
Khu vực hồ bơi đã bị đóng đầy rong, nước đục ngầu và đầy rác.
Đặc biệt, ở khu vực biểu diễn nhạc nước, sân khấu bị rong rêu phủ kín, khán đài hoành tráng với sức chứa 2.500 chỗ ngồi giờ chỉ còn là những hàng ghế phủ kín cỏ dại. Không chỉ vậy, khuôn viên của khu du lịch bị biến thành bãi chăn thả bò của người dân.
Được biết, trước đây hồ Thủy Tiên là địa điểm lý tưởng để học sinh các trường trên địa bàn TP Huế thường xuyên tổ chức các cuộc dã ngoại, cắm trại. Đặc biệt, khu vực đồi Thiên An được xem là “Đà Lạt của xứ Huế”.
Bị bỏ hoang từ lâu nhưng nếu ai muốn vào tham quan hồ Thủy Tiên thì phải đưa cho bảo vệ cổng ở đây mỗi người 10.000 đồng.
Bốn cây cầu nằm ở bốn hướng dẫn vào mô hình rồng ở Hồ Thủy Tiên đã xuất hiện nhiều vết nứt, xi măng bị bong tróc
Nơi đây từng được kỳ vọng là chốn “bồng lai tiên cảnh” tạo điểm nhấn du lịch cho TP Huế.
Trao đổi với PV, ông Phan Thiên Định, Phó giám đốc Sở kế hoạch – đầu tư Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện cơ quan này đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên. Nếu được đầu tư đúng cách thì khu du lịch hồ Thủy Tiên sẽ là điểm đến hấp dẫn với mọi du khách.
“Trước đây dự án này giao cho một doanh nghiệp nhà nước làm, sau đó tỉnh đã ký chuyển giao toàn bộ dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên cho Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng Haco - Hà Nội (Công ty Đầu tư Xây dựng Haco) thành lập Công ty TNHH Haco Huế để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên do không thu hút được khách nên từ đó đến nay khu du lịch sinh thái này đã dần bị bỏ hoang. Thời gian qua, UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức cuộc họp với các ban sở ngành liên quan, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đến nguồn vốn đầu tư để đưa ra biện pháp xử lý, chấn chỉnh lại dự án này và thu hồi lại đất để kêu gọi nhà đầu tư khác”, ông Định nói.
Ông Định cũng cho biết thêm, hiện các cơ quan ban ngành của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm việc với 3 ngân hàng liên quan đến nguồn vốn đầu tư tại dự án này và các ngân hàng này đã đồng ý hỗ trợ chính sách tạo điều kiện thuận lợi khi có nhà đầu tư mới vào đầu tư và nhận lại số nợ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét