Theo chuyên gia về cà phê: Thực trạng cà phê bẩn tại Việt Nam đang ở mức báo động, thậm chí, không cần một hạt cà phê nào vẫn có thể pha chế ra cà phê.<!>
Có thể “hô biến” hóa chất thành…cà phê
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH 1 TV cà phê Thắng Lợi, người đã có thâm niên 40 năm trong ngành sản xuất cà phê, đã chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam rằng: Cách đây không lâu, ông đã họp với Hiệp hội cà phê Việt Nam, trực tiếp ngồi với Chủ tịch Hiệp hội để giãi bày về những trăn trở, nhức nhối về thực trạng cà phê bẩn hiện nay trên thị trường.
Clip: Phát hiện chấn động cafe 'làm từ phản ứng hóa học', không có caffeine
“Công ty chúng tôi đã đi trước một bước, sản xuất cà phê an toàn từ cách đây 15 năm, từ năm 1902 cho tới nay. Tôi xác định dứt khoát sau này, người dân Việt Nam cần được dùng loại cà phê an toàn như thế, chứ không phải loại cà phê làm từ hương liệu” – ông Thái nói.
Theo ông Thái, trước đây, thời bao cấp, các chính sách “ngăn sông cấm chợ”, không cho hàng hóa lưu thông dẫn tới hiện tượng người dân buộc phải uống thứ cà phê “dởm” được chế xuất từ hương liệu mua đầy ở chợ Kim Biên (Tp.HCM).
“Để pha chế cà phê, ra chợ Kim Biên, bạn muốn mua hương liệu gì, hóa chất gì cũng có… Hóa chất trong đó có cafein, chất tạo keo, chất tạo bọt, tạo đắng, tạo sánh… Thậm chí, không cần một hạt cà phê nào, người ta vẫn làm ra cà phê để uống bình thường. Sau này, để pha trộn cà phê, người ta còn rang bắp, rang đậu tương trộn vào…” – ông Thái vạch trần những “chiêu trò” làm cà phê bẩn.
Vị Giám đốc này cũng khẳng định: Thứ cà phê được chế từ hóa chất hay hương liệu đó rất độc hại, nếu người tiêu dùng cứ tiếp tục uống, nguy cơ ung thư sẽ rất cao.
Ngoài ra, một số nhà máy sử dụng cà phê lượm gốc (tức cà phê phế) để sản xuất cà phê hòa tan. Loại cà phê này cũng không tốt cho sức khỏe người dùng bởi vì những hạt cà phê đó nằm dưới gốc cây lâu ngày, cộng với việc các hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tưới cho cây cà phê, thuốc từ lá, thân cây sẽ rơi xuống gốc, hạt cà phê nhặt dưới gốc cây theo đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cà phê, gây ra sự độc hại nhất định.
Các loại cà phê hương liệu được bán đầy ở chợ Kim Biên. Ảnh: Internet.
“Chúng ta cần tỉnh ngộ, phải làm cà phê sạch, phải đi mua cà phê nguyên chất về để rang xay cung cấp ra thị trường, chứ không được sử dụng cà phê hương liệu” – ông Thái nhấn mạnh.
Ông cũng khuyên người dùng hãy tự bảo vệ chính mình bằng cách: Mỗi lần đi uống cà phê nên tìm quán có thương hiệu, có biển báo “cà phê an toàn” – đó là những quán có giấy chứng nhận của công ty bảo vệ thực vật để đảm bảo cà phê không sử dụng thuốc sâu, có giấy chứng nhận của các tổ chức thế giới về độ an toàn cũng như chất lượng…
Báo động thực trạng cà phê bẩn trên thị trường
Nhận xét về thực trạng cà phê bẩn ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP Tập đoàn Thái Hòa, chủ nhãn hiệu cà phê Thái Hòa đã phải thốt lên: Cà phê bẩn trên thị trường hiện nay đang ở mức báo động nguy hiểm.
Ông An cho biết: “Tất cả những vị như chua (dòng cà phê Arabica), đắng (dòng Robusta), chát (dòng Excelsa), bản thân trong cà phê đã có rồi nhưng thay vì trộn các dòng cà phê vào với nhau thì người ta lại “cải lương” đi, không “chế” từ cà phê mà đưa vị khác vào. Trong đó, có một số hóa chất độc hại có thể gây ung thư như chất tạo bọt, tạo đắng, tạo sánh…”.
Ông lấy ví dụ: Lẽ ra đưa cà phê mít Excelsa vào để tăng vị chát thì dân Việt Nam lại cho nhân cau vào để chế biến thành cà phê “bẩn”. Trong khi đó, nhân cau lại là chất gây nghiện, tạo kích thích mà tính phấn khích cao, chính vì vậy, tập quán từ xưa, những người dân ăn trầu cau thường “nghiện”.
Các hóa chất được dùng để "chế" cà phê bẩn. Ảnh: P.Ngọc.
“Vừa rồi, tổ chức y tế thế giới WHO đã phân tích 108 đồ ăn thức uống gây ung thư, trong đó có nhân cau là một chất gây ung thư đứng hàng thứ 16. Người Đài Loan đã khuyến cáo chặt bỏ cây cau không cho dân trồng nữa. Mặc dù vậy, việc dùng nhân cau trong pha chế cà phê vẫn rất phổ biến” – ông An lưu ý.
Trong buổi tọa đàm “Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp” tổ chức hồi tháng 7/2016 mới đây, ông Nguyễn Tiến Đạt, trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cũng đã cho rằng: Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là việc sử dụng hóa chất hay phụ gia trái phép trong sản xuất cà phê. Các đối tượng này thường sử dụng các loại hóa chất có giá rẻ, hóa chất không được phép sử dụng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Còn ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) thì nhấn mạnh: Những sản phẩm cà phê kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được cung cấp cho người tiêu dùng hằng ngày không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của cà phê VN.
Thiết nghĩ đã đến lúc: Người tiêu dùng phải được cung cấp những ly cà phê không những ngon mà phải sạch, đúng chất cà phê Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét