Dây chuyền đưa gạo từ dưới ghe lên bờ. Ảnh: Hòa Hội
TPO - “Việt Nam có trên 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, còn Campuchia chỉ có 5 năm nhưng gạo Campuchia đã có mặt ở 53 quốc gia và vào thị trường khó tính như Mỹ và EU. Trong khi đó, Việt Nam chỉ quanh quẩn với 10 thị trường ở các nước có thu nhập trung bình và thấp”.
<!>
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tại Hội thảo Quốc gia về cây trồng diễn ra tại Cần Thơ vào sáng nay.
Sáng 11/8, tại thành phố Cần Thơ, diễn ra hội thảo Quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ hai với chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu” do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp UBND thành phố Cần Thơ tổ chức. Hội thảo thu hút gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp, nhà khoa học và đại biểu quốc tế tham dự.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sản xuất lúa gạo mang ý nghĩa kinh tế và xã hội to lớn, góp phần ổn định chính trị và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả sản xuất, xuất khẩu… thì cần nhìn lại một cách toàn diện. Hơn nữa, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá sản xuất lúa gạo nói riêng và các nông sản nói chung bằng các giá trị trên một đơn vị diện tích thay vì quy mô, số lượng như hiện nay.
Theo ông Bộ, hiện nay Việt Nam xuất khẩu quanh 7 triệu tấn gạo/năm, song chi phí và hiệu quả thực sự của con số này vẫn chưa được tính toán. Còn theo thống kê của FAO, thương mại gạo toàn cầu giữ ổn định ở mức 40 – 42 triệu tấn và khó tăng thêm. Ngoài ra, nhìn vào các nước xuất khẩu thì họ ưu tiên cho xuất khẩu gạo chất lượng cao. Do vậy giá gạo cùng loại của Việt Nam luôn thấp hơn các nước. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 44 USD và 163USD/tấn.
Ông Bộ cho rằng, cần phải thay đổi tư duy số lượng sang tư duy chất lượng, hiệu quả. Hơn nữa, chúng ta không thể và không nên so sánh với Thái Lan, nước có kinh nghiệm lâu đời mà hãy nhìn sang Campuchia, một nước tham gia thị trường xuất khẩu gạo muộn nhưng đã ưu tiên ngay cho sản xuất gạo phục vụ đa dạng hóa thị trường với trên 44% lượng gạo chất lượng cao.
“Mặc dù Việt Nam có trên 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo còn Campuchia chỉ có 5 năm nhưng gạo Campuchia đã có mặt ở 53 quốc gia và vào thị trường khó tính như Mỹ và EU. Trong khi đó, Việt Nam chỉ quanh quẩn với 10 thị trường ở các nước có thu nhập trung bình và thấp ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh”, ông Bộ nói.
Theo ông Bộ, Campuchia còn có các loại gạo đặc sản như: Phka Malis hay Phka Romdoul được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới, với giá bán hàng ngàn đô. Ngoài ra, họ cũng có 8 thương hiệu gạo được đăng ký.
Song song đó, ông Bộ còn chỉ ra rằng, nghịch lý của ngành lúa gạo Việt Nam là luôn đứng trong top 2 – 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo với thị phần toàn cầu gần 20%. Tuy nhiên, chỉ số an ninh lương thực lại đứng sau Singapore, Malaysia và Brunei, các nước gần như phải nhập khẩu gạo hoàn toàn. Điều này cho thấy, an ninh lương thực của chúng ta chỉ đạt cấp quốc gia (tính theo trung bình đầu người) mà chưa có an ninh lương thực cấp hộ gia đình, bởi theo tiêu chí của FAO thì nhiều người chưa tiếp cận được lương thực hoặc không có tiền để mua lương thực.
Như vậy, bài toán an ninh lương thực của các nước là dựa trên quy luật của lợi thế so sánh. Họ sản xuất những ngành hàng có thu nhập cao hơn, ít rủi ro hơn và sẵn sàng nhập khẩu gạo.
“Tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà người dân sản xuất lúa gạo lại thuộc loại nghèo nhất thì cũng chẳng vinh quang gì”, ông Bộ bộc bạch.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp. Vì thế, cần phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa cho sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đồng thời, Thứ trưởng cũng định hướng, chọn các giống cây trồng chất lượng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt là tháo điểm “nghẽn” ở khâu tổ chức sản xuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét