Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Người Sài Gòn ngồi quán

Người Sài Gòn ngồi quán
Có thể nói không ngoa, ngồi quán là phong cách sống của người Sài Gòn. Bất kể nguồn gốc xuất xứ từ đâu đến, dù giàu dù nghèo, đã là người Sài Gòn thì hầu như không thể không ngồi quán
<!>
Quán cà phê, quán nhậu là nơi người Sài Gòn gặp gỡ bạn bè, trao đổi công việc với đối tác làm ăn, nhâm nhi ly cà phê, ly bia xả stress hoặc chỉ để ngồi quán!
Ngồi quán không chỉ để ăn uống
Ở Sài Gòn đâu cũng thấy quán. Quán cà phê, quán ăn, quán nhậu. Tôi có ông bạn người Hà Nội chính gốc, cán bộ phòng giáo dục một huyện ngoại thành Hà Nội, nhân nghỉ hè vào Sài Gòn chơi. Tôi đến khách sạn đón anh đi ăn sáng, uống cà phê. Sáng Chủ nhật, ngồi quán cà phê trên đường Hoàng Sa, quận 3. Đây là quán “cà phê sách”, nơi tụ tập nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên, tôi phải liên tục đưa tay chào bạn bè. Anh bạn người Hà Nội hỏi sao ông quen biết bạn bè đông thế. Tôi nói vu vơ: “Ở một nơi ai cũng quen nhau” – tên một truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, bạn tôi đã mất.
Ăn sáng xong anh muốn đi thăm một người cháu ở Thủ Đức. Tôi bảo để tôi làm xe ôm cho, đừng ngại. Thằng cháu anh tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội nhưng đã vào Sài Gòn làm việc bảy, tám năm nay. Chủ nhật, thằng cháu nghỉ làm. Nó mời anh và tôi ra một quán nhậu khá rộng rãi trên đường Hoàng Diệu 2, làm cái lẩu thay cơm trưa và lai rai mấy chai. Nó bảo chú vào Sài Gòn thì uống bia Sài Gòn nhé. Saigon Special ngon lắm.
Buổi trưa nhưng quán khá đông khách. Cậu cháu xin phép bưng ly đi chào, cụng ly bạn bè ở mấy bàn khác. Nhìn cách giao tiếp, ăn uống của thằng cháu, anh bạn tôi bảo “nó Sài Gòn hóa” rồi ông ạ! Tôi cười đã ở Sài Gòn cả bảy, tám năm thì là thành người Sài Gòn là phải rồi.
Gần chiều, tôi mời hai chú cháu về nhà chơi cho biết. Đến nhà anh hỏi thăm xã giao vợ tôi vài ba câu là tôi kéo anh ra quán nghêu sò ốc hến đầu đường. Anh bạn Hà Nội bảo ở ngoài ấy, có khách quý đến nhà là làm cơm, mua rượu về nhà đãi, không như người Sài Gòn các ông cứ ra quán tốn kém. Tôi cười, không ngồi quán đâu phải người Sài Gòn!
Một phong cách Sài Gòn
Nhiều người từ các nơi khác mới đến Sài Gòn một vài lần đầu sẽ rất ngạc nhiên khi thấy chỗ nào cũng có quán. Và giờ nào cũng có người ngồi quán. Không hiểu người ta làm gì, nói gì ở quán cả sáng trưa chiều tối. Bà hàng xóm, vợ một cán bộ người miền Trung vào công tác rồi mua nhà ở Sài Gòn, có lần hỏi tôi như thế. Ông bà vào ở Sài Gòn đã hơn 10 năm. Ban đầu ông chồng khá nghiêm túc, kiểu sáng vác ô đi tối xách ô về. Nhưng một thời gian sau, ông cứ về trễ dần với lý do có hôm là họp cơ quan, bữa thì tiễn đồng nghiệp chuyển công tác, khi khác tiếp khách với thủ trưởng… Bà nghi ngờ ông có bồ nhí gì đây và âm thầm theo dõi. Thì ra ông chỉ ngồi lai rai với đám bạn Sài Gòn thôi, chẳng có em út gì cả. Bà bảo chồng sao ông không nói thiệt, bày đặt họp hành này nọ. Ông cười: Làm chung cơ quan với người Sài Gòn mà không ngồi với anh em thì ai chơi với mình.
Mấy chuyện kể trên chỉ nói đến những người mới nhập cư Sài Gòn trên dưới 10 năm, còn những người ở Sài Gòn lâu năm thì khỏi nói. Nếu như những người có công việc theo giờ giấc, buổi sáng chỉ tạt vào quán uống ly cà phê trước khi đi làm thì nhiều người làm nghề tự do, họ hẹn nhau trao đổi công việc ở quán. Cả nhiều người không có việc gì thì ngồi quán là cái thú. Có khá tiền thì ngồi quán sang một chút, không thì ngồi quán bình dân vỉa hè, buổi sáng nhâm nhi ly cà phê mà nhiều khi cà phê chỉ là bắp rang pha đậu nành rang thêm chút hương liệu cà phê mua ở “chợ tử thần” Kim Biên! Cũng chẳng sao! Miễn là được ngồi quán. Một nét văn hóa của người Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: