Ở Mỹ, cứ 4 năm một lần, người dân lại có dịp đi bầu tổng thống, người cầm quyền cai trị nước Mỹ và có nhiều ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới. Năm nay, ngày bầu cử tổng thống sẽ là ngày thứ 3, mùng 8, tháng 11, năm 2016. Mặc dù là một nước dân chủ, đa đảng, nhưng thực ra chỉ có hai đảng đã chi phối toàn diện nền cai trị quốc gia, đó là đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa. Lần này, bà Hillary Clinton sẽ thay mặt đảng Dân Chủ để ra tranh cử với ông Donald Trump, người đại diện cho đảng Cộng Hòa.
<!>
Bà Hillary Clinton thắng kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ là chuyện bình thường, dễ hiểu, vì bà từng là một chính trị gia từ mấy chục năm nay. Bà là một luật sư và là vợ của ông cựu Tổng Thống Bill Clinton, người đã mang sự thịnh vượng cho Hoa Kỳ, để lại một ngân sách quốc gia thặng dư; trong khi người kế vị ông là George W. Bush của đảng Cộng Hòa chỉ để lại cho quốc gia một sự thoái trào kinh tế lớn, một ngân sách quốc gia thâm thủng nặng, và ít nhất hai cuộc chiến chưa kết thúc. Bà Clinton cũng đã từng là Nghị Sĩ liên bang thay mặt cho tiểu bang New York và còn là Bộ Trưởng bộ Ngoại Giao, một bộ quan trọng nhất trong tất cả các bộ
Còn ông Donald Trump thì sao? Suốt cuộc đời ông chưa bao giờ giữ một chức vụ dân cử nào. Ông chỉ là một nhà đầu tư địa ốc nhờ số vốn gia tài của cha mẹ ông để lại. Ông đã từng có 3 đời vợ và khai phá sản 4 lần. Sau khi đã có vợ con, ông vẫn cứ mèo mỡ công khai, rồi cuối cùng phải chi cho vợ một số tiền rất lớn để được lấy bà vợ khác. Ông là một tay chơi “playboy” cự phách và thường hay tổ chức các “shows” giải trí (entertainer). Khi tuyên bố ra ứng cử, ông đã khẳng định chỉ ra chơi cho vui. Rồi khi thắng cử vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa và sau khi có những con số thống kê thăm dò cho biết số người sẽ bỏ phiếu cho ông đang tuột dốc, ông lại tuyên bố nếu ông thua ở kỳ bầu cử phổ thông đầu phiếu này, ông sẽ đi nghĩ hè dài hạn, vui chơi thoải mái, làm như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Những lời tuyên bố của dân chơi thứ thiệt, mang tính đường phố, vô trách nhiệm, và còn văng tục, kỳ thị, xúc phạm tới đàn bà và các dân tộc thiểu số khác thì đầy dẫy trong những lần ông nói chuyện. Vậy tại sao ông lại thắng lớn ở lần bầu cử sơ bộ, vượt xa tất cả 16 ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa, những kẻ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và còn có đàng sau cả một đám tư bản tài phiệt bảo trợ? Một kẻ chưa bao giờ chu toàn được công việc “tề gia” thì làm sao người ta lại kỳ vọng ông Trump có khả năng “trị quốc, bình thiên hạ”?
Có lẽ câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi trên là vì đảng Cộng Hòa đang dẫy chết. Thực vậy, đó là lời khẳng định của ông Avik Roy, Biên Tập Viên của tờ Forbes, và cũng đã từng làm công việc cổ động cho 3 cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa: Mitt Romney, Rick Perry, và Marco Rubio. (Nguồn: A Republican intellectual explains why the Republican Party is going to die)
A. Hai yếu tính của đảng Cộng Hòa: bảo thủ và kỳ thị
Getty Images/William Lovelace/Daily Express/Hulton Archive Barry Goldwater.
Yếu tính căn bản đầu tiên của đảng Cộng Hòa là một chủ nghĩa bảo thủ cực đoan do ông William F. Buckley xây dựng năm 1955 bằng việc sáng lập tờ National Review. Chủ nghĩa bảo thủ đó chú tâm một thị trường tự do, một chính sách xã hội rất bảo thủ, chỉ biết ôm ấp, cố gắng giữ cái quá khứ, và một chính sách đối ngoại thật mạnh mẽ, sẳn sàng gây chiến tranh bất cứ vì lý do gì. Và cái yếu tính thứ hai, mặc dù đến sau nhưng đã lấn lướt cái yếu tính thứ nhất, đó là sự kỳ thị: kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, và kỳ thị giới tính.
Ở đời, việc gì cũng có nguyên nhân và hậu quả. Theo Avik Roy, cái nguyên nhân đưa đến việc đảng Cộng Hòa đang dẫy chết bắt đầu kể từ năm 1964 khi đảng Cộng Hòa chọn Barry Goldwater làm ứng cử viên tổng thống. Mặc dù ông Goldwater đã thất cử ở năm đó, nhưng chính ông đã xao lãng những lý tưởng bảo thủ mà đảng Cộng Hòa đã cố công theo đuổi. Thay vào đó, ông Goldwater chỉ chú tâm vào việc xây dựng một chủ nghĩa dân tộc của người da trắng (white nationalism) và đã phát triễn mạnh ở thời Ronald Reagan năm 1980. Thực vậy, từ một đảng đại diện cho những lý tưởng bảo thủ, đảng Cộng Hòa đang biến chuyển dần dần để trở thành một đảng của những người da trắng ngạo mạn, ngông cuồng, hách dịch, và kỳ thị (white supremacist). Goldwater và đảng Cộng Hòa đã chống lại đạo luật về dân quyền năm 1964 (Civil Rights Act 1964). Ông lý luận dựa trên nguyên tắc của một thị trường hoàn toàn tự do mậu dịch rồi cho rằng một chính quyền liên bang bắt buộc các công ty tư nhân không được theo đuổi các chính sách có tính kỳ thị là một sự sai lầm lớn. Từ đó, dưới con mắt nhận xét của quần chúng, người ta đã nhận ra đảng Cộng Hòa là đảng theo đuổi sự kỳ thị; còn đảng Dân Chủ dưới thời Lyndon Johnson tự nhiên biến thành những nhà vô địch chống lại sự kỳ thị. Avik Roy cho biết việc này mang đến hai hậu quả. Thứ nhất, nó làm những người da đen rời bỏ đảng Cộng Hòa. Thứ hai, nó mời gọi người da trắng rời bỏ đảng Dân Chủ để chạy sang đảng Cộng Hòa. Kể từ sau Goldwater, đảng Cộng Hòa đã trở thành đảng của những người da trắng, phần đông nằm ở các tiểu bang phía Nam, đã từng chống đối đạo luật Dân Quyền 1964, chuyên bất mãn và càm ràm với bất cứ một sự thay đổi nào do đảng Dân Chủ đề ra đến nỗi người ta còn gọi họ là đảng “party of no”, một đảng chỉ biết chống phá. Tâm điểm thu hút của đảng Cộng Hòa là một chủ nghĩa dân tộc của người da trắng.
Chúng ta hãy nhìn những gì mà đảng Cộng Hòa đã và đang theo đuổi trong suốt mấy chục năm qua thì sẽ rõ hơn. Những đạo luật của các tiểu bang chuyên bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa thường mang tính kỳ thị đã bị các tòa Thượng Thẩm hoặc Tối Cao Pháp Viện bãi bỏ vì cho là vi hiến. Chẳng hạn, luật đặt ra những điều lệ khó khăn để làm đóng cửa những nhà thương giúp đỡ người đàn bà phá thai, một việc làm hoàn toàn hợp pháp do phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Roe v. Wade từ năm 1973; luật kỳ thị những người đồng tính luyến ái, không cho họ được tự do kết hôn; hoặc luật cho phép các nhà hàng từ chối tổ chức đám cưới cho những người đồng tính với lý do vì niềm tin tôn giáo…
Chỉ mới vài tháng nay, một dự luật do Dân Biểu Sean Patrick Maloney của đảng Dân Chủ đưa ra bắt buộc các công ty nhận tiền của chính phủ liên bang không được kỳ thị những kẻ đồng tính dựa trên lý do niềm tin tôn giáo thì cũng vừa bị đảng Cộng Hòa bác bỏ ngày 19 tháng 5 năm 2016 bằng số phiếu 212 – 213. Tất cả 213 dân biểu chống đối này đều thuộc đảng Cộng Hòa. (Nguồn: Meanwhile In The U.S. Congress: "Chaos And Shouting" After LGBT Measure Fails To Pass).
Một cuộc nghiên cứu của cơ quan bất vụ lợi, National Partnership for Women & Families, đã tìm thấy có 251 dự luật hay luật của 37 tiểu bang hạn chế phá thai đã được đặt trên sự gian dối khi trình bày về cách thức phá thai và về các bác sĩ làm công việc phá thai, hoặc khi phỏng đoán lý do tại sao người đàn bà muốn phá thai, hoặc đặt trên cả hai. (Nguồn: The Majority Of All State Abortion Bills Are Based On Lies, Report Finds).
Sơ Joan Chittister - nữ tu dòng Benedict (O.S.B., Order of Saint Benedict)
Chỉ bằng một câu nói đơn giản, sơ Joan Chittister, O.S.B. đã tóm tắt được tính đạo đức giả của phong trào đòi quyền sống như sau:
“Tôi không tin rằng chỉ vì bạn chống việc phá thai thì bạn trở thành người đòi quyền sống. Tôi nghĩ, trong nhiều trường hợp, bạn thiếu đạo đức nếu tất cả chỉ vì bạn muốn đứa trẻ được sinh ra chứ chẳng phải đứa trẻ được nuôi ăn, được giáo dục, và được có gia đình. Và tại sao tôi lại nghĩ bạn không có đạo đức? Bởi vì bạn không muốn bất cứ tiền thuế nào rơi rớt vào chỗ đó. Đó chẳng phải là đòi quyền sống. Đó là đòi quyền đẻ. Chúng ta cần có sự trao đổi rộng rãi hơn về thế nào là đạo đức luân lý của phong trào đòi quyền sống.”
Câu nói này áp dụng rất đúng cho những nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa và những kẻ cực đoan chống phá phong trào đòi sự tự do chọn lựa. Họ là những kẻ tiếp tục đòi đem luật của người thù ghét đàn bà (misogynist laws) để hạn chế quyền sinh sản của người đàn bà. Cùng lúc, đảng Cộng Hòa lại nổ lực đóng cửa những nhà thương đàn bà (shut down women's health clinics,) để đặc biệt nhắm vào việc trả thù nhóm ủng hộ cho việc làm cha mẹ có hoạch định trước (Planned Parenthood (#StandWithPP).) Bạn chẳng có nghe ai nói những kẻ cực đoan thuộc cánh hữu này nhận nuôi những đứa trẻ từ những cuộc thụ thai không có kế hoạch. Nhưng bạn lại nghe họ cắt giảm những chương trình của chính phủ, chẳng hạn chương trình trả tiền cơm nước cho các em học sinh (school lunches for children), cắt giảm sự giúp đở của chính phủ về tài chánh và về chăm sóc sức khỏe cho những người vô gia cư hoặc cần sự giúp đở, và ngăn chận chương trình giáo dục miễn phí ở trường cao đẳng. Không, mục đích của những kẻ giả hình này có vẻ như để kiểm soát hơn về thân xác và tương lai của những người đàn bà. Thật là tốt khi nghe sơ Chittister thuộc dòng Benêđictô xác định rất hay về lối nói giả dối hai mặt của đảng Cộng Hòa. (Nguồn: Tính Đạo Đức Giả của Phong Trào Đòi Quyền Sống).
B. Vấn đề thuộc Nhân Khẩu Học
Hoa Kỳ là một quốc gia còn được gọi là Hiệp Chủng Quốc, nghĩa là có đủ mọi giống dân pha trộn để làm nên đất nước này. Nhưng giống dân đông nhất và mạnh nhất từ xưa nay vẫn là giống dân da trắng Caucasian đến từ Âu Châu. Giống dân này hầu hết đều theo đạo Tin Lành, bao gồm 3 nhánh Tin Lành dòng chính: Episcopalians, United Methodists, và Presbyterians. Có một nhóm Tin Lành khác tương đối bảo thủ hơn, Tin Lành Evangelicals. Đảng Cộng Hòa chủ yếu là đảng của những người Tin Lành của 4 giáo phái chính yếu trên. Hiện nay, tổng số người Tin Lành ở Hoa Kỳ khoảng chừng 150 triệu trong tổng số 324 triệu dân. Như vậy, con số người Tin Lành ở Mỹ không còn đông như ngày xưa để có thể thao túng nền chính trị Hoa Kỳ. Họ phải thỏa hiệp với những nhóm dân thuộc các tôn giáo khác, chẳng hạn như Công Giáo, để mong thắng các cuộc bầu cử. Mặc dù vậy, quyền lợi của người da trắng thuộc sắc dân Caucasian vẫn luôn luôn được đặt lên trên tất cả.
Theo Robert P. Jones, tác giả cuốn “Nước Mỹ Của Người Thiên Chúa Giáo Da Trắng Đang Dẫy Chết” (The End of White Christian America) và cũng là sáng lập viên và đồng thời là chủ tịch Học Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Công Cộng (Public Religion Research Institute) (PRRI), thì con số những người Tin Lành làm nền tảng của đảng Cộng Hòa càng ngày càng giảm bớt dần. Tại sao?
Đồ biểu dưới đây cho chúng ta thấy dân da trắng theo TCG đã, đang, và sẽ càng ngày càng giảm bớt dần. Ở đây, Robert P. Jones giải thích thành phần người TCG da trắng (White Christians), mượn từ chữ của ông E.J. Dionne, là một thế giới chủ yếu chỉ bao gồm những người Tin Lành của 4 giáo phái Episcopalians, United Methodists, Presbyterians, và Evangelicals. Đó là những thành phần chủ chốt trong quá khứ đã nắm mọi lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, và tôn giáo ở Hoa Kỳ.
Một biếm họa vẽ Tổng Giám Mục Francesco Satolli đang thả ma quỷ vào khắp Hoa Kỳ.
Người Công Giáo không nằm trong nhóm này, họ thuộc nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau, không thuộc gốc dân Mỹ trắng Caucasian. Người Ái Nhĩ Lan Công Giáo cũng không nằm trong nhóm này, vì họ thuộc gốc dân Celts như trong giấy tờ di dân có ghi rõ. Đây cũng là lý do để giải thích Hoa Kỳ trong quá khứ đã từng có nhiều đạo luật kỳ thị người Công Giáo. Đến mãi giữa thế kỷ 20, người Tin Lành dòng chính vẫn còn xem Cộng Sản và Công Giáo là mối đe dọa như anh em sinh đôi cho nền dân chủ Hoa Kỳ.
Nhìn vào đồ biểu trên, chúng ta thấy trong nhóm già từ 65 tuổi trở lên, người TCG da trắng chiếm 67%. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ, tuổi từ 18 tới 29, người TCG da trắng chỉ chiếm 29% trên tổng số dân Hoa Kỳ. Ngược lại, người không theo tôn giáo nào chỉ có 11% ở nhóm người tuổi già, nhưng lại 34% ở nhóm người tuổi trẻ. Còn người TCG không thuộc nhóm người da trắng gốc Caucasian cũng tăng nhanh ở nhóm người trẻ là nhờ chính sách di dân và tốc độ sinh đẻ nhanh. Họ là những người Công Giáo phần đông đến từ Nam Mỹ hoặc Á Châu.
Như vậy, có một sự kiện không thể chối cãi được trưng ra ở trong biểu đồ trên, rằng số người TCG gốc dân da trắng, nòng cốt của đảng Cộng Hòa, càng ngày càng giảm dần; trong khi những người không theo tôn giáo nào và những người TCG không thuộc gốc dân da trắng, nòng cốt của đảng Dân Chủ, lại càng ngày càng tăng nhanh. (Độc giả có thể tìm hiểu thêm ở bài Cảnh Quan Tôn Giáo Ở Hoa Kỳ Đang Thay Đổi).
C. Kết luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét