Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thư Nhạc cuối Tuần: 26 - 8 - 2016 - TS Nguyễn Nam Sơn

1. Thề Không Phản Bội Quê Hương (Bản mới): Cục Chính Huấn VNCH - Gs TranNangPhung - HungThe -  NNS
<!>
2. Về Với Mẹ Cha: Nguyễn Đức Quang - Duy Khánh - Gs TranNangPhung - HungThe  - NNS
3. Người Đi Ngoài Phố: Anh Việt Thu - Như Quỳnh - Gs TranNangPhung - HungThe  - NNS
4. Như Cánh Vạt Bay: Trịnh Công Sơn - Khánh Ly - Lệ Thu - Gs TranNangPhung - HungThe -  NNS
5. Bao Giờ Anh Đưa Em Đi Chùa Hương: Song Ngọc - Trần Vấn Lệ -Ý Lan - Vũ Khanh - Gs TranNangPhung - HungThe  - NNS
6. Đêm Bơ Vơ: Duy Khánh - Như Quỳnh - Quang Lê - GsTranNangPhung - HungThe  - NNS
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. ...........................
I. Chuyện Thời sự & Xã hội Việt Nam

(i) Thái Bá Tân: Vô Lương
Trên một thảo nguyên nọ
Có bầy cừu, tiếc thay,
Chúng bị lũ chó sói
Đến quấy nhiễu đêm ngày.
      Một hôm, lũ chó sói,
      Do tranh ăn, cắn nhau.
      Mà cắn nhau dữ lắm,
      Ba con bị đứt đầu.
Và dẫu không biết khóc,
Lũ chó sói rống lên,
Thương đồng loại bị giết.
Nước mắt ngập thảo nguyên.
      Rồi quay sang chúng trách
      Bầy cừu ác, vô lương.
      Rằng kẻ ăn thịt chúng
      Chết mà không chịu thương.
Thậm chí không ít đứa
Còn nhảy lên mừng rơn.
Đúng là vô lương thật.
Hơn thế, còn vô ơn.
      Bao nhiêu năm mặc định
      Chính quyền và nhân dân
      Phải đoàn kết, gắn bó,
      Như một cuộc hôn nhân.
Trong hôn nhân, ta biết,
Quan hệ phải hai chiều.
Một bên mà lếu láo,
Thì bên kia không yêu.
      Chồng nát rượu, gái gú,
      Bị đánh, khi về nhà
      Không được phép trách vợ
      Sao không thương người ta.
Thậm chí bị bắt chết.
Thương thì cũng có thương.
Nhưng nếu vợ khinh bỉ,
Cũng là chuyện bình thường.
*
Ông bí thư, nghe nói,
Lương ba cọc ba đồng,
Có biệt thự Hà Nội
Giá tám mươi tỉ đồng.
      Ông và gã sát thủ,
      Lương chắc cũng bình thường,
      Mà có con du học
      Ở Thụy Sĩ thiên đường.
Quan xứ núi đã thế,
Quan thủ đô thì sao?
Chúng, quan của mọi xứ,
Đang hút máu đồng bào.
*
Lũ văn nô, đĩ bút
Mới là bọn bất lương.
Khóc mướn quan tham nhũng,
Lên mặt dạy dân thường.
      Biệt thự tám mươi tỉ
      Bên túp lều xác xơ
      Là bất lương tột đỉnh
      Đất nước ta bây giờ.

*** Nguyễn Quang Dy: Đằng sau tiếng súng không phải chỉ là vài mạng người.
Thường sau vụ nổ súng gây án mạng “xong rồi”, người ta mới giật mình xử lý “quyết liệt” và bình luận ồn ào, rồi sau đó đâu lại vào đấy. Bi kịch bạo lực tại Yên Bái không phải lần đầu và chắc không phải lần cuối. Đó không phải là khủng bố mà là hình sự. Nó tương tự như vụ Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng) và Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), mà chắc nhiều người đã quên. Phải chăng xã hội quá nhạy cảm với hiện tượng, nhưng lại quá vô cảm với nguyên nhân và hệ quả? Muốn ngăn chặn nó, cần hiểu đằng sau tiếng súng là gì.
Thứ nhất, nó phản ánh não trạng bạo lực và cực đoan trong xã hội ngày càng gia tăng, đến mức báo động. Người ta xử lý nhau vì “ân oán giang hồ” không phải chỉ trên đường phố hay tư gia, mà ngay trong cơ quan công quyền (Tỉnh ủy và UBND). Xã hội đã trở nên cực đoan và bạo lực toàn diện, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.  
Thứ hai, nó phản ánh mâu thuẫn nội bộ (đặc biệt là xung đột lợi ích nhóm và cá nhân) đã tới đỉnh điểm, vì tham nhũng và tranh giành quyền lực cho “chuyến tàu vét”, như ung thư giai đoạn cuối. Khi ân oán không còn lối thoát thì dùng bạo lực. Đó là quy luật (luật rừng). Vụ Dương Chí Dũng khai ra tướng Phạm Quý Ngọ (dẫn đến cái chết của tướng Ngọ) là một ví dụ. Vụ “Chân dung Quyền lực” là một ví dụ khác, về ân oán giang hồ.
Thứ ba, nó phản ánh sự bất lực của hệ thống an ninh xã hội và “bảo vệ nội bộ”, tuy dầy đặc và tốn kém, nhưng không hiệu quả. Lực lượng công an tuy khổng lồ, ngân sách an ninh không kém quốc phòng. Hệ thống tổ chức xã hội và kiểm soát “chính trị tư tưởng” chặt chẽ, từ trung ương tới các địa phương. Tuy dầy đặc nhưng vẫn bất lực.  
Thứ tư, nó phản ánh tâm trạng và thái độ bất hợp tác của dân chúng. Họ vừa bất bình đối với vấn nạn tham nhũng và cơ chế bất bất minh/bấtlực trước những nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia và môi trường sống. Họ vừa thờ ơ, vô cảm đối với những mất mát của quan chức và chính quyền. Cái hố ngăn cách giữa quan và dân ngày càng lớn.
Thứ năm, nó cảnh báo về làn ranh đỏ (red line) là giới hạn chịu đựng của một xã hội trước các vấn nạn quốc gia không được tháo gỡ, do ách tắc về hệ tư tưởng làm chậm cải cách thể chế. Nếu không cải cách hệ thống tư pháp để mọi người ứng xử theo pháp quyền (law and order), thì người ta sẽ xử lý nhau bằng luật rừng. Nếu không có luật biểu tình thì chính quyền sẽ tự do dùng bạo lực để đối phó với dân chúng. Nếu thiếu tự do dân chủ và nếu môi trường sống quá bất an thì người ta sẽ ôm tiền ra đi để định cư tại một nước khác.
Tóm lại, đằng sau vụ nổ súng giữa các quan chức cấp tỉnh tại Yên Bái đầy tính giang hồ, là một loạt lỗ hổng về thể chế, phản ánh các vấn nạn xã hội chưa được tháo gỡ. Để càng lâu càng phải trả giá cao hơn. Trước sức ép quốc gia và quốc tế hiện nay, muốn thoát Trung và thoát hiểm về kinh tế và quốc phòng, phải hội nhập kinh tế tòan cầu và an ninh khu vực.Phải cải cách thể chế và nới lỏng quyền Tự do Dân chủ. Không còn cách nào khác!

*** Cánh Cò: Những Cánh Sen Yên Bái
63 ô tô lớn nhỏ là cái nhiều người đếm được khi xem một clip đang lưu hành trên mạng quay lại đám tang của ông Đỗ Cường Minh, người được cho là nghi can đã giết chết Bí thư tỉnh ủy cùng với Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tình Ủy tỉnh Yên Bái.
5 chiếc xe đi đầu có màu đen và giống với cung cách của xã hội đen trong các phim Hongkong. Trên mui mỗi chiếc là 1 hoa sen khổng lồ màu vàng cho thấy đám tang này được tổ chức khá tốt, có điều không hiểu cái biểu tượng hoa sen này có phải do vợ của ông Minh, hay người nhà bên vợ ông Minh nghĩ ra hay không. Hoa sen đối với nhà Phật tượng trưng cho tám điều ý nghĩa liên quan mật thiết đến của con người, tám điều ấy là: Không nhiễm, tức là miễn nhiễm với cái hôi tanh nơi chúng mọc, Trừng thanh: chỗ nào có sen mọc thì nước không bao giờ đục. Kiên nhẫn. Viên dung: tượng trưng cho tính viên giác của chúng sinh, Thanh lương: sen nở vào mùa Hè tượng trưng cho lửa tam giới nhưng sen vẫn vượt qua cái nóng của tham sân si,  Hành trực: thân sen mọc lên luôn ngay thẳng, Ngẩu không: tuy thân sen ngay thẳng nhưng trong ruột lại trống không tượng trưng cho cái hồn nhiên của Phật Di Lặc và Bồng thực: ý nói hoa sen là loại thực vật khác thường khi hoa và quả cùng xuất hiện một lần.
Gia đình ông Minh không phải là Phật tử để hiểu rõ ý nghĩa thâm sâu của sen đối với nhà Phật, thế nhưng khi cho 5 hoa sen khổng lồ mở đường đám tang thì hẳn nhiên gia đình ông nhắc lại hàm ý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà dân gian luôn nhắc đến như một tấm gương soi chiếu lại giữa nhơ bẩn và sạnh sẽ. Không lẽ ông Đỗ Cường Minh sạch sẽ như sen? Chẳng ai đồng ý với ý tưởng này, ngay cả bà Phạm Thị Thanh Trà Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, người “nói tốt” cho ông Minh tới giờ phút cuối cùng cũng không dám nói ông Minh sạch sẽ, theo ngữ nghĩa của sen.
Sau khi vụ án nổi tiếng này xảy ra, cái mà người dân mong được xem nhất không phải là đám ma của hai ông “nạn nhân” mà là đám ma của ông “hung thủ”. Gọi hung thủ là ông cũng không có gì quá đáng bởi ngay sau khi vụ xả súng xảy ra chính bà Phạm Thị Thanh Trà, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Ủy viên Trung ương đảng, mở cuộc họp báo tại UBND tỉnh Yên Bái nói về diễn tiến vụ việc. Mặc dù xác định kẻ giết người là Đỗ Cường Minh nhưng bà Trà vẫn ưu ái gọi đó là một con người hiền lành, luôn chấp hành tốt các quyết định của Đảng. Nguyên văn được báo chí trích dẫn: "Ông Đỗ Cường Minh là người hiền lành, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tôi suy nghĩ rằng do một diễn biến tâm lý không làm chủ được, có dấu hiệu cực đoan nên đã hành động như vậy. Còn về tư cách của ông Minh, là một cán bộ tốt". Cuối cùng bà cho rằng vụ này xảy ra là do “cơn bão lòng” của ông Minh đối với hai cán bộ lãnh đạo trực tiếp của mình.
“Cán bộ tốt” thì chắc chắn không thể đối xử như một “hung thủ” được, nhất là khi cán bộ ấy đã chết.
Tuy nhiên, nói thì như vậy nhưng trong lòng Đảng chắc đau lắm. Ba đảng viên ưu tú cùng một lúc “ra đi” hẳn là mất mát ấy rất to lớn và lúc này là lúc Đảng đang lo thù trong giặc ngoài hơn lúc nào hết. Thù trong là nội bộ đảng, không biết tiếp theo ai sẽ là “hung thủ” và ai là “nạn nhân”. Dù hung thủ hay nạn nhân thì cũng là đảng viên với nhau như anh em trong nhà giết nhau làm sao không lo được?
Còn giặc ngoài, không phải là nước ngoài nào đâu, mà chính là nhân dân. Đảng đã nhìn thấy sự hả hê của hơn 95% dân chúng thì không lẽ lại chẳng lo họ sẵn sàng trở thành giặc hay sao? Mà nói họ là “giặc ngoài” thì cũng chẳng có gì sai, bởi họ chưa bao giờ đồng tình hay đồng hành cùng với đảng cả. Họ đơn độc sống, đơn dộc chịu đựng những gì mà đảng gây ra cho họ trong hơn 70 năm qua vậy thì họ có “bên trong” như đảng nhận vơ bao nhiêu năm nay không? Người dân chờ xem đám tang của ba cán bộ như chờ xem phim hay. Họ háo hức và có người thậm chí chạy mãi tận thành phố Yên Bái để xem cho biết sự tình.
Trớ trêu nhất là hai cái đám tang cùng lúc giữa hai gia đình, một của nạn nhân, hai là “đối tượng”. Ngôi nhà Đỗ Cường Minh ở đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, chỉ cách nhà ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, hơn 100 mét, tức là không quá 12 căn nhà! Đúng là con tạo trớ trêu!
Con đường Đinh Tiên Hoàng của thành phố Yên Bái chắc sẽ vào sử sách bởi nó đã nổi tiếng từ nhiều năm nay khi cán bộ cao cấp nhất của tỉnh tập trung mua nhà trên con đường này đến nỗi nó có thêm hỗn danh là “phố quan”, quan đầy phố, quan làm cho phố lên giá hẳn.
Theo một phóng viên của Trí thức trẻ kể lại “bà Nguyễn Thị Lài, 54 tuổi, hàng xóm của Bí thư tỉnh ủy, và cũng ở đối diện nhà nghi phạm Đỗ Cường Minh tỏ ra vô cùng bất ngờ và hoang mang trước sự việc. Bà Lài kể với phóng viên Trí thức trẻ: “Ở đây chúng tôi gọi là phố quan, sự việc xảy ra là phố quan chúng tôi mất đi 2 người ưu tú. Vì những năm gần đây có nhiều người thăng chức nên khu phố này được đánh giá rất cao. Hằng ngày ông ấy, nghi phạm Đỗ Cường Minh, hiền lành lắm, không hiểu vì lý do gì mà lại hành động như thế”.  Cái phố quan ấy nay cùng lúc có hai chiếc quan tài và hai đám tang lạ lùng chưa từng thấy. Một bên là hai ba bộ trưởng về kính viếng, một bên là dân chúng cùng bạn bè kiểm lâm không loại trừ anh hùng lâm tặc từng chịu ơn của ông Minh.
63 chiếc xe con nối đuôi nhau trừ đi chiếc xe chở quan tài và một chiếc buýt chở gia quyến, 61 chiếc còn lại là của người dân ư?
Nói gì thì nói khó mà tin được đó là xe của nhân dân. Người dân tỉnh Yên Bái nổi tiếng là nghèo gần như nhất nước, ai có xe con cũng đều là cán bộ hay ít ra cũng bà con xa gần với cán bộ mượn thế để làm ăn. Yên Bái nổi tiếng hai lĩnh vực phá rừng và buôn bán ma túy. Hai lĩnh vực ấy đã làm nên Yên Bái và đám tang của ông Minh cũng là lúc để những khuôn mặt cộm cán trong bóng tối trả ơn cho gia đình ông qua việc công khai tham gia đám tang được xem là rất nhạy cảm đối với chính quyền này. Bởi ông là Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm của tỉnh, một cái ghế mà hàng trăm nhân vật có tiền của Yên Bái muốn mua. Chẳng lẽ đúng như lời bà Trà hớ hênh “giải mã” trong buổi họp báo: Án mạng này không liên quan tới việc tổ chức nhân sự, khi gần đây có chủ trương sát nhập kiềm lâm vào cơ quan Nông nghiệp…. Những lời tự thuật của bà Trà cho dư luận xã hội thấy rõ hơn sự trả thù của ông Minh khi Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy thông đồng với Bí thư Tỉnh ủy đối xử với ông ta. Sen trong đám tang ông Minh thật ra còn có một ý nghĩa khác, nó nói lên thông điệp của gia đình ông rằng mặc dù đảng chỉ lo thu vén cá nhân và tận thu trên những chiếc ghế béo bở nhưng trong đảng vẫn còn rất nhiều hoa sen đang vươn lên trong đám bùn nhơ ấy và quan trọng hơn, chúng chờ đợi đến phiên mình.

*** Mặc Lâm (RFA): Văn hóa ứng xử với người đã mất
Theo từ điển Thành ngữ Việt Nam thì "Nghĩa tử là nghĩa tận" có nghĩa là cái chết là bất hạnh lớn nhất ; con người khi đã phải chấp nhận cái chết tức là chấm hết mọi quan hệ, Đừng đòi hỏi, yêu cầu gì với người đã chết ; câu nói còn có ý khuyên người ta nên xử sự nhân đạo, đúng tình người. Vậy mà cả nước đang chứng kiến một làn sóng ngược lại với tất cả những gì mà người Việt vẫn theo đuổi trong nền văn hóa ứng xử tốt đẹp ấy.
"Nghĩa tử là nghĩa tận" 
Văn hóa Việt Nam có lẽ rất rạch ròi về cách ứng xử của cộng đồng đối với một người vừa nằm xuống. Bất kể họ là ai, thành phần nào trong xã hội dù giàu hay nghèo, sự ra đi của họ sẽ được cộng đồng kính trọng nhằm chứng tỏ cho gia đình của người nằm xuống sự chia sẻ nỗi đau của thân nhân họ, những người trực tiếp biết sự chia ly đau đớn như thế nào. Dù khi sống, người ấy có làm những điều không phải đi nữa thì cũng sẽ được tha thứ, vì đối với người Việt câu "nghĩa tử, nghĩa tận" luôn là kim chỉ nam trong việc ứng xử với người chết, nó như một thước đo nhân cách, đạo đức của người còn sống. Nó cho thấy tính chất nhân văn của người xưa vẫn hiện diện trong văn hóa của người Việt như một nét son cần gìn giữ.
Thế nhưng ngay sau khi ba cán bộ thuộc hàng Ủy viên của tỉnh Yên Bái được báo chí loan tải là đã chết trong một cuộc xả súng thì mạng xã hội chừng như đồng loạt xuất hiện những dòng tâm trạng (Status) hả hê, vui mừng trước ba thi thể chưa kịp mang ra khỏi bệnh viện để về nhà. Tình trạng có một không hai này trở thành một đề tài bất ngờ, gây tranh luận trên mạng và cả ngoài cuộc sống thật, tuy nhiên phe chống đối xem ra quá ít so với một tập hợp hàng trăm ngàn lời lẽ phấn khích, hả hê.
Trong một rừng chữ lên án, hiếm hoi xuất hiện status của một trí thức, khá quen biết với cộng đồng mạng xã hội Facebook, đó là Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh. Với lời lẽ ôn tồn, chừng mực, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cố thuyết phục mọi người nên trở về cái tâm lành mà anh cho là trong mỗi cá nhân đều có. "Tin về việc Chi cục trưởng kiểm lâm Yên Bái bắn Bí thư và Chủ tịch HĐND sau đó tự sát như một cơn bão quét qua facebook trong ngày hôm nay. Đối nghịch với tính chất vô cùng nghiêm trọng của sự việc, nhiều bình luận hoặc là vô cảm, hoặc theo kiểu "đáng đời", có người thậm chí tỏ ra hả hê, châm chọc. Trong bối cảnh xã hội với biết bao bức xúc và bất mãn như hiện nay, những phản ứng như thế là điều có thể hiểu được. Song dù thế nào đi chăng nữa thì bất kỳ ai, trước khi trở thành bí thư hay chủ tịch cũng đều là một con người. Sự bức xúc, bất mãn, thậm chí thù hận của ta không nên trở thành nguyên cớ để ta quay lưng lại, vô cảm với đồng loại của mình, nhất là khi họ và người thân đang phải trải qua tấn thảm kịch vô cùng đau đớn. Một số người trong chúng ta mới hôm qua còn ăn chay, niệm Phật trong ngày lễ Vu Lan, đến hôm nay đã quên từ bi tâm, dính mắc vào ý nghiệp và khẩu nghiệp. Theo Đạo Phật, suy nghĩ tiêu cực tất yếu sẽ dẫn tới ngôn từ và hành động tiêu cực. Nếu ba nghiệp thân, khẩu, ý cứ cùng nhau xoay vần như thế, không những mỗi cá nhân chúng ta không tốt lên được mà cả gia đình và xã hội cũng sẽ suy vi. Vì vậy, xin các bạn bình tâm nghĩ lại !"
Đối với Hòa thượng Thích Không Tánh, dĩ nhiên cũng có cái nhìn từ bi của nhà Phật cũng như truyền thống bác ái của mọi tôn giáo, nhưng Hòa thượng cũng lý giải vì sao cộng đồng lại đồng loạt có những phản ứng khá cứng rắn như hiện đang diễn ra, ngài nói : "Không phải người Việt mình vô cảm hay là không có lòng bác ái, trước sự chết chóc, đau khổ của một người nào đó thì dân tộc Việt mình đều có tình thương. Dân Việt mình đa phần đều ảnh hưởng không Phật giáo thì cũng Công giáo, Cao đài hay Phật giáo Hòa hảo, Tin lành mà các tôn giáo đều dạy người ta về tình thương về bác ái hết cho nên trước sự đau khổ của bất cứ một ai thì mình đều có sự cảm thương.
Thế nhưng tại sao ba ông Bí thư tỉnh rồi Chủ tịch tỉnh rồi Kiểm lâm họ bị bắn chết mà người dân vui mừng hí hửng thì không phải người ta không có tình nhân loại nhưng bởi vì trước những người cầm quyền của chế độ này họ đã từng hại dân hại nước, từng hà hiếp, bóc lột, hãm hại biết bao nhiêu người rồi thì đối với họ, những quan quyền những chức tước dầu rằng quyền uy của một thế lực nào khi cầm quyền hà khắc gian ác với dân chỉ lo tham nhũng cho đầy túi tham mà không lo cho dân thì khi mất đi tự nhiên người dân người ta cảm thấy mất đi những kẻ hung ác đối với xã hội đối với đồng bào thì đa phần người ta không thương cảm được".
Linh mục Phan Văn Lợi cũng có cái nhìn của một chủ chăn, hướng đàn chiên của mình tới những điều phúc âm đã chỉ dẫn, từ Huế ông cho biết : "Chúng ta người Công giáo không nên bày tỏ sự hể hả trước cái chết cho dù của những kẻ mà chúng ta có thể cho rằng chưa làm điều gì tốt cho dân tộc. Nhưng chúng ta nên coi là cơ hội chỉ nên cầu nguyện cho những người cộng sản họ biết theo lẽ phải, lương tâm để mà làm những điều ích quốc lợi dân. Chúng ta đã thấy những sự bạo loạn trong xã hội thì mong rằng sự bạo loạn đó đừng xảy ra hay bớt xảy ra".
Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn cho biết quan điểm của ông trong vai trò một linh mục ông nói :
"Với tư cách là linh mục tôi thấy việc một án mạng xảy ra, nhất là tại tỉnh Yên Bái có ba án mạng trong một buổi sáng thì đó là điều mà đối với sức chịu đựng của con người của các gia đình và người có liên quan rất là lớn và họ phải gánh nỗi đau mà chúng ta khó có thể nói một lời an ủi mà họ dễ dàng qua được. Nhưng nếu đối với cộng đồng thì tôi nghĩ rằng những gì xấu mà những người này làm thì họ sẽ đón nhận kết quả cho riêng họ và cho những người liên can. Người Việt Nam của mình cũng như người công giáo thì cái chết chỉ là một việc vừa thách thức vừa là báo hiệu cho con người chúng ta phải sống tốt ngay khi ở đời này và khi mình đang có thể làm điều tốt cho người khác".
Nạn nhân của nạn nhân
Không ôn hòa nhẹ nhàng như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trên VTC News, ngay sau khi vụ án xảy ra và phản ứng của cộng đồng mạng có bài viết : "Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án". Một trong những câu văn làm người đọc lên tiếng nhiều hơn nữa khi tác giả nhận xét : "Điều khiến cho những người có lương tri thấy nhói đau là mạng xã hội lại tràn ngập những lời đùa cợt, những bình luận hả hê, chà đạp lên nỗi đau đớn tột cùng của gia đình người bị nạn, của chính quyền tỉnh Yên Bái".
Bài báo như đổ thêm dầu vào lửa, không biết bao nhiêu bài viết phản ứng lại câu "Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án", nhà thơ Thái Bá Tân thẳng thừng gọi tác giả bài viết là văn nô khi không cần biết tại sao cộng đồng lại có cùng một phản ứng như thế, bằng những câu thơ 5 chữ nổi tiếng thường lệ ông kết luận :
"Lũ văn nô, đĩ bút / Mới là bọn bất lương. / Khóc mướn quan tham nhũng, / Lên mặt dạy dân thường.
Biệt thự tám mươi tỉ / Bên túp lều xác xơ / Là bất lương tột đỉnh / Đất nước ta bây giờ".
Bên cạnh nhà thơ Thái Bá Tân là hàng trăm tên tuổi khác trong các ngành nghề khác nhau, trong đó có cả nhũng trí thức như bác sĩ, nhà báo, kỹ sư… .họ nhìn vấn đề với nhiều góc cạnh khác nhau nhưng cái chung là sự thật về những gì xảy ra trong xã hội đã khiến tâm lý của chính họ bị chấn thương, như trang Facebook của Phương Lê, một bác sĩ khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng, ông viết :
"Tôi đã đến Yên Bái không dưới 10 lần.
Tôi đã chụp những bàn chân trẻ em thâm tím, nứt nẻ vì lạnh.
Tôi đã chụp những đứa trẻ cởi ngay đôi dép vừa được tặng để đi chân không vì tiếc đôi dép mới.
Tôi đã chụp những đứa trẻ phải mặc bộ đồ dân tộc phong phanh, môi tím ngắt vì lạnh để múa hát giúp vui cho quan khách.
Và tôi đã chụp những đứa trẻ con quan chức, mặc đồ dân tộc với trang sức bằng bạc cả mấy triệu, đi xe hơi đến nhận quà từ thiện...
Đi tận nơi, thấy tận mắt, nghe tận tai ! Bạn nghĩ tôi có thể khóc thương đám quan chức ngồi trong trụ sở to đùng ở Yên Bái không ?
Xin lỗi, còn lâu !"
Facebooker Phương Bích có lẽ rất thẳng thắn khi viết những dòng tâm trạng trên tường nhà mình về những cảm nhận mà bà từng chứng kiến tận cùng nỗi đau của nạn nhân chế độ này, nói với chúng tôi bà diễn tả tại sao lại có thái độ hả hê không giấu giếm: "Nếu như những người đó từng khóc thương cho những người dân vô tội bị giết trong đồn công an, khóc thương cho những người dân bị đánh đập khi chính quyền này cưỡng chế đất đai tài sản của họ và đẩy họ ra ngoài đường. Khóc thương cho những ngư dân bị cướp bóc, bị hiếp đáp ngoài Biển Đông thì người dân sẽ thương xót chia sẻ khi bị đẩy vào mức như thế.Tại sao họ nhắm mắt trước cái ác, trước kẻ gây nên bao nhiêu tội cho đồng bào mình còn những người khác thì họ không chịu nhỏ nước mắt ? Cái này phải công bằng, cái ác phải bị trừng phạt. Xưa nay người ta vẫn hay định hướng tình cảm nhưng đây là tình cảm không ai định hướng được, anh phải hiểu đàng sau nó là cái gì".
Nhà báo Sương Quỳnh, chia sẻ những trải nghiệm của bà trong mặt bằng chính trị hiện nay để thấy rằng phản ứng hả hê của xã hội là có cơ sở: "Theo cá nhân tôi suy nghĩ và quan sát những phản ứng của người dân đối với cái chết của ba lãnh đạo Yên Bái thì họ rất vui mừng, thậm chí họ hả hê nữa. Đối với truyền thống của người châu Á "nghĩa tử, nghĩa tận" thì trước cái chết người ta phải đau buồn. Nhưng câu hỏi tại sao lại như vậy, người dân Việt Nam mình, những người đang sống trong đất nước này người dân bây giờ người ta đã khốn cùng quá rồi. Họ bị bao nhiêu sự bất công và bao nhiêu tai họa mà vì chính sách của những người lãnh đạo đã vạch ra theo kiểu của họ, sưu cao thuế nặng, công lý bất công, nhất là vụ biển bị đầu độc tại miền Trung đẩy họ vào đói khổ và bệnh tật. Đương nhiên khi một người lãnh đạo nói chung bị như vậy thì người dân họ vui mừng. Vui mừng vì một phần khác đó là ba người họ tự giết nhau, họ tự giết nhau vậy tức là trong nội bộ họ cũng đã rất là căng thẳng rồi. Họ giết nhau đâu phải vì dân vì nước đâu mà họ giết nhau vì miếng ăn. Miếng cơm manh áo ấy do người dân đóng góp bằng tiền thuế, mà họ làm điều đấy thì người dân họ ức chế quá nên họ mới có thái độ như vậy".
Linh mục Nguyễn Ngọc Thanh nhận định bài báo với một góc nhìn khác, ông cho rằng nhà nước muốn định hướng cảm xúc con người và trong trường hợp này mục tiêu mà bài báo đó là làm cho dân chúng tiếc thương người đã chết như là một người chết bình thường nhằm tránh sự hả hê có hại cho nền móng chính trị hiện nay đã đến lúc rệu rã: "Cái chuyện hả hê của người dân thì mình không thể xen vào cái yếu tố tâm lý, cảm xúc của người dân và không thể cho mình cái quyền điều khiển cảm xúc của người dân được. Một thời gian dài trong một đất nước mà họ đã bịt miệng truyền thông để họ điều khiển cảm xúc người dân và họ cảm thấy là họ có quyền làm như vậy. Thật ra đó là cái ơn ban và nó được chứng nghiệm qua thời gian và lương tâm.
Phía sau những hả hê của người dân là nỗi lo của nhà nước. Vấn đề đặt ra không còn là văn hóa ứng xử nên như thế nào nữa mà đã chuyển biến theo một hướng khác có tính chất dự báo hơn là phê phán. Hằng trăm bài viết xuất hiện dày dặc trên mạng chú trọng vào vấn đề sinh tử mà Đảng đang phải đối diện trước thái độ của người dân. Nhà báo Nguyễn Thông đã có những câu chữ rất sát với thực tế của lòng dân hôm nay, ông viết: "Tôi mà là ông Huynh ông Thưởng, chắc tôi phải nát óc khi có không ít người dân vốn hiền lành chất phác lại tỏ ra dửng dưng (tôi chỉ nói ở mức độ "hiền" nhất) trước cái chết của cán bộ to trong bộ máy cai trị của các ông. Họ còn hát "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" như dự báo một điều gì ghê gớm lắm, đã gần lắm. Thế thì, hãy chú ý đến cán bộ, chứ không phải đến dân, các ông ạ. Ăn ở ra sao, mà lòng dân như vậy".
Riêng với Nguyễn Anh Tuấn, một người còn rất trẻ nhưng nhận xét của anh thật sâu sắc và đầy cảnh báo một nguy cơ có thật cho nhà nước, cho Đảng Cộng sản Việt Nam : "Những diễn biến của dư luận xã hội sau vụ Yên Bái, trớ trêu, lại đưa đến một ngụ ý cực kỳ nguy hiểm: Dân chúng hóa ra không quá phẫn nộ nếu có ai đó bắn chết một quan chức cấp cao. Thế nếu đó là một lực lượng vũ trang phản loạn bắn bỏ hàng loạt quan chức cấp cao thì liệu dân chúng có phẫn nộ không ?".
Văn hóa ứng xử luôn phản ảnh lại những gì đang xảy ra trong xã hội, vì vậy những ý kiến cho rằng xã hội Việt Nam đang đảo điên, mọi truyền thống đạo đức của đất nước không còn như xưa có lẽ không còn thực tế. Dĩ nhiên mọi khuynh hướng đều có mặt gây tranh cãi nhưng người dân qua sự việc này cho thấy họ không muốn tiếp tục ngủ yên khi cố che giấu biểu cảm phản ứng của mình. (Mặc Lâm, biên tập viên RFA. Nguồn : RFA, 20/08/2016)

(ii) NguoiViet: Điếu Cày phỏng vấn Người Buôn Gió
Năm 2007, khi trong nước rầm rộ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do (CLBNBTD) đã liên tục tổ chức biểu tình trong nhiều tuần liền thì Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, từ Hà Nội vào gặp chúng tôi tại Sài Gòn.
Trước đó, Người Buôn Gió cùng với nhà văn Trang Hạ, đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Khi nhà văn Trang Hạ phát hành cuốn sách dịch đầu tay của cô (“Xin Lỗi Tôi Chỉ Là Con Ðĩ,” nhà xuất bản Hội Nhà Văn) ngoài ký tặng người mua sách, cô còn kèm theo dán tặng một đề can có nội dung Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam lên mũ bảo hiểm hoặc xe gắn máy. Khi Trang Hạ phát được mấy chục cái đề can cho người mua sách thì cô bị công an bắt đưa về Quận Hoàn Kiếm giam giữ. Công an truy tìm ai là người in và đưa cho Trang Hạ số đề can đó? Họ tìm ra bạn của Người Buôn Gió tại quán Cafe và bắt được anh này với 250 đề can trong túi. Lần theo anh bạn này họ truy ra người in đề can Hoàng Sa Trường Sa chính là Người Buôn Gió. Trong khi cuộc truy tìm Người Buôn Gió xảy ra gắt gao tại Hà Nội để tịch thu số đề can đó, thì anh đang ngồi cùng chúng tôi ở Sài Gòn. Người Buôn Gió mang đề can Hoàng Sa-Trường Sa vào cho anh em chúng tôi tại Sài Gòn để tiếp lửa biểu tình chống quân Trung Cộng xâm lược biển đảo Việt Nam. Biết tin Trang Hạ và bạn mình bị bắt, Người Buôn Gió vẻ lo lắng. Anh bảo tôi lưu số điện thoại của vợ anh để phòng khi bất trắc. Nhưng lúc đó thì Người Buôn Gió là gương mặt quá xa lạ với an ninh Sài Gòn, nên anh không bị khó khăn gì, đến lúc nghe tin Trang Hạ được thả về, chúng tôi mới thở phào và hẹn nhau ăn tối. Trong buổi ăn tối, chúng tôi đã thảo luận về những những cách thức sử dụng Internet để thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tôi mời Người Buôn Gió tham gia vào CLBNBTD. Tuy chưa nhận lời tham gia nhưng chúng tôi và Người Buôn Gió cùng thống nhất là: Chúng ta phải “đi bán dầu” ra thiên hạ trước đã. Tối hôm ấy tôi mời Nguyễn Tiến Trung đến gặp Người Buôn Gió cùng thảo luận về những cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, cùng nhau chia sẻ thông tin và những mẫu áo, khẩu hiệu và phối hợp trong Nam ngoài Bắc, chia sẻ thông tin và hình ảnh các cuộc biểu tình với báo chí nước ngoài… Không ngờ phải rất lâu sau chúng tôi mới gặp lại nhau.
Ba tháng sau tôi bị bắt tại Ðà Lạt, suốt thời gian hai năm rưỡi tôi không có tin gì về Người Buôn Gió. Tháng 12 năm 2011 khi bị chuyển đến trại tạm giam B34 và gặp Lê Nguyễn Hương Trà tôi mới biết Người Buôn Gió cũng bị bắt và bị điều tra nhiều lần.
Mười năm sau, những ngày đầu tháng 8 năm 2016, tôi mới gặp lại Người Buôn Gió tại Hoa Kỳ, nhân dịp anh sang để ra mắt cuốn sách Ðại Vệ Chí Dị. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết khi anh còn ở trong nước. Tôi biết Người Buôn Gió vẫn luôn thực hiện công việc “bán dầu” đều đặn và chăm chỉ. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi (Ðiếu Cày) và Người Buôn Gió sau hơn 10 năm gặp lại:
Ðiếu Cày: Vì sao anh lấy ‘nick name’ là Người Buôn Gió?
Người Buôn Gió: À, tại em hồi bé xem vở kịch về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lúc ban đầu. Trong vở kịch có đoạn Trần Nguyên Hãn gánh dầu đi bán qua cửa nhà Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi mới gọi vào hỏi. Giang sơn điêu linh vì giặc Minh xâm chiếm, sao người thanh niên to khỏe như ông không lo chuyện ấy mà lại đi bán dầu để lo cho mình? Trần Nguyễn Hãn chỉ nói câu ngắn gọn: Giang sơn muốn bốc lửa, ta phải đi bán dầu. Từ cái tích đó trong vở kịch, em lấy tên là Người Buôn Gió, đó là thể hiện mong muốn đi gieo suy nghĩ tự do trong lòng người dân Việt Nam bằng những bài viết giản dị của mình, sao cho người dân bình thường dễ đọc.
Ðiếu Cày: Trước khi viết blog anh làm nghề gì?
Người Buôn Gió: Trước đó em có một công ty làm quảng cáo, nội thất. Sau khi tích được chút vốn từ việc làm quảng cáo, nội thất em chuyển sang làm cầm đồ và cho vay lấy lãi.
Ðiếu Cày: Cầm đồ và cho vay lấy lãi! Làm thế nào mà đang vậy anh lại trở thành người viết blog lên án những sai trái trong xã hội?
Người Buôn Gió: Lằng nhằng lắm anh. Ðầu tiên là khi con trai em sinh ra trong bệnh viện, nạn ăn hối lộ của bác sĩ ghê quá, họ tỉnh bơ trước tính mạng con người để nhận tiền. Em nghĩ thế này thì lưu manh như em và bác sĩ chả khác gì nhau, cái này em có trả lời phỏng vấn báo Người Việt do chị Hà Giang thực hiện hồi năm 2014. Anh hay bạn đọc báo Người Việt cứ tìm lại bài đó sẽ biết.
Ðiếu Cày: Internet phát tán thông điệp như thế nào? Ví dụ cụ thể của anh hoặc những người khác?
Người Buôn Gió: Ôi cái này thì tiếc cho anh bị từng ấy năm tù giam không được chứng kiến những thay đổi vượt bậc của công nghê thông tin, trang mạng xã hội. Sau khi anh bị bắt thì những trang mà hồi đó anh em mình hay dùng như yahoo360, multiply, plus liên tục bị thay đổi. Rồi có Facebook, cái này mới là bước ngoặt quan trọng. Không như hồi đó yahoo360 chỉ giới hạn vài trăm người kết bạn. Facebook nó cho phép đến 5 ngàn, còn người theo dõi thi không giới hạn. Ðã thế lại còn bao tính năng như chia sẻ, like, bình luận. Ảnh và phim đưa lên rất nhanh. Chính vì thế tốc độ loan tải thông tin trên Facebook rất lớn, trong vòng vài chục phút có thể hàng trăm ngàn hay hàng triệu người đọc được một thông tin nóng nào đó.
Ðiếu Cày: À, cái này thì tôi cũng cảm nhận được. Chẳng hạn như trang ‘Facebook Bloger Ðiếu Cày’ của tôi sau sự kiện tôi gặp Tổng Thống Obama đến giờ tính ra được một năm, đã tăng thêm 30 ngàn người theo dõi. Vậy sau khi blog của anh có nhiều người đọc anh có bị chính quyền gây khó dễ không?
Người Buôn Gió: Trời anh lại đi hỏi em câu này, anh viết blog mà bị kêu án tù 12 năm thì bọn lâu nhâu như em cũng làm sao mà nhàn nhã viết blog được. Em bị bắt nhiều lần, nhưng chỉ thời gian ngắn lại được ra không xét xử gì, nhưng mà nhiều lần như thế lắm, em chả nhớ hết.
Ðiếu Cày: Anh có thể miêu tả ngày bị bắt ở đâu và trong hoàn cảnh nào?
Người Buôn Gió: Lại là Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Lần này em in áo chứ không phải cái đề can nhỏ như hồi đưa anh năm 2007. Em bị bắt tháng 9 năm 2009 vì tội in áo đó, bị giam vào B14. Lúc đó phong trào biểu tình chống Trung Cộng lại nóng trở lại. Lúc bắt em họ đến nhà từ sáng sớm, em mới dậy thấy gọi cửa, ra thấy một đống người công an. Em đóng cửa lại đi đánh răng, rửa mặt rồi pha trà uống. Họ bên ngoài nhìn qua cửa sổ rồi bảo em, “Ðằng nào cũng thế rồi, anh Hiếu đi sớm cho mát, tí trưa nắng lắm.” Em nghe thấy cũng họ nói cũng phải, thế là mở cửa đi theo họ vào trại giam, Nằm đó mười ngày thì về.
Ðiếu Cày: Anh có thể cho biết vài chi tiết về thời gian sống trong tù?
Người Buôn Gió: Tuyệt vời, yên tĩnh. Cực yên tĩnh luôn. Lại được ăn chay cho thanh tịnh. Xà lim của an ninh bộ thì anh lạ gì, mấy lớp tường thì chẳng những yên tĩnh mà lại còn không bao giờ bị chói sáng. Cực lý tưởng cho giấc ngủ, mỗi tội hơi nóng và ngộp thở thôi. Nói chung 10 ngày tù thì đã có gì đâu anh mà kể. Thời gian ấy giới tù lâu họ gọi là chưa hết mùi xã hội trên người mà.
Ðiếu Cày: Anh có tin rằng khả năng sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông khác sẽ làm cho việc dân chủ hóa Việt Nam là điều tất yếu?
Người Buôn Gió: Riêng câu này thì rõ ràng đến mức trả lời ngắn cho anh luôn, vì chân lý thì không cần dài dòng. Chính xác là vậy.
Ðiếu Cày: Cuộc sống của anh và gia đình từ khi tới Ðức ra sao?
Người Buôn Gió: Rất tốt, em được học bổng gần $2,000 một tháng. Còn tiền nhà, tiền bảo hiểm này nọ đã được trả hết rồi. Hai ngàn đó chỉ để ăn và tiêu xài, anh biết mức giá thực phẩm ở “bọn tư bản giãy chết” này một người một tháng ăn hết $200 là đủ rồi. Ngoài ra em còn được đi học tiếng Ðức ở nơi tốt nhất như viện Gớt (Goethe). Em không phải lo kiếm tiềm, tha hồ chém gió, buôn dầu đều đều. Nhưng năm tới không biết học bổng thế nào, vì mỗi năm họ ra hạn một lần, một năm một thôi. Thằng Tí Hớn ý, hồi em vào Sài Gòn gặp anh có dẫn nó theo ấy. Giờ nó học ở Ðức và là học sinh giỏi của trường nó học. Nói chung thì em khá ổn từ lúc sang Ðức đến giờ. Nhờ sự ưu đãi của người Ðức mà em đã viết được mấy cuốn sách và viết bài đều đều trên blog, Facebook.
Ðiếu Cày: Anh có nghĩ lý do cơm áo, gạo tiền khiến cho nhiều người đã phải tạm gác việc đấu tranh hay không?
Người Buôn Gió: Cái này thì đương nhiên, ai cũng có gia đình, vợ con và cần phải sống. Cần phải có thu nhập, có tiền để trang trải cuộc sống. Chính vì thế an ninh Cộng Sản hay triệt đường sống, công việc, đường mưu sinh của những người đấu tranh trong nước. Ngay như em sau này không còn học bổng của chính phủ Ðức nữa, phải bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng có khi phải gác tạm chuyện bán gió, buôn dầu lại. Biết làm sao được anh.
Ðiếu Cày: Tôi rất xúc động sau gần mười năm mới gặp lại anh, nhất là lại gặp ở Litle Saigon, không phải là Sài Gòn thực sự như 10 năm trước. Cuộc gặp này khiến tôi càng nhớ đến nhiều anh em khác nữa còn đang đâu đó, hay phiêu bạt mọi nơi. Những người anh em còn đang ở trong lao tù của chế độ cộng sản như anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị Bùi Thị Minh Hằng và bao nhiêu người khác nữa… Cám ơn anh đã trả lời cuộc phỏng vấn này. Chúc gia đình anh có cuộc sống tốt để anh có điều kiện tiếp tục việc buôn dầu, bán gió mà anh đang theo đuổi.

 II. Chuyện Thời sự & Xã hội Quốc tế
(i) Ammagansett New York (NV): Ông Trump tranh cử chỉ để được chú ý
 Người ta ra tranh cử tổng thống với nhiều lý do, nhưng với ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump thì có lẽ ông là người đầu tiên xem chiến dịch vận động là cách tốt nhất để gây sự chú ý cho bản thân.
Theo báo NY Times, có vẻ như ông Trump không có say mê nào khác, dĩ nhiên là không cả ước vọng được nắm quyền lực.
Ông Trump không mang một chủ trương hư ảo như ông Ted Cruz, không là một người cơ hội như ông Marco Rubio, một nhà tạo phong trào như Bernie Sanders, một người thừa kế chính trị như Jeb Bush hay một người tiểu tiết về chánh trịnhư bà Hillary Clinton. Đối với tất cả họ, sự gây chú ý chỉ là phó sản của một cuộc vận động, không phải là một động cơ, nhưng đối với ông Trump, gây sự chú ý mới chính là trọng tâm.
Đó có lẽ là bài học của cuộc vận động “lung lay” của ông hồi đầu tuần này, một sự chuyển tiếp từ chính trị sang việc gây được sự chú ý, và có thể cả sự chuyển tiếp từ chiến thắng bầu cử sang chiến thắng từ việc bị đánh bại, điều mà ông thường làm trong suốt sự nghiệp.
Ông Trump, trùm ngành địa ốc, chuyên kinh doanh bất động sản, sau khi vo cặn kiệt nguồn lợi thì để mặc cho chết dần, rồi như một phép lạ, biến sự thua lỗ thành cái có lợi cho mình. Một cao ốc tàn tạ hay một đảng Cộng Hòa tan tác, đối với ông Trump có thể đều như nhau.
Gây sự chú ý luôn là nền tảng của mô thức hoạt động của ông Trump. Căn bản là ông kinh doanh bằng tên mình, nào là thịt bò Trump steak, nước uống Trump water, trường đại học Trump University, cao ốc Trump Tower.
Ông Trump khám phá ra rằng, trong một xã hội sùng bái sự tiếng tăm như xã hội Hoa Kỳ, nơi quá nhiều người tranh đua để được chú ý, chạy đua vào ghế tổng thống được chú ý nhiều đến bao nhiêu.
Việc ông Trump sa thải ông Corey Lewandowski, chủ tịch ban vận động đầu tiên, rồi thay bằng ông Paul Manafort, đều được xem là một quyết định chính trị. (Thay đổi nhân sự không phải là điều lạ, nhưng thay đổi nhưng vẫn ca tụng hết lời người bị thay đổi, đó mới là điều lạ)
Ông Manafort là một chiến lược gia kỳ cựu, một người chuyên nghiệp, người có thể giúp đưa ông Trump đi vào dòng chính của cuộc tranh cử.
Đó là chuyện chính trị.
Tuy nhiên điều mà ông Manafort có thể không nhìn thấy là ông Trump không bao giờ là một nhà vận động chính trị, hoạt động theo qui tắc chính trị truyền thống hay mang mục tiêu chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Quả thật ông Trump đâu có khờ. Ông dư biết ông sẽ bị chế nhạo khi xúc phạm đến vợ chồng ông Khan, người có con trai bị tử trận, hay chần chừ trong việc ủng hộ ông Paul D Ryan, chủ tịch Hạ Viện, hoặc nói rằng cách chận bà Clinton tốt nhất là bắn bỏ bà ấy. Tất cả những phát biểu như vậy đều làm cho ông được chú ý thêm:
- Không riêng gì ông Trump, ông Mike Huckabee lợi dụng sự chú ý ông có được trong cuộc tranh cử thất bại để lấy được một hợp đồng với Fox News Channel.
- Sarah Palin dùng sự gây chú ý của bà để đạt được một “reality show” và thu được vô số tiền từ chi phí diễn thuyết.
- Ông Ben Carson dùng tiếng tăm tạo được lúc tranh cử sơ bộ để bán sách....
Những người thua cuộc trong các thùng phiếu, nói đúng ra tất cả đều là những người chiến thắng.
Làm show truyền hình ư, bán sách và diễn thuyết ư, tất cả đều là chuyện nhỏ đối với ông Trump. Theo cô Ivanka Trump, ái nữ của ông, châm ngôn của ông Trump là “Nếu quí vị có suy nghĩ thì hãy động não đến những gì thật to lớn.” Và đó là nơi mà việc tạo được sự chú ý gặp gỡ sự chiến thắng (ngay trong thương trường). (TP)

(ii) ZING.VNPhilippines cảnh báo kết cục đẩm máu nếu TQ tấn công
Tổng thống Philippines Duterte cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với chiến trường đẫm máu nếu dám tấn công vào vùng biển Philippines, dù trước đó ông kêu gọi 2 bên sớm đối thoại.
Sau khi Tòa Trọng tài quốc tế hồi tháng trước mang lại chiến thắng lớn cho Philippines là yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc vô giá trị, Tổng thống Duterte thể hiện quan điểm rằng ông không muốn tiếp tục "chọc giận" Trung Quốc bằng các hành xử quyết liệt. Thay vào đó, ông cử phái viên đến Bắc Kinh và đề nghị 2 bên đối thoại. Tuy nhiên, ngày 24/8, ông tỏ ra Manila đã sẵn sàng cho một biện pháp đối đầu. "Tôi không muốn phản ứng quyết liệt lúc này, nhưng sẽ đến lúc chúng ta phải suy tính về nó", AFP trích phát biểu của ông Duterte trước các binh sĩ tại một trại quân sự.
Trung Quốc kiên quyết bác bỏ phán quyết của tòa án, cùng lúc là kêu gọi đối thoại trực tiếp với Philippines nhưng khẳng định sẽ không thỏa hiệp về các yêu sách chủ quyền của nước này. Tổng thống Duterte từng nói Philippines không khăng khăng bám vào các nội dung phán quyết, nhưng nay cho rằng lập trường có thể thay đổi. "Trung Quốc tốt hơn là nên đưa ra những điều họ muốn. Vì dù họ thích hay không thì phán quyết của tòa án có hiệu lực ràng buộc không chỉ với Philippines mà với tất cả các nước ở Đông Nam Á". Nhà lãnh đạo Philippines lần này cũng cảnh báo mạnh mẽ đến Trung Quốc nếu họ toan tính những biện pháp bằng vũ lực chống lại Philippines. "Tôi bảo đảm với họ rằng nếu họ dám xâm nhập thì sẽ gặp một chiến trường đẫm máu. Chúng ta sẽ không nhường lãnh thổ của mình cho họ dễ dàng. Đó là xương sống của những binh sĩ của chúng ta, ngay cả của chính tôi", Tổng thống Duterte nói.
Người tiền nhiệm của ông Duterte là ông Benigno Aquino là người khởi xướng vụ kiện chống các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte không tỏ ra quyết liệt trong việc thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết, và dự định sẽ không nêu lên vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra tại Lào vào tháng 9.

III.Thơ từ LuanHoan.Net
(i) Nguyễn Đông Giang: Thu Hoài Cố Xứ
Ở đây thu đến , buồn như đã
Chỉ nắng vàng thôi, hiu hắt lòng
Em ở đâu, Sài gòn, Đà nẵng ?
Thiếu người tâm sự, có buồn không ?
      Cũng đây thu lạnh, buồn quá đổi
      Nước Mỹ mênh mang, nắng vàng đường
      Còn đâu nữa, “nai vàng ngơ ngác”
      Rừng xưa, nai cũ… nghĩ mà thương !
Chiều thu , em thường ru con ngủ
Giọng em Nam bộ, à ơi hời
Em hát ru con, hay em khóc ?
Mà buồn não nuột, quá em ơi !
      Ở đây lá rụng, mùa thu đã
      Dù chết hay chưa, lá cũng vàng
      Ra đi đâu biết ngày trở lại
      Thu hoài cố xứ, dạ mang mang
Bây giờ Việt Nam, mùa thu chết
Em tiễn dùm ta, những lá vàng
Những chiếc lá, nằm yên trong mộ
Cũng trở mình, theo vận … ly tan
      Mùa thu ơi ! ta đời viễn xứ
      Chút nắng vàng hiu, đủ lạnh lòng
      Em ở đâu, sau ngày ly loạn ?
      Nằm nghe dâu biển, có buồn không ? (Nguyễn đông Giang, San Jose)

(ii) Huy Uyên: Tình Về Quảng Trị
Mùa hạ đưa em về Dốc-Miếu
Lộ 1 quanh co cuối phố buồn
Năm xưa chiến-trường bom đạn nổ
Gió trên đồi bay tận Gio-Phong .
      Em nghiêng tóc thả phía Gio-Linh
      Nơi con sông chia hai miền ngày trước
      Tiếng gọi người đi bỏ lại mối tình
      Bao năm rồi không hề nói được .
Núi xanh mấy mùa Hướng-Hóa
Lao-Bảo mùa này biên-giới sương mây
Tím trái sim màu hoa rừng nở
Em con gái Brai năm rộng tháng dài.
      Lên đồi Bến-Tắc đầy mộ nghĩa-trang
      Linh-hồn lính điêu-linh hương khói
      Lá xanh héo trên cây còn lại lá vàng
      Vĩnh-trường chôn ngàn năm mong đợi .
Khe-Sanh mùa này lạnh gió ?
Sân bay Tà-Cơn máu lửa ngày xưa
Người Asoc ngồi quanh nấm mộ
Ở đó Làng Vây ai mãi trông chờ .
       Em trao ai trái tim Dakrong
       Nhịp cầu quanh co tình treo đường 9 gởi
       Giọng hát Vân-Kiều nước chảy qua sông
       Người Pakô uống rượu ngồi ngó núi .
Đường đất đỏ theo em về Mỹ-Thủy
Gởi con tim ở lại La-Vang
Đứng chạnh lòng chiều Thành-Cổ
Máu người xưa tuôn đại-lộ kinh-hoàng .
       Thạch-Hãn sông xuôi bến xóm Chài
       Đêm đò đưa người sang Sắc-Tứ
       Ngó lên Rockpile máu ai đổ từ lâu
       Tiếng chuông Đông-Hà lệ lòng người cố-xứ .
Mênh mông nước trằm Trà-Lộc
Bước chân đi pha cát vùng đồi
Xanh mấy Trà-Trì thời (con gái) xanh tóc
Hải-Lăng hương tràm ngát mấy bờ vui .
       Buổi sáng cà-phê Giọt-thương-Huyền
       Nhớ người bốn mươi năm xa khuất
       Rượu cạn sầu rót chén Thủy-gia-Viên
       Thôi Quảng-trị còn gì hay đã mất ?     
Thương lắm hai bờ sông Thạch-hãn
Đắng lòng người ngồi quán Sông Xanh
Nước xuôi về đâu đời lận đận
Về chi đây ngày tháng nao lòng ! (HuyUyen - QuangTri - 18-8-16)

.............................. .............................. .............................. .....
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: