Chủ Nhật 17/7 thời tiết tốt, chúng tôi hẹn nhau đi ngoại ô chụp hình. Nơi chúng tôi chọn đến có tên chính thức là Vùng Bảo Tồn Rockwood, cũng quen được gọi là Công Viên Rockwood, địa chỉ 161 Fall Street South, Rockwood, Ontario N0B 2K0 cách Toronto chỉ khoảng 75 km, trong vòng một giờ lái xe.<!>
Tôi biết đến công viên này chỉ do sự tình cờ. Chúng tôi dự tính đi chụp hình hoa oải hương (lavender) ở Terre Bleu Lavender Farm ở Guelph nhưng nông trại này đến 11 giờ mới mở cửa. Dân chụp hình chúng tôi vốn thích chụp ảnh buổi sáng sớm khi điều kiện ánh sáng tốt hơn cho nên tôi gú gồ tìm xem có chỗ nào hay hay gần đó đáng tới không trước khi chúng tôi đi chụp hình hoa oải hương. Vì vậy tôi mới biết đến Khu Bảo Tồn Rockwood.
Đặc biệt nơi đây có địa chất dị thường là những lỗ hổng trong khối đá vôi tạo nên từ thời kỳ băng cuối cách đây hơn cả trăm ngàn năm. Nước đóng băng tan chảy soi mòn đá vôi tạo thành lỗ hổng, nhờ vậy cây cối có thể bám mọc trên những vách đá vôi cao chót vót.
Chúng tôi đã làm quen với những nơi địa chất đặc biệt như Scarborough Bluffs, Cheltenham Badlands, Niagara Escarpment, bây giờ đến xem các lỗ băng (glacial potholes) trong Khu Bảo Tồn Rockwood rộng 194 mẫu Anh này để khám phá thêm một điều mới mẻ và có dịp nối kết với thiên nhiên. Tài liệu nói mỗi năm có khoảng 75.000 lượt du khách đến Khu Bảo Tồn Rockwood; vậy là năm nay trong số đó có chúng tôi và biết đâu chúng tôi còn trở lại vào mùa thu nữa.
Lần đầu tiên đặt chân đến đây, trông thấy di tích này, chúng tôi trầm trồ thích thú. Tôi tự nghĩ “Vậy mà hồi nào tới giờ mình không biết”. Giá như biết sớm, tôi đã đến đây cắm lều ở qua đêm. Những ai ở Toronto và thích các sinh hoạt ngoài trời thì đây quả là một nơi lý tưởng. Vùng Bảo Tồn Rockwood có tổng cộng hơn 300 điểm dựng lều, mỗi điểm giới hạn 6 người. Bốn khu vực cắm trại ẩn khuất dưới bóng cây, có các tiện nghi nhà vệ sinh, nhà tắm, picnic, nhà trú mưa, vườn chơi, bãi tắm, chèo thuyền và đường mòn thám hiểm dọc bờ sông.
Dùng di tích xưởng dệt len Harris làm bối cảnh cho các đám cưới thì quá tốt. Mùa thu ở đây chắc còn đẹp hơn.
Người đầu tiên đến định cư tại làng Rockwood là John Harris. Đến đây năm 1821, ông xây dựng một căn nhà nhỏ và một nhà máy cưa. Vợ chồng John&Jane Harris có sáu người con trai và một người con gái nuôi.
Năm 1867, trùng hợp với ngày sinh của đất nước Canada, ba người con trai lớn của họ là Richard, Thomas và Joseph Harris cùng người con rể kết hợp với nhau để thành lập một xưởng dệt len tên Rockwood Woolen Mills. Danh hiệu này có tiếng về phẩm chất. Họ quảng cáo trên các báo, kêu gọi nông dân địa phương mang lông cừu đến nhà máy của họ để đổi lấy len đã dệt xong. Họ bán ra các sản phẩm dệt như chăn mền, khăn trải giường cũng như y phục mặc lót và vải tuýt. Họ cũng bán ra bông vải đã tẩy trắng và tơ sợi.
Sự ổn định lập nghiệp của Harris ở đây đã thu hút và dẫn theo sự phát triển của các nhà máy và các ngành nghề khác như nhà máy xay bột, ván gỗ, dệt len và lúa mạch. Các nhà máy này xây sau bằng đá vôi mua từ lò khai thác đá vôi của Henry Strange làm chủ. Chính vì vậy mà thị trấn Rockwood từng được gọi lóng là Strange’s Mills.
Nhà máy Harris nguyên thủy xây bằng gỗ và bị cháy năm 1880. Anh em Harris xây lại bằng đá vôi xong vào năm 1884. Trên bức tường chính cao nhất có khắc ghi để tưởng nhớ năm xây dựng ban đầu 1867 và năm xây lại 1884.
Các di tích của nhà máy đã được Cơ Quan Bảo Tồn làm cho vững chắc thêm bằng một lớp bê tông dọc theo mép trên của mỗi bức tường. Biện pháp này nhằm ngăn nước mưa và tuyết thấm xuống khiến gạch đá có thể tróc ra; đồng thời cũng ngăn những vụ phá phách làm hư hỏng cấu trúc của di tích.
Lúc mới thành lập, nhà máy Harris dùng nguồn năng lực từ đập nước, kế tiếp là hơi nước và sau cùng là điện lực trưóc khi ngưng hoạt động.
Trong suốt chiều dài thời gian hoạt động hơn nửa thế kỷ (1867-1925) nhà máy Harris & Co. Rockwood Woolen Mill đạt cao điểm sản xuất trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất là lúc nhà máy phải hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày với 70 nhân công để sản xuất cho kịp chăn mền cung cấp cho quân đội.
Cuối cùng, do sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà máy khác ở Toronto mạnh hơn, tân tiến hơn trong ngành doanh nghiệp sản xuất len, Harris Woolen Mills đành phải ngưng hoạt động và đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1925. Sau đó, nhận thấy lợi điểm thiên nhiên tốt của vùng này, gia đình Harris đã sửa sang và biến nhà máy thành một nơi giải trí nghỉ ngơi cho du khách gồm các hoạt động chèo thuyền, câu cá, thám hiểm. Riêng khu công viên có hơn hai trăm lỗ hang đủ cỡ và hàng trăm lỗ hang khác rải rác vùng lân cận dọc theo sông Eramosa.
Một vài lỗ hang dài sâu tới 200 feet, trong đó có một cái được gọi là Devil’s Kettle. Lỗ hang này dọc theo con sông cho thấy dấu vết nơi đá đã bị mòn thành một vòng tròn lớn một nửa bên trên và một nửa bên dưới mực nước hiện nay.
Gia đình Harris gọi vườn giải trí tư nhân của họ là “Hi-Pot-Lo Park” và nó từng trở thành một điểm giải trí phổ biến trong một thời.
Để bảo đảm việc bảo tồn thiên nhiên, chính quyền đã mua lại bất động sản này năm 1959 và biến nó trở thành Khu Bảo Tồn Rockwood.
Đêm Halloween năm 1967, nhà máy bị thiệt hại nặng trong một vụ hỏa hoạn, chỉ còn trơ lại những bức tường đá. Thẩm định sự thiệt hại, các kỹ sư thanh tra khuyến cáo công viên phải đóng cửa vì lý do an toàn. Cơ quan Bảo Tồn của nhà nước phải tốn gần một triệu đồng để tu bổ sửa sang lại di tích này cho kiên cố và mở cửa công viên lại cho dân chúng và du khách. Chính phủ Liên Bang tài trợ $750,000, Cơ quan Bảo tồn Grand River bỏ ra $50,000 và Nhà quàn Gilbert MacIntyre & Son Funeral Home ở thành phố Guelph hiến tặng $50,000.
Suối 14 năm qua cho đến ngày nay, nhà quàn Gilbert MacIntyre & Son vẫn còn tiếp tục hỗ trợ cho công viên bằng cách thiết lập đường mòn tưởng niệm Memorial Trail, đặt băng ghế ngồi, xây rào cản an toàn sát mé sông dọc đường mòn, đài thọ chi phí bảo trì. Theo sự thỏa thuận, nhà quàn thay mặt gia đình mỗi người quá cố tặng $50 cho Khu Bảo Tồn.
Chúng tôi tò mò dừng lại đọc tên các thân chủ quá cố của nhà quàn theo từng năm trên các bảng dựng nơi khu tưởng niệm cạnh đường mòn. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy có một số tên Việt; chừng đó mới chợt nghĩ người Việt tha hương đã hơn bốn mươi năm rồi còn gì thì ở đâu mà chẳng có xương cốt bỏ lại.
1. Bảng thông tin về lịch sử của nhà máy dệt len Harris ở Rockwood
2. Khúc sông Eramosa phình rộng như một cái hồ có bãi tắm về cuối phía nam của công viên
3. Tác giả chân yếu đang ngồi bẹp dưới đất để chụp ảnh cho vững
4. Sương sớm là đà trên mặt sông. Mặt trời lên cao, nắng ấm làm cho màn sương trên mặt nước tan loãng rất nhanh rồi biến mất. Ghềnh đá vôi nhô cao trên mặt nước trông như một con tàu kỳ lạ.
5. Một nhóm du khách cắm trại ngủ qua đêm ở đây, sáng sớm ra bờ hồ tập thể dục thực hành tài chí, soi bóng trên mặt nước lung linh gợn sóng.
6. Ba người bạn nhiếp ảnh đứng nơi di tích Rockwood Woolen Mills: Lực Trần, Lương Anh Vũ và Chiêu Ấn (chân yếu nên ngồi cho khỏe)
7. Bức tường cao nhất có ghi năm 1884 là năm hoàn tất việc xây lại nhà máy bằng đá vôi
8. NAG Lực Trần đang ở vị thế sát đất để hướng máy lên bầu trời chụp tấm ảnh bên trên.
9. Vách đá có nhiều ô cửa sổ rất rộng
PH-HCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét