Giáo xứ Phú Yên tiếp tục xuống đường đòi lại môi trường biển sạch - Thực Hiện Bureau CTM Media Mỹ Châu -
PHÚ YÊN (CTM Media) – Sáng nay, ngày 21 Tháng 8, 2016 Linh Mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Phú Yên, Giáo hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh đã chủ tế Thánh lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho môi trường biển Miền Trung đang bị đầu độc do công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra, và cầu nguyện cho công việc làm ăn của ngư dân.<!>
Để tiếp lửa cho phong trào đấu tranh đòi hỏi những quyền chính đáng của người dân, sau Thánh lễ, khoảng 1000 người dân Phú Yên tiếp tục xuống đường đòi hỏi sự minh bạch thông tin trong việc quản lý và điều hành đất nước do đảng cộng sảng độc tài cai trị. Đoàn người xuống đường đòi chính quyền Việt Nam phải đóng cửa công ty Formosa, bắt Formosa phải bồi thường thỏa đáng những thiệt hại đã gây ra cho dân tộc Việt Nam và phải trả lại môi trường biển trong lành cho dân tộc Việt Nam.
Người dân hô to: “Formosa – Cút! Cút! Cút!” , “Đường Lưỡi Bò – Cắt! Cắt! Cắt!”; và cầm băng rôn với những khẩu hiệu như: “500 triệu đô không đủ mua quan tài cho dân Việt”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền, nhân dân nhận thảm họa”, “Bộ Tài Nguyên Môi Trường giày xéo môi trường”…
Bạn Tuyết chia sẻ: “Người dân ở chỗ em đã khổ rồi, các vùng bị chịu thiệt hại trực tiếp còn khổ hơn. Chúng em xuống đường tuần hành để nói lên chính kiến của mình, yêu cầu chính phủ phải minh bạch thông tin, chúng ta phải hành động. Nếu mình cứ im lặng không hành động gì thì Biển Đông sẽ chết mất.”
Pháp, một người bạn trẻ đến từ xứ khác tâm tình: “Em nghe tin trên mạng tuần nào người dân giáo xứ Phú Yên cũng tổ chức xuống đường tuần hành, kêu gọi đóng của Formosa. Em thấy con người Phú Yên thật tuyệt vời, mong sao có thêm nhiều xứ khác nữa giống Phú Yên.”
Nhật gởi công hàm phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải
TOKYO (CTM Media)- Ngày 21 Tháng Tám, 2016, truyền thông Nhật loan tin cho biết Bộ Ngoại Giao Nhật đã gởi một công hàm đến sứ quán Bắc Kinh tại Tokyo để phản đối việc 4 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật ở Biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Sensaku (Điếu Ngư).
Được biết gần hai tuần trước (09/08/2016), Bộ Ngoại Giao Nhật đã gọi Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến để kháng nghị về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo bảo vệ cho gần 300 tàu cá của họ xâm nhập hải phận Nhật.
Sau khi rời khỏi Bộ Ngoại Giao Nhật, Đại sứ Trình Vĩnh Hoa họp báo nói rằng quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) thuộc chủ quyền của Trung Quốc nên không thể gọi là đã xâm phạm lãnh hải của Nhật.
Đại sứ họ Trình còn cảnh cáo rằng nếu Tokyo đưa tàu chiến tham gia việc đi tuần chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông thì có chuyện gì không tốt xảy ra sau này là Nhật Bản sẽ lãnh đủ. Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ về vấn đề chủ quyền và không sợ những khiêu khích quân sự.
Bộ Trưởng Tự Vệ Nhật, bà Inada Tomomi, trả lời cho Đại sứ Trung Quốc biết Nhật có kế hoạch đi hành quân ở Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải cho tàu bè Nhật, không có kế hoạch đi hành quân chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông, nhưng trên đường hành quân nếu thấy tàu chiến Hoa Kỳ bị tấn công thì hải quân Nhật phải tiếp viện.
Nữ Bộ Trưởng Inada cũng đã chỉ trích Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng vũ lực quân sự.
Nhật Bản hiện đại hóa vũ khí để ngăn Trung Quốc ở Biển Hoa Đông
Trọng Nghĩa Đăng ngày 19-08-2016
Quân nhân Nhật Bản canh gác một hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 địa đối không, đặt tại bộ Quốc Phòng Nhật Bản, Tokyo. Ảnh chụp ngày 07/12/2012.REUTERS/Issei Kato
Vào năm 2017, ngân sách quốc phòng Nhật Bản có khả năng vượt mức 51 tỷ đô la. Một phần không nhỏ của ngân sách được dùng cho việc nâng cấp kho vũ khí.
Để giải thích cho việc này, Tokyo thường nhấn mạnh đến mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ các khoản chi dự trù - được báo chí Nhật ngày 19/08/2016 tiết lộ - giới quan sát có thể nhận ra ngay phần lớn đều nhằm đối phó với Trung Quốc, vẫn hung hăng đe dọa Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Điểm nổi bật nhất trong kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí của Nhật Bản trong thời gian tới đây là quyết tâm chế tạo một loại chiến đấu cơ không người lái trong vòng 20 năm sắp tới, theo hai bước : 10 năm đầu hoàn thanh kiểu máy bay trinh sát không người lái, và 10 năm sau đó, chuyển qua việc phát triển một chiến đấu cơ không người lái.
Đó tuy nhiên là hướng lâu dài. Còn trước mắt, quốc phòng Nhật Bản phải quan tâm đến hai nhân tố Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Mục tiêu đối phó với hiểm họa đến từ Bắc Triều Tiên được thể hiện rõ qua dự kiến chi khoảng 1 tỷ đô la (100 tỷ yen) để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3, cho phép mở rộng gấp đôi tầm hoạt động của hệ thống này lên thành hơn 30 km.
Điều này cần phải được mau chóng tiến hành nhằm đối phó với việc Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa gần đây, và đã khoe rằng họ đã thu nhỏ thành công đầu đạn nguyên tử.
Nhân tố Bắc Triều Tiên cũng thể hiện rõ trong khoản chi tiêu dành cho việc sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 do Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển để có thể bắn hạ tên lửa của đối phương ở tầm cao hơn.
Đáng chú ý hơn cả tuy nhiên lại là những khoản chi nhằm chống Trung Quốc.
Nhật báo Yomiuri đầu tuần này đã tiết lộ việc Tokyo sẽ cho chế tạo một loại tên lửa địa đối hải, có tầm bắn 300 km nhằm tăng cường việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi ở phía nam, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông đã bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Trong kế hoạch chi tiêu được báo chí tiết lộ ngày 19/08, Tokyo cũng sẽ dành một khoản ngân sách lớn cho việc mua phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ tàng hình F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo.
Việc tăng cường hiệu năng của lực lượng không quân rất cần thiết trong bồi cảnh trong thời gian gần đây, Bắc Kinh không ngần ngại pho trương uy lực không quân của họ trên Biển Đông, đồng thời cho phi cơ thâm nhập vùng không phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hay áp sát không phận Nhật Bản.
Trên bộ, ngân sách mới của Nhật Bản cũng sẽ chú ý đến việc tăng cường năng lực cho lực lượng tuần duyên tại khu vực quần đảo Miyakojima và Amami Oshima ở phía Nam, mục tiêu cũng nhằm đối phó với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Philippines nhận 10 tàu tuần duyên đầu tiên của Nhật để tăng cường an ninh
19.08.2016
Philippines gần đây muốn tăng cường quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Nhật Bản để đối phó với nước láng giềng khổng lồ trong khu vực là Trung Quốc.
Philippines vừa nhận được 10 tàu tuần duyên của Nhật Bản vào hôm thứ Năm, 18/8 khi hai nước tăng cường quan hệ an ninh nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.
AFP dẫn thông báo của lực lượng tuần duyên Philippines cho biết tàu BRP Tubbataha dài 44 met đã đến Manila và sẽ được sử dụng trong việc tìm kiếm và cứu hộ, thực thi luật pháp và các mục đích vận chuyển.
Thông báo của lực lượng tuần duyên Philippines không nói rõ các tàu này sẽ được bố trí ở đâu.
Đây là 10 tàu tuần duyên đầu tiên của Philippines được làm tại Nhật Bản với tiền viện trợ của nước này, trong bối cảnh hai cựu thù trong chiến tranh thế giới II tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng ở Biển Đông.
Nhật Bản, nước đứng đầu về viện trợ phát triển cho Philippines, cho biết trong tháng này là sẽ cung cấp cho Manila thêm hai tàu tuần tra bổ sung, và cũng đã thảo luận về khả năng cho thuê phi cơ giám sát.
Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp kéo dài về chủ quyền trên hòn đảo hoang nhỏ ở Biển Hoa Đông, trong khi Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Philippines gần đây muốn tăng cường các mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Nhật Bản cũng như các đồng minh truyền thống như Hoa Kỳ và Úc trong nỗ lực tăng cường khả năng chống lại nước láng giềng khổng lồ trong khu vực là Trung Quốc.
Lực lượng tuần duyên và quân đội của Philippines nằm trong số những lực lượng yếu nhất trong khu vực.
Nhật Bản gần đây cũng tăng cường quan hệ với Việt Nam và hứa hẹn sẽ giúp đỡ cho lực lượng tuần duyên Việt Nam qua huấn luyện, cung cấp tàu thuyền và các thiết bị khác.
Phát ngôn viên Lực lượng tuần duyên Philippines Armand Balilo cho biết lực lượng này sẽ được mở rộng trong hai năm tới với việc tuyển dụng thêm 6.000 người và mua thêm tàu thuyền và máy bay từ Hoa Kỳ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.
Theo Reuters, AFP, Bangkokpost.com
Sau biển Đông, Trung Quốc tập trận ở biển Hoa Đông
21.08.2016
Một cuộc tập trận với sự tham gia của hải quân Trung Quốc trên biển Hoa Đông năm 2014.
Hải quân Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận “đối đầu” ở biển Hoa Đông, trong một phần của các cuộc thao dượt thường lệ.
Theo truyền thông Trung Quốc, các cuộc thao dượt diễn ra hôm 18/8 trong bối cảnh hải quân nước này muốn tăng cường sức mạnh ở vùng biển cách xa duyên hải Trung Quốc.
Nhật báo Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc hôm 19/8 không cho biết vị trí cụ thể nơi diễn ra cuộc tập trận mà chỉ nói rằng nó diễn ra ở biển Hoa Đông.
Tờ này đưa tin rằng một số tàu bè tham gia cuộc tập trận đang trên đường trở về nước sau khi tham dự một cuộc diễn tập ở Hawaii do Mỹ tổ chức. Đây là lần thứ hai Bắc Kinh tham gia cuộc thao dượt quy mô lớn này.
Cuộc diễn tập ở biển Hoa Đông, theo tờ báo, có phần “đối đầu” với kẻ thù với cuộc tổng tấn công của tàu chiến và không lực của hải quân Trung Quốc.
Sự kiện trên diễn ra trong khi tình hình biển Hoa Đông đang nóng lên sau khi Nhật phản đối việc tàu thuyền Trung Quốc tới gần quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Trước đó, Trung Quốc kết thúc một cuộc tập trận gần Hoàng Sa trên biển Đông một ngày trước khi Tòa ở La Haye, Hà Lan, công bố phán quyết hôm 12/7.
Sau đó, hôm 28/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ thao dượt hải quân với Nga ở biển Đông vào tháng Chín tới nhằm củng cố “mối quan hệ hợp tác chiến lược” giữa hai nước.
Phát ngôn viên của Bộ này nói thêm rằng đây là cuộc diễn tập “thường lệ” và nó “không nhắm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào”.
Theo Japan Times, Yomiuri Shimbun, Reuters
Trẻ em bỏ học ở Quảng Bình
RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Câu chuyện trẻ em miền núi phía Tây Quảng Bình bỏ học đi làm thuê khắp nơi, thậm chí có nhiều em theo cha sang tận Trung Quốc để làm thuê tuy chưa phải là câu chuyện nổi cộm của báo chí trong nước hiện nay. Nhưng có vẻ như vấn đề đang ngày càng trầm trọng hơn khi cha mẹ xem việc con cái bỏ học làm thuê là chuyện bình thường. Trong đó, những người này ở miền núi nhưng nguyên nhân lại do biển gây ra. Đó là một câu chuyện đáng lo.
Bỏ học, chuyện bình thường?
Bà Phúc, sống ở Bố Trạch, Quảng Bình, chia sẻ: “Trẻ con bỏ học nhiều, miền núi thì nhiều hơn miền biển. Những vùng đồng bằng như Hoàn Lão, Đại Trạch, Hoàn Trạch – Quảng Bình thì bỏ học ít. Nhưng những vùng ven biển như Nhân Trạch, Tây Trạch, rồi Minh Hóa, Tuyên Hóa cũng bỏ học nhiều. Bỏ qua Trung Quốc để làm, chưa đủ tuổi nên băng rừng để đi. Mỗi tháng cũng được bảy triệu, tám triệu, mỗi ngày làm 16 đến 17 tiếng đồng hồ.
- Trẻ em Làng Na, bên sông Son Quảng Bình. Ảnh: RFA
Bà Phúc cho biết trong số năm đứa con của bà, đã có hai đứa bỏ học, một đứa theo cha đi làm bên Lào được nửa tháng thì hết việc, lại quay về quê và tìm đường sang Trung Quốc để làm thuê. Thời gian gần đây, nghe tin Trung Quốc có nạn buôn người, mổ nội tạng, bà rất lo sợ. Nhưng hiện nay chồng và con trai của bà vẫn chưa chịu về nhà, dù bà có khuyên gì họ vẫn ở lại để làm việc. Bởi theo như chồng bà nói thì về quê lấy gì để sống, một mảnh vườn nhỏ với vài chục gốc ổi, vài gốc mít thì không đủ để mua gạo chứ đừng nói tới mua thức ăn.
Khoảng 45% trẻ em ở đây đều bỏ học hết, nghỉ lớp 9. Người thì vào Nam làm, hoặc ở nhà phụ mẹ, hoặc đi xuất khẩu lao động chui rứa đó. Dân ở đây xuống dưới biển làm thuê cũng nhiều!
- Một cô bé tên Lê
Tình trạng thiếu lương thực có tính xâu chuỗi của phần đông người lao động trên khắp tỉnh Quảng Bình kể từ khi biển chết, hải sản chết đã lây lan đến miền núi. Trước đây bà Phúc đi buôn hải sản nhỏ lẻ. Sáng bà dậy từ ba giờ sáng và chạy xe máy xuống bến cá ở Nhật Lệ để mua cá về bán lại ở các chợ Bố Trạch. Mỗi ngày bà Phúc kiếm được từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với gia đình bà cũng như nhiều gia đình vùng núi khác giống gia đình bà.
Thế nhưng từ khi biển bị nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt, cùng chung tình trạng với bà Phúc là các ngư dân đánh cá thuê, những người bán quán thuê từ Bố Trạch xuống Nhật Lệ, Quảng Trạch làm việc đều thất nghiệp. Nhưng gia đình bà Phúc và các ngư dân đánh cá thuê, người đi làm thuê đều không thuộc diện cứu trợ của nhà nước nên cũng chẳng nhận được ký gạo hay lít dầu ăn nào sau ba tháng thất nghiệp. Chính vì vậy mà phần lớn trẻ em gia đình ngư dân phải bỏ học, trốn sang Lào hoặc Trung Quốc để làm thuê.
Chị Yến, hiện sống tại Phong Nha, Kẻ Bàng, chia sẻ: “Vác gỗ thì cực lắm, vác trên vai cả ngày. Cơm thì mình mang theo, cơm mè cơm muối gì đó. Như sức đàn ông thì làm được chứ như sức tui thì không làm nổi. Như đàn bà mình đây thì chỉ có cầm rựa mà phát mấy rừng gần đây thôi.”
Chị Yến cho biết thêm, hiện nay, đàn ông trong làng đã đi làm thuê tứ xứ, những ai còn ở nhà thì đi lên rừng vác gỗ thuê, tìm gỗ sưa đỏ để bán. Chuyện đi tìm gỗ sưa đỏ cũng giống như đi tìm trầm, có khi cả tháng trời lòng vòng trong rừng chỉ tìm được vài que rễ, gọi là đầu cánh cổ, mang về bán chưa tới một triệu đồng. Tính ra, số tiền một triệu đồng chưa đủ cho một nửa số ngày công để đi tìm. Nhưng việc tìm gỗ sưa cũng giống như là đi cầu hên xui may rủi nên người ta vẫn cứ mãi miết đi tìm, biết đâu trong một ngày đẹp trời nào đó lại được đổi đời.
Chị Yến cho biết thêm là cả làng Na, nơi chị đang sống, có cả hơn một ngàn người đi tìm gỗ sưa đỏ, còn gọi là gỗ huỳnh đàn, trong đó chỉ có hai người là trúng đậm và xây nhà cửa đàng hoàng, số còn lại vẫn tiếp tục cầu may trong suốt nhiều năm nay, nhà cửa tuềnh toàng, con cái học hành dang dở vì kinh tế bất ổn.
- Một bé gái bán hàng lưu niệm ở khu mua vé tham quan Phong Nha Kẻ Bàng. Ảnh: RFA
Và để duy trì việc tìm gỗ sưa, các đàn ông, trai tráng trong làng Na chấp nhận đi vác gỗ thuê cho lâm tặc. Mỗi khúc gỗ nặng từ 50 đến 70 kg được thuê vác từ đỉnh núi xuống tới nơi tập kết tốn chừng một ngày và một đêm. Người vác gỗ phải tự mang theo cơm mo, cơm nắm để ăn. Và nhận được số tiền là 70 ngàn đồng. Hai mươi bốn giờ vác gỗ, lăn gỗ và kéo gỗ xuống dốc núi, nhận được 70 ngàn đồng là con số quá nhỏ nhoi, chỉ bằng 25% tiền công lao động dưới đồng bằng nhưng người ta vẫn chấp nhận làm với hi vọng trên đường đi sẽ phát hiện ra một khúc gỗ sưa đỏ qui cách, bán ra thị trường với giá 40 triệu đồng trên một ký lô và được đổi đời.
Nhưng, con số đổi đời thì quá nhỏ mà con số ê chề, thất nghiệp, đói khổ và con cái bỏ học là con số phổ biến, và dường như người dân nơi đây vẫn chưa tìm được lối ra. Nhất là trong thời gian biển nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt khiến cho việc kiếm cơm của mọi gia đình từ miền biển đến miền núi càng thêm khó khăn, cạn kiệt hơn.
Và khi kinh tế gia đình quá khó khăn, việc nộp phí học tập cho con cái trở thành gánh nặng không thể kham nổi, nhất là chi phí cho việc học thêm, học kèm để đuổi kịp bạn bè… Hầu hết các gia đình có con bỏ học đều xem đó là chuyện bình thường, chuyện bỏ học của con cái giống như vứt bớt một gánh nặng cho gia đình.
Trẻ em nói gì?
Một cô bé tên Lê, bỏ học trước thi học kì năm học 2015 – 2016 vừa rồi, chia sẻ: “Khoảng 45% trẻ em ở đây đều bỏ học hết, nghỉ lớp 9. Người thì vào Nam làm, hoặc ở nhà phụ mẹ, hoặc đi xuất khẩu lao động chui rứa đó. Dân ở đây xuống dưới biển làm thuê cũng nhiều!”
Lê cho biết thêm là em cũng chưa biết sau khi nghỉ học sẽ làm gì. Ở trường, em thuộc diện học sinh khá, tuy học phí không cao lắm nhưng bù vào đó tiền học thêm, thời gian đi học thêm khiến em chẳng còn thời gian để phụ giúp gia đình. Trong ba tháng nay, kinh tế gia đình em khó khăn vì cha không đi biển nữa, mẹ cũng không đi buôn cá dưới biển về nên em không dám xin tiền nộp học thêm. Hiện tại, sau khi nghỉ học, em đi buôn trái cây, mỗi sáng em vào vườn mua các loại trái như mít, xoài, ổi, dứa rồi tự hái, tự mang ra tuyến đường du lịch nối với Phong Nha để bán.
Trung bình mỗi ngày kiếm được từ một trăm đến một trăm rưỡi ngàn tiền lãi, số tiền này em giúp đỡ được cho gia đình rất nhiều. Khi nghe chúng tôi hỏi về dự tính tương lai, Lê cho biết là chưa có dự tính gì cả vì tương lai là thứ rất đau đầu đối với em. Nhưng em đang lo là mùa mưa sắp tới, làm sao để bán được trái cây và trèo cây. Vì để kiếm được lãi, mỗi ngày em phải tự trèo lên cây để hái từ năm đến mười trái mít, nếu trời mưa thì việc này rất khó.
Khi nghe chúng tôi hỏi thêm là số bạn bỏ học giống như em ở đây có nhiều không, em lắc đầu nói rằng cũng không nhiều lắm đâu, chỉ vài chục đứa thôi! Nghe đến đây, chúng tôi chỉ biết im lặng. Và cũng chẳng dám cầu chúc gì cho em bởi cả em và chúng tôi đang sống trên một đất nước quá khó khăn, trong khi đó, nhiều kẻ ăn không hết lại có nhiều người làm cả đời cũng không ra!
Những phát súng từ Yên Bái
Phạm Nhật Bình
Cho đến nay, câu chuyện một Chi cục trưởng Kiểm lâm dùng súng được nhà nước cấp, hạ sát cùng lúc hai viên chức cao cấp nhất của tỉnh Yên Bái vẫn còn là đề tài nóng cho dư luận bàn tán xôn xao. Chính nhân vật đang giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bà Thanh Trà cũng phải thú nhận trong cuộc họp báo: “Đây là vụ việc rúng động chưa từng xảy ra ở đất nước chúng ta.”
Sự kiện cán bộ kiểm lâm bắn chết Bí thư Tỉnh và Trưởng ban Tổ Chức tỉnh cũng đã làm trung ương đảng CSVN chấn động. Vì đây gần như là lần đầu tiên diễn ra cuộc nổ súng giữa những cán bộ cấp cao của một tỉnh. Nó không chỉ nghiêm trọng về mức độ giết người lạnh lùng mà còn nghiêm trọng ở chỗ cho thấy cuộc đấu đá quyền lực của nội bộ đảng CSVN đang tới hồi gay cấn nhất, phải giải quyết bằng vũ lực.
Với cái chết của Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ban Tổ chức tỉnh, hai nhân vật quyền lực nhất về nhân sự trong cấp ủy, cho thấy 3 điều có thể xảy ra sau đây chung quanh nhân vật được cho là nghi can trong vụ thảm sát nội bộ.
Thứ nhất, Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh trong quá khứ đã bị cấp trên chèn ép về trách vụ, có thể bị cách chức vì không làm hài lòng cấp trên. Có nghĩa là có mâu thuẫn về quyền lợi từ lâu trong việc làm ăn chia chác giữa Minh và những tay đầu não trong tỉnh. Cũng có dư luận cho rằng một phần do công tác tổ chức cán bộ, việc sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp làm một khiến Minh bị bất lợi trong chức vụ dẫn tới phẫn uất và tìm cách thanh toán hai xếp lớn.
- Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh (giữa) nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường (trái) và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn (phải).
Thứ hai, do chức vụ của mình trong ngành lâm nghiệp, Minh có dính líu đến những băng nhóm phá rừng, buôn bán gỗ lậu bị tỉnh khám phá. Ai cũng biết, đa số nhân viên kiểm lâm từ trước đến nay không những chỉ có nhiệm vụ gìn giữ rừng mà bên trong còn thông đồng với “lâm tặc” để cùng nhau tàn phá rừng, ăn chia trên từng thước khối gỗ. Lâm tặc không thể hoành hành nếu không có thông đồng và bao che của lực lượng kiểm lâm và các viên chức đứng đầu tỉnh. Có thể ông Minh lem nhem tiền bạc, hay ăn chia không đồng đều với cấp trên nên khi bị đe dọa truy tố, mất chức Minh đã ra tay trước. Một tỉnh giàu về lâm sản như Yên Bái là mảnh đất màu mỡ để những người nắm quyền lực dễ dàng thực hiện hai chữ đầu của câu nói “tiền rừng, bạc biển”… Đó cũng là lý do để các phe phái tranh giành nhau quyết liệt nhất.
Thứ ba, tuy là một tỉnh miền núi nhưng bộ máy cầm quyền không khác trung ương, cũng năm bè bảy mối chia chác quyền lợi để một phần bỏ túi riêng, một phần phục vụ cấp cao hơn. Có thể ở đây, trong cấp ủy đảng Yên Bái, chi cục trưởng nằm trong một băng nhóm làm ăn khác với băng Bí Thư. Mặc dù làm ăn bất chánh nhưng hai bên cũng đã có sự tranh chấp quyền lợi công khai hoặc ngấm ngầm trong nhiều năm. Sự tranh chấp ấy đến nay không còn đường giải quyết theo cách thông thường nên cuối cùng ông Chi Cục Trưởng sợ bại lộ, phải giết Bí Thư và tự sát để cứu băng đảng của mình. Phải chăng cũng chính vì vậy mà ngay sau khi nội vụ xảy ra, đích thân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải về tận Yên Bái để trấn an cán bộ và kêu gọi đoàn kết.
Nhưng đây cũng chưa phải là lần đầu tiên súng đạn được dùng đến trong bối cảnh một đất nước có quá nhiều bất công và nạn cướp bóc trắng trợn của của chế độ. Hơn một lần nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đã nổ súng vào đoàn quân cưỡng chế của chính quyền địa phương và anh Đặng Ngọc Viết bắn 5 cán bộ nhà đất tại Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Thái Bình. Nay đến phiên chính những người cộng sản thanh toán lẫn nhau.
Cho dù điều nào xảy ra, cái chết của 3 cán bộ đảng tại Yên Bái đã báo hiệu hai điều:
- Cuộc chiến nội bộ mà ông Trọng đang cảnh báo là một cuộc chiến có thật chứ không chỉ là những vụ tham ô nhũng lạm bình thường như trước đây. Ngay trong thời gian diễn ra Đại Hội 12, những cuộc đấu đá không khoan nhượng trên thượng tầng lãnh đạo giữa một bên là phe Nguyễn Phú Trọng một bên là phe Nguyễn Tấn Dũng để giành giật quyền lực đã diễn ra không che đậy và là một đề tài được bàn tán công khai. Sau khi đại hội kết thúc, với thắng lợi về phe Trọng, nay cuộc chiến ấy đang từ từ lan tới các địa phương. Chắc chắn nó sẽ tạo ra những mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ các cấp ủy và sẽ làm đảng tan rã từng phần.
- Hiện nay, cuộc chiến ấy không còn mang tính chất phân hóa nội bộ mà đã chuyển sang thế đối đầu một mất một còn giữa các phe. Mâu thuẫn lợi ích nhóm đang làm bùng nổ những cuộc thanh toán ngấm ngầm hoặc công khai, điển hình như các cuộc đấu tố khai mào đối với Trịnh Xuân Thanh và hai cha con Vũ Huy Hoàng, Vũ Quang Hải. Lợi ích càng to mâu thuẫn càng lớn và các cuộc thanh trừng càng dữ dội, quyết liệt. Đảng viên công khai hạ sát cấp ủy đảng để giải quyết mâu thuẫn cho thấy đã đến lúc cái gọi là "tình đồng chí" nay trở thành mối hận thù không đội trời chung dù được phủ dưới lớp một sơn bóng bảy.
Những phát súng từ Yên Bái vừa qua trong văn phòng đảng ủy, chính là tiếng súng báo hiệu cuộc nội chiến không còn đơn thuần là sự kèn cựa quyền lực mà đã chuyển sang thế đối đầu bạo lực khi không còn có thể tiếp tục “cộng sinh.”
Câu chuyện cái giường
Phạm Nhật Bình
Hình ảnh cường hào ác bá nông thôn tưởng đâu đã khép lại sau khi Việt Nam chấm dứt thời kỳ đen tối dưới ách thực dân phong kiến để bước vào thời kỳ mà người cộng sản tự hào gọi là độc lập tự do hạnh phúc. Nhưng cũng chính trong thời kỳ phong kiến mới này, nông thôn Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp cường hào đỏ còn tàn ác gấp nhiều lần, do đảng CSVN sản sinh ra. Dựa vào thế lực bao trùm của sự độc quyền và nhân danh giai cấp, chúng tha hồ tung hoành, coi người dân như cỏ rác hay chỉ là những đối tượng bị trị để chúng vơ vét.
Nhớ lại vào năm 1987, bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của tác giả Phùng Gia Lộc mô tả cảnh cường hào đỏ đạp đổ chiếc quan tài để tìm thu cho được “hơn một tạ thóc thiếu thuế” một thời làm dư luận xôn xao.
Mọi sự đã chìm vào quên lãng trong đêm dài tối tăm năm ấy ở xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Thì nay, bài báo “Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa” của báo Trí Thức Trẻ cho thấy chiếc giường ngủ của một cặp vợ chồng nông dân bị đoàn sai nha, cán bộ xã thôn đến nhà tháo dỡ để “tận thu” các khoản đóng góp còn thiếu. Cảnh tượng vừa bi hài vừa chua xót ấy đã diễn ra ở làng Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống.
Câu chuyện tuy đã xảy ra vào năm 2010 và nay được nhắc lại; nhưng bản tin đã làm cho mọi người kinh ngạc.
Kinh ngạc vì nó xảy ra vào năm 2010 ở ngay đầu thế kỷ này, lúc mà những người cộng sản đang khoe khoang những thành tựu vĩ đại sau 30 năm đổi mới. Nó cho thấy một thực tế đầy mâu thuẫn, bên cạnh những lâu đài tráng lệ, hào nhoáng ở thành thị, xã hội Việt Nam; nhất là vùng nông thôn không có một chút gì gọi là thay đổi hay tiến bộ. Mà còn có thể nói là đang thụt lùi lại thời quan lại, cường hào ác bá thuở xa xưa.
Trong thời gian mấy năm gần đây, với sự làm ngơ của chính quyền cấp trên, các xã, thôn thi nhau tự ý đặt ra những khoản thu vừa phi lý vừa tùy tiện. Chúng núp sau danh nghĩa thuế và gọi đó là phí hoặc lệ phí để bắt người dân đóng góp. Ở xã Trường Sơn của chiếc giường bị cưỡng chế nói trên, có làng ngoài hàng chục khoản thu thông thường, còn có khoản thu Nông Thôn Mới liệt kê một sự đóng góp khó tin gọi là “Đóng góp nghĩa địa” 150 ngàn.
- Pa-nô quảng cáo cho dự án Nông Thôn Mới. Ảnh: Internet
Khoản này áp dụng chung cho mọi người trong làng, kể cả trẻ mới chào đời. Nếu nhà có 10 người già trẻ, hàng năm phải mất đi cho đóng góp nghĩa địa là 1 triệu 500 ngàn đồng. Thật là quái đản khi có loại chính quyền thời nay có thể nghĩ ra một khoản thu rùng rợn như thế. Và ba chữ Nông Thôn Mới, một chính sách thoạt nghe có vẻ đẹp đẻ do chế độ đặt ra lại là bức bình phong cho một sự vơ vét nhân danh công ích.
Người dân nông thôn trong hoàn cảnh thấp cổ bé miệng, bị làng xã o ép tận cùng đành cam tâm tuân theo luật lệ của kẻ mạnh. Khi không hoàn thành được nghĩa vụ thì không những giường chiếu mà cả bàn thờ tổ tiên cũng bị lôi về ủy ban xã nhưng dưới danh nghĩa người dân… tự nguyện.
Sự cam tâm ấy mới đây còn được một cuộc khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, ở TP.HCM nếu trước đây tiền đòi hối lộ trung bình 5,8 triệu đồng thì bị tố cáo. Đến năm 2015 người dân chỉ tố cáo khi mức tiền đòi hối lộ trung bình lên tới 34,8 triệu đồng. Con số trên cho thấy mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân đang ngày càng tăng lên khi tham nhũng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Ông Lê Như Tiến, một cựu đại biểu quốc hội, gọi đây là một hành động trấn lột người dân. Nhưng thiết nghĩ hai chữ trấn lột còn quá nhẹ và nhất là nó không nói lên hết được bản chất của chế độ này. Phải nói đây là một vụ CƯỚP mới đúng nghĩa.
Đây là bọn cướp ngày được sự tán trợ của đảng; chúng hành động dựa trên căn bản một chính quyền Ba Không: Không Lương Tri, Không Luật Pháp và Không Tình Nghĩa.
Không lương tri vì khi đã bị nhồi nhét lý thuyết Mác-Lê, người cộng sản mất đi sự hiểu biết đúng đắn sẵn có trong mỗi người, không đánh giá được sự phải trái, đúng sai trong hành động. Do đó dù dân đang đói lạnh, chiếc giường hay tạ thóc vẫn bị cưỡng chế, vì quyền lợi người dân phải chấp nhận hy sinh cho quyền lợi đảng.
Không luật pháp vì tuy chế độ được tiếng là có cả một rừng luật, nhưng cán bộ cầm quyền chỉ sử dụng “quan luật” mà thiếu hiểu biết “dân luật”. Vì vậy mới có cảnh đường ống nước Sông Đà bị vỡ 18 lần mà Tổng Giám Đốc Vinacomex được miễn trách nhiệm hình sự, còn hai thiếu niên “cướp” bánh mì vì đói thì lãnh án tù 10 tháng.
Không tình nghĩa vì khi đã nắm được quyền lực quá lớn trong tay, đảng viên tự coi mình là thành phần thượng phẩm và tách biệt với người dân, coi dân không còn là đồng bào của mình mà chỉ là thành phần đáng bị chà đạp. Ở nông thôn họ hành xử không khác cường hào ác bá ngày xưa, nhân danh đảng để hành hạ cướp bóc dân chúng bên dưới không nương tay.
Sau năm 1975, chiến dịch đánh “tư sản mại bản” tiến hành làm 3 đợt do Đỗ Mười trực tiếp chỉ huy được mô tả như là một chiến dịch cướp bóc trắng trợn và lớn lao nhất trong lịch sử đất nước, làm sụp đổ nhanh chóng toàn bộ hệ thống kinh tế thị trường của Miền Nam gầy dựng trong suốt 20 năm. Để rồi hơn 10 năm sau, khi kinh tế đứng bên bờ vực thẳm, đảng kêu gào đổi mới bằng cách quay lại với kinh tế thị trường.
Ngày nay, hình ảnh chiếc giường bị cưỡng chế cho thấy cả hệ thống cai trị của đảng CSVN thực chất là cái bướu hoại sinh vô cùng nguy hiểm. Nó đang hủy hoại tình người, tiêu diệt sức đề kháng của dân tộc, từng ngày biến tầng lớp đảng viên nắm quyền thành những tên cường hào đỏ từ trung ương đến địa phương mà người dân chỉ thẳng ra là lũ cướp ngày.
Để chấm dứt tai họa này cho người dân Việt, không có cách nào khác hơn là phải đánh đổ bọn CƯỚP NGÀY bằng nỗ lực thay đổi tận gốc rễ chế độ đang cầm quyền.
Thông Tin Đức Quốc - http://www.thongtinducquoc.de/node/2891
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét