Sáng Chúa nhựt, tự dưng thấy nhơ nhớ hương vị café và những bản nhạc vàng xa xưa, tôi bèn ghé lại quán ”Yếu Nhân vỉa hè” trong làng TPB. Chủ là một chàng Trâu Điên (TD2/TQLC), giờ đã chống đôi nạng gỗ!<!>
Vô tình ngồi cạnh một thầy giáo dạy Toán cấp Ba. Chú ấy (Thầy Ch., trước 75 còn nhỏ lắm) quay sang hỏi chuyện: – Hồi xưa anh có đi lính không? Lính gì, học ở đâu? v.v… Trả lời xong, chú hỏi tiếp: Anh còn nhớ cái Poncho ? Tại sao hồi đó “nhà binh ta” không trang bị cho lính cái áo mưa cài nút gọn gàng mà lại cấp phát miếng vải “cao su”to tướng, chính giữa khoét một lỗ chữ O, rồi gắn vào đó “cái túi xẻ hông”. Mặc vào, rộng thùng thình, ló cái đầu tròn tròn, nhìn y chang con bạch tuộc ?
Sau khi tôi giải thích sơ sơ về lai lịch và tính “đa năng” của nó. Ông thày này gật gù đắc ý nói:
Tuyệt quá! Sao chưa thấy ai viết gì để “tuyên dương công trạng” cho Nó nhỉ ? Từng là lính, Anh viết, kể đi ! Ít ra cũng có một người đang tò mò muốn đọc: Đó là … Em !
Tôi thấy ý kiến hay, nên khe khẽ gật đầu.
Thế là …
Tấm Poncho.
Ngày bước chân vào quân trường, khi được khoác lên mình bộ treillis, không ai còn lạ gì tấm poncho.
Nó chỉ là miếng vải ép nhựa hình chữ nhật. Vô tri, nhưng lại khá chung tình. Luôn gắn bó với anh lính tác chiến, bất kể ngày đêm, mưa nắng trong suốt cuộc đời.
Đâu chỉ đơn thuần là cái áo để che mưa, như mọi người thường nghĩ. Nó còn rất nhiều công dụng:
Khi mới”vào đời”:
Hạnh phúc nhất.
– Trong Vườn Tao Ngộ. Ngày chủ nhật, ngày thân nhân tới thăm. Nó là chiếc“chiếu hoa”trải ra đón khách. Đôi khi còn trở thành dụng cụ “che chắn tầm nhìn”, bảo vệ cho những kẻ yêu nhau được kín đáo, được tự do bộc lộ nỗi nhớ nhung sau những ngày dài xa cách.
– Khi học về hành quân dã trại. Thêm hai cây cọc đứng, nó hóa thành mái lều nho nhỏ, xinh xinh.
– Thú vị nhất là khi học nơi rừng núi. Ban đêm, với hai đoạn dây dù, nó trở thành chiếc võng để nằm thư thái ngắm trăng sao.
– Khổ sở nhất: Lúc bị “ăn”hình phạt “Tượng đá trùm poncho” (đứng nghiêm giữa trời trưa nắng cháy), hoặc “Poncho bách bộ” (mặc áo mưa cài kín, chấm ngón tay vào đỉnh chiếc nón sắt úp giữa sân trường cát nóng, còng lưng xuống cuốc bộ vòng quanh) thì … Má ơi!…lúc đó, nó chẳng khác chi cái áo giáp sắt đang nung. Tuy không phải là tắm mà sao nước từ khắp châu thân cứ nhỏ giọt tựa mưa rào!
– Ngày tập vượt sông. Dùng tấm poncho, bọc hết áo quần giày nón… vô trong, nó trở thành chiếc phao hữu dụng.
Ra hành quân, nó còn được “sáng chế” ra nhiều lợi ích khác nữa:
– Bọc nước từ dưới suối xa về cho đơn vị sử dụng.
– Đóng quân trên cao độ. Bi-đông lại khô nước. Chính nó là phương tiện góp nhặt, mang về những giọt sương đêm quý hiếm.
-Thêm một hoặc hai cành cây đủ dài, “chế biến”nó để khi thì làm cáng, lúc làm võng tải thương.
– Đêm khuya trời lạnh, mưa dầm, nó là chiếc mền lý tưởng giữ ấm “giấc ngủ tạm thời” cho người chiến sĩ ngoài trận địa, bên hố cá nhân, trong giao thông hào.
– V.V. và v.v ….
– Có những người, vừa đền xong nợ nước, vĩnh viễn ra đi tại chiến trường còn chưa im pháo giặc.
Đường về hiểm trở. Giặc chặn tứ bề. Không còn phương tiện tản thương. Thôi đành …Chào anh ở lại !
Đáng quý nhất.
Chính tấm poncho ấy, lại được dùng để gói trọn thân xác người “Anh hùng Vị quốc Vong thân”. Thay thế lá Quốc kỳ phủ kín đời anh, để rồi …vội vã đưa Anh về với lòng đất Mẹ!
Poncho hỡi! Ngươi là gì của Lính?
Là bạn, là thù, là người yêu câm lặng hoặc là “hóa thân” của lý tưởng Tự Do ? Sao ngươi mãi bám theo người chiến sĩ QLVNCH tới tận phút cuối cuộc đời và có lẽ còn sang cả kiếp sau?!
Xin đa tạ lời gợi ý, khơi nguồn,
từ chú em chưa tới tuổi lính ngày xưa,
một ông thầy trong thời hiện tại !
Saigon 10/10/2015.
Lâm Viên 20
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét